1
Giả sử một ngày đẹp trời nào đó, tôi cầm mi-crô và nói “Hôm nay trời sẽ nắng”. Có người nghe được sẽ nghĩ rằng “Tớ đoán Oreki Houtarou-kun đang kiểm tra mic.” Nhưng một người khác có thể nghĩ là “Oreki Houtarou-kun trên đài phát thanh vừa dự báo rằng trời hôm nay sẽ nắng.” Luận thế nào cũng hợp lý, và nó có đúng hay không thì chỉ là vấn đề ăn may. Thế thì để tăng phần trăm đúng ta sẽ phải thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, khổ nỗi hiếm khi tất cả những thông tin cần thiết đó lại rơi vào tay một người. Nhìn xa hơn, ta thấy rằng dù cái người may mắn đó có nắm trong tay tất cả những thông tin chi tiết tới từng phân thì những cái họ đạt được, có chăng, là một xác suất cao nhất của bản chất vấn đề và chỉ vậy mà thôi.
Đó là ngày đầu tiên của tháng Mười Một. Trong phòng CLB chỉ có Chitanda và tôi. Giờ tan trường chỉ chứng kiến một sự lười biếng cố hữu của mùa thu trôi ngang qua. Đó là khi người ta không có lấy một nỗi lo về những sự kiện nguy hiểm diễn ra trên thế giới. Phóng hỏa, cướp bóc, tiền giả, giết người, đời nào? Với chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng tôi luôn tôn thờ, sẽ thật là vớ vẫn nếu oang oang cãi cố để thể hiện chính kiến về một vấn đề mà chung quy cũng là vì Chitanda luôn miệng tán dương công lao tôi trong “sự kiện Kem Đá”.
Với nhỏ tôi như có trong mình một khả năng đặc biệt có thể giải quyết những bí ẩn mọi lúc mọi nơi. Những lời cười nhạo hay coi thường tôi đều bỏ ngoài tai, nhưng ngược lại thì hơi khó. Tôi bèn chống chế:
“Tóm lại tớ không phiền nếu cậu bảo là may mắn, nhưng xin đừng tôn tớ lên như một vị thánh như thế.”
Biết tính ít nói của tôi, Chitanda tỏ ra sửng sốt với lời bộc phát vừa rồi mà mở tròn mắt. Nhưng không lâu sau nhỏ gật đầu và nở một nụ cười, như thể hiểu cảm giác của tôi.
“Oreki-san thật là khiêm tốn!”
Không, nhỏ chả hiểu gì cả.
Đã gần nửa năm tính từ ngày chúng tôi hạ cánh vào trường Cao trung Kamiyama. Cũng từ cái ngày định mệnh ấy, bầu hiếu kỳ của Chitanda như tìm thấy mọi sự bất thường của cảnh vật quanh đây. Và dĩ nhiên, người “bị” chịu trách nhiệm cùng nhỏ khám phá nguyên do của sự việc là tôi. Sẽ là nói dối nếu bảo rằng tôi chẳng góp công gì trong hai sự kiện “Kem đá” và “Nữ hoàng”. Mà tiện thể thì, vì Chitanda không biết chứ tôi cũng đả động một chút tới sự kiện “Juumoji”.
Nhưng sẽ là tốt nhất nếu giải quyết ổn thỏa ngay tại đây.
“Chitanda, người xưa có câu.”
“Họ nói gì vậy?”
“Lý thuyết và thuốc mỡ dính vào đâu cũng được. Thành thực mà nói thuốc mỡ không hẳn là dính trên mọi bề mặt, nhưng điều này chẳng ảnh hưởng gì đến ý chính của câu.”
Dù tôi nói với bộ mặt nghiêm túc, nhưng chẳng hiểu sao Chitanda nhẹ nhàng che mặt lại để giấu một nụ cười khúc khích. Rồi nhỏ nhìn bản mặt chắc đang đần thối của tôi mà nói:
“Nhiều lúc Oreki-san nói những câu người ta không bao giờ xài nhỉ.”
…Thế à? Tôi không biết đấy.
Nhưng vấn đề không phải chỗ đó. Tôi muốn phản pháo như vậy nhưng Chitanda lại tiếp tục với nụ cười vẫn còn trên môi.
“Tớ chẳng biết tại sao cậu lại dùng câu nói đó, nhưng… A, hiểu rồi. Ý là lý do cậu tìm ra sự thật nhiều lần như vậy không phải vì tài năng mà là do may mắn đúng không? Nhưng cậu không thấy rằng khả năng suy luận từ lý thuyết, hoặc trát hồ vào khe hở giữa những manh mối tự nó đã là một tài năng hay sao? Dù một cái hạt có nảy mầm khi được gieo xuống cũng còn nhờ may mắn nhưng nó sẽ chẳng có nghĩa nếu không được trồng vào vùng đất màu mỡ.”
Khoanh tay lại tôi ngáp dài một cái. Ra đây chính là lý do nhỏ khư khư như vậy. Nhưng tôi sẽ không chịu thua dễ dàng đâu.
“Vậy theo cậu tớ là chuyên gia trát hồ?”
“Không phải sao?”
Tôi đáp trả cái cười tỉnh bơ của Chitanda với một tuyên bố bình tĩnh nhất tôi từng nói:
“Nhiều lúc tớ không có bất kỳ ý niệm hay lô-gíc nào đằng sau những giả thuyết cả.”
Và ngay lập tức bị hoạch lại.
“Đó là vì cậu suy luận khác với người thường.”
Cũng đúng, nhưng… sao tôi vẫn có cảm giác bức bối vì bị chỉ vào cái điểm đó nhỉ?
Đứng lên , tôi nói:
“Vậy thì thế này đi Chitanda. Cậu nêu một tình huống và tớ sẽ cho cậu thấy việc suy ra giả thuyết từ những manh mối không phải cứ muốn là được.”
Tôi chưa từng thách đố ai trước đây nhưng giờ không còn đường lui nữa. Đây là vấn đề sống còn.
Đôi mắt của Chitanda lại nở to hơn nữa. Dựa trên quan sát tôi nghĩ rằng thứ đang chiếm lấy nhỏ là sự hiếu kỳ vô bờ bến tới lời mời tôi đưa ra, hơn là niềm vui với cuộc trò chuyện như lúc nãy.
“Nghe hay quá! Vậy… chúng ta bắt đầu bằng gì đây?”
Nói xong đôi mắt nhỏ liền đảo quanh phòng, tha thiết kiếm tìm một câu hỏi…
Chiếc loa gắn chặt trên đầu tấm bảng dùng để phát thanh vang lên một tiếng báo hiệu sự hoạt động. Cùng một lúc chúng tôi nhìn vào nó. Không lời mở đầu, thông báo vang lên:
“Bất kì ai, vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua hàng ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì, gặp thầy Shibazaki ở phòng giáo viên ngay lập tức.”
Lời phát thanh được nói rất nhanh, sau đó tắt ngấm như chưa có gì xảy ra.
Chúng tôi cũng rời ánh mắt ra khỏi chiếc loa cùng một lúc.
“Việc gì thế nhỉ?”
“Chẳng biết.”
Tôi nói, rồi nhận ra cặp môi của Chitanda dường như sắp mở ra và đầu nhỏ hơi nghiêng một chút. Nhỏ đang vui, và có lẽ tôi biết những lời nhỏ sắp sửa phát ra. Biết ngay, nhỏ nói với giọng đầy hào hứng.
“Dùng cái thông báo này nhé! Hãy đưa ra một giả thuyết dựa vào những điều cậu nghe vừa rồi!”
Hừm.
Tôi miễn cưỡng gật đầu.
“Tốt thôi, tớ chấp nhận đề bài của cậu.”
Tôi sẽ cho nhỏ thấy mình là người không-đáng-tin-tưởng đến mức nào!
2
“Viết lại để không quên nào.”
Vừa dứt lời tôi đã thấy Chtanda lấy ngay một quyển vở rồi rút ra cây bút bi được thiết kế trông y hệt một cây bút mực cổ điển. Giở ra một trang trắng nhỏ bắt đầu viết.
“Bất kì ai, vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì, gặp thầy Shibazaki ở phòng giáo viên ngay lập tức.”
Trí nhớ của Chitanda thật đáng sợ. Đây chắc chắn đúng từng lời so với thông báo. Sau khi viết ra những con chữ đầy thanh lịch có thể dùng làm mẫu cho cuộc thi viết chữ đẹp, Chitanda đặt bút xuống, còn tôi thì khoanh tay trên bàn mà nhìn chăm chú vào trang giấy.
“Đâu tiên, tớ cần biết tất cả chi tiết ở đây có nghĩa là gì. Cậu có biết ‘Koubundou’ không?”
Chitanda gật đầu.
“Thông báo có đề cập là ở trước nhà ga, nhưng chính xác hơn nó cách nhà ga cũng một khoảng đấy. Đó là một cửa hàng bán dụng cụ học tập nhỏ của một cặp vợ chồng lớn tuổi, và đã kinh doanh từ lâu lắm rồi.”
“Cậu đến đó lần nào chưa?”
“Rồi, nhưng chỉ một lần thôi.”
Tôi đang nghĩ về chính câu hỏi của mình, và nhận ra đã lâu rồi không có dịp đến một cửa hàng dụng cụ học tập. Thời đại này có thể mua bút viết tại một cửa hàng tiện lợi hay bất cứ một hiệu sách nào cơ mà. Thế ra vẫn tồn tại những cửa hàng chuyên về những mặt hàng như vậy.
“Ở đó có bán những đồ đặc biệt không? Như cọ vẽ loại xịn, hay cái bảng kì lạ mà Ibara dùng để vẽ manga ấy?”
“Hình như là có bán bảng họa tiết[1]… Nhưng không, cửa hàng đó rất nhỏ nên chỉ có những thứ rất bình thường thôi. Trường tiểu học Kita ở gần đó nên nơi này có mọi thứ mà một học sinh tiểu học cần.”
Hiểu rồi.
Tôi nhìn vào các con chữ trên trang giấy một lần nữa.
“Shibazaki là một giáo viên dạy ở đây à.”
Chitanda cười khúc khích.
“Oreki-san không giỏi nhớ tên nhỉ? Thầy Shibazaki là thầy tổng phụ trách đó.”
À, giờ thì tôi nhớ đã nghe cái tên ấy trong lễ khai trường. Có một thầy tổng phụ trách đầu gần như là trọc lóc cùng một thầy tóc bạc trắng, nhưng không biết thầy nào là thầy Shibazaki. Mà thôi, cũng chẳng cần quan tâm làm gì.
Rồi, bây giờ không còn từ lạ nào nữa. Không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh. Tôi trung thành với phương châm sống này nhưng đây là một cuộc thi. Ít nhất lần này tôi phải bỏ chút sức lực vào. Nghiền ngẫm thêm mười giây nữa, tôi từ từ mở miệng ra:
“Đầu tiên…”
“Đầu tiên là gì?”
“Chúng ta biết thầy Shibazaki đang cố gắng gọi một học sinh.”
Một nụ cười khó có thể gọi là nghiêm túc hiện lên trên gương mặt của Chitanda, như thể nhỏ đang cố cười trước một câu chuyện hài dở tệ.
“Ừ. Tớ cũng thấy vậy.”
Lời của nhỏ muốn khẳng định mình đang kiên nhẫn, nên tôi đành bào chữa cho mình:
“Đây là một cuộc thi. Tớ phải cẩn trọng.”
Tồi tiếp tục.
“Tớ tạm gọi người đó là ‘Học sinh X’.”
“Nghe cứ như là đang điều tra thật ấy nhỉ!”
“Lúc này chúng ta không biết Học sinh X là chỉ một hay nhiều người.”
Nếu đối tượng là nhiều học sinh, thì người đưa ra thông báo hẳn phải nói : “Tất cả những người mua đồ ở Koubundou” hay “Những ai mua đồ ở Koubundou”, chứ dùng từ “bất kì ai” thì chưa được mạnh.
Tuy nhiên phán đoán tiếp theo của tôi khó mà sai được.
“Thầy Shibazaki có lẽ định giáo huấn Học sinh X một trận. Hay nói cách khác là chuẩn bị mắng người ấy vì một lý do nào đó.”
Nghe thế, Chitanda nghiêng đầu rồi dán chặt mắt vào từng từ trên trang giấy. Một hồi sau nhỏ ngẩng mặt lên và nghiêng đầu một lần nữa, tỏ ra nghi ngờ.
“Tại sao cậu lại nghĩ vậy?”
Tôi tự tin đáp:
“Vì một học sinh chỉ bị gọi lên phòng giáo viên khi có chuyện xấu xày ra, dựa trên kinh nghiệm của tớ.”
“Oreki-san… cậu chẳng nghiêm túc chút nào.”
“Từ lúc vào trường tới giờ đây là lúc tớ nghiêm túc nhất. Cũng có thể nói đây là lần đầu tiên tớ trở nên nghiêm túc tới vậy.”
Thấy Chitanda không thèm nói gì, tôi bèn thêm vào.
“Hơn nữa, nếu muốn tuyên dương ai thì thầy đã không dùng một câu như ‘Bất kì ai, vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì’ vì nó có thể hàm cả ý tốt lẫn xấu đúng không? Thầy sẽ phải nói rõ ràng hơn. Không học sinh nào cảm thấy ổn khi được gọi như thế cả, kể cả tớ. Cách thầy dùng từ có thể khiến người biết chuyện quá sợ mà không dám tới.”
“Nghe có vẻ đúng.”
Nhỏ đồng ý, dù tôi đã nửa đùa nửa thật với lời vừa rồi. Kệ, tiếp tục nào. Tôi tiếp tục chơi trò đuổi bắt những ý nghĩ đang chạy trong đầu và sắp xếp chúng cho trật tự.
“Thầy nói là ‘Koubundou trước nhà ga’, chứng tỏ cửa hàng này không được nhiều người biết đến.”
“Ừm, cậu cũng không biết mà.”
“Ừ, nhưng X phải biết Koubundou. Thế thì không cần phải nhấn mạnh cụm từ ‘trước nhà ga’ đúng không?”
Tuy nhiên Chitanda đáp lại nhát gừng.
“Đó là vì có tới ba cửa hàng mang tên Koubundou trong thành phố Kamiyama lận. Ngoài cửa hàng bán dụng cụ học tập trước nhà ga còn có một tiệm bán đồ thờ Phật gần trường trung học thương mại Kamiyama, cùng một cái hiệu sách trên đường cao tốc.”
Vậy sao.
Gì nữa nhỉ. Khoanh tay lại, hạ cằm xuống, nhìn chằm chằm vào các con chữ tôi lại suy nghĩ. Một tiếng rên rỉ choán lấy nửa sau của cổ họng.
Ở trường thì thông báo thông thường sẽ như thế nào? Dĩ nhiên phải bao gồm tên của học sinh được gọi, nhưng còn gì nữa? Suy nghĩ theo hướng đó một ý tưởng chợt nảy ra.
“Dù người học sinh này có được gọi vì điều gì thì nó cũng là việc khẩn cấp. Thầy Shibazaki đang sốt ruột.”
Dùng cây bút bi Chitanda khoanh vào cụm từ “ngay lập tức” trên giấy.
“Thầy ấy có nói ‘ngay lập tức’ này.”
“Không, họ luôn nói vậy khi cần kêu ai. Ý tớ không phải thế.”
Tôi tiếp tục khi nhận ra ánh nhìn khó hiểu của Chitanda.
“Có một chuẩn chung cho các thông báo của trường, nhưng cái này lại bị làm khác nên tớ biết được thầy đang trong tình trạng không bình thường.”
“Hở…”
“Ví dụ như muốn gọi tớ tới phòng học lớp 1-A thì cậu sẽ nói thế nào”
Chitanda suy nghĩ một cút, đặt tay gần miệng và nuốt nước miếng.
“Sẽ là một câu như ‘Oreki Houtarou-san lớp 1-B, hãy đến gặp Chitanda Eru tại phòng học lớp 1-A ngay lập tức.’ “
“Chỉ thế thôi à? Chẳng phải nguyên ngày hôm nay có tới mấy cái thông báo sao? Cố nhớ ra nó như thế nào xem.”
Chitanda bặm môi và nghĩ thêm một chút. Dựa trên những cái nghiêng đầu qua lại tôi đồ rằng nhỏ sẽ tốn hơi lâu đây. Đành trả lời luôn vậy, tôi cũng nên gấp rút.
“Tớ sẽ nói thế này: “Chitanda Eru lớp 1-A, hãy đến gặp Oreki Houtarou tại phòng học lớp 1-B ngay lập tức…’”
“Vậy có khác gì đâu?”
“… ‘TÔI NHẮC LẠI. Chitanda Eru lớp 1-A, hãy đến gặp Oreki Houtarou tại phòng học lớp 1-B ngay lập tức.’ “
Tôi nhìn thấy Chitanda há hốc vì kinh ngạc.
“Không chỉ là trong trường. Hầu hết các thông báo kiểu này đều có phần lặp lại vì nhiều khả năng người ta sẽ không nghe hết nếu chỉ nói một lần. Tuy nhiên cái thông báo này chỉ được nói một lần, chính vì điểm khác thường này mà tớ nghĩ tình hình đang gấp rút.”
Chitanda gật đầu lia lịa, vậy là nhỏ đã đồng ý.
Đạt được luận điểm rằng người thông báo đang vội, tôi tiếp tục có cảm giác về một thế cờ có từng nước đi nối nhau. Thay vì hiểu xem cái cảm giác kì lạ đó là gì, tôi chỉ biết thả mình trôi theo dòng suy luận.
“Và không chỉ là vội không đâu, tớ nghĩ phải là trường hợp khẩn cấp.”
“Ý cậu là sao?”
Đột ngột tôi nhận ra cả mình và Chitanda đều rướn người về phía trước quá mức cần thiết. Nhận ra độ gần của đôi mắt to phát sợ kia tôi liền lùi lại.
“Vì thông báo này được thực hiện sau giờ học.”
Chitanda, người vẫn còn rướn mình, bặm môi hờn dỗi.
“Cậu đừng nhảy qua phần giải thích mà.”
“ ‘Nhảy qua’! Ôi nghe thật dễ thương.”
“Oreki-san!”
Ưm, không ổn rồi. Trông con mắt thì hình như Chitanda đã giận.
Mà, việc bỏ qua phần giải thích cũng không hẳn là do cố ý. Tôi chỉ sợ mình sẽ quên mất lời kết luận nếu không nói ra sớm. Dù sao thì bây giờ tôi cũng sẽ sang phần giải thích. Bắt chước Chitanda, tôi nuốt nước miếng
“Dễ hiểu thôi. Dù là trường hợp gì đi nữa thì thực hiện một thông báo sau giờ học là rất thiếu hiệu quả. Cao trung Kamiyama đúng là có nhiều CLB thật đấy, nhưng không đồng nghĩa mọi học sinh đều ở lại trường để tiêu phí năng lượng của mình vào hoạt động CLB. Một số lượng đáng kể sẽ về nhà. Chẳng phải thế mà một thông báo nên được thực hiện trong thời điểm mà mọi học sinh được giả định sẽ đều ở tại trường, ví dụ như giờ ăn trưa hay trước và sau tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Biết rằng bây giờ là sau giờ học mà họ vẫn thông báo, nghĩa là…”
Dừng lại, tôi suy nghĩ một chút.
“Trước hết, lý do đằng sau việc gọi học sinh chỉ xảy ra sau giờ học, tức là mới đây. Hơn nữa nó quá quan trọng nên họ không thể chờ đến ngày mai để thông báo. Tóm lại thầy Shibazaki đã đánh cược khả năng là X chưa đi về nhà.”
Trong lúc nói tôi nhận ra biểu cảm cứng đơ của mình. Nụ cười của Chitanda vì niềm hào hứng cho trò chơi mang lại bây giờ cũng biến mất. Đôi mắt lấp đầy bởi một ánh nhìn nghiêm túc, Chitanda khẽ nói:
“Oreki-san… Chuyện này có mùi ki-na quá nhỉ?”
Ki-na?
“Chitanda, cụm từ thông dụng là ‘có mùi nghi vấn’.”
“Ơ? Vậy là tớ không được nói là có mùi ki-na à? Đó loại cây cho ra chất ki-nin đấy.”[2]
“Hội đồng ngôn ngữ sẽ nổi giận nếu cậu dám lẫn lộn một cụm từ như vậy.”
Tôi cười sau khi đùa một câu kiểu-Satoshi nhưng cảm giác trong lòng thì y hệt Chitanda. Trò chơi của chúng tôi dường như đang hướng theo một chiều không hay rồi đây.
Chưa kịp nghĩ thêm thì một manh mối lại hiện ra.
“Suy luận tiếp theo. Thầy Shibazaki không muốn công khai những gì sẽ nói với X. Chúng ta không thể biết là trong khoảng thời gian này, hay mãi mãi nó sẽ không bao giờ được công khai.”
“Vì thầy không nói lý do gọi X ra đúng không?”
Nói thế là đúng rồi, nhưng đầy là cơ hội thể tôi thể hiện một chút.
“Chính xác, nhưng còn một cách giải thích rõ ràng hơn.”
Chitanda lại nhìn chằm chằm vào trang giấy như thể nó sẽ xua đi mọi nghi vấn của nhỏ. Nét mặt của Chitanda luôn dịu dàng, không như Ibara cảm xúc của nhỏ không thực sự mãnh liệt nhưng nó vẫn mang trong mình một nội lực như có thể cắt xuyên trang giấy. Tuy vậy tôi đành phải dội một gáo nước lạnh vào sự hào hứng của nhỏ.
“Chỉ nhìn vào những con chữ không giúp cậu tìm ra được gì đâu. À, thực ra cũng có, nhưng không hẳn là như thể.”
“Ưm, tớ không hiểu.”
Tôi gật đầu với Chitanda khi nhỏ ngẩng mặt lên.
“Thầy Shibazaki là tổng phụ trách. Ngôi trường nào trên đất nước này cũng có một ông thầy như vậy, nhưng kể cả ở trường Kamiyama giáo huấn học sinh không phải là việc của tổng phụ trách mà là của Ban Quản Giáo.”
“Đúng rồi. Thầy Morishita mới thường là người đưa ra những thông báo như thế này.”
“Ban Quản Giáo chắc hẳn có phòng riêng cho mình đúng không?”
“Đúng, nó ở trên tầng hai dãy chính.”
Chitanda đáp lại ngay tắp lự, có lẽ muốn đẩy nhanh cuộc bàn luận. Theo phản xạ tôi cũng nói nhanh hơn:
“Nhưng X lại được thầy Shibazaki gọi tới phòng giáo viên. Chẳng phải thế là vượt quyền sao? Một người tổng phụ trách, giữ chức vụ quản lý những vấn đề chung của toàn trường lại qua mặt Ban Quản Giáo để gọi trực tiếp X lên chất vấn. Điều này nghĩa là vấn đề đã đủ lớn để được liệt vào cấp quan trọng đối với trường. Dĩ nhiên cũng có thể cả Ban Quản Giáo bị ngộ độc thực phẩm đồng loạt nhưng ta bỏ qua những trường hợp quá đặc biệt như vậy. Dù sao thì nếu xem xét cả những tình huống không ngờ chen chân vào sự việc thì tại sao chúng ta lại không đổ hết lý do cho người ngoài hành tinh đúng không? Sẽ là tốt nhất nếu giả định rằng những nhân vật liên quan trong đây đều là người bình thường.”
Tạm thời tôi không nói thêm gì.
Với bầu im lặng kéo theo, Chitanda gật gù một chút, có lẽ để tiêu hóa hết mớ suy luận trước đó. Một hồi sau nhỏ nhìn vào mắt tôi.
Với một giọng nói đầy lo âu, Chitanda thì thầm.
“Nếu xem giả thuyết của cậu là đúng, thì X dường như đã liên quan tới một sự việc rất xấu…”
“Chính cậu có thể nói rõ hơn mà.”
“Tức là…”
Tôi gật đầu.
“Kết luận rút ra từ các dữ kiện nãy giờ : X đã dính líu đến một vụ phạm tội.”
3
X đã dính líu đến một vụ phạm tội.
Tôi cười vào chính sự không chắc chắn trong lời nói của mình, nhưng rồi lại tiếp tục suy nghĩ theo hướng đó. Đúng thế, những gì tôi đang làm với Chitanda chỉ là một trò chơi. Giả thuyết của tôi không cần phải đúng, cơ mà chẳng phải tôi đồng ý làm chuyện này nhằm chứng minh cho nhỏ thấy những suy luận của mình không phải lúc nào cũng đúng với thực tế cơ mà? Cứ thoải mái đi.
Có lẽ nhận ra sự thay đổi trong tôi, Chitanda cũng trông thoải mái hơn chút. Nhỏ hỏi với giọng bình thản:
“Vậy tội danh ở đây có thể là gì?”
Tôi đưa tay ra báo hiệu dừng lại.
“Chờ đã, trước khi đến điểm đó tớ có một suy luận bổ sung. Giả sử mọi thứ đều ổn, không có dấu hiệu của cảnh sát ở trường, thì nhiều khả năng đã có một quan chức từ bên liên quan đang có mặt ở phòng giáo viên.”
“Một tổ chức liên quan tới cảnh sát à?”
“Nhiều lắm, từ Đội Điều tra đặc biệt của Phòng công tố Quận cho tới Ủy ban Thuế quốc gia. Khả năng cao có một người từ đó đang ở đây đến từ một chi tiết tớ đã nhắc đến trước đó… Cậu có nhớ là gì không?”
Ánh mắt của Chitanda cắm xuống đất trong một thoáng, nhưng rồi nhỏ bỏ cuộc mà lắc đầu. Thấy thế tôi nhẹ gật một cái.
“Tớ tin rằng đó là lúc tụi mình sắp kết thúc phần bàn luận về việc gọi học sinh sau giờ học. Dù nghĩ kiểu gì đi nữa cũng sẽ thấy việc thông báo trong thời điểm này là phi lô-gic khi mà rất nhiều học sinh đã về nhà. Nhưng họ vẫn thông báo, và như tớ đã nói nguyên nhân của việc này chỉ đến mới lúc nãy mà thôi.”
Duỗi tay ra, tôi chỉ vào một cụm từ trên trang giấy.
“Tuy nhiên, nếu hành vi phạm tội đó có thực thì theo thông báo nó đã xảy ra vào ngày ba mươi mốt tháng Mười, nhưng hôm nay – đúng hơn là mới nãy – nó mới được thực hiện, và thực hiện trong lúc vội vã. Như vậy chúng ta có thể hiểu chính điều tra viên của bên liên quan, người mới đến, đã đưa ra yêu cầu như vậy.”
“Nhưng họ cũng có thể yêu cầu qua điện thoại mà?”
“Có thể, nhưng sẽ là an toàn nếu giả thuyết những người điều tra viên ấy muốn tóm X. Để làm vậy họ cần đích thân đến đây.”
“Tóm ư…”
Tiếng thì thào của Chitanda càng tỏ ra lo lắng hơn. Chẳng phải mới nãy nhỏ còn điềm tĩnh sao? Đúng lá Chitanda…
Nhỏ hỏi:
“Oreki-san, ý của cậu là X có trách nhiệm với hành vi phạm tội đúng không?”
Tôi không thể hiểu mục đích của câu hỏi đó.
“Ý cậu ‘chịu trách nhiệm’ nghĩa là sao?”
“Nghĩa là, cậu nghĩ rằng X không phải nạn nhân hay là nhân chứng, mà là người dính líu đến kẻ phạm tội đúng không?”
Ra vậy. Tôi trả lời ngay.
"Đúng thế"
"…"
“Nếu không trầm trọng thì thầy Shibazaki đã không cần vội. Thầy có thể thông báo vào sáng hôm sau, khi toàn thể học sinh có mặt đúng chứ?”
Chitanda miễn cưỡng gật đầu.
Rồi, đã đến điểm then chốt của bí ẩn. Giống như cách chúng tôi cùng nhìn lên cái loa, lần này hai đứa cùng nhìn vào trang giấy trong một lúc.
“Rồi, quay lại vấn đề tội danh. Chính xác là X, người đã mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì đã phạm tội danh nào. Cậu nghĩ sao Chitanda? Có ý tưởng gì không?”
Đưa ngón trỏ lên môi, nhỏ liền đáp:
“Thật là buồn, nhưng tớ chỉ nghĩ được mỗi tội lấy trộm.”
Về ai hay về cái gì mà nhỏ buồn nhỉ?
“Hay… một khả năng là hành vi phạm tội được thực hiện ở một nơi khác, và điều tra viên được biết một người nào đó có mô tả giống như thủ phạm đã mua đồ ở Koubundou. Dựa trên những mô tả đó mà họ tìm đến đây. Như vậy tội danh có thể… là bất cứ tội danh nào.”
Ừm, thời gian ít ỏi như vậy mà nhỏ đưa ra được một giả thuyết hay đấy chứ. Thế nhưng tôi phải lắc đầu.
“Ngoại trừ lấy trộm thì chẳng có cái nào được hết.”
“Tại sao?”
“Nếu xem giải thuyết của cậu là đúng, thì điều tra viên đã biết những đặc trưng của X. Với những thông tin đó sẽ là rất kì quặc nếu thầy Shibazaki chỉ gọi chung chung những người mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì. Vì sự việc diễn ra ở Koubundou nên chúng ta có quyền xem là X đã thực sự mua đồ ở đó...”
Sau khi nói tôi liên cảm thấy gì không đúng. Trong khi cố chỉ ra điểm kì lạ ấy tôi không nhận ra mình đã im thin thít. Chitanda cũng chờ đợi trong yên lặng. Thông báo đó có nhằm để thủ phạm tự nộp mình hay không? Không, không đúng.
“Giả thuyết : Điều tra viên chẳng biết tí gì về X cả.”
“Đó là điều cậu chỉ ra rồi mà?”
“Nhưng họ tin rằng X sẽ lộ diện nếu nghe lời thông báo.”
Đúng thế, đó là chỗ tôi cảm thấy kì lạ.
Nếu đặt mình vào vị trí thủ phạm mà nghe thấy lời thông báo, tôi có lẽ sẽ nghĩ thế này : “Mấy cha cảnh sát vẫn chưa biết là mình làm! Kiểu này thoát chắc rồi!” Có điên mới tự giác đứng trước thầy Shibazaki và nói rằng mình làm điều đó.
Trong điều kiện nào thủ phạm sẽ ra đầu thú khi nghe cái thông báo này đây?
Tôi gãi đầu, lại đặt cằm lên tay rồi nhìn xuống trang giấy.
Nếu một người cảm thấy hối hận vì hành vi phạm tội của mình, họ có thể sẽ đầu thú. Nhưng như vậy thì X đã phải bị bắt chứ chẳng cần tới thông báo ngày hôm nay. Vậy nghĩa là sao?
“Hưm…”
Một âm thanh vụt ra khỏi miệng tôi.
“Cậu vừa nghĩ ra điều gì à?”
Tôi không trả lời, thay vào đó nhìn vào đồng hồ. Đây là một sản phẩm khá kì lạ với cả hiển thị bằng kim và bằng số cùng với chức năng hiển thị lịch, dù rằng đồng hồ loại này gần đây không hiếm lắm…
“Ra là vậy.”
“Gì cơ?”
“Tạm bỏ qua tội danh mà X gây ra là gì, nhưng hãy giả thuyết rằng X – vì hối hận về những gì mình làm và muốn xin lỗi – đã viết một lá thư.”
Chitanda mở tròn mắt với sự thay đổi bất chợt. Cao giọng, nhỏ hỏi:
“T-tại sao cậu lại nghĩ thế? Bộ có dữ kiện gì từ lời thông báo hay sao?”
Tôi đáp trả cũng bằng một câu hỏi.
“Chitanda, hôm nay là ngày mấy?”
Tỏ ra bất ngờ, nhưng nhỏ không chần chừ lâu.
“Ngày một tháng Mười Một.”
Tôi đã biết hôm nay là ngày đầu tiên tháng Mười Một rồi, vừa kiểm tra trong đồng hồ xong. Chỉ vào một chỗ trên trang giấy, tôi nói:
“Vậy hôm qua chính là ngày ba mươi mốt tháng Mười đúng không?”
Chitanda nghiêng đầu.
“Đúng là vậy, nhưng…”
“Cậu chưa nhận ra sao? Thật ra cũng phải tới giờ tớ mới thấy, nhưng cậu không thấy lạ à? Tại sao thầy Shibazaki không nói là ‘HÔM QUA mua đồ ở Koubundou trước nhà ga’ ?”
Chitanda sửng sốt.
“Đúng rồi, cậu nói tớ mới thấy thế là hơi kì.”
“Tại sao thầy lại dùng ‘ba mươi mốt tháng Mười’ thay cho ‘hôm qua’ nào? Đó là bởi vì trước mặt thầy bấy giờ là một ghi chú nào đó có chứa cụm từ ‘ba mươi mốt tháng Mười’, và thầy chỉ nhìn theo mà đọc. Vậy, bàn về cái ‘ghi chú’. Làm thế nào để điều tra viên biết rằng X có liên quan nhưng lại chẳng biết gì về X? Tại sao họ tin rằng X sẽ xuất hiện nếu họ đưa ra lời thông báo? Diễn giải một cách khác,
là tại sao họ nghĩ rằng X sẽ hối hận về điều mình đã gây ra?”
Dừng lại, tôi hít sâu một cái.
“Là vì X đã viết một bức thư gửi tới tiệm Koubundou để xin lỗi vì việc đã làm. Đại loại thế này: ‘Thành thật xin lỗi, nhưng vào ngày ba mươi mốt tháng Mười cháu đã mua đồ tại cửa hàng của ông bà và làm điều không phải.’ Đã là học sinh cao trung thì chỉ xin lỗi không quả là khó chấp nhận, nên có thể bức thư sẽ tiếp tục như ‘Cháu sẽ bồi thường thiệt hại, nên xin hãy nhận cái này và cái kia.’ Chủ tiệm Koubundou đã mang lá thư đến cảnh sát, và một hay một nhóm người có nhiệm vụ đã đến trường Kamiyama cùng lá thư. Chuyện chỉ mới xảy ra không lâu, và rồi thầy Shibazaki trong tình trạng nôn nóng đã vừa đọc thư vừa phát thông báo. Nhìn vào dòng chữ, thế là thầy cứ thế mà ‘vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì’…”
“Chờ đã!”
Một âm thanh cực kỳ gãy gọn.
“Như cậu nói X muốn viết thư để xin lỗi chủ tiệm Koubundou nhưng lại không muốn dính dáng đến cảnh sát đúng không?”
Bức thư không chỉ thể hiện lòng hối lỗi mà còn là một sự thỏa hiệp để giữ im lặng. Tôi gât đầu.
“Nếu như vậy X sẽ không sơ suất mà nhận rằng mình là học sinh trường Cao trung Kamiyama trong thư. Tại sao cảnh sát vẫn biết điều đó? Mặt khác, nếu không biết họ sẽ phải gửi lời yêu cầu tới tất cả các trường cao trung trong thành phố, và nếu biết rằng X chưa chắc là học sinh trường mình thầy Shibazaki sẽ không cần vội vàng như vậy?“
Cũng phải. Nhỏ khá sắc bén đấy. Tôi lại phải nghĩ một chút.
“Cành sát có lẽ đã hỏi ông bà chủ tiệm Koubundou rằng họ có nghĩ đến ai không, và họ trả lời rằng có thể là học sinh trường Cao trung Kamiyama…”
“Nhưng làm sao họ biết?”
“Hiển nhiên là vì X đang mặc đồng phục. Vả lại, vì giờ đây có thể mua bút viết hay sách vở tại những cửa hàng tiện lợi nên tớ không nghĩ sẽ có nhiều người đến mua ở Koubundou. Thêm vào đó nếu X đã có những biểu hiện bất thường thì chủ tiệm sẽ càng nhớ đến.”
“Biểu hiện bất thường sao?”
Tôi im lặng.
Đây có thể là chìa khóa để tìm ra chính xác X đã phạm tội gì. Để sắp xếp những manh mối tôi bàn nói lớn những gì mình đang có trong đầu:
“X đã làm điều gì khiến bản thân nổi bật nhưng chính điều đó lại chưa phải là tội. Hành vi phạm tội diễn ra sau đó, và là thứ mà chủ tiệm không nhận ra ngay cho tới khi nhận được bức thư. X hối hận về những gì mình làm. Đó là một lỗi lầm tồi tệ, và những gì X làm đủ để khiến cảnh sát chú ý. Vậy tội danh X đã phạm là…”
Liếc nhìn Chitanda, tôi thấy cổ họng nhỏ di chuyển trong khi chăm chú lắng nghe.
Tôi kết luận.
“Đây là một tội nặng hơn nhiều so với trộm vặt.”
“Và đó là?”
Đến phần cao trào rồi. Rời mắt khỏi cái cổ họng của Chitanda, tôi nhìn vào trang giấy, phần “Bất kì ai, vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì”.
X mua một cái gì đó. Điểm này đã được biết.
Cùng lúc, hắn gây nên một hành động đáng nghi rồi thực hiện hành vi phạm tội.
Koubundou bán dụng cụ học tập cho học sinh tiểu học, nơi đó chẳng có gì đáng giá.
Tôi cũng nhớ ra, báo sáng nay đưa đầy những tin về tình hình tội phạm như mọi khi. Có phóng hỏa, cướp bóc, giết người, cùng với…
Tôi thở dài.
“Ôi trời…”
“Ôi trời?”
Một học sinh Cao trung đi vào cửa hàng bán dụng cụ học tập cho học sinh tiểu học sau giờ học. Người ấy quơ đại một món hàng có giá trị thấp trên quầy rồi ngần ngừ rút ra tờ mười ngàn yên, vậy nên đã bị chú ý.
“X đã sử dụng tờ mười ngàn yên giả để trả tiền.”
4
“NHƯNG!”
Chitanda, người nãy giờ đã một tấc không di trong lúc tôi đang nói đột nhiên đứng phắt dậy. Nhỏ bắt đầu nói liên hồi, cứ như lá bùa im lặng đã bị phá vỡ chỉ bằng một từ “nhưng”.
“Nhưng, nhưng, nhưng điều đó là không thể! Không thực! Không có lý! Thất bại cả rồi! Thật là thảm họa!”
Chứng kiến sự mãnh liệt kinh hoàng của Chitanda và nhận ra nhỏ sắp sửa lao ra khỏi ghế mà bóp cổ tôi đến nơi, tôi giật ghế lại để thoái lui. Dừng nhỏ lại bằng một cử chỉ, trong đầu tôi bất chợt nghĩ về một dũng sĩ đang thuần phục một chú bò mộng.
“B-bình tĩnh nào Chitanda. À phải rồi! Đây chỉ là trò chơi đúng không? Cậu nổi nóng như vậy cũng đâu có được gì?”
“Nhưng điều đó là không thể!”
Hửm. Nhỏ dùng từ “không thể” thay vì “không tin được” à?
Nheo mắt lại, tôi nhìn Chitanda.
“Theo cậu tại sao là không thể?”
Chitanda, bấy giờ đang chống cả hai tay lên bàn mà rướn sát mặt tôi, trở về vị trí ban đầu và tằng hắng một chút như cảm thấy xấu hổ vì hành động vừa rồi. Nhỏ cố gắng biểu cảm bình thường mà nói:
“Tờ tiền giả được sử dụng có mệnh giá mười ngàn yên, và cậu kết luận rằng X đã dùng một tờ mười ngàn yên dựa trên tin tức sáng nay đúng không?”
Tôi gật đầu.
“Nhưng đâu có cách nào mà X, một học sinh trung học, tại có trong tay một tờ tiền như vậy? Và dù có đi nữa người ấy cũng có quyền đổi lại mà!”
“Là sao?”
Quả thực là tôi đang bị chậm. Tôi thậm chí còn không hiểu tại sao lại hỏi Chitanda câu đó nữa. Dù có tỏ ra chút bực bội nhỏ vẫn trả lời:
“Làm thế nào mà X, một học sinh trung học không bán buôn một thứ gì lại có thể giữ một tờ tiền giả?”
Tôi trả lời mà không nghĩ nhiều.
“Từ máy ATM chăng?”
“Không dễ để tiền giả có thể qua mặt được máy ATM hay ngân hàng đâu! Và nếu chất lượng nó tốt đến thế thì X đâu cần phải lo sợ?”
“Có thể X được thối lại thì sao?”
Nói xong tôi liền ngậm miệng để nuốt lại sự ngốc nghếch của mình. Ơn trời Ibara không ở đây, ai biết được nhỏ sẽ chì chiết tôi cỡ nào. Vì Chitanda khác xa Ibara nên nhỏ chỉ nhìn tôi với một nụ cười thay vì sỉ vả.
“Đúng đấy. Có lẽ cậu đã nhận ra rồi. Một tờ tiền mười ngàn yên không thể được dùng để thối lại. Ngoài tiền đồng ra thì mười ngàn yên là mệnh giá lớn nhất của một tờ tiền Nhật Bản.”
Cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao lại hỏi Chitanda câu đó.
Làm cách nào X có được tờ tiền giả đó để mà xài? Tiền được gọi là giả khi nó được làm bởi một nguồn không chính thống, và khi được sử dụng trong việc mua bán thì nó không thể được dùng để thối lại cho khách, và dù nó có được lưu chuyển giữa các cửa hàng với nhau thì cuối cùng cũng phải tới ngân hàng, nơi thời gian sống của nó sẽ kết thúc.
Tôi bèn gật gù.
“Ừm, tớ hiểu ý cậu. Dù ba của X là nhân vật quyền thế, nhận được tờ tiền giả và vô tình cho X làm tiền túi thì…”
Tỏ ra mãn nguyện, Chitanda gật đầu.
“Thì X sẽ nói ngay với ba mình. Như nãy tớ đã nói nếu được nhận theo kiểu này X hoàn toàn có quyền đổi lại.”
Cao trung Kamiyama cấm học sinh làm thêm, nhưng dù X có lén làm thì cũng chẳng có gì thay đổi. Nếu X nhận tiền lương bằng chuyển khoản thì không có khả năng “được” nhận tiền giả, còn nếu nhận trực tiếp thì X sẽ có quyền đòi đổi, đó là xét trường hợp tên sếp ấy không làm ăn phi pháp. Cũng như trường hợp cả Ban Quản Giáo ngã bệnh vì ngộ độc thực phẩm tôi sẽ không quan tâm tới khả năng ông chủ hay ba của X độc ác tới mức không cho đổi, đơn giản vì nó quá phi lý.
Rồi, vậy thì…
“Lỡ là lượm được thì sao?”
“Lượm được? Ý cậu là tiền bị rớt trên đường à?”
“Kẻ làm tiền giả có thể muốn phi tang chứng cứ, đại loại vậy.”
Đó cũng là một cái đoán mò, nhưng dĩ nhiên tôi cũng không để tâm lắm. Như dự kiến Chitanda lắc đầu.
“Khó mà vậy lắm.”
Vừa định hỏi tại sao thì chợt tôi nhận ra một chi tiết lạ.
Giả sử X đi học cả hai ngày thì thời điểm hắn gửi lá thư tới Koubundou là từ sau giờ học hôm qua tới trước giờ học hôm nay, còn không thì khoảng thời gian sẽ kéo dài đến trước khi lời thông báo được đưa ra. Trong cả hai trường hợp thời gian đều khá ngắn. X thực sự thấy tội lỗi vì sử dụng tiền giả, nếu không hắn đã chẳng gửi thư xin lỗi sớm đến vậy. Khó mà tưởng tượng ra một người dùng tờ tiền giả mới lượm được với một cặp vợ chồng lớn tuổi trong một cửa tiệm nhỏ chỉ để mua một món dụng cụ học tập.
“Ưm, cách để nhận được tờ tiền à… Nếu không tìm ra thì những giả thuyết tụi mình xây dựng từ nãy giờ chẳng khác nào một lâu đài cát.”
“Nè, nãy nói thế nào mà giờ cậu cũng dùng thành ngữ kìa.”
Đùa là thế nhưng tôi phải biết ơn sự tập trung của Chitanda. Chỉ là những chi tiết nhỏ thôi, nhưng như người ta nói một lỗ nhỏ nhấn chìm con tàu lớn. X sở hữu tờ tiền giả như thế nào, và tại sao phải dùng nó?
Tôi lẩm bẩm.
“Mười ngàn yên à.”
Đó không phải một số tiền quá lớn để phải mơ tới, nhưng cũng đủ làm người ta tiếc nuối nếu để mất.
Đó là một số tiền mà người ta phải miễn cưỡng lắm mới từ bỏ…
Hiểu rồi.
Tôi khoanh tay lại.
“Chitanda, cậu thích tiền chứ?”
Hơi bất ngờ với câu hỏi nhưng Chitanda vẫn trả lời.
“Có, tớ nghĩ vậy. Tớ sẽ nói là tớ thích nhiều hơn là ghét nó.”
“Vậy cậu có buồn khi phải vứt một tờ mười ngàn yên đi không?”
“Tớ sẽ buồn.”
Xem chừng là vấn đề quan trọng, Chitanda kéo ghế sát về phía tôi mà th6m vào đầy khoan thai.
“Nhưng chỉ khi nó không từ một nguồn bất chính thôi.”
Chitanda xứng danh một tiểu thư nhà gia giáo. Người ta giết nhau cũng vì những cái đó, dù có là Nhật Bản đi nữa. Tôi hiểu những gì nhỏ nói. Nếu tờ mười ngàn đó danh chính ngôn thuận là của mình sẽ không đời nào tôi muốn mất nó. Lỡ mà đánh rơi tôi sẽ xới từng hạt cát của thành phố lên để tìm. Nhưng nếu nó là “đồ giả”, hay nói cách khác là tiền nhặt được, trộm được, hoặc thắng khi đánh bạc có lẽ tôi sẽ chỉ coi nó là phù du…
Người xưa cũng nói mà, dễ đến thì dễ đi.
Đó có thể cũng là lý do X dù cảm thấy tội lỗi nhưng vẫn sử dụng tiền giả. Hắn không muốn phí phạm tiền của chính mình. Trong trường hợp đó tờ mười ngàn yên không đến từ một nguyên nhân bất hợp pháp. X không phải kẻ làm tiền giả, đồng thời cũng không phải tòng phạm. Vậy thì…
“Theo tớ, X nhận được tờ tiền từ ai đó.”
Chitanda, người đang dán chặt mắt xuống quyển vở, ngước lên.
“Và nhận với tư cách là tiền hợp pháp. Nếu không phải lương bổng hay trợ cấp thì chỉ còn một khả năng duy nhất… đó là tiền trả lại cho những khoản nợ tích lũy trước đó. Tớ chắc rằng X cảm thấy khó chịu khi nhận ra tiền mình nhận được là giả. Có lẽ hắn đã nghĩ kiểu: ‘Đây là tiền của mình mà? Sao lại thành ra thế này?’ Thế nên cũng có thể hiểu tại sao hắn lại cảm thấy tội lỗi vô cùng khi muốn dùng nó sớm ở cửa hàng cặp vợ chồng lớn tuổi kia.”
Kết lời, tôi thấy Chitanda đặt nắm tay mình sát môi tỏ ra trầm tư. Đặt tay xuống nhỏ gật đầu mọt cái, nhưng lại mau chóng lắc đầu khi vừa nghĩ ra điều gì đó.
Nhưng thế cũng đâu có gì khác? X vẫn có thể xin đổi lại tờ tiền giả.”
Tôi bình thản đáp lại:
“Thật không? Tờ tiền giả chẳng khác nào một con Joker trong trò Old Maid[3]. Không ai muốn giữ nó cả. Trong hoàn cảnh đó tớ nghĩ một tình huống như vầy sẽ xảy ra:
-
A, X đấy à? Đây là tiền anh mượn chú hôm nọ.
-
Chào Y-sempai. Cám ơn anh ạ. Mấy ngày nữa anh trả cũng đâu có sao.
-
Tổng cộng mười ngàn yên đúng không? Đây.
-
Cám ơn anh.
Nhưng trước sự bất ngờ của X, tờ tiền đó hóa ra là giả.”
Chitanda không có bất kì phản ứng trước màn độc diễn của tôi. Cảm thấy ngượng, tôi đành tiếp luôn.
“Y, người được X cho mượn tiền, là một người có vị thế trong xã hội cao hơn X. Đó là lý do X không dám từ chối khi Y trả lại một tờ tiền giả. Có thể X đã nhận ra ngay khi nhận được nhưng Y có thể giả lơ như mình không biết gì. Thế là X dính chặt với tờ tiền giả trong bất lực.”
Bắt chân vào nhau. Tôi lại nói:
“Vẫn còn đó câu hỏi X là một hay một nhóm người, nhưng dựa trên tất cả thứ này tớ tin rằng X chỉ là một người. Sẽ rất kì lạ nếu hai hay ba tên học sinh Cao trung dùng chung một tờ mười ngàn yên mua những thứ bút viết rẻ tiền.”
Chitanda vẫn im lặng, khiến tôi băn khoăn không biết nhỏ có đang nghe không.
Vẫn còn một điểm cần được làm rõ. Nghĩ thế tôi nói:
“Vậy còn Y… Y là chủ sở hữu trước đó của tờ tiền giả. Có thể người ấy cũng nhận từ một người Z nào đó có địa vị xã hội cao hơn, nhưng tới cỡ nào thì cũng quy về kẻ làm tiền giả, một cửa hàng hay ngân hàng nào mà thôi. Chúng ta có thể nhóm tất cả những người trên Y chung với Y và đặt ra câu hỏi : Y là ai? Một chủ tiệm lừa đảo hay chính là băng làm tiền giả? Đầu mối duy nhất để dò ra đường dây dẫn đến kẻ chủ mưu chính là người học sinh đã sử dụng tiền giả, đó là lý do tại sao cảnh sát cố gắng liên lạc với X như vậy.”
Tôi thở một hơi rất dài và nhún vai.
“Đó là tất cả những suy luận của tớ.”
Chitanda vẫn dán chặt mình vào ghế một cách khó hiểu. Đôi bàn tay yên vị trên đùi, lưng ưỡn thẳng, còn gương mặt nhỏ thì chẳng biểu lộ cảm xúc nào. Hình như nhỏ còn đang sốc bởi kết luận vừa rồi, hoặc chỉ đơn giản là mệt với trò chơi này. Nhưng dù thế thì tôi cũng đã bỏ thời gian công sức để cử động cái miệng, chẳng lẽ không nhận được lời tán dương nào? Thật là keo kiệt. Để mặc Chitanda với bộ mặt rầu rĩ, tôi hướng mắt về cửa sổ để trông ra thành phố Kamiyama, bấy giờ đương nhuộm màu thu.
Nhà ga Kamiyama, cửa tiệm Koubundou, tất cả đều ở hướng đó phải không?
Lời thì thầm của Chitanda tới tai khi tôi đứng ngây ra đó.
“Bất kì ai, vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì, gặp thầy Shibazaki ở phòng giáo viên ngay lập tức”
Rồi nhó tiếp tục với chất giọng bình thản khi tôi quay lại.
“Tụi mình đã đi một đường dài từ đây nhỉ.”
“Ờ…”
Tôi cười rồi vươn vai.
“Vậy là trò chơi kết thúc.”
Chitanda nheo mày lại ở từ “trò chơi”. Sự tập trung trở lại trên đôi mắt, nhỏ nghiêng đầu hỏi:
“Oreki-san.”
“Sao vậy? Đây chỉ là trò chơi, cậu không phải xem trọng nó quá.”
“Không, không phải thế. Nhưng nếu là một trò chơi thì… tớ có cảm giác là cậu đã bắt đầu nó để chứng minh điều gì thì phải… là cái gì vậy?”
À.
Nhắc mới nhớ, đúng là tôi có muốn thế thật.
Tôi cũng nghiêng đầu, chắc là cùng góc với Chitanda. Sau giờ học, trong phòng Địa Chất, hai con người cùng nghiêng đầu.
“Là cái gì nhỉ?”
“Tớ cũng không nhớ.”
“Cả cậu còn không nhớ thì làm sao tớ nhớ.”
“…Vậy sao tụi mình không suy luận xem đó là cái gì?”
Bờ môi Chitanda dịu lại, và trong khi vẫn còn nguyên sự nghiêm túc trong đôi mắt tôi có thể thấy nhỏ đang cười. Ôi, sao cũng được. Tôi cười một cái to nhất trong khả năng mà nói:
“Thôi, cho tớ xin.”
Sáng hôm sau.
Lật sang trang ba của tờ báo, tôi liền bị một dòng tít đập vào mắt.
“TRUY BẮT ĐƯỜNG DÂY SẢN XUẤT TIỀN GIẢ”
Sau đó là lời đầu đề.
“Một người đàn ông hai mươi ba tuổi đã bị bắt vì có dính líu đến những vụ việc liên quan đến tiền giả, Tổng cục Cảnh sát thành phố Kamiyama cho biết.”
Tôi tin rằng trò chơi hôm qua đã bắt đầu bằng một câu châm ngôn nào đó. Dù cả hai đều quên sạch vì quá tập trung vào diễn biến nhưng giờ tôi đã nhớ ra…
Chó ngáp phải ruồi, thật sao trời?
Ờ, có lẽ thế.
Mà… hóa ra để khớp kí ức với thực tế thôi người ta cũng đã cần nhiều hơn là may mắn rồi. Tôi nghĩ vậy.
[1] Là những tờ giấy có in sẵn một họa tiết nhất định, để tạo họa tiết đó trên giấy họa sĩ chỉ cần áp nó lên mặt giấy và phết mực lên.
[2] Đây là một trường hợp khá phức tạp, nói chung Chitanda bị lẫn lộn từ ngữ.
[3] Old Maid là một trò chơi sử dụng bài tú lơ khơ. Các người chơi sẽ lần lượt lấy 1 lá bài của đối phương và thả một đôi xuống, và thắng khi trên tay không còn bài. Vì Joker là lá bài lẻ (chỉ sử dụng 1 lá Joker trong trò chơi) nên không ai muốn sở hữu nó cả.