1
Người xưa có câu “Đầu năm dính mực thì cả năm cơ cực.” Hồi nhỏ, trong cái khoảng thời gian tất tả ôn luyện cho kì thi lên cao trung tôi đã sợ câu nói này tới mức quyết định buông tất cả trong ngày đầu năm mới.
Cũng lâu rồi… Không, lộn, chỉ mới năm ngoái thôi.
Giờ đây, trong không gian đặc quánh một màu đen tôi tự hỏi liệu một câu nói tương tự - “Đầu năm lên kế hoạch cho cả năm” liệu có đúng hay không. Đầu năm đầu tháng đã gặp họa, rõ ràng đó phải là điều chỉ xảy ra một lần trong đời chứ đâu phải “đến hẹn lại lên” đâu nhỉ? Tôi không coi mình là một người mê tín, nhưng nếu có ai nói “Bi kịch sẽ đến với những kẻ nhơ bẩn” thì chắc là tôi sẽ ngoan ngoãn mà đi hành lễ rửa tội.
Có thể cảm nhận được Chitanda đang suy ngẫm về câu hỏi tôi vừa nêu lên về cái câu ngạn ngữ ấy.
“Ưm… tớ không nghĩ niềm tin ấy là đúng. Giả sử là vậy thì nếu không có dự định gì vào ngày đầu năm thì cậu cũng không làm gì trong cả năm sao? Thật là vô lý.”
Chấp nhận câu trả lời bằng một cái thở phào nhẹ nhõm tôi cảm thấy nỗi lo biến mất. Có chút gì đó thoải mái trong lòng.
Tuy nhiên, dù không thể thấy gương mặt của nhỏ trong cái màn tối này tôi vẫn cảm nhận được sự nghiêm túc của Chitanda, khi nhỏ thêm vào một câu:
“Nhưng Oreki-san… Tớ hiêu kỳ về tình cảnh của tụi mình hơn là ba trăm sáu mươi bốn ngày còn lại.”
Biết chứ.
Tôi nhận thức rất rõ tình cảnh nguy cấp của chúng tôi. Nhưng Chitanda à, cậu không thể để tớ trốn tránh hiện thực thêm vài giây được sao?
Gió thổi qua những kẽ nứt lạnh tới nỗi như muốn cắt vào má chúng tôi. Những kẽ nứt cũng là ngồn sáng le lói trong bóng tối. Dường như mắt cũng đã quen rồi. Bây giờ tôi có thể thấy một cây chổi tre, một cái xẻng bằng sắt, một thanh gỗ có lẽ dùng để chặn cửa cùng một cái thùng các-tông đựng những thứ tôi chả biết là cái gì. À quên, còn có Chitanda – cô bạn đang mặc một bộ kimono cùng gương mặt lộ rõ sự lo lắng.
Đó là tất cả nếu không tính thêm bốn bức tường bao quanh hai đứa.
Chúng tôi bấy giờ đang ở đền thờ Arekusu, một trong những địa điểm nổi bật nhất của thành phố Kamiyama. Đúng hơn… là một nơi hang cùng ngõ tận chẳng có nổi chút ánh sáng từ lồng đèn bên ngoài và hơn hết, là nơi chẳng mấy ai đi qua hay tóm lại là một gian nhà phụ mục nát.
Nhưng vấn đề ở đây chẳng phải là vì nó là nhà phụ hay là nó mục nát.
Cánh cửa một bản lề là lối vào và cũng là lối ra duy nhất của nơi này, hiện tại nó đang đóng và khóa bởi một thanh gỗ… từ bên ngoài.
Trong đêm đầu tiên của tháng một, Chitanda và tôi bị nhốt vào một cái nhà phụ trong-hốc-hách của đền Arekusu.
Tường và mái có lẽ đã phục vụ trong một khoảng thời gian dài, nhưng lại có một nơi duy nhất trong nhà phụ trông mới tinh và bóng loáng. Cửa, và chỉ cánh cửa làm bằng nhôm là thứ trông vững chắc nhất nơi đây. Thế là tốt nếu nó được dùng để chống trộm, bởi vì dù chúng tôi có đẩy kéo gì thì nó cũng chỉ lắc lên vài tiếng.
Một tiếng lầm bầm chợt vuột khỏi miệng tôi.
“Thế quái nào lại thành ra như vầy nhỉ?”
“Tớ cũng không biết nữa. Hay là…”
Tối là thế nhưng tôi lại cảm thấy Chitanda đang cười.
“Vì cậu rút phải cái quẻ xấu ấy chăng?”
Tôi thở dài một tiếng.
Thiệt hả trời?
2
Chuyện bắt đầu bằng cuộc gọi của Chitanda vào một ngày giáp Tết.
“Oreki-san, cậu có dự định gì vào ngày đầu năm không?”
Tôi nghĩ một hồi.
Thời tiểu học tôi thường đi lễ đến mỗi dịp năm mới vì bà chị yêu dấu thích những sự kiện như vậy. Bả có thể đi một mình nhưng không khi nào lại không lôi tôi theo. Đi cùng chị tới đền Hachiman gần nhà cũng tốt, nhưng đùng một cách sự trở nên tệ hại vào cái năm bà chị yêu dấu ấy thi đại học. Tôi bị bắt phải cầu nguyện cho chị thi đậu và tiếp đến là một cuộc hành trình đầy gian khổ, với thời gian đi bộ chắc cũng phải mấy tiếng tới đền Tenmagu. Nếu nhớ không lầm thì, dù bắt tôi cầu nguyện để thi đâu đậu đó nhưng bà chị lại chẳng mua cho mình lá bùa cầu may nào cả, thay vào đó lại chọn cách giết thời gian rết tao nhã và rút xăm liên tục cho tới khi được quẻ “Đại cát”.
Rồi bà chị cũng vào đại học, và từ đó cất cánh bay tới những vùng đất rộng hơn, xa hơn và nhờ thế tôi cũng không còn bị bắt đi theo nữa. Việc đi thăm đền hàng năm với tôi cũng không còn cần thiết. Không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh. Kết luận, tôi chả có dự định gì trong ngày đầu năm cả.
“Không, không hẳn.”
Giọng của Chitanda vui mừng thấy rõ.
“Vậy à, thế cậu có muốn thăm đền với tớ không?”
“… Không phải là đền Tenmagu chứ?”
“Hở? Cậu muốn đi tới đền Tenmagu à? Xa lắm đấy.”
Ờ, xa thật.
Hình như tôi vừa bị hiểu lầm là một người ham học[1] thì phải. Chitanda hạ thấp giọng, như chờ đợi xem tình hình sẽ thế nào.
“Nếu được thì cậu có muốn đi tới đền Arekusu không?”
Đền Arekusu không xa chút nào. Nếu không có tuyết thì đạp xe vài phút là tới nhưng tôi không thật sự muốn đi cho lắm. Đó là ngôi đền lớn nhất ở thành phố Kamiyama nên sẽ chẳng lạ gì nếu khung cảnh vào ngày đầu năm sẽ là người với người. Chen lấn giữa một biển người trong cái tiết trời rét rụng như vầy là sự phản bội với chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng của tôi. Chuyển cái điện thoại qua tay bên kia, tôi nói:
“Có cái gì ở đó à?”
“Không hẳn là có gì, nhưng…”
Chiatnda đáp, giọng nhỏ lại tươi tắn hơn.
“Mayaka-san làm việc bán thời gian ở đó.”
Ibara sao? Tưởng tượng cảnh nhỏ đối mặt với một biển người đi thăm đền đầu năm mà trở nên lóng ngóng thì…
“…”
“Ấy, cậu vừa cười à?”
Ờ, đúng đó. “Làm việc bán thời gain ở đền vào năm mới” – cụm từ này đồng nghĩa với việc tròng một bộ áo trắng và thoa lên mặt một mớ phấn son, và ngoại hình của Ibara khó có thể xem là “đủ tuổi” cho mấy chuyện đó. Tôi trả lời.
“Cá là thảm lắm.”
“Oreki-san xấu tính quá.”
Mắng là mắng thế nhưng tôi cũng nhận ra Chitanda đang giấu một nụ cười. Nếu sự thiếu lịch sự của tôi có thể khiến nhỏ cười thì xem ra Ibara cũng đã tự giễu mình khi hai nhỏ gặp nhau trước đó.
“Fukube-san cũng sẽ tới, nên tớ nghĩ cậu cũng muốn đi.”
Satoshi sẽ không từ việc chiêm ngưỡng Ibara quằn quại trong bộ đồ quá cỡ đó đâu.
Mà thôi. Chọc Ibara thì vui thật đấy, nhưng sẽ là bất kính nếu viếng đền chỉ vì điều đó. Có lẽ cầu nguyện một chút cho sức khỏe và sự bình yên trong năm mới là một lý do cao cả hơn.
“Và…”
“Còn gì nữa à?”
“Cũng không có gì quan trọng, nhưng mà…”
Lần này Chitanda còn hạ giọng hơn nữa, cực kỳ e thẹn.
“… Tớ cũng muốn khoe bộ kimono của mình nữa.”
Để từ chối đề nghị của Chitanda tôi sẽ không thể dựa vào cớ nào khác ngoài “trời lạnh”. Nhật Bản là một quần đảo bốn bề chỉ có biển, sau khi mặt trời lặn thì chỉ có điên người dân thành phố Kamiyama mới rời khỏi nhà, Rõ là mùa đông thì phải lạnh rồi, chịu thì cũng chịu được đấy nhưng tôi chẳng muốn trả giá cho sự chơi liều của mình những ngày sau đó chút nào. Nhưng… lại là một cái “nhưng”, năm mới là dịp để người ta thay đổi…
Khoác lên một lớp áo dày, quàng quanh cổ chiếc khăn màu be, đeo găng tay và thậm chí còn nhét một cái túi sưởi vào trong áo, ấy thế mà hai hàm răng tôi vẫn đánh lập cập. Nghĩ là vì còn chưa giữ ấm hai bàn chân tôi bèn tròng thêm một đôi ủng không dây trông hệt như làm bằng da thuộc. Liếc vào ti-vi trước khi đi ra, tôi biết được nhiệt độ hôm nay được ghi nhận là thấp kỉ lục trong cả mùa đông. Chẳng có áng mây nào ở trên trời, thay vào đó là muôn vàn vì sao lấp lánh khiến tôi phát bực. Cái bầu khí quyển thoáng đãng quá mức này chỉ tổ làm người ta cảm thấy lạnh hơn mà thôi.
Tôi đang đợi dưới một cổng vòm bằng đá phía ngoài khu vực đền thờ. Trễ thế này nhưng đền Arekusu vẫn đông người tới viếng dù vẫn có thể đi mà không lo va vào ai. So với bầu trời lạnh giá thì con đường dẫn vào đền được thắp sáng rực rỡ bởi hai hàng lồng đèn trông ấm áp hơn hẳn.
Những con người đang mặc áo bành – tô và áo len đi qua đi lại với dáng bộ khúm núm nhằm hạn chế tối thiểu thân mình ra trời lạnh, nhưng chẳng có gương mặt cau có nào vì trời rét cả. Đằng kia một vài nhóm, hình như vừa thấy người quen mà cúi chào rồi trao đổi cho nhau những lời chúc năm mới. Còn tôi vẫn chưa nhìn thấy Chitanda.
Đến sớm quá chăng?
Chờ người trong cái tiết như vầy thì thật không dễ chịu chút nào, nghĩ thế tôi liền nhìn đồng hồ. Ngay lúc đó, một chiếc taxi màu đen dừng lại ngay trước cổng vòm. Cửa mở, và với một lời “Xin thành thật cảm ơn” cô gái bước ra khỏi xe. Bộ kimono của cô mang màu đỏ sáng rực như ánh sao và tỏa rạng như đàn lửa. Cô còn khoác ngoài một chiếc áo màu đen huyền, với một bên tay là chiếc túi vài màu tím lợt. Miệng túi được trang trí bởi dây buộc vàng kim và thắt gút lại trông như những trái bóng. Mái tóc cô cũng búi gọn gàng bằng một chiếc trâm lộng lẫy khẽ lay động theo những bước đi. Sau hết, cô còn mang theo một thứ có vẻ như là chai rượu được bọc cẩn thận một lớp giấy trắng chắc là đồ cúng cho đền…
Đúng là năm mới, ai cũng diện những bộ cánh diễm lệ.
Tôi không ngờ nhỏ tới bằng taxi. Hóa ra ngày này taxi vẫn hoạt động à? Nghĩ vẩn vơ tôi lại hướng mắt về Chitanda, người đang nhìn tôi mà nở một nụ cười.
“Tớ có làm cậu phải đợi không?”
“Không…”
“Chúc mừng năm mới.”
“Ch-chúc mừng năm mới.”
“Hy vọng quan hệ của tụi mình vẫn tốt đẹp vào năm sau.”
“Tớ cũng vậy… Có gì sai sót mong cậu bỏ qua…”
Tệ kinh hồn! Bị rét nên cứng lưỡi luôn rồi à? Trả lời trả của kiểu gì thế này? Chitanda hẳn là nhận thấy sự ngượng ngùng của tôi. Giơ hai cánh tay lên một chút, nhỏ lúc lắc hai ống tay áo mà nói:
“Khoe đây!”
Tông màu chủ đạo của bộ kimono là đỏ, nên nghiễm nhiên nó được vào hạng “thanh nhã” và quả thật nó chẳng tỏ ra chút chói lòa nào. Một bộ đồ tươi tắn phù họp để mặc trong ngày đầu năm. Có chút kì lạ là trong mắt tôi bộ kimono trông nhẹ đến lạ kì khi được mặc bởi Chitanda. Có rất nhiều họa tiết hoa nhưng nó vẫn làm người khác cảm thấy thư thái. Nhớ lại hồi xưa, mỗi khi bà chị yêu dấu diện kimono thì điều duy nhất hiện lên trong đầu tôi chỉ là : “Bà già tomboy[2] này bị gì vậy?”
Vì Chitanda khoác ngoài một lớp áo màu đen nên toi chỉ nhìn được bộ kimono từ phía trước. Đó là một đàn bướm bay trong bức nền màu đỏ, phía trên một dòng sông được thêu gần viền áo… hay đó là mây nhỉ?
Tôi không biết phải đáp thế nào, nhưng Chitanda thật sự có vẻ chỉ muốn “khoe” mà chẳng cần bất kì lời bình phẩm nào. Với túi xách bên tay trái và một cái chai bên tay phải, nhỏ hướng mắt về con đường dẫn vào đền.
“Tụi mình đi vào chứ?”
Đôi guốc của Chitanda tạo những tiếng lách cách khi chúng tôi đi về phía đền. Nhìn vào tấm lưng nhỏ từ phía sau tôi chợt nghĩ mình lẽ ra nên nói một câu như “Cậu mặc đẹp quá” hay đại loại thế.
Chúng tôi cứ bước cho tới khi những tiếng lách cách đó hòa vào bầu âm thanh hơi ồn ã của xung quanh.
Như dự đoán, những cơn gió buốt trở nên dịu đi hẳn khi bao lấy chúng tôi là đám đông. Những viên đá lót đường trải dài trước mặt cùng với ánh sáng từ lồng đèn khiến những bóng người hiện lên dưới trời đêm. Tôi đột nhiên nhận ra cái chai Chitanda đang cầm trông có vẻ khá nặng. Cầm hai thứ hai tay ở nơi đông đúc này thì thật là nguy hiểm. Khi nói với nhỏ rằng để tôi cầm cái chai cho Chitanda chẳng khách sáo dù chỉ một chút.
“Cám ơn cậu rất nhiều. Đây.”
“Là gì vậy?”
“Một chai rượu sake.”
Tôi cũng nghĩ vậy, chứ xì dầu thì chắc không hẳn rồi.
“Gia đình tớ có giao thiệp với những người trông coi đền. Tớ đến đây để tặng quà năm mới cho họ.”
“Đầu năm đã phải làm việc rồi à? Nghe mệt nhỉ.”
“Vào buổi sáng rồi mệt hơn ấy chứ. Cả buổi tớ phải tỏ ra thật cung kính khi có họ hàng tới thăm.”
Một hình ảnh về Chitanda “phải tỏ ra thanh nhã” vuột qua trước mắt. Nhỏ đã phải diện những bộ áo sặc sỡ, mặt thì đánh phấn trắng, môi thì thoa son và ngồi thật nghiêm ở bên cạnh chỗ ngồi của gia trưởng mà không di tới một tấc.
Thực tình cũng chả chắc thế đã là thanh nhã hay chưa, nhưng tôi biết nhà Chitanda là một gia tộc điền nông lớn và lâu đời. Người đang đi cạnh tôi là con gái một của gia tộc đó, nên hẳn là nhỏ thường phải giao thiệp ở một cấp độ mà tôi chẳng thể mong được hiểu.
Lại một ý nghĩ kì lạ khác : tại sao việc viếng đền lại phải là vào buổi tối, khi ngoài trời rét căm như thế này? Chắc hẳn vì Ibara làm cả ca đêm, nhưng xem ra bởi vì sự bận rộn của gia đình Chitanda vào buổi sáng là một nguyên nhân khác.
“Nãy tớ chỉ kịp ăn một miếng bánh mochi nên giờ hơi đói bụng một tí.”
Chitanda nói rồi đặt tay lên bụng – nơi được buộc quanh bời một dải obi màu tím nhạt đầy nho nhã chắc là để tiệp màu với cái túi xách.
“Còn cậu thì sao?”
“Tớ trải nghiệm cuộc sống của loài tôm kí cư.”
“Ể?”
Hôm nay rất lạnh.
Với một buổi sáng chỉ đơn giản là quá lạnh như thế này, tôi không còn cách nào khác ngoài việc học cách sống như một con tôm kí cư. Nói cách khác : chỉ có cái đầu thò ra khỏi kontatsu[3] và tôi đánh bạn với cái tô đầy quýt. Hình như sẽ là chính xác hơn nếu nói rằng tôi giống một con sên. Vì công việc ba đã rời khỏi nhà từ sớm để gặp ai đó, còn chị thì đi đâu chẳng biết nên tôi đã được tận hưởng cuộc sống đầy thư thái như vậy.
Giết thời gian bằng một quyển truyện chữ, nhai mấy miếng bánh bất cứ khi nào đói và rỗi rãi lại lấy mấy tấm thiệp mừng năm mới ra xem. Cứ thế cho tới khi đồng hồ chỉ mười hai giờ trưa báo hiệu một nửa của ngày mồng một tháng Một đã trôi qua. Đây cũng là lúc tôi mở TV lên để xem “Phim đặc biệt đầu năm – Thành Odani: Khi gió đổi chiều”, dường như đã kéo dài gần hết ngày.
Nghĩ lại tôi cũng thấy khá xấu hổ với bản thân khi mới đầu năm đầu tháng đã lười chảy thây như thế. Mà thôi, không nên nói về đề tài này nữa. Chuyển.
“Satoshi giờ đang làm gì nhỉ?”
Không để tâm tới việc chuyển chủ đề, Chitanda đáp:
“Có lẽ bây giờ Mayaka-san đang gọi cho Fukube-san đó.”
Ngoài những công chuyện liên quan tới CLB Cổ Điển Ibara có nhiều lý do khác để liên lạc với Satoshi. Ai cũng có thể nghĩ là vì nhỏ thích nói chuyện với hắn, nhưng nguyên do thực tế tôi nghĩ chỉ đơn giản vì hai đứa nó có điện thoại di động trong khi Chitanda và tôi thì không. Tôi cũng nghĩ là mình nên sớm có một cái, nhưng vì lý do kinh tế nên tạm thời để đó vậy.
Con đường cuối cùng cũng dẫn đến những bậc thang bằng đá. Trông khá dốc nhưng may là hai bên, thậm chí là ở giữa cầu thang đều có thanh vịn. Tuy vậy tôi nhận ra chẳng có lấy một người luống tuổi nào màng tới việc vịn tay để leo lên leo xuống cả. Những chiếc đèn lồng tỏa sáng dọc theo đường đi cũng dừng lại ở đây, thay vào đó là các lá cờ màu trắng với dòng chữ “Đền Arekusu” treo trên từng bậc. Vài hạt tuyết lất phất rơi trên những bậc trước mặt.
“Cẩn thận nhé Oreki-san, chỗ này trơn lắm.”
Nói xong Chitanda đi lên trước.
Bước hết những bậc đá chúng tôi lại đi qua một cái cổng vòng khác. Arekusu là một ngôi đền lớn nên chẳng lạ gì khi dọc đường luôn rôm rả tới mức ồn ào tiếng cười nói của người đi viếng. Xem ra nên dẹp cái hy vọng về một không gian yên tĩnh đi là vừa, phải để mọi người được vui vẻ trong ngày đầu năm chứ.
Có một đài lửa lớn ở trung tâm sân trong, tỏa sáng tới mức tôi chỉ có thể nhìn thấy bóng của những người đang kết thành một vòng chung quanh nó. Lạnh thế này thì quây quần bên đống lửa cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng có lẽ vì lửa quá mạnh nên nhìn kĩ tôi thấy hầu như tất cả họ đều quay lưng lại. Những hình dáng hiếm hoi chĩa cả hai bàn tay về phía lửa là lũ trẻ con hiếu động đang nô đùa với nhau. Tôi cũng nhận ra trong tay của một số người là những cái cốc giấy, xem ra trong đền có đồ uống nóng đây.
Bên tay phải là văn phòng của đền, nơi đang được trưng dụng thành một cửa hàng bán đồ lưu niệm, bùa cầu an hay đại loại vậy. Đông người như thế mà khu mua sắm không một chút tỏ ra là bận rộn, xem ra “giờ cao điểm” đã qua rồi. Ibara có ở đó không nhỉ? Đưa mắt sang bên kia tôi nhận ra một cái cổng vòm màu đỏ, nhỏ hơn hai cái kia và nằm khá khuất. Có lẽ ở đây cũng dành ra một khoảng để thờ thần Inari[4]. Tương phản với những lá cờ phủ trắng khắp khu dền, nơi đây chỉ có một lá cờ đỏ với dòng chữ “Đệ Nhất”[5] treo ở trước cổng vòm. Phía sau cũng có một gian nhà phụ. Trông biệt lập thế nhưng vẫn có kha khá người đang cầu nguyện. Cũng phải thôi, đã là doanh nhân thì ai cũng phải nương tới thần Inari để được phù hộ làm ăn tấn tới rồi.
Chai rượu trong tay tôi bắt đầu trở nên nặng.
“Tớ để cái này ở đâu đây?”
Tôi hơi nhấc nó lên. Chitanda lắc đầu, nghĩ một chút rồi nói:
“Tụi mình cầu nguyện trước đã nhé.”
Để tới chánh đền chúng tôi phải vượt qua thêm một chiếc cầu thang đá. Ơn trời là nó ngắn hơn và thoải hơn nhiều. Chỉ có mười bước nhưng phía trên đông nghẹt người đi nguyện. Chitanda và tôi xếp hàng phía sau.
Cứ mỗi một hay hai phút là một bước tiến. Người ta xếp thành một hàng dài đi ngang qua chánh đền, thảy tiền cúng dường vào hộp gỗ, vỗ tay sau khi cầu nguyện rồi đi ra. Cả một hàng phải đi hết thì nhóm người tiếp theo mới được lên xếp hàng. Nhìn từ hướng con người thì thế là cầu nguyện, nhưng với các vị thần thì những lời nguyện này chẳng khác gì đồ hàng để trên băng chuyền hay sao? Những lời nguyện “chính chuẩn” như “Cầu cho con được sức khỏe tốt” hay “Cầu cho thế giới hòa bình” thì không tệ, nhưng lỡ mà kiểu “Con mong rằng ông nội sẽ hết bệnh, nhưng không cần phải ngay lập tức. Đồng thời, con cầu mong mấy đứa con của con thi đâu đậu đó, vi thú thực con chả muốn tụi nó vào trường tư nữa đâu, trường công đỡ tốn hơn” thi các thần lấy đâu thần lực để diễn dịch mà phù hộ cho đây?
Mải theo dòng suy nghĩ vớ vẩn ấy đã đến lượt chúng tôi lúc nào không hay. Ném đồng năm yên vào thùng tiền cúng được phủ ngoài bởi một tấm vải trắng to bất thường, tôi nghĩ rằng lời nguyện mình sắp thì thầm sẽ ổn cho các thần.
Phù hộ cho năm nay con dễ dàng tiết kiệm năng lượng hơn.
Thế là sự kiện chính trong chuyến thăm đền đã kết thúc. Giờ việc chúng tôi cần làm chỉ là kiếm chỗ để đặt chai sake xuống, chọc Ibara cho vui rồi về nhà. Ồ, lạnh quá. Khi nghĩ đến việc phải len qua đám đông để đến cửa hàng lưu niệm tôi thấy Chitanda xắn tay áo khoác lên mấy vòng.
“Cậu tính đi đâu vậy?”
“Chẳng phải giờ đến gặp Ibara sao?”
“Đúng thế, nhưng tớ sẽ vào chánh văn phòng để chào trụ trì trước. Bên trong thông với chỗ làm của Mayaka-san mà.”
Có vài ông chú mặt đỏ au tụ tập trước cổng chánh đền. Người trẻ nhất trông khoảng bốn mươi, trong khi người già nhất chắc phải đã bát tuần, có lẽ là đạo dân của đền đến để giúp việc. Không chút gì e thẹn, Chitanda cắt ngang qua họ mà mở cánh cửa lưới mắt cáo còn tôi chỉ biết co ro theo sau. Biết là mình trông thảm hại nhưng chịu thôi, tôi chưa từng giao tiếp với người có tuổi.
“Xin phép ạ!”
Chitanda la lớn, nhưng không ai xuất hiện có lẽ vì đang bận. Nhỏ bèn la lên hai ba lần nữa cho tới khi một người đàn ông tóc bạc trắng bước ra. Ông bác này mặt cũng đỏ au và trông có vẻ không được vui. Với chất giọng khàn khàn, ông hỏi:
“Chuyện gì?”
Chitanda nhẹ nhàng cúi đầu.
“Chúc mừng năm mới. Cháu là Eru, thay mặt cho Chitanda Tetsugo đến lễ đền đầu năm ạ.”
Trái ngược với bộ mặt cau có lúc nãy, ông cười.
“A, ra là con gái của chú Chitanda! Vào đi, để ta gọi người phụ trách.”
“Cháu cám ơn ông ạ.”
Còn cháu là Oreki, đèo bồng. Xin lỗi vì đường đột.
Ông dẫn chúng tôi tới một gian phòng rộng mười chiếu. Bốn vách đều có cửa trượt còn trần thì khá thấp. Rất nhiều lò sưởi daruma[6] bên trong và tôi có thể thấy ánh lửa hắt nhiệt của nó qua khe cửa sổ nhỏ xíu. Ngoài ra còn có hàng chục cái bàn thấp giành cho khách thăm đền ngồi dùng bữa hay uống sake. Những tràng cười vang lên không ngớt cũng tạo cho căn phòng một không gian ấm áp.
“Tụi mình vô chỗ kia ngồi nhé.”
“Ừ.”
Rõ là còn quá sớm trước tiệc mừng nên chỗ trống còn khá nhiều. Chitanda và tôi tiến về cái bàn nằm ở một góc phòng. Trước khi ngồi Chitanda cởi lớp áo khoác đen mà lộ ra hoàn toàn bộ kimono. Tôi đã nghĩ nó chỉ là một chiếc áo khoác bình thường, nhưng khi nhìn dưới ánh đèn điện tôi nhận ra lớp vải ngoài như bện lại thành những chi tiết hình chùm xoắn, và sắc độ có thể thay đổi tùy góc nhìn. Nhỏ nhận ra sự xem xét tỉ mỉ của tôi.
“Có vấn đề gì à?”
“Không, tớ chỉ nghĩ là chiếc áo khoác của cậu có họa tiết rất đặc biệt.”
Chitanda mỉm cười.
“Cám ơn nhé. Nó được làm từ vải crêpe đấy.”
Câu chuyện về Mito Koumon[7] chợt xoẹt ngang qua tâm trí.
Tôi cũng cởi áo khoác ra. Một chiếc áo bình thường, rẻ tiền nên tôi chẳng màng như thế nào, trái lại Chitanda lấy một cái móc treo từ lanh-tô để treo áo lên.
Dường như ngay sau đó cánh cửa trượt mở ra và một cô gái trẻ xuất hiện. Mặc một chiếc hakama[8] đỏ tươi với lớp áo khoác màu trắng, cô có mái tóc dài được buộc gọn ghẽ ra đằng sau khiến người ta liên tưởng tới một miko[9], dù có cặp kiếng là lạc quẻ. Bỏ lỗi đó qua một bên, tôi thấy lạ vì trông cô có vẻ đã quen mặc thứ trang phục này tới mức khó mà tin là một người làm bán thời gian. Xem ra đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến một miko chính hiệu rồi.
Biết là trẻ nhưng tôi vẫn tự hỏi cô gái này bao nhiêu tuổi. Chưa tới hai mươi đâu nhỉ, tôi nghĩ thế. Nhìn thấy Chitanda cô liền đi một mạch tới chúng tôi. Không lâu sau đó, người miko trong bộ hakama màu đỏ và Chitanda, người mặc một bộ kimono cũng màu đỏ đã ngồi đối diện nhau một cách đầy trang trọng. Cũng lúc này tôi mới để ý ống tay áo của Chitanda được trang trí bằng một đàn bướm rất đẹp.
Chitanda cúi đầu trước.
“Chúc mừng năm mới. Mong năm nay sẽ tốt hơn năm trước.”
Người miko lịch sự đáp lại.
“Chúc mừng năm mới.”
“Ba tớ gửi biếu đền chai sake này. Mong đền nhận cho.”
A, đây rồi. Tôi dâng chai rượu bằng hai tay. Người miko chống ba ngón mỗi bàn tay xuống sàn mà cúi đầu.
“Xin chân thành cảm tạ. Chúng tôi nhận.”
“Không đâu, đây chỉ là món quà nhỏ…”
Khi nhận ra tôi đã lỡ lời, Chitanda buột ra một tràng cười khúc khích.
“Oreki-san, tớ mới là người phải nói câu đó chứ.”
Quả vậy, tôi vừa nhận ra chả có lý do gì để mình, người chỉ giữ hộ bởi vì nó nặng, lại tỏ ra khiêm nhường dùm một món quà của gia đình Chitanda cả. Tệ thật, tôi đã quá thiếu cảnh giác khi bước vào một không gian không thân thuộc mà lỡ miệng mất rồi.
Ngay lúc rối rắm đó, người miko lên tiếng.
“Chúng tôi không nhận quà nhỏ đâu.”
Chitanda đáp với một tông điệu vui vẻ.
“Thôi nào, cậu nhận dùm cho… nó tuy nhỏ nhưng không nhẹ chút nào.”
Cuối cùng tôi cũng nhận ra khóe môi của người miko nãy giờ có khẽ nhếch lên. Dường như Chitanda và người miko này là người quen và đủ thân để có thể trao nhau những lời nói đùa. Nghĩ lại thì rất có thể màn chào hỏi lịch sự hồi nãy có thể cũng chỉ là trò đùa mà thôi. Tôi đã cả nghĩ rồi.
Người miko hỏi:
“Cậu học lớp B đúng không?”
Đúng là tôi đang học lớp 1-B trường cao trung Kamiyama.
“Vâng.”
Sao cô ta biết lớp của mình? Tôi vừa bắt đầu nghi thì cô hỏi tiếp câu thứ hai.
“Hôm nay không đi chung với Fukube-kun à?”
Biết cả Satoshi sao? Đây là sức mạnh của Thần Lực ư? Những thiếu nữ gác đền Arekusu thực sự có khả năng nhìn thấu người khác chăng? Vậy là cô ta cũng biết cả ngày hôm nay tôi chỉ nằm một đống ở nhà mất!
Có lẽ sự lo âu quá đà hiện rõ trên mặt hay sao, mà Chitanda liền thì thầm vào tai tôi.
“Đây là Juumonji Kaho-san.”
Ai?
“Cậu ấy học lớp 1-D.”
Tôi nhìn người miko trước mặt mình một lần nữa.
Cô có một phong cách điềm tĩnh, và cao hơn trung bình nên tôi không nghĩ là không thể. Cũng đã nghĩ là dưới hai mươi, nhưng…
“Bằng tuổi sao?” Tôi hét lên đầy kích động mà chả kịp hiểu sao mình lại làm vậy…
Và thế chỉ tổ làm cho Chitanda và Juumonij được một tràng cười giòn giã.
Nếu là lớp D thì nhỏ học chung với Satoshi nên biết hắn cũng là lẽ thường thôi.
Hai con người trong những bộ trag phục truyền thống Nhật Bản nói chuyện với nhau rất say sưa. Được một lúc thì có lẽ Juumonji đang dở việc, nên nhỏ đứng dậy và tỏ vẻ vừa nhớ ra điều gì.
“À mà, tí nữa gặp lại nhé.”
Nói xong Juumonji liền ra khỏi phòng. Chitanda gọi vói theo.
“Tụi mình muốn gặp Ibara Mayaka-san có được không?”
“Ibara… À, cậu ấy hả? Ưm, chắc là được thôi. Cậu cứ đi dọc theo hành lang này là tới phía sau cái sạp bán đồ lưu niệm, xem thử cậu ấy có ở đó không.”
Tôi có hơi bất ngờ khi một người ở đền lại gọi nó là “cái sạp”. Như thế chẳng phải là hơi bất kính sao? Không phải là tôi có kỳ vọng cụ thể gì về một miko nhưng mà… thôi kệ. Chitanda và tôi đứng dậy, mở cửa và đi về hướng mà Juumonji đã chỉ dẫn. Vừa ra hành lang, một âm thanh rì rào đủ để báo hiệu cho chúng tôi nơi chốn của khu vực buôn bán. Với đôi chân mang sẵn vớ tabi[10] thì Chitanda chỉ việc đi và đi, còn hai bàn chân tôi thì như muốn đông đá mỗi khi chạm xuống lớp sàn lạnh như băng.
Chúng tôi nhẹ nhàng mở cánh cửa trượt bằng gỗ ở cuối hành lang.
Mũi tên trừ ếm, cái cời bằng tre, lật đật daruma và bùa hộ mệnh các kiểu, đó là những món hàng được trưng bày trên kệ. Có tổng cộng ba người mặc đồ như miko trông coi quầy và giao tiếp với khách. Thế có cần thiết trong khoảng thời gian này không nhỉ? Tôi nghĩ hai là đủ. Chitanda quỳ xuống, rướn mình về phía trước và chuẩn bị thò nguyên cái đầu qua khe cửa để tìm Ibara nhưng ý định của nhỏ đã không thành hiện thực. Cửa vừa mới mở chúng tôi đã nhận ra ngay người ở gần nhất, và hiển nhiên là rảnh rang nhất trong bộ ba không ai khác hơn Ibara. Giống như Juumonji, nhỏ cũng khoác một lớp áo trắng bên ngoài bộ hakama màu đỏ và buộc mái tóc ra đằng sau.
Chờ đã, lạ thế. Ibara làm gì tóc dài? Vậy nó phải là tóc giả rồi. Liệu tôi có nghĩ như vậy nếu nhỏ thực sự nuôi tóc dài để có cái buộc hay không?
“Mayaka-san.”
Chitanda mỉm cười khi Ibara giật mình quay lại. Nhỏ cũng cười khi nhìn thấy Chitanda nhưng lại ném cho tôi một cái quắc mắt. Có khách ở đây nên Ibara không dám to tiếng, thay vào đó nhỏ mấy máy môi để buông một lời cảnh cáo rất khẽ.
“Đừng có nhìn.”
Đầu năm đầu tháng đã nói khó nghe vậy. Nếu không muốn bị người ta nhìn thì sao lại làm cái việc này?
“Chúc mừng năm mới.”
Ibara gật đầu đáp lễ lời chúc khẽ từ Chitanda. Nhỏ đưa mắt nhìn quanh, và khi xác nhận rằng không có việc phải lo nhỏ quay lại và niềm nở lên tiếng.
“Chúc mừng năm mới. Bộ kimono thật tuyệt vời! Cậu trông đẹp lắm!”
“Cám ơn cậu nhiều.”
“Đây là kimono chính thống à?”
“Không, chỉ là loại common thôi. Kimono chính thống tớ sẽ để dành khi lên đại học.”
Com-mon? Có phải là “common” trong “common sense” (suy nghĩ theo lẽ thường) không? Từ này được sử dụng rộng rãi từ lúc nào vậy? Tiếng Anh thậm chí đã lan tới thế giới của kimono rồi sao?
“Một tiếng nữa mới xong ca của tớ. Mấy cậu tính làm gì?”
“Có lẽ tụi tớ sẽ chờ trong phòng khách. Còn Fukube-san thì sao?”
“Cậu ấy có đến vào ban ngày, nhưng lại về để xem cái gọi là “Thành Odani: Khi gió đổi chiều” thì phải. Nhưng cậu ấy có bảo là sẽ quay lại sớm.”
Khi hai cô nàng mải mê chuyện trò thì chẳng có khách nào tiến về phía Ibara cả. Nhìn kĩ thì cũng chẳng có hàng quà nào bày biện trước chỗ của nhỏ cả. Tôi hỏi:
“Cậu bán gì thế?”
“Quẻ lộc. Tôi cũng trông nom trẻ đi lạc, đồ đánh rơi và đổi tiền lẻ các thứ.”
Quẻ thì khách tự rút cơ mà. Tất cả những việc họ cần làm chỉ là đặt một đồng một trăm yên lên cái bục được phủ giấy, và từ đó trở đi là tự-phục-vụ. Dường như nhận ra suy nghĩ của tôi, Ibara gượng gạo bồi thêm một câu nữa.
“Xin lỗi nhưng ban ngày tôi bận lắm nhé.”
Vậy là nhỏ thừa nhận rằng giờ mình rảnh rồi đấy, nhưng hẳn Ibara không nói xạo việc phải bận rộn vào buổi sáng. Có một cái khay đặt cạnh chỗ ngồi chứa đầy những thứ như điện thoại, ví tiền, chìa khóa và cả những chiếc dù gấp.
“Những người đạo dân chia nhau đi quanh đền và khi thấy bất cứ thứ gì trông có vẻ giá trị thì sẽ mang tới đây. Trẻ lạc cũng nhiều làm nên buổi sáng phải nói là bù đầu.”
Không cần phải nhấn mạnh đến thế, tôi thừa biết nhỏ không bao giờ bê tha trong công việc. Một chút cũng không.
Chuyển đề tài, Chitanda lên tiếng.
“Một quẻ bói nghe hay nhỉ. Tớ có thể rút một cái không?”
Nói xong nhỏ liền đứng dậy và quay lưng đi. Hành động đó khiến Ibara phải gọi lại.
“Ủa, cậu đi đâu vậy?”
“Quành ra phía trước…”
“Làm chi cho mắc công, cậu cứ rút ở đây.”
Được sự cho phép từ Ibara, Chitanda rút ví ra khỏi túi dây và lấy ra một đồng một trăm yên. Chiếc ví trông như được làm bằng da nên có lẽ là mắc, tuy nhiên Ibara lại chỉ dán mắt vào cái túi dây.
“A, cái túi dây này cũng đẹp tuyệt! Trông rất là sang!” “Hihihi.”
Được người ta khen lấy khen để vẻ ngoài của mình, Chitanda cười toe toét. Tôi lại thấy ngạc nhiên vì điều đó. Điều kiện nhỏ hẳn là khác nhiều so với các bạn nữ đồng trang lứa, vì vậy tôi có cảm giác những phản ứng rất-con-gái kiểu “hạnh phúc vì người ta khen cái túi dây của mình” thật chẳng giống nhỏ chút nào. Dĩ nhiên đây chỉ là những suy diễn bâng quơ. Nghĩ rằng mình có thể luận ra mọi thứ về một ai với chỉ rất ít thông tin của người đó là phạm vào đại tội “Kiêu ngạo” và tôi không nên mắc lại sai lầm đó vào năm nay nữa[11].
Chẳng màng tới cái quyết tâm hoàn toàn không đáng tin của tôi, Ibara dường như đang chìm trong suy tư. Một hồi nhỏ mới lầm bầm:
“Ừm, túi dây thông thường phải là thế này chứ…”
Phải rồi, chứ cái túi dây Satoshi luôn phe phẩy bên mình tuyệt đối không thể coi là “sang” được.
Đây là lần đầu sau một thời gian rất dài tôi đi viếng đền nên rút một quẻ cũng chẳng chết ai. Lấy một đồng một trăm yên, tôi đặt nó vào lòng bàn tay Ibara ngay trên đồng xu của Chitanda. Ibara đặt chúng lên bục, rồi đưa ra cho chúng tôi một cái hộp gỗ hình trục lục giác.
“Đây… Cầu mong chư thần phù hộ cho các cậu.”
Nghe có cái gì sai sai thì phải.
Chitanda là người rút trước, nhỏ mở miếng giấy được cuộn tròn một cách đầy căng thằng. Trước khi tôi kịp mở của mình thì Chitanda đã la lên đầy phấn khích.
“Woa! Là một quẻ ‘Đại Cát’!”
Thế là tốt, nhưng lẽ ra nhỏ nên chờ để tôi kiểm tra cái quẻ của mình có gì xấu không rồi hẵng mừng chứ.
Rồi thì tôi cũng mở ra.
“…”
“Sao vậy Oreki-san?”
“Không có gì. Xem ra sẽ là một năm tốt lành đây.”
Ống tay áo màu trắng của Ibara đung đưa khi nhỏ chỉ vào tôi mà nói.
“Ông bốc trúng một quẻ ‘May mắn lần sau’[12] phải không nào?”
Tôi thật tình là người dễ đọc nét mặt đến thế ư? Thở dài, không còn cách nào khác tôi bèn giơ tờ giấy ra trước mặt hai cô nàng.
Tai hoa gạo gắng tìm tới lạc viên
Bị đục mổ bởi muôn loài chim chóc
Bị uốn cong bởi nghìn trùng dông bão
Điềm tốt lành bất khả tiến vào thân
Cùng hai chữ lớn,
ĐẠI HUNG.
3
Hiếm có người nào rút phải quẻ “Đại Hung”. Lấy được một cái gì hiếm là điềm may mắn. Như vậy, rút phải quẻ “Đại Hung” thực tế lại là một điềm may.
Kết luận đó có thể được rút ra một cách hoàn hảo từ quan điểm của Modus Ponens[13] và nó hợp với tình cảnh này. Chúng tôi trở vê phòng khách mà để lại đằng sau Ibara, người đang nhìn tôi bằng ánh mắt như thể xót thương cho một con chó bị bỏ rơi.
Chitanda, mặt khác, lại mang bên mình một niềm vui mới.
“Một cái quẻ ‘Đại Hung” thì như thế nào nhỉ? Mình hiếu kỳ quá!”
Nhỏ nói đây sung sướng trong khi giật lấy quẻ bói của tôi mà xem lấy xem để. Ưu tiên hiếu kỳ hàng đầu của nhỏ đang được đặt trên từng dòng thơ hướng về từ “Đại Hung” tôi đã may mắn cầm trúng. Khó mà kiềm chế nổi một phản ứng trước sự ngây thơ vô số tội ấy.
“Cậu hạnh phúc vì điểm xui của tớ đến thế à?’
Chitanda nghiêng đầu, như thể không hiểu một lời nào của tôi.
“Chẳng phải cậu từng nói là không tin vào những thứ này sao?”
Ờ, đúng là vậy.
Nếu phải chọn giữa tin và không tin vào mê tín thì phải nói rằng tôi không tin, nhưng sẽ là nói dối nếu bảo rằng tôi chưa bao giờ tin vào những thứ nhất định, dĩ nhiên cũng là trong những hoàn cảnh nhất định. Mải suy nghĩ tôi không kịp đề phòng gương mặt Chitanda tiến sát về phía mình, từ chối cơ hội đáp trả nhỏ.
“G-Gì thế?”
“Tớ xin lỗi.”
Nhỏ cúi đầu.
“Khi đó chỉ là làm bộ thôi phải không? Cậu thực sự đang rất lo.”
Tôi không thể nghĩ ra một từ nào để hoạch lại lời tuyên bố ấy.
“Cứ đưa lại cho tớ.”
Một hình hài lướt qua tầm nhìn khi tôi đưa tay lấy lại tờ quẻ. Juumonji, với gương mặt đầy căng thẳng, đang bước những bước rất nhanh xuống hành lang. Chitanda không phản kháng.
“A, dĩ nhiên. Cám ơn vì đã cho tớ xem… Vậy, mình nên làm gì với nó đây?”
“Chẳng làm gì cả.”
Chịu thôi. Điều duy nhất có thể làm là vứt nó vào một xó ở đâu trong đền nhưng thế quả là không phải phép. Hay là treo nó lên cây sasaki[14]? Juumonji lại đi qua lần nữa, có lẽ nhỏ sẽ bày cho chúng tôi cách giải quyết phù hợp.
“…”
Tôi đã nghĩ là đi luôn nhưng một lần nữa nhỏ quay lại. Không để việc nhỏ đi tới đi lui không được ai chú ý, Chitanda lên tiếng gọi:
“Kaho-san.”
Juumonij hẳn là có việc phải lo nhưng có vẻ không bận tới mức không thể nói chuyện. Nhỏ dừng chân khi nghe tiếng, bỏ cái biểu cảm căng thẳng lúc nãy mà thay bằng một cái gì đó như hối lỗi.
“Xin lỗi nhé Eru. Tớ quên mang trà…”
“Không sao đâu. Có chuyện gì à?”
Khóe môi của Juumonji khẽ nhếch lên và tôi biết đó là cách cười của nhỏ. Trong trường hợp này thì có vẻ là một nụ cười gượng.
“Ừm, đại loại thế. Một người làm bếp lỡ tay làm đổ một cái nồi. Tụi này đang phải làm lại toàn bộ súp bánh gạo và sake ngọt cho khách.”
“Ôi trời.”
Đôi mắt Chitanda nở to.
“Rồi họ có bị làm sao không?”
“Không ai bị gì cả. Một bước lùi để né rất ngoạn mục.”
Với phản xạ như vậy thì sao cái nồi lại bị đổ nhỉ?
So với ban ngày thì ban đêm ít người hơn nhưng số lượng vẫn là rất đáng kể. Sake ngọt thì chắc chắn cần rồi, hơn nữa tai nạn lại xảy ra khi tiệc mừng chuẩn bị bắt đầu nữa chứ. Chả trách nhỏ chạy tới chạy lui như vậy.
Không chút ngần ngừ, Chitanda nói:
“Tớ sẽ phụ.”
Vừa định đứng lên nhỏ đã bị Juumonji ngăn lại. Có thứ trên đời Chitanda không nấu được sao?
“Không, không cần đâu.”
“Sao vậy? Tớ nghĩ mình có thể nấu được mà…”
“Ai chẳng biết cậu nấu ăn thượng thừa, nhưng định mặc cái đó vào bếp à?”
Chitanda nhìn lại mình. Đó là một bộ kimono đỏ từ đầu đến chân với những họa tiết bươm bướm và làn gió hết sức sang trọng. Đúng như nghi ngại của tôi một người đã mặc kimono thì không thể nấu nướng, và xem ra nhỏ đã hiểu.
“Vậy tớ có thể làm gì không?”
Juumoji suy nghĩ một thoáng rồi đưa ra quyết định.
“Cậu có thể tới nhà kho lấy cặn sake dùm tớ không? Đi vào nhìn bên trái là thấy ngay.”
“Bên trái, hiểu rồi!”
Chitanda lập tức đứng dậy và xắn tay áo. Nhìn tôi nhỏ nói:
“Xin lỗi nhưng cậu có thể giữ dùm mình cái túi dây không?”
Dù tiết kiệm năng lượng cỡ nào thì tôi cũng không thể ngồi đó nhìn Chitanda xoay xở trong bộ kimono được.
“Tớ cũng đi.”
“Xin lỗi đã làm phiền nhưng cám ơn các cậu nhé.”
Nói xong lời từ biệt Juumonji rời phòng khách như một cơn gió. Chitanda vẫn giữ cái túi dây của mình. Sau một chút nhận định tôi kết luận rằng với chút chuyện cỏn con như vậy thì chẳng cần phải mang áo khoác. Ở cửa ra, Chitanda hỏi trong khi tôi bận mang ủng.
“Cậu ấy nói là ở nhà kho đúng chứ?”
“Ừ.”
Chẳng mong đợi gì hơn từ những thứ rẻ tiền, mấy cái ủng này khó mang thật. Có khóa cài nhưng vì cái lỗ quá nhỏ nên mọi khi tôi chỉ cố đút chân vào. Chân trái đã xong, tôi tiếp tục nói khi cố gắng đút nốt cái chân phải.
“Ở đằng sau đền Inari, tớ tin là vậy… Rồi, đã mang xong.”
Mở cửa và ngay lập tức bị một làn gió rét rụng ập vào mặt, tôi đột nhiên hối hận vì đã mở miệng xin giúp.
Ước gì được mang theo một cái lò sưởi daruma nhỉ.
Số lượng người đến viếng không có dấu hiệu giảm, kể cả những bóng hình đứng quanh đống lửa. Trên tay mỗi người vẫn còn những chiếc cốc giấy nên xem ra tình hình sake ngọt cũng không bi đát lắm.
“Tớ nghĩ là cái nhà đó.”
Tôi nói rồi chỉ vào gian nhà phụ. Có lẽ vì mang guốc mộc Chitanda không thể đi nhanh nên nãy giờ nhỏ chỉ theo sau.
Càng tới gần gian nhà chúng tôi càng nhận ra nó đã xuống cấp tới chừng nào dù là trong ánh sáng lờ mờ. Tường và mái gỗ trông cực thiếu chắc chắn, đem lại cảm giác như chỉ cần một cú đá là sập hết như trong phim. Là những người điều hành đền Arekusu ki bo vê mặt tài chính hay việc xây lại một gian nhà phụ ở nơi biệt lập này là không cần thiết nhỉ? Dù gần đó là lá cờ “Đệ Nhất” treo ở cổng đền thần Inari nhưng cũng có một lá cờ “đền Arekusu” treo trên phần chái của nhà phụ, để lại một cảm giác càng tồi tàn hơn của toàn cảnh. Hơn nữa dường như cây cột quá ngắn nên tự nó không thể giương nổi lá cờ, kết quả là phần chóp đầu phải được buộc vào mái hiên bằng một đoạn dây nylon. Thực sự rất là xuống cấp.
Nhưng lại có một chỗ đủ ánh kim để hút ánh nhìn của người khác. Đó là cánh cửa làm bằng nhôm và hẳn là đồ mới mua thay vào, vì ngoài nó ra thì những phần cũ kĩ còn lại vẫn còn đó. Hai bản lề được khóa bằng cái chặn gỗ. Một thanh gỗ lớn sẽ được xuyên qua hai tay nắm rồi được chốt bằng khóa móc. Tuy nhiên vào ngày đầu năm hẳn là nhiều người phải ra vào nơi đây nên cái khóa móc đã không được cài vào thanh gỗ. Thế này quả là bất cẩn, nhưng chắc cũng chả có tên trộm nào thèm đột nhập vào đây để hôi của.
Gỡ thanh gỗ ra, chúng tôi mở cửa và vào bên trong.
“Mong là có đèn…”
Chẳng có công tắc nào ở đây cả. Cũng phải, một gian nhà nằm tách biệt như vậy thì khó mà nối đường điện tới được.
“Cậu ấy bảo vừa vào nhìn bên trái là thấy đúng chứ?”
Lời chỉ dẫn đơn giản hóa ra lại trở thành vấn đề, vì thứ duy nhất bên trái chúng tôi là bức tường.
“Hay là lộn, phải là bên phải mới đúng?”
“Không đâu, Kaho-san không bao giờ mắc một lỗi như vậy.”
“Nhưng chắc chắn là chả có gì bên trái cả.”
Tôi quay sang nhìn bên phải. Ở trong một gian nhà tồi tàn không chút ánh sáng thì nếu không phải tường cũng là màn đêm tuyệt đối. Tôi nói:
“Ở đây cũng không có.”
“Vậy nghĩa là…”
“Chắc là nằm sâu bên trong.”
Tôi bèn lấy tay với vào khoảng không phía tới mà bước tới. Sẽ khá nguy hiểm nếu không làm vậy, dù tôi cũng nên chờ cho mắt quen với bóng tối đã. Dần dà tôi cũng đi vào bên trong gian nhà, hy vọng sờ được vào cái gì giống như đồ đựng cặn sake nhưng chưa có tín hiệu tích cực nào phản hồi từ đầu ngón tay…
“Cứ tưởng dễ ăn nhưng rốt cuộc…”
“Ưm, Oreki-san này…”
Chitanda, người đột nhiên xuất hiện ở phía sau gọi tên tôi. Một cơn gió mạnh rít qua cánh cửa khép hờ khiến nó đóng hoàn toàn, làm chút ánh sáng từ bên ngoài vụt tắt.
“Sao vậy?”
“Tớ không biết nói làm sao, nhưng mà…”
Ừm, ăn bận cầm đồ đủ thứ và hối hả đi guốc tới đây thì nói không ra hơi cũng dễ hiểu. Tôi tiếp tục mò mẫn trong bóng tối, bắt đầu thấy hơi lạ khi một Chitanda lúc-nào-cũng-thẳng-ruột-ngựa phải đi đường vòng như thế.
“Đây là nhà phụ đúng không?”
“Ừ. Cũng có thể gọi là ‘nhà tạm’.”
“Cậu đang tìm cặn sake cho Kaho-san đúng không?”
“Chẳng thế thì tớ còn làm gì?”
“Xin lỗi nếu như tớ hiểu nhầm, nhưng, ưm… đây là một gian nhà phụ.”
Tôi thở dài.
“Ừ, rồi làm sao?”
Trong màn đêm tôi cảm nhận được cái lắc đầu của Chitanda, và vì lý do nào đó nhỏ nói rất khẽ:
“Không, là nhà kho.”
“Hở?”
“Nó ở trong nhà kho. Đó mới là nơi Kaho-san nhờ tụi mình đến lấy cặn sake. Đây là nhà phụ, còn nơi để cặn sake là nhà kho.”
Với cách đảo câu văn trong lần giải thích thứ hai, Chitanda rốt cuộc cũng cho tôi một cái nhìn toàn cảnh về cái giống quái gì mình đang làm ở đây. Không còn biết nói sao, tôi lập tức nghĩ về việc sẽ tự cốc đầu nhìn mà nói “Ối trơi ơi! Tớ lộn vì ở nhà không có nhà kho!” nhưng dĩ nhiên ai mà nói được, ngượng tới mắt cá chân mất. Thay vào đó tôi chỉ đáp gọn lỏn:
"Từ đầu cậu đã nhận ra phải không?”
“Ưm, đúng vậy, nhưng tớ không chắc lắm. Thực ra có một cái nhà kho ở ngay đằng sau phòng hành chính.”
“Vậy sao không nói sớm…”
Vặt lại lỗi của người đối diện là cách thường thấy để che đi nỗi xấu hổ của con người. Kệ, tí nữa xin lỗi sau vì chúng tôi phải nhanh lên. Sake ngọt hẳn là đã sắp hết, hơn nữa trời thì quá lạnh.
Một giọng nói lè nhè vang lên từ bên ngoài, đúng vào khoảnh khắc chúng tôi chuyển hướng.
“Ủa, ai gỡ thanh gỗ thế này?”
Thế nào, một tiếng cạch vang lên.
“Ơ, đó là…”
Chitanda chưa nhận ra nhưng tôi đã phóng một mạch tới cửa, hay đúng hơn, vì quá tối để thực sự xác minh, là chỗ nơi có cánh cửa theo trí nhớ của tôi. Một cảm giác lạnh lẽo toát ra từ tấm bản lề bằng nhôm.
Và rồi…
Cánh cửa chỉ lắc lên và tạo ra những tiếng lách cách nho nhỏ. Quay về phía Chitanda, tôi không thể thấy rõ nhưng thừa sức tưởng tượng ra cái đầu nghiêng về một bên tỏ rõ sự bối rối của nhỏ.
“Chuyện gì vậy?”
Nhỏ không nhìn thấy tình hình, cũng như cái nhún vai của tôi.
“Tụi mình bị nhốt rồi.”
4
“Nè Chitanda, cậu có nghĩ câu nói ‘Đầu năm dính mực, cả năm cơ cực’ là đúng không?”
Có thể cảm nhận được Chitanda đang suy ngẫm về câu hỏi tôi vừa nêu lên.
“Ưm… tớ không nghĩ niềm tin ấy là đúng. Giả sử là vậy thì nếu không có dự định gì vào ngày đầu năm thì cậu cũng không làm gì trong cả năm sao? Thật là vô lý. Nhưng Oreki-san… Tớ hiêu kỳ về tình cảnh của tụi mình hơn là ba trăm sáu mươi bốn ngày còn lại”
Gió thổi qua những khẽ nứt lạnh đến nỗi cắt từng miếng vào má chúng tôi, nhưng ít nhất nó còn mang chút ánh sáng cho những đôi mắt vừa quen với bóng tối. Giờ đây tôi có thể thấy một cây chổi tre, một cái xẻng sắt, một cây gậy dài có lẽ dùng để giữ nhà, một chiếc thùng các-tông chắc lá chứa những thứ tôi chả biết cùng cô bạn Chitanda, người đang mặc bộ kimono mà mang một gương mặt đầy lo lắng…
Và bốn bức tường chung quanh chúng tôi nữa.
Một tiếng lầm bầm chợt vuột khỏi miệng tôi.
“Thế quái nào lại thành ra như vầy nhỉ?”
“Tớ cũng không biết nữa. Hay là…”
Tối là thế nhưng tôi lại cảm thấy Chitanda đang cười.
“Vì cậu rút phải cái quẻ xấu ấy chăng?”
Tôi thở dài một tiếng.
Thiệt hả trời?
… Không, không thể nào. Tôi có thể đưa ra hai lý do. Thứ nhất, ông già đó đang xỉn nên tiện tay khóa luôn cái cửa mà không thèm kiểm tra có ai bên trong hay không. Còn thứ hai, hay đúng hơn là căn nguyên cội rễ của sự tình này được tôi nói lớn thành tiếng.
“Xin lỗi. Cũng tại tớ dở hơi.”
Chitanda lắc đầu.
“Không sao đâu. Tụi mình sao mà ngờ được thế này.”
Có thể là thế, nhưng xem như đây là dịp để tôi xin lỗi cho tiện.
Có thể chúng tôi đã bị nhốt, nhưng may là nơi đây không phải bên trong một nhà máy bỏ hoang hay một lớp học đang nghỉ hè. Gian nhà phụ này tuy nằm ở chỗ rìa, nơi ít ai lui tới nhưng vẫn có những người đến viếng thần Inari. Nếu chúng tôi la lên thì kiểu thì cũng có người tới giúp gỡ thanh gỗ ra.
“Tớ sẽ thử gọi ai đó. Âm vang có thể rất to nên cậu sẽ muốn bịt tai lại đấy.”
“Ơ, đợi đã.”
Tôi suy nghĩ về nội dung mình nên truyền đạt. Một nam sinh có lẽ không nên “Cứuuuuu tuuuuuuui vớiiiiiiiiii!” rồi nhỉ? “OOOiii!” chắc là được rồi, mà quan trọng là phải hét đủ lớn để người ta tới cứu. Nghĩ vậy tôi hít một hơi thật sâu, và ngay lúc chuẩn bị bật ra tiếng thì…
“Tớ bảo đợi đã!”
Một thứ gì màu trắng vút lên trong bóng tối ấp thẳng vào miệng tôi đầy mềm mại. Giật mình tôi nuốt luôn lời, tập trung thị giác vào phía trước để thấy Chitanda đang dùng bàn tay mình để che miệng tôi lại. Trong lúc còn chưa hiểu mô tê gì Chitanda lấy tay trái xắn tay áo phải lên trong khi tay phải vẫn yên vị trên miệng, rồi nói:
“Tớ xin lỗi, nhưng hãy đợi đã.”
Có một sự sợ hãi kì lạ trong giọng nói của nhỏ khiến tôi bất giác gật đầu. Nhưng tại sao lại phải đợi? Bỏ tay khỏi miệng tôi Chitanda hỏi:
“Nếu giờ cậu la lên thì chuyện gì sẽ xảy ra?”
Dù vẫn chưa hiểu ý nhỏ là gì nhưng tôi vẫn trả lời:
“Sẽ có người tới đây chăng?”
“Và chúng ta sẽ nhờ họ gỡ thanh gỗ ra.”
“Ừ, và lẽ thường thì họ sẽ giúp.”
“Và họ có thể mở cửa.”
“Ừ, nếu họ không bại liệt.”
“Và chúng ta sẽ giải thích thế nào đây?”
Lần này tôi không đáp ngay được.
Xem ra tôi đã hiểu lý do Chitanda lại sợ như vậy. Nếu tôi bị nhốt cùng với Satoshi, hay người bị nhốt cùng với Chitanda là Ibara thì sẽ chẳng có gì đáng bàn. Tuy nhiên nếu là chúng tôi thì khác. Liệu con người tử tế đã mở dùm cánh cửa có hiểu cho tình cảnh của chúng tôi, ít nhất là không nghĩ theo cách thường về một cặp trai gái ở chung trong một gian nhà tồi tàn nằm ở nơi tận cùng của khu đền và giữa đêm khuya thanh vắng?
Sau một lúc im lặng Chitanda lên tiếng khẽ tới mức khó mà nghe nổi.
“Sẽ hoàn toàn ổn nếu người đến cứu không biết gì về tớ, nhưng tất cả đạo dân ở đây đều biết tớ cả.”
Tôi nhớ lại người đàn ông tóc bạc trắng ở phòng hành chính nhận ra ngay cái tên Chitanda.
“Nếu họ là người đến cứu.. thì chắc chắn vấn đề sẽ được hiểu sai. Hơn nữa nơi để cặn sake là nhà kho chứ không phải ở đây nên làm sao chúng ta có thể giải thích? Oreki-san, tớ đến đây là thay mặt cho ba tớ. Sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác nếu không phải ở nơi này và thời điểm này, nhưng lỡ như tin đồn về tớ bị nhìn thấy ở cùng với cậu trong gian nhà phụ của đền Arekusu vào ngày đầu năm truyền ra thì…”
Tôi rên rỉ.
Chỉ nghe thôi thì người ta rất dễ nghĩ là nhỏ quá quan tâm tới danh tiếng của mình, hoặc muốn người ta nghĩ rằng nhỏ là người như thế. Nhưng tôi nghĩ vậy chỉ bởi vì tôi là Oreki Houtarou, một nam sinh cao trung bình thường. Mặt khác Chitanda thuộc về một thế giới riêng. Nhỏ quen người con trai của nhà Tougaito, gia tộc nắm những vị trí quyền lực nhất trong ngành giáo dục ở vùng Kamiyama cùng với con gái của nhà Irisu, gia tộc đang điều hành bệnh viện lớn nhất nơi đây. Họ không chỉ có quan hệ đàn chị - đàn em mà còn coi nhau như bạn bè. Và hôm nay Chitanda đại diện cho ba mình, vào ngày đầu năm mới đi tặng rượu sake cho nhà Juumonji, gia tộc điều hành ngôi đền Arekusu lớn nhất vùng.
Đó là một thế giới tôi sẽ chẳng thể hiểu, cũng không thể biết được nỗi lo của Chitanda về việc lớn tiếng lúc này sẽ dẫn tới những lời đồn không hay có đúng đắn hay là sự cả nghĩ không cần thiết hay không.
Trong một khoảng ngắn tôi nghĩ rằng thật cô đơn nếu sống trong thế giới ấy.
Thở dài một cái, tôi nói:
“Rồi, vậy ta nên làm gì đây?”
Có những kẽ nứt trên tường nhưng gần cửa thì không, nên có lẽ việc gỡ thanh gỗ từ bên trong là bất khả thi.
“Dù gì thì chúng ta cũng cần sự giúp đỡ từ bên ngoài và càng sớm càng tốt, vì lỡ như có ai cần lấy đồ và mở cửa ra thì xem như khỏi thanh minh gì nữa. Nghĩ xem, liệu ai sẽ hiểu được tình cảnh này?”
“Chỉ có Kaho-san…”
“… và Ibara nữa, trước mắt là vậy.”
“Lẽ ra tụi mình nên la lên ngay khi thanh gỗ được chèn vào cửa, nhưng vì bất ngờ quá nên tớ không kịp phản ứng…”
Chất giọng buồn rầu của Chitanda chợt trở nên tươi sáng đầy hy vọng.
“Nhưng sẽ ổn thôi!”
“Ồ, cậu có ý tưởng à?”
“Đúng thế!”
Nhỏ trông cực kỳ tự tin với bản thân. Thực sự có một phương án tốt đến thế sao?
Trong bóng tối tôi còn nhìn ra nụ cười của hỏ.
“Dễ lắm. Tụi mình chỉ cần gọi điện cho các cậu ấy.”
Ờ… không hẳn là khiến quai hàm của tôi rớt xuống đất, nhưng mà…
“Ừ thì dễ đó Chitanda, nhưng tớ không nghĩ sẽ có một cái bốt điện thoại trong cái nơi cũ kỹ này.”
“Cậu đang nói gì vậy? Đùa phải không? Dĩ nhiên tụi mình sẽ dùng điện thoại di động.”
Đầu tôi bắt đầu nhức. Gió rít qua những khe nứt như ăn vào tới não.
“Ừm, ý kiến hay đấy. Vậy cậu cứ làm đi.”
“A, nhưng tớ không mang điện thoại theo.”
Cô giỡn với tôi đó à? Vì bối rối quá nên quên là mình thật sự có mang theo đúng không? Đúng không? Tôi tự rủa thầm trong lòng mình như vậy.
“Tớ cũng không.”
Và rồi, bầu im lặng lại tới.
“Ôi không! Tụi mình làm sao đây?”
Giờ có bấn loạn thì cũng muộn rồi.
Bên cạnh việc la lên cầu cứu liệu còn cách nào để thoát khỏi gian nhà phụ này không? Tôi cố nghĩ trong một lúc. Nhiệm vụ tạm thời là tìm ra cách mở cánh cửa từ bên trong. Tôi bắt mình coi việc này là suy nghĩ nghiêm túc thay vì phán hai chữ “bất khả” hay lập tức.
Đầu tiên là xem xét tới cấu trúc của cánh cửa đang đóng. Cửa này không có chìa, nên nếu tác dụng vào một lực đủ lớn nó sẽ mở he hé, nhưng chỉ tới đoạn bị thanh gỗ chặn lại.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được quan sát trước khi đi vào tôi có để ý tới những cơ cấu bằng kim loại hình chữ “ko” (コ) được gắn thành một hàng trên cửa. DĨ nhiên những chi tiết như chúng được gắn vào bằng đinh hay vít thì tôi mù tịt, nhưng có thể giả định rằng nó vững chắc đủ để chịu những cú đá của tôi. Ngoài ra khi đó còn có một thanh gỗ xuyên qua những cơ cấu ấy, chắc chính nó cũng là thanh chèn cửa.
Như vậy thanh gỗ này đã được chèn ngang qua những cơ cấu này. Nếu là dọc hoặc những phương kì dị nào khác thì có lẽ chúng tôi còn có thể cố gắng bằng cách nào đó lợi dụng khe hở ít ỏi mà đẩy thanh gỗ ra khỏi cơ cấu giữ, nhưng nếu là ngang thì xem như thua. Tóm lại, thực sự không có cách nào để mở cửa từ bên trong.
Tuy là thế…
“Có hơn một cách để mở cửa.”
Nghe lời thì thầm của tôi Chitanda phản ứng với một tiếng “Ể?” Tôi vẫy tay và chỉ vào cửa.
“Ví dụ, ta có thể dỡ cả cánh cửa ra khỏi bản lề của nó, tùy thuộc vào cách nó được gắn.”
Trong bóng tối tôi tập trung vào nơi cánh cửa giáp vào tường. Có hai bản lề, một ở gần đỉnh và một ở sát phía dưới. Ờ, cửa nào mà chẳng thế. Vấn đề là để gỡ nó ra chúng tôi phải có một cây tua vít, và hơn hết là cánh cửa phải được mở thì mới vặn được vì mặt ốc sẽ bị che bởi cạnh cửa khi nó đóng lại.
Phương án gỡ bản lề cũng bất khả thi.
“Ngoài ra…”
Ưm, Oreki-san…”
Chitanda thì thầm.
“Hửm?”
“Tớ quên rằng cậu không có điện thoại nên mới bảo cậu đừng la… Nhưng giờ tình thế đã khác, tụi mình phải gọi người tới giúp thôi, cứ thế này thì cậu sẽ…”
Tôi sẽ làm sao? Mà sao nhỏ lại tỏ ra bối rối như vậy?
“Cậu sẽ bị cảm mất!”
Quả là cơ thể của tôi đang run bần bật vì lạnh. Nghĩ là việc lấy vài hũ cặn sake cần chưa tới một phút nên tôi đã không mang áo khoác, để giờ đây chỉ với chiếc áo mỏng manh mà hứng chịu sự hành hạ của thời tiết. Dù là vậy tôi cũng không nghĩ mình sẽ chết tại chỗ vì lạnh được đâu.
“Nhưng cậu sẽ vẫn lo về việc người ta hiểu lầm khi thấy tụi mình ở chung với nhau đúng không? Nếu hoàn toàn không còn cách thì tớ sẽ gọi giúp đỡ. Cho tới lúc đó tớ sẽ nghĩ ra một cách nào đó.”
“Oreki-san…”
Chitanda cúi đầu. Không biết nhỏ có nhìn thấy tôi trong nơi tối tăm này không, nhưng tôi đã cười một cái cười toe toét nhất từng cố gắng trong đời mà nói.
“Thực ra cũng không tệ vậy đâu. Chúng ta không thể gỡ thanh gỗ hay bản lề, vậy thì còn bốn cách để thoát mà chưa xem xét đến.”
“Ôi! Nhiều thế?”
“Ừ.”
Tôi lấy ngón tay ra đếm.
“Thứ nhất phá cửa, thứ hai phá tường, thứ ba đào hầm, thứ tư tốc mái.”
Sau khi cụp bốn ngón tay xuống chỉ còn mỗi ngón út của tôi chĩa ra. Chitanda không một lời, nhưng sự im lặng của nhỏ như nói rằng phát mệt với trò đủa không vui của tôi. Tuy nhiên tôi không hề đùa. Có một câu nói của Sherlock Holmes tôi học được từ Satoshi rằng: “Một khi đã loại trừ được những điều bất khả thi, thứ còn ở lại dù có là gì, dù có vô lý thế nào cũng là đáp án đúng” hay đai loại vậy.
Tôi ịn nắm đấm của mình vào tường.
“Những cách đó có thể thành công nếu tụi mình cố gắng, tớ nghĩ vậy. Cánh cửa có thể kiên cố nhưng khoảng tường nó gắn vào trông mục nát tới nơi rồi. Nếu tụi mình cứ đá vào thì hy vọng nó sẽ bở ra. Thêm nữa mấy bức tường bằng gỗ chắc cũng mục rồi, nếu dùng những dụng cụ có ở đây tớ nghĩ sẽ không khó để xuyên phá đâu.”
“S-sao?”
Như dự đoán, lời phản đối cất lên.
“Tất cả đều không được! Dù gian nhà này có cũ thế nào thì nó vẫn là tài sản của ngôi đền!”
“Không được à. Tớ cũng nghĩ vậy.”
Người quản đền chắc sẽ giận chúng tôi lắm, và dù nó không phải là vấn đề thì việc phá tường nếu gây ra tiếng ồn thì những người đạo dân gần đó sẽ chạy tới, và thế là đi luôn ý định đào thoát trong yên lặng. Như vậy thì phá mái cũng miễn bàn, thế là còn…
“Vậy kế hoạch đào hầm thế nào?”
Ơn trời rằng trong nhà phụ có những cây xẻng cạnh đủ sắc và trông đủ bền, đồng thời phía dưới không có lát sàn. À, thì ra đó là lý do cho sự lạnh lẽo bất ngờ ở đây. Không có lát sàn thì sức lạnh từ đất sẽ được truyền thẳng tới chúng tôi.
“… Tụi mình bắt đầu đào nhé.”
“Nhưng đào chừng nào mới…”
Có lẽ là tới sáng mai, trong trường hợp tôi không đột quỵ giữa chừng.
Không còn đường để thay đổi kế hoạch nữa. Đây là nơi để đồ nên nó chứa đầy những dụng cụ, tuy nhiên thứ có khả năng giúp chúng tôi ra khỏi đây vẫn còn chưa xuất hiện. Ngoài chổi và xẻng thì còn một cây cọc sắt dài chẳng biết để chống trộm hay gắn cờ, cùng một cái giá trống taiko. Hộp các-tông hóa ra lại chứa đầy tách trà… Chúng tôi phải làm gì với chúng đây?
Gió tiếp tục ùa vào trong qua những kẽ nứt trên tường.
Vô vọng rồi. Không cách nào để thoát thân mà không mở cửa cả. Chết toi cái căn nhà không có nổi một cái cửa sổ! Giờ thì đợi càng lâu càng khiến việc nghĩ ra lý do trở nên khó khăn hơn nếu có người tới cứu. Nếu chúng tôi muốn la lên thì cơ hội đó cũng đã trôi qua từ rất lâu rồi. Tôi nhận ra mình đang vắt kiệt trí lực để nghĩ ra một cách lưỡng toàn. Thế còn “thành ý” thì sao? Không, không mê tín như vậy được. Tôi biết nỗi sợ của Chitanda là thật và muốn chơi đẹp với nhỏ. Nhưng… aaa… bên ngoài vẫn rộng hơn và đỡ lạnh hơn!
Khao khát tự do, tôi dòm ra ngoài qua một kẽ nứt.
Dù nhỏ nhưng nó cho một tầm nhìn rộng tới không ngờ. Mắt tôi liền bị thu hút về phía ánh lửa bập bùng. Nếu ở đó thì tuyệt biết làm sao, vì nó ấm! Không biết sake ngọt có còn đủ không nữa. Thất bại của chúng tôi hẳn là gây khó khắn cho nhà Juumonji nhiều lắm.
Những người thăm đền hẳn là đang trong một tâm trạng trái ngược với chúng tôi. Có một người đan ông luống tuổi say mèm hướng về gian nhà phụ. Đây là một đạo dân chăng?
“A, ông ấy tiến về đây!”
Nghe vậy tôi mới nhận ra Chitanda cũng đang nhòm ra thế giới bên ngoài qua một kẽ nứt khác. Cái lỗ của tôi thì ngang hông còn lỗ của Chitanda nằm ở ngang tầm mắt, thế nên chỉ nghiêng người một cái tay tôi đã chạm vào chiếc túi dây của nhỏ.
Người đàn ông không đi đến tận đây. Tôi tưởng rằng ông ta sẽ đi tới đền thần Inari nhưng giữa đường ông cúi xuông để nhặt cái gì, rồi quay lại mà đi về hướng ngược lại.
“Thế là sao nhỉ?”
Tôi lầm bầm, và Chitanda đáp lại đầy tự tin.
“Ông ấy vừa nhặt lên một cái gì đó giống như dây đeo điện thoại.”
“Cậu nhìn thấy à?”
“Tớ nghĩ vậy.”
“Ở khoảng cách này? Vào buổi tối ư?”
Câu trả lời cảu nhỏ chứa đầy sự thành thật.
“Tớ tin mình có thể nhìn khá tốt vào ban đêm.”
Vậy Chitanda, bên cạnh thị lực hai mươi trên hai mươi của mình còn có khả năng thấu thị ban đêm sao? Không chỉ vậy nhỏ còn có thính giác và khứu giác đầy sắc bén. Nhỏ còn nấu ăn giỏi, như vậy xem ra khả năng nếm cũng tốt luôn thì phải.
Cuộc nói chuyện đủ để làm tôi mất dấu người đàn ông nhưng Chitanda vẫn theo được. Một hồi sau nhỏ lên tiếng:
“A, ông ấy tới đó để đưa đồ.”
“Đưa đồ à? Ở đâu?”
“Khu vực bán hàng ở phòng hành chính ấy. Ôi, đông người quá nên tớ mất dấu rồi.”
Khoảnh khắc đó đã lóe lên trong tôi một niềm hy vọng.
“Nè Chitanda… Vậy nếu tớ chỉ phá tường một chút thôi thì có được không?”
5 (đằng B)
“Thành Odani: Khi gió đổi chiều” thực sự là mang tính giải trí cao với diễn tiến không lường được của nó. Điều tôi thực sự cảm thấy ấn tượng chính là cảnh mở màn trận chiến Okahazama. Trái ngược hẳn với những phim cổ trang trước đây thường mô tả Imagawa Yoshimoto chỉ như một kiếm sĩ lão luyện, ông được xuất hiện ở đây với tư thế là một vị anh hùng bất khả chiến bại trong lịch sử - người đã một mình chấp cả một đạo quân của Nobunaga trong trời mưa tầm tã. Đồng thời bộ phim cũng đưa Mouri Shinsuke, người chiến binh đã lấy đầu của Yoshimoto “được” trở thành anh hùng ké. Khi xem Yoshimoto và Shinsuke giao chiến trong cảnh xác chồng thành núi, máu chảy đầy sông tôi đã cười tới mức đau dạ dày, và đó là lúc tôi nhận ra thứ mình đang xem hóa ra là phim hài[15].
Nói thế thì cũng hơi tội vì tính ra cũng có chỗ này chỗ kia. Ngân nga theo bài hát cuối phim tôi tha thẩn bước chân hướng về đền Arekusu mà tiện tay mở điện thoại để đọc lại lần nữa tin nhắn của Mayaka.
“Chii-chan và Oreki tới rồi. Đợi trong phòng khách ấy.”
Ồ, đang làm việc thì không nên nhắn tin chứ.
Phe phẩy cái túi dây tôi tiếp tục băng qua những cung đường, đạp lên những miếng đá lát, ném cho dòng người đang xếp hàng mua đồ lưu niệm một cái liếc trước khi bước vào phòng hành chính của đền.
Tôi cũng gặp Juumoji-san khi vừa mở cửa. Dĩ nhiên cậu ấy phải mặc trang phục của miko cả ngày, và dù vậy vẫn trông điềm tĩnh hơn một Mayaka lần-đầu-mặc một trời một vực. Kể ra cũng hên khi mới vào đã gặp người quen nhưng tôi lại không ổn với Juumonji-san cho lắm. Quyết định mở lời một cách tươi tỉnh như mọi ngày, tôi nói:
“A Juumonji-san, chúc mừng năm mới!”
Trái ngược với dự đoán của tôi, cậu ấy đáp lại bằng một câu hỏi:
“Fukube-san, cậu có thấy Chitanda ở đâu không?”
Chitanda-san ư? Chẳng phải ở đây sao?
“Tớ mới tới nên chưa gặp.”
“Vậy à.”
Hai hàng lông mày của Juumonji-san cau lại. Có chuyện rồi thì phải.
“Xin lỗi vì không tiếp cậu được nhưng cứ vào trong đi. Phòng khách có để lò sưởi.”
Kết lời ngắn gọn xong Juumoji-san tiếp tục bước dọc xuống hành lang. Ừm, tôi nên cảm thấy cảm kích vì được người ta cho vào như vậy. Mà khoan, tự dưng lại muốn nhòm trộm Ibara đang làm gì ở đằng sau hơn. Dù đây là lần đầu vào bên trong phòng hành chính nhưng tôi đã hình dung được mình sẽ đi hướng nào. Dù chẳng giống mấy người đang rót rượu sake cho khách nhưng chỉ cần làm cái mặt kiểu “Chuyện tui ở đây là bình thường!” thì chả ai bình luận gì được.
“Chắc là ở đây”, tôi suy đoán trước khi đưa tay mở cửa. Trúng boong! Makaya trong bộ áo hakama đỏ rực đang ngồi rất nghiêm chỉnh, đủ gần để tôi có thể vươn tay chạm vào và trông đã mệt tới nơi. Phơi mình trong cái lạnh đầu năm cả ngày chắc là kinh khủng lắm. Cố lên, ba mươi phút nữa thôi.
Buổi sáng quá bận rộn nên hai chúng tôi không thực sự được tán gẫu với nhau. Giờ thì chắc ổn rồi, nghĩ vậy tôi bèn nói khẽ.
“Mayaka.”
“Fuku-chan…”
Là tưởng tượng hay là Mayaka đang đỏ mặt nhỉ? Nếu là cái sau thì chắc là tôi hiểu được, đó là cậu ấy vẫn còn ngượng về bộ trang phục của mình. Những tưởng sau bao nhiêu giờ đồng hồ mặc cậu ấy cũng sẽ quen nhưng thực tế thì, quả là Mayaka năm nay vẫn là Mayaka của năm trước và mọi khi.
Vào buổi sáng đã chúc mừng năm mới nên lần này tôi chỉ nói “Cậu vất vả quá”. Mayaka xem ra là mệt tới mức không nở nổi một nụ cười. Cậu ấy chỉ gật đầu một cái trông như con nít. Nhưng rồi, như chợt nhận ra điều gì tôi cảm thấy hành động của Mayaka trở nên đầy sức sống trở lại. Cậu ấy cầm lên một cái khăn tay từ chiếc khay đựng đồ đánh rơi mà nói:
“Nè Fuku-chan, cậu có nhận ra cái này không?”
Đó là một cái khăn tay loại có thắt dây trắng tinh nhưng nhìn kĩ thì phải gọi là màu ngọc trai hơi ngà. Trông cũng mắc tiền nữa, loại tôi không nghĩ có thể tìm thấy ở quanh đây. Tuy vậy nó không lại ấn tượng đặc biệt gì cho tôi cả.
“Không hẳn.”
Tôi lắc đầu, còn Mayaka thì lẩm bẩm:
“Tớ nghĩ Chii-chan có một cái giống vầy…”
Nhắc mới nhớ, cũng là bình thường nếu Chitanda sử dụng những thứ như thế này. Dĩ nhiên với tính của cậu ấy thì nó sẽ không được mang đến trường rồi.
Tôi cười.
“Ừm, có ý tưởng về chủ nhân là tốt. Cậu có thể hỏi Chitanda khi cậu ấy quay lại mà.”
Mayaka gắng nở một nụ cười yếu ớt và nói: “Ừm, cậu nói đúng.”
5 (đằng A)
“Hình như không ai tới cả…”
Chitanda, người đang nhìn qua khe cửa khẽ thì thầm. Tôi cũng rầu rĩ.
“Tớ đã nghĩ cái khăn tay là hướng đi đúng, nhưng mà…”
Gió thổi vào trong nhà ngày càng mạnh. Như các cụ vẫn nói, “Gieo gió thì gặt bão”. Tôi đã dùng xẻng phá tường và cũng vì thế mà càng nhiều gió hơn được chui vào. Lạnh lắm. Rất lạnh.
Thực ra tôi chỉ đục một khoảng nhỏ trên tường để làm lớn hơn một cái lỗ trước đó, và giờ nó đã đủ lớn để Chitanda có thể thò bàn tay nhỏ nhắn của nhỏ ra ngoài.
Tự thân thoát khỏi gian nhà phụ là bất khả.
Tôi cuối cùng cũng thừa nhận điều đó. Dù được xây ở một địa điểm vắng vẻ nhưng vẫn có người qua lại. Sẽ là sai lầm nếu chúng tôi liều lĩnh thoát ra bằng những cách thông thường. Giả mà có ít nhất một khung cửa sổ thì đã tốt. Nếu đã không tự lực cánh sinh được thì cách duy nhất là cầu cứu và hai đối tượng duy nhất chính là Juumonji và Ibara. Cả Chitanda và tôi đều không có điện thoại và buồn thay, xem ra nhân loại phải còn lâu lắm mới có thể từ bỏ phương thức truyền tin sơ khai nhất dù đã và đang sống trong thời đại thông tin lao nhanh như tên lửa này.
Công việc bán thời gian của Ibara là miko khiêm trông coi đồ bị đánh rơi. Như nhỏ đã đề cập sẽ luôn có những đạo dân đi loanh quanh khắp đền, nhặt những thứ trông có vẻ giá trị rồi chuyển cho nhỏ. Đó chính là niềm hy vọng của chúng tôi.
Vì nói cách khác, nếu chúng tôi “làm rơi” một cái gì đó đủ giá trị vì rất nhiều khả năng nó sẽ được chuyển cho Ibara.
Đến lúc này thì không có gì sai cả. Đồ vật chúng tôi ném ra đã được một người đạo dân nhặt lên mang về. Tất cả đều theo kế hoạch nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Một phương án để liên lạc với Ibara đã được đưa ra nhưng thông điệp quan trọng lại chưa thể chuyển tới.
Tôi nói khẽ:
“Tớ cũng đã lo một chiếc khăn là không đủ.”
Đồ vật đầu tiên được chọn là chiếc khăn tay của Chitanda vì nó trông đủ giá trị để được nhặt lên, và Ibara sẽ dễ dàng nhận ra chủ nhân của nó.
Chitanda lùi ra khỏi bức tường.
“Ừ, Mayaka chắc là đã nhìn thấy nó nhiều lần rồi nhưng nó khó để lại một ấn tượng gì…”
Mà giả dụ Mayaka có biết chiếc khăn này thuộc về Chitanda thì cũng chẳng dễ để nhỏ suy luận ra việc chúng tôi đang bị nhốt trong một gian nhà phụ. Xem ra phải tạo thêm cơ hội suy nghĩ cho nhỏ rồi.
“Cái vật này được nhặt ở gần nhà phụ. Tại sao Chitanda Eru lại ở đó Chẳng phải cậu ấy đang ở trong phòng khách hay sao… A, có vấn đề rồi đây!”
Nếu một chiếc khăn không thể truyền được thông điệp đó thì tôi nên nghĩ tới mon1 đồ thứ hai. Thứ gì đủ hoàn hảo để báo cho Ibara đây?
6 (đằng B)
Tiệc mừng đã bắt đầu trong phòng khách.
Vẫn còn chỗ ngồi và tôi hiển nhiên là thể loại đông vui là ham, nhưng thực tế thì nó chán tới mức tôi lập tức phải chạy biến và điểm đến duy nhất là chỗ Mayaka. Dù chẳng muốn làm phiền tới những người đang làm việc nhưng rốt cuộc tôi cũng trò chuyện một cách đầy thoải mái với hai đàn chị làm việc chung với cậu ấy, và dường như Mayaka đã đưa ra một tuyên bố trước hai người rằng:
“Em đang nhắm tới việc hẹn hò với cậu ấy.”
Ba cô nàng miko-bán-thời-gian hẳn là đã khăng khít với nhau sau khi làm việc chung gần một ngày, vì tôi có thể cảm nhận sự ủng hộ mãnh liệt của hai cô nàng giành cho Ibara sau lời tuyên bố ấy. Không biết từ đâu ra nữa, chứ tôi không nghĩ hai cô nàng là học sinh Cao trung Kamiyama.
Vừa mở cửa tôi có thể thấy Ibara tỏ ý cho phép vào, nhưng nếu bước qua cái ngưỡng này thì toàn thân tôi sẽ bị trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật nên dù có ít người cỡ nào tôi cũng nghĩ mình không nên làm vậy. Thay vào đó tôi chỉ thò đầu vào sâu nhất có thể.
“Fuku-chan, nhìn này!”
Nói xong cậu ấy đưa ra trước mặt một cái ví gấp được và phủ ngoài bằng một lớp vải gin. A, chắc chắn tôi nhận ra nó.
“Chẳng phải là của Houtarou sao?”
“Đúng vậy, tên ngốc ấy hẳn là đã đánh rớt.”
“Ừ, bộ vía của cậu chàng Houtarou có lỗ thủng âu cũng là chuyện thường.”
Houtarou có thể nghĩ rằng mình hỗ trợ Chitanda về nhiều mặt nhưng đó là những ngoại lệ duy nhất trong trí nhớ của tôi. Cậu ta đã bao phen khiến tôi và Ibara hoảng hồn dù là trong những hoạt động bình thường nhất. Tôi còn nhớ có lần khi chúng tôi đến suối nước nóng vào hè năm nay, à lộn, năm rồi[16] nhờ Ibara có người quen, Houtarou đã bất tỉnh nhân sự khi mới ngâm mình được vài phút.
Tóm lại việc Houtarou làm rớt ví là chuyện dễ hiểu, nhưng nó cũng khiến tôi bắt đầu nghi về việc cái khăn tay có phải là của Chitanda-san hay không.
“Lạ lắm. Cậu nhìn này.”
Mayaka nói khi mở banh cái ví ra. Ê, không nên lục ví của người khác chứ! Mà rồi tôi cũng dán mắt vào nội dung bên trong cái ví. Trời đất…
Mayaka tóm lại tình trạng bằng một câu.
“Cái ví trống trơn.”
Không có một thứ gì ở cả chỗ để giấy ghi chú lẫn chỗ để tiền xu. Một yên cũng không.
“Không lạ sao Oreki tới đây để viếng đền cơ mà, cậu ta phải có ít tiền để cầu nguyện chứ.”
“Ưm, không hề gì. Cậu ấy có thể đã dâng hết tiền cho thần thì sao.”
“Hắn á? Cậu có lộn không?”
Lộn chứ, tôi cũng chả nghĩ vậy. Khó mà nghĩ rằng cậu ấy có một điều ước mãnh liệt đến thế. Chỉ vào ví tôi nói:
“Cái lạ là ở ngăn giữ thẻ. Thường thì Houtarou luôn mang theo một cái thẻ điểm tích lũy hay thẻ thành viên gì ấy nhưng ở đây cũng trống không.”
“À ừ, đúng rồi.”
“Vậy có lẽ nó không phải là ví của Hotarou nhỉ.”
Nhưng Mayaka lập tức phản đối:
“Không, chắc chắn là ví của cậu ấy.”
“… Sao cậu lại nghĩ vậy?”
“Vì thứ này được buộc vào phần dây xích kim loại của cái ví.”
Mayaka lấy ra một mẩu giấy. Nó nhỏ và trông như bị vò nát. Cầm vào tay tôi liền nhận ra đó là một tờ quẻ.
“Cậu xem đi.”
Mở cái quẻ ra… tôi liền bật cười như điên dại.
“Đại Hung! Đại Hung! Trời đất thánh thần ơi đền Arekusu làm thiệt kìa. Lần đầu tiên có một ngồi đền chơi xấu tới mức bỏ cả quẻ Đại Hung vào!”
Nhưng Mayaka không tỏ ra vui mà chỉ cười gượng, và giọng cậu ấy thực sự nghiêm túc.
“Đây là cái quẻ Houtarou đã rút. Nó cũng có nói là sẽ Bị đục mổ bởi muôn loài chim chóc hay đại loại vậy. Oreki làm rơi ví với tờ quẻ được buộc vào nó.”
Ra vậy.
Tôi nhíu mày và chẳng thể nói được lời nào. Có lẽ điều đó khiến Mayaka lo lắng.
“Fuku-chan?”
“… Nghĩa là…”
Tôi nuốt nước bọt một phát.
“Vì Houtarou đã cột điềm rủi này vào cái ví nên không những nó bị đánh rớt mà còn bị lột sạch!”
Thật là tội nghiệp cho cậu chàng, đầu năm đầu tháng đã xui xẻo như vậy.
Phải chăng đó là sức mạnh của quẻ bói? Nếu nó đã dự đoàn số phận bi thảm của Houtarou chính xác đền vậy thì tôi cũng nên lợi dụng một chút. Thế là tôi rút ra một đồng một trăm yên…
“Mayaka, cho tớ rút một quẻ nhé.”
6 (đằng A)
“Vẫn chưa có ai tới… Ách xì!”
Đó là âm thanh của Chitanda.
Thật là sai lầm làm sao khi nghĩ rằng mặc những thứ đó là không lạnh. Là con trai tôi chưa bao giờ mặc kimono, nhưng dù có nhìn từ góc nào đi nữa thì sẽ chẳng một có sự sỉ nhục nào hơn việc tôi mặc nó.
“Cậu ổn đấy chứ?”
Chitanda gắng cười mà đáp:
“Không sao… lẽ ra tớ nên mặc thêm chiếc michiyuki…”
“Michiyuki?”
“Là cái áo màu đen làm bằng vải crêpe ấy.”
A, ra nó được gọi là michiyuki sao? Nghe rất Nhật Bản.
“Tớ cũng hối hận vì không mang áo khoác.”
“Trời càng ngày càng lạnh rồi…”
Nói thế là giảm rồi. Chính xác hơn chúng tôi đã gần giới hạn của minh. Nếu không có một cái túi ấm trong túi áo chắc tôi đã chào thua mà la lên cầu cứu.
Giờ đây trong túi ngoài cái túi thơm còn có những thứ khác. Một tờ một ngàn yên, vài đồng tiền lẻ cùng một cái thẻ tích lũy điểm của một cửa hàng CD.
Ném đi cái ví là một quyết định quan trọng. Tôi đã nghĩ rằng cái bóp của Chitanda là phương án tốt hơn, vì nếu buộc cái quẻ Đại Hung của tôi vào đó thì Ibara sẽ hiểu ngay vấn đề và lập tức ứng cứu nhưng rốt cuộc tôi đã không làm vậy. Cái bóp của Chitanda không phải thứ nhỏ thường dùng để mua bánh mì ở căn-tin mà là một phần của bộ trang phục đặc biệt đón năm mới của nhỏ. Khi cầu nguyện tôi đã có dịp ngắm một lúc lâu: đó là một chiếc bóp bằng da thuộc trông rất mắc tiền. Tôi bèn nghĩ về việc bỏ ra hết những thứ trong bóp để lỡ nó có bị trộm thay vì gửi về chỗ Ibara thì cũng đỡ, nhưng ngặt nổi Chitanda lại chứa rất nhiều đồ trong đó. Lỡ bất kỳ ai ngoài những người đạo dân phát hiện ra thì xác định phần nhiều là mất. Để giảm tối đa rủi ro tôi bèn lột sạch chính cái ví của mình, và để chỉ ra đây là ví của Oreki Houtarou tôi buộc quẻ bói của mình vào sợi dây xích trong ví. Vì đó là một mẩu giấy nên tôi thực lòng muốn điền thêm một chữ “Cứu” nhưng không may, dù suy nghĩ muốn banh não tôi cũng không tìm ra dụng cụ nào thay cách thì để thay thế cho chữ viết. Đã thử tạo những vết xước hình chữ “Cứu” nhưng khi buộc vào dây xích tờ giấy sẽ bị nhàu và những nếp xước sẽ không còn nhận diện được. Tôi cũng có thể bỏ nó vào trong ví, nhưng nếu vậy nó sẽ không nằm ở một vị trí làm cho Ibara dễ nhận diện và kết luận rằng đó là ví của tôi nếu nhỏ không dám mở ra. Một bài toán khó…
Và xem ra tôi đã đưa lời giải sai. Cái ví chắc chắn đã được chuyển đến Ibara nhưng ứng cứu theo chiều ngược lại thì chưa. Hẳn nhỏ đã nghi ngờ chút ít với việc cái ví của tôi đến sau chiếc khăn của Chitanda nhưng… vẫn chưa đủ khiến nhỏ rời ca trực để kiểm tra tình hình.
“Xin lỗi nhé Chitanda. Tụi mình chắc không còn lựa chọn nào khác.”
Trong tôi trỗi lên một tâm trạng muốn hy sinh để đưa Chitanda đang lạnh cóng tấm áo khoác còn lại của mình nhưng lý trí tôi biết mình cũng lạnh. Nếu cởi tấm áo này ra tôi sợ rằng mình sẽ ngất vì hạ thân nhiệt mất.
Chitanda nhìn tôi mà mỉm cười.
“Không, là lỗi của tớ đã ích kỉ kéo cậu theo.”
“Cậu không có ích kỉ. Đó là công việc mà, phải không?”
“… Dù là thế nhưng việc khiến cậu theo không thể đổ lỗi cho ai khác. Mình gọi giúp đỡ thôi, nếu có lời đồn gì thì đành chịu vậy.”
Nghe đến đây phải nói khiến tôi cực kỳ chán nản, chịu lạnh cho cố để giờ cũng phải bỏ cuộc nhưng chúng tôi thực sự hết cách rồi. Khi tâm trí còn tỉnh táo có lẽ không nên phí thêm phút giây nào nữa. Tôi gật đầu.
Nhưng ngay khoảnh khắc cuối cùng đó…
“Tớ nghĩ có lẽ Fukube-san đã tới đây rồi...”
Lời bâng quơ của Chitanda khiến tôi nhận ra một nhân vật đã bị lãng quên. Đúng rồi! Satoshi có lẽ đã ở đây. Hắn có nói là sẽ trở lại đền vào giờ này cơ mà! Khi việc thoát thân bằng những phương pháp vật lý tỏ ra bất khả tôi đã nghĩ đến việc liên lạc với Ibara, nhưng nhỏ không phỉa là lựa chọn khả dĩ duy nhất. Còn có Satoshi! Satoshi-sẽ-hiểu!
Ôi, nhưng phải có đủ dụng cụ đã.
“Chitanda, cậu có dây không?”
Chiatnda giật mình trước sự lên tiếng đột ngột của tôi.
“D-dây à?”
“Dài cỡ dài, khoảng năm mươi cen-ti-mét là đủ. Chắc chắn sẽ giúp chúng ta truyền thông điệp.”
Chitanda bắt đầu rà khắp người để tìm một sợi dây.
“Dùng quai guốc của tớ được không?”
“Quá ngắn.”
“A! Trên cái túi dây của tớ có dây này!”
Tôi lắc đầu.
“Không được, vì chúng ta cũng sẽ dùng cái túi dây của cậu.”
Nhỏ nghiêng đầu tỏ ra bối rối. Đành chịu, tôi sẽ giải thích sau.
“Vậy dùng dây giày của cậu được không?”
“À đúng rồi! Chính nó!”
Lấy hết nhiệt huyết còn lại, tôi nhìn xuống chân và ngay lập tức thất vọng. Nếu là giày bình thường thì đã tốt nhưng hôm nay tôi lại mang ủng không dây, chả phải là để cho đẹp gì mà vì tôi sợ mặt đất sẽ trơn khi tuyết tan. Trời ạ, sao mọi thứ cứ chống lại mình thế này?
“Nếu thực sự là cần…”
Chitanda nhẹ nhàng chạm vào dải obi trên bộ kimono của mình.
“Cậu có thể dùng cái dây buộc dải obi của tớ.”
“Nó đủ dài không?”
“Chắc là đủ.”
Chitanda gật đầu, và vì lý do nào đó nhỏ quay mặt đi. Không để ý tiểu tiết tôi nói:
“Gỡ nó ra có khó không?”
“Ơ, ừm, cũng khó… Sẽ tốn chút thời gian.”
Khi đó trong lòng tôi chợt cảm thấy có gì không ổn.
“Ưm… Chitanda này, tớ không rành về kimono lắm nhưng mà…”
“…”
“Liệu bộ kimono có bị làm sao nếu gỡ cái dây ra khỏi dải obi không?”
Lời đáp cho câu hỏi đó tốn khá nhiều thời gian để phát ra. Chitanda nhìn xuống đất mà nói rất khẽ.
“Dải obi chắc là sẽ… rời ra…”
“Cái gì? Thế thì không được!”
“Tớ cũng nghĩ vậy, vì chỉnh lại cũng khó…”
Đó không phải vấn đề ở đây. Dù có nhận được sự giúp đỡ của Satoshi thì hắn sẽ nghĩ gì khi thấy Chitanda… thành ra thế ấy? Chắc chắn là chẳng tốt lành nổi và xem như công sức của chúng tôi cũng thành công dã tràng.
“Bộ không có nổi một sợi dây quanh đây sao?”
Nghĩ nào!
Gian nhà phụ này có một cây chổi tre, một cái xẻng sắt, một cây cọc dài, một cái giá trống, một cái cần câu cùng một cái thùng cạc tông chứa đầy tách trà giống hệt nhau. Tôi không nhớ mình đã kể đi kể lại những thứ đó bao nhiêu lần vì cái cần thiết duy nhất chỉ là một sợi dây… Nếu có dao tôi sẽ thử cắt những sợi chổi. Dùng xẻng có được không nhỉ? Chắc là không, và cọng tre cũng quá ngắn.
Dường như không chịu nổi bầu yên lặng Chitanda rụt rè hỏi:
“Ưm… sao cậu lại cần một sợi dây để gọi Fukube-san tới giúp vậy?”
Chuyện quan trọng bây giờ là: sợi dây ở đâu? Tôi sắp chết cóng rồi.
7 (đằng B)
Mayaka thét lên đầy kích động.
“Tại sao?”
Lại một món đồ bị đánh rơi nữa được chuyển tới. Lần này là một cái túi dây. Không phải loại rẻ tiền tôi đang xài mà là một chiếc túi đầy thanh lịch mà một quý cô trong bộ kimono sẽ mang theo.
Mayaka bị sốc vì chiếc túi này thuộc về Chitanda-san. Xem bộ cậu ấy đã trưng ra trước khi tôi tới đây và Mayaka đã nhìn thấy. Một khăn tay, một ví, và giờ mà một chiếc túi dây, hai người đó đã rớt tổng cộng ba món đồ. Chẳng lẽ vận “Đại hung” của Houtarou khủng khiếp đến vậy sao? Tiện thể thì tôi rút được một quẻ “Trung thượng”. Hơi thất vọng một tí nhưng nhìn vào gương của thằng bạn chí cốt tôi nhận ra mình còn may mắn chán.
“Cái này cũng được nhặt ở gần gian nhà phụ. Hai cậu ấy làm cái gì ở đó nhỉ?”
Chiếc túi có màu tím nhạt được bện dây và trang trí bằng những quả bóng nhỏ. Đẹp tuyệt. Nhưng dĩ nhiên một thằng con trai không nên chọn nó để mang theo nên tại sao lại mất công so bì với cái của tôi nhỉ?
“Và còn có cái sợi dây bẩn thỉu này buộc vào nữa…”
Lời nói đó hút lấy sự chú ý của tôi.
“Dây?”
“Ừ, nhìn này.”
Mayaka nắm lấy đầu chiếc túi. Quả là trên đó có một sợi dây được buộc vào phần đáy. Một chiếc túi được buộc hai đầu. Tôi mở tròn mắt.
Đ-đây là…
Tôi chợt nhảy cẫng lên từ thế đang ngồi của mình, làm Mayaka giật mình ngước lên.
“Sao vậy Fuku-chan?”
“Mayaka, gian nhà phụ ở đâu?”
“Ở đằng kia, cạnh đền thần Inari đó.”
“Tớ quay lại liền!”
Với những bước như bay, tôi phóng khỏi phòng hành chính mà dồn hết sức lực chạy dưới bầu trời đầy sao, trong tâm trí chỉ tồn tại một suy nghĩ.
Houtarou, Chitanda-san, tớ tới cứu các cậu đây!
7 (đằng A)
“Satoshi sẽ hiểu. Ý nghĩa của một cái túi bị buộc cả đầu lẫn đáy.”
Vì đã làm những việc cần làm tôi trở nên rảnh rang mà giải thích cho Chitanda. Chính xác hơn thì tôi đang dựa vào tường, cố giải thích khi mình còn tỉnh táo.
“Vì cậu ấy để ý rất nhiều thứ nhỏ nhặt.”
Chitanda cũng đang lạnh run, nhưng dường như sự khổ sở về thể xác đã bị che lấp bởi tính hiếu kỳ cố hữu của mình. Nhỏ tiến đến gần và dục tôi nói tiếp.
“Ý cậu là sao? Tớ chưa hiểu.”
“Cái túi cũng như một cái bọc. Nếu cả đầu và đuôi đều bị buộc thì nghĩa là bên trong đã bị “nhốt”. Nó hàm ý cho tình cảnh chúng ta ‘bị nhốt như lũ chuột’.”
Trong bóng tối, một cái đầu nghiêng đi vì bối rối.
“Vậy… à?”
Rõ là nhỏ vẫn chưa hiểu. Tôi cười.
“Không phải tớ tự nghĩ ra đâu. Đó là một điển tích xưa. Cậu biết trận chiến Anegawa chứ?”
Chitanda với điểm số tuyệt vời của mình dĩ nhiên là thừa sức nhớ tất cả những gì được ghi trong sách giáo khoa. Nhỏ trả lời trong một mạch.
“Trận Anegawa diễn ra vào năm 1570 giữa liên minh Oda – Tokugawa và liên minh Azai – Asakura. Khi ấy phần thắng đã thuộc về lãnh chúa Oda Nobunaga.”
“Còn có một điển tích nổi tiếng trước đó… Cậu có biết Cuộc vây hãm Kanegazaki không?”
Vì nó không có trong sách giáo khoa nên không lạ gì khi Chitanda không biết. Nhỏ lắc đầu.
Thế là tôi bắt đầu phần giải thích ngắn gọn của mình.
“Khi Nobunaga mải mê tấn công quân của Asakura thì người em rể Azai có mưu đồ tạo phản. Vợ của Azai tức là em gái của Nobunaga đã gửi một cái bọc được buộc cả hai đầu đến anh mình, người đang ở tiền tuyến. Vừa nhìn cái bọc Nobunaga nhận ra ngay thông điệp mà em gái mình muốn gửi tới rằng ông đã bị ‘nhốt như chuột’ Tớ cũng không biết bao nhiêu trong câu chuyện này là thật, nhưng…”
Lời giải thích này có thể khiến tôi trông đầy uyên bác, nhưng thật ra nó đến từ quyển truyện tranh mượn được từ Satoshi. Tôi đã có dịp đọc nó khi cả nhóm đi tắm suối nước nóng trong kì nghỉ hè. Ngoài ra một nội dung tương tự đã được chiếu trong bộ phim “Thành Odani: Khi gió đổi chiều” chỉ mới được phát vào trưa nay. Tôi cũng hơi lo là chỉ một cái túi liệu có đủ, và phải chăng sẽ là tốt hơn nếu bỏ được thêm cái gì vào làm thông điệp… Mà thôi, lần này còn không được nữa thì chẳng biết sẽ ra sao.
Không, lạc quan lên nào. Satoshi luôn rảnh, và giống chúng tôi điểm đến ưa thích của hắn sẽ là chỗ Ibara. Hắn sẽ nhận ra ngay khi nhìn thấy cái túi. Satoshi là chủ nhân cuốn truyện. Satoshi cũng xem bộ phim đó cả buổi chiều như tôi. Hắn là người thích cái gì là nhớ cái đó. Tôi cam đoan rằng mọi chuyện sẽ ổn chỉ cần cái túi được hắn nhìn thấy.
“Tớ chưa từng biết một điển tích như vậy tồn tại…”
Chitanda cúi đầu một cái sâu cứ như bản thân vừa được khai sáng điều gì đó.
Vì cái ví đã được an toàn chuyển tới Ibara nên tôi có lòng tin rằng cái túi dây này cũng vậy. Để truyền thông điệp cần một sợi dây để buộc vào phần đáy của chiếc túi, tuy nhiên không có sợi dây nào phù hợp ở quanh đây. Không có sợi dây thứ hai thì mọi lập luận đều trở nên vô nghĩa. Đến đó tôi nhìn thấy một nhận định sai lầm của mình… Sợi dây chúng tôi cần không nhất thiết phải ở trong nhà kho.
Những bức tường trong đây đều đã mục. DÙng cái xẻng tôi phá một góc nữa của bức tường và xin lỗi thầm trong lòng, tăng số lượng lỗ tôi đã tạo ra thành hai. Vì cái lỗ chỉ vừa đủ để thò một cánh tay ra ngoài nên Chitanda không tỏ ra phản đối. Sau đó tôi trèo lên cái giá trống taiko. Mục tiêu là phần chái của gian nhà, ngay dưới mái hiên. Tôi thò tay ra khỏi cái lỗ để lấy “sợi dây” mình cần.
Có một lá cờ trắng ghi “Đền Arekusu” treo ở nhà phụ. Cột cờ có lẽ vì quá ngắn nên để giữ lá cờ một sợi dây nylon đã được buộc ở phần chóp vào mái hiên. Đó chính là sợi dây tôi cần. Đúng như dự kiến, nó đã chờ sẵn ở ngoài để tôi với tới.
Như vậy thông điệp “bị nhốt như chuột” đã được hoàn tất. Còn lại trông chờ vào Satoshi. Không sao, mọi chuyện sẽ ổn.
Hai cánh cửa va vào nhau những tiếng lách ách, và rồi một giọng nói vang lên:
“Houtarou, có ở trong đó không?”
Chitanda tròn mắt nhìn tôi như muốn nói rằng nhỏ không tin nổi. Tôi nhún vai đáp:
“Ơn trời. Tớ muốn chết cóng rồi đây.”
“Có sake ngọt mới nấu nóng hổi đang chờ cậu trong phòng khách đó. Rồi, tớ mở cửa đây.”
Sake ngọt à. Cũng vì nó mà chúng tôi thành ra như vầy. Dẹp, không muốn nghe muốn nhìn thấy nó nữa.
Cách, cách, rặc. Cánh cửa nhôm từ từ mở ra.
Được chiếu sáng bởi ánh trắng và ánh lửa bập bùng, Satoshi cười ranh mãnh.
“Năm mới, mở cửa xông nhà!”
“Ờ… cám ơn khách tới…”
Một cơn gió rít qua làm Chitanda hắt xì một cái.
[1] Dịch thoát nghĩa, nguyên bản là “kẻ mộ đạo của Kanke”. Kanke tên đầy đủ là Sugiwara no Michizane – một học giả, nhà thơ và chính trị gia thường được người ta tôn là “Thánh học”.
[2] Con gái mà ăn mặc, điệu bộ như con trai
[3] Theo cách hiểu đơn giản nhất thì nó là 1 cái bàn, được phủ 1 tấm chăn lên và bên trong đặt lò sưởi, người ta sẽ chui vào dưới đó cho ấm.
[4] Thần thu hoạch, màu mỡ và sung túc.
[5] Cấp bậc cao nhất là một đền thờ nhận được.
[6] Daruma là con lật đật đặc trưng của Nhật Bản, “lò sưởi daruma” có cái tên như vậy vì hình dáng của nó giống daruma.
[7] Môt bộ phim truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản. Tokugawa Mitsukuni – nhân vật chính – luôn tự xưng mình là “một thương nhân vải crêpe đến từ Etsugo”.
[8] Một loại trang phục truyền thống. Mặc ở ngoài kimono, thắt ở eo và thả dài xuống mắt cá như một loại đầm.
[9] Danh xưng dành cho những thiếu nữ đồng trinh làm việc trong đền.
[10] Loại vớ có xẻ một đường ở ngón cái để dễ đi guốc.
[11] Nội dung một câu chuyện ngắn khác của Hyouka – “Phạm vào bảy đại tội”.
[12] Dường như là một cách nói cạnh khóe của Ibara, vì “may mắn lần sau” có thể hiểu là bây giờ chẳng có chút may mắn gì cả.
[13] Quan điểm thể hiện như sau : “A là B, nếu B là C thì A cũng là C.”
[14] Tên gọi chung cho những cây cổ thụ trồng trong đền và có đính bùa cầu an.
[15] Satoshi xem nó là “phim hài” vì theo sử sách thì quân của Yoshimoto đã tháo chạy khi mới nhìn thấy đạo quân của Nobunaga nên không thể có chuyện giao chiến đến mức “xác chồng thành núi, máu chảy đầy sông” được.
[16] Vì hôm nay là năm mới nên tình tiết trong câu chuyện “Con ma nhìn gần” được coi là năm trước.