Đêm Giao Thừa

chương 9

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Mua đồ ra hơi trễ, lúc hai người đến con phố cổ thứ hai đã gần năm giờ chiều rồi.

Ánh sáng trên phố ảm đạm đi nhiều, may mà có tuyết trên đất làm tấm phản quang cũng được.

Xuống xe, Chung Độ đưa chiếc khăn quàng cổ đỏ cho Trì Viễn Sơn: “Cậu đeo đi, trời lạnh.”

Ngày và đêm miền bắc chênh lệch nhiệt độ rất lớn, bây giờ đúng thật lạnh hơn hồi trưa nhiều. Trì Viễn Sơn cầm khăn quàng cổ quấn lên, lại hỏi Chung Độ: “Còn anh?”

“Tôi không đeo được, chụp ảnh vướng víu.”

Nói dứt câu chợt phát hiện Trì Viễn Sơn vẫn còn nhìn mình như muốn nói gì, anh bèn cười bổ sung: “Tôi không lạnh đâu, thật.”

Con đường này rộng hơn đường vừa rồi kha khá, hai bên là hai hàng cây hồng đã rụng lá sạch trơn, mấy quả hồng cam óng treo trên cành cây, đội chiếc mũ tuyết trĩu nặng lủng lẳng như chực chờ rơi xuống.

Ở bất kỳ góc độ nào con đường này cũng cực kỳ hợp với yêu cầu của Chung Độ. Nó hệt như một quý bà bị thời gian bỏ quên, trơ trọi, cô tịch, thoi thóp, mang nét đẹp cổ kính mà thê lương hoang tàn.

Trì Viễn Sơn vẫn đi trước, y không hợp cung đường này mà giống cậu bạn nhỏ ghé du xuân phần hơn: “Thầy Chung nhìn này, hình như chỗ gốc cây kia có quả hồng đó.”

Chung Độ đang giơ máy canh chỉnh góc máy, nghe vậy, ánh mắt anh không dời khỏi ống kính mà lần theo tiếng gọi chuyển hướng. Khoảnh khắc trông thấy Trì Viễn Sơn xuất hiện trên màn hình, anh nhanh chóng ấn chụp.

Chuỗi hành động nọ phát sinh trong chớp mắt, chụp hình cũng chỉ là phản ứng trong vô thức. Anh không hề để tâm đến bố cục ánh sáng, quên cả mục đích mình đặt chân đến đây mà chỉ chăm chú vào Trì Viễn Sơn trên màn ảnh, thu lại cảnh tượng đẹp nhất kia.

Trong màn hình, Trì Viễn Sơn cười ngoái đầu lại, tay chỉ gốc cây hồng cách đó không xa, mái tóc bị gió thổi rối tung, quần áo theo chiều xoay người của y tạo thành độ cong đẹp mắt giữa không trung.

Bầu trời màu xanh xám, gạch ngói màu biêng biếc đắp trên tường nhà và tuyết trắng giăng khắp nơi lát thành phông nền cho bức ảnh, chiếc khăn quàng đỏ trên cổ Trì Viễn Sơn chói mắt đến lạ lùng.

Nhưng chói mắt đến đâu cũng chỉ là phần phụ, thứ đẹp nhất vẫn là cái quay đầu lơ đãng của y.

Chung Độ nhìn tấm hình chăm chú giây lát, tiện tay chụp thêm vài cảnh đường phố rồi gọi Trì Viễn Sơn đi về.

Từ lúc tới đây đến giờ còn chưa đầy mười phút, Trì Viễn Sơn bối rối: “Anh không thích chỗ này à?”

Chung Độ ngẩn người, sau đó cười lắc đầu: “Không đâu, tôi chọn nơi này rồi.”

“Vậy sao mới chụp có vài ba tấm đã về thế?”

“Vài tấm đó là đủ.” Chung Độ nở nụ cười bất đắc dĩ: “Cậu hợp làm mẫu ảnh lắm, mai mốt không chụp cậu được nữa đâu, cảnh có đẹp mấy cũng thành phông nền.”

Giọng điệu anh bình bình đang trần thuật một sự thật hiển nhiên. Thế mà chẳng hiểu sao Trì Viễn Sơn nghe xong lại muốn sờ sờ tai.

Y bước vội lên trước, như thể đang trốn chạy: “Vậy chúng ta về làm sủi cảo thôi.”

Trên đường về, Trì Viễn Sơn hỏi: “Lát nữa ghé nhà tôi nhé? Hôm nay bar mở cửa rồi, mấy cô cậu không về nhà đâu chịu ngồi yên.”

Chung Độ ngừng một lúc mới khẽ gật đầu: “Ừ.”

“Anh muốn ăn nhân gì? Như tối hôm qua à?”

“Tôi không chọn đâu, gói loại cậu thích ăn đi.”

Trì Viễn Sơn biết ngay câu trả lời sẽ thế này mà, xem ra cái tật này không trị hết trong thời gian ngắn được.

Chung Độ như biết y đang nghĩ gì, cười biện bạch: “Không, là ăn cái gì cũng được thật. Mấy cậu gói sủi cảo ngon lắm, không giống ăn ở ngoài.”“Giống mà được à?” Trì Viễn Sơn nói tiếp: “Ở nhà bao giờ cũng ngon hơn ăn ngoài, huyền học cả đấy.”

Y nói quá lên thế mà Chung Độ lại đồng tình. Anh cảm thấy sủi cảo mình ăn đêm qua có hương vị gì đó thật đặc biệt, như thể ăn hoài ăn mãi cũng chẳng bao giờ ngán.

“Vậy gói hai thứ nhân đi, thịt heo cải thảo với thịt heo hành tây, hai loại cũng tạm gọi là sở trường của tôi.”

“Được.”

Chung Độ đồng ý thoải mái, thực tế lòng vẫn đang có phần thấp thỏm về chuyện đến nhà người ta chơi. Kinh nghiệm của anh trong mấy vụ thế này đúng là hạn hẹp, vậy mà cứ một hai gặp được người nhiệt tình như Trì Viễn Sơn.

Từ hôm qua đến hôm nay, người này dường như đang đẩy anh về phía đám đông, về nơi ấm áp khói lửa.

Dẫu là vô tình hay cố ý, với Chung Độ ấy khác nào bàn tay cuộc sống chìa đến níu giữ anh lại.

Nhà của Trì Viễn Sơn bày trí rất đơn giản, vẫn với tông màu trắng xám đen ở đại đa số nhà đàn ông độc thân. Không có gì quá đặc biệt nhưng sạch sẽ ngăn nắp, cây hoa tô điểm ngoài kia khiến mọi thứ trở nên ấm áp vô kể.

Y vừa về nhà đã vào bếp luôn tay luôn chân. Nhất thời nảy ý làm sủi cảo nên có nhiều thứ cần chuẩn bị đây.

Chung Độ mới vừa nghe điện thoại, anh cởi áo khoác vào cửa gian bếp: “Tôi giúp gì được không?”

Trì Viễn Sơn nghe thế ngoái lại nhìn anh, trò xấu bỗng nhảy ra.

Y mở vòi nước rửa tay, cầm tạp dề mới tinh được tặng kèm hồi mua nồi trong tủ, giũ ra rồi tròng lên cổ Chung Độ.

“Thầy Chung hiếm khi vào bếp phải không?” Trì Viễn Sơn cười xấu xa: “Vào bếp phải đeo tạp dề đó nha.”

“Rõ ràng cậu đâu có đeo.”

“Tôi mặc áo đen, anh mặc áo trắng kia kìa, để cái gì dính vào khó giặt lắm.”

Nếu chiếc tạp dề chễm chệ trên người mình không phải kiểu caro màu hồng, Chung Độ suýt đã tin lý do nọ.

Trì Viễn Sơn thắt tạp dề cho anh, đứng ra xa khoanh tay cứ như nhà thiết kế chuyên nghiệp đang chiêm ngưỡng “tác phẩm” của mình.

Khá hài lòng, cảm giác lạnh lẽo buốt giá trên người anh đã mất tăm chẳng thấy bóng dáng đâu.

Dúi cho anh củ hành, dịch cái ghế con sang rồi giao nhiệm vụ bóc hành “gian khổ” cho Chung Độ xong xuôi, Trì Viễn Sơn thỏa mãn đi làm nhân.

Phần thịt chia làm hai nêm muối, nước tương nhạt, mười ba loại gia vị, một chút dầu hào và nước cốt gà, trộn đều với tiêu từng mẻ một, cuối cùng đập một trái trứng gà.

Một phần bỏ vào chỗ cải thảo đã vắt ráo nước, hành lá và gừng xắt nhỏ rải lên trên; phần thịt còn lại chỉ thêm hành gừng.

Bật bếp cho nóng chảo dầu, hai phần nhân cho vào đảo sơ, mùi thơm lập tức dậy lên.

Đặt nhân sang một bên, phần bột cũng đã sẵn sàng. Trì Viễn Sơn mở lớp màng bọc thực phẩm ra nhào vài lần, lớp vỏ mịn màng hiện ra.

Tất cả các bước xuôi chèo mát mái đến độ Chung Độ không xen tay vào. Anh thoáng ngạc nhiên, dù gì thoạt trông Trì Viễn Sơn không giống người biết nấu ăn, thế là anh hỏi:

“Sao cậu lại nhào bột lại nhỉ?”

“Tôi biết nhiều lắm, thầy Chung cứ từ từ học hỏi thêm đi thôi.” Trì Viễn Sơn hơi tỏ vẻ kiêu ngạo: “Đi, ra phòng khách vừa xem ti vi vừa gói bánh.”

Tấm silicon trải trên bàn trà phòng khách, mang lên theo thứ tự hai bát nhân nhỏ, cục bột làm vỏ, chày cán cột và hai cái muỗng không sâu lòng.

Chuẩn bị tất cả xong xuôi, thầy Trì cán vài cái vỏ, bắt đầu tiết học.

Chung Độ không biết làm sủi cảo, bụng nghĩ đây là công việc cần kỹ thuật điêu luyện. Trì Viễn Sơn lại cứ giở trò không chịu dạy anh cách gói đơn giản, cứ vẽ ra bày anh gói lằng nhằng mãi thôi.

“Nhân phải cho vừa đủ, thiếu thì không ngon mà dư thì dễ bục vỏ.” Y vừa nói vừa làm mẫu cho Chung Độ: “Đầu tiên cầm một bên rìa lên, sau đó đặt ở hộ khẩu, tay phải chèn vô thế này là miếng sủi cảo của mình sẽ thành.”

Cách gói sủi cảo bụng bự nhìn thì đơn giản, nhưng nhìn người ta làm thực tế là biết ngay không hề dễ. Chung Độ gói thử vài cái mà chẳng được miếng nào ra hồn, huống gì là được tròn trịa như của Trì Viễn Sơn.

Thử bao nhiêu lần vẫn không có tiến bộ, anh vừa bất đắc dĩ lại vừa hưởng thụ.

Ti vi đang chiếu thời sự khô khan, chày cán bột trong tay Trì Viễn Sơn nhịp nhàng đưa tới lui trên thớt. Từ cửa sổ phòng khách nhìn ra ngoài, ánh đèn lấm tấm ngoài xa kia sáng lên biểu thị màn đêm đã buông.

Giờ này tối hôm qua anh vẫn đang ngồi giữa chốn lạnh lẽo hâm mộ những ánh đèn từ bao ngôi nhà đằng xa xôi kia. Vậy mà chỉ vỏn vẹn một ngày trôi qua, anh đã trở thành một phần của khung cảnh chân thực này, anh hoảng hốt.

Ở độ tuổi còn mộng mơ, anh từng ảo tưởng cảnh tượng này sẽ xuất hiện giữa căn nhà không hợp với từ ấm cúng kia. Nhưng dẫu là khi đó, anh vẫn không dám mơ đẹp đến nhường này.

“Thầy Chung à, tôi nói chứ mấy cái anh gói mà bỏ vào luộc thế nào cũng ra nguyên nồi mì.” Trì Viễn Sơn giống hệt một bé hồ ly ưỡn ngực xòe đuôi tỏ ra mình xinh đẹp: “Nhìn của tôi này, trắng trẻo mập mạp chưa.”

“Ừ, đẹp lắm.” Chung Độ tỉnh táo, thoáng cưng chiều nhìn về “bé hồ ly” cười.

Trên bàn đã có hai hộp sủi cảo trắng phau tròn trịa, mấy cái anh gói kia bị Trì Viễn Sơn xếp ra bên rìa, ngả trái nghiêng phải không đủ tư cách nhét vào hộp.

Nhân bánh đã hết mà anh vẫn chưa gói được cái sủi cảo nào. “Bé hồ ly” Trì Viễn Sơn vẫn đang vểnh đuôi, lúc bưng sủi cảo được gói đẹp đẽ kín kẽ vào bếp bỏ lại một câu thế này: “Trò Chung à, cố lên.”

Tội nghiệp Chung Độ muốn ăn sủi cảo phải trả cái giá đắt, mới đây mà đã từ “thầy Chung” giáng xuống thành “trò Chung”.

Lúc thầy Trì nấu sủi cảo, cậu trò Chung không dám lười biếng đi vào giúp lột tỏi rồi giã tỏi, nghiêm chỉnh học cách pha công thức nước chấm bí mật.

Quá trình làm gà bay chó nhảy bao nhiêu thì khỏi phải kể. Vật vã nửa buổi trời, sủi cảo bày ra đến bàn thì anh cũng đói lắm rồi.

Gắp một miếng sủi cảo chấm vào bát nước chấm Trì Viễn Sơn gọi là công thức bí truyền kia cho vào miệng, nhận được cảm giác sung sướng đồ ăn ngon đem đến.

Hai người anh một miếng tôi một miếng không ngơi đũa, nhất thời trên bàn ăn im ắng không ai nói gì.

Lát sau, Trì Viễn Sơn cười: “Bạn học Chung này, anh biết phần thưởng lớn nhất với người đầu bếp là gì không?”

“Là gì?”

“Là khi đồ ăn được bưng lên bàn, ai cũng cắm cúi ăn không hề nói chuyện.”

Nếu là thật vậy thì, ngày xưa trong nhà anh một năm dì giúp việc phải nhận được hơn ba trăm phần thưởng thế này, Chung Độ nghĩ.

Nói ra sẽ làm hỏng không khí. Anh cười cười, đổi lời: “Thầy Trì nói đúng lắm.”

Hai người vừa nhâm nhi bia vừa ăn vừa trò chuyện. Toàn nói với nhau những chuyện tầm phào cả, nhưng cả hai ai cũng dễ chịu vui vẻ.

Loanh quanh từ trời đất bốn mùa đến đám bạn xấu rồi món rượu đêm qua.

“Rượu đêm qua anh uống không quen à? Có loại dịu hơn đấy, để lần sau tôi dẫn anh sang sân vườn uống.”

“Sân vườn?”

“Ừm, trên đường gặp anh tối qua chạy về phía Nam một tí nữa là đến.” Trì Viễn Sơn than vắn thở dài như ông già: “Mấy năm rồi cứ thấy bản thân già rồi, cần dưỡng sinh nên tôi có mua sân vườn rồi tự mình mày mò trong đó. Lúc nào rảnh tôi dẫn anh qua chơi.”

Cái kiểu thích nói mình già của hai người này đúng là giống nhau như đúc, mà mặt ai cũng trẻ măng hơn tuổi.

Chung Độ cười lắc đầu: “Cậu già chỗ nào.”

“Ở riết với bọn Nghiêm Tùng Thanh với Yến Tiếu Ngữ sao mà không thấy già cho được? Mấy người họ mới là trẻ trung thật, không sợ trời sợ đất.” Trì Viễn Sơn nheo mắt, hồi tưởng lại cái thời mình ngông cuồng lông bông: “Hồi tôi cỡ tuổi đó còn đang phiêu bạt khắp nơi ấy chứ. Một thân một mình nghe ngạo mạn lắm phải không? Quả đất này rộng lớn thế còn không kiềm nổi tôi, bởi vậy hồi xem Tảo Biển tôi nhiều cảm xúc lắm.”

Nghe vậy, Chung Độ bỗng ngưng cười, cau mày ngắt lời y: “Đừng so sánh mình với Tảo Biển.”

Thoạt nghe như một lời trách cứ, Trì Viễn Sơn lại lập tức hiểu ra.

“Tảo Biển” là bộ phim đầu tay của Chung Độ, về câu chuyện một cậu thiếu niên ở làng chài.

Cậu thiếu niên tên Tiểu Hải, không biết sinh ra ở đâu, còn câu chuyện thì bắt đầu ở ngôi làng nọ.

Đó là làng chài dốt nát và lạc hậu, người thân tôn sùng biển cả, nhưng lại đối xử với Tiểu Hải vô cùng cay nghiệt.

Tiểu Hải lớn lên cùng mùi tanh mặn của nước biển, tanh hôi của hải sản và cái nhìn kỳ dị của người dân làng chài.

Nó là một đứa trẻ bị bỏ rơi, trên mặt có vết bớt màu đỏ to tướng, chắc hẳn là nguyên nhân khiến nó bị ruồng rẫy.

Ông đánh cá già sống một mình nhặt nó về, cũng một mình nuôi nó lớn khôn.

Hai người có chỗ cậy dựa là chuyện không còn gì đẹp hơn. Nhưng biển cả đem đến món quà, cũng là nguồn cơn mang lại bi kịch.

Một ngày kia, cơn bão cuốn trôi căn nhà cũ nát và người đàn ông già nua luôn kiệm lời.

Nhà mất, Tiểu Hải lại thành đứa mồ côi.

Từ bé nó đã hèn mọn, song tính tình lại xấc láo. Trưởng thành, nó không chút do dự ra đi, bỏ cái làng chài nát rữa tanh hôi và ngu dốt đến lố bịch lại đằng sau.

Vậy mà, thế giới ngoài kia không tốt đẹp như nó tưởng tượng, nó vẫn nhận được lời nhận xét: “Thằng dị hợm vừa gớm ghiếc vừa ngu đần.”

Lòng tốt vẫn tồn tại, nhưng những tia sáng le lói kia không thể thắp bừng thế giới hoang vắng khôn cùng trong nó.

Cuối cùng, Tiểu Hải quay về làng chài. Nó ngồi bên vách núi nhìn ánh trời chiều dần tan vào mặt biển. Dưới hào quang tuyệt đẹp ấy, Tiểu Hải gieo mình xuống biển cả.

Bước chạy của hoàng hôn về phía tây không ngừng lại, mặt biển từ từ chìm vào tĩnh lặng.

Thước phim ấy vừa tráng lệ lại vừa bi thương.

Gần như cả cuộc đời ngắn ngủi của Tiểu Hải khác nào loài tảo biển lay lắt nổi trôi. Nó yếu ớt mà cứng cỏi, gồng mình tồn tại nhưng cuối cùng vẫn chẳng thể nở rộ, nên nó trả mình lại cho biển khơi.

Chung Độ không thích Trì Viễn Sơn so sánh cuộc đời mình tương tự với vở bi kịch này. Anh nghĩ, cuộc đời của Trì Viễn Sơn sẽ là thước phim hoàn hảo và vui tươi.

Trì Viễn Sơn gật đầu cười: “Phải, tôi may mắn hơn Tiểu Hải nhiều. Cái tính không sợ trời không sợ đất của tôi cuối cùng vẫn đơm hoa kết quả.”

Chung Độ nhìn y, thầm nghĩ: Nếu cậu là hoa, tôi nghĩ rằng cậu sẽ nở rộ đến chói lòa, gió thu mưa lạnh có tạt đến cũng phải rẽ đường. Nếu cậu là quả, tôi tin rằng cậu sẽ là thứ quả đẹp nhất khiến người lữ khách môi khô họng cháy phải ngừng chân thưởng thức, và hẳn nhiên không nỡ hái xuống chiếm làm của riêng mình.

Truyện Chữ Hay