Hai người ra ngoài khi cơm nước xong xuôi, ông anh đang ngồi trong sân sưởi nắng chợp mắt, bên cạnh có một chú cún lông vàng bự đùng nằm dài, thấy có người ra chẳng buồn sủa mà còn vểnh dậy quẫy tít đuôi.
“Nhị Mao, mới mấy bữa không gặp mà nom mập ra rồi ta.” Trì Viễn Sơn bước tới, ngồi xổm xuống nựng nó: “Tết nay mập lên được hai, ba ký rồi hả?”
Nhị Mao có vẻ rất phấn khích, vẫy đuôi líu ríu quanh chân Trì Viễn Sơn.
Chung Độ nhìn họ, thoáng thất thần.
Hồi nhỏ anh cũng từng nuôi chó, một chú chó cỏ lang thang nhặt về giữa đường mắc mưa. Lúc đó anh còn bé lắm, không biết trên đời tồn tại chữ “an tử” nên ngốc nghếch đặt cho chú chó nọ cái tên “An Vui”, mong nó được bình an và vui vẻ.
An Vui là một trong số những bức họa màu ít ỏi tồn tại giữa ký ức thời thơ ấu của Chung Độ. Chỉ là sau này An Vui chẳng hề yên vui, đến mức chết cũng chẳng được an bình.
Sau một thoáng cười nhạo tuổi thơ của mình, anh cũng bước lại ngồi xuống sát bên, đưa tay xoa đầu nhóc cún.
Nhị Mao là một chú cún đơn giản hạnh phúc, được người quý mến là sung sướng lắm. Lúc này hai người cùng nựng nó một lúc, nó vui đến độ nằm dài ra đất.
Chung Độ thấy thế cười rờ bụng nó. Trì Viễn Sơn nghiêng đầu nhìn anh, nói một câu hết sức phạm pháp: “Thích không? Thích thì anh nói một tiếng khuya nay thanh vắng mình lẻn vào trộm chó.”
Ông anh già đang lim dim ngủ thì bị cái kiểu nói chuyện ngang ngược kia giật cho bừng tỉnh, đứng dậy đuổi đi hết: “Thằng nhóc kia, ăn xong rồi thì đi đi giùm, vướng víu hai người ở đây ngủ trưa.”
“Ài rồi em đi, anh cẩn thận tay chân vào lẩm cẩm rồi đấy.”
Hai người bị đuổi khỏi cửa, Nhị Mao cũng lẽo đẽo bám theo phấn khởi ngồi ngoài cửa tiễn hai người họ. Xe đã đi cả quãng mà vẫn thấy nó ở đứng trước quán quẫy đuôi.
Chung Độ nhìn chú cún trong gương chiếu hậu, ghen tị với chủ của nó vô kể.
Không phải kiểu ghen tị vật chất, mà là tinh thần.
Anh có đủ điều kiện mua một căn nhà nhỏ, mướn nhân viên mở một quán cơm, cũng có thể nuôi một nhóc cún đáng yêu, mua một chiếc bàn đá, một chiếc xích đu. Đáng buồn rằng anh không cách nào sống nhàn nhã hay có lòng dạ hưởng thụ cuộc sống, càng không có người bạn vong niên nào để trêu ghẹo, thậm chí không còn biết nếu mình thật sự nuôi một chú chó chẳng hay nó có thích người chủ này không.
Sống là một phạm trù quá triết học mà dường như anh mãi mãi cũng không bao giờ học được.
Nhưng kể từ ngày gặp được Trì Viễn Sơn về sau, đâu đó có điều gì khang khác.
Trước khoảnh khắc gặp được y, ngày qua ngày anh chỉ suy nghĩ về muôn kiểu chết sao cho lẫy lừng. Gặp được y rồi, anh dần bắt đầu đặt mình trong tư thái của một người chứng kiến đầy ước ao. Từ bên trong sự dịu dàng của Trì Viễn Sơn, anh nghĩ ngợi hẳn rằng mình cũng đáng được sống mà, phải không.
“Anh thích Nhị Mao vậy à? Không thấy nữa rồi mà anh cứ nhìn chằm chằm mãi.”
Chung Độ tỉnh thần, cười ngượng nghịu: “Mỗi lúc no bụng tôi hay bị thất thần, chắc là già rồi.”
Trong gương chiếu hậu đã khuất bóng Nhị Mao, thay bằng quang cảnh đường phố thường ngày.“Chỗ chúng ta đi có xa không?” Chung Độ hỏi.
“Tôi biết hai khu phố cũ, cái nào cũng hơi xa chút chút. Cơ mà không sao, tầm này còn lâu mặt trời mới xuống núi, chắc sẽ không lỡ giờ anh chụp ảnh.” Trì Viễn Sơn đáp: “À phải rồi, anh đi ngoài đường có bị nhận ra không? Có cần đeo khẩu trang không?”
“Không đến nỗi, Tết nhất ít người, tôi cũng không nổi tiếng tới mức độ ấy.” Chung Độ thản nhiên: “Có ai đó thấy tôi quen mắt cũng không nghĩ theo hướng kia, đeo khẩu trang còn dễ lộ hơn.”
“Cũng đúng, tôi nghĩ nhiều rồi.” Trì Viễn Sơn nói xong bỗng buồn cười.
Thật ra y nghĩ Chung Độ bị chụp một mình đã chẳng sao, nhưng nếu hai người bị chụp nhỡ đâu người ta đồn đại lại thành dở. Nghe anh nói y mới ngộ ra, hai tên đàn ông đi với nhau đường hoàng thì làm sao? Chỉ toàn do mình thích đàn ông mà nghĩ sang chuyện đó.
Lúc này Chung Độ đang vẩn vơ nghĩ về mấy tài khoản cứ thích viết lung ta lung tung lên kia, đầu chợt sáng ra, nhìn Trì Viễn Sơn cố ý hỏi trêu: “Cậu nghĩ đến đâu thế?”
Tại đám bạn xấu vớ vẩn nên Trì Viễn Sơn hơi o ép, cứng đơ chuyển chủ đề: “Không bàn không bàn nữa. Nhanh thôi, anh chắc chắn tôi thế này cũng được chưa?”
Chung Độ cười cười, không trêu y nữa mà hướng dẫn lát nữa sẽ chụp thế nào.
Con phố cổ đầu tiên hai người ghé tuổi đời đã nhiều năm rồi. Hai bên đường là những ngôi nhà gạch lúp xúp chằng chịt hết đỏ lại xanh, ánh lên cảm giác xưa cũ.
Chung Độ đứng ở đầu đường ngắm nghía một lát. Con đường khá hẹp, may mà đủ dài, chụp đủ tốt hẳn vẫn sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.
Anh để Trì Viễn Sơn đi trước, mình theo sau chụp bóng lưng y.
Trời râm mát, đường vắng vẻ không người, mặt đất và mái nhà trải kín tuyết, những nhành cây vươn ra từ sân nhà cũng phủ ắp lớp tuyết dày như bơ.
Có chú chim bay lên ngọn cây. Trì Viễn Sơn ngẩng lên nhìn, không thấy rõ là chim gì, vừa bắt gặp nó đã vỗ cánh bay mất không còn tăm tích.
Lớp tuyết trên nhành cây bị quấy nhiễu rơi lả tả khắp người y.
Chung Độ cầm máy ảnh ấn chụp.
Màn hình dừng lại tại khoảnh khắc mặt Trì Viễn Sơn ngẩng lên, màn tuyết mỏng manh rơi rụng từ trên nhành cây. Y vô thức nhắm mắt lại, hệt như một tín đồ thành kính giữa nghi thức thanh tẩy bằng tuyết.
Chung Độ bước đến, đưa máy ảnh cho Trì Viễn Sơn xem. Y nhìn bản thân có phần lạ lẫm trong ống kính của anh mà kinh ngạc: “Thầy Chung, anh mà làm nhiếp ảnh gia thì Tần Tang thất nghiệp mất, thật đấy.”
“Đừng khen tôi quá, Tần Tang là dân chuyên môn mà.” Chung Độ vừa đáp vừa đưa tay tự nhiên phủi tuyết bám trên vai áo y.
Trì Viễn Sơn thản nhiên: “Tôi thích anh chụp cơ.”
Nghe đoảng một tí lại thành “Tôi thích anh”, Chung Độ đang phủi tuyết chợt khựng lại.
Trì Viễn Sơn vô tri vô giác, mắt còn dán chặt vào máy ảnh, mê mẩn tấm hình không buồn che đậy.
“Thích thì bao giờ về tôi gửi sang cho cậu.”
“Ừm, không vội đâu, anh cứ xong việc rồi tính sau.”
Bấy giờ Trì Viễn Sơn không còn là ông chủ Trì chững chạc điềm tĩnh nữa. Cách y chăm chú ngắm nghía tấm hình lẫn nét mặt và giọng điệu đều thẳng đuột giản đơn, hệt như một đứa bé đang mân mê quyển truyện tranh nó thích nhất vậy.
Chung Độ nhìn y, cứ cười suốt không ngơi, giọng điệu cũng vô thức nghe chiều chuộng như dỗ dành trẻ con: “Được, nghe cậu.”
Đi thêm một quãng ra đến gần đầu đường, Chung Độ gọi Trì Viễn Sơn về.
“Được rồi à?” Trì Viễn Sơn quay lại hỏi.
Đúng lúc này, có tia nắng nhảy nhót xuyên qua tầng mây nghiêng nghiêng đổ lên mặt đường, dát trên khuôn mặt Trì Viễn Sơn sắc vàng óng.
Nắng tung tăng, giọng nói Trì Viễn Sơn cũng hệt như đang nhảy múa: “Mau, mau, cho tôi xem mấy tấm sau này với.”
Chung Độ nhìn y bước từng bước về phía mình, đầu bỗng nảy ra tiếng nói không hề đúng thời điểm: Cậu ấy hệt một thiên sứ phát ra ánh sáng, cậu ấy sẽ cứu rỗi mình ư?”
Anh lần nữa giơ máy ảnh lên, nhanh chóng ấn chụp, thu lại nụ cười rạng rỡ của Trì Viễn Sơn vào ống kính.
Chung Độ nhìn tấm hình nọ, có tiếng phủ định lập tức vang lên: Thôi đi vậy, đừng cứu tôi, cậu ấy phải nên tự do tự tại tắm mình dưới ánh mặt trời.
Phủ định rồi bỗng thấy mất mát một cách khó hiểu.
Chung Độ đưa máy ảnh cho Trì Viễn Sơn, im lìm đi phía trước, hai người cùng nhau ra bãi đỗ xe.
Ánh mặt trời tràn ra, nền tuyết lóng lánh màu nắng. Đó là thời khắc lộng lẫy nhất cuộc đời chúng, để rồi theo sau là sinh mệnh tới hồi đếm ngược.
Có chiếc xe máy ầm ầm lao đến, Trì Viễn Sơn còn đang mải xem ảnh, Chung Độ phản xạ nhanh khom người kéo y vào trong lề.
Như tuyết tan, trong chớp mắt ấy trái tim Chung Độ gần như vụn vỡ.
Trì Viễn Sơn không để ý sắc mặt thoắt đổi của anh, nhìn theo chiếc xe vừa vút qua, còn ngẩn ra cười cứ như đầu thiếu mất sợi dây nào: “Uầy, đường tuyết không mà còn phóng như bay thế, không sợ trượt té hay gì.”
Nói rồi tiếp tục xem ảnh, chẳng buồn để bụng tí nào.
Chung Độ cũng không nói thêm, mà nửa đường sau đó cứ đăm đăm nhìn dưới chân giúp y, không dám thơ thẩn một giây nào.
Lúc gần đến bãi đỗ, ven đường có bà cụ bày sạp bán, nào mũ, khăn quàng cổ, găng tay cái gì cũng có đủ, trông vừa đẹp mắt lại vừa ấm áp.
Lúc đi ngang qua, bà cụ chào mời: “Hai cậu xem thử có cần mua gì không? Hàng tự đan cả.”
Chung Độ ngừng chân, kéo Trì Viễn Sơn đứng lại cùng.
Trì Viễn Sơn còn bận chìm đắm trong mấy tấm hình, bị anh kéo sang còn hơi mơ màng: “Hửm?”
Chung Độ ra hiệu y nhìn sang bên kia: “Chọn một cái đi, mua khăn quàng cổ cho cậu.”
“Tôi nói đại thôi thầy Chung à.” Trì Viễn Sơn buồn cười nhìn sạp hàng nhỏ, nhưng vẫn ngồi xổm xuống lựa.
Chung Độ đứng đằng sau y, quan sát một lượt rồi chỉ vào chiếc khăn quàng màu đỏ, hỏi: “Cậu thích cái này không?”
Thật ra Trì Viễn Sơn không thích mặc đồ sáng màu. Nhưng nhìn biểu cảm lưỡng lự của Chung Độ, cuối cùng y gật đầu, sau đó cũng cầm khăn quàng màu đen giơ về hướng Chung Độ múa máy tay chân.
Anh không kén thật, vừa nghe y nói xong là gật đầu ngay tắp lự: “Được.”
Hàng len tự đan nên không quá nhiều kiểu mốt bây giờ, nhưng được làm rất tỉ mỉ có tâm.
Hôm nay trời lạnh lẽo, Trì Viễn Sơn nhìn đôi bàn tay bà nứt nẻ mà không chịu nổi, thế là y nghĩ ngợi rồi nói: “Bà ơi, mấy món này bà đan đẹp thật ấy. Hai đứa con mua cả chỗ này nhé, con có nhiều bạn thích mấy món đồ thủ công như vậy lắm, vừa khéo con không cần chuẩn bị quà năm mới cho bạn luôn.”
Không ngờ bà cụ xua tay từ chối: “Thôi cậu không dùng tới, đừng tội nghiệp bà già này mới mua. Bà nhận ý tốt của cậu rồi, cậu không cần làm vậy đâu, mua về mà không dùng thì cũng như lãng phí đấy.”
Trì Viễn Sơn không nghĩ đến mức đó, bỗng xấu hổ vô cùng. Y giương mắt về phía Chung Độ, bất giác tỏ ý cầu cứu.
Đúng thật, khăn quàng cổ thì còn tặng được, chứ bạn bè của y còn không ai đeo găng tay chứ còn nói gì đến mũ len. Bà bỏ tâm bỏ sức đan từng cái một, không dùng vào đúng mục đích đúng là phụ lòng người làm.
Chung Độ nhận được tín hiệu của Trì Viễn Sơn, giải vây giúp y: “Hai đứa con có cần dùng đến bà ạ. Thời gian tới bọn con đi làm, nhiều bạn bè từ miền Nam tới đây không chịu lạnh được, hai đứa con tặng cho họ.”
Anh cũng không hoàn toàn nói dối. Hầu hết toàn bộ cảnh đoàn quay tại Trường Nam là ngoại cảnh, kha khá trong số đó phải quay đêm, chắc chắn sẽ cần găng tay và mũ.
Trì Viễn Sơn mau chóng hiểu ý anh, tiếp lời: “Vâng ạ, bà không biết đâu, mấy đứa bạn con từ miền Nam chưa thấy tuyết lớn như ở chỗ mình bao giờ, lạnh run cả người thấy thương lắm. Đồ bà bỏ công đan làm sao lại để phí được, chắc chắn là giành nhau hết thôi.”
Nói hết nước hết cái bà cũng chịu tin, đồng ý bán cho hai người.
Lúc ôm cả đống đồ ra xe, Trì Viễn Sơn cảm thán: “Lắm khi bố thí thì dễ dàng, tôn trọng lại khó. Tôi tự đại quá.”
Y nhớ về bà mình, nếu bà nội còn sống chắc cũng tầm tuổi bà rồi.
Vốn là có lòng tốt, ai ngờ làm vụng lại hóa hỏng.
Vậy mà Chung Độ lắc đầu, nhẹ nhàng phủ định: “Không, thiện lương là điều đáng quý nhất.”