Tính Sư

chương 127: dương: 1

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

《Tính thư》viết, cá tử tôn, là ngư tuý, được thai nghén sinh ra trong nước.

Động nữ thường dùng nước để nuôi cá, cá mười tháng tuổi lên bờ thành người, tiếng như tiếng trẻ con khóc, tròn mười hai tuổi trở về với sông nước, tìm lại cá mẹ, kéo dài huyết mạch, từ đó xưng là cá tử tôn.

—— 《Tính thư • Thiên về Dương thị》

Năm Tân Dậu, tháng Tân Sửu, ngày Canh Tuất, đếm ngược mười ngày trước khi năm Dậu âm lịch chính thức trôi qua. (Ngày // âm lịch, tức ngày // dương lịch)

Trong đại sảnh Trung tâm chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em huyện Đông Sơn, Thạch Vinh Tú – y tá phụ trách đăng ký cấp thuốc cho bệnh nhân suốt mấy chục năm qua – đang thay đồ trong phòng cùng người đồng nghiệp trẻ tuổi, vừa trò chuyện với nhau vừa chuẩn bị mở ô cửa sổ nhỏ của phòng đăng ký lấy số ra.

Năm nay bà bốn mươi tám tuổi, là người địa phương huyện Đông Sơn, cũng là một trong số đông đảo người dân tộc Động đã bị Hán hóa ở địa phương.

Bà và những người đồng trang lứa thường biết chút ít tiếng Động, song cơ bản đều dùng tiếng phổ thông để giao tiếp với người chung quanh, từ sau khi cha mẹ già qua đời tại Động trại ở trong núi, bà và các anh chị em khác trong nhà đều chuyển vào định cư ở thị trấn.

Chồng bà Phạm Đông Minh làm việc tại công ty quản lý vận tải thành phố Đông Sơn, năm nay bốn mươi chín tuổi, hai vợ chồng có một đứa con trai mới vừa hai mốt, đang học đại học ở nơi khác, hiếm khi trở về nhà.

Đây là cuộc sống sinh hoạt phổ biến của đại đa số người dân huyện Đông Sơn, mặc dù ở ngọn núi lớn ngay cạnh Đông Sơn có một khu du lịch bảo vệ văn hóa phi vật thể nổi tiếng, nhưng chốn huyện thành hẻo lánh này lại là nơi rất ít đoàn du khách gia đình cả già lẫn trẻ hay nhóm học sinh trẻ tuổi huyên náo hiếu kỳ sẽ chủ động ghé thăm. Cho nên tuy nhiều năm trôi qua, kinh tế ở địa phương vẫn bị chững lại ở tình trạng tương đối lạc hậu.

Đương nhiên, dân chúng bình thường chẳng quá để tâm đến chuyện ấy. Đối với Thạch Vinh Tú, một y tá đứng tuổi đã chăm chỉ công tác gần hai mươi tư năm tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em này, nếp sống vừa đơn điệu vừa không quá khô khan ấy cũng chính là toàn bộ nửa đời trước của bà.

Vì ở gần khu tụ cư Động Miêu, nơi nổi tiếng với văn hóa Vu Na, trong Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em lâu đời lạc hậu của bọn họ cũng thi thoảng xuất hiện một ít truyền thuyết rùng rợn bí ẩn chỉ lưu truyền với người địa phương. Đến cả bản thân Thạch Vinh Tú, đôi khi cũng bị mấy y tá trẻ mới đến hỏi thăm về những chuyện quỷ quái vừa ly kỳ vừa đáng sợ ấy.

“Chị Thạch ơi, em hỏi nhỏ chị chuyện này nha…… Em nghe mấy y tá lầu trên nói, nhiều năm trước tại bệnh viện chúng ta…… chị thật sự từng thấy…… thật sự từng thấy quỷ và yêu quái sao? Trước đây em nghe bảo rằng Miêu gia và Động gia có không ít người biết bắt quỷ bắt yêu…… Chị từng tận mắt thấy người như thế bao giờ chưa…… Bọn họ có lợi hại không…… Nom tướng tá ngoại hình ra sao? Rồi cả chuyện về thần linh trong miếu tổ và long thần dán trên tường nữa, đều có căn cứ hết ư……”

Cô y tá trẻ ở bên cạnh tò mò hỏi nhỏ bà, còn chỉ tay ra phía ngoài cửa sổ phòng đăng ký. Gần dịp tết xuân hàng năm, người dân tộc Động ở địa phương đều tổ chức hoạt động cúng bái thần linh, do đó ngay cả bệnh viện hiu quạnh nhất thị trấn cũng dán đầy chữ Phúc ngược cùng với tranh long thần và miếu tổ nổi danh tại bản địa. (Người TQ có tục dán ngược chữ phúc vì chữ “đảo” (ngược) đọc giống chữ “đáo” (đến), “đảo phúc” nghe như “đáo phúc” tức phúc đến.)

Thạch Vinh Tú đang cúi đầu nghiêm túc làm việc, bà nghe vậy thì sững ra, cau mày liếc nhìn cô nhóc mới được phân từ trường y tá về đây không lâu, sau đó liền cất tiếng thở dài. Người phụ nữ trung niên này ngắm những bức tranh thần linh quỷ dị đẹp đẽ dán bên ngoài, bất đắc dĩ nói:

“Chị đã dặn em bao nhiêu lần rồi, ở Đông Sơn này không được tuỳ tiện nhắc đến chuyện quỷ thần…… Vùng Miêu Động có rất nhiều kiêng kỵ và phong tục…… Cẩn thận vạ miệng rồi rước phải rắc rối đấy……”

“Thì, thì tại bây giờ chỉ có mỗi hai chúng ta ở đây thôi mà hì hì, chị nói nhỏ cho em biết đi, em nghe y tá trưởng với mấy chị ở lầu trên nhắc đến nhiều lần ra chiều thần bí lắm…… Trước đây chị thật sự từng gặp gà mái mang thai được một người đàn ông đeo mặt nạ gà trống đưa đến bệnh viện giữa lúc nửa đêm ư? Còn tự tay đỡ đẻ cho một người phụ nữ dân tộc Động mang thai một con cá nữa? Rồi chuyện về một sản phụ từ nơi khác đến, ngày nọ vừa sinh con xong thì buổi tối có một tốp người ăn mặc kỳ lạ kéo tới tặng quà cho đứa trẻ. Chị kể em nghe đi mà, mấy câu chuyện đó là sao, chị từng chứng kiến tận mắt thật ư……”

Cô y tá trẻ này hỏi một lô một lốc làm Thạch Vinh Tú trở tay không kịp. Mà nếu hôm nay cô đã chủ động đề cập tới những câu chuyện kỳ lạ ấy thì Thạch Vinh Tú cũng không làm bộ thần bí làm gì, bà chỉ lặng người một thoáng chốc tựa như dâng trào xúc động. Rồi giống với vô số lần trước đó, gương mặt bà tỏ vẻ hồi tưởng, bà chậm rãi miêu tả sinh động cho y tá trẻ những trải nghiệm hoặc đáng đợ hoặc thần kỳ của mình trong suốt hai mươi mấy năm qua.

“……Phải, đó hầu hết là những việc mà chị từng tận mắt chứng kiến…… Chuyện về gà mái xảy ra đúng lúc chị vừa chuyển tới bệnh viện này…… Ngày đó là ngày sinh ra hạt thóc theo như truyền thống của dân tộc Động, buổi tối bác sĩ Vương phải đi đón con gái nên nghỉ sớm, để tiết kiệm tiền điện, chị không bật đèn lớn ở phòng dưới lầu. Ban đầu nghe tiếng người dùng tay gõ nhẹ lên cửa sổ thủy tinh, chị còn tưởng là nửa đêm có ca khám gấp, nhưng khi ló đầu ra xem thì thấy gà mái và chồng nó đứng trước cửa đăng ký nhìn chằm chằm chị, dọa chị suýt chết……”

“Chồng của gà mái? Chồng của gà mái chẳng phải là gà trống sao? Thế người đến tối hôm ấy thật ra là yêu quái do gà trống biến thành ạ?”

“Ờm…… Như chị quan sát thì có vẻ không giống lắm…… Gà mái được cõng từ trên núi tới đây, lúc đó đầu nó được quấn trong vải, xem ra bị bệnh thật. Chồng nó thoạt nhìn cũng chỉ là một người bình thường giống chúng ta mà thôi, nhưng trên mặt luôn đeo một chiếc mặt nạ gà trống hơi đáng sợ…… Anh ta không muốn lộ mặt ra với người ngoài, cũng không hề muốn nói chuyện với người ngoài…… Ấy thế nhưng lại đối xử với vợ mình rất tốt, cứ luôn cõng gà mái không để nó phải bước đi vất vả, còn liên tục an ủi gì đó. Vì lúc đó bác sĩ đã tan làm, cho nên cả hai chỉ nhận chút thuốc chị đưa qua cửa sổ rồi liền rời đi……”

“Ồ, thì ra người đàn ông đó tốt với vợ mình đến thế sao, sau này gà mái và chồng của nó có từng trở lại chỗ chúng ta không chị?”

“Đương nhiên là chưa từng xuất hiện nữa, cái chuyện lạ lùng giữa đêm hôm khuya khoắt như thế, lẽ nào chị lại gặp mỗi ngày được sao……”

Câu trả lời gọn ghẽ dứt khoát của Thạch Vinh Tú làm cô y tá thất vọng “Ồ” một tiếng, cảm giác chỉ nghe được lưng chừng câu chuyện thế này quả đúng là khiến người ta lấn cấn khó chịu.

Nhưng sau một hồi suy nghĩ, cô lại bám lấy Thạch Vinh Tú đòi nghe tiếp. Thấy hôm nay cô gái trẻ này sung sức như thế, Thạch Vinh Tú cũng chẳng vội lên tiếng, bà chỉ tay vào nước trà trong chiếc cốc sứ đặt trước mặt, sau đó mới chậm rãi cất lời:

“Câu chuyện thứ hai là về Động nữ mang thai cá, chuyện này xảy ra vào một buổi tối mùa hè mười hai năm về trước, cách không xa bằng câu chuyện gà mái kia, song lại có liên quan đến một truyền thuyết Động gia mà hiện tại chắc đã chẳng mấy ai tin. Nếu không phải chính bản thân chị chứng kiến con cá đó chui ra từ bụng người phụ nữ kia, thì ban đầu chị cũng chẳng thể tin nổi……”

“Truyền thuyết? Truyền thuyết gì vậy ạ?”

“Truyền thuyết đời đời con cháu làm cá…… Hồi nhỏ còn sống ở Động trại, chị thường nghe các cụ già nhắc tới câu chuyện này. Kể rằng xưa kia tỉ lệ sinh sản thấp, xác suất phụ nữ trong núi sinh con thuận lợi được là rất ít, thế là thuở ấy một vu sư ở Động trại tên Lạc Hương đã nghĩ ra một biện pháp đặc biệt giúp đỡ phụ nữ trong việc sinh sản. Vì trong bụng của người phụ nữ mang thai chứa đựng một hồ nước êm đềm yên ả, cho nên trước khi trẻ con sinh ra đời, chúng đều sống trong bụng mẹ dưới hình thái loài cá, chẳng qua người thường hiếm khi phát hiện ra thôi.”

“……”

“Nước là mẹ của vạn vật, bất kể là đứa trẻ chết non hay được sinh ra an toàn, ban đầu chúng đều bơi ra từ trong nước, do đó các Động nữ liền mang đứa con chưa thành hình trong bụng mình đến nuôi trong dòng sông trên núi, chờ mười hai năm nó trưởng thành hình người, họ sẽ quay lại đón con của mình……”

“……”

“Tuy nhiên điều đó cũng tạo thành mối nguy hiểm, chính là khi mang thai cá tử tôn, vì nhiều nguyên nhân mà Động nữ rất có thể sẽ buộc phải rời khỏi nơi sinh con ra, thế nên nhiều cá tử tôn vừa mới chào đời, còn chưa kịp trưởng thành mà đã bị vứt bỏ trong sông, không ai nuôi nấng…… Rồi dần dà y học hiện đại phát triển, phương pháp sinh sản đời sau đặc hữu của Động trại cũng từ từ thất truyền, thời nay hầu như không ai nhắc đến câu chuyện ấy nữa……”

“Ôi chao…… Ra là vậy…… Hay thật đấy…… Thế, thế còn chuyện cuối cùng mà em nhắc tới thì sao hả chị Thạch? Tại sao nửa đêm trong phòng bệnh của sản phụ nơi khác ấy lại xuất hiện nhiều người kỳ quái…… Chuyện này em cũng nghe từ nhóm y tá trưởng, họ bảo là lúc đó trừ chị ra, còn có mấy y tá khác cũng nhìn thấy…… Những người nọ mang theo gạo, bột và các loại gà vịt thịt cá, bỗng nhiên đến đây giống như tới từ thời cổ xưa, là thật ư?”

“Ờm…. Thì đúng là thật, nhưng ngọn nguồn chuyện này chị cũng không rõ lắm…… Sản phụ đó là người vùng ngoài, vốn đến miếu Phạm gia để du lịch, song hình như gặp phải mưa lớn và sạt núi, vất vả lắm mới thoát ra được, rồi cuối cùng té xỉu ở ven đường……”

“……”

“Nhưng sau khi cô ấy sinh con xong thì người nhà ở thành phố lớn cũng tìm đến và đón cô ấy đi ngay, thành ra chị cũng chưa thấy tận mắt đứa bé đó…… Chỉ nghe nói dường như đứa nhỏ này bẩm sinh mắc bệnh khuyết thiếu gen thì phải? Cơ mà lúc đó chị biết được rằng sản phụ kia có gia cảnh rất quyền thế, là con gái độc nhất của một gia đình giàu có…… Về sau tuy cô ấy không trở lại huyện Đông Sơn nữa, nhưng đã liên tục quyên góp cho chính quyền huyện ta rất nhiều tiền của, còn giúp địa phương tu sửa cầu đường, quả là một người tốt…… Em xem, hiện giờ trụ sở chính quyền huyện và đường lên núi bằng xi măng đều là do vị Trần tiểu thư tốt bụng ấy trao tặng cho địa phương ta đấy……”

Kể đến đây, Thạch Vinh Tú bày tỏ sự cảm kích khôn xiết, cô y tá trẻ thấy thế thì cũng ngóng ra ngoài nhìn thử.

Đúng lúc hai người đang nói đến đề tài này, trên con đường lớn ngoài bệnh viên chợt vang lên tiếng còi của mấy chiếc ô tô dừng lại cùng lúc.

Nghe thấy tiếng động ồn ào hoàn toàn không ăn nhập với chốn huyện thành nhỏ bé này, cô y tá lấy làm ngạc nhiên, cô ngó qua ô cửa sổ đăng ký, lẩm bẩm thắc mắc “Thị trấn xập xệ của chúng ta từ bao giờ lại có người lái xế hộp xịn vậy nhỉ?”. Cũng vào lúc ấy, cô đối diện với chiếc ô tô lấp ló đỗ ngoài cổng, cùng với nửa gương mặt điển trai tái nhợt thấp thoáng sau cửa sổ xe và mái đầu bạc trắng như hoa tuyết, cô y tá sững sờ, mặt đỏ hết cả lên.

Thạch Vinh Tú nhìn cô nhóc lắm miệng này tự dưng đỏ mặt, hai mắt long lanh mơ màng lại còn lẩm bà lẩm bẩm gì đó, bà vừa định lên tiếng thì đã trông thấy một người đàn ông trung niên mặc com lê, đi giày da chạy vội vào đại sảnh. Trán người đàn ông nọ nhễ nhại mồ hôi, ông ta lễ phép ló đầu vào trong, vẫy tay cười bảo với hai người:

“Dạ, chào cô, chào cô, chúng tôi đến từ thành phố Y, xin phép làm phiền hai người một chút, cho hỏi trụ sở chính quyền huyện Đông Sơn là ở đâu vậy ạ?”

……

Năm Tân Dậu, tháng Tân Sửu, ngày Nhâm Tý, là tết ông Táo – một trong những ngày lễ truyền thống của dân tộc Hán. (Ngày // âm lịch, tức ngày // dương lịch).

Trong Động trại xa xôi, nơi tụ cư của dân tộc Động Miêu ở tỉnh H, những tia nắng đầu tiên của mùa đông chốn núi rừng đang xuyên thấu qua ô cửa sổ cũ kỹ của căn nhà gỗ nhỏ, rọi lên chiếc võng be bé đặt trong nhà.

Nằm trên võng là một cô bé con, tóc đen da vàng, tuổi chừng mười một mười hai, để trần hai chân, đang ngủ say sưa.

Bên cạnh chiếc giường võng ghép bằng mảnh gỗ của nó bày một loạt búp bê cá vàng được may bằng kim chỉ, vài chuỗi vòng làm từ vỏ sò sặc sỡ đủ màu nhặt nhạnh ven suối, còn có một tấm ảnh được nó ôm bằng hai tay nên chỉ lộ ra nửa gương mặt. Trong ảnh là một người đàn ông tóc dài, cũng mặc trang phục vải xanh của người bản địa.

Những món đồ này là toàn bộ gia tài của cô nhóc, ngoài ra, nó cũng chỉ có chiếc giường cũ ọp ẹp đơn giản và căn nhà nhỏ tuy hỏng nóc nhưng được bài trí sạch sẽ ấm cúng này là còn ở lại đây bầu bạn với nó.

Cô nhóc ngủ lỳ trên giường đến tận khi nghe bên ngoài có tiếng người gọi mơ hồ “Dương Hoa, Dương Hoa, con có nhà không?”. Bấy giờ, cô nhóc tên Dương Hoa mới lồm cồm ngồi dậy từ trên giường. Nó bới mớ tóc rối bù, chạy vù đến bên cửa sổ, lúng túng đối diện với bà cụ tóc bạc búi cao, đeo bên hông chiếc túi thêu màu xanh lam.

“Dạ, bà…… bà Phạm Tế…… con chào bà……”

“Ừ, chào con, hôm nay ăn tết mà con không biết à? Sao không dậy sớm để sửa soạn quần áo đi cúng tế từ đường và long thần? Cha con đi vắng là ngày nào con cũng lên núi bắt thỏ câu cá rồi về ngủ nướng vậy đó hả? Thế mà coi được à?”

“Dạ……”

Ánh mắt trách cứ của bà cụ đứng dưới căn nhà gỗ làm Dương Hoa, cô nhóc đang thò đầu qua cửa sổ, hơi đỏ mặt sờ sờ mũi.

Mà cũng hết cách rồi, mỗi lần người kia đi vắng là toàn dặn bà Phạm Tế, hàng xóm cùng thôn, đến đây trông nó.

Cho nên dẫu nó chỉ muốn làm biếng một ngày, không mặc đống trang phục dân tộc và trang sức bạc vừa rườm rà vừa nặng trịch đó để đi từ đường bái thần, nhưng nó chẳng tài nào chạy thoát thuật lợi được.

Bà Phạm Tế có gương mặt nhăn nheo, ngũ quan mang đậm nét đặc trưng của dân bản xứ, dùng khăn vải lam quấn lấy mái tóc bạc. Thấy bộ dáng nó cự nự rề rà rõ là không muốn đi, bà cụ cũng thở dài bất đắc dĩ, dịu dàng xua tay với nó, từ tốn bảo:

“Thôi, con nhóc nghịch ngợm này, quả nhiên lại bị cha con đoán trúng rồi…… Xuống đây, rửa mặt mũi sạch sẽ, mặc thêm quần áo vào rồi hẵng xuống dưới, qua nhà bà ăn mẻ trà dầu và cơm hoa đầu tiên của năm mới đi…… A Bảo cũng đang ở nhà đấy, chiều nay con cứ ở lại nhà bà chơi với nó……”

(Hai món trà dầu và cơm hoa là hai món ăn truyền thống của người dân tộc Động.)

Dương Hoa chắc chắn sẽ không từ chối lời mời của bà Phạm Tế, trước khi đi vắng người nào đó đã dặn nó phải biết lễ phép vâng lời, đặc biệt là với gia đình bà Phạm Tế thì càng phải khách sáo, cho nên nó lập tức gật đầu lia lịa, cất cao giọng trả lời rằng:

“……Vâng! Con xuống ngay! Bà Phạm Tế chờ con chút nha!”

Dứt lời, còn chưa đợi bà Phạm Tế nói xong câu “Ôi trời ơi, con bé này chậm thôi, cẩn thận kẻo ngã bây giờ”, cô nhóc loắt choắt như chim sẻ bay lượn trong núi rừng này đã chạy trở về trong nhà gỗ, tức tốc thay xong bộ quần áo màu chàm đặt ở đầu giường, cắn dây buộc tóc vội vàng buộc mái tóc dài rối tung của mình lại, rồi chạy xồng xộc từ trên lầu xuống nhào vào lòng bà Phạm Tế.

Bà Phạm Tế đến là bó tay với nó, chỉ có thể hớt hải đón lấy nó, tiếp đó liền dắt tay dẫn con nhóc ồn ào này vào nhà.

Dương Hoa ngước lên, gãi đầu nở nụ cười, ngoan ngoãn cùng bà Phạm Tế đi lên căn nhà gỗ nhỏ của mình. Trong lúc đi, hai người còn tán gẫu câu được câu không.

“Có thích ăn trà dầu và cơm hoa mà bà làm không? Tay nghề của bà không giỏi bằng cha con, nhưng ăn vẫn được chứ?”

“Dạ? Ngon ạ ngon ạ, chỉ cần là món bà nấu thì con đều thấy ngon ha ha……”

“Con thấy ngon là tốt rồi…… À mà, qua tết xuân năm nay là con được mười hai tuổi rồi nhỉ, Dương Hoa?”

“Dạ? Vâng, hình như là vậy……”

“Hình như là sao hả, đến việc này mà cũng không nhớ được à…… Trước khi đi cha con đã nói với bà nhiều lần lắm đấy…… Lần này cha con đi vắng, có dặn con là bao giờ sẽ về không?”

“Ơ…… Không ạ, cha chỉ dặn con phải ở trong nhà thôi, còn bảo là nếu mặt trăng lại bắt đầu chuyển đỏ thì tuyệt đối đừng chạy lên núi một mình, càng không được tới gần sông nước hay mấy chỗ tương tự, cũng không nên tùy tiện bơi xuống sông với người khác…… Sau đó thì là…… ngoan ngoãn chờ ông ấy về……”

“Ừ, đúng là con nên nghe lời cha đi, đừng suốt ngày chạy lung tung lên núi nữa. Bao năm qua ngọn núi Đông Sơn vẫn luôn không yên ổn, sơn ma yêu tà quấy phá thôn dân không chỉ một hai lần, may nhờ có long thần và miếu tổ tại các trại bảo vệ phù hộ cho chúng ta, nên Động trại hẻo lánh này mới được mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an……”

Bà Phạm Tế nói mấy lời này từ năm này qua năm khác, Dương Hoa nghe đến chai cả tai rồi, chỉ đành tiu nghỉu gật đầu. Dù sao nơi này chính là Động trại, dân bản xứ hết mực tôn kính thiên nhiên, núi rừng và sông nước còn là kho báu cung cấp cho họ nguồn của cải dồi dào và những câu chuyện thần bí. Thấy con bé chịu nghe, bà cụ tóc bạc cũng nhẹ nhõm phần nào, song khi nhìn mái đầu mềm mại của nó, bà vẫn cất tiếng thở dài không yên lòng. Bà lại ôn tồn nói tiếp:

“Con đừng xem lời bà nói như gió thoảng bên tai, bà nghe bảo dạo gần đây bọn “trẻ con già” ăn thịt người trên mỏm đá Lồng Gà lại bắt đầu xuất hiện rồi đấy…… Chỗ đó toàn là sơn tinh yêu quái, ban đêm mà vào rừng là thể nào cũng cửu tử nhất sinh, ngộ nhỡ con xảy ra cơ sự gì thì cha con sẽ lo lắng lắm……”

“Hừ…… Ông ấy còn lâu mới lo cho con…… Con nhớ hồi còn bé, buổi tối con không dám ngủ, ông ấy còn dọa sẽ mang con lên núi cho “trẻ con già” ăn thịt kìa……”

“Tầm bậy, làm gì có chuyện cha con không lo cho con chứ, nếu năm xưa cha con không đội mưa cả đêm đến bệnh viện huyện Đông Sơn để tìm bác sĩ thì cái mạng nhỏ của con đã đi tong từ đời nào rồi…… Bao năm qua cha con rất hiếm khi rời khỏi nơi này, cứ sống độc thân nuôi nấng con, lễ tết thì không có người thân bạn bè thăm hỏi, cả ngày thui thủi một mình, con nghĩ trên đời này trừ thân nhân ra thì còn ai có thể làm được như thế vì con nữa? Huống chi cậu ấy vẫn còn đương độ tráng niên, rõ ràng có thể cưới vợ sinh con bình thường……”

Câu này làm bé con Dương Hoa dỏng tai lên, bỗng có cảm giác nguy cơ, dù sao người bên cạnh nói câu này trước mặt nó không phải mới lần một lần hai, nhưng trước nay nó chưa từng xem là thật.

Cô nhóc rõ ràng có chút căng thẳng mất tự nhiên, thật lòng nó rất quan tâm đến cái người đang vắng nhà kia, song ngoài mặt thì lại không muốn chủ động thể hiện ra với người khác, còn cố “hừ” một tiếng giả đò “không thèm để ý”, ưỡn ngực chống nạnh bảo là:

“Không, không có chuyện đó đâu…… Ông ấy không có tiền, nhà cửa thì xập xệ, mặt mũi lại…… lại cũng không ưa nhìn, trông còn chẳng trẻ trung gì…… Từ sáng đến tối mặc áo quần quê mùa, cả ngày ở trong núi chẳng biết làm cái gì, bình thường cũng chẳng thèm về nhà…… Đã thế lại đèo bồng thêm…… thêm một đứa con riêng là con, phụ nữ trong thôn còn chẳng để ý đến ông ấy chứ…… chứ nói chi là ngoài thị trấn…… Các cô gái trẻ đương nhiên sẽ thích chàng trai vừa đẹp vừa ngầu như long thần…… Còn lâu mới có người thích ông ấy……”

“Phỉ phui cái mồm, con bé này nói vớ va vớ vẩn, ai lại đi tự gọi mình là con riêng chứ, mà ai cho con tùy tiện nói linh tinh về long thần hả? Cẩn thận chọc giận thần linh trong sông, bọn “trẻ con già” trên núi lại bắt con đi thật bây giờ……”

“……”

Ánh mắt nghiêm nghị của bà Phạm Tế khiến Dương Hoa cứng họng không trả lời được, nó cắn môi ngẫm nghĩ, cuối cùng vẫn cau mày im re. Bà cụ thấy nó như thế thì cũng biết nó đang nghĩ gì, bà xoa đầu nó, hiền từ bảo:

“Rồi rồi, bà chỉ buột miệng nói thế thôi mà. Từ mấy năm trước cha con đã bảo với bà rồi, đời này dù có đến chết cậu ấy cũng sẽ không đi tìm người khác nữa…… Haiz, thật tiếc cho cha con, con còn nhớ không? Những năm trước cứ sau độ tết xuân phân là mọi người phải lên núi cày bừa, lần nào cha con cũng giúp gánh nước lên núi…… Cha mẹ A Bảo mất sớm, để lại mình A Bảo còn nhỏ xíu cho bà, nếu là hồi xưa thì mình bà phải gánh mấy thùng nước nặng trình trịch lên núi, nhưng cha con đã giúp nhà bà biết bao nhiêu việc……”

“……”

“Tuy ở trong mắt người khác, đó chỉ là người việc nhỏ thôi, nhưng bao năm nay bà già này đều ghi tạc trong lòng. Hơn nữa con chỉ cần đi hỏi người trong thôn là biết, những năm qua ở các trại xung quanh đây không chỉ có nhà bà mới chịu ơn của cha con, bởi thế nên mọi người mới thường xuyên giúp cha con chăm sóc con đấy, mỗi việc nhỏ nhặt ấy đều là từ có qua có lại mà ra……”

“……”

“Cho nên, Động gia mới có câu cách ngôn rằng, nhìn người không chỉ là nhìn vào ngoại hình và tài sản của người đó, mà còn phải nhìn vào nội tâm của người đó nữa, cha con chính là người có tâm hồn vượt lên trên cả vẻ bề ngoài…… Có lúc bà nhìn con, rồi nhìn lại cậu ấy, bỗng nhiên cảm thấy nếu gia đình nhỏ của con có thêm một thành viên, thì dù sau này con lớn lên phải đi cưới chồng, sẽ vẫn có một người ở lại bầu bạn cùng cha con, để cha con không phải cô đơn lẻ loi cả đời, sống bơ vơ ở nơi Động trại này nữa……”

Nói đoạn, bà Phạm Tế cũng bùi ngùi xúc động. Bao lâu nay, quả thực có một số việc bà vẫn biết ơn cha của Dương Hoa từ tận đáy lòng, do vậy bà luôn rất mức quan tâm người đàn ông sống một mình cùng cô con gái suốt nhiều năm ở nơi này.

Dương Hoa dẩu môi, vốn còn định phản bác, song nghe bà nói vậy, nó chỉ ngỡ ngàng đáp “Dạ” rồi đắm chìm trong một loại cảm xúc phức tạp khó tả. Tiếp đó, nó cũng không tiếp tục tranh luận với bà Phạm Tế về vấn đề này nữa.

Nó lơ đãng cúi đầu đi đến nhà bà, ăn xong bữa điểm tâm đầu tiên của năm mới, sau đó nhân lúc bà cụ bận bịu dọn dẹp trong bếp, nó liền đi chơi cùng cháu trai A Bảo của bà Phạm Tế và mấy đứa nhóc khác trong trại.

Bình thường đám nhóc này vẫn hay chơi trò ném thia lia ở trong thôn, hôm nay không biết là đứa nào đề xuất, cả bọn lại chơi một trò mà gần đây trẻ con bản địa cực kỳ thích —— Bắt gà trống. Dạo trước Dương Hoa ở nhà suốt nên chưa từng nghe đến trò này bao giờ, nó thắc mắc nhìn sang phía A Bảo, cau mày hỏi: (Ném thia lia: trò ném đá nảy lướt trên mặt nước.)

“Hử? Bắt gà trống? Bắt gà trống tức là thế nào, sao tớ chưa từng nghe nói vậy?”

“Ừm, hình như là trò chơi bắt quỷ lan truyền sang từ bên thôn Phạm đó, nghe bảo là thú vị lắm, hay hơn trò ném thia lia với bắt thỏ mà chúng mình hay chơi nhiều…… Đầu tiên, phải có chín người ở trong rừng vào buổi đêm khuya. Trong chín người này, có một người là Công Kê Lang, khi trời tối sẽ ăn gà, tám người còn lại chính là gà trống. Công Kê Lang có thể ra lệnh cho trẻ con già bắt mồi giúp mình, mỗi con gà trống sẽ chết một kiểu khác nhau, duy chỉ có một con gà trống thông minh nhất là có thể trốn thoát được…… Nhưng một khi bị Công Kê Lang tóm được, nó sẽ bị rút hết ruột ra, sau đó chém phăng đầu xuống —— “

“A a a!!! Cậu đừng nói nữa, A Bảo dọa tớ sợ chết mất!!!”

Mấy đứa nhóc xung quanh bị A Bảo dọa sợ hét toáng lên, cháu trai bà Phạm Tế phá ra cười ha ha, cười xong bèn đắc chí bảo với tụi nhóc khác, bao gồm cả Dương Hoa:

“Biết liền đám thỏ đế nhát gan mấy cậu sẽ sợ mà ha ha, đừng sợ đừng sợ, đều là giả hết ấy mà, trên núi làm gì có Công Kê Lang nào chứ…… Dương Hoa, chẳng mấy khi cậu ghé qua, có muốn chơi cùng bọn tớ không? Thêm cậu nữa là vừa đủ chín người, dù sao cha cậu chỉ cấm cậu tùy tiện chạm vào nước thôi chứ đâu có bảo là cậu không được cùng mọi người lên núi chơi đâu……”

“……Ừm……Được thôi……”

Dương Hoa đang tỏ ra lưỡng lự, được A Bảo ngỏ lời, nó hơi ngạc nhiên, sau một thoáng cau mày vuốt cằm cân nhắc, cô nhóc rõ ràng cũng hứng thú với trò chơi này nên là liền đồng ý. A Bảo thấy nó chịu nhập cuộc thì hớn hở mừng rỡ, vẫy tay gọi đám nhóc tụm lại, ra vẻ sành sõi như ông cụ non, bắt đầu giải thích quy tắc trò chơi.

“Hôm nay Dương Hoa mới chơi lần đầu, vậy để Dương Hoa làm Công Kê Lang bắt bọn mình đi, còn mấy đứa mình làm gà trống nhé. Chỉ khi nào trẻ con già cất tiếng hát thì Công Kê Lang mới có thể giết người, lát nữa mọi người cùng hát to, Dương Hoa nghe thấy tiếng thì sẽ đi bắt chúng ta…… Ngoài ra, mọi người nhất định phải nhớ kỹ nội dung lời bài hát, nếu bị Dương Hoa bắt được là mấy cậu sẽ biến thành người chết đấy, hiểu chưa?”

“Ờm, hiểu hiểu……”

Nhờ có A Bảo kiên trì giải thích, Dương Hoa tuy mới đầu còn hơi lơ ngơ về cách chơi, song chẳng mấy chốc đã nắm rõ quy tắc.

Nó hào hứng theo đám trẻ trong thôn đi tới mỏm đá Lồng Gà cách cổng thôn không xa, dựa theo sự sắp xếp nhân vật lúc đầu, nó siết tay đứng ngay ngắn tại vị trí của mình trong rừng.

Dương Hoa tựa vào thân cây, che mắt cười trộm, mơ hồ cảm giác từng đứa nhóc phía sau mình vừa cười khúc khích vừa chạy xa dần trong buổi hoàng hôn, hồn nhiên không hề hay biết ánh mặt trời cuối cùng sau đỉnh núi đang chầm chậm lặn xuống. Bấy giờ, cô nhóc mới cất giọng ca ngọt ngào, cùng đám trẻ trốn trong rừng hát vang bài ca dao u ám kia……

……

【Công Kê Lang, muốn giết gà】

【Tám con gà nhốt trong lồng】

【Một con gà tiến vào rừng】

【Cái cổ bị chém đứt phăng!】

【Hai con gà nhảy vào hố】

【Đứt lìa hết đầu với thân!】

【Ba con gà trốn vào hang】

【Đâm thủng mắt mà đi tong!】

【Còn một con gà trống con】

【Nát xương thịt chìm đáy sông!】

【Chỉ còn lại con cuối cùng】

【Công Kê Lang nhất định phải bắt được mi, bắt được mi ——】

✿Tác giả có lời muốn nói:

Vì để cho bối cảnh và nhân vật trong toàn bộ câu chuyện có thể dung hợp tốt hơn….. Cho nên xin mọi người tha thứ cho bà phù thủy Dê này vì chưa bố trí lời thoại cho chú thỏ anh tuấn tiêu sái của chúng ta…… Ờm, cơ mà vẫn còn đỡ hơn mợ chỉ xuất hiện qua tấm ảnh kìa, đãi ngộ của cậu vẫn tốt hơn ha ha ha.

Chương kế tiếp đều là màn ảnh chính diện của Tấn thiếu nhà ta hết! Ngoài ra, chương này phải đọc thật kỹ nhé, những chi tiết và nhân vật cực quan trọng đều đã lên sân khấu rồi đấy, cả tuyến thời gian nữa, phải hết sức chú ý nha. Mỗi chương trong phần cuối này sẽ không quá dài đâu, không phải những câu chuyện nhỏ độc lập giống như trước nữa, mà ngày càng tiến tới gần một câu chuyện lớn với các móc xích chặt chẽ. Chương này tôi sửa lại bảy, tám lần liền nhưng cảm giác viết vậy là hài lòng nhất rồi, hy vọng cả nhà sẽ thích moah moah ~

Thêm một vài giải thích của tác giả ở phần bình luận, tui tổng hợp cho bà con (tác giả tự tiết lộ nên cũng hông tính là spoil đâu nhá

):

Công Kê Lang là tiền truyện, cá tử tôn là nhân vật chính của phần này, hai bên này đồng thời tồn tại. Hãy chú ý tới ba câu chuyện mà y tá kể: Chuyện thứ nhất, trọng điểm, Công Kê Lang là một con người; Chuyện thứ hai, người phụ nữ dân tộc Động hoài thai sinh ra cá, đứa trẻ đến tuổi mới có thể trở về trong nước; Chuyện thứ ba, một sản phụ từ nơi khác đến hạ sinh một đứa bé kỳ lạ, tức Trần Như Thấm sinh ra cậu cả….. Tôi thấy đâu có khó hiểu lắm đâu nhỉ……

Câu ca dao trước đó là “gà trống già”, nhưng giờ lại thành “gà trống con”, bởi vì trong rừng hiện tại chỉ có “gà trống con” chứ không có “gà trống già”. Từ điểm này chúng ta có thể biết được, lúc Dương Hoa che mắt, bài hát lọt vài tai cô bé không phải do đám trẻ con hát, mà là những vật khác sau lưng cô bé đang hát. Ừm, chính là vậy đấy.

Cha của Dương Hoa chính là mợ nha, người đàn ông hiền huệ để tóc dài, nấu ăn ngon, biết làm búp bê vải và vòng cổ cho con gái, còn ai trồng khoai đất này nữa. Mợ là long thần, chuyện trong nước thuộc phận sự quản lý của mợ, cho nên Dương Hoa là đứa con của người phụ nữ cá, được mợ thu nhận và nuôi dưỡng (Để ý câu chuyện ở đầu chương và lời dặn Dương Hoa không được lại gần nước). Đó, mợ chăm con giùm người ta thui.

Mợ có biến đổi dung mạo rồi nhe (nên mới bảo là mặt bình thường), nổi bật quá cũng không phải chuyện tốt mà, ngoại hình bình thường một tí thì mới tiện chăm nom con gái và đi tìm thỏ của mợ chứ.

Truyện Chữ Hay