Chuyển ngữ: Khu rừng đom đóm
Bạch Trác được nghỉ lễ một tuần, ban đầu cô dự định về trước hai ngày, ai ngờ Bạch Lẫm nghe xong thì hừ một cái, nguýt cô với vẻ ước gì được đánh cho nó tỉnh ra.
Bạch Trác: “…”
Tuy nhiên cô không cãi lại anh trai, hai ngày thì hai ngày rồi gặp, dầu gì trong khoảng thời gian này Bạch Lẫm nói gì cũng đúng, miễn sao anh có thể thu xếp ổn thỏa mọi việc.
Hiện giờ mình có việc cần nhờ người ta nên cô thức thời ngậm miệng, quay lưng lên lầu.
Không cho gặp thì thôi, em có khối cách để liên lạc.
Nói thì nói thế, nhưng đâu phải lúc nào muốn cũng được. Lượng khách đổ xô đến Hà Trác trong dịp nghỉ lễ đông hơn ngày thường, đôi khi gửi tin nhắn cho anh phải đến một tiếng sau anh mới đáp, có lúc một giờ sáng rồi mà còn nhận được tin nhắn chúc ngủ ngon của anh.
Bạch Trác xem nhật kí chuyện trò của cả hai, càng cảm thấy chủ quán kia “xấu xa”, tuy thưởng gấp ba nhưng mà làm việc thì hùng hục, mệt bở hơi tai.
Không được gặp anh, cô thở dài thườn thượt, đành cam chịu số phận lấy đề thi ra.
Học sinh cuối cấp không thiếu gì bài vở, làm xong hai đề thi cũng đã đến giữa trưa.
Vừa mới đặt bút xuống mở điện thoại, Bạch Trác đã nghe thấy tiếng gõ cửa.
Anh trai cô y như nhìn được xuyên thấu bước vào: “Đừng hí hoáy nữa, ăn cơm mau.”
Bạch Trác đang chuẩn bị nhắn tin: “…”
Rất chi là buồn bực.
Xuống lầu, cô trốn anh trai ngồi trên sô pha nhắn tin, gửi tin nhắn xong bèn thoát màn hình ra ngay như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Bạch Trác rót cốc nước ấm, đang định cầm cốc vào bếp thì đúng lúc này cửa phòng sách mở, sau đó thấy vị khách đã chuyện trò xong xuôi đi ra.
Trừ khi đó là chuyện vô cùng quan trọng, nếu không họa hoằn lắm ba Bạch mới đem việc công về nhà, thế nên cô cũng ngó lâu hơn chút.
Dường như vẫn còn chuyện phải làm nên họ nán lại trước cửa bàn bạc.
Đứng cạnh ba Bạch là một người đàn ông khoác trên mình bộ cánh mùa thu thời nhà Đường, trong tay ông cầm cả cây quạt.
Ông quay lưng về phía cô nên cô không thấy rõ mặt, song chỉ cần nhìn là biết đây ắt hẳn thuộc tuýp người ôn tồn, lễ độ.
Hai giây sau, Bạch Trác quay đi, cầm cốc tới bàn ăn.
“Chú Chu có ở lại ăn cơm cùng nhà cháu không?” Đợi hai người xuống rồi Bạch Lẫm mới tiến lên mời, “Mẹ Phúc con nấu toàn món đặc sản Mạn Thành, vị quê hương chính cống phải ngon hơn nước ngoài làm nhiều đấy ạ.”
Ba Bạch cũng tán thành: “Ông làm bữa đã hẵng về.”
Thịnh tình khó từ chối, hơn nữa quả thật bây giờ Chu Y Sinh chưa có chỗ ở nên ông cũng lập tức đồng ý.
Đến khi trông thấy rõ mặt mũi của chú này, Bạch Trác hơi sững lại, mắt dán vào người ông.
Thấy con gái mình nhìn trân trân, mẹ Bạch ho một tiếng, nhíu mày nhắc nhở: “Trác Trác!”
Bạch Trác sực tỉnh, vội thôi, “Cháu xin lỗi ạ.”
Chu Y Sinh cười xòa tỏ ý không sao, ông còn an ủi: “Làm cháu sợ đúng không.”
Trong chất giọng đượm nho nhã, trùng khớp với người đàn ông có dáng vẻ lịch thiệp kia.
Nếu như bỏ qua vết sẹo lớn trên mặt ông.
Bên má phải của ông không tì vết, song má trái lại hằn sẹo xù xì, thậm chí vết sẹo ấy còn dài lên tận thái dương.
Chắc hẳn sẹo này là do bị bỏng nặng gây nên, đã từng phẫu thuật ghép da nhiều lần, tuy nhiên điều trị sau khi vết sẹo trở nặng không mấy khả quan lắm, cần phải chiến đấu trường kì mới được.
Nhưng mà da bị bỏng sau khi đã điều trị cũng không quá đáng sợ, không dọa được trẻ con chứ đừng bàn tới Bạch Trác.
Nhận thấy hành vi trước đó của mình không ổn, cô lập tức xin lỗi: “Không phải đâu ạ, là cháu bất lịch sự.”
Nom cô bé cúi đầu, Chu Y Sinh lại nhẹ nhàng cười bảo, “Không sao, cuống lên làm gì, cháu nhìn thì chú cũng có mất miếng thịt nào đâu.”
Dứt lời ông quay sang bảo với ba Bạch: “Có nếp có tẻ, vợ hiền con ngoan, ông có phúc thật đấy.”
Ba Bạch cũng cười đáp lại: “Ông cũng vậy mà.”
…
…
Hai người khách sáo mấy câu rồi bắt đầu dùng bữa.
Trong lúc ăn, Bạch Trác vô tình liếc ông thêm đôi ba lần, hình như lần nào cũng bị ông phát hiện, bởi lần thứ hai ông còn chạm mắt với cô, song ông cũng chỉ cười hiền hòa.
Sợ ông hiểu lầm, cơm nước xong, Bạch Trác mới phân bua: “Cháu cứ cảm giác đã từng gặp chú ở đâu rồi.”
Lời giải thích này nghe hơi chối, giống kiểu chỉ qua loa lấy lệ, tuy nhiên cô thực sự cảm thấy thân quen với ông.
Cô thật thà nói: “Cháu thấy chú hơi quen ạ.”
“Có lẽ là duyên phận.” Chu Y Sinh mỉm cười trả lời, “Cơ mà thời điểm chú ra nước ngoài cháu còn chưa chào đời.”
Mười mấy năm cứ thế qua đi, thật là năm tháng chẳng bỏ quên ai.
“Nom các cháu tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.” Chu Y Sinh lắc đầu thở dài, “Lão già như chú đây không bì kịp nổi.”
“Ai bảo thế.” Bạch Lẫm đầy vẻ không tán đồng, “Chú vẫn còn phong độ lắm ạ.”
Cách đây mấy hôm, lần đầu thấy chú ăn mặc trang phục thời Đường, tay cầm quạt. Chú tạo cho Bạch Lẫm cái nhìn thành thục, thận trọng, như thể không có chuyện gì làm khó được ông.
Anh ấy cảm thấy phong thái chú toát lên vừa riêng biệt vừa hấp dẫn của người từng trải qua bao thăng trầm hun đúc mà thành.
Tựa như vò rượu chôn lâu năm đậm đà, tỏa hương độc đáo.
Nghe những lời này, Chu Y Sinh lại nở nụ cười, cũng khách sáo khen Bạch Lẫm mấy câu.
Phút chốc, bầu không khí trên bàn ăn vô cùng ấm áp.
Bạch Trác cũng nhoẻn cười, song trong lòng cố lục lại kí ức, nhưng mà cuối cùng vẫn không tài nào nhớ ra được đã gặp ông ở đâu.
—
Đây là kì nghỉ đầu tiên Bạch Trác cầu trời cho nó chóng qua mau, đến hôm Chủ nhật, cô đã sớm thu dọn xong hết hành lí.
Hiếm có khi nào cô nhấp nha nhấp nhổm học bài như sáng hôm nay, năng suất cực thấp, cứ như dành hết thời gian để mong đợi về trường.
Giờ về trường càng gần, tâm trạng cô càng hân hoan, ăn cơm trưa thôi mà cũng tủm tỉm cười.
Trong bữa ăn, mẹ Bạch không kìm được liếc con gái mấy lần, sau đó thì thào với Bạch Lẫm bảo đồng ý cho con chuyển trường là lựa chọn đúng đắn.
Làm Bạch Lẫm muốn chụp ngay tấm ảnh Bạch Trác khi ở trường đưa cho mẹ xem, đấy mới gọi là cười nhiều, cười toe toét hớn hở.
Nhưng dù anh có tức nghiến răng cỡ nào, cuối cùng vẫn phải cam chịu đưa Bạch Trác về trọ.
Đã thật.
Bạch Trác cực kì sung sướng, mấy hôm nay hay cười đến mức hết phần cả năm.
Ôi trời ơi, Bạch Lẫm thở dài, em gái lớn rồi không giữ được nữa.
Tuy nghĩ vậy song trước khi đi, Bạch Lẫm vẫn không ngừng căn dặn và nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng lúc này của cô là việc học, nhắc đi nhắc lại tuyệt đối không được phép yêu sớm!
Nghe thế cô im re, vốn chuyện là không thể xảy ra, cơ mà ngày nào anh trai cũng lải nhải làm Bạch Trác không khỏi mơ mộng nếu ngày đó đến thật thì mình sẽ ra sao.
Phải chăng sẽ tựa như những đóa hoa hướng dương nhảy múa dưới ánh nắng mặt trời, hát không hay nhưng lại đỗi hứng khởi.
Mơ tới đây, cô lại không nén được nụ cười.
Bạch Lẫm đứng bên tận tình khuyên bảo chứng kiến cảnh này: “…”
Lo sốt vó lên đây!
Sợ mình tăng xông ngất xỉu, Bạch Lẫm quả quyết mắt không thấy tâm không phiền, chuẩn bị về nhà rồi trở lại trường học. Anh đây cần đi chữa lành vết thương!
Còn bà tướng kia thì hoàn toàn trái ngược, cô vui vẻ đứng trên vỉa hè vẫy tay chào tạm biệt anh rối rít.
Thấy thế Bạch Lẫm càng lên cơn đau tim, anh bạc bẽo vẫy tay đáp lại rồi phóng xe đi thẳng chẳng thèm luyến lưu gì.
Bạch Trác đứng tại chỗ bật cười, trong lòng vỏn vẹn một suy nghĩ, ấy là cô thực sự yêu cuộc sống hiện tại. Cô hài lòng và hạnh phúc với nó.
Trên đường về, Bạch Trác mang tâm trạng mừng rỡ thể hiện qua từng nhịp bước chân.
Hai lần đến đây cô đã quen thuộc hơn trước, lần này tới “Hà Trác” không còn bỡ ngỡ như thuở mới đầu nữa.
Tuy nhiên vào trong rồi, trông một lượt cả quán, cô liền nhận thấy có gì đó là lạ.
Hôm nay là ngày cuối cùng của kì nghỉ, khách tới Hà Trác khá đông cho nên dễ dàng nhận ra mọi người đang tụ tập vây quanh chiếc bàn bida nằm ở chính giữa.
Bạch Trác hơi ngớ người, không biết đã có chuyện gì xảy ra. Cô đưa mắt tìm kiếm Hứa Yếm theo phản xạ, nhưng nhìn khắp tầng mà không thấy bóng dáng anh đâu.
Hôm nọ cô còn cố ý hỏi khéo hai ngày này Hứa Yếm định làm gì, qua đó biết anh vẫn làm việc tại đây.
Bạch Trác đánh mắt sang cầu thang bộ, nghĩ bụng liệu có phải anh đang trên tầng chăng. Cô toan lên đó xem thử, nhưng không rõ trên đó có giới hạn khách không.
Đương lúc cô đang chần chừ thì có một chị gái đứng quầy vẫy tay, hiển nhiên chị ấy còn nhớ Bạch Trác nên cười tươi roi rói.
Có điều nụ cười kia “tươi” quá rồi.
Bạch Trác sững lại giây lát rồi rảo bước đến chỗ chị.
“Tới đây, tới đây nào, ăn hạt dưa không em?” Trên bàn lễ tân chỗ Từ Văn Ngọc đứng bày la liệt hạt dưa, chị ấy đẩy hết hạt về phía cô, “Chị mời.”
“Cảm ơn chị ạ.” Bạch Trác ngó cái bàn bida đông nghịt người kia, tò mò hỏi, “Bọn họ đang làm gì thế chị?”
Từ Văn Ngọc nhướng mày, đoạn đáp: “Đang so tài ấy mà.”
Bạch Trác mím môi, tiếp theo mở miệng hỏi: “Hứa Yếm ở trong đó ạ?”
“Ế!” Từ Văn Ngọc bốc hạt dưa bỏ lại vào túi, vẻ mặt ngạc nhiên, “Sao em biết!”
Cô giải thích ngắn gọn: “Em không thấy anh ấy đâu.”
Bình thường Hứa Yếm không thích chốn náo nhiệt, vì thế ở trong đám người đó sẽ không có anh.
Tuy nhiên tìm khắp bốn phía không thấy đâu, hơn nữa coi hướng nhìn của chị lễ tân thì ắt hẳn Hứa Yếm là nhân vật chính trong số đó.
Bạch Trác nhìn xung quanh bàn bida chật ních người, không có chỗ đứng để cô quan sát tình hình bên trong.
“Đừng lo.” Từ Văn Ngọc thấy cô như vậy thì trấn an, “Chỉ là học hỏi nhau thôi, không phải gì bất chính đâu.”
Chị ấy khẽ cười rồi chêm câu: “Vả lại, bây giờ nó chẳng yếu như ngày trước nữa đâu.”
Chỉ có nằm mơ mới xuất hiện cảnh Hứa Yếm chịu thiệt mười mấy cú đánh bóng thôi.
Đừng nói ở cái đất Mạn Thành bé bằng lỗ mũi này, kể cả tổ chức thi quốc tế đi nữa nó cũng có thể may mắn giành thắng lợi.
“Đánh hay lắm!”
“Một cú chọc thổi sạch bi (dọn bàn), đẳng cấp thật đấy!”
“Thế thì ông anh chưa biết ngày xưa nó bùng nổ thế nào rồi, cũng đỉnh cực!”
Là kiểu chỉ với một cú đánh đã giải quyết viên bi mục tiêu, hãy xem video “cơ thủ ‘dọn bàn’ bằng một cú đánh” sẽ hiểu.
…
…
Đang trò chuyện chợt nghe đám kia hú hét liên hồi, có người còn phấn khích bắn một tràng “trâu bò vãi”.
“Nghe chưa.” Từ Văn Ngọc tiếp tục cắn hạt, “Đã bảo em chớ lo mà.”
Nhưng nghe tiếng họ reo hò Bạch Trác càng thêm tò mò, cô lại nhìn một vòng cả tiệm rồi hai mắt bỗng sáng lên, chỉ vào một chỗ và hỏi Từ Văn Ngọc: “Được không chị?”
Từ Văn Ngọc trông theo hướng tay cô chỉ, chị sửng sốt rồi tỏ vẻ đã hiểu, gật đầu: “Đi đi.”
Được sự đồng ý, Bạch Trác sải bước về chỗ đó.
Tuy rằng cách hơi xa, song đứng kiễng chân trên cầu thang có thể quan sát được ít nhiều diễn biến bên trong.
Hứa Yếm quay lưng về phía cô đứng, anh mặc một chiếc áo khoác thể thao và cầm cây cơ, đang đứng bên cạnh chờ người đối diện đánh bóng.
Kỳ thật đến giờ Bạch Trác mới nắm sơ qua quy tắc chơi bida cơ bản chứ không hiểu mấy thuật ngữ chuyên môn, đã vậy chỉ ngó được một nửa, cô không trông rõ được bàn bida, dĩ nhiên cũng có khả năng xem chẳng hiểu mô tê.
Vì vậy cô chỉ dồn hết vào một người.
Cô thấy anh xoa gôm lên đầu cây gậy, thấy anh cúi người đánh bóng, thấy anh thuần thục đánh cả đám bi lăn vào lỗ.
Những viên bi chạm nhau phát ra âm thanh tựa như tiếng tim cô đập lúc này, đều đặn mà dồn dập.
Tốc độ cực nhanh, nhưng khi quan sát với tốc độ phát . lần thì lại hết sức từ tốn.
Kiễng chân lâu gây tê mỏi, ấy vậy mà cô không có ý định từ bỏ, cô leo lên mấy bậc thang nữa. Vì không để bị khuất tầm nhìn phía trước nên cô phải ngồi xổm xuống mới theo dõi được.
Lúc này đã chứng kiến được toàn cảnh, cô lấy làm hối hận, biết thế ngồi xổm ngay từ đầu thì đã không mỏi với tê rần cả chân.
Hai chân Bạch Trác như thể bị mèo cào, cô siết tay thành quyền, không dám động đậy dù chỉ một chút, định cố gắng chịu đựng cơn tê.
Vì muốn quên cái chân nên cô chuyển sang theo dõi anh.
Lúc này, anh đã ở phía chính diện với cô, khi thẳng người dậy sau cú đánh họ còn chạm mắt nhau một cái.
Hiển nhiên Hứa Yếm thảng thốt mất một chặp, Bạch Trác nén chịu cơn tê, vẫy vẫy tay với anh.
Cô tự nhận thấy bản thân cười và điều chỉnh nét mặt rất duyên, thế mà anh lại nhíu mày.
Sau đấy anh cụp mắt, không để ý đến cô.
Bạch Trác: “…”
Cơ mà giây tiếp theo, nom anh cứng người lại, nào còn vẻ nhàn nhà, thong dong nữa, thay vào đó anh nghiêm túc hơn hẳn.
Chưa đầy năm phút, chân Bạch Trác đã đỡ tê hơn, đương lúc cô chuẩn bị đứng dậy hoạt động thì nghe phía dưới vọng tiếng ồn ã.
Cô vô thức nhìn theo xem thử, bắt gặp Hứa Yếm chỉ vào Hoàng Nhạc Văn đứng kế bên, trong miệng nói câu gì đó.
Bấy giờ cô mới thấy có thị lực tốt quả là một ưu điểm, từ khẩu hình miệng của anh cô có thể lơ mơ đoán được.
Hứa Yếm chỉ vào Hoàng Nhạc Văn, bảo: Để cậu ấy tiếp đi. Tôi bận việc khác rồi.
Hình như người bên cạnh có hỏi, Bạch Trác thấy anh trả lời: Vô cùng quan trọng.
Tiếp theo Hứa Yếm thoát khỏi đám đông, trong lúc tất cả mọi người chăm chú theo dõi trận đấu mới, chỉ có anh tiến về phía này.
Hứa Yếm quay lưng bỏ lại cảnh tượng náo nhiệt phía sau, rảo bước lại gần cô, lúc bước lên cầu thang còn bước liền mấy bậc y như sợ lỡ mất một giây vậy.
Anh tới trước mặt “chuyện quan trọng”, dừng lại cách đó hai bậc thang rồi ngồi xổm xuống, nhìn người trước mắt và cất lời: “Khó chịu ở đâu?”
HẾT CHƯƠNG