Lắng Nghe Trong Gió

quyển 2 chương 18

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Khoảng một tuần lễ sau, cái máy chìa khóa mật mã Y Y thiết kế đã được bác thợ mộc hoàn thành, tôi triệu tập toàn thể nhóm hành động đặc biệt đến nghe Y Y giảng giải.

Máy chìa khóa mật mã ấy thực chất không phức tạp, cấu hình và công năng giống như những cái máy đo chiều cao mọi người vẫn thấy trên đường phố, thước đo có thể di động, khác ở chỗ thước đo của máy chìa khóa là tấm ván tổ ong, dài chừng ba mươi phân, rộng bằng một trang sách, phía dưới là bàn đỡ hình chữ nhật, xung quanh có rãnh, rãnh để vừa trang điện báo.

Y Y vừa làm mẫu vừa giảng giải: “Đây là máy chìa khóa mật mà tôi nghĩ ra, các anh thấy đây là một tấm ngăn, trên đó có rất nhiều lỗ tổ ong, trên thước đo này có rãnh trượt, rãnh được chia thành ba mươi mốt khấc, đại diện cho ba mươi mốt ngày trong tháng; trên tấm ngăn có bánh xe trượt, tấm ngăn này có thể lên xuống tùy ý, trong khoảng ba mươi mốt khấc. Trên đỉnh thước đo có nguồn sáng, mặt lõm phía dưới nó là nơi để bức điện, bức điện để lọt trong đó. Cái bàn đỡ cũng có thể co duỗi, độ co duỗi cũng là ba mươi mốt khấc, mỗi khấc là một ngày. Bây giờ chúng ta có thể tưởng tượng, theo sự di chuyển lên xuống của tấn ngăn và độ co duỗi của bàn đỡ, chấm sáng dưới những cái lỗ tổ ong không ngừng di động, Nếu chấm sáng chiếu vào chữ số của nhóm mã nào thì sẽ được coi là chìa khóa mật để đọc bức điện báo ngày hôm đó. Vậy thì chúng ta có thể tính toán, cái chìa khóa mật ấy có bao nhiêu, ba trăm sáu mươi lăm, cũng tức là chìa khóa mật ấy không trùng nhau trong ba trăm sáu mươi lăm ngày. Nếu như chúng ta điều chỉnh nguồn sáng một chút, ví dụ để thêm lên đấy một tấm ngăn, sẽ sản sinh hai điểm biến hóa ba trăm sáu mươi lăm, cũng tính toán tương tự, có mấy tấm ngăn thì sẽ có bấy nhiêu sự khác nhau của chìa khóa mật trong mấy năm. Hiện tại bước đầu tôi nghĩ có chín tấm ngăn”.

Nhị Hồ đứng dậy ngắt lời Y Y: “Cô Y Y, tôi nói một chút, nếu có một cái máy chìa khóa mật mã như thế, quả là điều rất hay trong công tác chống lại việc phá khóa mật mã, theo tôi biết, trên thế giới chưa từng có một thiết bị chuyên cho chìa khóa mật mã như thế này. Các anh các chị đã từng nghe nói một máy chìa khóa mật mã bao giờ chưa?”.

Y Y nói: “Các anh các chị đã từng nghe nói ai dám ăn cắp chân dung Chủ tịch Mao trên quảng trường Thiên An Môn chưa?”.

Tôi cười: “Chỉ có L. Skin”.

Y Y nói: “Đúng vậy. Cũng như ông Androv nói, bây giờ tôi càng tin rằng, L. Skin không chỉ ăn cắp kĩ thuật mật mã ENGMA, mà là trí tuệ của cũng thật kì quái, lắm mưu kế, thích làm chuyện ngược đời”.

Nhị Hồ nói: “Nhưng cô Y Y, cô đã nghĩ chưa, chìa khóa mật mã không phải là bản chất của mật mã, nó chỉ là mấy con số, là thứ phụ thuộc vào mật mã, là thứ đề phòng người ngay chứ không phải đề phòng kẻ gian, bà L. Skin có cần mất nhiều công sức để làm một việc lớn như thế không?”.

Y Y nói: “Tại sao không? Thứ nhất, công sức của bà ấy thật ra rất nhỏ, chỉ với một thiết bị đơn giản, bác phó mộc của chúng ta cũng có thể làm được. Thứ hai, giá trị do nó sản sinh ra rất lớn, có thể tạo nên chìa khóa mật mã không trùng nhau trong mấy năm trời. Đây là điều rất khó, rất khó, nếu họ làm ra một danh mục chìa khóa tương ứng, danh mục ấy có thể treo kín tường. Với lại, chúng ta khẳng định họ không làm một danh mục chìa khóa mật là bởi không hiện thực, lúc dùng sẽ để lại nhiều vấn đề, rất khó ứng dụng thành công trong liên lạc thực tế. Vậy thì, nếu không có danh mục chìa khóa mật mã, chỉ gài chìa khóa ngay trong bức điện, sẽ có hạn chế rất lớn đối với người nhận, cũng tức là hai nhóm trước, ba nhóm trước, hai nhóm sau, ba nhóm sau, một nhóm giữa, ba nhóm giữa... không thể tạo nên chìa khóa mật mã lớn như vậy. Thứ ba, nguyên lí của máy chìa khóa mật này là của bản thân bà L. Skin. Có thể mọi người cảm thấy, tại sao tôi đoán bà L. Skin làm máy chìa khóa mật mã này, là bởi bà ấy có ý tưởng toán học như vậy từ rất lâu. Thứ tư, qua nhiều tác phẩm của bà L. Skin, gồm cả những tác phẩm chính, L. Skin không phải là con người sâu sắc, bà ta không phải là cái hang tối. Nhưng sự quái dị, giảo hoạt, thích thay đổi, dễ lẩn tránh, bà ta là con rồng biến sắc, rất dễ mê hoặc người khác. Vì bà ta thiếu sâu sắc, mật mã do bà ta tạo nên có thể không khó quá, không sâu sắc quá, cũng chính vì hạn chế độ khó của mật mã bà ta càng cần có cái để phụ thuộc, ví dụ tăng thêm độ khó cho chìa khóa mã để bù đắp lại cho những khiếm khuyết của mật mã”.

Nhị Hồ nói: “Anh Thiên, anh cảm thấy thế nào? Điều này liệu có thể không, có riêng một máy chìa khóa mật mã ấy?”.

Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi của Nhị Hồ, mà quay sang hỏi Y Y: “Bây giờ chúng ta giả thiết sự phỏng đoán này là chính xác, tức là đối phương có một cái máy chìa khóa, vậy thì bước tiếp theo chúng ta sẽ mô phỏng làm một cái. Mô phỏng cũng là suy đoán thôi, họ làm được cái này rất dễ dàng, nhưng việc chúng ta mô phỏng rất khó, lớn bé, cao thấp, kích cỡ... nếu có sai số cũng không ổn, sai một li đi một dặm. Tất nhiên, tôi biết, chỉ là mô phỏng số liệu, vậy lượng diễn toán của số liệu ấy là bao nhiêu?”.

Y Y đưa cho tôi bản giải thích: “Công thức diễn toán, lượng diễn toán em đều liệt kê ra đây”.

Tôi cầm cặp tài liệu, trong đó là một tập dày, trên mỗi trang đều ghi đầy những công thức và số liệu diễn toán, công thức rất phức tạp, số liệu cũng rất lớn, nhìn vào hoa cả mắt. Tôi nói: “Lượng diễn toán này quả là lớn”.

Y Y nói: “Tất nhiên là nhiều rồi, tấm ngăn, đế, nguồn sáng đều hoạt động, xê dịch lên xuống, sang phải sang trái, số lượng tấm ngăn có thể tăng giảm, lượng tính toán phải nhiều”.

Tôi đưa cặp tài liệu cho Tưởng là Trưởng Phòng Diễn toán: “Anh xem, với lượng tính toán này phải mất bao lâu?”.

Tưởng xem rồi nói: “Cả phòng chúng tôi làm ba ca liên tục, ít nhất cũng phải đến một tháng”.

Y Y kêu lên: “Lâu thế cơ à?”.

Tưởng nói: “Điều kiện và nhân lực của chúng tôi chỉ có thế”.

Y Y nói: “Nếu có một cái máy tính thì tốt”.

Nhị Hồ nói: “Ngộ nhỡ phỏng đoán không đúng thì sao? Coi như công toi!”.

Câu nói của Nhị Hồ làm mọi người kinh ngạc nhìn nhau, kể cả Y Y, rồi mọi người cùng nhìn tôi, chờ xem tôi nói gì. Nói thật, ngay lúc ấy tôi cũng không dám nói gì, một khối lượng tính toán lớn như vậy, nếu mất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực như vậy, ngộ nhỡ đấy là sự phỏng đoán không chính xác thì sao? Như vậy thì lỗ to! Nhưng tôi chợt nghĩ, phá khóa mật mã là chuyện một trong hàng vạn, đâu có chuyện chỉ một lần là có kết quả. Không vào hang thì không thể bắt được cọp, chưa tính toán thì sao biết được nó sai? Tôi trầm ngâm giây lát rồi dứt khoát: “Nếu phỏng đoán này là đúng, coi như chúng ta mở toang cánh cửa mật mã Quang phục. Với sự hấp dẫn này thì một tháng cũng xứng đáng”.

Anh có thể hình dung một tháng tiếp theo đó chúng tôi sống như thế nào không? Mọi người trong nhóm hành động đổ dồn tất cả tâm tư và ánh mắt vào Phòng Diễn toán, tuy mọi người làm việc trong văn phòng, nhưng tâm tư không ở đấy, tất cả đều hồi hộp, tưởng tượng đến tình cảnh trong Phòng Diễn toán, lúc nào bên tai cũng vang lên tiếng lách cách gẩy bàn tính như tiếng rang đỗ. Thời gian ấy, tôi vốn rất trầm tĩnh cũng tỏ ra nôn nóng, một ngày mấy bận đứng bên cửa sổ ngẩn ngơ nhìn sang phòng Diễn toán yên tĩnh, ruột gan cồn cào, giống như người chết đuối dạt vào hoang đảo, ngóng nhìn con thuyền đến cứu.

Tất nhiên, lo lắng sốt ruột nhất là Y Y, cô dường như không thiết đến ăn uống, ngủ không yên giấc, ngày nào cũng đến phòng Diễn toán, nghe ngóng kết quả, căng thẳng không cười nòi gì, có lúc tôi nói đùa, cô cũng không có phản ứng nhiều, khoé miệng chỉ khẽ rung động, trông như người mất hồn. Cô gầy đi trông thấy, lòng tôi thấy cảm động và hổ thẹn. Một hôm, tôi cùng Y Y lên lầu, không biết tại sao chân cô mềm nhũn, khuỵu xuống cầu thang. Tôi đỡ cô đứng dậy, dìu vào văn phòng tôi ngồi, khuyên cô nên thoải mái, đừng nên quá chú trọng vào kết quả tính toán. Cô nhìn tôi rồi khóc, kêu lên như cãi nhau: “Liệu em có thể không chú trọng được không? Đấy là suy đoán đầu tiên kể từ ngày về , nếu sai như lời anh Hồ, liệu không bị người khác cười cho à?”.

Hôm ấy, lần đầu tiên tôi thấy xúc động, muốn ôm Y Y vào lòng để an ủi cô. Tất nhiên, tôi lập tức ý thức được rằng, đó là chuyện vớ vẩn, lí trí tôi còn cứng hơn sắt thép, đó là hệ quả nhiều năm làm tình báo và tình yêu Vũ đã tạo cho tôi, bất cứ lúc nào, ở đâu, lí trí của tôi cũng kiên định bảo vệ tôi. Tôi biết, trong thế gian không có sự việc hoàn mĩ, chúng tôi phải nén nỗi buồn và chấp nhận mọi sự hành hạ.

Đến ngày thứ hai mươi chín, công việc tính toán đi đến hồi kết, nhóm hành động đặc biệt của chúng tôi dồn cả về phòng Diễn toán, chờ kết quả cuối cùng. Trên mặt bàn phòng Diễn toán là những trang giấy chi chít chữ số chồng cao đến một thước, nhưng vẫn còn mấy người nữa tiếp tục báo số liệu giống như trên sàn chứng khoán:

Mọi số liệu được gom lại, cuối cùng Tưởng thống nhất cộng trừ nhân chia một lượt.

Dưới những cặp mắt chăm chú của mọi người, Trưởng phòng Tưởng ngồi trước một cái bàn tính vừa dài vừa to chuẩn bị cho bước tính toán cuối cùng, tôi và Y Y vô cùng căng thẳng. Ánh mắt mọi người đổ dồn vào bàn tay Tưởng, nhìn không chớp mắt những ngón tay của anh lướt nhanh trên bàn tính, cái bàn tính to nhưng không hề có tiếng động, chỉ có tiếng con tính lách cách, tuy tiếng lách cách rất khẽ, nhưng cảm giác như những nhát búa đang gõ mạnh vào tim chúng tôi.

Cuối cùng, tay Tưởng như bị điện giật, anh rụt lại, bất động giữa không trung, nhưng dưới ngón tay bất động vẫn còn mấy con tính dính chặt vào thanh ngang của bàn tính, tức là, kết quả tính toán không hết, chia không hết, tính sai. Nói một cách khác, dự đoán của Y Y là sai!

Tưởng sợ hãi, ngồi lặng đi, không dám báo cáo kết quả.

Cả phòng Diễn toán lặng như tờ, bầu không khí căng thẳng như sắp nổ tung.

Y Y thấy vậy, kêu lên: “Không thể thế được! Các anh tính sai rồi!”.

Tôi ngạc nhiên, định thần lại, vội an ủi cô. Y Y bỗng như phát điên, xông đến, nắm lấy bàn tính, ném xuống đất, khóc to, chạy ra khỏi phòng Diễn toán.

Những con tính lăn long lóc trên mặt đất, chúng nhảy nhót ngay trước mặt tôi, dưới chân tôi.

Một ước đoán ám ảnh, một trận đại chiến tính toán huy động hết thảy mọi người, vậy mà cuối cùng lại thất bại.

Tối hôm ấy, lần thứ hai tôi đến nhà riêng của Y Y. Tôi đến an ủi cô, không ngờ cô đã tự an ủi mình rồi, tinh thần cũng tương đối ổn định, đang ngồi trên sofa xem một cuốn tạp chí giải trí của nước ngoài. Trông thấy tôi đến, cô ngồi ngay ngắn, nói: “Xin lỗi, em... quá thiếu lí trí”.

Tôi nói: “Không sao, có thể hiểu được, nếu cô không quẳng bàn tính thì tôi cũng quẳng nó đi”.

Y Y thấy tôi nói vậy, trở nên vui vẻ hơn: “Thật không? Em cứ sợ anh giận, khiến em khó nghĩ”.

Tôi nói: “Kẻ khiến chúng ta khó nghĩ chính là L. Skin”.

Y Y nghiến răng, chửi thề: “Đồ ma quỷ! Em cho rằng... lần này em bắt được bà ta rồi không ngờ lại vồ trượt!”.

Tôi nói: “Tôi cũng không ngờ, cứ nghĩ cô đã thắng to”.

Y Y nói: “Cho nên mới quyết tâm lớn như vậy, huy động mọi người giúp đỡ em chứ gì? Kết quả lại làm chuyện cười cho thiên hạ”.

Tôi nói: “Không ai cười đâu, đây là chuyện phá khóa mật mã, không phải giăng lưới bắt cá. Lần này lượng tính toán rất lớn, anh em cũng cố gắng rất nhiều, cho nên mọi người thất vọng. Nhưng tôi nghĩ mọi người cũng thông cảm, vì Giang Nam ngày nào cũng qua lại bên cửa sổ mọi nhà, ngày nào họ cũng trông thấy, cũng nghĩ rằng phá khóa mật mã không phải là chuyện mưa không ướt mặt nắng không đến đầu, cho nên phải trả giá rất cao thậm chí cả đến sinh mạng”.

Y Y rất cảm động, nói: “Em... em không biết phải làm thế nào, anh tốt quá, cảm ơn anh nhiều”.

Tôi nói: “Khen quá lời rồi, tôi đâu dám”.

Y Y nói rất nghiêm túc: “Đúng vậy, em rất phục anh, vinh nhục không sợ, chịu được tất cả, em thì không thể, không được như anh”.

Tôi an ủi Y Y: “Cô cũng đừng buồn, đây không phải là thất bại, chẳng qua chỉ là khó khăn mà người phá khóa mật mã gặp phải mà thôi, phá khóa mật mã không phải là đánh đố, không phải cứ đoán là đúng ngay”.

Y Y chớp chớp mắt, đặt tay lên vai tôi: “Em biết, anh yên tâm, em không buồn đâu. Trước khi rời Bắc Kinh, em đã lặng lẽ đến lễ trước tượng Tổ Xung Chi, thắp hương cầu nguyện mong được thần linh phù hộ”.

Tôi cầm tay Y Y, định đưa tay cô từ trên vai tôi xuống, nhưng nhân cơ hội ấy cô nắm lấy bàn tay tôi, nói rất nghiêm túc: “Anh Thiên, em biết anh không dám yêu em, cho nên em cố gắng để quên anh, đuổi anh ra khỏi trái tim em, nhưng không thể được, anh bảo em phải làm thế nào?”.

Tôi vội rụt tay lại, chuẩn bị ra về. Y Y không ngăn lại, chỉ mời tôi ngồi chơi một lúc nữa, nhưng tôi lo cô “cố tình tái diễn”, nên quyết tâm ra về. Cô tiễn tôi ra cửa, nhìn tôi đăm đăm, cái vẻ như muốn nói gì đó nhưng lại thôi khiến lòng tôi xót xa. Tôi dự cảm nếu lúc ấy cô sẽ giữ tôi lại, có thể tôi không còn sức phản kháng, cho nên tôi kiên quyết ra về. Trên đường về, bất giác tôi nghĩ đến câu nói của thầy Androv nói với tôi: Trước khi anh chưa phá khóa mật mã, chỉ có thằng ngốc mới tin rằng mình nhất định phá được. Đây không phải là mảnh đất, mật mã cũng không phải là củ khoai tây, chỉ cần vùi xuống đất, cần cù chăm bón sẽ có ngày thu hoạch. Tôi suốt đêm không ngủ, thầm khóc vì chuyện phá khóa mật mã mà đến ma quỷ cũng phải sợ!

Truyện Chữ Hay