Diary In Grey Tower

chương 18

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

“Vì ‘Mê’.” gã trai ngồi trên bậu cửa sổ giơ tách cà phê lên.

Tôi rất ngạc nhiên: “Cậu biết tôi đã giải ‘Mê’ à?”

Cậu ta đặt cái tách xuống rồi nhảy khỏi bậu cửa: “Tất cả chúng tôi đều biết, ngài Garcia công khai chuyện này… chính cậu đã giúp Lindon giải ‘Mê’, phương pháp giải đặc sắc lắm!”

Cậu ta nói không sai, đúng là mọi người đều đã biết.

Andemund không có ở đây, trợ lý Annie của ảnh dẫn tôi qua từng văn phòng một, dọc đường tôi nghe hàng đống người bàn tán về mình.

“Đó là Alan Castor đã dịch ‘Mê’ với Lindon hở? Nghe nói sẽ làm cho văn phòng số đấy.”

“Sao không làm cho phòng nhỉ?”

“Đẹp trai hơn tôi tưởng nha, nhưng trông hơi nhếch nhác…”

Đồng sự mới nói với tôi chuyện của Lindon vốn đã được giữ bí mật tuyệt đối, sau này không hiểu làm cách nào cấp trên lại nắm rõ hết sự tình. Lúc ấy họ gây sức ép bắt Andemund phải công khai phương pháp giải “Mê” và những người đứng sau nó… nhưng kết cục của Lindon thế nào thì không ai biết.

Cậu ta hỏi tôi: “Hình như Lindon bị mất chức vì tiết lộ tin tức cơ mật cho cậu đúng không?”

Tôi nghĩ nghĩ một lát: “Chịu.”

Có điều sự công khai này cũng chỉ giới hạn trong phạm vi trang trại Plymton, phần còn lại của thế giới vẫn hoàn toàn không hay biết gì.

Đồng sự mới chìa tay ra với tôi: “Rất hân hạnh được gặp cậu, tôi là Raphael, Raphael Hughes. Chúng ta từng gặp nhau rồi.”

Mái tóc đen dài của cậu ta hơi quăn thành lọn, hầu như buông rủ trên vai, màu tóc vừa vặn tôn lên cặp mắt đen thẫm sáng ngời. Một cái áo khoác dạ tối màu, một cái quần kaki vàng xanh. Ở cậu ta toát ra cả nhiệt huyết của một chàng sinh viên trẻ lẫn sự trưởng thành của một người trí thức.

Thực sự không nhớ mình từng gặp ai như vậy, tôi thử dò hỏi: “Ở bữa tiệc của câu lạc bộ số học à?”

Hình như cậu ta thấy rất tức cười: “Alan, chúng ta là bạn học mà. Trong lớp số học cao cấp của giáo sư Linderman ấy, tôi ngồi ngay trước mặt cậu.”

Trốn học liên miên làm sao tôi nhớ được, tôi áy náy bắt tay cậu ta.

“Lại nói… tôi nhớ hồi đó lớp nào cậu cũng bỏ, nhưng có một mùa đông tuần nào cậu cũng đến lớp của giáo sư Linderman. Cả giảng đường lớn có mỗi ba người, cậu, tôi và Harry. Cậu thích nghe thầy ấy giảng lắm đúng không?”

Tôi chẳng nhớ Harry là ai, vắt ráo óc thì ngờ ngợ nhớ ra giáo sư Linderman. Đó là người kế nhiệm Andemund, một ông già người Pháp hơn năm chục tuổi, nghe đâu là nhà số học trứ danh, một trong những giáo sư thỉnh giảng hiếm hoi ở Cambridge. Giáo sư phát âm tiếng Anh không tốt lắm, bọn sinh viên bảo ổng giảng hầu hết là nghe không ra, câu nào nghe ra thì lại không hiểu, mà lâu lâu vừa nghe ra vừa nghe hiểu mới té ngửa ra là ổng toàn nói lăng nhăng.

Tôi cười thành thật: “Không phải tôi thích nghe giáo sư Linderman giảng, mà là phòng học mùa đông ấm lắm.”

Raphael tròn mắt nhìn tôi: “Alan, bộ cậu… giải được ‘Mê’ nhờ may mắn hả?”

Cậu ta hoang mang lắc đầu, rồi nhún vai đi làm việc của mình. Một lát sau Raphael mới lại lên tiếng giữa chồng tài liệu chất cao như núi, xem ra là rất rất thất vọng: “Thật không ngờ… cậu lông bông thế này.”

Raphael là đồng sự mới của tôi. Mật mã của văn phòng số cũng không phải loại đặc biệt quan trọng nên ở đây chỉ có hai người chúng tôi. Các bức điện mã hóa chặn được được đều đặn đặt lên bàn làm việc của bọn tôi vào đúng bảy giờ sáng mỗi ngày, giải xong thì chuyển lại cho bộ phận phân tích thông tin. Hình như vì tôi là người giải ‘Mê’ nên mới đầu cậu ta còn hơi hơi kỳ vọng vào tôi, sau rồi chút ít kỳ vọng ấy cũng bị thời gian vô tình mài sạch.

Là người phụ trách, tôi tập thói quen sáng sớm vừa nhai bánh mì vừa bước vào văn phòng đúng giờ, gác hai chân xỏ giày da bò lên bàn, bắt đầu đọc tài liệu, lâu lâu thấy cô bé nào đi qua thì nhỏng cổ ra huýt gió. Mỗi tuần một, hai lần, Arnold sẽ cười tít mắt mò đến phòng làm việc của tôi, vẫn đeo kính gọng vàng đúng tác phong học giả, bước chân qua cửa câu đầu tiên anh ta nói là: “Bé Alan à, tình yêu à, hôm nay dáng cậu ngồi ngầu tàn bạo.”

Raphael cau mày lượm tập tài liệu trên mặt bàn tôi, có vẻ rất khó chịu.

Cầm tập tài liệu lên xong còn phủi bụi bồm bộp.

Có một bữa cậu ta lại ngồi trên bậu cửa sổ uống cà phê, tôi ngồi thu lu trong một xó ánh mặt trời không chiếu tới trong phòng để nghiền ngẫm mấy bức điện. Đột nhiên cậu ta ngoảnh lại nhìn, nhìn một hồi làm tôi cũng phát hoảng.

Cậu ta nâng tách lên uống một hớp cà phê rồi nói: “Alan, cậu cạo râu đi được rồi đấy.”

Tôi giơ tay sờ sờ cằm, ừ đúng là râu mọc nham nhở thật.

Ngoại trừ việc soi mói hơi quá vào thói quen cá nhân của tôi, còn thì Raphael đúng là một cộng sự rất ưu tú (Arnold thì kể cả lúc hẹn hò cũng không bao giờ nghiêm khắc với tôi mấy chuyện ấy). So với Lindon, cậu ta chú tâm đến các quy luật số học ẩn trong văn bản mã hóa hơn nhiều, cũng rất nhạy cảm với tần suất và phương thức xuất hiện của ký tự tiếng Đức. Tôi thực sự rất ngạc nhiên, năng lực cỡ này không hiểu sao cậu ta phải làm ở văn phòng số .

Tôi về quận Cambridge trả phòng trọ, chính thức chuyển vào sống trong trang trại Plymton. Ở đây không giống như Cambridge, không có những gác chuông và giáo đường rải rác, không có hơi thở lịch sử cổ kính, mọi người chỉ yên lặng làm công việc của mình, mọi thứ đều toát ra sự trật tự đến vô vị.

Có người nói trang trại Plymton là một trang viên quý tộc có tuổi đời một trăm năm mươi năm. Tường gạch đỏ quây xung quanh những cụm kiến trúc nhỏ rải rác, mỗi nơi là một văn phòng giải mã độc lập được đánh dấu bằng những tấm biển bằng đồng. Đây là nơi quy tụ của thiên tài, ban ngày rất hiếm khi nghe thấy tiếng người cười nói ồn ào, chỉ có tiếng gió thổi lao xao qua những tán cây cổ thụ ven đường mà thôi.

Khu nhà mái bằng tôi và Raphael sử dụng có vẻ được sửa sang lại từ nhà kho của trang trại, có ba phòng lớn chất đầy tư liệu và một phòng làm việc nhỏ. Nhà xây tường trắng, nóc lợp mái chắn nắng, cửa sổ hầu như bị bít kín bởi một loài dây nho leo đã chết khô từ hồi nào, phải gồng sức mới mở được. Raphael nói mùa hè có khi cả khu nhà bị phủ kín bởi màu xanh lục của dây leo nhưng sang đông chỉ còn thấy lá rụng lơ thơ thế này đây.

Phòng ở của tôi nằm ngay sau phòng tư liệu, rất tiện đi lại làm việc. Trong phòng có một cái giường sắt, hai cái tủ, vật dụng còn lại cũng toàn kiểu đơn giản gần gũi.

Arnold không thích chỗ ở mới của tôi. Anh ta vỗ vỗ giường, chê cứng, kéo rèm cửa sổ, chê nắng vẫn lọt vào phòng, đóng cửa lại, chê cách âm chẳng tốt gì cả. Tôi thật tình không hiểu mấy cái ấy thì quan trọng gì, anh ta gãi gãi cằm, nói ra điều thâm sâu lắm: “Kiểu này thì lúc làm ồn phải biết, đứng ngoài còn thấy được cơ mà.”

Tôi tỉnh bơ đạp anh ta ra khỏi cửa: “Bác sĩ Visco, anh nghĩ hơi bị xa đấy.”

Trang trại Plymton không phải nơi làm việc chính của Arnold, chủ yếu anh ta hoạt động ở mấy cơ sở điều trị nội bộ giống kiểu Z của cục tình báo, chỉ về đây báo cáo mỗi cuối tuần. Báo cáo xong rảnh rang anh ta sẽ lượn sang phòng làm việc của tôi và ở lề rề suốt cả ngày.

Nếu bảo trước kia Andemund chỉ định thử chơi trò yêu đương với tôi, thì giờ quan hệ giữa tôi và Arnold cũng là một trò thử nghiệm. Tôi muốn thử quên Andemund, còn Arnold thì đơn giản là nhàn cư vi bất thiện.

Cuối tuần bọn tôi đi xem phim, ăn món Pháp. Lúc đi ngang qua công viên, một đàn bồ câu trắng vỗ cánh bay vút lên bầu trời, lông chim rơi lại đầy mặt đất. Tự dưng Arnold vẫy tay bảo tôi đứng lại chờ anh ta rồi chạy biến mất vào đám đông trên con đường ngoài công viên. Chẳng biết làm gì, vậy là tôi đứng đếm bồ câu cả giờ đồng hồ, cho đến khi đám bồ câu lại đột ngột kéo nhau bay lên lần nữa. Qua màn lông vũ và cánh chim trắng muốt tôi thấy Arnold đã trở lại, một tay đút túi áo, một tay cầm ba quả bóng bay màu đỏ vàng xanh, miệng cười tủm tỉm.

Những trái bóng như trôi trong không trung, màu thật đẹp.

Anh ta nhét dây buộc bóng vào tay tôi, ngượng ngùng nói: “Đợi lâu hả? Thời buổi này thứ này khó kiếm lắm. Tự dưng tôi nhớ ra có tiệm bách hóa quen ở gần đây… đoán là cậu sẽ thích.”

Tôi biết Arnold muốn cái đồng hồ quả quýt bằng bạc vẫn nằm trong túi áo mình, chỉ cần anh ta lấy nó ra mối quan hệ này sẽ kết thúc. Không ai định nghiêm túc, nhưng chúng tôi đều tiếp tục chơi.

Đến khi gặp lại Andemund, tôi và Arnold thực tình đã hơi giống một cặp tình nhân.

Chỗ làm việc của Andemund nằm kín đáo tại phần sau trang trại Plymton, tôi đã tới đó vài lần. Đó là một tòa nhà hai tầng gạch đỏ rất yên tĩnh, nội bộ chúng tôi gọi là “gác đỏ”. Hiên cửa hình vòm, hai bên bậc thang trắng là tay vịn được sơn thành màu xanh sẫm. Lâu đời quá rồi nên tường gạch vỡ loang lổ. Thường ngày ảnh hay ngồi ở tầng một, tầng hai là phòng khách và nhà ăn riêng.

Hôm đó tôi có tài liệu phải giao cho Annie. Không có Andemund, gác đỏ thật trống trải, ánh nắng mùa đông chiếu xiên vào hành lang cũng đượm màu cô tịch. Vừa lúc Arnold đi từ trong ra, thấy tôi anh ta hơi sửng sốt rồi lập tức hí hửng huơ huơ túi tài liệu trên tay trước mắt tôi: “Alan, qua đây, có cái này nói cho cậu nè.”

Vừa giũ sạch tuyết trên người, tôi mặc áo len cao cổ, áo khoác cổ đứng, quấn khăn quàng dày cui, nói chung là trùm kín mít như một con gấu. Tôi đi qua hỏi anh ta có chuyện gì.

Đột nhiên anh ta giơ tay ôm ngang hông tôi rồi cúi xuống hôn phớt lên môi tôi.

Rất nhẹ, cực kỳ nhẹ, chỉ như một lời tán tỉnh bông lơn trước một nụ hôn dài.

Sau đó tôi nghe tiếng ho khan khe khẽ.

Bọn tôi đang đứng ở đầu hành lang, chỉ cần xoay người là có thể thấy Andemund. Anh ấy đứng trên bậc thang dưới hiên cửa, dưới chân là cái va-li da màu nâu, bên cạnh là một cô gái tóc vàng mắt xanh.

Lần đầu tiên tôi thấy Andemund mặc quân phục.

Quân phục bằng kaki màu xanh đậm, khuy đồng vàng tối, mũ kê-pi quân dụng, bóng vành mũ che khuất gần một nửa khuôn mặt. Anh ấy đi giày lính màu đen, dáng cao gầy đến cứng cỏi. Lâu lắm không gặp, hình như sắc mặt anh ấy lại tái hơn, cặp mắt màu lục thẫm trũng sâu hơn trước, có lẽ là thâm thúy hơn, và những đường nét trên khuôn mặt thì càng thêm kiên nghị. Ánh dương đọng thành một vầng sáng xung quanh anh ấy.

Như thể vừa trở về từ địa ngục, lạnh lùng băng giá.

Lập tức tôi thấy mình luống cuống.

Arnold lên tiếng chào anh ấy: “Chào mừng trở lại, Boss.”

Đến trang trại Plymton đã lâu mà không gặp anh ấy, tôi đã tưởng ảnh lại đi công cán dài ngày như mọi khi, giờ mới về. Hôm sau ngày hôm đó, việc Andemund bị cách ly thẩm tra mới được công khai trong trang trại Plymton, tin tức được bàn tán sôi sung sục. Tôi không biết anh ấy đã phải trải qua những gì, nhưng Arnold nói rằng: việc Andemund sống trở về lành lặn đã tuyên bố anh ấy là người chiến thắng trong cuộc đấu này. Rất lâu sau đó tôi hỏi anh ta đã biết thế sao không nói với tôi Andemund bị điều tra từ đầu, anh ta cười phá lên: “Nếu hồi đó cậu biết ngài ấy bị điều tra, liệu tôi còn cơ hội tán cậu không?”

Từ một khoảng cách thật xa, anh ấy nhìn từ đầu đến chân tôi, cặp mắt màu lục nheo lại, rốt cuộc anh ấy nói khẽ: “Cứ tiếp tục đi.”

Sau đó anh ấy quay sang, ôm cô gái bên cạnh, chậm rãi cúi xuống hôn cô ta.

Lúc ấy tôi mới chú ý đến cô gái tóc vàng đó. Cô ta rất đẹp, mắt màu xanh nhạt, mặc áo khoác lông lạc đà, đi giày cao gót, đánh son đỏ tươi. Ánh mắt cô ta nhìn người khác hàm chứa vẻ kiêu căng lạnh nhạt như một con mèo. Ở một chừng mực nào đó, cô ta rất giống Andemund.

Andemund hôn rất chăm chú, một tay siết quanh eo cô gái. Mái tóc vàng quăn lọn như cuộn sóng của cô ta sáng chói lên dưới ánh nắng nhạt nhẽo.

Hết nửa ngày tôi mới cảm giác được Arnold đang kéo tay mình: “Bé Alan, đi thôi.”

Chúng tôi rời khỏi hành lang, lúc đi sượt qua anh ấy, Andemund ngẩng lên, buông cô gái trong lòng ra.

Giọng anh ấy vang lên đầy thất vọng: “Alan, anh không ngờ em nhận lời mời của C. Em khiến anh quá thất vọng.”

Tôi cố giữ giọng mình bình tĩnh: “Hiệp sĩ C nói ông ấy tin tưởng em. Em hy vọng anh cũng có thể nhận ra em đáng tin tưởng.”

“Tin tưởng à?” Andemund cười khẩy: “Anh đã trả giá quá đắt vì tin em, em có đáng không? Anh hối hận rồi.”

Anh ấy cầm tay cô gái bên cạnh lên giới thiệu với tôi: “Đây là Lena, vị hôn thê của anh.”

Truyện Chữ Hay