Đại Mỹ Nhân Thập Niên 80

chương 6: con trai?

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Phòng của Lâm Tố Mỹ sạch sẽ thanh nhã, dù không lớn nhưng những thứ cần thiết vẫn có đủ: giá đựng đồ, giường, tủ, bàn trang điểm, bên đầu giường còn có một chiếc tủ nhỏ, phía trên có thể bày một vài món đồ be bé, phía dưới còn có hai ngăn kéo. Không cần nói nhiều, những thứ này đều là kiệt tác của Lâm Kiến Nghiệp. Tay nghề làm đồ gỗ của ông được thể hiện tối đa ở những đồ vật trong nhà. Nhờ những đồ vật này, căn phòng của Lâm Tố Mỹ nhận được không ít sự hâm mộ của đám bạn trong thôn.

Lâm Kiến Nghiệp là một thợ mộc không tệ, làm đồ gia dụng cho nhà mình không vấn đề gì. Nhưng nếu không phải vì thương con gái thì sao ông có thể chế tác tỉ mỉ được đến thế. Các cô gái trong thôn đâu cần bàn trang điểm rồi tủ đầu giường gì đó chứ, chúng hoàn toàn dư thừa, càng đừng nói đến việc bên mép các đồ vật ông còn cẩn thận mài mịn, đánh bóng để tránh cứa vào tay.

Nếu ai có lòng kiểm tra mỗi một phòng trong căn nhà của lão tam nhà họ Lâm này thì sẽ biết được sự khác biệt nằm ở đâu. Phòng của Lâm Kiến Nghiệp trống rỗng nhất, chỉ có một tủ quần áo và một chiếc bàn đặt đồ. Phòng của Lâm Bình và Lâm An thì không trống nữa. Nhưng đồ đạc trong phòng họ có được thật sự không phải vì họ được yêu chiều, mà đó là những thứ đồ Trần Đông Mai bảo Lâm Kiến Nghiệp dùng để luyện tay nghề, cho dù chúng có đẹp hay không thì sau khi làm ra đều sẽ đặt vào trong phòng của hai anh em họ, đợi tay nghề của Lâm Kiến Nghiệp thành thục rồi cuối cùng mới làm đồ đạc cho phòng của Lâm Tố Mỹ.

Khỏi phải nói, lúc chế tác đồ gia dụng, Lâm Bình và Lâm An còn vui hơn bất kì ai, làm ra một thứ đồ gì đó thì đều hận không chuyển vào phòng mình ngay, thiếu chút nữa hai người họ đã cãi nhau. Cách giải quyết cuối cùng cũng đơn giản, đứa nào cũng giống đứa nào, không ai thiệt cả.

Có đồ đạc trong hai căn phòng của Lâm Bình và Lâm An để luyện tay nghề, đồ đạc trong phòng Lâm Tố Mỹ có thể không tinh xảo hay sao?

Giá đựng đồ trên giường của Lâm Tố Mỹ còn mắc một chiếc màn mỏng. Chiếc màn đã giặt nhiều lần, thời gian sử dụng cũng đã lâu, giờ đã hơi phai màu. Nhưng có được chiếc màn như thế cũng là một chuyện vô cùng đắc ý rồi, ít nhất trong đội sản xuất số Chín, Lâm Tố Mỹ chính là người độc nhất. Phải biết rằng bây giờ mua gì cũng cần phiếu vải, ngay cả quần áo của bản thân mọi người cũng không có phiếu vải để làm, huống hồ là sang trọng đến mức mua màn, rất nhiều người trên huyện cũng còn chẳng có thứ đồ quý giá đó.

Vì chiếc màn này, Trần Đông Mai không ít lần xót ruột xót gan.

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực thì sẽ luôn có muỗi, mọi người cũng đã quen, khi không chịu được thì lên núi hái ít cỏ, hun cả căn phòng sẽ hun chết được muỗi. Nhưng Lâm Tố Mỹ không thích, chỉ hơi ngứa chút cũng không sao, quan trọng nhất là sẽ nổi nốt, cô không thích, nũng nịu bảo mẹ nghĩ cách.

Trần Đông Mai có thể làm thế nào được, chỉ có thể đưa Lâm Tố Mỹ đi tìm cách. Vốn dì bới ra được một chiếc màn đã ố vàng, mặc dù là thứ người khác đã từng dùng nhưng vẫn rất tốt, cũng có thể sử dụng được. Có điều Lâm Tố Mỹ không chịu, sao cô có thể dùng màn người khác đã từng dùng chứ, cô nằng nặc đòi chiếc màn mới. Khi ấy Trần Đông Mai sa sầm mặt, dì thương con gái là một chuyện, nhưng tuyệt đối không thể thái quá. Đến cuối cùng thì vẫn như ý của Lâm Tố Mỹ, nhưng dì cũng đã trừ đi tiền bánh trái mấy tháng của con gái.

Hễ chuyện gì cũng phải trả một cái giá, đây chính là điều Trần Đông Mai muốn nói với con gái.

Tống San mở mắt liền nhìn thấy chiếc màn được buộc với hai bên bằng dây. Chiếc màn như thế cô đương nhiên quen thuộc, mặc dù cô vẫn không có cơ hội dùng. Màn rủ xuống, phía dưới là một chiếc tủ đầu giường, trên đó bày mấy miếng bánh ngọt và một chiếc cốc sứ nhỏ, đó là món Lâm Tố Mỹ thường ăn và chiếc cốc Lâm Tố Mỹ thường dùng.

Tống San day day đầu, vì nơi xa lạ này, và còn vì kí ức quen thuộc mà não cô truyền đến.

Kí ức của Lâm Tố Mỹ, da đầu cô không khỏi tê dại, đồng thời cô cũng hãi hùng.

Cho đến khi Trần Đông Mai tiến vào, đặt mông ngồi phịch xuống giường, cả giường đều lõm xuống một mảng, khiến người ta hoài nghi liệu giường có sập hay không.

Ở đây lại phải nói đến chiếc giường này.

Chiếc giường này dùng gỗ làm thành một cái khung, sau đó cài vào một vài thanh gỗ để chịu sức nặng, ở trên các thanh gỗ đặt ván giường được đan từ tre có kích cỡ tương đồng với giường, tiếp đó phủ rơm lên ván giường, ai mày mò hơn thì còn phủ thêm thứ khác lên trên rơm, ở nông thôn không mấy ai mày mò, phía trên rơm trải thêm chiếc ga giường là xong. Cho nên nếu ngày hôm sau nhìn thấy người ta ngủ dậy mà trên đầu dính rơm thì bạn cũng đừng cười người ta, chỉ là tư thế ngủ của người ta không ngoan mà thôi.

Nhưng chiếc giường này của Lâm Tố Mỹ rõ ràng có mày mò thêm. Dùng bông để phủ lên giường vốn là tốt nhất, nhưng ở nơi này không trồng bông, muốn có bông rất phiền phức, cho dù có được, trong chăn không phải nhét bông hay sao, mùa đông không làm áo khoác bông hay sao? Cho nên Trần Đông Mai vẫn chưa xa xỉ đến mức dùng bông để lót giường cho con gái. Song Lâm Tố Mỹ chê giường cứng, Trần Đông Mai bèn nhân lúc bình thường phải ra ngoài đi gom lông của gà, vịt, ngỗng và một vài động vật nhỏ lại, mấy chiếc lông lớn thì cắt bớt phần gốc cứng ở giữa đi, cứ như vậy, sau khi đã gom được nhiều lông, dì dùng vải bông khâu lại, sau đó phủ lên giường, lại phủ thêm ga giường, giường sẽ không cứng nữa.

Rắc rối thì có hơi rắc rối, nhưng thứ đó không cần tiền, Trần Đông Mai cũng cảm thấy không có vấn đề gì.

“Tiểu Mỹ, bây giờ con cảm thấy thế nào rồi?” Trần Đông Mai vừa hỏi vừa giơ tay sờ đầu con gái. Mặc dù ngoài mặt dì mắng té tát một trận, nhưng trong lòng dì vẫn hơi bất an, sợ con gái thật sự giống như mọi người nói...

Không sốt, Trần Đông Mai lại mừng thầm một phen.

Tống San quan sát Trần Đông Mai, hai cảm xúc đang tranh đấu nhau. Một cảm xúc là sự kích động từ trong xương cốt muốn gọi “mẹ”, nhưng lại có một thứ lý trí khác khiến cô muốn gọi là “thím ba”.

Tống San hít thở dồn dập. Sau đó, trong vẻ khó hiểu và nghi hoặc của Trần Đông Mai, cô bò dậy khỏi giường, đi giày, chạy ra ngoài phòng, thậm chí còn ra phía ngoài căn nhà.

Nền căn nhà của lão tam nhà họ Lâm khá cao, bên ngoài căn nhà còn có một sân đá, phải bước xuống bậc thang từ hai đầu sân mới có thể đi lên một con đường nhỏ. Tống San đương nhiên còn nhớ đường về nhà mình. Cô chạy bước nhỏ một mạch theo hướng đến nhà họ Tống, dù rằng bản thân cô cũng không biết vì sao mình muốn chạy đến đó nữa. Có lẽ là vì cô đột nhiên nghĩ đến một chuyện, cô biến thành Lâm Tố Mỹ, vậy Lâm Tố Mỹ thì sao, lẽ nào đã biến thành cô?

Sau khi suy nghĩ đáng sợ này xuất hiện, cô không thể nào bình tĩnh được, bèn chạy thẳng đến nhà họ Tống.

Mặc dù đội sản xuất số Chín lớn, người cũng nhiều, nhưng nhà cửa căn bản đều liền nhau, khoảng cách giữa nhà họ Lâm và nhà họ Tống không hề xa. Qua con đường nhỏ, ở giữa là sân chung để phơi lương thực của đội sản xuất.

Khi Tống San đang muốn chạy tiếp thì bước chân cô chợt khựng lại.

Cô đã nhìn thấy, nhìn thấy người từng tồn tại như cơn ác mộng với cô - bà Cát Hồng, mẹ ruột của cô, cũng là người phụ nữ khiến cô buồn nôn mỗi lần nghe người khác nhắc đến hai chữ “hiếu đạo”. Sự sợ hãi dù đã chôn vùi trong xương cốt nhưng vẫn mang đến bóng ma tâm lý, điều này khiến cô hơi muốn cười. Cô tưởng rằng mình đã rời đi bao năm rồi, đã thấy được những phong cảnh khác rồi, đã trải nghiệm cuộc đời khác rồi, mình sẽ không sợ bà Cát Hồng nữa, nhưng thực tế là chỉ cần người này xuất hiện, sự khó chịu và sợ hãi trong lòng đều sẽ vọt ra.

Người này sẽ hủy hoại cuộc đời mình, suy nghĩ này đã ăn sâu vào xương tủy cô.

Cô muốn chạy trốn, xoay người lập tức chạy trốn, nhưng chân như mọc rễ, không thể nào di chuyển được.

Bà Cát Hồng gánh thùng phân đi tới. Bây giờ không phải mùa vụ, phải tranh thủ lúc rảnh mà chăm sóc chỗ rau trên khu đất canh tác, đi tưới nước phân. Nước phân nhà Tống lão nhị không nhiều, cũng không giàu dinh dưỡng, còn phải pha thêm nước ngọt để tưới vào rau, vậy mà còn bị nhà lão đại mắng là thua phân nhà họ nữa.

Khi sắp đi đến trước mặt Tống San, bà Cát Hồng bất giác tránh ra, không dám chạm vào cô. Nếu thật sự chạm vào, đối phương mà làm ầm lên thì lại là một mối họa.

Cả người Tống San cứng đờ, tim đập loạn xạ. Cô túm chặt lấy ngực mình, không khí xung quanh như bị người ta rút hết đi, cô không thể nào hô hấp được.

- - Đều là do đồ sao chổi như mày, sao mày lại đến gây họa cho tao hả, đều là lỗi của mày, đều là do mày...

- - Còn muốn đi học? Người thì sắp chết đói rồi, học cái gì mà học, mau đi cắt rau khoai cho lợn ăn đi, từ sáng đến tối chỉ biết lười chảy thây ra.

- - Tiền đâu, sao mày vẫn chưa cầm tiền về hả. Đừng nói mấy lời đó, mày chắc chắn đã vụng trộm giấu tiền đi rồi.

- - Ối trời đất ơi, sao tôi lại sinh ra một đứa con gái trời đánh như thế chứ, không hiếu thảo một chút nào, lúc sinh nó ra nên ném nó vào hố phân cho nó chết đuối luôn mới phải.

……

Cô là đứa con không nên tồn tại.

Trần Đông Mai cảm thấy con gái hơi bất thường liền lập tức đuổi theo. Khi chạm mặt bà Cát Hồng, dì nhíu mày chán ghét theo bản năng. Bà Cát Hồng gánh thùng phân co người lại, chủ động nhường đường cho Trần Đông Mai.

Trần Đông Mai nhìn thấy con gái, cũng mặc kệ bà Cát Hồng, vội chạy qua. “Con bé này, chạy nhanh như thế làm gì!”

Tống San chỉ nhìn bóng lưng bà Cát Hồng với ánh mắt phức tạp.

Trần Đông Mai thấy vậy, xoa đầu Tống San. “Cách người nhà đó xa ra một chút, gốc gác đều hỏng cả rồi, mẹ thấy hai đứa con gái nhà đó cũng sẽ trọng nam khinh nữ như con mụ đó thôi.”

Tình hình ở nơi này là vật gì ít thì quý, gia đình nhiều con gái thì con trai quý, gia đình nhiều con trai thì con gái quý. Dù nói là tư tưởng trọng nam khinh nữ đã chịu ảnh hưởng được mấy nghìn năm, nhưng đối với con gái, nếu những thứ bỏ ra cho con gái ít hơn con trai, bản thân người làm cha mẹ như mình sẽ áy náy, cũng dẫn đến việc con gái sẽ giành lợi ích vì bản thân, bố mẹ thiên vị anh hoặc em trai trong nhà, bản thân con gái đều sẽ bất mãn.

Trong tình hình đó, gia đình trọng nam khinh nữ đến mức cực hạn như nhà họ Tống chính là một sự tồn tại lạ đời.

Người trong thôn đều nói đó là lỗi của ông cụ nhà họ Tống, cưới người phụ nữ ở tỉnh khác về, hại đến đời sau. Sống cùng bà mẹ chồng trọng nam khinh nữ như bà cụ đó, hai cô con dâu đều cực kì trọng nam khinh nữ, thật sự kiểm chứng câu nói đó - mẹ chồng không tốt hỏng cả nhà.

Tống San mơ hồ cảm thấy điều bất thường. “Hai đứa con gái ạ?”

“Đúng, Tống Vũ và Tống Tuyết đó.” Trần Đông Mai bĩu môi, con gái sinh ra trong gia đình kiểu vậy, rất có thể cũng sẽ trọng nam khinh nữ như thế.

Tuy Lương Anh con dâu dì có tính cách dịu dàng mềm yếu, nhưng không phải bởi vì trọng nam khinh nữ, mà là điều kiện của gia đình nhà Lương Anh quả thực kém, Lương Anh lại là chị cả, phải chăm sóc em trai em gái, em trai em gái quá nghịch ngợm, thân là người làm chị thì tính cách chỉ có thể mài mòn cho dịu dần đến mức tối đa mà thôi.

“Còn… còn một người nữa đâu?”

“Con nói Tống Uyên hả, thằng cu con trai cưng của con mụ đó còn đang đi học nội trú ở trường đấy!”

Trần Đông Mai càng nói càng bất mãn. Hai đứa con gái thì hoàn toàn không cho chúng nó đi học, bắt chúng nó làm việc nhà, còn phải được điểm chấm công nữa, nhưng lại cho con trai đi học, còn là đi học nội trú. Lão nhị nhà họ Tống sợ mẹ già nhà lão ta thì khỏi nói, nhưng vì thằng cu con trai đó, vậy mà lão ta còn dám khom lưng đi tìm bà mẹ già của lão ta để vay tiền nữa.

Con trai cưng?

Tống San trợn mắt, sao lại là con trai?

Truyện Chữ Hay