Chuyển sinh vào thế giới mất cân bằng giới tính

chương 31: nỗi lòng người chị gái (từ góc nhìn của chị gái souya, trước chuyến đi công viên khoảng một thời gian ngắn)

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

“Take-kun hôm nay… xem chừng chắc không vướng cơ sự gì đâu nhỉ.”

Tôi lẩm bẩm một mình, tắt ứng dụng bản đồ trên điện thoại thông minh.

Em trai tôi, Taketo, vừa an toàn đặt chân đến trạm xe gần nhà.

Tầm khoảng năm phút nữa, tôi sẽ được hay tin em trai về đến nhà, thông qua một thông báo từ hệ thống an ninh. Tôi bước xuống cầu thang, ngồi dưới phòng chờ sẵn.

“Chào chị em mới về.”

“Mừng em về, Take-kun. Trường lớp như thế nào?”

“Dạ bạn học nhìn chung thân thiện tốt bụng lắm. Mỗi tội chương trình học có hơi nặng nề thôi.”

“Đành chịu chứ biết sao. Bên đấy nhiều bạn nữ học cũng giỏi lắm mà.”

Em trai tôi theo học tại trường Itsuki, với mức điểm đầu vào trung bình trên 70, xét trên những học sinh tham gia thi đầu vào.

Cần phải khẳng định rằng, vươn tới mức điểm ấy là vô cùng khó khăn, đặc biệt với những ai không ôn luyện chút nào, mà nhập học theo đường tuyển thẳng như em tôi.

Tuy nhiên, vấn đề này nhà trường cũng nhận thức rất rõ. Họ theo sát quá trình rèn luyện của học sinh, dùng đủ mọi biện pháp đảm bảo cho học sinh bắt kịp với chương trình.

Trước tôi từng nghe nói, rằng nếu học trường này, cơ hội được tuyển thẳng đại học là rất cao.

Vì vậy nên đối với việc học của em trai, tôi nghĩ không có gì quá sức đáng lo cả.

“Năm nay đến lượt chị thi đại học đúng không? Chị nghĩ mình tiến bộ hơn trước nhiều chưa vậy?”

Chọc đâu không chọc mà đi chọc trúng tim đen… Cái số khổ quá mà.

“À mới… hòm hòm thôi. Dĩ nhiên đến lúc thi phải bung hết sức rồi, nhưng nhỡ đâu xui quá, thì chắc đành theo học bên ngoài đặc khu thôi.”

Nhờ việc trong gia đình có thành viên là nam, tôi mới được phép sống bên trong đặc khu này. Tuy nhiên, với đối tượng như tôi, đặc quyền đấy đến sau cấp ba là chấm dứt.

Nếu muốn tiếp tục sống trong đặc khu về sau, tôi buộc phải dùng đến năng lực của chính mình. Lý thuyết là như thế, nhưng hễ nhìn mẹ tôi… ý chí bên trong tôi lại lay động một chút.

Liệu tôi có thể nào… bán mình cho công việc tới tận lúc nghỉ hưu, chỉ để được phép sống bên trong đặc khu này?

Tương lai tôi sắp tới… sẽ đi về đâu đây?

“Chị biết mẹ đâu không?”

“Mẹ gọi điện bảo là hôm nay về muộn rồi. Cơm tối chị nấu cho.”

“Vậy cảm ơn chị nhé. Cơ mà chị không cần ôm đồm nhiều quá đâu. Việc học với kiểm tra cũng quan trọng nữa mà.”

“Không sao đâu mà em. Mẹ hay chị đều phải giúp đỡ cho em chứ. Nhỡ người ngoài họ tin chị không thèm giúp gì, thì tự bản thân chị cũng thấy tự ti mất.”

“Vậy à… Nhưng nếu mệt quá thì cứ nói cho em nhé. Cố quá cũng chỉ tổ rước họa vào thân thôi.”

“Đã nói không sao mà.”

Gửi gắm lại cho tôi những lời tốt đẹp ấy, em trai tôi bước dọc cầu thang lên tầng hai.

Nhờ có em trai tôi, tôi mới được phép sống bên trong đặc khu này. Giờ mà bắt thằng bé gánh việc nhà giúp tôi, chắc nữ giới toàn cầu, không tính đến những ai không chịu hiểu lý lẽ, phải treo đầu tôi lên bêu riếu khắp nơi mất.

“Được rồi. Chuẩn bị vào bếp thôi.”

Xắn cao tay áo lên, tôi bâng quơ suy nghĩ về bóng hình mẹ tôi, giờ này chắc phải đang ngập ngụa với công việc.

-----

Với những gia đình nào có thành viên là nam, đặc khu này luôn luôn mở rộng cửa chào đón.

Miễn có nguyện vọng thôi, họ sẽ được đặc khu cấp cho quyền cư trú, gần như không phải qua bất cứ thủ tục nào.

Chính vì lý do đó, mẹ mới phải ngày đêm cật lực với công việc.

Cá nhân tôi trước nay đinh ninh là như thế.

“Mình phải là hình mẫu để mọi người noi theo.”

Lần nào mẹ giải thích cũng y chang như vậy.

“Hình mẫu” mẹ nói tới, theo cách hiểu của tôi, là người luôn có mặt tại chỗ làm đầu tiên, và chỉ ra về khi người khác đều đã về.

Mẹ dồn hết tâm huyết cho công việc bản thân, để không bị một ai xem thường hay đồn thổi.

Nhìn cách mẹ cố gắng, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm đối với em trai của mình hơn.

Chỉ có điều, cách đây chừng vài tháng, thử thách đã nảy sinh. Thử thách lớn nhất mà em tôi từng chứng kiến… theo học tại một trường nam nữ cùng học chung.

Dẫu quyết tâm đương đầu thử thách giúp em trai, thay thế cho người mẹ gánh vác đủ thứ điều… khi thử thách đã tới, tôi lại chẳng biết phải xử trí ra làm sao.

Ngay khi được biết tin về quyết định nhà trường, tinh thần của thằng bé… bỗng khước từ tất cả hi vọng về tương lai.

Vào cái thời điểm ấy, một thiếu nữ như tôi… làm sao mà có thể trò chuyện cùng bây giờ?

Tôi chẳng thể biết đâu mới đúng là giải pháp.

Vì thế, tôi chỉ biết để mặc thằng bé một thời gian.

Liệu đó có phải là giải pháp tốt nhất không? Đến lúc này tôi vẫn không sao mà biết được.

Kết thúc kì nghỉ xuân, học sinh lại rục rịch cho một năm học mới. Tâm trạng Taketo bỗng khởi sắc thần kì, và dáng vẻ tươi tắn cũng quay lại như xưa.

Không, không chỉ là như xưa. Thằng bé còn chủ động tìm đến và bắt chuyện với các bạn khác giới, một điều mà trước giờ tôi chưa từng được nghe.

“Vậy tức là thằng bé trưởng thành rồi đấy nhỉ.”

Tuy đúng là rất vui, khi thằng bé không còn vật vờ như bóng ma, ngỡ không để mắt thôi là tan vào không khí… nhưng có điều thằng bé lại thay đổi quá nhiều, đến mức dạo gần đây, tôi khó hình dung nổi khoảng cách giữa chúng tôi đã như thế nào nữa.

“Rồi, chuẩn bị vậy là xong…”

Bật bếp và bắc nồi, tôi bỗng lại bâng quơ nghĩ về mẹ lần nữa.

Người không khỏi lo lắng… chắc phải kể đến cả người mẹ của chúng tôi, chứ không thể chỉ có mình Taketo được.

Có một kệ đựng sách trong phòng ngủ mẹ tôi…

… Với hai hàng trên kệ chỉ toàn sách hướng dẫn, dành cho các bà mẹ đang chăm sóc con trai.

Khi biết mình sắp sửa sinh hạ một bé trai, bên cạnh niềm vui sướng, khá chắc rằng mẹ tôi lo toan lắm không chừng.

Dựa theo ngày xuất bản, số sách này có lẽ thuộc ấn bản đầu tiên, được thu mua một lượt ngay thời điểm em tôi vừa mới được ra đời.

Tôi không nghĩ mẹ tôi… lại giống với kiểu người dựa dẫm vào nội dung một dòng sách như thế, mà chính xác hơn thì, mẹ tôi cần gì đó để trao gửi niềm tin.

Bởi vì chỗ sách ấy… không hề có dấu hiệu lật qua một trang nào.

May mắn thay, dưới bàn tay mẹ tôi, Taketo trưởng thành vượt xa mọi mong đợi.

Không những quen với việc học chung các bạn nữ, tâm trạng thằng bé còn vui vẻ nhẹ nhàng hơn, và cũng quan tâm hơn đến gia đình mình nữa.

Ngược lại thì, nếu mẹ mà muốn viết sách hướng dẫn chăm con, chẳng lý gì mà tôi không ủng hộ cho được.

Khai sáng toàn thế giới bằng ngòi bút của mình… mẹ tôi làm được thế thì lại tốt biết bao.

“Chị cần giúp gì không? Tự nhiên em rảnh quá.”

Taketo bước từ tầng hai xuống gọi tôi.

“Không cần vậy đâu em. Chị sắp xong rồi mà.”

“Vậy em phụ chung với. Không hiểu sao em lại nổi hứng muốn nấu ăn.”

“À thế hả… Vậy mình vào việc thôi.”

Em tôi đúng quả nhiên được nuôi dạy tử tế.

Ngoài mặt thì thằng bé vẫn giống hệt ngày xưa. Đến thói dùng đĩa ăn là loại đĩa bé xíu, loại đĩa thường chỉ dùng để nếm thử thức ăn, tới bây giờ thằng bé vẫn không chịu thay đổi. Ấy vậy trong suy nghĩ, thằng bé lại trưởng thành chững chạc ra làm sao.

Từ chỗ một đứa bé ngây ngô và yếu mềm, em tôi bỗng đùng cái trở thành một anh chàng rất ra dáng đàn ông. Tuy chưa từng nghĩ rằng sẽ có ngày mà tôi phải chịu thua thằng bé, tôi thấy thế này đây cũng không phải quá tồi.

“À này, Taketo.”

“Sao thế chị?”

“Cái máy ép nhựa em nhờ chị tìm hôm bữa… rốt cuộc lúc đấy em định tính làm gì vậy?”

“Ơ cái máy đấy à. Có khi em chỉ muốn hỏi ý người khác thôi.”

“Hỏi ý là thế nào? Nói rõ ra cái coi.”

“Chị đợi em một tí. Thề đấy, nhanh lắm luôn.”

Nói rồi Taketo hối hả chạy lên lầu.

Hỏi ý kiến người khác rốt cuộc để làm sao? Gần đây tôi chẳng hiểu em tôi nghĩ gì nữa.

Đang quay sang khuấy nồi, thì đúng một lát sau, Taketo bước xuống, cầm trên tay một vài tấm thiếp tới chỗ tôi.

“Ban đầu là em định gửi mấy các bạn chung nhóm hồi học cấp hai cơ. Nhưng mà…”

“Gửi là gửi gì cơ?”

Kích cỡ mấy tấm này chắc cũng sàn sàn với kích cỡ thẻ học sinh.

Từng tấm thiếp đều được ép màng nhựa gọn ghẽ, không quên bo tròn góc cho thuận tiện khi cầm.

Nhìn mặt trước xong rồi, tôi lật sang mặt sau.

“Taketo. Cái này…”

“Chỉ là chút tình cảm dành cho mọi người thôi. Chị thấy như thế nào? Đã đủ sâu đậm chưa? Mà nhỡ sâu đậm quá, thì không biết mọi người có ghét em không nhỉ? Nhỡ mọi người cho là phiền toái thì sao đây?”

Thằng bé ngước nhìn tôi, ánh mắt có đôi phần mông lung và lo lắng, thế nhưng câu trả lời từ tôi chỉ có một.

“Vậy là có sâu đậm hay là phiền toái không. Ý em là thế nhỉ?”

“Dạ vâng. Thế thì làm sao ạ?”

“Nhưng mà quan trọng hơn…”

Thằng bé mà nhắc đến chuyện này với bạn mình, thì có khi người ta lại vì hàm ơn mà khóc nức khóc nở mất.

Một tấm vé cho phép bản thân được phép ôm một nam giới nào đó, không giới hạn thời gian, tần suất hay địa điểm. Một món quà như thế… chưa bao giờ được tặng cho nữ giới trước đây.

Tôi không biết diễn tả sao cho hợp lý nữa, cứ nhìn lại cậu em mà không nói nên lời.

Từ tận đáy lòng mình, tôi muốn tìm một ai… một ai đó sẵn sàng đối đãi tôi như vậy.

Mỹ nam trước mặt tôi… hà cớ sao lại là em trai của tôi chứ?

Tại sao một chàng trai tuyệt vời đến mức này…. bằng một cách nào đó, lại là em của tôi?

Thần linh ơi thần linh, người rốt cuộc có đang trêu đùa con không vậy?

Truyện Chữ Hay