Tôi bắt đầu nghiên cứu thông tin trên màn hình.
Tại bãi cỏ công viên, người ta dựng một đài phun nước kích cỡ lớn, dẫn đến tên gọi của công viên ngày hôm nay.
Vào những dịp nghỉ lễ, khách gia đình thăm thú chật cứng cả công viên. Vào những mùa dễ chịu như mùa xuân hoặc thu, công viên trở thành một điểm đến được ưa chuộng.
Dù đã từng đến đó một lần vào trước đây, tôi vẫn không ngờ rằng, ngay gần bên nhà tôi lại có một chốn nào chất lượng đến như thế.
Tiền kiếp tấm thân này… có lẽ không hứng thú quan tâm gì mấy chăng?
Tôi thử mở ứng dụng bản đồ lên kiểm tra, và phát hiện công viên cách nhà tôi chừng nửa tiếng đi bộ.
Nhớ không nhầm thì chuyến thăm quan ngày hôm ấy, tôi phải khá vất vả mới tới được đến nơi, nhưng hồi ấy trẻ con nên cũng đành chấp nhận.
“Chị ơi. Chị còn nhớ em đến Công viên Đài phun nước mất bao lâu không vậy?”
Tôi hỏi bà chị gái, đang đứng ngẩn ra mà hồi tưởng bên cạnh tôi.
“Hả. À cái hồi còn bé ấy đúng không?”
“Dạ vâng. Hình như chị hồi ấy cũng đi chung thì phải.”
“Xem nào… Khoảng chừng một tiếng chăng? Khá chắc là chị thấy điểm mốc dọc đường đi, nên hai đứa khi ấy có khi đi đường vòng… A nhớ rồi! Dọc theo phố đi bộ!”
“Ra là như vậy ư…”
Đúng là ở đặc khu, có những phố đi bộ mà xe đạp ô tô không được phép qua lại.
Rất có thể dịp đó, tôi đã từng lưu lại dấu chân rồi cũng nên.
“Muốn tới công viên thì có cả xe buýt đấy, nhưng nếu tàu điện ngầm thì chắc là có hơi…”
“Không cần đâu chị ơi. Đi bộ là được rồi.”
Ngoài một tàu điện ngầm chạy vòng quanh đặc khu, còn có một tuyến tàu nối Đông và Tây nữa.
Hai tuyến hợp lại nhau, thì sẽ ra hình vẽ giống như biển “Cấm vào.”
Tàu điện ngầm có nhiều bất cập và khó khăn, nhưng dịch vụ xe buýt lại có thể đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu.
Nếu thấy vẫn không đủ, có thể dùng điện thoại đặt một chiếc taxi không người lái, và thế là không gì gây khó dễ được thêm.
“Nói mới nhớ, em nắm được định vị của mẹ hay chị chưa?”
Tôi không nhớ mình có dùng ứng dụng như vậy.
“Hình như tích hợp trong điện thoại sẵn rồi đấy. Đã dùng bao giờ chưa?”
“Khá chắc là chưa ạ…”
Từ trước cho đến giờ, tôi chẳng đoái hoài mấy đến thông tin định vị của mẹ hoặc chị tôi.
Ngay đến chuyện cài đặt ứng dung định vị vào điên thoại của bản thân, tôi thậm chí chẳng nhớ là có hay chưa mà.
“Cần chị cài giùm không?”
“Dạ vâng. Vậy nhờ chị cả nhé.”
Chị tôi nhận lấy chiếc điện thoại từ tay tôi, thoăn thoắt đầu ngón tay rồi trả lại điện thoại. Dân sành sỏi quả đúng làm cái gì cũng nhanh.
“Ứng dụng chị vừa tải, với đặt sẵn ở trên trang đầu cho rồi đấy. Giờ mới cái đặt thôi, chứ ứng dụng bình thường không tự khởi động được. Còn khi khởi động rồi, bản đồ sẽ hiện lên, cùng thông tin định vị mẹ với chị trên đó.”
“Cảm ơn chị.”
Vậy là kể từ giờ, bất cứ lúc nào cũng có thể biết được mẹ với chị đang ở đâu.
Tất cả để đề phòng trường hợp nhà có ai bị bắt cóc.
Tôi lục lọi trí nhớ, tự hỏi đã bao giờ bản thân được thật sự riêng tư chưa, nhưng ở thế giới này, người ta lại coi đó như hiển nhiên thì phải.
Trong phạm vi đặc khu, nhờ thông tin định vị và máy quay an ninh, khả năng bị mắc phải chuyện bất thường không nhiều, và có bị bắt cóc thì cũng rất dễ dàng được tìm ra.
Nhân tiện thì, tắt nguồn điện thoại cũng không làm ảnh hưởng gì đến ứng dụng hết đâu. Thông tin định vị vẫn được xác định suôn sẻ.
Đúng rồi đấy. Nam giới chẳng ai lại có được riêng tư đâu.
Chuyện tôi đi lên rừng phía bắc vào hôm nay, đến giờ này chị tôi dĩ nhiên là biết rồi.
Hôm nào dạo gần đây tôi cũng lui tới đó, nên chắc chị không nghĩ tôi đến để trò chuyện với lại nữ thần đâu.
“Cần tìm hiểu gì về Công viên Đài phun nước thì cứ để chị lo.”
“Dạ thôi không cần đâu… Mà máy ép màng nhựa để đâu rồi thế ạ?”
“Máy ép màng nhựa ư? Cái máy dùng nhiệt lượng để hồ quang chân không phim chụp ảnh đấy hả?”
“Dạ vâng. Em đang cần dùng chút.”
“Thường ít ai dùng tới, nên chắc là loanh quanh tủ đồ ngoài bếp rồi…”
“Dạ em cảm ơn nhiều. Để em thử tìm xem. Chị nhớ cố gắng mà học cho tốt vào nhé.”
“Ừ… ừm. Cứ yên tâm.”
Chị tò mò nhìn tôi, nhưng rồi cũng nhanh chóng quay trở lại tầng hai mà tiếp tục việc học.
Trường nữ sinh đặc khu cạnh tranh ra phết đấy, chứ không đùa được đâu.
Tôi rất mong chị tôi cố gắng hết sức mình, để không đến mức phải đi học ngoài đặc khu, dẫu cho gia đình sống ngay trong đặc khu này.
-----
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi mặc đồ thể dục hồi còn học cấp hai, rồi bắt đầu chạy bộ.
Ở tại thân xác cũ, tôi luôn tự tuân theo lịch trình này hàng ngày.
Thực tình tôi còn muốn rèn luyện karate, nhưng đường đột bắt đầu dễ gây dị nghị lắm.
Ở tại thời điểm này, tôi mới đang dự kiến tập tành kiểu chạy bộ, giãn cơ với yoga thôi.
“Nên mua bộ quần áo thể thao vẫn hơn nhỉ.”
Tôi tìm khắp tủ đồ, nhưng chẳng thấy bộ nào thoải mái và tiện nghi.
Vậy kiếp trước của tôi… hóa ra là người thích ru rú trong nhà à.
Chạy được một lúc thì tôi thở nhịp nhàng hơn.
Tình hình thể chất tôi trông không quá đến nỗi, cử động thì linh hoạt hơn cả tôi hình dung.
Nếu có điều kiện mà tập luyện cho tử tế, tôi tin chắc rằng mình sẽ còn tiến xa hơn.
Ngày hôm nay tôi chạy khoảng chừng 10 cây số, dọc đường nghỉ hai lần.
Không tính lúc giải lao, thì bữa nay tôi chạy khoảng chừng 55 phút.
Nếu biết lần đầu tiên mà đạt đến mức này, tôi đã thử sức với mục tiêu 50 phút không nghỉ giữa đường cơ.
Dựa theo số đoạn dốc đoạn thoải trên đường đi, 5 phút mỗi cây số hẳn không thành vấn đề.
“Mỗi tội cơ với xương…”
Tôi chưa biết giới hạn bản thân là cỡ nào, nên vẫn phải lắng nghe cơ thể mình trước đã.
Nói chung thì, việc tập luyện sắp tới chắc sẽ vui lắm đây.
Tắm rửa thay đồ xong, tôi đặt chân tới trường. Còn chưa kịp ngồi xuống, tôi đã bắt gặp cảnh vài cô bạn cùng lớp đang nhìn tôi.
Mà mọi người hôm nay đi học sớm thật đấy.
Vẫn còn hai mươi phút giờ học mới bắt đầu, mà cả lớp hầu như đã yên vị tại chỗ.
Nghiêm túc thật đấy ta. Quả rất tương xứng với danh tiếng của ngôi trường.
Tôi mới ngồi lên ghế, thì nhóm con gái chợt bồn chồn mãi không yên.
Một ý tưởng tức khắc chạy qua đầu.
“Mình chào cả lớp nhé. Mọi người viết xong bài giới thiệu bản thân chưa? Cho mình xem thử với.”
Cạch—!
Con gái trong lớp liền nhất loạt đứng bật lên. Nữ sinh ngoài hành lang thấy vậy cũng ré lên đầy ngỡ ngàng.
Nghe mới đau lòng sao. Khác gì lũ thú cưng, đang dung dăng dung dẻ thì bỗng nhiên giật mình vì tiếng đóng cửa chứ.
Từng người một đều cầm sẵn tờ giấy trong tay.
Tất cả xếp thành hàng, cúi chào trước mặt tôi, rồi kính cẩn giơ lấy hai tay mà trao gửi.
Ủa đây có phải lễ trao bằng tốt nghiệp không?
“Mà sao dày thế nhỉ… Ơ kìa? Đóng thành sách được luôn? Lại còn có màu nữa?”
Từ giấy đặc dụng đến giấy in ảnh cá nhân, kẹp lẫn trong chồng giấy là đủ thứ mà tôi không sao ngờ tới nổi. Chỉ mới ngày hôm qua, mà mọi người có thể làm nhiều đến vậy ư?
Hay đúng hơn, “nhiều” ở đây… là mức nào cơ chứ?
“Khoan đã. Chẳng lẽ nào mọi người đều sống ngoài đặc khu?”
Xếp hàng trước mặt tôi… là toàn bộ những nàng nữ sinh học cùng lớp.
“Mình với lại mọi người đều sống trong đặc khu, nhưng vì mong muốn nên tự nguyện viết chỗ này.”
“À………”
Ra là như vậy ư.
Nếu có ai muốn tạo ấn tượng với nam giới, thì lúc này quả nhiên là một dịp thuận lợi.
Nhưng trước khi lập nhóm… tôi phải làm sao mà đọc hết chỗ này đây?
Với độ dài phải tầm 10 vạn chữ, không thể gọi chỗ này là giới thiệu bản thân, mà phải là hồi ký, thậm chí là tiểu thuyết về đời mình không chừng.
Ý tôi đang muốn nói, là một người không thể tự viết được nhiêu đây. Phải có sự phân công lao động ở trong này.
Vừa phải nhìn tuyển tập văn thư cao như núi, tôi vừa bị chôn vùi trong ánh mắt bừng bừng háo hức của chị em.
“Trước hết phải chia ra, thành diện trong đặc khu với ngoài đặc khu đã.”
Đọc hết ngay lúc này là chuyện bất khả thi, với cả từ hôm qua, tôi đã nói chỉ muốn chung nhóm với những ai bên ngoài đặc khu rồi.
Tôi vừa sàng lọc vừa bắt đầu đọc lướt qua.