Về đến nhà, tôi liền nhắn “Mình mới về rồi này” cho nhóm Makoto.
Giống như thế giới cũ, nơi đây cũng tồn tại ứng dụng mạng xã hội dùng cho việc nhắn tin.
Người ta đặt tên nó là “Kite Messenger.”
“Kite” ở đây là diều, chứ không phải nhắc đến bạch tuộc ngoài đại dương.
Ý nghĩa của cái tên nằm ở cách ví von tin nhắn như cánh diều, nhìn nhận thế giới mạng giống như một “bầu trời” thay vì một “đại dương.” Nghe cũng không đến nỗi.
Hồi năm cuối cấp hai, tôi cùng Makoto, Rie và Yuuko, bốn người chúng tôi đã lập nên nhóm chat này, và vẫn duy trì nó cho đến tận ngày nay.
Vừa mới gửi tin xong, bên dưới tôi đã thấy dòng chữ “Mừng cậu về.”
Ngay tức thì, phản hồi thi nhau tới, trên những con chữ đầy lo lắng và quan tâm, kiểu như “Khai giảng ổn thỏa chứ?,” “Không khí lớp thế nào?,” “Có trục trặc gì không?,”...
Tôi cười khổ mà nhắn, “Mình mới vừa làm quen cậu bạn cùng lớp mình.”
“Thật hả? Nhưng đừng cố quá nhé,” Makoto dặn tôi.
Rie thì bảo “Yuu với Mako nhé, không chịu nghe tớ đâu! Tớ đã nói không sao rồi cơ mà.”
Trong khi đó Yuuko lại khá ngắn gọn với “Vậy thì an tâm rồi.”
Ngoài mặt thì là thế, nhưng chắc hẳn trong lòng, cậu ấy mới là người quan ngại nhất cho tôi. Không thể học chung trường với tôi như mong muốn, Yuuko có mặc cảm thì cũng đành chịu thôi.
Tiếp đó ngoài tôi ra, ba người họ cùng nhau hào hứng mà chuyện trò.
Lần theo những nội dung hội thoại trên màn hình, tôi bất chợt bắt gặp lác đác vài tin nhắn, được viết vào lúc mà tôi không có tại đây, bàn luận về kế hoạch sau khi tôi nhập học.
Nào là thay phiên mà đến nhà đón rước tôi, rồi khi tan học thì ba đứa cùng đến đón… Nếu ở thế giới cũ, người ta hẳn đã cho tôi là đứa năm nhất năm hai tiểu học rồi.
Nhất định hồi nghỉ xuân, chính tôi đã gây ra tương đối nhiều lo lắng, nên chắc cứ im lặng chờ biến chuyển thì hơn, nhưng trước tiên tôi phải nhấn mạnh quan điểm đã… rằng tôi đủ khả năng tự đi học một mình.
Nếu người ngoài hay tin, vụ việc này chắc chắn sẽ trở thành tin đồn, nên tôi cần họ dẹp ngay ý định ấy đi, không đón rước tôi như bảo mẫu yêu nghề nữa.
“Nếu vậy thì không phải ngày nào các cậu cũng đi học muộn mất sao?”
Dù nói vậy đi nữa, tôi vẫn linh cảm họ sẽ không chịu dừng đâu.
Nhân một khoảng lặng ngắn xen giữa cuộc chuyện trò, tôi liền nhắn như sau, “Lần sau được nghỉ thì đi đâu đó chơi không? Tự nhiên mình muốn gặp mọi người quá,” ấy thế chẳng hiểu sao, mọi người đều im bặt.
Dấu đã đọc bên dưới chứng tỏ họ đã xem, nhưng tại sao không ai nhắn lại hết cơ chứ?
Tôi đợi thêm một hồi, rồi cuối cùng cũng thấy được phản hồi đầu tiên, “Công viên Đài phun nước khu Đông chắc được đấy.”
Có vẻ như cả ba mới thảo luận ngoài luồng, và quyết định đưa ra cùng chung một ý kiến.
Tôi sống tại khu Đông, nên công viên khá chắc là không xa xôi gì.
Lục lọi lại trí nhớ, tôi phát hiện ra rằng hồi tiểu học mình đã từng một lần đến đây, trong một chuyến tham quan bộ hành của nhà trường.
Nhắc đến chuyện đi chơi, thanh thiếu niên thường sẽ liên tưởng đến tiệm game hoặc trung tâm mua sắm, tiếp theo là rạp phim, tiệm nước và nhà hàng.
Một công viên nào đó với địa điểm cụ thể, đó không phải thứ tôi ban đầu mường tượng tới, nhưng chắc chắn cả ba đã cân nhắc hết rồi.
Theo những gì họ nghĩ, dẫn tôi đến nơi nào không có nhiều nữ giới tụ tập sẽ tốt hơn.
“Cảm ơn mọi người nhé. Vậy chốt là thế đi. Ai xung phong nấu cơm cho buổi hôm ấy nào?”
Tôi thử lấy câu chữ ra trêu chọc một phen. Mất một khoảng thời gian mới thấy được phản hồi.
Khác cái là lần này… có kha khá các thứ tôi cần phải đọc qua.
Thừa nước đục thả câu, tôi nhắn một tin nữa, “Mình là chỉ chờ mỗi cơm trưa hôm đấy thôi. Các cậu cố lên nhé!”
Được con gái theo đuổi… không lẽ chính là thứ cảm giác như này ư?
-----
Tối hôm ấy, tôi đang ngồi phòng khách xem ti vi, thì thấy có tin nhắn gửi từ mẹ.
Mẹ nhắn hôm nay sẽ về muộn hơn mọi khi, nên tôi nhớ khóa cửa, rồi đi ngủ chuẩn bị cho ngày mai.
Kể ra thì hôm qua, mẹ tôi cực chẳng đã cũng đã phải tất tả rời nhà từ sớm rồi.
Làm việc trong đặc khu mệt mỏi thật đấy chứ.
Chị tôi thì nhốt mình trong phòng riêng, bảo là có bài vở cần phải học.
Chị tôi dự định sẽ thi đại học năm nay. Không học hành nghiêm túc chăm chỉ là không được.
Khác với trường cấp ba, không có trường đại học nam sinh nào hết cả. Chỉ có đại học nữ, hoặc đại học nam nữ cùng học chung.
Chính vì thế, khi lên đại học rồi, hoạt động công ích là bắt buộc với tất cả các nam sinh.
Nhưng bàn chuyện khác đi. Chị tôi được cấp quyền sinh sống trong đặc khu… tất cả là bởi vì có tôi là gia đình.
Đặc khu được dựng lên để nam giới không phải áp lực hay khổ sở, nên như một điều khoản, gia đình của nam giới cũng được phép sống cùng nam giới trong đặc khu, không yêu cầu thông qua bất cứ thủ tục nào.
Tuy nhiên, muốn duy trì điều khoản, phụ nữ trưởng thành phải thuộc nhóm có việc làm, trong khi thanh thiếu niên phải tiếp tục đi học.
Nói cách khác, không có chuyện ăn bám người nhà ở tại đây, bất kể có bao nhiêu nam giới trong gia đình.
Nếu tham gia lao động sau khi đã tốt nghiệp cấp trung học phổ thông, nữ giới sẽ thuần túy được chính quyền coi như một phụ nữ trưởng thành.
Do đó, khả năng bị tước quyền sinh sống tại đặc khu sẽ nảy sinh.
Quan ngại vấn đề trên, chị tôi mới cần mẫn mà học ngày học đêm, mong rằng trong đặc khu sẽ có trường nữ sinh nào chấp nhận.
Nhân tiện thì, về nguyên nhân chị tôi không thi vào một trường đại học cho nam nữ, thì đó là bởi vì tỉ lệ chọi quá cao.
Ở tại một số trường mà tỉ lệ nam giới cao hơn mặt bằng chung, tỉ lệ chọi phải tới một trên vài trăm người, thu hút nhiều thí sinh khắp mọi miền đất nước.
Nhắc đến đó chị tôi chỉ biết cười khổ bảo, “Quả nhiên là không có cửa nào trúng tuyển đâu.”
Riêng nam giới thì không phải chịu hoàn cảnh ấy. Đa phần trường đại học đều mở rộng vòng tay, miễn là phía nam giới có nguyện vọng bước vào.
Người ủng hộ nói rằng, miễn là có đam mê, thì cho dù học lực không đảm bảo đi nữa, nhà trường cũng vẫn nên khuyến khích tạo điều kiện.
Nhưng nếu không đảm bảo, thì đáng ra từ chối vẫn tốt hơn đúng không?
Vấn đề là thế này. Nếu không có nam giới đi theo nghiệp giáo viên, bác sĩ hay tư vấn, thì toàn thể nam giới khi ấy lại thiếu đi chăm sóc về tinh thần. Nghĩ theo chiều hướng ấy, ta có thể tạm hiểu đường lối cởi mở trên, khi tích cực chào đón những ai có nhu cầu.
“Công viên Đài phun nước không biết có gì đây… Từ hồi tiểu học mới tham quan đúng một lần, nên thôi thì chắc cứ tìm hiểu một chút đi.”
Tôi lấy điện thoại ra, tra cứu vài kết quả.
Sau khi đọc lướt qua, tôi phát hiện ra đây hóa ra là công trình thuộc hàng khá bề thế.
Trong công viên còn có cả một thảo cầm viên, và không chỉ có thế, những sự kiện theo mùa diễn ra rất thường xuyên, ở tại một sân khấu dùng cho dịp đặc biệt.
Theo như tôi suy đoán, thì chi phí duy trì được lấy từ tiền thuế của người dân đặc khu.
Tiền vé thảo cầm viên khá chắc là không đủ, trong trường hợp không có nguồn thu nhập nào thêm.
Ở tại thế giới cũ, hình như những vườn thú miễn phí vé vào cửa cũng có mà đúng không?
Tuy nhiên, với chi phí dự kiến là sẽ cao chọc trời, Công viên Đài phun nước khó có thể duy trì quy mô được như trên, nếu ngân sách được cấp chỉ thuộc dạng trung bình.
“Take-kun. Nghiên cứu cái gì đấy?”
Chị gái tôi ló mặt từ cửa phòng tầng hai.
“Em với nhóm cấp hai định sẽ đi Công viên Đài phun nước một chuyến, nên đang thử xem là kế hoạch như nào thôi.”
“Uây nghe hoài niệm thế. Chỉ có đi chơi bời, ăn uống, rồi lại về nhà thôi… mà vui thật đấy nhỉ.”
Chị tôi chợt đánh mắt về phía miền xa xăm.
Chị tôi có một người bạn thân là nam giới, thậm chí từng có lần mời về nhà mình chơi.
Đó cũng là lần đầu, Công viên Đài phun nước trở thành một chủ đề được đề cập trước tôi. Chắc chị tôi đang nhớ về cái ngày đó nhỉ.
“Ôi những năm tháng ấy… mới tươi đẹp biết bao…”
Cảm giác chị gái không đoái hoài đến tôi nữa, tôi đành quay trở về với điện thoại trong tay, nghiên cứu về địa điểm chuyến đi đang mong chờ.