Thùy An và Khang Vũ rời khỏi thị trấn chọn trường tỉnh để học là một trong những điều khiến cho Kỳ Thư buồn nhất tính đến thời điểm lúc đó. Có lẽ là vì hai người cô có thể dựa dẫm rời đi cùng với lúc cô ngã quỵ nhất, khiến cho cô trở nên bế tắc không có nơi giải tỏa.
Học sinh cấp ba đối mặt với áp lực học tập, với định kiến trưởng thành nửa vời của xã hội chính là thời kỳ khó chịu nhất, cũng chính là thời điểm dễ bị kích động làm ra những chuyện bốc đồng không lường trước hậu quả. Đầu học kỳ lớp mười. Gia đình Kỳ Thư xảy ra một biến cố lớn, cũng chính là nguyên nhân khiến cô trở nên bốc đồng.
Ngày hôm đó trở về nhà sau ngày học mỏi mệt, phát hiện ra trước cổng nhà mình có rất đông người đang vây quanh. Trộn lẫn trong đám người đang bu kín là một vài người đàn ông mang đồng phục cảnh sát đang áp chế lối đi, không cho người bên ngoài vào trong nhà cô. Kinh hãi bước vội tới, cô còn chưa kịp mở miệng hỏi, hàng xóm nhìn thấy cô liền cầm lấy tay cô mà gào lên:
“Cháu mau vào gặp bố đi, bố sắp đi tù mất rồi.”
Đầu não nổ ong lên một tiếng, sống lưng bất chợt lạnh buốt. Kỳ Thư kinh hãi há hóc mồm không nói nên lời. Lời nói kia như sét đánh giữa trời quang, cô nhất thời không thể chấp nhận được.
Cảnh sát lúc đó nghe người xung quanh nói cô là con gái nhà này mới bước đến trước mặt cô. Vì là trẻ vị thành niên nên lời nói cũng cẩn thận, chờ cho cô hết bàng hoàng phản ứng lại mới nói:
“Vào trong đi cháu. Không được làm ồn, có gì còn có người lớn giải quyết.”
Kỳ Thư được một chú cảnh sát dẫn vào nhà như thể đi vào nơi nào đó lạ hoắc, rõ ràng là nhà cô, mỗi ngày đều tùy tiện đi ra đi vào, sao lần này lại cần người khác dẫn vào, lại có cảm giác như đi vào địa ngục như thế này? Điều càng làm cô hoảng sợ hơn chính là khi vào nhà. Nhìn thấy trong phòng khách là gần chục chiến sĩ cảnh sát đang ngồi xung quanh. Bố cô ngồi ở giữa vòng vây đang bình tĩnh nói điều gì đó. Mẹ cô và chị gái đứng sau cánh cửa, đôi mắt đỏ hoe tựa hồ đã khóc suốt cả tiếng đồng hồ. Người ta chỉ để cô đứng ở chỗ của mẹ và chị gái, không để cô đến gần bố cô.
Như một người vô hồn, để người ta đẩy qua đẩy lại, Kỳ Thư chỉ nhìn chằm chằm về phía bố mình mà không nói một lời. Cô ghi trong đầu từng hành động của bố, nhớ rõ cái cách mà bố cắn môi không nói nên lời trước lập luận của cảnh sát, nhớ như in khoảnh khắc bố cúi đầu và khắc rõ cảnh tượng người ta dùng còng số tám đặt lên cổ tay bố khóa lại rồi phủ trên đó một tấm khăn đen. Cô nhớ hết, nhớ rất rõ.
Khoảnh khắc ám ảnh nhất với cô chính là lúc bố bị người ta dẫn đi nhìn về phía cô nở một nụ cười cho dù đôi mắt bố đã đỏ lên tia máu. Bố nói với cô rằng:
“Con ở nhà chăm mẹ và chị, bố đi rồi về ngay.”
Mẹ và chị cô gào khóc khi nhìn thấy người ta đưa bố lên xe, không quan tâm xung quanh mà cứ thể nổ máy bỏ đi. Mẹ cô lao ra đường chạy với theo khóc than đến long trời lở đất. Chị cô và hàng xóm vội vã chạy theo kéo mẹ lại rồi ôm nhau khóc ầm ĩ ngoài đường. Riêng cô cứ đờ đẫn đứng đó, nhìn nơi cuối cùng chiếc xe biến mất. Không một lời nói, không một giọt nước mắt. Chỉ ngây ngốc nhìn mọi người nhốn nháo ồn ào, nhìn người ta thương hại cô bị dọa cho mất hồn.
Thấp thoáng tiếng người ta bàn tán là lời chỉ trích hướng về bố cô, những từ ngữ nặng nề đè lên ngôi nhà này, lên bộ mặt ba mẹ con nhà cô. Hồi lâu cô mới ý thức được người ta nói gì. Bố cô là công chức nhà nước, bị người ta vu cho tội tham ô. Tội danh mà đối với mọi công chức đều là cơn ám ảnh. Nghe nói những người liên quan cùng với bố cô trong cơ quan đều bị bắt bởi vì số tiền tham ô rất lớn, ban đầu cứ nghĩ rằng bố cô vô tội, nào ngờ lại có người khai tên ông ấy ra nên mới bị cảnh sát đến tận nhà vây bắt.
Nghe hết những lời này, toàn bộ hình tượng người cha mẫu mực, giỏi giang trong đầu cô liền sụp đổ. Người luôn dạy cô cách làm người có đạo lý, dạy cô luôn trung thực thẳng thắn, thà làm ngói lành còn hơn ngọc nát lại làm ra những chuyện như thế này. Cơn sốc đó đối với cô giống như một tờ giấy trắng bị mực đen không tiếc lòng làm bẩn. Là cơn chấn động mà suốt cả đời cô chẳng thể quên.
Năm mười sáu tuổi, Kỳ Thư lạc bước từ đó.
Chẳng đứa trẻ nào có thể bình tĩnh chịu đựng lời đàm tiếu của thiên hạ, những cái bĩu môi khinh bỉ hay ánh mắt chán ghét của người đã từng thân thiết với mình. Người lớn trong gia đình của những người ở thị trấn A dặn dò con cái họ không được đến gần gia đình Kỳ Thư, rỉ tai nhau những câu chuyện không hay ho về vụ tham ô chấn động cả thị trấn kia. Chỉ trong một ngày, dường như cả thế giới đều quay lưng với gia đình cô, ném tất cả những ngôn từ đả kích về phía Kỳ Thư, khiến cho cô chỉ vài ngày đã tiều tụy đi trông thấy. Ngay cả đám Bùi Tuyết và Nhã Uyên cũng tránh né gặp cô. Riêng Thùy An đã chuyển lên tỉnh học, không còn biết chuyện gì xảy ra với cô nữa càng khiến cô trở nên đơn độc.
Cô không còn là đứa trẻ hay nói hay cười, hòa đồng và vô tư như lúc trước. Mỗi ngày đến lớp đối với cô như cơn ác mộng, ngay cả ánh mắt của giáo viên nhìn cô cho dù là thương hại hay ác cảm đều khiến cô ảo giác nhìn thấy sắc mặt khinh bạc.
“Bố mày trộm tiền của nhân dân mà ăn, mày lớn lên bằng mồ hôi nước mắt của cha mẹ bọn tao mày có vui không?”
“Mày chỉ là con một kẻ tù.”
“Rác rưởi. Tao ước mày cút khỏi nơi này.”
.....
Những lời lẽ miệt thị truyền tay nhau qua một tờ giấy ném về phía cô. Những lời thì thầm tàn độc theo gió bay chạy thẳng về tai cô. Họ đẩy cô vào vũng bùn, khiến cô suy sụp không nơi dựa dẫm. Bỗng chốc mọi oán thán của người đời cô không giữ lấy mà dồn về phía bố mình, vì ông mà cô bị dè bỉu, bị xã hội quay lưng. Cô hận ông, ghét ông. Mỗi lần nhìn thấy mẹ khóc, chị gái lủi thủi ở nhà bếp nén nước mắt, phải xin nghỉ học ở trường đại học về nhà cô lại càng ghét ông. Bao nhiêu yêu thương ông dành cho cô, cô đều cứ thế mà quên, chỉ nhớ đến sự khinh bỉ của người đời này.
Khi mọi chuyện lớn hơn thì Khang Vũ cũng đột nhiên gọi đến. Điện thoại bàn nhà cô đều do chị cô nhận máy, mỗi lần Khang Vũ nhờ chị gái chuyển máy báo danh là Khang Vũ:
“Cậu ta đã gọi đến cuộc thứ mười rồi, có chuyện gì thì nói, sao cứ để người ta mất công làm phiền nhà mình như vậy? Nhà này còn chưa đủ chuyện hay sao?”
Nhìn chị gái tỏ vẻ bực dọc, Kỳ Thư liền dập máy không nghe như những lần trước mặc kệ lời chị nói. Cô không muốn nghe Khang Vũ nói bởi vì cô sợ, nếu như Khang Vũ giống như những người ngoài kia chỉ trích cô thì cô sẽ phát điên lên mất, còn nếu cậu an ủi cô như lúc trước, cô sẽ bật khóc trước mặt cậu. Từ trước đến giờ cô đều giữ lòng kiêu hãnh, vẻ thanh cao của mình trước mặt cậu. Điều cô sợ nhất bây giờ chính là để cậu nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của cô lúc này. Tin chắc rằng nếu cậu nhìn thấy, sự yêu thích của cậu dành cho cô sẽ tiêu tan.
Không thể gọi điện cho cô. Khang Vũ đành để lại một lời nhắn trên Yahoo. Lúc Kỳ Thư mở ra chỉ thấy một dòng chữ ngay ngắn trên màn hình khiến cho niềm kiêu hãnh của cô phút chốc trở nên mềm yếu:
“Tớ là bạn cậu, không bao giờ thay đổi.”
Như thể khẳng định cho dù cả thế giới này quay lưng với cô, cậu cũng sẽ bên cạnh mà bảo vệ cô, ủng hộ cô tuyệt đối. Nhưng đối với Kỳ Thư lúc này, tình cảm đó của cậu chỉ là sự thương hại nhất thời, nếu cậu nhìn thấy cô chỉ sau một ngày bị cô lập, liệu cậu có dám bước ra khỏi đám đông mà che chở cho cô hay không?