Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

chương 6

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Khi tôi thức giấc, mặt trời đã lên cao.

Những khớp ngón tay phải tôi còn cứng đờ vì cầm bút quá lâu, không nắm lại được. Cơn dông Phật giáo đã sập xuống tôi, đè tôi mệt phờ và trống rỗng.

Tôi cúi xuống nhặt những trang bản thảo vương vãi trên sàn. Tôi không còn sức mà cũng chẳng muốn xem lại. Cứ như thể tất cả cơn cảm hứng ào ạt ấy chỉ là một giấc mơ mà tôi hết muốn để nó bị cầm tù trong những lời chữ làm nó thành sàm tục.

Mưa nhẹ, thầm lặng. Trước khi đi, Zorba đã đốt lò và cả buổi sáng, tôi cứ cuộn mình thu lu trước đống lửa, hơ tay, không ăn uống, không động cựa, chỉ lắng nghe cơn mưa đầu mùa êm đềm rơi .

Tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Cuộn tròn như con chuột chũi trong đất ẩm, óc tôi ngơi nghỉ. Tôi nghe thấy cả những thoáng chuyển động nhẹ, xào xạc và lở tở của đất, tiếng mưa rơi và tiếng mầm hạt nở. Tôi cảm thấy trời và đất giao hợp như trong thuở ban sơ khi âm dương phủ nhau tựa đàn ông với đàn bà và sinh con đẻ cái. Tôi nghe thấy suốt dọc bờ, trước mặt tôi, biển gầm gào như một con thú dữ và thè lưỡi liếm cho dịu cơn khát.

Tôi sung sướng và tôi biết thế. Trong khi hưởng hạnh phúc, ta khó mà ý thức được điều đó. Chỉ khi hạnh phúc qua rồi và ta nhìn lại, ta mới đột nhiên - đôi khi ngỡ ngàng nữa - nhận ra rằng ta đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng trên bờ biển đảo Crete này, tôi đang hạnh phúc và biết mình hạnh phúc.

Vùng biển xanh thẫm, mênh mông khát vọng này trải tới tận bờ Phi Châu. Một ngọn gió nam rất nóng gọi là Livas luôn thổi từ những miền cát cháy xa xôi. Buổi sáng, biển tỏa một thứ hương thơm như mùi dưa hấu; đến trưa thì mù sương và bình lặng với những gợn sóng nhỏ tựa bộ ngực non mới nhú: về chiều, lại thở dài và chuyển sang các màu của hoa hồng, của cà tím, của rượu vang, và xanh thẫm.

Quá trưa, tôi tiêu khiển bằng cách bốc cát mịn vàng và để nó chảy chuội nong nóng, êm êm qua các kẽ ngón tay. Bàn tay - một cái đồng hồ cát qua đó cuộc đời chúng ta chảy chuội đi và mất tiêu. Nó đang tự mất tiêu. Tôi nhìn biển, lắng tiếng Zorba và cảm thấy hai thái dương rần rật hạnh phúc như muốn nổ tung.

Tôi nhớ lại một hôm đúng trước năm mới, Alka, đứa cháu gái bốn tuổi của tôi, trong lúc hai chú cháu đang nhìn vào một cửa hàng đồ chơi, quay lại nói với tôi nhận xét kỳ lạ này: "Chú Ogre, cháu sướng đến nỗi muốn mọc sừng ra!" Tôi sửng sốt. Cuộc đời thật là kỳ diệu, và mọi tâm hồn, khi đâm rễ sâu xuống, gặp gỡ nhau và hòa làm một, thì sao mà giống nhau đến thế! Vì tôi chợt nhớ ngay đến một hình Đức Phật khắc trên gỗ mun mà tôi đã thấy ở một viện bảo tàng xa xôi. Sáu bảy năm đau đớn khắc khoải Đức Phật đã tự giải thoát và tắm trong niềm vui. Gân xanh hai bên trán căng phồng đến mức trồi khỏi da, biến thành cặp sừng mạnh mẽ xoắn lại như hai chiếc lò xo thép.

Về cuối chiều, cơn mưa nhẹ tạnh hẳn, bầu trời trở nên trong sáng. Tôi thấy đói và vui thích thấy mình đói vì giờ đây Zorba sắp về, nhóm lửa và bắt tay vào nấu nướng như một nghi thức thường nhật.

- Lại một chuyện không bao giờ để ta yên, Zorba thường nói vậy khi đặt nồi lên bếp. Đâu phải chỉ có đàn bà - mẹ kiếp, đó là chuyện bất tận - lại còn chuyện ăn nữa chứ!

Trên bờ biển này, lần đầu tiên tôi cảm thấy có một bữa ăn là điều thú vị biết bao. Chiều đến, Zorba nhóm bếp giữa hai hòn đá và nấu nướng. Chúng tôi bắt đầu ăn uống, chuyện trò trở nên rộn rã. Cuối cùng, tôi nhận chân ra ăn uống là một chức năng tâm linh và thịt, bánh mì, cùng rượu vang là những nguyên liệu tạo thành trí tuệ.

Sau ngày làm việc vất vả, trước khi ăn uống, Zorba thường ỉu xìu, mở miệng là gắt, lắm lúc tôi phải gặng mãi lão mới nói, cử động thì lờ phờ, lóng ngóng. Nhưng vừa "đốt nóng máy", theo cách nói của lão, là cả cỗ máy mệt mỏi kẽo kẹt của thân thể lão lại hồi dậy một lần nữa, lấy đà và bắt đầu chạy. Cặp mắt lão sáng lên, tâm trí tràn đầy hồi ức, hai chân mọc cánh và lão nhảy múa. Hãy nói cho tôi nghe anh làm gì với những thực phẩm anh ăn, tôi sẽ nói anh là người như thế nào. Có kẻ biến đồ ăn thành mỡ, thành phân, kẻ biến thành công việc và tâm trạng vui tươi, lại có một số khác, theo như tôi được nghe nói, biến nó thành Thượng đế. Vậy là phải có ba loại người. Tôi không thuộc loại tồi tệ nhất, sếp ạ, cũng chẳng thuộc loại ưu tú nhất. Tôi ở đâu đó giữa hai loại ấy. Tôi biến những gì mình ăn thành công việc và tâm trạng vui tươi. Xét cho cùng, thế cũng không đến nỗi quá tệ!

Lão nhìn tôi, tinh quái và cất tiếng cười.

- Còn sếp, lão nói, sếp ạ, tôi nghĩ sếp thành thực ráng hết sức biến những gì sếp ăn thành Thượng đế. Nhưng sếp không thành công và điều đó làm sếp đau đớn. Điều xảy đến với sếp cũng giống như điều xảy đến với con quạ.

- Cái gì đã xảy đến với con quạ, Zorba?

- À, sếp thấy đấy, trước kia nó thường đi đứng bệ vệ đúng cách... Ờ đúng như một con quạ vậy. Nhưng một hôm, nó bỗng nảy ra ý muốn thử đi điệu đàng như bồ câu. Và từ đó trở đi, suốt đời nó, con chim khốn khổ không sao nhớ lại được dáng đi của chính mình nữa. Nó đánh lộn nhào hết, sếp thấy không. Nó chỉ còn biết tập tà tập tễnh thôi.

Tôi ngẩng đầu lên. Tôi đã nghe thấy tiếng chân Zorba từ lúc lão lên khỏi đường hầm. Lát sau, tôi thấy lão lại gần, mặt chảy dài cau có, hai cánh tay thõng hai bên sườn.

- Chào sếp, lão nói, không chút sinh khí.

- Chào Zorba. Công việc hôm nay ra sao?

Lão không trả lời.

- Tôi đi nhóm bếp, chuẩn bị bữa ăn đây, lão nói.

Lão lấy một ôm củi trong góc, đi ra ngoài, khéo léo xếp các thanh củi thành một đống giữa hai hòn đá và nhóm lửa. Lão đặt cái nồi đất lên trên, đổ ít nước vào, bỏ hành, cà chua và gạo. rồi bắt đầu nấu. Trong khi đó, tôi trải khăn lên một cái bàn tròn thấp, cắt bánh mì thành những lát dày và rót rượu từ hũ ra quả bầu trang trí đầy họa tiết mà ông già Anagnosti đã tặng chúng tôi ít lâu sau khi chúng tôi tới. Zorba quỳ trước cái nồi, nhìn trân trân vào ngọn lửa và lặng thinh.

- Bác có con không, Zorba? Tôi đột ngột hỏi.

Lão ngoái lại nhìn tôi.

- Cháu lấy chồng chưa?

Zorba bật cười.

- Tại sao bác cười, Zorba?

- Hỏi gì mà lạ vậy! Lão nói. Cố nhiên là nó có chồng rồi. Nó đâu phải đứa ngu đần. Hồi ấy, tôi đang làm ở một mỏ đồng gần Pravishta thuộc miền Chaleidice. Một hôm, tôi nhận được thư của Yanni, em trai tôi. À phải, tôi quên không nói với sếp là tôi có một em trai, một thằng cha khôn ngoan, chỉ ngồi nhà cho vay nợ lãi, một thằng đạo đức giả chăm chỉ đi lễ nhà thờ, một trụ cột của xã hội. Nó là chủ một hiệu tạp hóa ở Salonica. "Anh Alexis thân yêu" , nó viết cho tôi, "Phrosso con gái anh đã lầm đường lạc lối; nó đã làm ô danh gia đình ta. Nó có một thằng nhân tình và đã có con với nó. Nhà ta bại hoại thanh danh rồi. Tôi sẽ về làng cắt cổ nó."

- Thế bác đã làm gì, Zorba?

Zorba nhún vai.

- "Ôi chao, đàn bà!" Tôi nói vậy và xé tan bức thư.

Lão ghế cơm, bỏ chút muối vào và nhăn răng cười.

- Nhưng khoan đã, sếp chưa thấy khía cạnh tức cười của câu chuyện này. Hai ba tháng sau tôi lại nhận được bức thư thứ hai của thằng em. "Chúc anh sức khỏe và hạnh phúc, anh thân yêu", thằng rồ ấy viết cho tôi. "Thanh danh nhà ta vẫn toàn vẹn, anh lại có thể cất cao đầu. Cái thằng cha ấy đã cưới Phrosso". Zorba quay lại nhìn tôi. Qua đốm lửa lập lòe của điếu thuốc lão đang hút, tôi thấy mắt lão long lanh. Lão lại nhún vai.

- Ôi chao, đàn ông! Lão nói với vẻ miệt thị khôn tả.

Lát sau, lão nói tiếp:

- Liệu ta có thể chờ mong gì ở đàn bà, lão nói, ngoài một điều là đi theo thằng đàn ông đầu tiên nào đến với họ và có con với hắn? Liệu ta có thể chờ đợi gì ở đàn ông, ngoài một điều là rơi vào cái bẫy ấy? Xin hãy nhớ lấy lời tôi sếp ạ. Lão bắc nồi khỏi bếp và chúng tôi bắt đầu bữa ăn tối. Zorba lại trầm ngâm suy nghĩ.

Có điều gì đang làm lão băn khoăn. Lão nhìn tôi, toan nói rồi lại ngậm miệng lại. Dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, tôi thấy vẻ bối rối lo âu trong mắt lão.

Nom lão như vậy, tôi không chịu nổi.

- Zorba, tôi nói, bác muốn nói với tôi điều gì đó.Vậy thì nói đi. Nào, hãy xổ ra cho nhẹ mình.

Zorba vẫn im lặng. Lão nhặt một hòn sỏi nhỏ, ném khá mạnh qua cửa sổ.

- Để yên mấy hòn sỏi đó! Nói đi!

Zorba vươn dài cái cổ nhăn nheo.

- Sếp có tin tôi không, sếp? Lão hỏi, lo lắng nhìn vào mắt tôi.

- Có chứ, Zorba, tôi đáp. Bác làm bất kỳ cái gì cũng không thể sai lầm, ngay cả nếu bác muốn sai cũng không được. Bác giống như con sư tử, tạm ví như thế, hay con sói. Cái loài thú này không bao giờ ứng xử như bọn cừu hay lừa; nó không bao giờ phản lại bản chất của mình. Bác cũng vậy, bác là Zorba triệt để đến tận đầu móng tay móng chân.

Zorba gật đầu:

- Nhưng tôi mù tịt không còn biết chúng ta đang đi đâu nữa! Lão nói.

- Tôi biết. Cái đó thì bác khỏi phải băn khoăn. Bác cứ việc thẳng tiến!

- Nói lại đi, sếp, cho tôi thêm can đảm nào? Lão kêu lên.

- Thẳng tiến!

Mắt Zorba sáng lên.

- Bây giờ thì tôi có thể nói với sếp, lão nói, mấy ngày gần đây, tôi đang vạch một kế hoạch lớn trong đầu, một ý ngông cuồng. Có nên thực thi không?

- Bác cần gì phải hỏi tôi? Chính vì thế mà chúng ta đây: thực hiện các ý tưởng.

Zorba vươn cổ nhìn tôi, vui mừng pha lẫn sợ hãi.

- Nói rõ ra, sếp! Lão kêu lên, không phải chúng ta đây vì than chứ?

- Than chỉ là một cái cớ để ngăn dân địa phương tọc mạch, cốt sao họ coi mình là những chủ thầu đứng đắn và đừng ném cà chua vào chúng ta. Bác hiểu không, Zorba?

Zorba ngớ ra. Lão cố hết sức để hiểu mà không dám tin vào một hạnh phúc như vậy. Thế rồi đột nhiên, lão tin. Lão bổ tới nắm lấy vai tôi.

- Sếp biết nhảy không? Lão sôi nổi hỏi. Sếp biết nhảy không ?

- Không.

Lão sững sờ, buông thõng tay xuống.

- Thôi được, lát sau lão nói. Vậy thì tôi sẽ nhảy, sếp ạ. Sếp ngồi dịch ra, để tôi khỏi va phải.

Lão nhảy vọt một cái, lao ra khỏi lều, trút bỏ giày, áo ngoài, áo vét, xắn quần lên đến đầu gối và bắt đầu nhảy. Mặt lão còn đen than, lòng trắng mắt long lanh.

Lão lao vào điệu nhảy, vỗ tay, vọt lên xoáy lộn trong không trung, buông mình quỳ xuống rồi lại vọt lên, hai cẳng co gập như thể người lão bằng cao su vậy. Đột nhiên, lão chồm lên không mạnh mẽ như thể muốn chinh phục những quy luật thiên nhiên mà bay đi. Người ta cảm thấy trong thân thể già nua của lão, có một linh hồn đang vùng vẫy cố mang phần xác thịt đi và băng mình vào bóng tối như một thiên thạch. Nó lay chuyển thân thể đang rơi trở xuống vì không thể ở lâu trên không, nó lại lắc mạnh thân thể không thương xót, lần này bốc lên, cao hơn một chút, nhưng cái thân thể tội nghiệp lại rơi xuống, hổn hển.

Zorba cau trán, mặt lão mang một vẻ nghiêm nghị dễ sợ. Lão thôi không la hét nữa. Nghiến răng lại, lão dốc hết sức đạt đến cái bất khả.

- Zorba! Zorba! Tôi quát lên. Thế là đủ rồi. Tôi sợ cái thân thể già nua của lão không chịu nổi ngần ấy bạo lực và có thể vỡ tan thành ngàn mảnh, để gió cuốn đi bốn hướng trời.

Nhưng tôi quát thì ăn thua gì? Làm sao Zorba nghe thấy tiếng tôi kêu từ dưới đất? Cơ thể lão đã trở nên giống như cơ thể loài chim.

Tôi lo âu theo dõi điệu nhảy man rợ và vô vọng ấy.

Hồi còn nhỏ, tôi thường thả lỏng cho trí tưởng tượng và kể cho tụi bạn nghe những chuyện bịa quá đáng mà sau đó chính tôi cũng tin là thật.

Một hôm, thằng bạn nhỏ học cùng trường hỏi tôi. "Ông nội mày chết như thế nào?"

Thế là tôi bịa ngay ra một huyền thoại và càng bịa tôi càng tin.

- Ông nội tao có chòm râu bạc trắng và thường đi giày cao su. Một hôm ông từ mái nhà nhảy xuống, nhưng khi chân vừa chạm đất, ông lại nảy bật lên như trái banh và càng lúc càng lên cao, cho đến khi mất hút vào trong mây. Ấy, ông nội tao đã chết như thế đấy.

Sau khi bịa ra câu chuyện huyền thoại ấy, mỗi lần vào ngôi nhà thờ nhỏ thờ Thánh Minas và trông thấy hình ảnh Chúa Kitô lên trời ở mé dưới tấm bình phong che bàn thờ, tôi lại chỉ vào, bảo tụi bạn:

- Kìa, ông tao đi giày cao su đó!

Tối nay, sau bao nhiêu năm, thấy Zorba nhảy vọt lên không, tôi khiếp hãi sống lại câu chuyện trẻ con của mình, chỉ sợ Zorba mất hút vào trong mây.

- Zorba. Zorba! Tôi gào lên. Thế là đủ rồi!

Cuối cùng, Zorba phục xuống mặt đất, thở không ra hơi. Mặt lão rờ rỡ hoan hỉ. Mái tóc hoa râm dính bết vào trán và mồ hôi quyện lẫn bụi than, ròng ròng chảy xuống Tôi lo lắng cúi trên người lão.

- Làm thế, tôi cảm thấy dễ chịu hơn, một phút sau lão nói, như là vừa được chích huyết vậy. Bây giờ tôi có thể nói chuyện được rồi.

Lão trở vào lều, ngồi trước bếp lửa và nhìn tôi với một vẻ rạng rỡ.

- Cái gì nhập vào làm bác nhảy múa như vậy.

- Tôi còn có thể làm gì khác, hả sếp? Niềm vui làm tôi nghẹn thở, tôi phải tìm cách khơi thông. Và khơi thông bằng cách nào? Bằng lời ư? Xì!

- Niềm vui nào?

Mặt lão sa sầm, môi bắt đầu run.

- Niềm vui nào ư? Thế điều sếp vừa nói với tôi ban nãy, vậy là nói... khơi khơi, nói suông thế thôi à? Chính bản thân sếp cũng không hiểu điều đó à? Chúng ta đến đây không phải vì than, sếp đã bảo tôi thế. Đó là điều sếp đã nói với tôi, phải không nào? Chúng ta đến đây để tiêu thì giờ và đánh lạc hướng dân địa phương để họ khỏi coi chúng ta là những thằng điên và ném cà chua vào chúng ta! Nhưng khi chỉ có hai ta với nhau không ai dòm ngó thì chúng ta có thể khoái trá, cười vui! Có đúng thế không? Tôi xin thề rằng tôi cũng muốn thế, song tôi đã không nhận thức đúng điều đó. Đôi khi tôi nghĩ đến than, đôi khi đến mụ Bouboulina, đôi khi đến sếp...thường xuyên trong tình trạng xáo lộn. Khi tôi đào được một đường hầm, tôi nói: "Cái ta muốn, chính là than!".Và tôi trở thành than từ đầu đến chân. Nhưng sau đó, khi công việc xong xuôi, khi tôi đú đởn với mụ nái sề ấy - cầu cho mụ may mắn! - tôi lại nói: quỷ tha ma bắt tất cả các bao than bùn và tất cả các sếp đi, đem treo cổ tất cả bằng dải băng nhỏ quanh cổ mụ - kể cả Zorba nữa! Rồi khi tôi cô đơn một mình, chẳng có việc gì làm, tôi nghĩ đến sếp, sếp ạ, và tim tôi se lại. Nó đè nặng lên lương tâm tôi. "Thật ô nhục, Zorba ạ", tôi thốt lên, "thật ô nhục cho mày đi lừa con người đôn hậu kia và ăn hết tiền của hắn. Bao giờ mày mới chấm dứt vai trò một thằng vô liêm sỉ, hở Zorba? Tao chán mày lắm rồi đó!" Tôi xin nói với sếp trước đây tôi không biết mình đang ở đâu nữa. Ma quỷ kéo tôi về một đằng, Thượng đế lại lôi tôi về nẻo khác, và hai bên co kéo làm tôi tách đôi ra ở giữa. Bây giờ, sếp đã nói một điều thật lớn lao - Cầu chúa ban phước cho sếp – và tôi có thể thấy hoàn toàn sáng rõ. Tôi đã thấy, tôi đã hiểu! Chúng ta đã nhất trí! Ta hãy cho đổ vỡ đi! Sếp còn bao nhiêu tiền? Đưa đây! Ta đi ăn cho hết đi.

Zorba lau mồ hôi trán và nhìn quanh. Dư tàn của bữa ăn tối còn ngổn ngang trên chiếc bàn con. Lão vươn cánh tay dài nhặt nhạnh:

- Xin phép sếp, lão nói. Tôi lại đói rồi.

Lão cầm lấy một lát bánh mì, một củ hành và một nắm ô-liu.

Lão ăn ngấu nghiến, dốc ngược bầu rượu không để chạm môi và rượu vang đỏ chảy ừng ực xuống cổ họng lão. Zorba chép lưỡi, thỏa mãn.

- Dễ chịu hơn rồi, lão nói.

Lão nháy tôi và hỏi:

- Tại sao sếp không cười? Tại sao sếp nhìn tôi như vậy? Tôi vốn thế đó. Trong tôi có một con quỷ, nó hò hét, nó bảo gì tôi làm nấy. Khi nào tôi cảm thấy nghẹn ngào xúc động, nó liền bảo: "Nhảy đi" và tôi nhảy. Và tôi cảm thấy dễ chịu! Có lần, khi thằng bé Dimitraki nhà tôi chết ở Chalvidice, tôi cũng đứng dậy mà nhảy như lúc nãy. Họ hàng, bạn bè trông thấy tôi nhảy múa trước xác con, liền bổ tới ngăn tôi lại. "Zorba hóa dại rồi!" Họ kêu lên. "Zorba hóa dại rồi!" Nhưng nếu lúc ấy tôi không nhảy thì tôi phát điên thật... vì đau đớn. Bởi đó là đứa con trai đầu lòng của tôi, nó mới ba tuổi, mất nó tôi không sao chịu nổi. Sếp có hiểu những điều tôi đang nói không, sếp - hay là tôi nói tôi nghe thôi?

- Tôi hiểu, Zorba ạ, tôi hiểu; không phải bác nói bác lại nghe đâu.

- Một lần khác... hồi ấy, tôi ở bên Nga... Phải, tôi đã ở cả bên ấy nữa, cũng lại làm mỏ, lần này thì là mỏ đồng, gần Novo Rossisk... Tôi học được dăm sáu từ Nga, vừa đủ cho công việc: không, có, bánh mì, nước, anh yêu em, lại đây, bao nhiêu? Nhưng tôi đánh bạn với một người Nga, một tên Bônsêvích triệt để từ đầu đến chân. Tối nào chúng tôi cũng đến một tiệm rượu ở cảng. Chúng tôi đánh đổ hàng bao nhiêu chai vodka và do đó phấn hứng lên. Đã bốc lên là muốn trò chuyện. Hắn muốn kể tôi nghe mọi điều đã xảy đến với hắn trong Cách mạng Nga và tôi thì muốn cho hắn biết tôi đã làm những trò vè gì...Chúng tôi đã say sưa với nhau, sếp hiểu không và đã trở thành anh em.

"Bằng cách ra hiệu, chúng tôi cố hết sức đi đến một thỏa thuận. Hắn phải nói trước. Hễ tôi không nghe kịp thì phải kêu: "Stop!" Thế là hắn đứng lên và nhảy múa. Sếp hiểu chứ? Hắn nhảy để diễn đạt những điều hắn muốn nói với tôi. Và tôi cũng làm thế. Bất cứ điều gì không thể nói bằng miệng, chúng tôi đều nói bằng chân, bằng tay, bằng bụng hoặc bằng những tiếng la man dại. Hầy! Hầy! Hốp-la! Hây-hô?

"Gã người Nga bắt đầu nói: Nào là hắn cầm súng như thế nào, chiến tranh lan tràn ra làm sao, nào là họ tới Novo Rossisk thế nào. Khi tôi không theo dõi kịp nữa, tôi liền kêu: "Stop!" Lập tức, gã người Nga phốc lên và nhảy múa quay cuồng. Hắn nhảy như điên. Tôi quan sát tay, chân, ngực, mắt hắn và tôi hiếu hết họ vào Novo Rossisk như thế nào; cướp phá các cửa hiệu ra sao; đột nhập các nhà và bắt đàn bà mang đi như thế nào. Thoạt đầu, các ả kêu khóc và tự cào mặt, cào cả bọn đàn ông bắt họ nữa, nhưng rồi họ thuần dần, họ nhắm mắt lại và sướng rên ư ử. Thì họ là đàn bà mà...

"Thế rồi sau đó, đến lượt tôi. Tôi mới thốt ra được mấy tiếng, có lẽ tại hắn hơi đần độn - đầu óc loạng quạng - là gã người Nga đã la: "Stop!" Tôi chỉ chờ có thế. Tôi chồm dậy, gạt bàn ghế ra và bắt đầu nhảy múa. Chao, bạn tội nghiệp của tôi ơi, con người đã sa đọa biết mấy, ma quỷ bắt họ đi! Họ đã để cho thân thể hóa cám, chỉ còn biết nói bằng mồm. Nhưng phỏng ta chờ đợi cái mồm nói điều gì? Nó có thể nói gì mới được chứ? Giá sếp có thể thấy gã người Nga ấy lắng nghe tôi từ đầu đến chân như thế nào và hắn nắm bắt được mọi điều như thế nào !

Qua điệu nhảy, tôi đã thể hiện những bất hạnh, những chuyến phiêu du của tôi; bao nhiêu lần lấy vợ; các thứ nghề đã học: thợ đá, thợ mỏ, hàng xén lưu động, thợ gốm, comibadji ( [] ), đánh đàn santuri , bán hạt bầu rang, thợ rèn, buôn lậu; bị bỏ tù như thế nào; vượt ngục như thế nào; làm sao đến được nước Nga...

"Mặc dầu đần độn, hắn vẫn hiểu được tất cả, tất cả. Tôi nói bằng chân, bằng tay, bằng cả tóc tai và quần áo nữa. Và bằng cả con dao lủng lẳng ở thắt lưng nữa. Khi tôi thấm dứt, anh chàng đại quích ấy ôm ghì lấy tôi; chúng tôi rót vodka đầy ly một lần nữa; chúng tôi khóc, chúng tôi cười trong vòng tay nhau. Tảng sáng, chúng tôi buông nhau ra và chệnh choạng về giường ngủ. Và đến chiều, chúng tôi lại gặp nhau.

"Sếp cười à? Phải chăng sếp không tin tôi? Chắc sếp đang tự bảo: cái lão Sinbad nhà Hàng Hải này đang huyên thuyên những chuyện tào lao gì đây? Có thể nào lại nói chuyện bằng nhảy múa được? Vậy mà tôi dám thề rằng thần thánh và ma quỷ hẳn phải nói chuyện với nhau bằng cách ấy đấy.

"Nhưng tôi thấy là sếp buồn ngủ rồi? Sếp yếu ớt quá chả có sức chịu đựng gì cả. Thôi, đi ngủ đi, mai ta sẽ lại tiếp tục câu chuyện này. Tôi có một kế hoạch, một kế hoạch tuyệt vời. Mai tôi sẽ nói cho sếp biết. Giờ tôi sẽ hút thêm một điếu thuốc nữa. Thậm chí tôi có thể ra biển tắm một cái. Tôi đang hừng hực lửa, cần phải dập tắt đi. Chúc ngủ ngon!"

Mãi tôi mới ngủ được. Đời mình thật phí hoài, tôi nghĩ thầm. Giá tôi có thể lấy một mảnh vải chùi sạch mọi thứ tôi đã học được, mọi cái tôi đã nhìn thấy, nghe thấy, để đến thụ giáo Zorba và bắt đầu học hệ thống chữ cái lớn lao đích thực thì con đường tôi chọn theo hẳn đã khác biết bao! Lẽ ra tôi phải rèn luyện ngũ quan cho hoàn hảo và toàn bộ thân thể nữa để nó biết hưởng lạc và nhận thức. Lẽ ra tôi phải học chạy, đánh vật, bơi lội, cưỡi ngựa, chèo thuyền, lái xe hơi, bắn súng. Lẽ ra tôi phải lấy xác thịt đắp cho đầy linh hồn. Thực tế, lẽ ra rốt cuộc tôi phải dung hòa trong tôi hai yếu tố đối kháng muôn thuở.

Ngồi trên nệm, tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời hoàn toàn phí hoài của mình. Qua khung cửa mở, ánh sao vừa đủ để tôi thấy Zorba. Lão đang khom khom trên một tảng đá như một con chim đêm. Tôi thèm được như lão. Chính lão là kẻ đã phát hiện ra chân lý, tôi nghĩ thầm. Con đường của lão là chính đạo.

Nếu ở những thời đại khác, sơ khai hơn và sáng tạo hơn, thì hẳn Zorba đã là một tù trưởng, đi trước, mở đường phát lối bằng một lưỡi rìu. Hoặc giả là một nhà thơ hát rong nổi tiếng đi thăm các lâu đài, và mọi người - các lãnh chúa, các phu nhân, tiểu thư cùng nô bộc - đều chăm chú hóng từng lời ca của lão... Ở cái thời đại bạc bẽo của chúng ta thì Zorba lang thang đói meo quanh các hàng rào như một con sói hoặc xuống tới mức trở thành thằng hề cho một tay cạo giấy nào đó.

Tôi nhìn thấy Zorba đứng phắt dậy. Lão cởi quần áo ném xuống lớp sỏi và nhảy ùm xuống biển. Trong mấy phút, dưới ánh trăng bàng bạc, tôi thấy cái đầu to tướng của lão ẩn hiện. Thỉnh thoảng, lão lại phát ra một tiếng kêu - sủa, hí, gáy như gà - trong cái đêm trống vắng này, tâm hồn lão bỗng thấy đồng điệu với thú vật.

Tôi nhẹ nhàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Hôm sau, trời vừa rạng, tôi đã thấy Zorba, tươi cười và khoan khoái sau giấc ngủ, đến kéo chân tôi.

- Dậy đi, sếp, lão nói, để tôi trình bày kế hoạch của tôi với sếp. Sếp sẵn sàng nghe chứ?

- Tôi nghe đây.

Lão ngồi xếp bằng trên mặt đất và bắt đầu cắt nghĩa lão dự định kéo một đường dây cáp từ đỉnh núi xuống bờ biển như thế nào, bằng cách ấy, chúng tôi có thể chuyển xuống số gỗ cần thiết để làm cọc chống lò, còn lại bao nhiêu bán làm gỗ dựng nhà . Trước đó , chúng tôi đã quyết định thuê một rừng thông thuộc sở hữu của tu viện, nhưng việc vận chuyển thì đắt, mà chúng tôi lại không kiềm đủ. Cho nên Zorba mới nghĩ ra việc lập tuyến chuyên chở bằng cáp lớn, cột tháp và ròng rọc.

- Đồng ý chứ? Lão hỏi tôi sau khi trình bày xong. Sếp chấp thuận nhé?

- Tôi chấp thuận, Zorba. Đồng ý!

Lão nhóm lửa, đặt ấm nước lên bếp, pha cà phê cho tôi, phủ một tấm mền lên chân tôi cho khỏi cảm lạnh và hài lòng đi ra.

- Hôm nay ta sẽ mở một đường hầm mới, lão nói. Tôi đã tìm ra một vỉa than rất đẹp! Đích thị kim cương đen!

Tôi giở bản thảo cuốn Đức Phật ra và tôi cũng tiến vào những đường hầm của mình. Tôi viết suốt ngày và càng tiến tới, tôi càng cảm thấy tự do hơn. Cảm giác của tôi pha trộn: nhẹ nhõm, tự hào, chán chường. Nhưng tôi dấn mình vào công việc vì tôi biết khi nào tôi hoàn thành bản thảo, gói lại, niêm phong là tôi sẽ tự do.

Tôi thấy đói. Tôi ăn dăm quả nho khô, mấy trái hạnh đào và một miếng bánh mì. Tôi chờ Zorba trở về, mang theo tất cả những gì làm vui ấm lòng người : tiếng cười trong sáng, lời thân ái, món ăn ngon lành.

Chiều tối, lão xuất hiện và sửa soạn bữa ăn. Chúng tôi ăn nhưng tâm trí lão để đâu đâu. Lão quỳ xuống, cắm những mẩu gỗ nhỏ xuống đất, dăng một đoạn dây ở trên, treo một que diêm vào con ròng rọc nhỏ xíu, cố tìm độ nghiêng chính xác sao cho toàn bộ cái mớ sắp đặt ấy khỏi sập đổ.

- Nếu dốc quá thì hỏng, lão giải thích cho tôi. Ta phải tìm độ dốc chính xác. Và muốn thế, sếp ạ, cần phải có đầu óc và rượu.

- Rượu thì ta có vô khối, tôi cười nói, nhưng còn đầu óc thì...

Zorba cười phá.

- Có một số điều sếp hiểu sâu đáo để, sếp ạ, lão nói mắt nhìn tôi trìu mến.

Lão ngồi xuống nghỉ và châm một điếu thuốc lá.

Lão lại phấn hứng và trở nên ba hoa.

- Nếu đường dây này hoạt động tốt, lão nói, ta sẽ có thể chuyển gỗ của cả cánh rừng xuống. Ta có thể mở một nhà máy, xẻ ván, cột, dựng giàn giáo; chà, chúng ta sẽ nằm trên đống bạc. Chúng ta sẽ làm một con tàu ba buồm, rồi khăn gói gió đưa, chu du vòng quanh thế giới!

Trước mắt Zorba, hiển hiện lên hình ảnh những phụ nữ ở những hải cảng xa xôi, những đô thị, ánh đèn rực rỡ, những tòa nhà đồ sộ, những con tàu.

- Đầu tôi đã bạc, răng đã lung lay, sếp ạ. Tôi đâu còn thì giờ để phí phạm. Sếp còn trẻ, sếp còn có thể kiên nhẫn được. Tôi thì không. Nhưng tôi xin tuyên bố, càng già tôi càng ngông cuồng rồ dại. Đừng có ai nói với tôi là tuổi già làm người ta ổn định! Cũng đừng nói rằng khi thấy thần chết đến, con người vươn cổ ra mà rằng: Xin chặt đầu tôi đi cho tôi được lên Thiên đàng? Tôi càng sống lâu, càng nổi loạn. Tôi sẽ không nhượng bộ, tôi muốn chinh phục thế giới kia!

Lão đứng dậy và lấy cây santuri treo trên vách xuống.

- Lại đây nào, đồ quỷ, lão nói. Mày làm gì mà cứ lủng lẳng trên vách không nói một lời nào? Hát cho chúng ta nghe nào!

Nhìn Zorba mở túi đàn thận trọng từng li từng tí và xiết bao dịu dàng, tôi không bao giờ biết chán. Nom như lão đang bóc vỏ một quả vả chín sẫm hoặc giải y một người đàn bà vậy.

Lão đặt cây santuri lên lòng, cúi xuống, khẽ chạm vào dây - như thể lão đang hỏi ý kiến nó xem nên ca điệu gì, như thể lão đang van xin nó thức giấc, như thể lão đang cố dỗ dành nó chịu khó bầu bạn với tâm hồn lãng tử phiêu bạt của lão giờ đây đang mệt mỏi vì cô đơn. Lão thử dạo một bài. Nó gượng gạo làm sao ấy; lão bỏ và chuyển sang một bài khác; dây đàn nghiến ken két như đau đớn, không muốn lên tiếng. Zorba dựa vào vách, lau vầng trán đột nhiên vã mồ hôi.

- Nó không muốn... lão lẩm bẩm, kinh sợ nhìn cây santuri , nó không muốn!

Lão lại bọc nó lại cẩn thận, như thể nó là một con thú dữ và lão sợ nó cắn vậy. Lão chậm rãi đứng dậy, treo nó lên vách.

- Nó không muốn... lão lại lẩm bẩm, nó không muốn, ta không nên ép nó!

Lão lại ngồi bệt xuống đất, vùi mấy hạt dẻ vào đống than và rót rượu vào ly. Lão uống, uống nữa, bóc một hạt dẻ đưa cho tôi.

- Sếp có hiểu nổi không? Lão hỏi tôi. Tôi chịu đấy. Mọi thứ đều như có một linh hồn - gỗ, đá, rượu vang ta uống và đất ta giẫm bước lên. Mọi vật, sếp ạ, tất cả mọi vật!

Lão nâng ly: "Chúc sức khỏe sếp!"

Lão uống cạn ly và lại rót đầy.

- Cuộc đời này thật là một con mụ tai quái! Lão lẩm bẩm. Một con mụ tai quái! Giống hệt mụ Bouboulina!

Tôi bật cười.

- Nghe này, sếp, đừng có cười. Cuộc đời thật y hệt mụ Bouboulina. Nó già rồi, phải không nào? Ô-kê, nhưng nó đâu có thiếu gia vị đậm đà. Mụ biết một vài khóe làm mình cứ là điên đầu lên. Nếu nhắm mắt lại, mình cứ tưởng như ôm trong tay một cô gái hai mươi. Mụ đúng là gái hai mươi, khi ta đang hành sự và tắt hết đèn lửa, tôi dám thề vậy.

"Tha hồ cho sếp nói với tôi rằng mụ đã hơi chín nẫu, rằng mụ đã sống một cuộc đời khá phóng đãng, chơi bời tung tẩy với đủ loại thủy sư đô đốc, lính thủy, lính bộ, nông dân, kép hát rong, nhà truyền giáo, tăng lữ, cảnh sát, thầy giáo, thẩm phán tòa hòa giải, muốn nói gì cũng vô ích! Thế thì sao? Việc quái gì? Mụ vốn mau quên, cái đồ điếm già ấy. Mụ không nhớ nổi bất kỳ ai trong số tình nhân cũ. Mỗi lần chúng tôi gần gũi nhau - tôi không nói bông phèng đâu - mụ lại trở thành một con bồ câu dịu dàng bé nhỏ, một con thiên nga trắng muốt, một con chim câu mái còn đang bú mẹ, mụ đỏ bừng mặt e thẹn - phải, đúng thế đấy, mụ đỏ mặt e thẹn và run rẩy toàn thân như thể lần đầu biết chuyện ái ân! Đàn bà quả là điều bí ẩn, sếp ạ! Dù có sa ngã ngàn lần, họ vẫn ngàn lần đứng dậy nguyên vẹn trắng trong như một trinh nữ. Nhưng làm sao lại ra như thế, sếp biết không? Bởi vì họ không nhớ gì hết."

- Thế nhưng con vẹt lại nhớ, Zorba à, tôi nói để chọc lão. Nó luôn luôn quang quác một cái tên không phải tên bác. Chẳng lẽ bác lại không bực mình khi nghe con vẹt ấy kêu rầm lên: "Canavarô! Canavarô!" mỗi lần bác đang sướng mê như bay bổng tới chín tầng trời? Bác không muốn túm cổ nó mà vặn ngoéo đi sao? Đã đến lúc bác phải dạy nó kêu: "Zorba! Zorba!" rồi đấy!

- Ối dào, toàn chuyện vớ vẩn, tầm phào! Zorba kêu lên, đưa hai bàn tay to tướng lên bịt tai. Sếp bảo vặn cổ nó ư? Nhưng tôi lại thích nghe nó kêu cái tên ấy! Đêm đến, mụ gái già tội lỗi treo nó ở đầu giường, con quỷ con ấy có con mắt nhìn xuyên bóng tối và chúng tôi vừa bắt đầu tòm tem là nó kêu liền "Canavarô! Canavarô!" Và lập tức tôi thề với sếp đó - nhưng làm sao sếp hiểu nổi khi mà đầu óc sếp đã bị đống sách chết tiệt nọ làm ô nhiễm? - tôi thề rằng tôi lập tức cảm thấy chân mình đang đi ủng da bóng loáng, đầu đội mũ cắm lông chim và cằm mượt mà một bộ râu thơm phức mùi hoắc hương. Buono Giorno! Buono sera! Mangiate mararoni! ( [] ) Tôi thực sự trở thành Canavanô. Tôi leo lên cái soái hạm của tôi chi chít ngàn vết đạn và a-lê hấp... Nổi lửa nồi sup-ze lên! Loạt pháo bắt đầu!

Zorba cười hồ hởi. Lão nhắm mắt trái và nhìn tôi bằng mắt phải.

- Sếp thứ lỗi cho tôi, lão nói, nhưng tính tôi giống hệt ông nội tôi, Alexis - Cầu Thượng đế độ trì cho linh hồn cụ siêu thoát! Chiều chiều cụ thường ngồi ở trước cửa nhà - hồi ấy cụ đã một trăm tuổi - và liếc tình các thiếu nữ ra giếng gánh nước. Mắt kèm nhèm, cụ nhìn không được rõ lắm, nên cụ gọi các cô lại bên mình. "Này, cháu là đứa nào?" - "Xenio, con gái ông Mastrandoni, ạ" - "Thế lại gần đây cho ta rờ xem. Lại đây, đừng sợ!" Cô nàng cố giữ vẻ mặt trịnh trọng và đến bên cụ Thế rồi cụ giơ tay lên mặt cô ta, chậm rãi sờ soạng với vẻ đầy nhục cảm. Và ứa nước mắt "Tại sao ông lại khóc, hở ông?" có lần tôi hỏi cụ. "Chao, cháu của ông, cháu tưởng ông không có gì đáng khóc ư, khi mà ta đang chết dần, để lại trên đời bao nhiêu gái đẹp?"

Zorba thở dài:

- Ôi, tội nghiệp ông tôi! Lão nói. Cháu thương ông biết mấy! Tôi thường hay nghĩ bụng: "Ôi, khốn khổ! Giá tất cả phụ nữ xinh đẹp chết cùng một lúc với mình!" Thế nhưng các mợ sẽ vẫn cứ tiếp tục sống, vẫn cứ vui thú như cũ, những thằng đàn ông vẫn sẽ ôm họ hôn hít, trong khi mình chỉ là bụi đất cho họ giẫm bước lên!

Lão gảy mấy hạt dẻ ra khỏi bếp, bóc vỏ và chúng tôi chạm cốc. Chúng tôi cứ ngồi vậy hồi lâu, uống rượu và chậm rãi nhai trệu trạo như hai con thỏ kếch xù. Vẳng đến tai chúng tôi tiếng biển gầm gào.

Truyện Chữ Hay