"Bô làng Anagnosti gửi lời chào các ông và mời các ông quá bộ tới tệ xá dùng bữa. Hôm nay, gã thợ thiến về làng hoạn lợn. Đây là dịp đặc biệt, "hạt ngọc" quả là một thứ cao lương mỹ vị. Vợ lão, Kyria Maroulia, sẽ đích thân nấu nướng món này hầu các vị. Hôm nay cũng là sinh nhật thằng cháu nội Minas, nhị vị có thể nhân dịp này chúc mừng nó luôn thể."
Vào nhà một nông dân đảo Crete là một điều rất thú vị. Mọi thứ xung quanh đều nhuốm màu gia trưởng: bếp sưởi, cây đèn dầu, những hũ đất xếp dọc theo vách, mấy cái ghế, một cái bàn và phía bên trái theo chiều vào nhà, một bình nước mát đặt trong một hốc vách. Từ xà nhà, rủ xuống hàng dây hạt lựu, hạt mộc qua và hạt các loại cây hương liệu: ngải đắng, bạc hà, hồ tiêu đỏ, hương thảo và rau thơm.
Đầu đằng kia phòng, một cái thang hay mấy bậc gỗ dẫn lên một cái bục có kê một giường mễ; bên trên là những tượng thánh trong ánh đèn thường trực. Nhà có vẻ trống tuềnh trống toàng, nhưng chứa đủ mọi thứ cần dùng, vì thật ra những nhu yếu thực sự của con người có là bao.
Đó là một ngày đẹp trời lại rất dịu nhờ nắng thu.
Chúng tôi ngồi trước nhà, trong mảnh vườn nhỏ, dưới một cây ô-liu trĩu quả. Thấp thoáng qua vòm lá bạc, biển lấp lánh đằng xa, hoàn toàn tĩnh lặng. Những đám mây mờ liên tục trôi ngang qua mặt trời, làm cho mặt đất lúc ảm đảm lúc tươi vui như thể đang thở vậy.
Cuối mảnh vườn nhỏ , trong một khoảnh rào , con lợn bị thiến rống lên vì đau, điếc cả tai. Mùi nấu nướng của bà Kyria Maroulia trên than bếp thoảng đến mũi chúng tôi.
Chuyện trò chỉ xoay quanh những đầu đề muôn thuở: ngũ cốc, nho, nắng mưa. Chúng tôi cứ phải hét to vì ông lão nặng tai. Ông bảo tai ông "kiêu kỳ". Cuộc đời của ông già đảo Crete này thẳng băng và bình yên như đời một cái cây trong một khe núi khuất. Ông sinh ra, lớn lên, thành gia thất, sinh con đẻ cái và đủ thọ để thấy đàn cháu nội ngoại. Có một số đã chết, nhưng nhiều người còn sống: việc nối dõi tông đường được đảm bảo.
Ông già đảo Crete này còn nhớ những ngày xa xưa, ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, những giáo huấn của cha, những phép lạ xảy ra trong thời kỳ ấy vì phụ nữ bấy giờ còn biết sợ Thượng đế và nặng lòng tín ngưỡng.
- Này, cứ xem lão đây, bô làng Anagnosti, người đang nói chuyện với các ông đây! Ngay việc lão ra đời cũng là một phép lạ. Chà, thề trên linh hồn lão, đúng là một phép lạ! Khi lão kể các vị nghe chuyện ấy xảy ra như thế nào, các vị sẽ phải kinh ngạc. Các vị sẽ thốt ra: "Cầu Chúa thương xót chúng con!", và đến tu viện Đức Bà Mary Đồng Trinh để thắp nến lễ Người.
Ông làm dấu thánh giá và bắt đầu dịu dàng kể chuyện, giọng nhỏ nhẹ:
- Hồi ấy, ở làng chúng tôi có một mụ nhà giàu người Thổ Nhĩ Kỳ - cầu trời đày hồn mụ xuống địa ngục đời đời. Một hôm, mụ khốn kiếp thụ thai và rồi đến kỳ mụ ở cữ. Người ta đặt mụ lên giường và mụ cứ nằm đó kêu như bò rống suốt ba ngày đêm mà không đẻ được. Cho nên một người bạn của mụ - trời đày cả mụ này nữa! - bèn khuyên mụ như sau: "Tzafer Hamum, chị nên cầu xin Mẹ Mary cứu giúp!" Dân Thổ gọi Đức Bà Đồng Trinh là thế mà. Lớn thay quyền năng của Người? "Để làm gì?" cái mụ điếm Tzafer rống lên. "Cầu xin bà ta ư? Tôi thà chết còn hơn!" Nhưng cơn đau mỗi lúc một dữ dội. Lại một ngày một đêm nữa trôi qua. Mụ vẫn rống lên và vẫn không đẻ được. Làm thế nào đây! Mụ không đủ sức chịu đau lâu hơn nữa. Thế là mụ lấy hết sức gào lên: "Mẹ Mary? Mẹ Mary!" Nhưng vô ích, cơn đau vẫn không dứt và cái thai vẫn không chịu ra. Và mụ bạn thân bèn bảo: "Có lẽ Người không hiểu tiếng Thổ!" Thế là mụ điếm nọ lại gào: "Trinh Nữ của dân Roumis! Trinh Nữ của dân Roumis!"( [] ). Roumis cái mả cha nó? Cơn đau càng tăng. "Chị không gọi đúng cách", mụ bạn nói. "Chị không gọi đúng cách, vì thế nên Người không đến". Thế là mụ điếm vô đạo ấy thấy chết đến đít, bèn gào đến vỡ phối: "Nữ Thánh Đồng Trinh!" Và lập tức đứa bé chuồi từ tử cung mụ ra như con lươn toài ra khỏi bùn.
"Chuyện đó xảy ra vào một ngày chủ nhật và chủ nhật sau đến lượt mẹ tôi lên cơn đau. Bà cũng phải chịu đau đớn như vậy, tội nghiệp bà mẹ khốn khổ của tôi, bà cũng trải qua nông nỗi ấy và bà la thét: "Nữ Thánh Đồng Trinh! Nữ Thánh Đồng Trinh!". Nhưng vẫn không sao đẻ được. Cha tôi ngồi bệt xuống đất ngay giữa sân, không ăn uống gì được vì thương vợ đau. Ông bất mãn với Nữ Thánh Đồng Trinh. Các vị thấy đấy, lần trước khi cái con đĩ Tzafer lên tiếng gọi, Nữ Thánh Đồng Trinh đã cắm đầu cắm cổ chạy đến giải thoát cho nó. Thế mà bây giờ... Đến ngày thứ tư, cha tôi không tự kiềm chế được nữa. Không do dự một giây, ông xách chiếc chĩa đi thẳng đến tu viện Nữ Thánh Đồng Trinh Khổ Nạn. Cầu xin Người cứu giúp chúng ta! Ông tới đó, bước vào nhà thờ không buồn làm dấu thánh giá vì đang tức điên lên, ông đóng cửa cài then lại sau lưng và tiến thẳng đến tượng Người. "Hỡi Nữ Thánh Đồng Trinh", ông quát lên, "vợ tôi, Krinio, bà biết cô ấy chứ. . . bà ắt phải biết chứ, thứ bẩy nào cô ấy chả mang dầu đến cho bà và thắp đèn lễ bà... đấy, vợ tôi đau đẻ suốt ba ngày đêm nay và kêu cầu bà hoài. Bà không nghe thấy sao? Nếu bà không nghe thấy thì chắc bà điếc đặc rồi! Dĩ nhiên, nếu đó là một con đĩ Tzafer nào đó hoặc một con điếm Thổ Nhĩ Kì thì bà đã cắm cổ chạy đến rồi đấy. Nhưng vợ tôi, Krinio, chỉ là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, nên bà giả điếc làm ngơ! Bà phải biết nếu bà không phải là Nữ Thánh Đồng Trinh thì tôi đã cho bà một bài học bằng cán cái chĩa cỏ này rồi!" Và không làm ầm ĩ gì thêm, cũng chẳng thèm cúi đầu khấn lạy, cha tôi quay lưng toan bỏ đi. Nhưng Chúa mới vĩ đại làm sao. Đúng lúc ấy tượng Thánh bỗng kêu răng rắc như thể muốn nứt toác ra. Nếu các vị chưa nghe nói thì xin thưa rằng, khi nào tượng Thánh kêu như vậy là đang ban phép lạ đấy. Cha tôi hiểu ngay lập tức. Ông liền quay lại, quỳ xuống và làm dấu Thánh giá. "Con đã mắc tội với Người, Nữ Thánh Đồng Trinh" , ông kêu lên, "Con đã nói nhiều điều quá đáng, nhưng xin Người đại xá".
"Cha tôi vừa về đến làng là được báo tin mừng ngay - Cầu cho thằng bé sống lâu, ông Kostandi, vợ ông sinh con trai rồi đó! Ấy là tôi, già Anagnosti đây. Nhưng tôi sinh ra đã nghễnh ngãng. Các vị thấy đấy, cha tôi đã báng bổ mà, ông đã bảo Đức Bà Đồng Trinh điếc. "À, thế hử?" chắc Đức Bà Đồng Trinh nói thế. "Được, đợi đấy, ta sẽ làm cho con trai người điếc để dạy cho người chừa cái tội báng bổ!"." Và già Anagnosti làm dấu Thánh giá.
Nhưng thế cũng chẳng sao, ông nói. Đội ơn Chúa!
Đức Mẹ có thể đã làm cho tôi mù, hoặc thành thằng ngây, gù lưng, hoặc thậm chí - xin Thượng đế tha cho làm phúc! - Đức Mẹ có thể đã biến tôi thành con gái. Điếc cũng chẳng sao, tôi vẫn khấn đầu tạ ơn Thánh Mẫu.
Ông rót rượu đầy các ly.
- Xin Đức Mẹ cứu trợ chúng ta dài lâu, ông nâng ly, nói.
- Chúc sức khỏe của bác, bác Anagnosti. Chúc bác sống lâu trăm tuổi để nhìn thấy đầy đàn chắt chút chít!
Ông già nốc một hơi cạn ly rượu nho và chùi ria.
- Không đâu, con ạ, ông nói. Thế là đòi hỏi quá mức. Lão đã được nhìn thấy các cháu nội, ngoại. Thế là đủ rồi. Không nên đòi hỏi quá mức. Lão đã hết thời rồi. Lão già rồi, các bạn ạ, thân lão cạn kiệt, lão không thể - lực bất tòng tâm mà - lão không thể gieo giống ra cho đời thêm những tí nhau nữa. Vậy thì ta còn sống để làm gì?
Ông lại rót đầy các ly, rút ở thắt lưng ra mấy quả hồ đào và vả khô gói trong lá nguyệt quế, chia cho chúng tôi. Tất cả những gì lão có, lão đã cho con cái, ông nói.
Gia cảnh lão đã trở nên nghèo túng, phải, nghèo túng, nhưng lão đâu có phàn nàn. Thượng đế có mọi thứ cần thiết!
- Thượng đế có thể có mọi thứ cần thiết, thưa bác Anagnosti, Zorba hét vào tai ông già. Thượng đế có chứ thúng ta đâu có. Lão già keo kiệt ấy chẳng cho chúng ta cái gì sốt!
Nhưng vị bô làng cau mày.
- Đừng nói thế! Ông nghiêm khắc chỉnh. Đừng trách cứ Người! Tội nghiệp, Người cũng trông cậy vào chúng ta, chú cũng biết đấy! Vừa lúc đó, cụ bà Anagnosti lặng lẽ bước vào, cung cúc bưng món cao lương mỹ vị trứ danh đựng trong một chiếc đĩa sành cùng một hũ rượu nho lớn. Bà đặt cả lên bàn và đứng đó chắp tay, mắt cụp xuống.
Tôi cảm thấy ngài ngại không muốn thưởng thức món khai vị này, nhưng mặt khác, tôi không đủ can đảm để khước từ Zorba liếc mắt quan sát tôi và có vẻ khoái sự lúng túng của tôi.
- Đây là món ngon nhất sếp có thể mơ ước, lão khẳng định. Đừng có khó tính.
Già Anagnosti cười khẽ.
- Đó là sự thật, đúng vậy đấy, ông thử xem rồi sẽ thấy. Cho vào miệng cứ là tan ra ngay. Khi hoàng tử George - cầu trời phù hộ ngài - đến thăm tu viện của chúng tôi ở tận trên núi kia, các tu sĩ chuẩn bị một bữa tiệc vương giả đón ngài. Họ dọn thịt mời tất cả mọi người, riêng hoàng tử chỉ có một đĩa xúp. Hoàng tử cầm thìa khuấy xúp. "Cái gì đây? Đậu à?" Ngài ngạc nhiên hỏi: "Có phải hạt đậu trắng không?" - "Xin điện hạ nếm thử coi, vị cha già tu viện trưởng thưa. "Điện hạ nếm thử rồi ta sẽ nói chuyện sau". Hoàng tử húp một thìa, hai thìa, ba thìa, chén cạn đĩa rồi liếm môi. "Cái món tuyệt diệu này là gì vậy?" ngài hỏi. "Đậu gì mà ngon thế? Ngon như óc lợn vậy!" - "Trình điện hạ, đó không phải là đậu", cha tu viện trưởng cười đáp. "Không phải là đậu? Chúng tôi đã thiến tất cả gà trống ở trong vùng để nấu món đó!"
Ông già cười ha hả, lấy đĩa xiên một miếng nữa.
- Một món tiến vua, ông nói. Há mồm ra.
Tôi há miệng và ông đút tọt miếng "của quý" vào.
Ông lại rót rượu đầy các ly và chúng tôi uống chúc mừng cháu ông. Mắt ông già lấp lánh.
- Bác muốn cháu nội bác sau này làm gì, bác Anagnosti? Tôi hỏi. Xin bác cho biết để chúng tôi chúc.
- Lão có thể cầu ước gì được, hả con? Ồ, mong rằng nó theo con đường đúng, trở thành một người tốt, đứng đầu một gia đình; mong rằng nó cũng lấy vợ, sinh con, sinh cháu. Và cầu cho một đứa trong lũ con nó giống lão để cho lớp người già phải thốt lên: "Kìa, nom nó giống lão Anagnosti không kia chứ - cầu Chúa cho linh hồn lão hiển Thánh! Bình sinh, lão thật là một con người nhân hậu ! "
- Maroulia! ông gọi, không buồn nhìn vợ, Maroulia, thêm rượu, đầy một hũ nữa!
Đúng lúc đó, cánh cửa mây của khoang rào bị con lợn húc thật mạnh, bật tung và nó xổng ra vườn, rống ầm ĩ.
- Tội nghiệp con vật, nó đau, Zorba chép miệng thương hại.
- Cố nhiên là nó đau! ông già đảo Crete cười nói. Giả dụ họ làm chú thế , chú có đau không ?
Zorba ngọ nguậy trên ghế.
- Phỉ phui cái lưỡi bác, ông già điếc lòi tổng nhĩ!
Zorba khiếp hãi lầm bầm.
Con lợn chạy quanh trước mặt chúng tôi, mắt nhìn trừng trừng giận dữ.
- Lão chắc nó biết chúng ta đang ăn dái nó ! Già Anagnosti nói, bốc lên vì mấy ly rượu vừa uống cạn.
Còn chúng tôi, tựa lũ ăn thịt người, chúng tôi bình tĩnh và thỏa mãn tiếp tục ăn món cao lương mỹ vị và uống rượu vang đỏ, đồng thời phóng mắt qua những cành ô-liu bạc trắng nhìn ra biển đã nhuộm hồng trong ánh dương tà.
Sẩm tối, chúng tôi rời nhà ông già. Zorba, lúc này cũng cao hứng, muốn nói chuyện cho đã.
- Hôm kia, mình nói chuyện gì, sếp hả? Sếp bảo sếp muốn mở mắt cho mọi người. Được thôi, sếp cứ thử đi mà mở mắt cho bác già Anagnosti xem! Sếp đã thấy bà vợ lão phải cung kính trước mặt lão như thế nào, chờ lệnh lão như con chó xin ăn đó. Cứ thử đi dạy họ rằng phụ nữ có các quyền bình đẳng với nam giới; rằng xẻo miếng thịt một con lợn mà ăn, trong khi nó đang còn sống rên xiết trước mặt mình, là tàn ác, rằng tạ ơn Thượng đế vì Thượng đế có đủ mọi thứ trong khi mình sắp chết đói, là điên rồ loạn trí! Thử hỏi cái lão quỷ già Anagnosti đáng thương sẽ rút được lợi lộc gì từ những lời giải trình bịp bợm của sếp? Sếp sẽ chỉ gây cho lão một lô những băn khoăn lo phiền thôi. Và bà lão Anagnosti tội nghiệp được lợi lộc gì? Mỡ đã đổ vào chảo rồi, còn làm sao thay đổi được; gia đình sẽ bắt đầu lục đục, gà mái muốn giành ngôi gà trống, hai bên sẽ mổ nhau tơi bời, lông bay loạn xạ...! Cứ để mọi người yên, sếp ạ, đừng mở mắt cho họ làm gì. Và giả sử sếp làm được điều đó, họ sẽ nhìn thấy gì? Thấy sự khốn cùng của họ! Cứ để cho họ nhắm, sếp ạ, và để cho họ tiếp tục mơ màng!
Lão im lặng một lúc và gãi đầu. Lão đang ngẫm nghĩ.
- Trừ phi, cuối cùng lão nói, trừ phi...
- Trừ phi làm sao? Nói nghe nào!
- Trừ phi khi họ mở mắt, sếp có thể chỉ cho họ một thế giới tốt đẹp hơn cái bóng tối trong đó họ đang quanh quẩn. . . Sếp có thể làm thế được không ?
Tôi không biết trả lời ra sao. Tôi hoàn toàn ý thức được cái gì cần được triệt phá, nhưng tôi không biết cái gì sẽ được xây từ đổ nát ấy. Theo tôi, không ai có thể biết chắc điều đó. Thế giới cũ là sờ mó được, vững chãi, chúng ta sống trong lòng nó và đang đấu tranh với nó từng giây từng phút - nó tồn tại. Thế giới của tương lai chưa ra đời, nó chuội đi như nước, không nắm được, nó được cấu tạo bởi cái thứ ánh sáng thường dệt nên những giấc mơ, nó là một đám mây bị xô đẩy bới những cơn gió mạnh - yêu thương, căm ghét, tưởng tượng, may rủi, Thượng đế . . . Nhà tiên tri vĩ đại nhất trên trái đất chỉ có thể ban cho con người một khẩu hiệu thôi, không hơn, và khẩu hiệu ấy càng mơ hồ bao nhiêu, nhà tiên tri càng vĩ đại bấy nhiêu.
Zorba nhìn tôi với một nụ cười nhạo làm tôi phật ý.
- Tôi có thể chỉ cho họ một thế giới tốt đẹp hơn! Tôi đáp.
- Thật ư? Tốt, sếp nói nghe nào!
- Tôi không thể nói được. Bác không hiểu đâu.
- Có nghĩa là sếp chẳng có thể chỉ ra được một thế giới nào hết, Zorba lắc đầu nói: Đừng có coi tôi là một thằng ngốc, sếp ạ. Nếu có ai đã bảo với sếp rằng tôi là một thằng ngu, thì người đó lầm. Tôi có thể chẳng có học vấn gì hơn lão Anagnosti, nhưng còn lâu tôi mới đần độn! Ờ, nếu tôi mà còn không hiểu, thì liệu sếp trông mong gì ở cái lão đáng thương ấy và mụ vợ dốt đặc cán mai của lão? Và còn tất cả các lão Anagnosti khác trên thế giới? Phải chăng sếp sẽ chỉ tổ làm cho họ thấy tăm tối hơn? Cho đến nay, họ đã xoay xở được kha khá; họ có con cái, thậm chí có cả cháu nội cháu ngoại. Thượng đế làm cho họ vừa mù vừa điếc, thế mà họ vẫn nói: "Tạ ơn Thượng đế". Họ cảm thấy thoải mái trong sự khốn cùng của mình. Vậy cứ để mặc họ và đừng có nói gì.
Tôi lặng thinh. Chúng tôi đang đi qua trước vườn mụ góa. Zorba dừng lại một lát và thở dài nhưng không nói gì. Chắc ban nãy vừa có trận mưa rào. Có một mùi đất ẩm mát rượi trong không khí. Những ngôi sao đầu tiên xuất hiện. Trăng non ngời ngời một vầng mơn mởn vàng xanh. Bầu trời tràn đầy dịu êm.
Con người này không hề cắp sách đến trường, tôi nghĩ thầm, và đầu óc lão không bị làm hỏng. Lão đã trải mọi chuyện đời, đủ vành đủ vẻ; tâm trí lão mở rộng và trái tim lão lớn lên mà không mất đi mảy may tính táo bạo ban sơ. Tất cả các vấn đề ta thấy là phức tạp hoặc không thể giải quyết được, lão xử trí đánh xoẹt như lia một nhát gươm, kiểu Đại đế Alexandre chém phăng cái nút của vua Gordius( [] ) Thật khó mà khiến lão trật đích, bởi lẽ hai chân lão trụ vững vàng trên mặt đất bằng trọng lượng của cả thân hình. Những người mông muội ở châu Phi thờ rắn vì toàn thân nó tiếp xúc với mặt đất và do đó, hẳn nó biết tất cả những bí ẩn của trái đất thông qua bụng, đuôi và đầu nó. Nó luôn luôn tiếp xúc hoặc hòa làm một với Mẹ Đất. Zorba cũng vậy. Còn chúng ta, những người có học vấn, chỉ là những con chim đầu óc rỗng tuếch bay trên không.
Trên trời, sao mỗi lúc một đông bội lên, tất thảy đều gay gắt, hung dữ, khinh mạn và tàn nhẫn đối với con người.
Chúng tôi không nói gì nữa, cả hai cùng kinh hãi nhìn trời đăm đăm. Mỗi giây đều thấy những ngôi sao mới bật sáng ở đằng đông, mở rộng thêm đám cháy.
Chúng tôi về tới lều. Chẳng muốn ăn uống gì nữa, tôi ngồi xuống một tảng đá bên bờ biển. Zorba nhóm lửa, ăn, rồi định đến ngồi cạnh tôi song lại đổi ý, nằm dài trên nệm và quay ra ngủ.
Biển lặng tờ. Dưới hàng chùm sao sa, mặt đất cũng nằm bất động và im ắng. Không một tiếng chó sủa, không một tiếng chim đêm kêu. Một tịch lặng hoàn toàn, thầm lén, nguy hiểm, tạo thành bởi hàng ngàn tiếng kêu xa tít hoặc từ thẳm sâu trong ta đến nỗi ta không sao nghe thấy được. Tôi chỉ nhận thấy mạch đập của máu rần rật hai bên thái dương và trong những tĩnh mạch cổ.
Hổ ca? Tôi nghĩ thầm và rùng mình.
Ở Ấn Độ, vào lúc đêm xuống, một bài hát buồn đơn điệu cất lên bằng một giọng nhỏ nhẹ, một bài hát chầm chậm, man dại như tiếng ngáp xa xa của một con thú dữ, gọi là hổ ca. Tâm hồn con người xao xuyến tìm một lối thoát trong nỗi chờ đợi căng thẳng.
Trong khi nghĩ đến bài ca dễ sợ ấy, khoảng trống trong lồng ngực tôi dần dần được lấp đầy. Tai tôi hồi tỉnh, im lặng trở thành tiếng thét. Y như thể chính linh hồn được cấu tạo bằng bài ca ấy và đang thoát ra ngoài thể xác để lắng nghe.
Tôi cúi xuống, lấy tay vốc nước biển vã vào trán và hai thái dương. Tôi cảm thấy tươi tỉnh lại. Tận thẳm cùng con người tôi, những tiếng kêu dội vang, hăm dọa, hỗn độn, nôn nóng - con hổ đang ở trong tôi và đang gầm thét.
Thình lình tôi nghe rành rọt một giọng nói. Đó là giọng nói của Đức Phật.
Tôi bắt đầu bước rảo dọc theo mép nước như muốn chạy trốn. Thời gian gần đây, những lúc đơn độc trong đêm và im lặng bao trùm, tôi thường nghe thấy tiếng Người - thoạt đầu buồn bã, than vãn như một khúc điếu ca, rồi trở nên giận dữ, quở trách và như ra lệnh. Nó vùng vẫy trong lồng ngực tôi như cái thai nhi đến lúc rời khỏi tử cung.
Hẳn đã đến nửa đêm. Mây đen cụm lại trên bầu trời, mấy giọt mưa lớn rơi trên tay tôi. Nhưng tôi không buồn để ý. Tôi ngập chìm trong một không khí nóng bỏng; tôi cảm thấy như có một ngọn lửa bập bùng ở cả hai bên thái dương.
Đã đến lúc rồi, tôi rùng mình nghĩ thầm. Bánh xe Phật giáo đang cuốn tôi đi, đã đến lúc tôi phải tự giải phóng khỏi cái gánh nặng thần kỳ này. Tôi vội quay về lều và thắp đèn lên. Khi ánh sáng rọi lên Zorba, mí mắt lão chớp chớp rồi mở ra nhìn tôi cúi trên tập giấy bắt đầu viết. Lão lậu bậu điều gì tôi không nghe ra, quay phắt mặt vào vách rồi lại ngủ thiếp đi.
Tôi viết lia lịa, vội vã. Truyện Đức Phật đã sắp sẵn đâu vào đó trong tôi và tôi có thể thấy nó tuôn ra từ óc tôi như một dải ru-băng xanh đầy ký hiệu biểu tượng. Nó tuôn ra rất nhanh và tôi cố sống cố chết ghi cho kịp. Tôi viết, tất cả đã trở nên đơn giản, rất đơn giản. Mà đâu phải tôi viết, tôi chỉ chép lại thôi. Cả một thế giới đang hiện ra trước mắt tôi, tạo nên bởi tình thương, hỉ xả và hư không: những lâu đài của Đức Phật, những cung tần mỹ nữ, cỗ xe bằng vàng, và cuộc gặp gỡ tiền định với lão, bệnh, tử, cuộc bỏ trốn, cuộc sống khổ hạnh, sự giải thoát lời phát thệ cứu độ chúng sinh. Mặt đất đầy hoa vàng; hành khất và vua đều mặc áo dài màu nghệ; đá, cây cối và xác thịt trở nên lâng lâng. Linh hồn thành hơi, hơi thành tinh thần và tinh thần thành hư không... Tay tôi bắt đầu mỏi, nhưng tôi không muốn, không thể ngừng ghi.
Những hình ảnh vun vút qua và biến mất, tôi phải ráng theo cho kịp.
Sáng ra, Zorba thấy tôi ngủ, gối lên chồng bản thảo.