Trương Cổ cảm thấy có rất nhiều khuôn mặt đều trở nên quái dị.
Anh cố sàng lọc những khuôn mặt khả nghi, bỗng nhiên, đầu óc anh chốt lại một người – Phùng Kình!
Phùng Kình là nhân viên của trạm biến áp, là bạn lâu năm của Trương Cổ. Phùng Kình và Trương Cổ là chiến hữu chung một chiến hào…
Trương Cổ rùng mình.
Như người bị sốt cao rồi xuất hiện ảo giác, trước mắt Trương Cổ chập chờn hiện lên mọi hình ảnh về Phùng Kình:
Lần đầu tiên, Phùng Kình hỏi anh về “ba trừ một bằng mấy”. Lúc ấy vẻ mặt anh ta khác hẳn với mọi ngày. Kể từ sau đó, Trương Cổ chưa lần nào nhìn thấy vẻ mặt như thế của Phùng Kình nữa.
Cái đêm mà thằng bé con xuất hiện lại mất điện một cách vô cớ, chính là đêm mà Phùng Kình trực ban. Đêm hôm đó, bất cứ ai gọi điện đến trạm biến áp, đường dây đều bị nghẽn không gọi được.
Giả sử thằng bé con bí hiểm kia là do Phùng Kình tạo ra, thì càng có khả năng anh ta cũng làm ra Đứa Bé Vĩnh Viễn. Trương Cổ chưa từng gặp Đứa Bé Vĩnh Viễn trên mạng, mà chỉ nghe Phùng Kình nói mà thôi.
Anh ta thỉnh thoảng lại cho Trương Cổ biết một tin tức quái dị, loan tin một cách rất tự nhiên, không bất ngờ đột ngột, cứ như anh ta đang nhẩn nha giở từng trang sách cho Trương Cổ nhìn, có vẻ như nội dung sách chẳng có gì, mà chỉ là thấp thoáng ẩn hiện, dần dần hé lộ từng tình tiết đáng sợ…
Anh ta nói: Đứa Bé Vĩnh Viễn không cho anh ta tiết lộ với bất cứ ai về quan hệ riêng tư của anh ta và nó.
Anh ta bảo: Đứa Bé Vĩnh Viễn nói nó không khóc bởi vì xung quanh nó toàn là sa mạc.
Anh ta nói: Trương Cổ có kiếp trước, còn Đứa Bé Vĩnh Viễn không có kiếp trước.
Anh ta nói: Trương Cổ kiếp trước chết bởi một kẻ còm nhom nhỏ bé hơn mình.
Anh ta đột nhiên hỏi Trương Cổ: Cậu có cảm thấy tôi rất đáng sợ không?
Bây giờ anh ta lại nói là muốn đưa Trương Cổ đi viện tâm thần…
Phùng Kình là đồng bọn của thằng bé hay sao? Nếu thế, anh ta là người hay là ma?
Trương Cổ bắt đầu hồi tưởng lại từ đầu những ngày anh và Phùng Kình mới quen nhau và trở thành bạn thân như thế nào.
Phùng Kình là người tỉnh khác. Hình như anh tốt nghiệp ở một trường chuyên nghiệp nào đó, rồi được phân công về trạm biến áp thị trấn Tuyệt Luân Đế này công tác. Trương Cổ không biết gia đình Phùng Kình ở đâu.
Cách đây ba năm, Trương Cổ mới mua cây đàn ghi-ta của Nga, nhưng anh chưa biết chơi; nghe nói Phùng Kình ở trạm biến áp chơi ghi-ta rất siêu, Trương Cổ bèn đến xin thụ giáo.
Phùng Kình rất nhiệt tình, hai người trò chuyện hồi lâu, và anh còn cho Trương Cổ tập tài liệu nhập môn.
Trương Cổ nhận ra cây đàn ghi-ta của Phùng Kình rất khác đời, hình như được anh tự làm ra theo một ý tưởng kỳ quái. Hộp cộng hưởng của cây đàn không thắt lại theo hình quả hồ lô tựa như số tám, mà là một hình tam giác, lỗ thoát âm cũng không hình tròn mà là hình vuông.
Kể từ đó hai người quen nhau.
Một buổi tối, Phùng Kình kể cho Trương Cổ nghe một câu chuyện. Giờ đây nhớ lại, thấy câu chuyện đó ít nhiều có những mối liên hệ chằng chịt với các sự kiện xảy ra lâu nay. Câu chuyện ấy xuất phát từ một bản nhạc dành cho đàn ghi-ta, tên là “Cuộc hẹn với người xa lạ”.
Sau đây là câu chuyện mà Phùng Kình đã kể cho Trương Cổ nghe, nó cũng méo mó quái dị như hình dáng cây đàn ghi-ta của Phùng Kình.
Ở một thị trấn rất xa xôi nọ, có một cô gái cực kỳ xinh đẹp.
Cha mẹ đã sớm qua đời, cô cũng không có anh chị em nào khác, cô sống một mình. Cho đến năm tuổi cô vẫn chưa tìm được người bạn trai ưng ý. Sống độc thân không có ai để nương tựa, thực là cô đơn.
Cô vốn rất ít nói, cứ thế sống, cô ngày càng khép kín không muốn gặp gỡ giao lưu trò chuyện với bất cứ ai.
Cô đi làm, cô là một nhân viên bán hàng ở một trung tâm thương mại, chuyên bán các vật dụng của nam giới.
Một hôm cô nhìn những chiếc ví tiền dành nam giới xếp trên giá bày hàng, rồi cô bỗng nảy ra một ý tưởng kỳ lạ, cô quyết định trao số phận mình vào bàn tay thượng đế.
Tối hôm đó cô ngồi cân nhắc câu chữ mãi đến nửa đêm, rồi viết ra những dòng như sau:
Tôi là người bán ví đựng tiền cho quý khách.
Tôi không biết quý khách là ai, nhưng tôi vẫn muốn cùng quý khách hoàn tất một trò chơi: nếu quý khách là nam giới chưa vợ, tôi xin làm vợ quý khách, nếu quý khách còn quá trẻ, tôi nhận quý khách là em trai, nếu quý khách đã kết hôn, tôi xin nhận quý khách là anh trai, nếu quý khách là ông già, tôi xin nhận quý khách là cha…
Tôi không có người nhà, tôi muốn tìm ở quý khách tình thân hoặc tình yêu.
Số di động của tôi: . Xin chờ quý khách.
Hôm sau, cô thận trọng mở một cái ví tiền ra nhét mẩu thư này vào. Sau đó cô trộn lung tung cả đống ví lên, cho đến lúc chính cô cũng không thể nhớ ra cái ví nào đang chứa mẩu thư nữa.
Kể từ đó, mỗi khi có khách hàng mua ví tiền, cô đều quan sát kỹ người đó, hễ bán được một cái ví, tim cô lại đập rộn ràng một hồi. Cô sợ mẩu giấy của cô rơi vào tay một tên lưu manh.
Đương nhiên cô rất hy vọng từ trò chơi này cô sẽ có được một tình yêu tốt đẹp. Bao năm qua cô vẫn chưa kết hôn là vì lý tưởng của cô quá cao, từ khi còn nhỏ cô đã xây dựng cho mình hình ảnh về chàng hoàng tử cưỡi bạch mã – cao lớn khôi ngô, chín chắn. Không nhất thiết phải là giàu sang.
Đám ví tiền ấy bán hết rất nhanh nhưng không có ai bước vào cuộc sống của cô, cô hơi thất vọng và ấm ức.
Nửa năm trôi qua, cô gần như đã quên sự việc này. Nhưng buổi tối hôm nay cô nhận được điện thoại của một người lạ.
Là nam giới. Người ấy nói: “Tôi là người trong trò chơi của cô, chúng ta có thể gặp mặt không?”
Cô rất hồi hộp: “Anh ở đâu?”
Người ấy nói: “Tôi đang đứng trước cửa nhà cô.”
Cô nghĩ ngợi, rồi nói: “Xin lỗi, lúc này quá muộn rồi…”
Anh ta cũng không nài: “Cũng được! Ngày mai tôi lại gọi cho cô.”
Cô định nói thêm gì đó nhưng người ấy đã tắt máy.
Suốt đêm, cô nao nao thấp thỏm, cứ như chiếc lá dập dềnh trên mặt nước.
Ngày hôm sau, cô và người ấy gặp nhau. Người ấy hẹn cô ở công viên giữa con đường lớn.
Anh ta vóc dáng cao lớn, chín chắn, không khác mấy so với hình ảnh cô vẫn tưởng tượng bấy lâu. Điều này khiến cô rất xúc động. Nhưng cô nhớ ra rằng trong số khách mua ví của cô không có người này, cô cảm thấy mình đang nằm mơ.
Anh ta cũng không nói dối: “Tôi chưa từng đến thành phố nhỏ này, và cũng chưa từng mua ví của cô.”
Cô rất kinh ngạc.
Anh ta nói tiếp: “Tôi là một người lái xe cơ giới nông nghiệp bình thường. Tôi ở một thị trấn nhỏ rất xa nơi này.”
Cô hỏi: “Thế thì tại sao anh lại có mẩu giấy đó của tôi?”
Anh ta nói: “Tôi có người bạn từng lái xe đi qua đây, ngẫu nhiên mua cái ví của cô. Anh ấy đã có đứa con lên vài tuổi, cho nên anh ấy cho tôi mẩu giấy đó. Tôi cũng cô đơn như cô, tôi mồ côi mẹ từ bé. Anh bạn tôi nghĩ rằng cô và tôi rất phù hợp, cho nên mới kết nối hai bên.”
Cô cảm thấy đây là do số phận sắp đặt.
Anh ta nói: “Cô hãy đi với tôi! Ở chỗ tôi, bầu trời xanh hơn nơi đây.”
Câu nói này khiến cô rất cảm động.
Về sau, quả nhiên cô đã đi theo anh ta. Cô xin thôi việc, cùng con người ngẫu nhiên gặp gỡ trên cõi đời này đến sống ở một thị trấn nhỏ…
Trong đêm tân hôn, anh chàng cao to ấy bỗng thu người lại rất gọn và rúc vào lòng cô, khẽ nói: “Tôi muốn làm đứa con nhỏ bé của cô.”
Cô giật mình kinh hãi.
Càng về sau cô càng phát hiện ra những điều bất thường ở anh ta.
Có lần cô vô tình nhìn thấy mấy tập ảnh của anh ta cất ở một chỗ bí mật, bên trong toàn dán ảnh anh ta hồi bé thường cởi truồng, và không có một tấm ảnh người lớn nào.
Cô lại giật mình.
… Cứ thế một thời gian dài, cô dần nhận rõ về anh ta.
Vạm vỡ cao to và có vẻ chín chắn, thực ra chỉ là cái vỏ ngoài, bên trong anh ta thì trái ngược hẳn, hình như chưa phát dục, vẫn cứ dừng lại ở thời kỳ ấu thơ.
Vậy là cô đang sống với một đứa trẻ con.
Cô cảm thấy lý tưởng tình yêu của mình bị bỡn cợt. Cô cảm thấy mình bị “bầu trời xanh hơn một chút” làm hại.
Anh ta mềm yếu đến cùng cực. Khi kết hôn được tròn một năm, chỉ vì một chuyện rất vặt vãnh, anh ta đã tự sát. Sự va chạm giữa hai người không phải va chạm giữa vợ chồng với nhau mà là va chạm giữa mẹ và con!
Kể từ đó, cô gái này ở lại thị trấn nhỏ ấy sinh sống, không lấy ai nữa.
Về sau, Phùng Kình nói với Trương Cổ rằng: cô gái trong câu chuyện ấy chính là Liên Loại hàng xóm của Trương Cổ.
Phùng Kình nói: số phận của Liên Loại, có khắc tinh là một người lớn mi-ni.
Phùng Kình nói: anh lái xe vẫn tằng tịu với Liên Loại chính là người khách năm xưa đã mua của cô cái ví kỳ lạ.
Trương Cổ không hiểu, không rõ tại sao Phùng Kình lại biết nhiều chuyện đến thế?
Anh cảm thấy Phùng Kình chính là người đã tung ra cái đề toán kia, Phùng Kình chính là kẻ phát tán tai nạn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đề toán ấy là một thứ bùa chú, ai bị hỏi, thì bất hạnh sẽ đến với người ấy. Trừ phi nạn nhân này tiếp tục truyền bá cho một trăm người khác…
Một truyền cho một trăm. Một trăm truyền cho một vạn…
Tai nạn cứ thế lan ra như một thứ dịch bệnh.