*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
"Ông có nghĩ sông Danube màu lam không?" Người đàn ông cao to đội chiếc mũ bucket màu xanh hỏi.
Sảnh triển lãm vắng hoe, không gian vuông vắn giữa ban ngày không có chút ánh sáng từ đèn nào mà hoàn toàn chiếu sáng nhờ vào ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa sổ dài bằng kính và từ ngoài cửa triển lãm dẫn vào bên trong, thắp sáng những tác phẩm nghệ thuật vài vị du khách lẻ tẻ dừng chân.
Người đàn ông dáng người mập lùn quay đầu lia mắt nhìn màu sắc trên đầu người bạn đồng hành rồi lại dời mắt về, đáp lại đầy lạnh lùng: "Lúc ông quyết định hỏi tôi câu này, chắc ông phải có đáp án rồi."
Đứng trên cây cầu màu xanh lục hệt như trong bộ phim nhìn xuống, dòng xe cộ nườm nượp trôi đi giao hòa với dòng sông Danube thành một góc nhìn diệu kỳ. Nhưng dẫu bầu trời có sáng sủa quang mây, dường như nước sông vẫn không liên quan đến tông màu lam cho lắm.
Người đội mũ bucket ta thán: "Đúng là thất vọng! Trước lúc tới đây tôi cứ nghĩ sông Danube ở Vienna với Budapest không cùng màu."
Châu Âu nhỏ nhoi quá, còn những câu chuyện diễn ra nơi mảnh đất Vienna này lại quá nhiều.
Trước Lúc Bình Minh, Before Sunrise được công chiếu vào năm 1995, cuộc gặp gỡ bất ngờ và lãng mạn của chàng thanh niên người Mỹ và cô nàng người Pháp. Thẩm Thiêm dám cược rằng, trong nhiều thập kỷ sau đó không dưới hàng vạn người đã từng xuất phát từ Paris đến đây, đã từng đi trên con đường nam nữ chính từng đi qua.
Nhưng giờ phút này anh lại muốn tránh khỏi mọi điểm tham quan nổi tiếng, dừng nơi "Chân dung nàng Wally", nghe hai người xa lạ thì thầm to nhỏ bằng tiếng Hungary anh không thể quen thuộc hơn, bàn về Johann Strauss người liên quan đến cú lừa thế kỷ "Sông Danube có màu gì".
Tần Tranh đứng bên không hiểu thứ tiếng phức tạp này, còn Thẩm Thiêm từ đầu đến giờ cứ lẳng lặng tủm tỉm cười, hết sức đáng ngờ.
"Họ đang nói gì?" Tần Tranh hỏi.
Thẩm Thiêm nghiêng đầu sát về phía hắn, nhẹ giọng hỏi lại: "Em từng nghe The Blue Danube chưa?"
Tần Tranh nhướng mày, giơ ngón trỏ đung đưa giữa không trung vài vòng, ra hiệu giai điệu du dương trong không gian này chẳng phải là "quốc ca thứ hai của Áo" còn gì.
Thẩm Thiêm ranh mãnh nháy mắt với hắn: "Thế em biết bao giờ sông Danube mới có màu xanh không?"
Sông Danube, một trong những con sông chảy qua nhiều quốc gia nhất trên thế giới. Theo thống kê, nước sông của nó sẽ thay đổi 8 màu sắc trong năm: Nâu, vàng đục, xanh đục, xanh lá tươi, xanh lá mạ, xanh xám, xanh ngọc lục bảo, xanh lục đậm biến chuyển phức tạp trong những khoảng thời gian khác nhau, không phải chỉ một màu xanh biêng biếc như trên tiêu đề điệu Valse được thưởng thức khắp thế giới hàng trăm năm qua.
Nhưng Thẩm Thiêm không bao giờ hỏi ra một câu nghiêm túc như thế.
Tần Tranh hiểu: "Lúc uống say."
Thẩm Thiêm búng tay không vang thành tiếng, mỉm cười mấp máy khẩu hình như khen một đứa trẻ: "Bingo!"
*Johann Strauss Jr trong khi uống say bí tỉ đã đặt tên cho Danube là "Sông Danube xanh – Blue Danube". Khi được hỏi, anh ta nói, Danube là màu xanh trong trái tim tôi. Như nhà thơ Max Kalbeck đã nói trong một bài thơ:
"Chỉ cần bạn dịu dàng và nhân hậu, thì sự thật sẽ thức tỉnh ở đó, bên sông Danube, bên dòng sông Danube trong xanh và mỹ lệ."
Mỗi lần đến một địa điểm mới, bảo tàng sẽ luôn là nơi giúp bạn hiểu được di sản văn hóa và lịch sử bản địa một cách nhanh chóng. Là khách du lịch dày dặn kinh nghiệm, Thẩm Thiêm hiểu quá rõ điều này.
Trong danh sách liệt kê những địa điểm du lịch không viết ra thành chữ của anh, Musikverein và nhà hát quốc gia là điểm đến trứ danh gắn liền với các đồng nghiệp của anh lại xếp hạng bét chót, gần như là thuộc nhóm không cần phải đi. Mà bảo tàng Leopold chễm chệ đứng đầu bảng, trở thành động nguồn động lực vào sáng sớm —— À thì, nguồn động lực vào gần giữa trưa vừa thức dậy Thẩm Thiêm đã lập tức gõ cửa phòng đánh thức Tần Tranh.
"Chào anh." Có người lên tiếng chào hỏi bằng giọng tiếng Đức rất khó nghe.
Lúc phát hiện ra hai gương mặt đồng thời quay về phía mình rõ ràng đều là người châu Á, cô nàng tóc đỏ mắt xanh cầm quyển sổ lúng túng nuốt khan.
Giống hệt trước đây, Tần Tranh đối mặt với người sống mất hứng im lặng, còn Thẩm Thiêm gánh phần thể hiện thiện ý, nheo mắt cười để cô gái nọ thoải mái hơn: "Cứ nói tiếng Anh đi."
Cô gái ngạc nhiên mở to mắt, lúc nói tiếp đã thả lỏng hơn nhiều: "Em là sinh viên ngành khoa học xã hội, đang làm khảo sát thực tế cho bài tập, có thể làm phiền hỏi anh một số câu được không."
Thẩm Thiêm vui vẻ đồng ý: "Đương nhiên là được."
Trước bức chân dung Egon Schiele vẽ người tình năm 17 tuổi của mình, nàng Wally, cô sinh viên mở quyển sổ có logo trường đại học Vienna, cầm bút ngượng ngùng lên tiếng giữa tiếng piano du dương: "Xin hỏi, anh có đồng tình với ý kiến xu hướng tính dục là linh động không?"
Một câu hỏi vừa hợp thời vừa không quá hợp thời.Tần Tranh vốn còn đang quan sát đôi mắt xanh được phóng đại của Wally nghe vậy chợt âm thầm hướng mắt về người kế bên. Nhưng người ấy như thể đã quen bị nhìn ngó, hoàn toàn không có cảm giác gì.
Là chàng công tử hào hoa chỉ toàn hò hẹn với đàn ông, Thẩm Thiêm được phỏng vấn hồi tưởng lại quá khứ mình trải qua và nhiều câu chuyện mình chứng kiến, không hề chần chừ gật đầu: "Đồng ý."
Thẩm Thiêm nghiêng sang nhìn Tần Tranh bày vẻ không liên quan gì tới mình, nhoẻn môi cười, thêm một bộ dữ liệu cho cô sinh viên nghiên cứu: "Chắc hẳn em ấy cũng đồng ý."
Hai người lần đầu gặp nhau tại tuyến đường số 66 hoang vu, Thẩm Thiêm mượn Tần Tranh chiếc bật lửa. Lần thứ hai gặp gỡ là vào lúc nửa đêm ở quán bar, Thẩm Thiêm ngồi xuống cạnh cậu trai trẻ đang nhâm nhi rượu một mình.
Hồi tưởng sâu kỹ thì, có vẻ như Tần Tranh đã chung tình với riêng mình Whisky từ khi ấy —— hoặc đã rất lâu từ trước kia. Mặc dù lúc đó bị Thẩm Thiêm khiêu khích, hắn nhiều lần đóng cái kịch chắc như đinh đóng cột đáp lại cái tên cứ chủ động đong đưa quyến rũ dồn dập nọ "Tôi không làm tình với đàn ông". Nhưng chỉ nửa tiếng sau, hắn khóa chặt hai cổ tay Thẩm Thiêm, đẩy anh vào cửa phòng khách sạn, nhuần nhuyễn lột quần áo người đàn ông.
Người đời có câu Thẩm lang eo nhỏ. Trước nay Tần Tranh không rõ không biết câu thành ngữ này có đúng thật không, nhưng từ hôm ấy trở đi hẳn rằng hắn đã hiểu. Chỉ là lúc ấy thằng oắt con này không biết "thương hoa tiếc ngọc" viết thế nào, cảm giác chốt khóa cấn đau bên eo đến nay vẫn rõ mồn một trong trí óc Thẩm Thiêm. Cơ mà phải thừa nhận rằng rất thú vị, bỏ qua chuyện nhỏ nhặt này đi, xem nó như tình tiết kích tình vậy.
Ừm, năm phút sau, anh nhen mồi lửa ngay đúng vị trí vết thương của mình mơn trớn trên cơ thể Tần Tranh. Hậu quả là phải trả giá rất đắt nhưng sung sướng khôn tả —— Điểm mẫn cảm của cậu tổng đúng là... chẹp.
Cô sinh viên khảo sát thực tế về chủ đề LGBT, cô cũng rất thông minh và đủ khéo léo để biết những người đàn ông đến bảo toàn nghệ thuật —— đặc biệt là những người đàn ông kết hội đi cùng nhau đến bảo tàng nghệ thuật xem tranh đàn ông khỏa thân quá nửa gắn chặt với LGBT. Cô hướng chủ đích vào hai đôi nam nam trong sảnh triển lãm (đôi kia là đôi đang lăn tăn tranh luận về màu sông Danube), sau khi lựa chọn đã tức khắc tấn công, may mắn phát đầu tiên đã gặp trúng người biết gì nói nấy là Thẩm Thiêm.
Hỏi xong câu cuối cùng, hai người bắt đầu chuyện trò lan man, cô sinh viên đến từ Malta, hình như nhận thức được mối quan hệ không mấy liên quan giữa diện tích và độ nổi tiếng của các nước châu Âu, cô cẩn thận hỏi: "Anh biết nước đó không?"
Đôi mắt Thẩm Thiêm cong cong, anh cười gật đầu: "Đương nhiên, cô nàng đến từ trái tim Địa Trung Hải ạ."
Yên lặng đếm thầm chưa đến 3, Tần Tranh khoanh tay dựa lưng vào tường trơ mắt nhìn cô sinh viên đỏ lựng mặt.
Trái tim Địa Trung Hải.
Tần Tranh lẩm nhẩm năm chữ nọ trong bụng, lơ đãng nghĩ, mấy năm trung học hắn đã từng học trong địa lý rồi. Khí hậu Địa Trung Hải đa phần chịu sự ảnh hưởng của gió Tây, mùa hạ nóng bức khô ráo thiếu mưa, chẳng có ý nghĩa gì.
"Tần Tranh."
Schiele cũng chẳng có ý gì.
Cuộc ly khai thành Vienna tách mình khỏi văn hóa nghệ thuật truyền thống với đại diện là Strauss, thành lập một liên minh tiên phong. Nhưng cái chết của Strauss đã lấy đi gần như một nửa linh hồn người dân Vienna.
"Tần Tranh?"
Trúc trắc lắm mới tiễn được cô sinh viên lưu luyến mãi đi, Thẩm Thiêm ngoái đầu chợt phát hiện cậu tổng đang dựa cạnh bức chân dung tự họa của Schiele mất hồn, với cái vẻ giống hệt như nhà nghệ thuật bất định nhưng tài hoa xuất chúng kia.
"Đức vua."
Tiếng gọi thứ ba nhuốm ý cười rốt cuộc cũng kéo linh hồn Tần Tranh đang lãng đãng dạo chơi tận phương nào quay về.
"Em biết không, tiếng Đức có một từ thế này."
Thẩm Thiêm nghiêm túc phát âm từng âm tiết: "Ewiggestrigen."
Tần Tranh lặng lẽ ngước mắt nhìn thẳng vào anh: "Kẻ sống mãi trong quá khứ."
Thẩm Thiêm nheo mắt trêu ghẹo, khẽ gật đầu: "Uh huh."
Tần Tranh giả ngu hạng nhất, lập tức gắp lửa bỏ tay người: "Nhưng anh không phải loại người ấy."
Thẩm Thiêm nhếch môi: "Đương nhiên, hoài niệm là thứ chỉ giai cấp tư sản già cỗi như các em mới làm. Những người Bolshevik như tôi chỉ nhìn vào thực tại."
Hai người đến giữa trưa mới ăn cơm ở một quán cà phê nhộn nhịp tại trung tâm, nơi Lenin và Trotsky từng luận bàn về cuộc cách mạng nước Nga. Còn giờ này Thẩm Thiêm hiển nhiên vẫn chưa thoát vai, thở ra toàn mấy câu về đấu tranh giai cấp.
Tần Tranh vạch lỗ hổng trong lời anh nói: "Ai là người nhìn thấy tương lai?"
Một câu hỏi hay và cũng rất dễ để trả lời, câu trả lời chính xác có cả rổ. Nhưng Thẩm Thiêm dừng lại nghĩ ngợi, cuối cùng vẫn hỏi một đằng trả lời một nẻo: "Nhìn hiện tại thôi không đẹp à?"
Anh nói: "Thế giới hôm qua hẳn nhiên hoàn hảo, thế giới tương lai hẳn nhiên huyền bí, nhưng chúng đều không liên quan đến tôi của hiện tại."
Nếu trước lúc tự vẫn Zweig mà tiên tri được nhiều năm sau tác phẩm Thế Giới Những Ngày Qua, The World Of Yesterday bị một thanh niên đời sau trích dẫn lung tung kiểu này, hẳn ông phải nổi đóa đến độ thấy cái chết của mình quả là phí phạm, phải sống, để nhìn thấy hòa bình huy hoàng của Vienna ngày hôm nay.
Đắn đo giữa hai câu hỏi "Vậy tôi của quá khứ cũng không liên quan gì đến anh sao" và "Anh thật sự không sợ chết sao" trong phút chốc, Tần Tranh chọn câu trả lời thứ ba: "Ngụy biện."
Thẩm Thiêm nhún vai, cười nhận câu bác bỏ nọ.
Bảo Tàng Leopold là nơi cất giữ hoàn chỉnh nhất những tác phẩm của Schiele trên thế giới. Hai người vừa thăm thú vừa nghỉ ngơi, thỉnh thoảng bình phẩm góc nhìn nghệ thuật.
Về người họa sĩ điên loạn mất sớm kia, Thẩm Thiêm và Tần Tranh như đại diện đương thời của hai phe ly khai Vienna và phe bảo thủ, anh một câu tôi một câu không ai chịu thua ai.
Số từ tiếng Trung Thẩm Thiêm dùng làm sao so được với Tần Tranh. Nói đến từ nào đó anh muốn xài luôn tiếng Hungary nhưng người kia không hiểu, tiếng Đức hay Anh thì không biểu đạt được chính xác hàm ý. Anh nghẹn lời mãi, cuối cùng bỗng tỏ ra thản nhiên.
"Em chỉ muốn trái ý tôi thôi." Anh khẳng định.
Schiele cũng tương đồng với Van Gogh, thiêu đốt bản thân trong điên loạn mười năm cuối đời và tạo nên những tác phẩm khiến người đời phải bàng hoàng kinh hãi. Nhưng Schiele may mắn hơn Van Gogh nhiều lần khi nổi tiếng từ lúc sinh thời. Schiele rất nổi loạn, Tần Tranh cũng cực kỳ nổi loạn, hai linh hồn nổi loạn cùng bản chất tiếp xúc dù có bất hòa nhưng sẽ luôn chung chí hướng. Nói chung là sẽ không như Tần Tranh vừa rồi, phê phán Schiele đến độ không đáng một xu.
Hắn đang giở tính trẻ con ấy mà. Lúc lên đến mái nhà, Thẩm Thiêm lần nữa khẳng định suy nghĩ này.
Vài năm trước phần mái nhà của bảo tàng được mở rộng với đài quan sát Mq Libelle. Những khi không có hoạt động nghệ thuật, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng trung tâm thành phố Vienna qua bức tường kính.
Tần Tranh tự nhiên chuyển chủ đề: "Anh cứ nói tiếng nước ngoài, để tôi dạy anh một câu thành ngữ tiếng Trung."
Thẩm Thiêm cười: "Mời thiếu gia chỉ giáo."
Tần Tranh nghiêm túc nhả từng chữ giống như anh khi nói ra cụm "Ewiggestrigen" vừa nãy: "Ve không biết tuyết."
Sinh ra vào mùa hạ, chết đi vào mua thu, không nhìn thấy tuyết.
Thẩm Thiêm ngẫm một lát đã hiểu: "Ý em bảo tôi kiến thức nông cạn?"
Tần Tranh khe khẽ lắc đầu, quay đầu đối diện với Thẩm Thiêm và hình bóng cung điện Hofburg xa xa, đôi mắt đen tuyền phẳng lặng.
"Tôi hy vọng anh nhìn thấy được tuyết."
Thẩm Thiêm chậm chạp chớp mi, chợt nghẹn lời.
Anh nhớ về đêm qua.
Hai người quá cảnh ở Copenhagen tranh thủ thời gian lên danh sách điểm đến. Vị trí khách sạn tìm khá khó nhằn, xe taxi chở loanh quanh mãi đến lúc trời tối hẳn mới rẽ vào ngõ khuất thoạt đầu không ai để ý. Tần Tranh lịch thiệp lạ thường, ngỏ lời xin phép ý kiến của Thẩm Thiêm và lần đầu tiên đặt trước hai phòng khách sạn riêng cho cả hai, đồng thời nhường phòng có view hướng ra sông Danube cho Thẩm Thiêm.
Kỳ quặc và lạ lẫm —— Khi quay lưng với Tần Tranh đứng trong hành lang mở cửa phòng rồi bị hắn gọi giật về, Thẩm Thiêm đã cảm giác như thế.
—— Thẩm Thiêm.
—— Cái gì?
—— Ngủ ngon.
Chỉ là ngủ ngon thôi.
Cũng may mà, chỉ là ngủ ngon.
"Em biết vì sao tôi lấy cái tên này cho mình không?" Thẩm Thiêm tỉnh táo, cười hỏi Tần Tranh.
Gia Ánh, mỗi ký tự đều mang ngụ ý tốt đẹp.
Mà Thiêm là thứ cỏ tranh bện quấn bao trùm vạn vật, là tấm mành cỏ mành rơm tầm thường và dễ có được, không ai tiếc thương.
Nhưng đó không phải ngụ ý của anh.
Thẩm Thiêm đặt đầu ngón tay trên kính viết tên mình. Anh khựng một thoáng chốc, rụt tay về sau lưng rồi ngoái đầu nhìn Tần Tranh, khóe mắt cong cong: "Tôi hy vọng mình gánh chịu một nửa khổ đau thôi."
*苫 (Thiêm) thiếu một nửa nét là thành苦 (Khổ)
Đi liền sau "Tôi hy vọng" tường là những mong ước đẹp đẽ. Nhưng hôm nay hai người lại lấy nó ra để làm trò bí hiểm.
Một cuộc chiến không dao kiếm, tuyết và cỏ rơm, một cái khỏa lấp được núi đồi, một cái lửa thiêu không bao giờ cùng tận. Cả hai chưa bao giờ được đem lên đặt cùng một cán cân, mới chỉ một khoảnh khắc chạm mặt mà đôi bên đều đã nhận biết, rằng cuộc chiến này không rõ mục đích, và cũng sẽ không ai thuyết phục được ai.
Nhưng bất ngờ là, lần này Tần Tranh lại cao quý cúi đầu trước.
"Hy vọng anh cho phép tôi mời anh một chiếc kẹo bông gòn ở công viên Prater."
Cậu tổng với vẻ mặt không biểu cảm nghiêm túc giơ cờ trắng tạm thời đầu hàng.
Thẩm Thiêm không nhịn được bật cười: "With pleasure, your majesty."
Lại nói tiếng nước ngoài rồi.
Thẩm Thiểm ghé lại gần sát bên tai Tần Tranh, trả lời bằng tiếng mẹ đẻ thêm một lần: "Tôi nói, rất vinh hạnh, đức vua của tôi."
Tác giả có lời muốn nói:
Đài quan sát ở bảo tàng Leopold hình như vẫn chưa xây xong, mà lúc Thẩm Thiêm tới thì đã xây xong rồi nha.
Chú thích:
Sông Danube (Đa Nuýp)
Bảo tàng Leopold
Bức họa Nàng Wally
Đài quan sát
Quán cà phê Central