Tôi có một người bạn ấu thơ chưa bao giờ gặp, chưa hề nhìn thấy mặt, chưa hề nghe tiếng nói. Tôi thậm chí chưa từng chạm vào cậu. Dẫu vậy, cậu ấy có cảm giác thật gần gũi với tôi. Tôi hay nghĩ về cậu thật trìu mền. Cậu ấy là sự cứu rỗi của tôi.
Cậu không hề tồn tại. Đúng hơn, cậu chỉ tồn tại trong ký ức của tôi. Cậu ấy là một ảo tưởng dễ chịu mà bộ não thiếu dưỡng khí của tôi tạo ra trong những đêm dài mất ngủ. Thế nhưng cái ảo tưởng này ngày càng có hình dáng rõ ràng hơn, và nhanh chóng trở thành một người bạn không thể thay thế của tôi.
Cậu không có tên. Bởi vì nếu tôi đặt tên cho cậu, điều đó chỉ làm việc cậu không tồn tại trở nên rõ ràng hơn. Tôi chỉ đơn giản gọi cậu ấy là “cậu”. “Cậu” là người bạn thơ ấu duy nhất của tôi, một người hiểu tôi, người hùng của tôi.
Tôi hạnh phúc trong cái thế giới giả tưởng mà cậu tồn tại.
Trong thế giới thật, nơi cậu không tồn tại, tôi không có hạnh phúc.
Thế giới này đã là một nơi nghẹt thở với tôi từ khi còn nhỏ. Không phải là nghĩa bóng đâu. Đúng, nó còn là một nơi khó thở về mặt tâm lý, nhưng trước đó, tôi gặp vấn đề với việc thở theo nghĩa đen. Tôi thực sự không thể thở theo ý mình. Thế giới này làm lồng ngực tôi thổn thức, nhưng trước đó, nó đã đau về mặt thể xác. Có cảm giác rằng nó sẽ vỡ toang thực sự.
Ngạt thở. Ngột ngạt. Hết hơi. Tất cả mọi người đều dùng những cách mô tả quen thuộc ấy, nhưng có bao nhiêu người đã thực sự nếm trải cảm giác hơi thở của họ gần như đã ngừng lại? Con người ta thở một cách vô thức. Họ có thể thở trong khi ngủ. Nếu bạn đang sống một cuộc đời bình thường, hiếm khi nào bạn sẽ rơi vào nguy cơ bị ngạt thở thực sự.
Tôi đã phải rất nghiêm túc về việc hít thở khi ấy. Tôi dành ra hầu hết thời gian mỗi ngày để nghĩ về việc thở. Theo cái cách mà một nhiếp ảnh gia kinh nghiệm có thể cảm nhận được nguồn sáng của một địa điểm, tôi có thể đọc được lượng oxy trong không khí. Không ai lại nhận thấy sự hiện diện của không khí, nhưng tôi thì lại có thể cảm thấy nó bằng da thịt. Trong khoảng thời gian mà hầu hết mọi người đều đã ngủ, thì tôi đang tập trung hết mọi giác quan vào việc thở. Thò cái que dài ra ngoài màn đêm như một cái ống thợ lặn, tôi tuyệt vọng hít không khí vào phổi.
Trong thời hiện đại, bằng những công nghệ như một cỗ máy bé xíu, người ta đã có thể viết một quá khứ viễn tưởng vào não bộ, thì nhiều người vẫn tưởng hen suyễn không phải là căn bệnh trầm trọng gì lắm. Đúng thế; chỉ trừ một vài trường hợp rất nặng, còn bạn vẫn có thể bình thường sống như một người khỏe mạnh nếu như có được kiến thức đúng đắn để sống chung với nó.
Vấn đề là, bố mẹ tôi thiếu đi cái kiến thức đúng đắn ấy. Họ coi nói như “một căn bệnh khiến bạn thi thoảng không thể ngừng ho.” Hai người đó còn chưa bao giờ cảm cúm thì làm sao có thể hiểu được cảm giác hơi thở của bạn nghẹn lại bởi một ống khí quản bị tắc.
Không, có lẽ đó chưa phải là vấn đề cốt lõi. Cái họ thiếu không phải là kinh nghiệm với bệnh tật, hay kiến thức, hay tình thường, mà là một trí tưởng tượng sơ đẳng. Bố mẹ tôi hiểu sai về cơ bản sự “thấu hiểu”. Họ có thể mang người khác gần hơn tới thế giới của mình, nhưng không thể mang mình gần hơn tới thế giới của người khác.
Họ nhồi nhét mình vào một cái khung bé tí ấy.
Tệ hơn cả, họ có một sự ngờ vực vô căn cứ vào công nghệ nói chung. Những người như thế thời nào cũng có. Những người với cách suy nghĩ giản đơn và tôn vinh thái quá giá trị của từ “tự nhiên”. Họ thật lòng tin vào những quan niệm xằng bậy mà bạn có thể thấy những cuốn sách mập mờ viết ra, ví dụ như “nếu đến bệnh viện thì bạn sẽ bị lây.” Thuốc tây có hại đến sức khỏe, các pháp đồ điều trị làm ngắn đi tuổi thọ của người ta, mọi loại bệnh đều chỉ là âm mưu của mấy tay bác sĩ - họ bị những điều đó thuyết phục. Tôi đoán đó chính là căn bệnh của họ.
Trong mắt hai người ấy, chỉ những thứ gì đã có ở đó từ ban đầu thì mới tốt, mọi thứ khác chỉ là xấu xa. Thứ lòng tin này luôn luôn làm tôi mệt mỏi, nên tôi bắt buộc phải theo đuổi một lòng tin đối lập. Ngắn gọn lại là: ghét những thứ có sẵn, yêu những thứ không tồn tại.
Và đó là cách “cậu” được sinh ra.
***
Tôi vẫn nhớ những đêm dài, tăm tối.
Vào lúc ấy, tôi sợ ánh đêm. Đến bây giờ vẫn sợ, nhưng là vì một lý do khác. Tôi không thể trả lời là cái nào đáng sợ nhất, bởi vì chúng đều tệ như nhau. Trong đau đớn không có cái gì gọi là “tốt hơn” cả. Nhưng nếu coi nỗi đau là như nhau, tôi đoán rằng đứa trẻ trong tôi đã thấy khổ sở hơn do trái tim khi ấy vẫn còn mềm yếu.
Vào thời điểm một ngày kết thúc và đến khi trèo lên giường, hệ hô hấp của tôi bắt đầu trở nên bất thường. Đầu tiên là cơn ho nhẹ, đó là tiếng gõ cửa của sự đau đớn. Nếu điều này xảy ra, việc đi ngủ coi như xong. Cơn ho sẽ tệ đi dần đều, đạt tới đỉnh điểm của nó quanh lúc hai giờ đêm, xong vẫn tiếp tục suốt đêm. Như thể chính cơ thể đang ngăn tôi đi ngủ.
Nằm ngửa mặt thì khó mà thở nổi, nên tôi ngồi như đang ôm một tấm chăn cuộn tròn trong lòng. Thời gian trôi đi, tư thế của tôi sẽ dần nghiêng về phía trước, cuối cùng đặt tôi vào một vị trí như đang co quắp lại. Người nào nhìn thấy sẽ tưởng tôi đang cầu xin ai sự tha thứ. Hoặc có thể trông tôi giống như đang muốn trở lại làm một bào thai, không biết đến sự đau đớn. Cả hai đều không phải. Chỉ là tư thế ấy thoải mái nhất mà thôi.
Dấu hiệu rõ rệt nhất là ho, nhưng cơn ho không phải là bộ mặt thật của nỗi đau. Thứ thực sự hành hạ tôi là sự khó thở. Hành động cơ bản mà một con người đã thực hiện trong vô thức kể từ khi mới sinh - thở ra hít vào - trở thành một công việc nặng nhọc hằng đêm. Hãy tưởng tượng cổ họng của bạn biến thành cái van khí của một cái phao, hoặc phổi bạn biến thành nhựa cứng. Nếu bạn không thể hít vào dễ dàng, bạn cũng không thể thở ra dễ dàng.
Cảm giác không thể thở được có liên qua trực tiếp với nỗi sợ chết. Cái cổ họng này của tôi rồi sẽ trở nên hoàn toàn tắc nghẽn sao? Nó sẽ không còn hoạt động, giống như một cái máy hút bụi vừa hút phải một cái túi ni lông sao? Khi đến lúc đó, chắc tôi sẽ không thể thốt ra được dù chỉ là một tiếng rên. Tôi sẽ vật lộn để kêu cứu, nhưng không ai sẽ để ý, tôi sẽ rùng mình, sẽ hoảng hốt, sẽ run rẩy, những tiếng la hét, chửi rủa của tôi sẽ mắc lại trong cuống họng trong lúc tôi không trút được ra dù là một hơi thở cuối cùng. Chỉ nghĩ về việc đó cũng làm tôi nức nở trong hoảng loạn.
Phòng tôi cách phòng bố mẹ một khoảng không xa, và cũng là nơi tôi ngủ. Tôi ngủ cùng phòng bố mẹ đến khi 4 tuổi, nhưng giường tôi được chuyển qua đây sau khi tôi bước sang tuổi thứ 5 một chút. Mẹ tôi thản nhiên đưa ra lý do rằng “nhà vệ sinh ở gần đây nên sẽ tiện hơn cho con,” nhưng tôi chẳng thấy nó khác nào một biện pháp cách ly. Có lẽ họ không chịu nổi việc tôi đánh thức họ với cơn ho suốt đêm. Tôi không thể nói là mình không thể hiểu điều đó.
Tôi được bảo là phải gọi ngay cho họ nếu có chuyện gì xảy ra, nhưng giữa lúc lên cơn hen, tôi không thể hô đủ to để giọng mình chạm được đến tai của hai vị phụ huynh đang nằm trong căn phòng nằm chéo bên kia hành lang, nên biện pháp cách ly này chẳng khác nào án tử. Bên cạnh đó, cứ cho là tôi có thể gắng gượng bò qua phòng ngủ đó, họ cũng sẽ chẳng làm gì giúp tôi cả. Tôi chưa bao giờ quen với những cơn hen, nhưng bố mẹ tôi thì có. Một khi họ biết được rằng nếu nó không nghiêm trọng, họ có thể để tôi mội mình và đến sáng thì nó sẽ đỡ, bao nhiêu lời khẩn nài tôi nói về căn bệnh của mình sẽ trôi từ tay này sang tay kia.
Cho tới khi lên 7, nếu tôi có một cơn hen nặng vào ban đêm, họ sẽ gọi cấp cứu. Khi nghe thấy tiếng động cơ xe trước cửa và biết được rằng chúng tôi sẽ sớm đến bệnh viện, nỗi lo của tôi nhanh chóng tan biến. Chỉ cần nghĩ về những thứ như mùi bệnh viện, truyền dịch, máy thở làm tôi bình tĩnh lại. (Bệnh viện trở thành địa điểm yêu thích của tôi..) Rất có thể vì sự bình tâm ấy, thường thì trong 30 phút trên đường đến bệnh viện, tôi sẽ trở nên khá hơn. Việc ấy cứ lặp đi lặp lại, thế là bố mẹ tôi bắt đầu nghi ngờ rằng tôi giả bệnh. Có lẽ con bé này chỉ phóng đại cơn ho của nó để thu hút sự quan tâm của bố mẹ mình.
Việc những cơn hen dịu đi chỉ nhờ đi tới bệnh viện là một việc thường thấy, nhưng lúc đó tôi không biết về chuyện này, càng không có sự khách quan cần thiết để giải thích một cách hợp lý cho về tình trạng của mình. Sự ngờ vực của bố mẹ tôi tăng lên theo từng ngày. Họ sẽ nhìn tôi ho nổ cổ, rồi bố tôi sẽ buông một câu lãnh đạm “mày ho gì mà ho lắm thế.” Sau đó đến mẹ tôi nghi ngờ, “nó đau đến thế cơ à?” Sau đó, dù cho tôi có lên cơn hen, họ cũng sẽ giả bộ như không thấy.
Một lần, tôi không còn lựa chọn nào khác và buộc phải tự gọi xe cấp cứu. Bố mẹ không thèm nói chuyện với tôi trong một thời gian dài. Khoảng một tuần sau đó, họ cuối cùng cũng mở miệng, nhưng thứ đầu tiên họ thốt ra là một câu mắng nhiếc. “Mày làm xấu mặt chúng tao.” “Mày nghĩ bọn tao có tiền để vứt đi như vậy hả?” Hai con người họ chắc hẳn sẽ hạnh phúc hơn nếu như đứa con này đã chết rồi, ấy là suy nghĩ khi còn bé của tôi. Sự kiện này cũng đánh bật ra khỏi tôi một lần nữa sự kỳ vọng bất cứ thứ gì từ người khác.
Dù sao thì, tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi thời gian trôi đi. Thi thoảng tôi sẽ thò đầu ra khỏi cái ổ của mình, nhìn vào chiếc đồng hồ sáng dưới ánh trăng đặt cạnh giường, cầu khẩn cho màn đêm kết thúc sớm hơn dù chỉ một giây nữa. Sự đau đớn càng lớn, thời gian trôi càng chậm, thế nên sự giày vò thường khiến tôi có thôi thúc đập tan cái mặt kính để vặn kim đồng hồ bằng tay. Tôi thích mùa hè hơn chỉ vì ban đêm ngắn hơn.
Khi bình minh đến, nhịp thở của tôi đã ổn định trở lại để ngủ được, trong giấc ngủ thoáng chốc ấy, tôi mơ về “cậu”. Nhưng hai tiếng sau, tôi đã phải tỉnh dậy để đi học. Điều đáng lo về bệnh tình của tôi là khi tôi không ho hắng thì trông tôi chẳng có chút gì là ốm yếu. Tôi có thể nói với bố mẹ mình là tôi mệt mỏi và cần phải nghỉ ngơi, nhưng tất nhiên là không được họ chấp nhận. Họ sẽ không tin tôi trừ phi có những bằng chứng nhìn thấy được như số đo trên nhiệt kế hay những nốt phát ban trên da.
Nhờ đó, tôi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ và lờ đờ vào ban ngày. Đầu óc tôi mụ mị, hai mắt nhòa đi, những âm thanh dường như đang vang lên sau một bức tường. Trong một thế giới bao phủ bởi một màn sương mờ, chỉ có những đau đớn và mộng tưởng của tôi là thật.
***
Khi lớn lên một chút, tình trạng của tôi cũng bớt trầm trọng đi, còn cơn hen dần dà trở thành một căn bệnh về tâm lý. Khi những yếu tố về môi trường bắt đầu không còn tác động lên mình nữa, thế chỗ cho chúng là nỗi lo lắng và stress. Nếu tôi làm một việc như thế này thì có thể sẽ lên cơn hen, tôi không thể để cơn hen xảy ra trong lúc ở đây được; chính cái việc suy nghĩ ấy lại trở thành tác nhân lớn nhất.
Nếu như tôi đã có một người làm chỗ dựa tinh thần vào lúc ấy, tôi có thể đã hoàn toàn lành bệnh hen sớm hơn nữa (dù tất nhiên, đi chữa bệnh đàng hoàng ở một cơ sở y tế thì vẫn tốt hơn cả). Người này sẽ cứu tôi, người này sẽ hiểu tôi, bảo vệ tôi - nếu tôi có một người để mình cảm thấy như vậy, tôi chắc chắn rằng số cơn hen gây ra bởi sự lo lắng sẽ giảm đi ít nhiều.
Tôi không có bạn bè. Do phải nhập viện vì viêm màng phổi năm 6 tuổi từ mùa đông đến hết mùa xuân, tôi nhập học cấp một muộn. Một phần khác là do tôi bị cấm ra ngoài, “bởi vì tôi không nên gây phiền hà cho người khác.” Tôi không thể hoạt động quá sức, nên không thể chơi đùa nhưng những đứa trẻ cùng trang lứa. Và tôi cũng không thể tham gia hầu hết các sự kiện như leo núi hay chạy điền kinh.
Nhưng yếu tố lớn nhất vẫn là tính cách của tôi. Căn bệnh khiến tôi trở thành một người lệ thuộc, khắt khe với bản thân. Cơ thể tôi là một sự thất bại khiến cho tôi không thể sống bình thường, và tôi là một kẻ gây rối, có cảm giác rằng chỉ cần tôi có mặt ở đó cũng khiến cho bao người gặp rắc rối; tôi tự nhận thấy vậy. Đó có thể là sự thật, nhưng một đứa trẻ chưa sống nổi một thập kỷ không có nghĩa vụ phải đối diện với sự thật. Đáng ra tôi không nên lo lắng về nó và cứ sống hiên ngang.
Nhưng hai con người gần gũi với tôi nhất không chỉ củng cố cái thái độ lệ thuộc ấy, họ còn ủng hộ nó ra mặt. Họ đưa ra những ám chỉ không lời rằng “mày sẽ còn làm phiền tới rất nhiều người khác trong đời, nên ít nhất thì hãy biết điều một chút.” Tôi được nuôi dạy để tự căm thù chính mình, một bài học thường xuyên được tôi ứng dụng. Chẳng có cơ hội nào để tôi có bạn bè.
Tôi không có một kỷ niệm tốt đẹp nào về trường học. Đặc biệt là khi còn đi học tiểu học tại một ngôi trường công trong vùng, tôi thực sự là một sinh vật đáng thương.
Vào lúc ấy, tôi có thói quen đi gù lưng. Cách đi đó là hoàn toàn tự nhiên bởi làm thế giúp việc thở dễ dàng hơn, nhưng đám bạn cùng lớp thường xuyên trêu chọc tôi vì thói quen này. Khi tôi trông thấy bọn con trai bắt chước dáng tôi đi và cười đùa, tôi tự dặn mình phải cảnh giác, rằng tôi không thể lên cơn trước mặt bọn chúng. Bởi đó sẽ chỉ cho chúng thêm một công cụ nữa để bắt nạt tôi. Tôi sẽ tiếp tục là trò cười suốt mấy năm. Chắc chắn là tôi không thể để lộ ra thêm một yếu điểm nào nữa. Tôi càng trở nên căng thẳng, không khí trong lớp học càng có cảm giác loãng đi.
Có một số rất ít người biết về căn bệnh của tôi và tỏ ra quan tâm. Những loại người ấy sẽ cực kỳ thân thiện lúc ban đầu và gắn bó với tôi, nhưng sau một khoảng thời gian nhất định, họ sẽ tỏ ra bực mình với cách cư xử nhạy cảm của tôi, trở nên khó chịu với việc chỉ ở quanh tôi thôi cũng khiến cho họ bị hạn chế đi rất nhiều, và cuối cùng phát chán với tôi và bỏ đi. Trong những trường hợp tệ hơn, họ sẽ bắt đầu ghét tôi. Thế nên rốt cục, tôi vẫn chỉ có một mình.
Chỉ cần đừng để cảm xúc của tôi trở nên căng thẳng, và nếu thấy có một cơn hen sắp ập đến, bỏ ngay việc đang làm bất kể là gì, và đi tới phòng y tế. Tuân thủ chặt chẽ hai điều luật trên đã giúp tôi vừa vặn không để lộ ra mức độ bệnh tật của mình tới những đứa cùng lớp. Trong thực tế, những cố gắng của tôi rất đáng giá, cho tới một ngày. Vào mùa đông của năm lớp bốn, tôi lên cơn hen nặng ngay giữa lớp học.
Một thằng con trai trông thấy tôi mang theo lọ thuốc xịt hen như một thứ bùa may mắn đã nói ra một điều gì đó để trêu tôi. Đó chính là nguyên nhân. Đáng ra tôi nên mặc kệ cậu ta, nhưng thứ cậu ta nói quá là ác ý, nên tôi đã cãi lại. Cậu ta ngây ra, vì không nghĩ là mình sẽ bị chống trả, và rồi cậu ta cáu. Để cho thấy sự tức giận của mình, cậu ta giật lấy cái lọ thuốc từ tay tôi và ném nó ra ngoài cửa sổ.
Tôi hoảng loạn. Tôi chạy đi để nhặt lại lọ thuốc, và ngay sau đó, tôi cho thế giới thấy một cơn hen dữ tợn hơn tất cả những cơn mà tôi đã trải qua trước đây.
Ngày hôm đó vẫn ám ảnh tôi trong những giấc mơ.
Phản ứng của lũ bạn không có gì khác mấy so với tôi mong đợi. Hình ảnh tôi lên cơn không làm chúng động lòng thương hại hay trắc ẩn, mà là một thứ khôi hài và gớm guốc. Kể từ đó, tôi hiếm khi xuất hiện trong lớp. Tôi dành hơn hai năm tháng còn lại của trường tiểu học trên chiếc giường trong phòng y tế.
Tất nhiên, tôi cũng không có chốn dung thân trong phòng y tế luôn. Những học sinh trốn học ở đó được phân làm các tầng lớp và phe phái. Phòng y tế là một xã hội riêng biệt, và tôi bị tẩy chay vì không thể hòa nhập được vào đó. Một vài học sinh ghi danh vào phòng y tế đã cầu cạnh được một vài ân huệ với cô y tá trường, một số thì không; dĩ nhiên tôi thuộc về vế sau.
Mặc dù vậy, kể cả nếu tôi không thể gọi nó là một vùng đất an lành đến hoàn hảo, so với lớp học nó vẫn có thể là thiên đường. Tôi đọc sách một mình ở đó, ngủ những giấc dài để bù vào những năm tháng mất ngủ. Khi mọi người tham gia vào những buổi sinh hoạt ngoại khóa của lớp năm và những chuyến dã ngoại của lớp sáu thì tôi đang ngủ trong bệnh xá. Tôi không cảm thấy tệ lắm vì đã bỏ lỡ những dịp đó.
Có thể là bởi vì cuối cùng tôi đã ngủ đủ giấc, hoặc có thể là bởi vì tôi không phải đối diện với sự căng thẳng của việc cả lớp quan sát mình nữa, hai năm ấy đã giúp tôi từ chỗ thấp nhất nhì trong khối đi đến việc có một chiều cao trung bình. Tôi có thêm được kiến thức về bệnh hen, và đến khi vào cấp hai, tôi đã có thể sống một cuộc đời quanh mức bình thường. Nhưng cho tới khi ấy, sự cô độc đã thấm tới tận xương tủy, và tôi không thể nghĩ đến việc kết bạn với ai nữa.
Nghe thì có vẻ lạ, nhưng tôi cảm thấy rằng nếu bây giờ mà mình lại đi kết bạn, điều đó sẽ là không thể tha thứ đối với con người hồi tiểu học của tôi. Nếu con người hiện tại của tôi chối bỏ sự cô đơn thì cũng đồng nghĩa với việc chối bỏ con người trước đây. Tôi sẽ thửa nhận rằng sáu năm chất đầy đau đớn ấy chẳng mang lại gì ngoài sự mệt mỏi.
Tôi muốn tiếp tục những khám phá trong đơn độc mà cô gái của những ngày tối đen ấy đã tìm ra. Sự đau đớn mà em phải chịu đựng chắc chắn không phải vô ích; nó vẫn thở trong người tôi đây, tôi muốn cam đoan với cô gái ấy.
Thế là tôi có một quãng thời gian lẻ loi ở trường cấp hai và cả cấp ba. Tôi vẫn không biết được liệu đó có phải lựa chọn đúng đắn. Nhưng tôi nghĩ nếu như mình đã cố coi như quá khứ chưa từng xảy ra và sống như bình thường, tôi sẽ lại gắng sức quá xa để rồi mọi thứ sẽ đổ vỡ hết. Sau đó có lẽ tôi sẽ còn cô đơn hơn cả lúc ấy nữa.
Những ký ức của tôi về trường học là như thế đó. Vào ngày nghỉ, tôi ở lì trong phòng. Bố mẹ tôi cấm tôi rời khỏi nhà không cần thiết là một chuyện, nhưng cũng bởi tôi không có một thôi thúc nào về việc đi ra ngoài, cũng không có ai mà tôi muốn gặp. Tôi chẳng có động lực để mà học bài. Chỉ nghe giảng trong lớp là đủ để tôi có một điểm số kha khá, và ngay cả nếu như có học nhiều, tôi không thể hình dung nổi là bố mẹ sẽ cho phép tôi học đại học. Thế nên hoặc là tôi đọc sách mượn từ thư viện, hoặc nghe nhạc từ một cái máy phát mà bố tôi không còn dùng nữa.
Khi không có hứng nghe nhạc hay đọc sách, tôi sẽ nhìn người qua lại từ ô cửa sổ nhô ra. Nhà tôi xây trên một khu đất cao, nên tôi có thể thấy khá nhiều thứ từ cửa sổ của mình. Những hàng anh đào vào mùa xuân, cánh đồng hoa hướng dương vào mùa hạ, những hàng cây phong mùa thu, cảnh tuyết phủ vào mùa đông. Tôi chưa bao giờ thấy chán việc ngắm nhìn những cảnh vật ấy, và việc nghĩ về người bạn thơ ấu mà tôi chưa từng gặp mặt..
Thật lòng mà nói, tôi cần một gia đình. Tôi cần một người bạn. Tôi cần một tình yêu.
Tôi mơ về một cá nhân có thể thỏa mãn cả ba thứ ấy. Như một điều không thể tránh khỏi, “cậu” trở thành người bạn ấu thơ của tôi. Cậu có thể ấm áp như người trong nhà, thú vị như một người bạn, thân thương như một người yêu, phù hợp với mọi ý muốn của tôi; có thể gọi cậu ấy là một người con trai lý tưởng.
Điều gì đã có thể xảy ra nếu “cậu” đã ở đó vào lúc ấy? Tôi phỏng lại những câu chuyện nếu như ấy đến từng chi tiết một. Tôi lấy ra từng kỷ niệm trong quá khứ và dệt thêm cậu ấy vào, để cứu lấy từng cái tôi đẫm lệ trong những kỷ niệm ấy.
Nếu như tôi đã gặp được “cậu”.
Nếu “cậu” đã cứu tôi.
Nếu “cậu” đã ôm tôi thật chặt.
Cuộc đời mà tôi đang sống liệu rằng sẽ ra sao?
Những mộng tưởng ấy là chỗ trú ẩn duy nhất dành cho tôi.
***
Một bước ngoặt cuộc đời đã đến ở tuổi 16.
Vào lúc này, chỉ có một cách duy nhất để một người không có bằng cấp hay kinh nghiệm ứng tuyển vào vị trí kỹ sư Phỏng Ức: chờ cho tới khi một phòng khám lớn thực hiện việc tuyển dụng công khai định kỳ của họ, rồi tạo dựng và gửi về một Phỏng Ức dựa theo hồ sơ cá nhân mà phòng khám đó đã đưa cho bạn. Nếu đạt tiêu chuẩn của họ, bạn sẽ được tuyển vào, chỉ đơn giản vậy thôi.
Có lẽ cách dễ nhất để hình dung là coi nó như giải thưởng Cây bút mới của năm trong lĩnh vực tiểu thuyết vậy. Nó cũng cạnh tranh như trong giới văn học luôn. Và suy cho cùng, nếu coi thứ mà bạn gọi là “tài năng” đều như nhau, vẫn có những người nghiên cứu đến mòn mông nhưng lại không được chọn, trong khi có những người viết Phỏng Ức để giết thời gian mà lại được tuyển vào những phòng khám hàng đầu. Tuổi tác và kinh nghiệm không thành vấn đề, và bạn cũng không cần biết chi tiết về mảng khoa học. Giống như một tiểu thuyết gia không cần phải thành thục các chức năng của một cái máy đánh chữ hoặc kỹ thuật in ấn sách, kỹ sư Phỏng Ức không cần phải làm quen với thần kinh học hay công nghệ nano.
Thật ra, công việc của kỹ sư Phỏng Ức gần tương tự như công việc của một cây viết. Sự khác biệt lớn nhất đó là, tiểu thuyết gia viết cho số lượng người đọc mà họ mong đợi sẽ lên đến hàng ngàn hoặc hơn thế, trong khi kỹ sư Phỏng Ức chỉ mong có đúng một người đọc duy nhất (nói vậy không phải để khẳng định rằng không có tiểu thuyết gia nào chỉ viết để làm hài lòng một người đọc). Người viết tiểu thuyết chắp bút cho những yêu cầu đến từ bên trong bản thân, còn kỹ sư Phỏng Ức sáng tác cho những yêu cầu từ bên ngoài (nói vậy không phải để khẳng định không có tiểu thuyết gia nào viết cho những yêu cầu đến từ phía người khác). Họ xem xét hồ sơ của khách hàng, xây dựng nên một câu chuyện hoàn toàn dựa trên thực tế từ đấy. Có lẽ nghe sẽ hay hơn khi so sánh việc này giống như một nhà thơ viết một bài sonnet cho một vị khách hàng.
Đó là một thế giới đơn giản. Không chỉ bởi vì tính chất của công việc đơn giản, mà bởi vì công việc kỹ sử Phỏng Ức còn quá mới mẻ. Những điều luật liên quan tới Phỏng Ức chắc chắn sẽ xuất hiện trong tương lai, làm cho mọi chuyện dần trở nên phức tạp hơn. Nhưng tôi đã bỏ việc trước khi điều đó xảy ra, nên tôi chỉ biết tới mặt đơn giản của thế giới ấy.
Tôi được nhận vào vị trí kỹ sư Phỏng Ức ở tuổi 16. Ngay cả đến bây giờ, bốn năm sau, kỹ sư Phỏng Ức 16 tuổi vẫn hiếm như tiểu thuyết gia 16 tuổi.
Tôi chỉ biết được có một nghề như thế khi 15 tuổi. Tôi đang nhìn trân trân vào tờ phiếu lựa chọn khóa học, thắc mắc xem nên điền gì dưới phần “nghề nghiệp mong muốn” thì nó bỗng lọt vào sự chú ý của tôi. Bố tôi là một kỹ sư nha khoa, nên có lẽ tôi đã phản ứng lại với cái từ “kỹ sư” ấy. Tôi đọc mô tả công việc mà không trông đợi nhiều, nhưng khi ấy trực giác tôi đã mách bảo.
Đây là công việc sinh ra dành cho tôi.
Trực giác của tôi đã đúng chóc, trong mùa hè tiếp theo sau đó, tôi đang làm việc tại một phòng khám có danh tiếng như là người kỹ sư trẻ tuổi nhất từ trước đến nay. Tôi không nghĩ mình đã từng dành ra nỗ lực nào đáng để gọi là nỗ lực. Không ai cần phải chỉ bảo tôi; từ cái lúc tôi đọc qua một hồ sơ cá nhân và đặt ngón tay lên bàn phím, tôi đã biết chính xác mình phải làm gì.
Tôi không nghĩ mình sẽ được sự chấp thuận của bố mẹ nếu tôi nói mình muốn trở thành một kỹ sư Phỏng Ức, nên tôi đợi đến lúc có kết quả trước rồi mới bảo với họ là mình đã được nhận. Tôi nhấn mạnh vào việc có được một công việc trong lĩnh vực này khó khăn đến mức độ nào, tôi có thể theo đuổi nó mà không ảnh hưởng gì đến việc học trung học, và quan trọng nhất, nó cho tôi tiền (để đóng học phí), nên bố mẹ tôi cũng đành dùng dằng mà chấp nhận cho tôi vào làm.
Trình tự công việc như thế này. Phòng khám sẽ gửi cho tôi hồ sơ cá nhân của một khách hàng. Thông tin trong hồ sơ được lấy ra từ họ trong trạng thái thôi miên, nên sẽ không có sự giả dối nào trong đó. Tôi sẽ xem xét hồ sơ một lượt, rồi dùng nó để tạo ra một quá khứ tưởng tượng mà tôi nghĩ khách hàng sẽ cần. Tôi sẽ thường xuyên trao đổi với một biên tập viên và thực hiện những chỉnh sửa nhỏ, và một khi Phỏng Ức đã đạt trạng thái tốt nhất, tôi sẽ gửi chúng cho phòng khám. Thường thì tôi có thể hoàn tất toàn bộ quá trình này trong vòng một tháng.
Yêu cầu sáng tác sẽ thay đổi theo từng người, nhưng tôi luôn luôn bắt đầu bằng việc đọc đi đọc lại hồ sơ cá nhân của người đó cho tới khi thuộc lòng. Không hề có một chỉ dẫn nào giống như là “bạn phải làm như thế này”, nên tôi đọc nó ngấu nghiến. Không lâu sau đó, tôi bắt đầu gần như có một ảo giác rằng người khách hàng đó là một ai gần gũi với mình. Ngay cả khi đó, tôi vẫn chìm đắm vào việc đọc hồ sơ. Bằng cách này, tôi sẽ dần dà chạm tới được cốt lõi tâm hồn của người khách đó, đại loại như vậy. Đó là một trạng thái vượt trên cả sự thông cảm hay thấu hiểu - có lẽ nó nên được gọi là thần giao cách cảm.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi sẽ trở thành chính bản thân họ, nhưng ở một mức độ cao siêu hơn. Tôi có thể nhận biết được những điều mà khách hàng mong muốn từ sâu thẳm trái tim rõ ràng hơn nhiều so với chính họ. Những khiếm khuyết tự họ không thể nhận ra sẽ hiện lên trên bề mặt, và tôi có thể tìm kiếm và đưa ra những mảnh ghép hoàn hảo cho những lỗ hổng ấy. Bằng cách này, tôi có thể khiến họ có cảm giác rằng những ký ức ấy chỉ được làm cho riêng họ chứ không phải ai khác.
Tôi, người lúc nào cũng mơ mộng viển vông để lấp đầy những lỗ hổng của chính mình, có thể thực hiện công việc khó hình dung này dễ dàng như việc thở vậy - thực ra thì, còn dễ hơn cả thở ấy. Là một người thiếu sót tất cả mọi thứ, tôi có thể để tâm tới mọi loại trống vắng trong tâm hồn. Sự trống vắng ấy thật ra lại là thứ chủ chốt cho việc tạo ra một câu chuyện có thể thỏa mãn sự trông đợi của khách hàng. Tôi có thể làm quen với bất kỳ thứ gì.
Kể cả khi bạn có chắp bút cho một câu chuyện vĩ đại, nó cũng sẽ chỉ có một người đọc, và kể cả khi bạn có viết nên một câu chuyện lủng củng, nó cũng chỉ có một người đọc. Nên thực ra có rất nhiều kỹ sư Phỏng Ức thực hiện công việc một cách qua loa. Không có một chuẩn mực khách quan nào về chất lượng tốt hay tệ, nên họ có thể biện minh cho những tác phẩm loàng xoàng của mình bằng những câu nói “có vẻ như nó không phù hợp với khả năng cảm nhận của anh/chị.” Khi bạn chỉ có một độc giả cho mỗi tác phẩm, bạn cũng sẽ không bị chỉ trích vì đã dùng đi dùng lại một ý tưởng từ những công việc trước đây hay tự tái chế tác phẩm của chính mình, nên việc nhiều người tiếp tục xào xáo lại ý tưởng hay nhất của mình không phải là hiếm.
Đó là lý do có một vực sâu ngăn cách lớn giữa những kỹ sư Phỏng Ức có và không có lương tâm nghề nghiệp. Những kỹ sư giỏi nhất sẽ có được những khách hàng quen thuộc. Những người hài lòng với Phỏng Ức của họ thường sẽ mua đến cái thứ hai hay thứ ba. Họ chỉ băn khoăn về nó vào lần đầu, nhưng một khi đã cất bước, họ sẽ bị sự khoái lạc của việc làm lại quá khứ chế ngự.
Theo lẽ đó, những kỹ sư sản xuất hàng loạt Phỏng Ức đạt chất lượng 50% sẽ có nhiều thu nhập về ngắn hạn, nhưng những người tạo ra Phỏng Ức chất lượng 90% với số lượng ít sẽ có tổng thu nhập lớn hơn rất nhiều. Khách hàng sẽ dần dà bỏ đi khỏi những người sản xuất hàng loạt, và trong thế giới cạnh tranh này, bạn không thể nào lấy lại niềm tin đã mất. Người mua Phỏng Ức rất thận trọng. Không ai đủ trí tò mò để lựa chọn một tay kỹ sư mà họ biết là làm ăn vớ vẩn.
Tôi vùi mình vào những công việc cần sự tỉ mỉ. Tôi bám sát theo hạn chót, nhưng cũng không lơ là nghiên cứu. Không phải là là tôi thấy có trách nhiệm, thậm chí không phải là tôi muốn đáp ứng những kỳ vọng của khách hàng. Chỉ đơn giản là tôi thấy thích công việc này.
Việc đọc hồ sơ cá nhân và nghĩ ra những quá khứ tưởng tượng còn có nghĩa là được sống cuộc đời của những người khác. Là một người đã chán ngán với cuộc sống của chính mình, nghề nghiệp này là sự trùng lặp lý tưởng giữa sở thích của tôi và những lợi ích thiết thực. Tôi bỏ bê việc học ở trường và cống hiến hết mình cho công việc. Đầu óc tôi luôn để trên mây khi đến lớp, trên đó tràn ngập thông tin cá nhân của khách hàng hiện tại. Cũng bởi tôi chìm đắm trong cuộc đời của những người khác quá nhiều, nên đôi khi tôi hoàn toàn quên rằng mình là một cô gái vị thành niên đang đi học ở một ngôi trường công trong vùng.
Công việc đem lại cho tôi tiếng tăm, và chẳng bao lâu lượng tiền bạc nhiều chưa từng thấy trước đây đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của tôi. Trong năm đầu tiên làm việc, thu nhập của tôi vượt xa của bố. Tôi không có hứng thú trong việc kiếm tiền, nhưng khi nhìn vào tổng tiền ghi trong sổ tiết kiệm, tôi bắt đầu cảm thấy như được xã hội công nhận. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy rằng nếu mình có tồn tại trên thế giới này thì cũng chẳng sao. Bố mẹ có vẻ không thích thú lắm với việc con gái họ đã tùy tiện chọn một con đường đi của riêng mình trong đời, nhưng tôi dành ra một nửa số tiền mình kiếm được cho gia đình, và nó giúp cho tài chính của cả nhà cải thiện rất nhiều, nên họ không thể nào cằn nhằn mãi được.
Nhưng con số ấy như thể sờ thấy được. Khi rảnh rỗi tôi sẽ mở quyển sổ tiết kiệm của mình ra và nhìn con số to tướng trên đó để lấy sự khích lệ. Giống như khi còn bé, tôi sẽ lẳng lặng lấy ra lọ thuốc xịt hen cất trong túi để giúp mình bình tĩnh lại.
Khi 18 tuổi, tôi xung đột với bố mẹ của mình về vấn đề tiền bạc, và nghĩ rằng với đà này họ sẽ lợi dụng tôi đến hết cuộc đời mất thôi, thế là tôi bỏ nhà đi. Tôi thuyết phục người cô của mình cho tôi ở lại nhà của bà trong vòng vài tháng (bà cô ấy thân thiện, miễn là tôi trả tiền), rồi thuê một căn phòng ở căn hộ cũ do bà bạn của người cô đó quản lý, và bắt đầu sống một mình.
Tôi vẫn cô độc như trước đây, nhưng đó là khoảng thời gian cô đơn một mình tử tế, thích thú hơn nhiều so với việc bị vô lý tống ra khỏi một nhóm. Không phải sự cô độc của một lớp học, mà là sự cô độc trong căn phòng của chính tôi. Miễn là tôi yêu thích công việc, bận rộn với giả tưởng này qua giả tưởng khác, tôi sẽ không có thời gian rảnh để cảm thấy rằng mình cô đơn.
Qua những chuyến viếng thăm định kỳ tới bệnh viện, tôi biết được bệnh hen của mình đã khỏi từ một thời điểm nào đó. Với sự tự tin trong việc sống tự lập, cuối cùng tôi đã thoát khỏi những sợi xích trói buộc tay chân của mình.
Tiền đồ của tôi sáng lạn. Cuộc đời thật của tôi cuối cùng đã bắt đầu, tôi nghĩ vậy.
Đó là một điềm báo chính xác. Nhưng tôi nghĩ mình đã tạm quên rằng “thật” không phải lúc nào cũng là một điểm tích cực.
Ở tuổi 19, tôi mắc một căn bệnh mới.