1.
Hải Đường bảo với ta, nương nương trời sinh mỹ lệ, nhưng, là người thì vẫn cần dựa vào phục trang, nương nương không thể mặc những chất liệu có màu sắc quá tối.
Ta cẩn thận nâng niu bộ y phục vừa được Nội vụ phủ gửi đến cho hoàng hậu, đầu gật như gà mổ thóc: "Muội nhớ rồi."
Nước mà nương nương dùng rửa mặt, phải là nước giếng được lấy từ sớm tinh mơ mỗi ngày, sau đó đun sôi để nguội, chỉ khi không nóng không lạnh mới có thể bưng vào.
Khuôn mặt nương nương phù hợp với dáng mày dài, càng tôn lên vẻ yêu kiều trong đôi mắt lúng liếng của người.
Y phục của nương nương phải luôn lộng lẫy bất kể nơi đâu, trong vòng ba ngày không được lặp lại... nương nương, ...
Ta hỏi Hải Đường, nương nương đã quen được cưng chiều như vậy, làm sao tỷ ghi nhớ hết, lỡ như phạm lỗi thì phải làm thế nào?
Hải Đường kể lại, năm đó bên cạnh tỷ ấy còn có một cung nữ cùng hầu hạ hoàng hậu, tên Tô Tú.
Nguồn cơn là do Tô Tú lén lút qua mặt chủ tử, sinh lòng muốn trèo cao, sau đó đã bị nương nương sai người đánh chêt.
Từ đó trở đi, Hải Đường luôn khắc sâu trong đầu, nô tài chính là nô tài, bất kể chuyện gì nô tài đều có thể ghi nhớ.
Đêm ấy ta nằm mơ, mơ thấy một người phụ nữ bị đánh bằng gậy gỗ, toàn thân me đầm đìa, bò lết đuổi theo ta. Ta sợ hãi đến độ bị bóng đè, mặt trời lên ba sào còn chưa thể tỉnh giấc.
Vốn dĩ ta là nô tì phụ trách việc vặt, nhưng Hải Đường gọi mãi mà ta không dậy nên tỷ ấy đã thay ta chạy vặt.
Hôm đó ta rối rít nhận lỗi với Hải Đường, Hải Đường nói: "Không sao, có tỷ ở đây, Yên Chi không cần phải sợ."
Yên Chi chính là ta, ta tên Yên Chi.
Cái tên này do nương nương đặt, người ấy nói ta trời sinh quá thuần khiết, khó tránh có chút tẻ nhạt, vì vậy gọi ta là Yên Chi, điểm xuyết vài phần khói lửa nhân gian.
Hải Đường nói, Yên Chi Hải Đường, hai người chúng ta, ngay cả cái tên cũng là vật làm nền cho mỹ nhân.
Yên Chi, muội phải ghi nhớ, ở chốn thâm cung này, mỗi giờ mỗi khắc đều phải ghi nhớ, việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Đợi khi nào đủ tuổi, hãy mau chóng xuất cung, sau đó tìm một lang quân như ý, gửi gắm nửa đời sau.
Ta gật đầu, trong đêm tối mịt mù, ta quấn lấy chăn, dựa sát vào người Hải Đường, cùng tỷ ấy chen chúc cạnh nhau.
Mùa đông đầu tiên sau khi vào cung, dường như khi kề cận bên Hải Đường, ta sẽ không còn rét lạnh.
2.
Hải Đường đi đến đâu cũng dẫn ta theo cùng.
Tỷ ấy nói: "Tỷ phải để bọn họ quen mặt muội, để muội biết mình là người của cung nào, sau này tỷ xuất cung rồi, muội tự thân làm việc, bọn họ sẽ không dám tùy tiện ức hiếp muội. Muội phải xem cho kỹ, tỷ áp chế bọn họ thế nào."
Hải Đường nói, chốn thâm cung này có vô số kẻ bẩn thỉu.
Ta không hiểu, Hải Đường đáp, trong cung có nhiều tiểu cung nữ đối thực với tiểu thái giám. Loại chuyện đó, nếu như bị bắt quả tang, sẽ chịu phạt đánh đến bán sống bán chêt rồi trục xuất khỏi cung.
*Đối thực là cụm từ mặc định cho hành vi quan hệ "vợ chồng" giữa cung nữ và thái giám.
Ta hỏi tỷ ấy đối thực nghĩa là sao. Hải Đường trong bộ y phục cung nữ màu vàng tơ với tay áo nhỏ gọn, đỏ mặt ghé sát vào tai ta, thỏ thẻ nói, là bỏ ống tre vào giếng, loại chuyện không thoả đáng.
Ta nghe thật không hiểu. Nhưng tường cung đỏ thẫm dài miên man đến thế, tưởng chừng là bất tận. Hải Đường cười vui vẻ như vậy, ta cũng rất hân hoan.
Hải Đường hỏi ta cười gì đó, ta bảo: "Tỷ tỷ cười, muội thấy vui nên cũng cười theo."
Nụ cười trên môi Hải Đường chợt tắt lịm, tỷ ấy vươn tay giúp ta chỉnh lại phần tóc mai: "Muội quá thuần khiết, tỷ tỷ không nên đùa giỡn với muội như thế."
Sau đó thuận tay kéo ta đi, nhưng vừa dợm bước hai bước, Hải Đường lại quay đầu bảo, về sau nếu có ai dám ức hiếp muội, muội nhất định phải nói cho tỷ biết.
Ta hỏi, trong cung của nương nương cũng sợ bị ức hiếp sao?
Hải Đường đáp lời: "Nói vậy cũng đúng, nương nương sủng ái, chúng ta không sợ."
Nhưng tỷ ấy lại lắc đầu: "Long ân khó đoán, về sau nếu chịu uất ức, vẫn phải nói cho tỷ biết."
Ta gật đầu, cảm thấy Hải Đường đối với ta cực kỳ tốt.
3.
Ta theo Hải Đường học cách hầu hạ nương nương. Chỉ mỗi việc đun nước, ta đã học suốt một tháng. Dậy sớm hay muộn đều không được, nước nóng hay nước lạnh cũng không xong.
Phải đợi sau khi nương nương thức dậy mới bưng nước vào, lúc nương nương dùng, nước vừa ấm mới được.
Nước ta đun, không lạnh thì cũng nóng, vì việc này, Hải Đường đã không ít lần nói lời tốt đẹp thay ta.
Nhưng lần này nước quá nóng, ta bị phạt phải quỳ ở hàng hiên nửa canh giờ.
Ta quỳ bên ngoài, nghe Hải Đường ở trong phòng chải tóc cho nương nương.
Hải Đường thủ thỉ, nương nương tâm địa thiện lương, người đừng tức giận, chẳng phải Yên Chi vẫn còn nhỏ sao? Nương nương cũng nói, Yên Chi là hợp ý người nhất, nếu nha đầu này lại không được, e rằng nô tỳ thật sự không xuất cung nổi nữa.
Nương nương nói: "Ngươi đó, giỏi nhất là bắt bí bổn cung, ngươi là cậy vào sự sủng ái của bổn cung ư?"
Hải Đường cung kính đáp: "Nô tỳ phúc khí vô biên mới gặp được nương nương, nếu nô tỳ chỉ côi cút một mình, cam nguyện hầu hạ nương nương cả đời."
Hoàng hậu thở dài, khẽ vỗ vào tay Hải Đường đang cài trâm cho mình.
Mẹ Hải Đường tuổi tác đã cao, sức khỏe lại không tốt, nếu tỷ ấy còn không xuất cung, chỉ sợ không kịp phụng dưỡng mẹ già.
Nương nương dù luyến tiếc khôn nguôi, nhưng cũng không ép buộc Hải Đường ở lại.
Ta luôn cảm thấy đây là việc mà nương nương nên làm, chẳng hiểu tại sao Hải Đường lại cảm kích như vậy.
Hải Đường nói, đây là tâm ý, cung nữ trong cả hoàng cung này, chỉ có một Hải Đường.
Chỉ mỗi Hải Đường mới có thể giúp nương nương điểm trang thành nương nương, chỉ mỗi Hải Đường mới có thể giúp nương nương hoa nhường nguyệt thẹn, rực rỡ xuất chúng.
Ôi, nương nương, là đang bỏ xuống vinh sủng của bản thân, chừa cho Hải Đường một lối ra.
Ta như hiểu lại như không, khe khẽ gật đầu, Hải Đường lại nói, Yên Chi, muội phải hăng hái tranh giành nhé.
4.
Ta càng nỗ lực học hỏi, vì muốn Hải Đường sớm ngày yên tâm rời hoàng cung.
Nhưng mọi thứ ta làm, trong miệng người khác lại biến thành dã tâm sôi sục, Hải Đường nuôi ong tay áo.
Đêm đến, ta ôm lấy Hải Đường khóc nức nở: "Thật xin lỗi, muội không phải muốn thế chỗ tỷ, muội không có..."
Hải Đường vỗ về sóng lưng run rẩy của ta: "Yên Chi đừng khóc, tỷ tỷ biết, tỷ tỷ hiểu mà."
Hải Đường nói, lòng người nham hiểm, sau này khi Yên Chi làm việc phải học cách bỏ ngoài tai miệng lưỡi thiên hạ.
Bàn tay Hải Đường như có ma lực, cuốn trôi hết nỗi uất ức, chẳng mấy chốc đã ru ta vào giấc ngủ sâu.
Kể từ dạo đó, ta làm gì cũng cẩn thận từng li từng tí, nhưng vẫn học hỏi rất nhanh, đã từ những chuyện lặt vặt học đến chải tóc cho nương nương.
Hải Đường còn dạy ta, trong lúc chải tóc thì miệng cũng không thể nhàn rỗi.
Ta vẫn chưa hiểu, nhưng mãi sau này mới thông suốt, là nương nương thích hoài niệm chuyện xưa mỗi khi chải tóc vào sáng sớm.
Cuộc gặp gỡ giữa hoàng hậu và hoàng đế đã thành giai thoại nổi danh khắp thiên hạ.
Nương nương là tài nữ trứ danh ở vùng Giang Nam rộng lớn, hoàng đế về phương Nam tuần tra, vào ngày mưa nọ, trong lúc dạo hồ đã tình cờ gặp một cô nương ngồi trên thuyền hoa, tự mình đàn cổ cầm.
Khi nương nương kể đến đoạn này, nên làm gì nhỉ? Hải Đường minh hoạ cho ta xem, tỷ ấy hỏi: "Khoảnh khắc đó nương nương phản ứng thế nào?"
Hoàng hậu khẽ nâng nhành hoa bên tóc mai, khoé môi cong cong ngọt ngào: "Ta chỉ ngẩng đầu nhìn thoáng qua chàng ấy, rồi không dám nhìn nữa."
Hải Đường chưa lên tiếng, chỉ ngừng động tác trên tay. Nương nương nhìn vẻ mặt của Hải Đường trong gương, cười nhàn nhạt: "Nhưng có thể là duyên phận, một ánh mắt thoáng qua liền cảm thấy duyên phận đã đến. Nếu lại quyến luyến ngóng trông, chỉ sợ duyên phận đứt đoạn..."
"Ta tiếp tục đàn cổ cầm, hai chiếc thuyền hoa cứ thế lướt qua nhau."
Hải Đường lại chú tâm chải tóc, chỉ là, tỷ ấy vẫn đặt thêm nghi vấn: "Bỏ lỡ thật đáng tiếc, còn nương nương sau đó thì sao?"
Hoàng hậu mân mê lọn tóc trước ngực, nhìn chăm chú vào góc bàn trang điểm, trầm ngâm nói: "Sau đó ư, ta tưởng rằng cứ thế mà bỏ lỡ, không ngờ sau lưng chợt vang lên tiếng sáo, hòa cùng tiếng đàn của ta, ấy vậy mà bắt nhịp trôi chảy."
Khi ta ngoái nhìn lại, hoá ra là chàng ấy đang đuổi theo tới...
Khuôn mặt nương nương ánh lên nét ngây thơ của những năm tháng được yêu chiều.
Hải Đường nói: "Trong lòng nương nương mong nhớ hoàng đế, khi muội chải tóc cũng nên gợi chuyện hỏi han người."
"Dù muội đã nghe đến thuộc làu, cũng phải có bộ dạng như chưa từng nghe qua, hỏi vào vấn đề mấu chốt..."
Ta đều viết ra chi tiết, chỉ sợ không thể làm một đồ đệ giỏi của Hải Đường.
5.
Cấm cung thâm sâu, nháy mắt ta đã tròn mười lăm.
Ngày ta tới tuổi cập kê, Hải Đường trích một phần bạc của tỷ ấy, đến Ngự thiện phòng nhờ ngự trù chuẩn bị ít nguyên liệu, nấu cho ta một bát mì trường thọ.
Ta vừa ăn vừa khóc, nước mắt giàn giụa mà vẫn cười.
Hải Đường cười trêu dáng vẻ này của ta quá khôi hài: "Chẳng qua là một bát mì thôi, sau này đến sinh thần của muội, ta đều sẽ nhờ người nấu cho muội ăn."
Ta nghĩ, Hải Đường lợi hại như vậy, nhất định không lừa gạt ta. Với niềm tin mãnh liệt đó, ta chưa từng hỏi tỷ ấy sau khi xuất cung thì phải làm thế nào.
Những ngày cuối của tuổi mười lăm, ta đã có năng lực luân phiên làm việc với Hải Đường.
Rốt cuộc, cách ngày là tỷ ấy có thể ngủ một giấc dài.
Nương nương cũng khen ngợi ta, nói ta là Hải Đường thứ hai trong cung.
Ta hồ hởi chạy đến kể với Hải Đường, cuối cùng tỷ đã có thể yên tâm rời cung rồi.
Hải Đường đứng dưới gốc cây keo trong cung, mặc bộ y phục cung nữ màu vàng tơ với tay áo nhỏ gọn vô cùng khí chất, thoạt nhìn chính là cung nữ có khí chất nhất trong cung.
Hải Đường lắng nghe những lời ca tụng của ta, lại khẽ xoa đầu ta. Nhìn vào ánh mắt tỷ ấy, ta bất chợt lưu luyến không muốn để tỷ ấy đi.
Hoàng cung thực sự rất nhàm chán, ngoại trừ lúc hầu hạ chủ tử, ta và Hải Đường chẳng có việc gì để làm.
Vào thời gian rảnh rỗi như thế, Hải Đường bắt đầu dạy ta học chữ, dùng cuốn thoại bản dân gian được mấy thị vệ mang đến lúc thay ca.
Cuốn thoại bản đó quá mức diệu kỳ, có giai thoại về cuộc gặp gỡ của nương nương và bệ hạ, về chuyện phong lưu gió trăng của tướng quân Quan Thành Thác, còn rất nhiều thứ quái lạ không ai chứng thực, kể cả những sở thích nhỏ của vài nhân vật tiếng tăm. Chỉ đơn giản là một cuốn sách toàn mấy câu chuyện phiếm.
Hải Đường lục lọi trong hộp rồi lấy ra một xấp giấy dày, nội dung đều liên quan đến Quan Thành Thác, Hải Đường nói Quan Thành Thác là người đàn ông tốt hiếm có.
Ta hỏi Hải Đường sao lại khẳng định thế, tỷ ấy bảo rằng: "Quan Thành Thác cũng giống bệ hạ, hậu cung trống rỗng."
Ta vội tiếp lời: "Quan Thành Thác chỉ là một tướng quân, không thể có hậu cung."
Hải Đường vỗ đầu ta, giải thích: "Ý tỷ là Quan Thành Thác không mê luyến nữ sắc. Năm nay ngài ấy đã ngoài hai mươi ba, mà trong nhà đến một thiếp thất cũng không có. Chứng tỏ điều gì, ba ngàn con sông chỉ cần một gáo no lòng, nếu không phải người thích hợp thì sẽ không tùy tiện."
Ta hỏi, vậy tại sao trong thoại bản này đều là những chuyện phong lưu của ngài ấy?
Hải Đường nói, bởi vì Quan tướng quân giữ mình trong sạch quá lâu, người người đều hoài nghi ngài ấy không thích phụ nữ nên thường xuyên bám theo, từ đó lan truyền đủ mọi tin đồn thất thiệt.
Ta lật cuốn thoại bản trong tay, dính líu đến Quan Thành Thác đều là những mánh khoé đối thực của tiểu thái giám và tiểu cung nữ, làm ta xem đến mức tim đập loạn xạ, cảm thấy rất k1ch thích.
Người viết ra cuốn sách này, thật có tài.
Ta ngẩng đầu nhìn xấp giấy được Hải Đường sắp xếp ngay ngắn, tất cả đều liên quan đến Quan Thành Thác.
Ta hỏi tỷ ấy có thích Quan Thành Thác không, Hải Đường nói, ai mà không thích kiểu người một lòng một dạ như bệ hạ? Quan Thành Thác chính là người như vậy, thích ngài ấy là điều hiển nhiên.
Hải Đường còn nói: "Sau này muội phải gả cho người bằng lòng cùng muội một đời một kiếp một đôi người, tuyệt không làm lẽ, càng không được nạp thiếp."
Ta chưa từng nghĩ tới tương lai nhưng vẫn gật đầu đồng ý, suy cho cùng, lời của Hải Đường luôn xác đáng.