Y phục
Cưỡi lên lưng cọp rồi khó lòng leo xuống.
—— oOo ——Theo lệnh, hai người mang trọng gông bị kéo ra khỏi phòng giam, đưa đến trước mặt quan viên Đại Lý Tự.
Cứ xem như tiềm tàng nhiều nguy cơ, nhưng trăm người trăm ý. Nhiều người ở Hình Bộ và Đại Lý Tự muốn giữ mạng Kinh Lăng thì cũng có không ít người hy vọng hắn chết. Vì hành động bất ngờ của Doãn Nhiên mà Kinh Lăng đột ngột được kéo ra khỏi "trảm quyết", đương nhiên y cũng thành cái gai trong mắt những kẻ này.
Vậy nên, Doãn Nhiên và Kinh Lăng vừa rời khỏi phòng giam đã bị đưa đến phòng khảo hình. Trước mặt bọn họ là hình giá cùng hình cụ treo kín tường, khắp nơi đều nồng nặc mùi máu, còn có tiếng phạm nhân thống khổ tru tréo truyền đến từ phòng khảo hình kế bên.
Người chịu trách nhiệm dụng hình cũng nóng lòng, nhìn bọn họ bằng ánh mắt như hổ rình mồi. Kinh Lăng tính tình nóng nảy, trước kia xảy ra không ít xung đột; nhưng mà Doãn Nhiên thật sự quá đẹp mắt, phải xuống tay thì thật đáng tiếc...
Doãn Nhiên đánh giá một vòng, hô hấp cũng không loạn; Kinh Lăng còn ngon lành hơn, vẫn chưa tỉnh lại. Không đợi thượng quan phân phó, nhóm hành hình đã kéo hai người trói lên cột.
Doãn Nhiên vô cùng bình tĩnh, thong thả nói: "Ta và Kinh Thập Tam đều trọng thương, không chịu nổi một roi, không bằng các ngài bớt chút việc, đưa bọn ta về nhà lao chờ tin tức."
Lời này vừa ra, nhóm hành hình hai mặt nhìn nhau, mấy quan viên đang quan sát cũng ngẩn ra. Kinh Thập Tam đúng là bị thương không nhẹ, nhưng Doãn Nhiên khí thế tràn trề như vậy, có chỗ nào trông giống như không chịu nổi một roi không!? Nghĩ bọn họ mù chắc?
Doãn Nhiên thản nhiên cho bọn họ đánh giá, cực kỳ thẳng thắng thành khẩn: "Thầy thuốc không thể tự chữa bệnh cho mình. Bằng không, với y thuật của ta, vì cớ gì không mở y quán trong thành, khám chữa bệnh ban ngày, kiếm được nhiều bệnh nhân hơn."
Nhưng ở cái chốn lao tù này có kiểu lừa đảo nào bọn họ chưa gặp qua đâu? Quan chủ thẩm ra hiệu gọi ngỗ tác (kiêm ngục y), đến kiểm tra một phen.
Ngỗ tác vừa mới cứu tỉnh một người chịu hình ngất đi, khắp mặt khắp người đều là máu, nghe truyền lệnh chỉ kịp tẩy rửa một chút, mang một thân máu tanh bước vào. Bắt mạch, thăm lưỡi xong, ngỗ tác thất thần, chạy bước nhỏ đến thượng quan nói nhỏ mấy câu, lại lặng lẽ nhìn thoáng qua Doãn Nhiên, mang theo chút kính sợ mà rời đi.
Quan viên nhẹ giọng truyền tin, vốn là muốn bắt đến nghiêm hình khảo vấn một phen, thế nhưng hai người trước mắt này quả thật không đụng vào được, cưỡi lên lưng cọp rồi khó lòng leo xuống.
Không gia hình? Vậy kéo ra đây làm gì!?
Gia hình? Nếu chết thật thì rách việc.Nhà nào mà không có người đột nhiên phát bệnh nặng đâu? Càng nhà cao cửa rộng thì càng cần thầy thuốc đáng tin cậy. Ngự y chỉ chăm sóc Hoàng Thượng Hoàng Hậu, lân cận giương cờ rêu rao khắp nơi đều là lang băm, nhưng Doãn Nhiên quả thật là người biết xử lý các trường hợp khẩn cấp, còn là tay nghề hàng đầu.
Lỡ đâu y chết thật...
Lúc này chợt có Bất Lương Nhân tiến vào bẩm báo kết quả điều tra suốt đêm, xác thật đúng với lời Kinh Ấp và Doãn Nhiên nói, khóa cửa nhà Kinh Lăng bị phá hư, bùn đất bên ngoài có vết chân nông sâu không đồng nhất. Giống như ông trời cũng muốn giúp hắn, mưa kéo dài như vậy mà dấu chân hai người khác nhau vẫn còn ở đó, vụ án xem như có đột phá mới.
Không chỉ vậy, một đội Bất Lương Nhân cũng mang đến nghi vấn khác. Nhân chứng mục kích tình hình ở quán rượu Hồ Cơ đêm đó nói, Kinh Lăng thân hình cao lớn, đi đường nổi bật, khiến người ta có ấn tượng sâu sắc...Thế nhưng hôm đó bọn họ chỉ nhìn thấy thường phục màu chàm mà Kinh Lăng thường mặc, phục sức trên tóc cũng quen mắt, thấy được vóc dáng, sườn mặt, nhưng không thấy rõ mặt mũi... Hơn nữa, thái độ cũng kỳ lạ, Kinh Lăng không chào hỏi ai, bước thẳng vào phòng chữ Thiên.
Đúng lúc này, môn đồng Cam Thảo ôm một bao quần áo chạy lại đây, vào phòng khảo hình cũng không chút sợ hãi, cung kính hành lễ rồi nói: "Khi Kinh Thập Tam vào y quán, toàn thân ướt sũng, trị thương xong mặc quần áo của chủ nhân ta rời đi. Y phục ngài ấy dính đầy máu và bùn, giặt hai lần cũng không sạch, tối hôm qua mới phơi khô xếp lại, lão bộc của y quán Bất Tử vừa đưa đến."
Bất Lương Nhân xem kỹ y phục, trên quần xác thực có vết rách còn mới, máu bùn cũng còn lưu lại... Sau nhiều lần đối chất, Kinh Thập Tam mà nhân chứng nhìn thấy cùng với Kinh Thập Tam ngủ mê trong vũng máu mặc y phục hoàn toàn khác nhau.
Đến lúc này, quan viên Hình Bộ và Đại Lý Tự cùng đội Lương Bất Nhân đều có chút bối rối. Quan viên Đại Lý Tự lại càng tức giận, ngỗ tác bắt mạch hai người xong đã nói Kinh Lăng hoàn toàn không có khả năng giết người, bởi hắn còn sống đã là kỳ tích rồi; mà mạch tượng của Doãn Nhiên thậm chí còn yếu ớt hơn.
Báo cáo điều tra trình lên hồi đầu nhìn thì văn hay chữ tốt, có thể nói là một bức tranh hoàn mỹ, thế nhưng lúc này, bất kể là thứ tự người ở Hồ Cơ bị giết hại hay vết máu tung tóe ở hiện trường cũng đều trở nên vô nghĩa. Kinh Lăng trước nay tính tình nóng nảy, hỏa lực dồi dào, quần áo thiên về gọn nhẹ đơn giản; nhưng thứ hắn mặc ở hiện trường quả thật khác biệt, hoa văn và chất vải dày nặng, giống với phong cách của Doãn Nhiên.
Doãn Nhiên rất có hứng thú nhìn nét mặt bọn họ hiện lên những biến hóa rất nhỏ, còn tiện chân đạp Kinh Lăng đang hôn mê một cái. Kịch hay ai lại xem một mình?
Kinh Lăng ăn đau, mơ mơ màng màng mở mắt, thấy cả đống người sắc diện khó coi cũng hơi giật mình, hoang mang nhìn về phía Doãn Nhiên, dùng mắt hỏi: Có chuyện gì vậy?
Doãn Nhiên chỉ cười không đáp, dùng ánh mắt nói: Xem trò vui.
Hình Bộ Mai Thượng thư ngày thường không lộ vẻ buồn vui, lúc này đột nhiên mắng mỏ: "Ai phụ trách điều tra ở quán rượu Hồ Cơ!? Ai phụ trách xác minh? Lăn ra đây hết cho ta!"
Kinh Lăng nhìn mình, lại nhìn đến quần áo bị xổ ra lung tung, bừng tỉnh đại ngộ. Đúng là Tái Ông mất ngựa không chừng là phúc(1), chợt cảm thấy có một đối thủ "một mất một còn" như Doãn Nhiên cũng... không tệ chút nào.
Tình hình chuyển biến bất ngờ, chứng thực được chuyện Kinh Lăng bị vu oan giá họa, trong Đại Lý Tự có người muốn thừa dịp này đẩy hắn vào chỗ chết. Hình Bộ và Đại Lý Tự lại lần nữa rộn ràng lên, đã bận càng bận thêm.
Báo cáo đã viết thành tấu chương dâng lên cho Ứng Hòa Đế bây giờ phải rút về, ai đi? Ai đi người đó ăn mắng!
Cũng không có khả năng chỉ mắng suông, Ứng Hòa Đế ắt sẽ trách phạt nặng nề... Nghĩ đến đây, trừ Doãn Nhiên và Kinh Lăng ra thì sắc mặt ai cũng xấu đi.
"Người đâu, áp giải bọn họ về đi." Mai Thượng thư nửa vui nửa sầu, nhưng rốt cuộc đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Lại quay về nhà giam, Kinh Lăng và Doãn Nhiên hết sức tự nhiên ngồi nghiêng đối diện nhau. Bấy lâu nay ngứa mắt lẫn nhau, không thể trở mặt làm hòa ngay được, nhưng vẫn phải nói gì đó.
Nói gì bây giờ?
Hồi lâu, Kinh Lăng cứng nhắc mở miệng: "Cảm ơn ngươi..."
Doãn Nhiên đang nhắm mắt, dường như không nghe thấy gì. Kinh Lăng kéo trọng gông chậm rì rì nhích sang nhìn một cái, phát hiện... y ngủ mất rồi!?
Không thể nào, một mỹ nhân vừa kỹ tính vừa kén chọn như y sao có thể ngủ ngon lành trong phòng ngục tanh hôi dơ bẩn này?
Chuyện này một lần nữa chứng minh hắn chẳng biết gì về Doãn Nhiên cả. Dù có ý đồ tìm hiểu, hắn cũng không biết nên xuống tay thế nào.
......
Chùa Đại Bát Nhã.
Đoàn múa rối ở đây đúng là hiếm thấy, người múa rối có giọng hát du dương uyển chuyển, kỹ năng điêu luyện, những con rối lớn nhỏ khác nhau khom lưng, hành lễ, nhảy múa trên sân khấu...
Rối gỗ tinh xảo, phục sức vừa vặn, mỗi đốt ngón tay đều có thể động đậy, đôi mắt linh động, miệng cũng có thể khép mở... Trông chân thật đến mức chỉ thiếu đi hơi thở so với người sống.
Dù là "Tần Vương phá trận nhạc" hùng tráng uy vũ, "Trường hận ca" lâm li, "Quý phi say rượu" triền miên, hay "Tiểu tiên nhân" mà trẻ con yêu thích đều có thể trình diễn cực kỳ xuất sắc. Từ sáng đến tối diễn liên tục sáu suất, suất nào cũng chật ních người, thu không biết bao nhiêu tiền. Bá tánh nghe danh vây xem chật như nêm, xem xong vẫn muốn nhìn nhiều hơn.
Vì không muốn bứt dây động rừng, một đội Bất Lương Nhân đổi sang thường phục, tốn bao nhiêu công sức vẫn không thể đột phá vòng người, rốt cuộc chỉ có thể đi lối tắt, leo cây trèo tường vào hậu trường. Đến lúc đưa ra lệnh bài công vụ vào phòng đạo cụ, ai nấy đều bị đám con rối chân thật dọa cho lạnh sống lưng, hít hà một hơi.
Không phải con rối nào cũng là hình người, còn có cả hoa lá, chim cá, côn trùng... toàn bộ đều được chế tác rất tinh xảo. Mấy con rối nhỏ ước chừng cỡ một bàn tay, dài ngắn khác nhau; con rối lớn nhất cao đến nửa người. Sau lưng con rối, những sợi dây kích thước khác nhau được giấu dưới lớp quần áo, điều khiển từng chi tiết nhỏ.
Bất Lương Nhân cầm một con rối nhỏ thử chừng nửa giờ, cảm thấy bàn tay và mấy ngón tay đều bị chuột rút, lại nhìn đến dàn rối cao lớn kế bên, cảm thán đúng là "mười năm rèn luyện mới có thể lên đài".
Trong đội Bất Lương Nhân này có một vị tên Hồ Tam, kỳ thật là tay trong của Kinh Lăng. Hắn kiểm tra mọi thứ cực kỳ tỉ mỉ cẩn thận, sau khi rời phòng đạo cụ còn bắt chuyện với lão bộc què trong hậu trường. Lão bộc nói tiếng Nam Man, ánh mắt lại rất tinh tường, ban đầu còn có chút phòng bị.
Hồ Tam lấy một hộp kẹo và một gói bánh hồ để lấy lòng ông lão, hai người khoa tay múa chân trò chuyện, tán gẫu khắp trời nam đất bắc. Không ai không thích nghe lời tâng bốc, đặc biệt là những người vừa có tài vừa có kinh nghiệm. Hồ Tam vốn thích làm đồ thủ công nên tán dương người khác cũng rất khéo léo, lão bộc được khen cười tươi như hoa.
Hồ Tam lại xa gần đặt câu hỏi, cuối cùng hỏi ra được lai lịch của đoàn kịch, ai quản lý, từ đâu đến, sắp đi đâu... Chuyện quan trọng nhất cũng hỏi ra được, ấy là những con rối cao bằng người đúng là có thể khiến người ta lầm tưởng đó là người thật. Chỉ là điều khiển rất khó khăn, cần nhiều người phối hợp. Người duy nhất có thể làm ra những con rối như vậy và điều khiển chúng một cách thuần thục chỉ có trưởng đoàn Lâm Lộc cùng với đệ tử chân truyền của ông ta. Nhưng không biết vì lý do gì, đoàn múa rối này mười năm nay không diễn con rối lớn kiểu đó nữa.
Hồ Tam nhớ kỹ từng câu từng chữ, kiên nhẫn chờ đến khi buổi biểu diễn kết thúc mới cực kỳ lịch sự mà mời trưởng đoàn Lâm Lộc và đệ tử chân truyền của ông ta rời khỏi chùa.
Suy cho cùng, thuật nghiệp hữu chuyên công(2), Lâm Lộc nghe Hồ Tam nói mấy lời khách sáo xong sang sảng cười to: "Ta có thể làm được, nhưng nếu ở trong sương phòng của quán rượu Hồ Cơ làm nhiều việc như vậy, dùng toàn bộ thành viên đoàn kịch của ta cũng không đủ."
"Điều quan trọng nhất của một vở múa rối là điều khiển rối, nhiều người điều khiển một người. Muốn vậy bên dưới sương phòng phải đào rỗng, làm lối di chuyển riêng... tốn rất nhiều thời gian và công sức, mất tối thiểu ba đến năm năm chuẩn bị. Chúng ta chỉ mới đến thành đô nửa tháng."
Cuối cùng Lâm Lộc cười nói: "Thứ cho ta nói thẳng, dùng con rối to cỡ người thường làm những chuyện này không bằng tìm một kẻ có thân thể vóc dáng tương tự, hóa trang lên, đơn giản hơn nhiều."
Nói tới nói lui, Hồ Tam rốt cuộc vẫn đưa Lâm Lộc đến quán rượu Hồ Cơ đang bị phong tỏa làm hiện trường điều tra. Không ngờ vừa đến nơi đã thấy quán rượu ánh lên sắc đỏ dưới buổi tà dương đang bị hai đội Bất Lương Nhân khác bao vây, khắp nơi đều là người. Trong con hẻm nhỏ bên ngoài quán rượu, những thành viên Bất Lương Nhân tham gia điều tra trước đó đều đang bị trói lại thành một hàng.
Hồ Tam sững sờ, thế này là thế nào? Sao lại tự bắt người mình thế kia?
——————————
Chú thích:
(1) Tái Ông mất ngựa không chừng là phúc (hay Tái Ông thất mã, yên tri phi phúc): Dựa theo câu chuyện về một ông già ở vùng biên giới bị mất ngựa, mọi người đến an ủi ông, ông bảo làm sao biết đó không phải là phúc? Ít lâu sau, con ngựa của ông quay trở về kéo thêm một con ngựa nữa, mọi người đến chúc mừng, ông bảo biết đâu đó lại là họa. Quả thật, con trai ông vì cưỡi ngựa mà bị ngã què chân, mọi người lại đến an ủi, ông bảo không chừng thế lại là phúc. Chẳng bao đất nước bị xâm lược, chiếm pháo đài biên cương, trai tráng trong làng phải ra trận, không chết cũng trọng thương, riêng con ông vì tàn tật được ở nhà nên sống sót. Câu thành ngữ này hiểu nôm na là phúc họa khó lường.
(2) Thuật nghiệp hữu chuyên công: câu này xuất phát từ Luận về đạo học, thầy trò của Hàn Dũ. Nguyên câu là "Văn đạo hữu tiên hậu, thuật nghiệp hữu chuyên công", tức là biết đạo lý trước sau, sau đó mới có thể nghiên cứu sâu xa. Trong tình huống này thì tôi đoán nó ám chỉ việc Hồ Tam nịnh bợ lấy lòng trước, sau đó mới bàn tới chuyện chính.