Chương : Sau đó
(nguoinaodo.wordpress.com)
(Xuyên Việt Chi Thanh Thanh Mạch Tuệ)
.
Chờ đến khi nãi nãi bình ổn, thì sắc trời bên ngoài cũng đã sáng rồi, Tây Viễn vội vàng thúc giục gia gia và cha qua nhà lý chính một chuyến.
Cho dù lão Tam thổ phỉ trước khi rời đi đã dặn dò kỹ là phải qua hai canh giờ mới được nói cho người trong thôn, nhưng Tây Viễn cảm thấy như vậy có chút muộn. Tí nữa có người đi qua, trông thấy tình cảnh nhà y hiện giờ thể nào cũng vào hỏi thăm, tới lúc đó chỉ sợ Tây gia sẽ rơi vào thế bị động, vạn nhất có người hoài nghi nhà y lén lút thông đồng với thổ phỉ thì liền không xong. Bởi vậy tốt nhất nhà mình vẫn nên hành động sớm một chút, nắm giữ quyền chủ động trong tay sẽ tương đối tốt hơn.
Hơn nữa, Tây Viễn còn phân tích kỹ cho người trong nhà hiểu rằng, cho dù thôn dân ở đây biết chuyện, phỏng chừng cũng sẽ không dám đuổi theo người ta, cùng lắm là tám qua tám lại một chút sau đó đi báo quan phủ là xong chuyện.
Sau khi gia gia và Tây Minh Văn rời khỏi nhà, Tây Viễn nhìn nãi nãi và nương còn ngồi ở một góc trong phòng, chưa hoàn toàn phục hồi lại tinh thần, liền nói mình đói bụng rồi, bảo hai người mau đi làm cơm cho y và bọn nhỏ ăn. Con người chỉ cần lu bù công việc lên là sẽ không còn thời gian 'đông suy tây nghĩ' lung tung nữa. Quả nhiên, nãi nãi vừa nghe bảo đại tôn tử bảo đói bụng, lại thấy vài tiểu hài tử cũng gật đầu theo, liền vội vàng đứng lên từ trên kháng thượng, cùng nương Tây Viễn vào bếp chuẩn bị thức ăn cho bọn nhỏ.
Hai tiểu tư Tây Vi và Tây Dũng kia cuối cùng cũng chịu tỉnh lại, bất quá là tỉnh tỉnh mê mê, không rõ rốt cuộc hôm qua đã có chuyện gì xảy ra, đại nhân cũng không còn thời gian để ý đến chúng nó, nên đành quay sang hỏi thăm Vệ Thành và Tây Dương. Vệ Thành ghé vào lỗ tai, nói nhỏ cho hai tiểu tử đó nghe, cũng bởi Tây Vi và Tây Dũng không tự mình trải nghiệm, nên sau khi bọn nó nghe hắn kể xong, ngoại trừ tò mò cũng không còn cảm giác gì cả, liên tiếp truy vấn Vệ Thành mấy câu như râu mép lớn lên bộ dáng thế nào, có đáng sợ không, vân vân. Vệ Thành lúc đó căn bản cũng không nhìn rõ bọn họ thế nào, liền hàm hàm hồ hồ trả lời cho qua, điều này thực khiến Tây Vi bứt rứt trong lòng, đành phải quay qua hỏi ca ca đang ngồi trên kháng thượng.
"Trông thế nào sao?" Tây Viễn nâng tay sờ sờ khuôn mặt nhỏ nhắn của Tây Vi, "Chắc là loại 'nhân mô cẩu dạng' đi." Y cũng lười trả lời vấn đề này, liền nghĩ trò đùa Tây Vi một chút.
(Nhân mô cẩu dạng: Mặt chó thân người hay thân chó mặt người, dùng để chỉ những người trông rất lịch sự nghiêm túc nhưng thật ra đang âm mưu suy tính gì đó.)
"A?" Tây Vi nghe xong lập tức há to miệng, trong lòng cứ thắc mắc không biết 'nhân mô cẩu dạng' rốt cục trông như thế nào? Là lớn lên giống người hơn, hay giống cẩu hơn? Có giống với nhân vật 'thân người đuôi chó' trong truyện của ca ca không? Sau khi suy xét một hồi, nó liền cảm thấy vế sau có vẻ chính xác hơn, liền mặc định cho rằng râu mép là thú nhân trong truyền thuyết. Qua việc này có thể dễ dàng thấy được là tiểu tử kia đã bị Tây Viễn 'Độc hại' quá sâu rồi.
Sau này, lúc bị mấy tiểu bằng hữu trong thôn xúm lại hỏi thăm, Tây Vi đều sẽ dùng câu 'Nhân mô cẩu dạng' để trả lời cho vấn đề này. Đương nhiên là mấy hài tử nhà khác sẽ không rõ nhân mô cẩu dạng là như thế nào, cho nên mỗi khi đáp lời bọn nó, Tây Vi đều sẽ xem thường bọn nhỏ trước đã. Nó nghĩ, tới 'nhân mô cẩu dạng' mà các ngươi cũng không rõ là gì, thì đúng là lũ ngốc rồi.
Đợi tới nhiều năm về sau, đến khi Tây Vi đã rõ 'nhân mô cẩu dạng' là như thế nào, nhớ tới bộ dạng có lệ lúc trước của ca ca, nó liền cho y vài cái xem thường. Ca ca a, có đôi lúc cũng thực đáng ghét!
Lá gan Vệ Thành cũng thực lớn, trải qua một đêm kinh khủng như hôm qua, mà hắn vẫn có thể không nhanh không chậm kể lại mọi chuyện cho Tây Vi. Còn Tây Dương chỉ kém Vệ Thành một tuổi lại bị dọa cho gần chết, đứa bé này từ đêm qua tới rạng sáng vẫn cứ ngồi im mân môi không lên tiếng, giữ chặt tay người lớn không chịu buông ra, hiện tại trời đã sáng rồi, lá gan của nó cũng lớn hơn, vẫn luôn ồn ào đòi về nhà mình cho bằng được, không tiếp tục ở lại nhà đại bá nữa.
Nãi nãi và Tây Viễn thực bất đắc dĩ, hiện giờ ở nhà căn bản là không ai có thể đưa được hai hài tử về Dương gia trang. Gia gia và Tây Minh Văn ra ngoài đến giờ còn chưa có về.
Tây Viễn thấy bộ dáng Tây Dương như vậy, nghĩ một hồi liền lấy ít thuốc an thần ra cho nó uống. Đứa nhỏ này phỏng chừng đã bị kinh hách rồi, chuyện này không thể khinh thường được, để lâu rất dễ trở thành bệnh lý cho đứa nhỏ.
Tây Viễn cũng lo lắng chuyện gia gia và cha sang nhà lý chính có ổn thỏa không, sợ hai người bọn họ không ứng phó được, liền bảo nãi nãi cho đồ ăn sáng vào trong thực hạp, để y mang sang bên đó cho hai người bọn họ, tiện thể dò thám xem có phát sinh thêm tình huống gì không.
Tới nhà lý chính, từ cửa vào sân đâu đâu cũng toàn là người, dựa trên cơ bản là tất cả tráng hán lao động trong thôn đều tập trung tại đây. Tây Viễn phải mất công phu cả nửa ngày trời mới tìm được gia gia và cha đang lẫn trong số bọn họ. Hai người lúc này quả nhiên đang đói búng, nguyên nhân không biết là do chưa được nghỉ ngơi tốt hay là chưa được ăn cơm, mà cả cơ thể trở nên đông lạnh.
Tây Viễn mở ra thực hạp ra, lấy đũa đưa cho hai người. Gia gia và cha cũng chẳng thèm để ý xem người ta có đang nhìn mình không, chỉ cúi đầu chăm chăm gắp lấy gắp để, lang phun hổ nuốt ăn hết miếng này tới miếng khác, có chút thức ăn vào bụng cơ thể cũng cảm thấy ấm áp hơn.
Hai người vừa ăn vừa đem tình hình kể lại cho Tây Viễn, Tây Viễn hiện giờ chính là Định Hải Thần Châm trong nhà ('Kim Cô Bổng' còn được biết đến với cái tên 'Định Hải Thần Châm', khi đến tay thì được gọi là 'Gậy Như Ý'. Nó có thể phóng to thu nhỏ tùy ý, có thể phân thân hoặc biến hình theo ý muốn chủ nhân. Ở đây ý tác giả muốn nói, là chuyện gì đến tay Tây Viễn thì y cũng giải quyết được ^^), chỉ cần nói rõ sự tình với y thì chuyện gì y cũng đưa ra chủ ý được.
Từ nhà lý chính đêm qua cũng ẩn ẩn nghe được chút động tĩnh, nhưng lại không dám chạy ra ngoài xem, bởi gia đình nông dân từ trước tới nay đều sợ phiền phức, chỉ cần sự tình không hề phát sinh ở trên đầu mình, thì họ đã cảm thấy may mắn lắm rồi, ngoài ra cũng không muốn dính dáng gì thêm, và lý chính cũng không ngoại lệ.
Sáng hôm nay, hai cha con Tây Minh Văn từ sớm đã sang đây, đem chuyện đêm qua kể lại một lượt cho tất cả mọi người trong thôn nghe, đương nhiên là họ đã lược bỏ mất đoạn Tây Viễn chữa trị cho tên đại ca kia. Ở nơi pháp luật còn chưa rõ ràng này, cứu râu mép cũng là chuyện lớn, vạn nhất để người ngoài biết được rất dễ sẽ bị đổ cho tội danh thông đồng với râu mép, cho nên trước khi hai người rời đi, trong nhà đã thông sẵn khẩu cung với nhau, kiên quyết không thể nói ra chuyện này. Chỉ cần đại nhân giữ miệng là được, chứ còn đứa nhỏ Vệ Thành thì lúc nào cũng răm rắp nghe theo Tây Viễn, hắn nhất định sẽ không đi kể với bất luận ai, về phần Tây Dương, thì đứa nhỏ này đêm qua đã bị sợ mất mật, căn bản không hề chú ý xem Tây Viễn có trị bệnh cho ai không, nên mọi người đều không hề dặn nó.
Lý chính sau khi nghe xong hai người kể chuyện, liền thấy sợ trong lòng, động tĩnh đêm qua ông còn cho rằng chỉ là trộm vào nhà nào trộm đồ thôi, chứ đâu dám nghĩ tới là râu mép tiến vào thôn. Ông vội vàng bảo đại nhi tử nhà mình nhanh ra ngoài mời vài tộc lão trong thôn tới đây, sau khi bọn họ thương nghị liền quyết định không thể giấu giếm người dân trong thôn, cho người đến từng nhà mời tráng đinh qua đây, cuối cùng mới đem sự tình thông cáo rành mạch trước mặt bọn họ.
Thôn dân sau khi nghe xong liền cảm thấy khẩn trương trong người. Triều đình thái bình suốt một quãng thời gian dài như vậy, thực khiến bọn họ nhãn nhã ăn chơi nhảy múa quanh năm, vô lo vô nghĩ, tuy cũng từng nghe tới chuyện Đông Sơn có râu mép, nhưng lại chưa có ai từng gặp qua, mọi người căn bản chỉ cho đó là truyền thuyết thôi, không nghĩ tới giờ lại xuất hiện thật.
Từ thôn Liên Hoa đi khoảng bảy mươi dặm về phía Đông, sẽ gặp được một tòa núi cao có tên gọi là Mã Hoang Sơn (núi ngựa hoang), bởi ngọn núi này nhìn qua trông khá giống một con ngựa đang lao nhanh về phía trước, nên mới được người ta đặt cho cái tên này. Bất quá, bởi Mã Hoang Sơn nằm ở phía Đông thôn Liên Hoa, cho nên mới bị thôn dân nơi này gọi quen thành Đông Sơn như hiện giờ. Vào ban ngày, nếu mọi người đứng từ trong viện nhà mình nhìn về phía Đông, thì cũng có thể thấy được hình dáng lờ mờ của Mã Hoang Sơn.
Sau khi thông cáo xong sự hình với mọi người trong thôn, lý chính liền gấp rút dẫn theo cha con Tây Minh Văn, còn gọi thêm cả hai tráng hán nữa, vội vàng lên đường tới Vạn Đức trấn tìm hương thân thông báo chuyện này, sau đó còn phải lên tận Ngạn Tuy thành tìm quan sai báo tin. Phỏng chừng sẽ phải kéo dài mất cả một ngày trời, buổi tối có kịp trở về hay không thì vẫn còn chưa nói trước được.
Thời đại này có chế độ liên tọa, cho nên mỗi người cũng không dám chậm trễ, vội vội vàng vàng trèo lên xe trâu nhà lý chính xuất phát lên đường.
Tây Viễn thấy gia gia và cha theo lý chính đi xa, liền vòng sang nhà thầy Lý, đem tình huống của nãi nãi và Tây Dương báo lại cho ông. Thầy Lý nghe xong liền thở dài một tiếng, trong lòng thầm nghĩ không biết năm nay Tây gia dính phải vận gì, mà trong nhà lại liên tiếp xảy ra chuyện như vậy.
Cầm thuốc từ nhà thầy Lý về, sắc trời cũng đã gần trưa, Tây Viễn rảo bước nhanh hơn, vội vàng đi về hướng nhà mình. Trên đường ngẫu nhiên có người gặp phải Tây Viễn, ánh mắt đều sẽ lộ ra vẻ đồng tình, râu mép vào nhà là một chuyện vô cùng nguy hiểm, có người âm thầm buồn thay Tây gia, dù sao, cũng tại nhà họ ở ngay đầu thôn nên mới tự dưng vướng phải chuyện này, nhưng trong lòng lại nghĩ không biết lần sau có tới phiên nhà mình không, nên cũng chẳng dám chạy qua an ủi Tây Viễn một câu; cũng có người nhìn y, mang theo một tia vui sướng khi người gặp họa, chẳng phải Tây gia có quyền có thế đến mức, dám đem Vệ lão nhị kiện tới tận cửa nha môn sao, đã đem nhi tử người ta cướp đi mà lại còn dám vênh váo như vậy, nhìn đi, cuối cùng báo ứng cũng tới rồi đó.
Đương nhiên, vế sau là số ít, bởi đa số nhân tâm đều cho rằng 'một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ', sợ một ngày râu mép cũng tới nhà mình giống tình huống ở Tây gia, bởi vậy không ai lại rảnh tới mức đi cười nhạo người khác.
Tây Viễn cũng không để ý tới mấy chuyện này, cũng có thể bởi, từ trước đến giờ y vốn là một người lạnh lùng.
Vừa về tới cửa nhà, Tây Viễn đã thấy Vương Tam gia gia, Vương Tam nãi nãi, và vài đại thẩm đại nương khác đang ngồi trong sân tán gẫu với nương. Nương y tuy rằng ăn nói vụng về, nhưng cái gì cần giấu thì nàng vẫn rõ, cho nên mặc kệ mấy bà thím kia có ba hoa chích chòe tới đâu, nàng vẫn yên lặng không lên tiếng trả lời, chỉ giảng đi giảng lại chuyện lão thái thái đã lo lắng cho nàng thế nào, sợ nàng lộ mặt sẽ khiến râu mép chú ý, bởi vậy, cho dù sợ hãi thì lão nhân gia vẫn cố giãy dụa, đi vào phòng bếp nấu cơm cho bọn chúng, chỉ bảo nàng ngồi yên tại đầu giường, không được ló mặt ra ngoài.
Nương Tây Viễn lúc này là thật tâm cảm kích bà bà (mẹ chồng) nhà mình, chuyện này nếu là phát sinh ở nhà khác, đừng nói tới bà bà, không biết tới nương ruột thịt của mình có làm được tới vậy không, cho nên lòng nàng cảm kích lão thái thái vô cùng. Lúc trước, bà còn hay nhớ thương hai đứa nhỏ nhà lão Tam, cứ có đồ ăn ngon là sẽ cho chúng một phần, nàng thấy vậy trong lòng còn có chút không thoải mái. Giờ nghĩ lại, nàng liền cảm thấy những chuyện đó chẳng đáng là gì so với chuyện tối qua cả, về sau lão thái thái muốn làm gì thì làm, muốn cho ai thì cho, nàng sẽ không bao giờ để tâm đến nữa. Thành thân với Tây Minh Văn cũng đã được mười mấy năm rồi, tính tình nàng tuy hảo, nhưng không phải chưa từng phân tranh chuyện 'mẹ chồng - nàng dâu' với bà bà, hiện giờ trải qua một kiếp nạn lớn như vậy, tim nàng rốt cục cũng hòa thành một với lão nhân.
Vương Tam nãi nãi nghe xong liền thở hắt ra một tiếng, một bên thương xót cho những gì Tây gia gặp phải, một bên lại bội phục cách làm người của nãi nãi nhà y. Chuyện này nếu đổi thành bà, thì đến bản thân bà cũng không dám cam đoan là mình có làm nổi không.
Tây Viễn vào cửa, lên tiếng chào hỏi vài người xong liền trực tiếp bước thẳng vào buồng trong. Lúc này tinh thần nãi nãi vẫn không được ổn lắm, nằm im ở đầu giường không biết đã ngủ hay chưa. Tây Vi, Vệ Thành cùng Tây Dũng thì đã chạy biến đâu không, chỉ để lại có mình Tây Dương đang ngồi im trên kháng thượng, ôm thật chặt cánh tay của nãi nãi.
"Nãi, người sao rồi?" Tây Viễn nhẹ giọng hỏi một câu, xem bà đã ngủ chưa.
"Đã ổn rồi, nằm nghỉ thêm chút nữa là dậy được thôi." Nãi nãi mở mắt ra nói.
"Ta mới sang nhà thầy Lý cầm hai thang thuốc về, đợi thêm chút nữa sẽ sắc cho người uống, uống vào rồi sẽ khỏe lại nhanh thôi." Tây Viễn giơ gói thuốc lên cho nãi nãi nhìn.
"Có phải ta rất không tiền đồ, đúng không?" Nãi nãi hỏi.
"Nãi à, hiện tại người cũng đã lớn tuổi rồi, gây sức ép cả một đêm như vậy thì làm sao mà chịu nổi, qua hôm nay là ổn cả thôi." Tây Viễn an ủi.
"Nãi biết, chỉ là ta cảm thấy chân tay không còn sức lực, muốn nhắm mắt ngủ mà tâm thần cứ không yên. À đúng rồi, ngươi có mua thuốc về cho Dương Dương không? Đứa nhỏ này phỏng chừng đã bị dọa cho hết hồn rồi." Nãi nãi hỏi.
"Đã mua cả rồi, thầy Lý còn đặc biệt lấy cho ta thêm chút thuốc an thần nữa. Bây giờ ta sẽ cho Dương Dương uống trước, rồi sắc cho người sau." Tây Viễn vừa nói vừa lấy một gói thuốc nhỏ ra ngoài, dùng thìa múc thuốc cho vào mồm Tây Dương. Tây Dương thấy y bảo nó uống thuốc liền ngoan ngoãn nghe lời, sau khi uống xong y còn đút thêm một khối đường vào miệng nó, xoa đầu hài tử một hồi mới xoay người sang phòng chính.
Ngoài viện, thôn dân thấy người nhà Tây Viễn còn bận chăm sóc bệnh nhân, ngại ở lại sẽ làm mất thêm thời gian của họ, liền vội vàng cáo từ rời đi. Nương Tây Viễn thấy vậy cũng đứng dậy tiễn họ ra tới cửa rồi mới xoay người vào phòng.
Tây Viễn đổ dược vào ấm xong, bắt đầu sắc thuốc cho nãi nãi. Cái ấm này trước kia chuyên môn dùng để sắc thuốc cho Vệ Thành, hiện tại Vệ Thành đã không còn phải uống thuốc nữa, nên được y đặt cẩn thận vào trong góc bếp.
Sau khi uống dược, nãi nãi và Tây Dương đều trở mình ngủ rất say. Tây Viễn đoán rằng trong dược chắc hẳn đã cho thêm thành phần gây buồn ngủ, nên mới khiến bọn họ dễ dàng ngủ được như vậy.
Buổi tối, nương vào bếp làm vài món cơm canh đơn giản, ba tiểu tử kia cũng đã chạy chơi về nhà. Tây Vi suốt cả ngày trời, đều thổi phồng bộ dạng râu mép với nhóm tiểu bằng hữu người trong thôn, kết quả đạt được khá là thành tựu, khiến tâm tình nó tối nay đặc biệt vui vẻ, cũng ăn được nhiều hơn được một chén cơm, đôi khi còn quay sang cười hai tiếng giòn tan với Tây Dũng, nghe qua khá vô ưu vô lự, làm tâm tình nhóm đại nhân trong nhà cũng chậm rãi tốt lên.
Vệ Thành bởi từ đêm hôm qua tới giờ còn chưa ngủ, cho nên vừa mới ăn xong đã lập tức buồn ngủ rũ mắt, lay động một hồi liền lăn quay xuống kháng. Tây Viễn đem hắn ôm vào trong phòng, giúp hắn cởi bớt quần áo xong liền đắp chăn cẩn thận cho hắn nằm ngủ.
Gia gia và cha mãi tới giờ Dậu (h-h tối) mới về đến nhà. Lúc bọn họ xong việc thì sắc trời cũng đã tối, nhưng lại lo lắng trong nhà hiện giờ chỉ còn mỗi người già, phụ nữ và trẻ con, nên cũng không tính trọ lại ở trấn trên mà lập tức lên đường về nhà.
Sáng sớm hôm sau, Tây Minh Văn vội vàng đánh xe lừa đưa Tây Dương và Tây Dũng trở về Dương gia trang, có lẽ là bởi thuốc của thầy Lý có tác dụng, cho nên Tây Dương ngoài chút kinh hách lúc nửa đêm ra, cũng không hề phát sốt như dự đoán của Tây Viễn. Trước lúc đi, y đóng gói số thuốc còn lại cho Tây Minh Văn cầm theo luôn, còn dặn kỹ cha, nhớ phải bảo Nhị thúc cho hài tử uống thuốc đúng giờ.
Tây Dương và Tây Dũng ngồi im trên xe lừa, dưới mông còn được lót thêm một tấm nệm dày, trên người mỗi đứa được bao bởi một lớp chăn dày cộp, trừ bỏ ánh mắt ra thì không còn thấy gì nữa. Người ngồi trên xe không có gì để làm, Tây Minh Văn chốc chốc lại mở miệng hỏi chuyện bọn nhỏ, như bên ngoài có lạnh không, có ấm không, vân vân. Cũng may là đoạn đường này chỉ dài có mười lăm dặm, nên bọn họ đi chưa mất một canh giờ đã tới nơi.
Tây Minh Vũ thấy đại ca tới nhà liền có chút giật mình. Hiện tại nhà nào cũng đang vội vàng sắm sửa, chuẩn bị cho năm mới, hơn nữa hắn còn rõ ràng chuyện đại ca thường xuyên phải lên thị trấn giao đồ ăn, như thế nào hôm nay lại rảnh rỗi qua đây, còn tiện thể đưa luôn hai đứa nhỏ nhà hắn trở về?
Tây Minh Văn cũng không gạt Nhị đệ mình chuyện râu mép vào nhà, chuyện này hắn biết có muốn giấu cũng giấu không nổi, phỏng chừng không tới mười ngày thì tầm tám ngày sau cũng truyền đến đây, cho nên liền thẳng thắn nói ra.
Bất quá, có nói hắn cũng không đề cập đến chuyện Tây Viễn trị thương cho râu mép. Chuyện này vốn là càng ít người biết càng tốt, tuy hắn rất tin tưởng Tây Minh Vũ, nhưng sợ vạn nhất có ngày Nhị đệ nhà mình không cẩn thận nói ra, để nhiều người biết sẽ khiến Tây Viễn càng thêm nguy hiểm, cho nên vẫn là không nói thì hơn. Hơn nữa, trước lúc ra cửa nương hắn cũng đã dặn dò rất kỹ chuyện này rồi.
Tây Minh Vũ nghe đại ca nói chuyện nửa ngày vẫn im lặng không lên tiếng, trong lòng hắn thực khó chịu. Trong nhà cha nương, đại ca đại tẩu cùng mấy hài tử trải qua chuyện lớn như vậy, mà một chút hắn cũng không biết, càng không thể giúp đỡ phân