Trong bãi đỗ xe của sân bay, có một chiếc Mercedes mui trần kiểu cổ điển mà tôi đã loay hoay tìm hiểu từ mấy tháng nay. Sau khi ngắm nghía nó hàng tuần, cuối cùng tôi cũng phát hiện ra cách đổ đầy bình xăng từ một thùng xăng ổn định[] tôi tìm thấy trong phòng bảo quản. Rồi tôi nhớ ra cách vặn chìa khóa và khởi động xe, sau khi đã đẩy cái xác khô đét của người chủ xe xuống vệ đường. Nhưng tôi không biết làm cách nào để lái xe. Tôi mới chỉ có thể lùi nó ra khỏi chỗ đậu và lao thẳng vào một chiếc Hummer cạnh đó. Thỉnh thoảng tôi cứ để cho máy chạy và ngồi trong xe, tay đề hờ trên vô lăng, ước sau một ký ức thực sự sẽ hiện ra trong đầu mình. Không phải là một ấn tượng mờ ảo hay một ý thức nhạt nhòa đó đánh cắp được từ tiềm thức chung. Một điều gì đó cụ thể, sáng chói, đầy sức sống. Một điều gì đó chắc chắn là của tôi, không lầm lẫn được. Tôi gồng mình cố lôi ký ức ấy ra khỏi bóng tối.
[] Xăng đã được loại bỏ hyđrô cacbon dễ bay hơi để có thể giữ được lâu hơn.
Tối hôm đó tôi gặp âm ở nhà anh trong phòng vệ sinh nữ. Anh đang ngồi trước chiếc ti vi cắm vào một đoạn dây nối dài, há hốc mồm xem một bộ phim sex nhẹ mà anh tìm được trong hành lý của một người chết nào đó. Tôi không hiểu sao anh lại làm việc này. Phim khiêu dâm với chúng tôi chẳng có ý nghĩa gì nữa. Máu không còn chảy, đam mê không còn dâng lên nữa. Tôi đã từng bắt gặp âm với các “bạn gái” của anh, nhưng họ chỉ trần trụi đứng đó, nhìn nhau, thỉnh thoảng cọ người vào nhau nhưng có vẻ hết sức mệt mỏi và hoang mang. Có thể đó là một kiểu giãy chết. Một tiếng vọng xa xăm của cái nhân tố lớn lao từng khơi mào bao cuộc chiến và tạo cảm hứng cho bao bản nhạc giao hưởng, cái nhân tố từng kéo loài người ra khỏi cảnh ăn lông ở lỗ và đưa chúng ta vào vũ trụ. Âm có thể vẫn đang cố níu kéo, nhưng những ngày ấy đã qua lâu rồi. Tình dục, từng có thời là một định luật không thể phủ nhận được cũng như trọng lực, giờ đã bị bác bỏ. Phương trình đã bị xóa mất, tấm bảng đen đã vỡ nát.
Đôi khi như thế lại hơn. Tôi vẫn còn nhớ sự ham muốn, sự thèm khát không sao thỏa mãn được đã thống trị cả đời tôi và cuộc sống của những người quanh tôi. Đôi khi tôi thấy mừng vì đã thoát được nó. Giờ ít rắc rối hơn. Nhưng mất đi thứ này, cái đam mê cơ bản nhất của loài người, cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi đã mất đi tất cả mọi thứ. Nó khiến mọi thứ yên tĩnh hơn. Đơn giản hơn. Và nó là một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất chứng tỏ chúng tôi đã chết.
Tôi đừng ngoài ngưỡng cửa nhìn M. Anh ngồi trên chiếc ghế xếp nhỏ bằng kim loại, tay kẹp giữa hai đầu gối như một chú nhóc đang phải đối mặt với thầy hiệu trưởng. Có những lúc tôi gần như có thể thoáng nhìn thấy bên dưới lớp da thịt đang thối rữa kia con người ngày xưa của anh, và nó khiến tim tôi nhói đau.
“Có… đem đến không?” anh hỏi, mắt không rời ti vi.
Tôi giơ cái mình đang cầm trong tay lên. Một bộ óc tươi đem về từ chuyến đi săn hôm nay, không còn ấm nữa những vẫn còn hồng nguyên và râm ran sức sống.
Chúng tôi ngồi dựa lưng vào bức tường gạch nhà vệ sinh, chân duỗi ra trước mặt, chuyển bộ óc qua lại, thong dong cắn từng miếng nhỏ, thưởng thức những lát cắt trải nghiệm của đời người.
“Ngon… thật,” âm khò khè.
Bộ óc chứa đựng ký ức của một gã lính quèn nào đó từ thành phố. Tôi không thấy cuộc sống của hắn thú vị cho lắm, chỉ toàn tập luyện, ăn uống, hạ Xác Sống, lặp đi lặp lại không ngừng, nhưng âm thì lại có vẻ thích. Khẩu vị của anh không tinh tế bằng tôi. Tôi ngắm miệng anh thốt ra những lời câm lặng. Tôi ngắm những sắc thái tình cảm lần lượt hiển hiện lên khuôn mặt anh. Giận dữ, sợ hãi, vui sướng, khát khao. Giống như ngắm một con chó co giật và rên rỉ trong mơ vậy, nhưng đáng thương hơn nhiều. Khi anh tỉnh dậy, tất cả những điều đó sẽ biến mất. Anh sẽ lại trống trơn như trước. Anh sẽ lại là kẻ đã chết.
Sau khoảng một, hai tiếng, chúng tôi chỉ còn lại một mẩu mô nhỏ hồng hồng. Âm bỏ tọt nó vào miệng và đồng tử mắt anh mở rộng trong khi anh chìm đắm trong ký ức ấy. Bộ óc đã hết, nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn. Tôi len lén thò tay vào túi lấy ra một mẩu não to bằng nắm tay mà tôi đã để dành. Nhưng đây là bộ não khác. Bộ não này đặc biệt hơn nhiều. Tôi cắn một miếng, và bắt đầu nhai.
Tôi là Perry Kelvin, một chàng trai mười sáu tuổi, đang ngắm bạn gái mình viết nhật ký. Bìa da đen của quyển sổ đã sờn rách, còn bên trong thì là một mê cung đầy những dòng chữ nghệch ngoạc, những hình vẽ linh tinh, những mẩu thư ngắn, những lời trích dẫn. Tôi đang ngồi trên ghế với bản in đầu tiên còn giữ lại được của cuốn Trên đường, lòng mong mỏi được sống trong bất kỳ thời đại nào khác ngoài thời này, còn nàng thì nằm cuộn tròn trong lòng tôi, tay viết lia lịa. Tôi ngó qua vai nàng, cố đọc một dòng. Nàng giấu quyển nhật ký đi và tủm tỉm cười với tôi. “Không được,” nàng nói và quay lại với quyển nhật ký.
“Em đang viết gì thế?”
“Khôôôông nói đââââu.”
“Nhật ký hay là thơ?”
“Cả hai, ngốc ạ.”
“Có anh trong đấy không?”
Nàng cười.
Tôi vòng tay quanh vai nàng. Nàng dựa sát vào tôi thêm chút nữa. Tôi vùi mặt vào tóc nàng và hôn lên đầu nàng. Mùi dầu gội nồng đượm của nàng…
Âm đang nhìn tôi. “Cậu… còn nữa à?” anh gầm gừ. Anh chìa tay ra để tôi cho một miếng. Nhưng tôi không cho. Tôi cắn một miếng nữa. Tôi nhắm mắt lại.
“Perry này,” Julie nói.
“Gì cơ.”
Chúng tôi đang ở chỗ bí mật của mình trên mái Sân vận động. Chúng tôi nằm ngửa ra trên một tấm chăn đỏ trải trên những tấm sắt trắng, nheo mắt ngắm bầu trời xanh ngăn ngắt.
“Em nhớ máy bay,” nàng nói.
Tôi gật đầu. “Anh cũng thế.”
“Không phải là em nhớ cảm giác được đi máy bay đâu. Dù sao thì vì bố như thế nên em cũng chưa được đi máy bay bao giờ. Em chỉ nhớ máy bay thôi. Tiếng ì ầm ở đằng xa, những tia khói trắng… cách chúng lao qua bầu trời và vạch nên những đường nét ấy mà? Mẹ em hay nói trông nó giống như một tấm bảng vẽ ấy. Đẹp lắm.”
Tôi mỉm cười trước ý nghĩ ấy. Nàng nói đúng. Máy bay rất đẹp. Pháo hoa cũng vậy. Cả hoa nữa. Các buổi ca nhạc. Diều. Những điều xa xỉ nho nhỏ mà chúng tôi không còn nữa.
“Anh thích cách em nhớ đến mọi thứ,” tôi nói.
Nàng nhìn tôi. “Thì chúng ta phải nhớ chứ. Chúng ta phải nhớ tất cả mọi thứ. Nếu không thì đến khi chúng ta lớn, tất cả sẽ biến mất vĩnh viễn.”
Tôi nhắm mắt lại để cho ánh sáng chói lọi chiếu đỏ ngầu qua mí mắt mình. Tôi để nó ngấm vào não mình. Tôi quay đầu lại và hôn Julie. Chúng tôi đã ân ái trên tấm chăn ấy trên mái Sân vận động, cách mặt đất hai trăm bốn mươi mét. Mặt trời trông chừng cho chúng tôi, dịu dàng mỉm cười như một người hộ tống tốt bụng.
“Này!”
Mắt tôi bật mở. Âm đang nhìn tôi trừng trừng. Anh thò tay định chộp mẩu óc trên tay tôi, nhưng tôi giật đi.
“Không,” tôi gầm gừ.
Tôi đoán âm là bạn tôi, nhưng tôi thà giết anh còn hơn là để anh nếm được cái này. Nghĩ đến cảnh những ngón tay nhếch nhác của anh chọc ngoáy, mò mẫm vào những ký ức này, tôi chỉ muốn xé toạc lồng ngực anh và bóp chặt tim anh trong tay mình, giẫm nát óc anh cho đến kho anh không còn tồn tại nữa. Nó là của tôi.
Âm nhìn tôi. Anh nhận ra sự cảnh báo trong mắt tôi, nghe thấy tiếng còi hụ báo động như khi có máy bay ném bom. Anh buông tay xuống. Anh nhìn tôi một hồi lâu, vẻ khó chịu và bối rối. “Ki… bo,” anh lầm bầm, và khóa cửa tự nhốt mình vào một buồng vệ sinh.
Tôi rời khỏi nhà vệ sinh với bước chân quyết đoán khác thường. Tôi chui qua cửa chiếc và đứng đó trong khuôn cửa ô van mờ sáng. Julie đang nằm trên một chiếc ghế ngả về sau, khe khẽ ngáy. Tôi gõ nhẹ lên thân máy bay, và nàng ngồi bật dậy, tỉnh ngay lập tức. Nàng nghi ngại nhìn tôi trong khi tôi lại gần. Mắt tôi lại cay sè. Tôi nhặt cái túi của nàng từ dưới sàn lên và lục tìm bên trong. Tôi lôi ra ví của nàng, tìm thấy trong đó một tấm ảnh. Chân dung một chàng trai. Tôi giơ tấm ảnh lên ngang tầm mắt nàng.
“Tôi… xin lỗi,” tôi cất tiếng khàn khàn.
Nàng nhìn tôi, mặt không biểu cảm.
Tôi chỉ vào miệng mình. Tôi ôm bụng. Tôi chỉ vào miệng nàng. Tôi chạm vào bụng nàng. Rồi tôi chỉ ra ngoài cửa sổ, chỉ bầu trời đen không một gợn mây, đầy những ngôi sao tàn nhẫn. Đó là lời bào chữa kém kỏi nhất trên đời cho tội sát nhân, nhưng tôi chỉ có thế. Tôi nghiến răng và nhắm nghiền mắt, cố làm dịu cảm giác cay xé.
Môi dưới của Julie đanh lại. Mắt nàng đỏ hoe, ướt lệ. “Ai trong số các anh đã làm thế?” nàng nói, giọng như sắp vỡ òa. “Có phải là tên to con ấy không? Cái tên béo ị đã suýt nữa bắt được tôi ấy?”
Tôi nhìn nàng trân trân hồi lâu, không hiểu các câu hỏi của nàng. Rồi tôi chợt hiểu ra, và mắt tôi mở to.
Nàng không biết kẻ đó chính là tôi.
Căn phòng ấy rất tối và tôi đã tấn công từ phía sau. Nàng không nhìn thấy tôi. Nàng không biết. Cặp mắt sắc sảo của nàng nhìn nhận tôi là một sinh vật xứng đáng được nhìn nhận chứ không hề biết tôi mới giết người yêu của nàng, nuốt trọn sự sống của gã, tiêu hóa linh hồn gã, và ngay lúc này đây trong túi quần tôi vẫn còn một mẩu óc ngon lành của gã. Tôi có thể cảm thấy nó đốt cháy quần tôi như một cục than hồng tội lỗi, và tôi lùi lại theo phản xạ, không thể hiểu nổi sự may mắn quái gở này.
“Tại sao lại là tôi?” nàng hỏi, chớp mắt ứa ra một giọt lệ giận dữ. “Tại sao anh lại cứu tôi?” Nàng quay lưng lại với tôi và co rúm trên ghế, vòng hai tay ôm lấy vai. “Trong tất cả mọi người…” nàng vùi mặt vào đệm ghế mà nói. “Tại sao lại là tôi.”
Đó là những câu hỏi đầu tiên của nàng. Không phải là những câu liên quan đến sự an toàn của bản thân nàng, cũng không phải là điều bí hiểm tại sao tôi lại biết tên nàng cũng như cái viễn cảnh khủng khiếp về những gì tôi định làm với nàng; nàng không vội thỏa mãn những sự hiếu kỳ đó. Câu hỏi đầu tiên của nàng là dành cho những người khác. Bạn của nàng, người yêu của nàng, tự hỏi tại sao nàng không thể thế chỗ họ.
Tôi là đồ hèn hạ nhất trên đời. Tôi đang ở đáy cùng vũ trụ.
Tôi thả rơi bức ảnh lên ghế và nhìn xuống sàn. “Tôi… xin lỗi,” tôi nhắc lại, và rời máy bay.
Khi tôi ra khỏi đường hầm lên máy bay, có mấy Người Chết đang đứng ở gần cửa. Họ nhìn tôi vô cảm. Chúng tôi im lặng đứng đó bất động như những pho tượng. Rồi tôi đi qua họ lang thang vào trong dãy hành lang tăm tối.
MẶT ĐƯỜNG RẠN NỨT kêu lọc xọc dưới bánh xe tải của chúng tôi. Nó làm tình làm tội bộ giảm xóc kẽo kẹt của chiếc xe Ford cũ kỹ, khiến cái xe rít lên như một tiếng gầm gừ tức giận bị nén lại. Tôi đưa mắt nhìn bố. Trông ông già hơn so với trong trí nhớ của tôi. Yếu ớt hơn. Ông nắm chặt vô lăng. Các đốt ngón tay của ông trắng bệch ra.
“Bố ơi?” tôi gọi.
“Gì, Perry.”
“Mình đi đâu bây giờ?”
“Đến chỗ an toàn.”
Tôi nhìn ông chăm chú. “Có còn chỗ nào an toàn không?”
Ông ngập ngừng, ngập ngừng quá lâu. “Đâu đó an toàn hơn.”
Sau lưng chúng tôi, trong thung lũng nơi chúng tôi thường đi bơi và hái dâu, ăn pizza và đi xem phim, thung lũng nơi tôi đã ra đời và lớn lên và khám phá ra tất cả những điều có trong tôi lúc này, khói đang cuồn cuộn bốc lên. Cây xăng nơi tôi mua Coca ướp lạnh đang bốc cháy. Cửa sổ trường cấp một của tôi đã vỡ vụn. Đám trẻ con trong bể bơi công cộng lúc này không bơi.
“Bố ơi?” tôi gọi.
“Gì.”
“Mẹ có sống lại không?”
Bố tôi cuối cùng cũng quay sang nhìn tôi, nhưng không nói gì.
“Sống lại như một trong số bọn chúng ấy?”
Ông quay lại nhìn đường. “Không.”
“Nhưng con tưởng là mẹ sống lại. Con tưởng giờ ai cũng sống lại.”
“Perry,” bố tôi nói, lời hầm hè gần như không thốt ra khỏi họng. “Bố đã giải quyết chuyện đó rồi. Vì thế mẹ sẽ không sống lại.”
Những nếp nhăn hằn sâu trên mặt ông vừa mê hoặc tôi vừa khiến tôi ghê sợ. Giọng tôi nghẹn lại. “Tại sao hả bố?”
“Vì mẹ con đã chết rồi. Không ai sống lại cả. Không hẳn. Con có hiểu không?”
Những bụi cây lè tè và những ngọn đồi trọc trước mặt bắt đầu nhòe đi trong mắt tôi. Tôi cố tập trung nhìn vào kính chắn gió, nhìn những con bọ nát bấy và những vết rạn nhỏ xíu. Nhưng cả những thứ đó cũng nhòe đi.
“Hãy nhớ về mẹ,” Bố tôi nói. “Nhớ hết những điều con có thể, nhớ được lâu chừng nào hay chừng đấy. Mẹ sẽ sống lại như thế. Chúng ta khiến mẹ sống mãi. Chứ không phải là một lời nguyền oái ăm nào hết.”
Tôi nhìn mặt bố, cố dò đọc sự thật trong cặp mắt nheo lại của ông. Tôi chưa bao giờ nghe ông nói như vậy.
“Thân xác chỉ là thịt thà thôi,” ông nói. “Cái phần đáng kể nhất của mẹ… chúng ta được giữ nó.”