Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt

chương 10

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Jamila đứng trước cửa phòng khách. Người bà ta ngấn từng lớp mỡ chắc nịch, phần bụng, phần hông to lớn, tất cả đều lộ ra khá rõ dưới trang phục bó sát. Ở mặt trước chiếc váy mặc ở nhà với những đường thêu tinh tế, chưng hẳn một tấm vải hình vuông rất lớn với đám lông thú nhân tạo mọc ra ở những điểm kỳ quặc và tự dưng ở một góc lại dài một cách bất thường. Ibrahim gọi chiếc váy đó của bà ta là váy khỉ đột.

Trời vẫn còn quá sớm để chưng diện kiểu như thế. Nhưng rõ ràng bà ta đã ra ngoài. Bà ta vẫn đang mặc chiếc áo trùm đen bên ngoài chiếc váy. Chiếc áo phanh ra. Chiếc khăn trùm đầu cũng ở trạng thái luộm thuộm như vậy. Chiếc khăn lửng lơ ở nửa dưới sau gáy bà ta, để lộ toàn bộ mái tóc mỏng thưa thớt với màu tím ánh đỏ. Một sự kết hợp tham lam giữa cây lá móng và thuốc nhuộm màu đỏ tía từ cây hoa râm bụt. Ông tự hỏi không hiểu bà ta đã đi đâu vào một buổi sáng thứ Hai từ sớm tinh mơ đến vậy.

“Cho bố con biết đi. Cho bố con biết vị thầy tu đó đã làm gì đi.” Bà ta kéo đứa con gái lớn nhất, Farrah vào phòng và đẩy con bé về phía ông Jamila. Ông muốn đưa Farrah đến Cairo để được điều trị tốt hơn, nhưng Jamila khăng khăng rằng họ đã thử hết các phương pháp điều trị y khoa rồi và đã đến lúc phải tìm cách thức tâm linh. Một trăm nghìn riyal chỉ cho bác sĩ đã đủ để chứng thực việc Farrah không chỉ đơn giản là bị ốm, con bé đã bị ma ám. Chừng nào con ma đó còn chưa được đuổi đi, thì Farrah vẫn còn khổ sở.

“Con có thể cử động được rồi.” Farrah vừa nói vừa vung tay, xoay người.

“Vậy chuyện là thế nào con?” Farrah quay lưng lại và vén đuôi áo lên. Ông giữ phần đuôi áo trong khi cô tháo dải băng quấn, để lộ ra một thứ kỳ dị khiến ông chỉ muốn ói. Làn da mềm mại trên lưng cô đã bị tàn phá bởi một tấm thép nung. Một dường lằn sưng tấy sâu đến cả phân, bên ngoài đỏ ửng lên, ở chính giữa thì thâm tím, đang bị nhiễm trùng chỉ ngay trên phần xương hông của cô.

“Bọn họ đã làm cái quái quỷ gì thế này?” Ông hỏi.

“Đây là cách họ đuổi hồn ma đó đi.” Farrah vừa trả lời vừa quấn lại dải băng. “Bằng cách tạo thêm sự đau đớn bên ngoài, nó sẽ giúp xua tan cái đau ở bên trong. Bố có hiểu những gì con nói không ạ?”

“Con có hiểu những gì con đang nói không hả?”

“Nó có hiệu quả ạ.” Cô nhẹ nhàng đáp. Rồi cô quay qua với mẹ mình với vầng hào quang chở che của bà ta.

Ông cố chống lại cơn thịnh nộ đang phun trào, đang nhỏ từng giọi dung nham màu đen vào mắt ông khiến tất cả những gì ông có thể thấy chỉ là đống hỗn độn trong phòng.

“Đó mới chính là thuốc thực sự.” Jamila vừa nói vừa chỉ vào lưng của Farrah khi bà ta đưa con gái ra khỏi phòng.

Ibrahim không muốn phản ứng. Ông bước vào phòng vệ sinh để tắm rửa. Nước lạnh. Sàn gạch ấm. Đôi tay nóng ran vì tức giận. Tấm thảm cầu nguyện của ông gần như đã mòn trụi vì nhiều năm quỳ gối. Ông quay mặt về phía cửa ban công. Những lời nguyện cầu như tuôn trào vì vô thức, tâm trí ông trống rỗng, cố kìm nén những lời nguyện cầu thật lòng đang dấy lên trong mình, đau đớn tột cùng khi nghĩ đến điều đó. Lạy Chúa, làm ơn trả lại Sabria cho con, hãy trả lại cô ấy cho con.

Trước khi ông cầu nguyện xong, Jamila đã chờ sẵn ngoài cửa phòng khách. Bà ta đang rất tức giận vì sự im lặng của ông. Bà ta bắt đầu quét cầu thang. Và những lời nhiếc móc bắt đầu. Chuyện gì đó về việc cặp song sinh đã phải tự làm bài tập về nhà và đáng ra chúng không nên đi cùng bà đến gặp thầy đuổi ma bởi rất có thể chính chúng sẽ bị ma nhập hồn, nhưng bố chúng chẳng bao giờ có mặt ở nhà, nên còn cách lựa chọn nào nữa đâu? Nhưng chuyện đó cũng chẳng hề làm bà ta ngạc nhiên. Ông rõ ràng là một kiểu người luôn trốn tránh. Ông thậm chí còn không nhìn vào sự thực rằng con trai mình đã phải ly dị - một thứ đáng lý chỉ mất có vài giây. Phải nói câu “Tôi ly dị cô” ba lần trước mặt hai nhân chứng thì mất bao lâu chứ? Nếu có mỗi việc đó mà ông còn không làm được, thì không hiểu ông còn làm được việc gì khác?

Những lời chì chiết đó chỉ ngừng khi ông phải ngăn nó lại.

Ông đi qua ngay trước mặt bà ta rồi bước xuống nhà, ra khỏi cửa, rồi hòa vào đường phố ngột ngạt.

Khoảng hai mươi năm về trước, và vì lý do gì cho đến giờ vẫn hoàn toàn mơ hồ, anh trai Omar của ông đã vứt bỏ toàn bộ khoản tiết kiệm của mình ra bằng tiền mặt. Ibrahim vẫn còn nhớ ngân hàng đó. Nó nằm trong một khu thương mại sầm uất có bãi đỗ xe rộng lớn, thường chật cứng vì một nhà hàng gần đấy nổi tiếng với món cà ri thượng hạng. Anh trai ông đã bỏ quên ba mươi nghìn riyal trong chiếc túi nhựa đặt ở ghế trước ô-tô rồi đi vào nhà hàng. Nửa tiếng sau ông quay lại thì thấy mình đã quên không kéo kính cửa sổ xe và còn để xe không khóa nữa. Số tiền vẫn còn nguyên trên băng ghế trong khi hóa đơn lủng lẳng bên ngoài một cách mời gọi. Không một riyal nào bị mất. Thỉnh thoàng Omar lại nhắc lại chuyện đó như một minh chứng cho hình phạt chặt một bàn tay của Ả Rập Xê-út là có hiệu quả ngăn chặn nạn trộm cắp. Nhưng Ibrahim không đồng tình. Ông cho rằng sự trung thực là do sự bốc đồng muốn làm hài lòng người khác. Không may thay, sự dối trá cũng vậy. Và ngày hôm đó anh trai ông đã may mắn.

Tòa nhà của Omar nằm ngay cạnh tòa nhà của Ibrahim, trông y hệt những tòa nhà khác cùng phía đó của con đường: mặt trước bằng bê tông phẳng lỳ, bạn công thụt vào trong, những bức tường cao ở trên bao quanh một cái vòm mở. Có câu chuyện vui - tuy ngớ ngẩn, nhưng ngạc nhiên thay lại rất phổ biến - rằng hai anh em đã mua hai ngôi nhà giống nhau vì cả hai làm ở Đội Điệp vụ, nên nếu ai theo dõi một trong hai người này, thì gần như không thể phân biệt một trong hai ngôi nhà ấy.

Omar bước vào phòng khách tóc tai rồi bời.

“Vẫn nhớ lần anh bỏ quên túi tiền trong ô-tô chứ?” Ibrahim hỏi.

“Tất nhiên là anh nhớ, sao thế?”

“Lúc đó anh may mắn thôi, nhưng anh trai…”

“Đừng lại thế với anh. Anh không muốn nghe đâu. Anh chán rồi.”

“Vận may của anh sắp tận rồi.” Ibrahim nói.

“Ồ, thế à?” Omar nhướn mày.

Ibrahim nhận thấy vẻ chán ngán trên gương mặt anh trai mình. “Có chuyện gì thế?”

“Tại sao vận may của anh lại sắp tận vậy?”

“Em sẽ chuyển đến căn phòng trống của anh.”

“Lại là Jamila à?”

Ibrahim gật đầu.

Omar gầm gừ từ sâu trong miệng, nửa như cười thầm, nửa gầm ghè phẫn nộ, rồi ngồi xuống cạnh em trai. “Thành thực mà nói nhé: vận may của em với phụ nữ đã tận từ hai mươi lăm năm trước rồi.”

“Anh đâu có phàn nàn gì.”

“Anh nên phàn nàn thì hơn.” Omar lắc đầu. Hai người trở lên im lặng. Họ sắp sửa quay trở lại chủ đề quen thuộc, chủ đề trước đây từng đưa họ đến bế tắc mà những dư âm dường như đã nguội lạnh - cuộc tranh luận về những người vợ hai. Cụ thể hơn là: liệu họ có nên phá vỡ truyền thống lâu dài của gia đình là không lấy nhiều hơn một vợ hay không? Ibrahim từng thiên về việc phải bỏ truyền thống đó và đã đi tìm kiếm (Internet đã giúp cho việc này càng thêm dễ dàng). Omar thì hoàn toàn phản đối ý kiến đó, không chỉ bởi truyền thống gia đình mà còn bởi nó không hợp khuôn phép chút nào, và đó cũng là điều khủng khiếp đối với vợ của ông dù ông có ghét bà ta tới mức nào đi chăng nữa. Cuộc tranh luận của họ đã đi tới một kết cục tồi tệ, khi Ibrahim đổ lỗi cho anh trai mình đã hoàn toàn đứng về phía bà vợ đành hanh của ông - một sự buộc tội mà Omar đã đáp trả ngay. Cả hai không hề nói với nhau lời nào suốt một tuần sau đó - một khoảng thời gian không thể quên được của cả hai anh em.

Chuyện đó đưa tới một vấn đề sâu xa hơn mà họ đã ý thức được từ lâu và chưa bao giờ bàn luận; cả hai đều có cuộc hôn nhân bất hạnh và mặc dù có thể giấu giếm bên ngoài xã hội, nhưng trong gia đình điều đó lại gần như không thể.

“Em có việc muốn hỏi.” Ibrahim lên tiếng.

“Anh hy vọng không phải về Jamila.”

“Về công việc.”

Điều đó khiến Omar ngạc nhiên. Mặc dù họ đã làm việc cùng bộ phận, nhưng họ thận trọng không để công việc ảnh hưởng đến gia đình của mình. Omar chuyển đến Đội Điệp vụ khi Ibrahim vẫn còn nửa chặng đường phấn đấu để lên cấp chánh, và trong thời gian ba năm, Omar đã vượt lên trên em mình. Hiện giờ ông đã là phó chánh.

“Không phải em muốn rời Đội Trọng án đấy chứ?.” Omar hỏi.

“Không, không, em thích ở đó. Chỉ là em đnag phải lo một vụ mà em nghĩ có lẽ liên quan đến một vụ trước đây Warra đã phụ trách ở Đội Điệp vụ. Em đang băn khoăn liệu anh có thể cho em xem các hồ sơ những vụ án trước đây của Warra được không?”

“Sao em không đến bộ phận lưu trữ hồ sơ?”

“Em không thể nâng mức độ nghiêm trọng của vụ án này. Việc đó có thể gây trở ngại cho việc điều tra của bọn em.”

Omar lầm bẩm và ngồi thẳng lại. Ibrahim biết ông sắp sửa nói: Em nói dối, chuyện gì thực sự đang xảy ra vậy? Nhưng hẳn ông đã nhận ra sự hoang mang của Ibrahim, vì ông không nói gì cả.

“Em nghĩ một trong số những hồ sơ đó đã được xếp vào loại hồ sơ mật” Ibrahim nói.

Giờ thì Omar lại ngả mình về trước, mắt nhìn xuống tay. “Chuyện này là thế nào?”

“Em ước gì mình có thể nói nhưng em không thể” Ibrahim ngồi thẳng người. “Em thực sự không thể. Anh phải tin em.”

Omar nhìn Ibrahim dò xét.

“Em chưa bao giờ nhờ anh một việc như thế này.”

“Chính vậy nên mới khó hiểu…”

“Và nếu việc đó không quan trọng thì em đã không nhờ anh rồi”

Omar thở hắt ra. “Thôi được. Để xem anh làm được gì.”

Chiều hôm đó khi Ibrahim bước ra khỏi bãi đỗ xe của cơ quan thì điện thoại đổ chuông. Đó là Katya.

“Tôi đã mang bức ảnh ông gửi tôi đến khu mua sắm đó trong giờ ăn trưa hôm nay.” Cô nói.

“Tôi rất cảm kích”

“Thực ra,” cô nói, “tôi mong là mình có được tin tốt lành cho ông. Tôi đã đưa bức ảnh ra cho cả tá những người bán hàng và không một ai nhận ra cô ấy, nên tôi đã đánh liều quay lại cửa hàng cô ấy đã làm việc. Người ở đó cũng không nhận ra cô ấy.”

“Sao cơ?”

“Người phụ nữ họ biết có tên là Sabria Gampon không hề giống với người trong ảnh. Không một chút nào. Cả ba người phụ nữ ở đây đều nói đó không phải cô ấy. Thậm chí trông còn không giống cô ấy.”

“Tôi không thể tin được điều này.”

“Tôi rất lấy làm tiếc. Họ còn cho tôi xem hồ sơ xin việc của cô ấy nữa.”

“Cô có nói với họ cô là cảnh sát không?” Ibrahim hỏi.

“Không, tôi nói với họ tôi là thám tử tư đang điều tra vấn đề trộm cắp mà cô ta từng thực hiện ở một doanh nghiệp khác. Tôi xin lỗi, có lẽ tôi không nên nói như vậy, nhưng cách đó khiến họ rất nhiệt tình. Dù sao thì họ cũng cho tôi một bản sao đơn xin việc của cô ấy và tôi nghĩ chắc ông muốn xem qua nó. Có lẽ ông sẽ nhận ra chữ viết tay của cô ấy - hoặc là không.”

“Đúng rồi, tốt lắm. Cô mang nó lên phòng làm việc của tôi được không?”

“Tôi để nó trong hộp thư của ông rồi.” Katya nói.

“Cảm ơn cô” Ông đáp. “Tôi đánh giá cao sự thận trọng của cô trong việc này.”

“Tất nhiên là tôi phải thận trọng.” Cô nói. “Và còn một điều nữa. Tôi đã đối chiếu đơn xin việc với thông tin thị thực của cô ấy, và dù ai đã điền lá đơn đó thì cũng biết chính xác số thẻ căn cước trong hồ sơ xin thị thực.”

“Tôi hiểu.” Ông nói với giọng cố gắng để tập trung. “Vậy là người tự nhận là Sabria đã có quyền truy cập các thông tin nhập cư của cô ấy.”

“Đúng vậy.”

Ông ngồi trong ô-tô khoảng hai mươi phút chỉ nhìn chăm chăm vào vô lăng. Sabria không phải là Sabria sao? Có, cô ấy có chứ. Cô ấy luôn luôn là Sabria. Bọn họ đã điều tra kỹ lý lịch ở Đội Điệp vụ trước khi thuê cô ấy làm việc cơ mà. Tất nhiên cô ấy tự nhận mình là một người khác khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng theo những gì ông được biết thì cô chưa bao giờ thuê ai đóng giả mình cả - và chắc chắn vậy. Bởi vì Sabria của ông không đời nào lại nhận công việc ở cửa hàng rồi lại lấy trộm túi xách và khiến mình bị đuổi việc trong vòng có sáu tuần, mà sau đó lại không nói gì với ông hết. Hơn nữa bằng chứng mới thu được của Katya đã củng cố giả định này; không ai ở cửa hàng đó nhận ra bức ảnh của cô. Rõ ràng Sabria đã biết người phụ nữ đó sẽ nhận công việc mà cô phải nhận, làm công việc mà cô phải làm.

Đột nhiên có vẻ Sabria không hề bỏ trốn, có thể cô tham gia hoạt động điệp viên nào đó của chính mình - bí mật đến mức cô phải lẩn tránh ngay cả Ibrahim - và nhiệm vụ đó, vì lý do nào đấy, đã xảy ra vấn đề bất trắc.

Truyện Chữ Hay