Với chức vụ chánh tam phẩm Chỉ huy sứ Kim Ngô tả vệ, Đỗ Trung thực sự hưởng thụ cuộc sống một thời gian từ sau khi Hoàng đế đăng cơ. Tuy nhiên, do Hoàng đế thu hồi quyền hình ngục nên gã chỉ chịu trách nhiệm điều tra đủ loại quan viên mà thôi, lạ một điều là Trần Vĩnh lập uy danh hiển hách trên lưng ngựa nhưng thái độ đối với quan văn lại rất khoan dung, hơn nữa Đông Cung Thái Tử Trần Thiện Chiêu rõ ràng không thích gần gũi loại người như gã. Vì thế, Đỗ Trung chỉ có thể ôm chặt đùi to của Yến Vương Trần Thiện Duệ, nhiều lần lặp đi lặp lại xúi giục Trần Thiện Duệ đi tranh vị trí trữ quân.
Lúc trước gã sử dụng thủ đoạn trên người Đại Vương, khiến Đại Vương đẩy trách nhiệm lên người Trần Thiện Duệ. Đây tất nhiên là nhờ chủ ý của Trần Thiện Ân, nhưng chính gã cũng tính toán rất khá -- -- Khi được giao nhiệm vụ điều tra thì gã sẽ tìm cách chĩa mũi dùi vào Đông Cung trữ quân Trần Thiện Chiêu, đến lúc đó Trần Thiện Duệ có thể nắm lấy cơ hội lên thượng vị; cho dù Hoàng đế thật sự bởi vậy mà bực Trần Thiện Duệ, vậy thì cơ hội sẽ chuyển vào tay Trần Thiện Ân.
Cho tới hiện giờ, gã bắt buộc phải chơi màn đi hai hàng!
Nhưng ai có thể ngờ được, Đại Vương bị nhốt trong Nội quan giám xong là không có tin tức, mấy tháng sau đột nhiên có chiếu chỉ ban rượu độc, liên lụy con cháu. Còn Trần Thiện Duệ thì thật sự là loại bùn nhão không thể trét tường, chẳng biết sao lại bệnh nặng một hồi. Gã phái người đi phủ Yến Vương thăm hỏi tặng lễ, lại bị Yến Vương phi Vương Lăng đuổi ra. Hiện giờ mấy tháng trôi qua, Trần Thiện Duệ rốt cuộc vẫn không lộ diện chứ đừng nói đến việc gặp gã, rõ ràng tất cả nỗ lực kinh doanh cực khổ từ trước đến giờ đã trôi theo dòng nước. Mỗi khi nghĩ đến là gã lại nổi giận đùng đùng, bây giờ cần phải có gan làm ác hơn nữa nhưng gã lại không đủ can đảm!
Vì thế, hiện giờ đối mặt với nhiệm vụ Hoàng đế đột nhiên giao xuống, cho dù Đỗ Trung có tâm bôi đen Trần Thiện Chiêu nhưng gã lại không có đủ uy tín trong vòng quan lại, hơn nữa Hoàng đế hạ chỉ rõ ràng là vì nghi ngờ có người mơ ước Đông Cung, ý tứ bảo hộ Chương gia càng rành mạch, gã cũng không dám cố tình làm bậy. Ngoài ra, Chương Phong trấn thủ Khai Bình hơn mười năm không về, gã đã nghĩ biết bao nhiêu cách để vơ vét chuyện xấu và chứng cứ của vị nhạc phụ Thái Tử, kết quả lại không thu hoạch được gì. Chẳng còn cách nào khác, gã đành phải uể oải ỉu xìu kiểm chứng những tên quan viên nhảy nhót ồn ào nhất. Rốt cuộc gã tra ra mấy tên có chút quan hệ với các thân vương bao gồm Hoài Vương, mấy tên khác thì có quan hệ với những nhà huân thần quý thích có thiên kim chờ xuất giá, dư lại là hạng người cầu danh, cuối cùng báo cáo toàn bộ trước mặt Thiên Tử.
Ngay ngày hôm sau nghe Đỗ Trung bẩm báo, Hoàng đế lập tức phản ứng nhanh chóng dị thường. Ngài phái Đỗ Trung đi Hoài An triệu Hoài Vương nhập kinh, đưa mấy nhà huân thần quý thích đến vùng biển Phúc Kiến bắt giặc Oa, có người bị phái đi Lộc Xuyên phòng Miến, có người bị phái đến Xuyên Trung bình man di, hoặc phái đến Quảng Tây trấn Dao... Một hơi điều động từ Nam ra Bắc, cho dù người trì độn cũng có thể nhìn ra vấn đề không thích hợp. Thế là tất cả quan viên trước đó dâng tấu hoặc những kẻ hùa theo đều cảm thấy bất an. Quả nhiên còn chưa hết năm, trong kinh thành có hơn mười ngôn quan bị đưa ra các tỉnh như Lưỡng Quảng, Tứ Xuyên, Cam Túc, Thiểm Tây và những nơi khác, hầu như đều là chỗ khổ nhất thiếu thốn nhất!
So với trước đây đặc phái viên đến triệu hồi Chu Vương và Đại Vương đều không có quan chức trên người, lần này Đỗ Trung lại gần như kiêm luôn nhiệm vụ của binh lính áp giải đưa Hoài Vương đến kinh thành. Có ví dụ từ vụ xử tử Đại Vương lúc trước, Hoài Vương đương nhiên liều chết không nhận cái tội mơ ước Đông Cung linh tinh gì đó, Trần Vĩnh cũng lười đến hỏi, trực tiếp cấm túc trong phủ Hoài Vương ở kinh thành, hạ chỉ sau này sẽ không còn về lại đất phiên nữa. Hiện giờ nhìn quanh một vòng các thân vương -- Chu Vương tự xin ở lại kinh thành, Tần Vương vì tạo phản mà phế thành thứ dân, Đại Vương vì mưu nghịch mà bị xử tử, phế Thái tử vì mưu nghịch mà biếm thành thứ dân -- chỉ trong mấy năm ngắn ngủn mà năm huynh đệ của Trần Vĩnh kẻ thì chết, kẻ thì phế, kẻ thì bị giữ lại ở kinh thành. Vì thế, sau khi tân niên của năm Trường Ninh thứ tám trôi qua không lâu, vài vị phiên vương trước sau dâng tấu, chỉ nói là khí hậu đất phiên không tốt để cư trú, thỉnh cầu dời về kinh thành vinh dưỡng. Trong số đó bao gồm Tri Vương Trần Dung.
Đầu tiên là Hoàng đế Trần Vĩnh bỏ qua mấy tấu chương kia không chuẩn, sau đó các phiên vương khác cũng lần lượt dâng tấu, Hoàng đế bèn làm bộ làm tịch mở hội nghị thảo luận, cuối cùng phê chuẩn chuyện này, hứa cho chư vương mang gia quyến con cái trở lại kinh thành. Chiếu chỉ này vừa ban ra, bất kỳ ai cũng nhận biết, vụ phong phiên do Thái tổ hoàng đế lập ra từ khi mới lên ngôi thì hiện giờ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Ngẫm lại mấy nhi tử của đương kim Hoàng đế, hiện giờ ngoại trừ hai nhi tử còn nhỏ vừa được phong Từ Vương và Lộ Vương đương nhiên ở kinh thành; Phạm Vương Trần Thiện Ân chỉ tạm thời trấn thủ Bắc Kinh, gia quyến vẫn ở kinh; Liêu Vương thì chuyển từ trấn thủ Bắc Kinh sang trấn thủ Liêu Đông, vẫn chưa xây dựng đất phiên ở Thẩm Dương; còn phần Yến Vương Trần Thiện Duệ uy danh hiển hách trước đây thì đến nay vẫn bị Hoàng đế giữ lại kinh thành, Hoàng đế lại sắc lập Hoàng trưởng tôn Trần Hi thành Hoàng Thái tôn.
Thế là lúc này trong lòng mỗi người đều hiểu rõ, tuy Hoàng đế cưng chiều đích tứ tử Trần Thiện Duệ nhưng niềm tin cậy đối với Đông Cung trước sau chưa từng dao động!
Gần đây, cuộc sống của toàn gia Đông Cung bị người khác cho rằng được trời ưu ái thật sự tiêu dao. Khẩu dụ đóng cửa ăn năn của Hoàng đế đến bây giờ vẫn chưa thu hồi, Trần Thiện Chiêu bèn danh chính ngôn thuận không gặp ngoại quan, nhưng chưa từng ngưng một ngày giảng đọc của Tống Nghi. Trần Hi tuy dời đến Nhu Nghi Điện nhưng sáng nào cũng đến Xuân Hòa Điện Đông Cung nghe giảng ké, buổi chiều luyện tự xong bèn dạy dỗ Trần Mân nhận chữ đọc sách, nhân tiện ứng phó vấn đề ùn ùn không dứt của muội muội Trần Kiểu. Đôi khi Chương Hàm sẽ tự mình bế Trần Hạo còn trong tã lót lại đây xem náo nhiệt, cuộc sống thật thoải mái viên mãn.
Sau khi Hoàng đế chính thức giải trừ lệnh đóng cửa ăn năn cho Trần Thiện Chiêu, ba tháng sau lại hạ chỉ dời đô đến Bắc Kinh, lôi vấn đề quan trọng nhất đưa lên mặt bàn, những ngày tiêu dao thoải mái của Trần Thiện Chiêu lập tức hóa thành hư ảo. Mặc dù Trần Thiện Chiêu là người khởi xướng vụ dời đô đến Bắc Kinh, khơi mào ý niệm đã sớm có trong lòng phụ hoàng, nhưng thấy quần thần phản đối cực kỳ mãnh liệt, Trần Thiện Chiêu bắt buộc phải nhặt lên công phu cầu tình đã ném xuống bao nhiêu năm. Suốt hai ba tháng, vị Hoàng Thái Tử này đã cứu mười bảy mười tám quan văn bị hạ ngục dưới cơn thịnh nộ của Trần Vĩnh. Tuy có người nản lòng thoái chí về quê, nhưng càng nhiều người được Hoàng Thái Tử giúp đỡ đưa đi ngoại nhậm. Trong khi toàn bộ quan viên trong kinh thành đều khen ngợi Thái Tử nhân hậu, bỗng nhiên một tin tức khác được lan truyền rải rác.
Hóa ra người đầu tiên dâng tấu đề nghị Hoàng đế dời đô lại chính là Trần Thiện Chiêu hiện giờ là Đông Cung trữ quân!
Tầng tầng lớp lớp phong ba làm cả kinh thành loạn như nồi cháo. Nhưng Đông Cung đang ở trung tâm cơn lốc xoáy thì lại vô cùng bình tĩnh. Chương Hàm vẫn dành phần lớn thời gian cho các con, còn một ít thời gian thì để thêu thùa may vá -- thứ nhất là muốn chuẩn bị lễ vật cho tiết Vạn thọ của Hoàng đế và tiết Thiên thu của Hoàng hậu, thứ hai là muốn tự tay may thêu một ít quần áo cho các con. Lúc này, nàng gọi Trần Hi đến trước mặt, ướm thử một chiếc áo dài vải xanh lên người con trai đo đạc trong chốc lát, sau đó khâu vài mũi cuối cùng rồi đứng lên cầm tấm áo mỉm cười nói: “Nào, hãy thử xem có vừa hay không?”
Tuy đây không phải lần đầu tiên mặc đồ do mẫu thân tự tay làm, nhưng trong khi Trần Hi thử áo vẫn nhịn không được khuyên: “Nương, thêu thùa may vá quá hại đôi mắt, hơn nữa con đang ở thời điểm trổ mã rất nhanh, một bộ y phục mặc không được bao lâu, tội gì phí công sức nhiều vậy ạ? Chỉ cần y phục do Thượng phục cục đưa tới mà con đã mặc không hết...”
“Nơi khác làm sao so được với đồ nương làm?” Chương Hàm hơi mỉm cười, tự mình sửa sang vạt áo và cổ áo cho Trần Hi, lui ra phía sau một bước ngắm nghía từ trên xuống dưới, lúc này mới gật đầu: “Còn phần con đang tuổi lớn cũng không thành vấn đề, dưới con còn hai đệ đệ mà, mặc không vừa thì để lại cho hai đệ đệ. Nếu là hậu duệ quý tộc long tử phượng tôn, chẳng lẽ còn có người sẽ chỉ trích cách ăn mặc của các con? Chỗ Thượng phục cục ta đã sai người đi thông báo, sau này y phục bốn mùa của các đệ đệ con sẽ cắt giảm một nửa, dù sao đồ cũ của con tồn trữ xuống dưới thật rất nhiều.”
Thấy Trần Hi ngạc nhiên há hốc mồm, Chương Hàm cười nói: “Đây không phải nương làm ra vẻ, nhớ trước đây Hoàng tổ mẫu con ở Bảo Định phủ quản lý trên dưới của phủ Triệu Vương, song song với việc kêu gọi bà tử trong phủ và nữ quyến của quân dân cùng gấp gáp chế tạo quân bào thì vẫn luôn duy trì quy củ như vậy. Cha con ở kinh thành không tính, các huynh đệ khác đều giảm phân nửa y phục bốn mùa, mặc áo cũ của huynh trưởng cũng không hiếm thấy.”
“Hoàng tổ mẫu... xác thật luôn rất đơn giản.” Nghĩ đến khi ở Khôn Ninh Cung, Phó thị quả thật xưa nay không thích xa hoa, những lễ phục mặc lúc hiến tế tiết khánh đều sai người giặt hồ ủi phẳng cất cẩn thận, sau khi sách phong Hoàng hậu vẫn chưa từng làm quan phục mới, thường phục bốn mùa đều vô cùng đơn giản, Trần Hi dần dần chấp nhận cách làm của mẫu thân. Tuy nhiên, trong lòng cậu càng có chuyện quan trọng hơn cần bàn, xua tay phân phó Thu Vận tạm thời lui ra, Trần Hi hỏi Chương Hàm: “Nương, cha khuyên can Hoàng gia gia cứu nhiều quan viên như vậy, hiện giờ lại có người rải rác lời đồn bên ngoài, nói là chuyện dời đô Bắc Kinh vốn do cha đề nghị. Sự tình náo động đến mức ồn ào huyên náo như thế, nương không hề sốt ruột chút nào ạ?”
“Không sốt ruột.” Chương Hàm chẳng cần suy nghĩ đáp ngay một câu, thấy Trần Hi lập tức ngẩn ngơ, nàng ngồi xuống mỉm cười hỏi đố: “Có gì phải sốt ruột? Con cũng nói là lời đồn đãi, vậy chẳng lẽ không nghĩ tới, chuyện dời đô xác thật là do cha con đề nghị?”
“Sao ạ?” Trần Hi tức khắc mở to hai mắt, đầy mặt không thể tin tưởng: “Xưa nay cha rất hiếm khi đưa ra ý kiến về vấn đề quân lược võ sự, đâu thể nào...”
“Con nên nhớ, dời đô không chỉ là vấn đề quân lược võ sự mà là đại sự của triều đình, đại sự của thiên hạ! Hơn nữa, cha con đề nghị chuyện này từ rất lâu rồi, ngay từ khi Thái Thượng Hoàng vừa qua đời, cha con đã đề nghị chuyện này với Hoàng gia gia của con, cho nên mới có vụ Tam thúc con đưa Vĩnh Thanh Hầu đến trấn thủ Bắc Bình, Công Bộ Thượng thư Phùng Đại Lượng đích thân đi theo tu sửa thành trì và hành cung ở Bắc Kinh. Nếu không dự bị muốn dời đô, vì sao tường thành và hành cung lại cần tạo dựng quy mô nhiều năm như vậy? Con thấy đấy, mặc dù Phùng Đại Lượng đã trở lại chuyển sang Lễ Bộ, nhưng tân nhiệm Công Bộ Thượng thư lại đi đến Bắc Kinh vào năm trước!”
Đây thực sự là nội tình Trần Hi không hề nghĩ đến. Cậu nhìn ánh mắt phảng phất ý cười của mẫu thân, trong lòng đột nhiên bật ra một suy nghĩ, ma xui quỷ khiến mở miệng hỏi: “Vậy thì chuyện cha đề nghị chắc hẳn phải cực kỳ bí mật chứ ạ, tuyệt đối không dễ dàng bị người biết được thậm chí đồn đãi ra ngoài... Chẳng lẽ vụ này...”
“Con biết là được. Có thể nói là vì cha con quá thành thật, lần đó cứu Đô Sát Viện Hữu thiêm Đô Ngự sử Hồ Ngạn xong bèn bứt rứt nói ra nguyên do. Hồ Ngạn hơi lanh mồm lanh miệng, hơn nữa mấy ngày qua kinh thành rất chú ý đến vụ này, vì thế tự nhiên thành chuyện mọi người đều biết.” Âu yếm nhìn gương mặt nghẹn họng mắt trừng to của Trần Hi, Chương Hàm mỉm cười vẫy tay bảo trưởng tử đến ngồi bên cạnh, nói một cách thấm thía: “Cha con vừa là nhi tử vừa là thần tử của Hoàng gia gia con, cầu tình không phải là vì tính lợi cho bản thân. Những quan viên kia chỉ là nhất thời không hiểu vấn đề nên mới dâng tấu phản đối, đa số đều xuất phát từ công nghĩa, nhưng nếu cha con cứ trực tiếp cầu tình cứu họ, vậy thì dễ dàng bị người cho rằng lạm dụng ban phát ân đức. Đặc biệt là chuyện cha con đề nghị chưa chắc vẫn luôn giữ được bí mật, thay vì để người khác bóc trần làm miệng đời chỉ trích, chi bằng chính cha con chủ động lộ ra. Quân tử thẳng thắn, tiểu nhân che đậy, đó là ý này!”
Nói tới đây, Chương Hàm nhịn không được hơi mỉm cười. Trung hậu hiếu đễ con mọt sách, hiền đức nhân nghĩa Hoàng Thái Tử, Trần Thiện Chiêu thật đúng là giả cái gì giống cái nấy!