Vầng trăng trông như quả bóng bị lũ trẻ con dùng gậy chọc vào giương lên không. Cột buồm của hàng chục thuyền buồm dựng tua tủa bên dưới vầng trăng đó, sẵn sàng giữ cho nó không rơi xuống đất. McCaleb ngắm nhìn trăng treo lơ lửng trên bầu trời đen, cho đến khi rốt cuộc nó vuột thoát bằng cách chuồi vào sau những đám mây đâu đó bên trên đảo Catalina. Một chỗ ẩn nấp tốt như bất cứ chỗ nào, ông nghĩ trong khi nhìn xuống cốc cà phê rỗng trên tay. Ông nuối tiếc cái dạo còn có thể ngồi ở đuôi tàu lúc xế chiều, một tay cầm lon bia lạnh như đá, tay kia là điếu thuốc. Nhưng điếu thuốc là một phần nguyên nhân căn bệnh nên giờ đây vĩnh viễn thôi rồi. Mà cũng phải vài tháng nữa phác đồ chữa trị mới nới lỏng đủ để cho phép đưa thêm ít chất cồn vào hỗn hợp thuốc. Còn hiện giờ chỉ cần uống một cốc thôi là đủ để ông phải chịu cái mà Bonnie Fox gọi là hậu quả chết người do dùng cồn quá liều.
McCaleb đứng dậy đi vào phòng khách của thuyền. Đầu tiên ông thử ngồi nơi bàn bếp nhưng chẳng mấy chốc đã đứng dậy, bật tivi rồi bắt đầu chuyển xoành xoạch từ kênh này sang kênh khác mà chẳng hề thực sự nhìn xem có gì ở đó. Ông tắt tivi rồi kiểm tra đống hổ lốn trên bàn vẽ hải đồ, nhưng rồi cũng chẳng thấy có gì dành cho mình cả. Ông đi tới đi lui trong cabin, tìm cái gì đó khả dĩ đánh lạc hướng suy nghĩ của ông. Nhưng chẳng có gì.
Ông xuống cầu thang, bước vào hành lang đằng trước rồi ra phía mũi thuyền. Ông lấy nhiệt kế ra khỏi tủ thuốc, lắc lắc rồi nhét vào dưới lưỡi. Đó là một dụng cụ hình ống bằng thủy tinh theo kiểu xưa. Cái nhiệt kế điện tử hiển thị bằng kỹ thuật số mà bệnh viện đưa cho vẫn còn nằm nguyên trong hộp để trên giá tủ. Vì lý do nào đó ông không tin tưởng nó.
Nhìn chính mình trong gương, ông cởi tung cổ áo sơ mi rồi săm soi vết thương nhỏ do cuộc sinh thiết hồi sáng để lại. Nó chưa bao giờ có được cơ hội để lành. Ông đã phải chịu quá nhiều lần sinh thiết đến nỗi vết rạch bao giờ cũng chỉ vừa kịp lên da non là người ta đã lại rạch ra và thọc đầu dò vào động mạch thêm lần nữa. Ông biết rồi đây nó sẽ là một dấu vết còn mãi, giống như vết sẹo dài hơn ba mươi phân chạy dọc xuống ngực ông. Trong khi ngắm chính mình, ông lan man nghĩ đến cha ông. Ông nhớ những dấu vết còn mãi, những vết xăm còn lại trên cổ ông già. Tọa độ của một trận chiến phóng xạ chỉ làm được mỗi một việc là kéo dài điều không thể tránh.
Nhiệt độ đo vẫn bình thường. Ông rửa nhiệt kế rồi đặt về chỗ cũ, đoạn nhấc tấm bảng kẹp tờ ghi nhiệt độ ra khỏi giá mắc khăn, ghi ngày tháng vào đó. Ở cột cuối, dưới tiêu đề NHIỆT ĐỘ, ông vạch thêm một dấu gạch ngang hàm ý không có gì thay đổi.
Treo bảng vào chỗ cũ xong, ông cúi lại gần gương để nhìn kỹ mắt mình. Màu xanh lá cây lốm đốm xám, giác mạc lộ ra những đường nẻ đỏ quạch mảnh như sợi tóc. Ông lùi lại, cởi áo sơ mi. Tấm gương hơi nhỏ nhưng ông vẫn thấy được vết sẹo, hồng trăng trắng, dày cui, xấu xí. Ông rất hay làm vậy, tự đánh giá chính mình. Đó là vì ông vẫn chưa quen nổi với hình hài của thân thể ông hiện nay, với cái kiểu thân thể đó đã hoàn toàn phản bội ông. Bệnh cơ tim. Fox nói với ông đó là một con vi rút có thể đã chực chờ trong thành tim của ông suốt nhiều năm, chỉ đợi một tình huống ngẫu nhiên là bùng ra phát tác và lấy dưỡng chất từ tình trạng stress. Lời giải thích đó chẳng có ý nghĩa gì mấy đối với ông. Nó chẳng làm nguôi ngoai cảm giác rằng con người ông xưa kia vĩnh viễn không còn nữa. Đôi lúc, ngắm chính mình, ông có cảm giác mình đang nhìn một kẻ xa lạ, bị cuộc đời vùi dập ê chề và giờ đây gãy vỡ dễ như chơi.
Mặc áo vào xong, ông vào buồng ngủ ở phía trước. Đó là một phòng hình tam giác rập theo hình cánh cung. Có một giường đôi ở phía giáp bến thuyền, và một bệ gồm những ngăn chứa đồ về phía mạn phải thuyền. Ông đã biến giường tầng dưới thành bàn làm việc, còn tầng trên thì để chất những thùng các tông đựng đầy các tập hồ sơ cũ của Cục Điều tra Liên bang. Trên thành mấy thùng này có ghi tên các vụ điều tra. Ghi NHÀ THƠ, MÃ, HOÀNG ĐẠO, TRĂNG TRÒN và BREMMER. Hai thùng thì ghi NGHI PHẠM KHÁC. McCaleb đã sao chụp hầu hết các hồ sơ của mình trước khi rời khỏi Cục. Làm thế là trái quy định, nhưng chẳng ai cản được ông. Các hồ sơ đựng trong mấy thùng này là của nhiều vụ án, đã phá xong cũng có mà chưa phá xong cũng có. Vài hồ sơ dày đến độ chất kín cả thùng, vài vụ thì đủ mỏng để có thể nằm chung trong một thùng. Ông không biết chắc tại sao mình đã không sao chụp tất tật mọi thứ. Từ khi nghỉ việc đến giờ ông chưa bao giờ mở thùng nào. Nhưng thi thoảng ông cũng có nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách hoặc thậm chí tiếp tục tham gia điều tra các vụ công khai. Tuy nhiên, nhìn chung đấy chỉ là vì ông thích luôn có những hồ sơ đó bên cạnh mình, như là bản tường thuật hay minh chứng cho những gì ông đã làm trong phần đời đó của ông.
McCaleb ngồi xuống bàn làn việc, bật ngọn đèn gắn trên tường. Trong thoáng chốc, mắt ông đập vào cái huy hiệu FBI ông từng mang suốt mười sáu năm. Giờ đây nó được gắn vào một cái khung nhựa trong suốt treo tường, phía trên bàn. Đóng đinh trên tường bên cạnh nó là ảnh một cô bé mang niềng răng đang cười với ống kính. Ảnh được sao từ một cuốn niên giám nhiều năm về trước. McCaleb cau mày khi nhớ lại chuyện đó, liền quay đi, mắt ông chạm vào đống đồ tạp nham ở trên bàn.
Có một mớ chi phiếu và biên nhận rải rác trên bàn, một kẹp hồ sơ nhiều ngăn đựng đầy kết quả xét nghiệm y khoa, một chồng kẹp hồ sơ bằng giấy thô hầu như trống rỗng, ba tờ rơi của mấy hãng dịch vụ xưởng tàu cạn cạnh tranh nhau, và cuốn sách về quy định sử dụng Vũng Cabrillo. Cuốn sổ séc của ông để mở, sẵn sàng để được dùng, nhưng ông không có bụng dạ nào bắt tay vào cái nhiệm vụ của cõi đời thường là thanh toán các chi phiếu.
Lúc này thì không. Ông đang bứt rứt, nhưng đấy không phải vì sự trống rỗng trong tâm trí ông. Ông không sao thôi nghĩ về cuộc viếng thăm của Graciela Rivers và sự thay đổi bất ngờ mà nó đã khiến ông phải trải qua.
Ông sắp xếp đống hổ lốn trên bàn đâu vào đấy cho đến khi tìm ra mẩu cắt từ báo đã đưa người đàn bà kia đến thuyền ông. Bài đó thì ngay hôm báo ra ông đã đọc, cắt nó ra rồi thì cố quên đi. Nhưng quên đi là không thể. Bài báo đã kéo theo cả một chuỗi dài nạn nhân tìm đến thuyền của ông. Người mẹ có đứa con gái tuổi vị thành niên được tìm thấy xác trên bờ biển ở Redondo, cái xác bị cắt, bị rạch; cha mẹ của đứa con trai bị treo cổ chết trong một căn hộ ở Tây Hollywood. Người chồng trẻ có cô vợ đi họp câu lạc bộ ở Sunset Strip rồi không bao giờ trở về. Tất cả những người đó đều sống mà như chết, hầu như bị tâm thần phân liệt bởi đau buồn và thất vọng ê chề trước niềm tin vào một đấng Chúa Trời vốn lẽ ra phải không để những điều như vậy xảy ra. McCaleb không sao an ủi họ được, ông không thể giúp họ. Ông bảo họ từ đâu tới thì cứ đường ấy mà về.
Ông đã đồng ý cho tờ báo phỏng vấn chỉ vì ông nợ cô nhà báo. Hồi ông còn làm ở Cục, Keisha Russell vẫn luôn tốt với ông. Cô là loại nhà báo thi thoảng biết cho chứ không phải lúc nào cũng chỉ biết nhận. Cô đã gọi đến chỗ thuyền ông để gặp ông sớm hơn một tháng hầu thu khoản nợ đó. Cô được giao nhiệm vụ viết bài cho mục “Chuyện gì đã xảy ra với...” của tờ Thời báo. Từ năm ngoái cô đã viết một bài về chuyện McCaleb chờ có tim để ghép, nay cô muốn cập nhật thông tin một khi ông đã được ghép xong. McCaleb muốn khước từ lời mời, biết rằng bài phỏng vấn sẽ làm tiêu ma cuộc sống mai danh ẩn tích của ông hiện nay, nhưng Russell liền nhắc lại tất cả những lần cô đã giúp đỡ ông - không tiết lộ các chi tiết về một vụ điều tra hoặc có đưa chúng vào bài báo tùy theo McCaleb thấy thế nào là có ích. McCaleb cảm thấy ông không còn cách nào khác. Ông luôn sòng phẳng về chuyện nợ nần.
Vào hôm bài báo được đăng, McCaleb đã coi nó như là huy hiệu chính thức cho vị thế xưa kia ông từng có. Thường thì chuyên mục đó được dành để đăng những thông tin sốt dẻo nhất về các chính trị gia diều hâu đã biến mất khỏi chính trường địa phương hoặc những người mà sự nổi tiếng trong vòng mười lăm phút đã qua tự đời nào. Thi thoảng nó kể chuyện một ngôi sao truyền hình đã hết thời nay chuyển sang bán nhà đất hoặc trở thành họa sĩ bởi đó mới là thiên hướng sáng tạo đích thực của ông ta.
Giờ ông lại mở bài báo ra đọc lại.
Tim mới, khởi đầu mới cho cựu đặc vụ FBI
Keisha Russell
Phóng viên THỜI BÁO
Khuôn mặt Terrell McCaleb từng là một thứ hầu như bất di bất dịch trên chương trình tin tức hàng đêm của Los Angeles, lời ông nói luôn được báo chí địa phương dành sẵn chỗ. Nhẵn mặt như thế chẳng phải là điều thú vị gì cho cả ông lẫn cho dân thành phố.
Là nhân viên FBI, McCaleb là nhân vật chủ chốt của Cục trong việc điều tra một số vụ giết người hàng loạt đã hoành hành Los Angeles và miền Tây trong suốt thập kỷ qua.
Là thành viên của Đơn vị hỗ trợ điều tra, McCaleb đã giúp tập trung các cuộc điều tra của cảnh sát địa phương. Là người am hiểu giới truyền thông và luôn cho phép báo chí trích lời mình, ông thường xuất hiện trước ống kính - một động thái đôi khi làm cho cảnh sát địa phương cũng như cấp điều hành ở Quantico hiểu lầm mà nóng ruột.
Nhưng đã hơn hai năm qua ông không còn xuất đầu lộ diện trên màn hình trước công chúng nữa. Giờ đây McCaleb không còn mang huy hiệu hay súng nữa. Ông nói, ngay cả một bộ sắc phục FBI chuẩn màu xanh lính thủy ông cũng chẳng còn giữ được.
Nay thì ông thường xuyên mặc quần jeans cũ màu xanh, áo phông sờn rách, và ta có thể thấy ông đang cặm cụi phục hồi con thuyền đánh cá dài hơn mét của mình, chiếc Biển Theo Ta. McCaleb, sinh quán ở Los Angeles và lớn lên ở Avalon trên đảo Catalina gần đó, hiện đang sống trên con thuyền tại một vũng neo thuyền ở San Pedro nhưng ông dự định sau này sẽ neo thuyền tại Bến Avalon.
Hiện đang phục hồi sau ca giải phẫu thay tim, McCaleb cho biết, tầm nã những tên giết người và hiếp dâm hàng loạt là điều xa xôi nhất trong tâm trí ông hiện giờ.
McCaleb, nay tuổi, nói ông đã dâng trái tim mình cho Cục - các bác sĩ cho biết tình trạng stress trầm trọng đã kích hoạt một con vi rút khiến cho trái tim từ cha sinh mẹ đẻ của ông bị suy yếu đến mức suýt nữa làm ông mất mạng - nhưng ông không hề hối tiếc.
“Một khi ta đã trải qua một điều như vậy, nó khiến ta thay đổi không chỉ về mặt thể chất,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước. “Nó khiến ta nhìn mọi việc từ một khoảng cách xa hơn. Những ngày làm ở FBI dường như là một thời nào đó xa lắm rồi. Nay tôi đã có khởi đầu mới. Tôi không biết chắc mình sẽ làm gì với khởi đầu mới này đây, nhưng tôi chẳng lo lắng cho lắm. Tôi sẽ tìm ra điều gì đó.”
McCaleb suýt nữa đã không có được sự khởi đầu mới. Bởi vì ông có nhóm máu hiếm, trăm người thì chưa tới một người có, nên để có trái tim thích hợp ông đã phải chờ gần hai năm.
“Thật sự là anh ấy chịu hết nổi rồi,” Bác sĩ Bonnie Fox, người đã giải phẫu thay tạng cho McCaleb, nói. “Nếu phải đợi lâu thêm nữa thì có khi chúng tôi đã mất anh ấy rồi, không thì anh ấy cũng đã đâm ra yếu quá không chịu nổi phẫu thuật nữa.”
Chỉ sau tám tuần McCaleb đã được ra viện và khỏe khoắn bình thường. Ông cho biết chỉ thỉnh thoảng ông mới nghĩ tới những cuộc điều tra khiến adrenaline tăng vọt vốn đã có một dạo cứ khiến ông bận tâm mãi.
Bản danh mục các vụ án mà cựu đặc vụ FBI này từng phá đọc lên nghe như danh sách những ngôi sao lừng tiếng nhưng là một kiểu lừng tiếng rùng rợn, hắc ám. Trong số các vụ mà ông từng điều tra ở Los Angeles có các vụ Kẻ rình đêm và Nhà thơ, rồi thì ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong các vụ săn lùng Sát thủ Mật mã, Tên Thắt cổ Đại lộ Hoàng hôn và Luther Hatch, tên Hatch này sau khi bị bắt liền được dân chúng biết tới dưới cái tên Người Nghĩa địa vì hắn vào trong nghĩa địa để viếng mồ các nạn nhân của hắn.
McCaleb từng là chuyên viên lập chân dung tội phạm tại trụ sở FBI tại Quantico trong vòng mấy năm. Ông chuyên trách các vụ ở vùng Bờ Tây và thường xuyên được cử đến Los Angeles hỗ trợ cảnh sát địa phương trong các cuộc điều tra. Cuối cùng, các cấp lãnh đạo của đơn vị quyết định lập ra một vị trí vệ tinh ở thành phố này, thế là McCaleb được quay về quê nhà Los Angeles để làm việc cho phòng tác chiến FBI tại Westwood. Nhờ sự thuyên chuyển này mà trong nhiều cuộc điều tra, nếu FBI được yêu cầu hỗ trợ thì McCaleb đã có mặt sẵn gần như tại chỗ.
Không phải cuộc điều tra nào cũng thành công và cuối cùng sức ép tâm lý cũng buộc McCaleb trả giá. Ông trúng một cơn đau tim giữa lúc đang làm việc đến khuya tại phòng tác chiến địa phương. Người phát hiện ra ông bị đau là nhân viên trực đêm, người này được ghi nhận là đã có công cứu mạng McCaleb. Bác sĩ xác định McCaleb bị chứng đau cơ tim thời kỳ muộn và ghi tên ông vào danh sách thay tim. Trong khi chờ đợi, ông bị Cục cho nghỉ việc vì bệnh.
Ông đổi máy nhắn tin của Cục để lấy máy nhắn tin của bệnh viện và vào ngày tháng Hai nó reo vang; đã có trái tim của một người hiến cùng nhóm máu. Sau sáu giờ phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, tim của người hiến đã đập trong lồng ngực McCaleb.
McCaleb không biết chắc mình sẽ làm gì với cuộc đời mình - trừ mỗi chuyện đi câu là ông biết chắc. Nhiều cựu đặc vụ và thanh tra cảnh sát đã ngỏ lời mời ông nhập hội với tư cách điều tra viên tư hoặc cố vấn cao cấp. Nhưng cho đến giờ ông chỉ tập trung vào việc phục hồi Biển Theo Ta, một con thuyền câu cá thể thao đã hai mươi năm tuổi mà ông thừa kế của cha. Con thuyền đã bị bỏ mặc cho xuống cấp suốt sáu năm trời nhưng giờ đây McCaleb có thể dành toàn bộ thời gian chăm sóc nó.
“Hiện thời tôi bằng lòng với việc chuyện gì cũng vậy, cứ thủng thẳng, tới đâu hay đó,” ông nói. “Tôi chẳng quá bận tâm về chuyện mai kia sẽ thế nào.”
Ông chẳng hối tiếc gì nhiều, nhưng cũng như mọi điều tra viên và ngư phủ về hưu, McCaleb than thở về những người đã ra đi mãi mãi.
“Tôi ước gì mình đã phá được tất cả các vụ án,” ông nói. “Tôi căm ghét những khi có ai đó ra đi mãi mãi. Đến giờ tôi vẫn vậy.”
McCaleb săm soi một hồi bức ảnh người ta dùng trong bài báo. Đó là ảnh chụp riêng phần đầu, đã được người ta sử dụng nhiều lần hồi trước, khi ông còn làm việc ở Cục. Mắt ông nhìn chăm chắm vào máy ảnh.
Khi Keisha Russell đến gặp để viết bài về ông, cô ta đi cùng với một tay nhiếp ảnh. Nhưng McCaleb không cho họ chụp ảnh mới. Ông bảo họ dùng một trong các ảnh cũ. Ông không muốn ai nhìn thấy bộ dạng ông lúc này.
Cũng chẳng phải ai nhìn cũng biết, chừng nào ông chưa cởi áo ra. Bây giờ ông nhẹ hơn chừng hơn chục kí lô, nhưng đó không phải cái ông muốn giấu. Mà là cặp mắt. Ông đã đánh mất cái nhìn đó - cặp mắt rắn đanh, xuyên thấu như hai viên đạn. Ông không muốn bất cứ ai biết ông đã đánh mất cái nhìn đó.
Ông gập bài báo lại để sang bên. Ông gõ gõ mấy ngón tay lên mặt bàn suốt vài giây trong khi nghiền ngẫm mọi chuyện, rồi nhìn cái đinh sắt dùng để ghim giấy ghi nhớ đặt cạnh máy điện thoại. Số điện thoại Graciela Rivers đưa cho ông được ghi nguệch ngoạc bằng bút chì nơi mẩu giấy nằm ở trên cùng xấp giấy ghi nhớ ghim xuyên qua cây đinh.
Hồi còn làm nhân viên FBI, ông thường mang trong mình một nguồn căm giận mênh mông không đáy đối với những kẻ mà ông săn đuổi. Ông là người đầu tiên chứng kiến những gì chúng đã làm và ông muốn chúng phải trả giá cho sự hiện thực hóa rùng rợn những điều hoang tưởng chúng nghĩ ra. Nợ máu phải trả bằng máu. Chính vì vậy mà ở đơn vị chống bọn giết người hàng loạt ở Cục, các đặc vụ gọi công việc của họ là “việc máu”. Chẳng còn cách nào khác khả dĩ mô tả nó. Thế nên mỗi khi có kẻ nào không trả nợ, ông luôn dằn vặt, luôn đau đớn. Mỗi lần có kẻ nào đó thoát thân trót lọt.
Những gì xảy ra với Gloria Rivers giờ đây khiến ông đau đớn. Ông còn sống bởi vì cô đã bị cái ác cướp đi. Graciela đã kể cho ông nghe chuyện đó. Gloria đã chết chẳng vì lý do nào khác ngoài lý do cô đang chắn đường giữa kẻ nào đó với một người thu ngân. Chết vì lý do đó thì thật đơn giản, thật ngu xuẩn và thật đáng sợ. Dù thế nào đi chăng nữa, nó khiến cho McCaleb mắc nợ. Với cô và đứa con cô, với Graciela, với chính mình.
Ông nhấc điện thoại lên, quay dãy số ghi nguệch ngoạc trên mảnh giấy. Đã khuya, nhưng ông không muốn đợi và cũng không cho rằng nàng ta muốn ông đợi. Nàng ta trả lời trong vòng một hơi thở chỉ sau một hồi chuông.
“Cô Rivers?”
“Vâng.”
“Terry McCaleb đây. Cô có ghé chỗ...”
“Vâng.”
“Gọi giờ này có muộn quá không?”
“Không.”
“Được, nghe đây, tôi muốn nói với cô là, ờ, tôi cứ nghĩ mãi về mọi chuyện và đã hứa với cô là sẽ gọi lại cho cô dù tôi quyết định thế nào.”
“Phải.”
Có âm sắc hy vọng dù chỉ trong một từ ấy của nàng. Nó làm tim ông rúng động.
“Ừ, thì tôi nghĩ thế này. Kỹ, ừm, kỹ năng của tôi, chắc là cô sẽ gọi thế, nó không thực sự phù hợp với loại tội phạm này. Từ những gì cô mô tả cho tôi về em gái cô, chúng ta đang nói tới một tình huống ngẫu nhiên có động cơ về tài chính. Một vụ cướp. Thành thử nó khác với, ừ, cô biết đấy, với những vụ thuộc loại như tôi từng làm hồi còn ở Cục, là những vụ giết hàng loạt ấy.”
“Tôi hiểu.”
Vẻ hy vọng kia tan biến.
“Không, tôi không nói là tôi sẽ... ờ, là tôi không quan tâm. Tôi gọi là vì ngày mai tôi sẽ đến chỗ cảnh sát để hỏi về vụ này. Nhưng...”
“Cám ơn.”
“... Tôi không biết tôi sẽ làm được đến đâu. Tôi muốn nói là nói thế. Tôi không muốn làm cô quá hy vọng, tôi muốn nói vậy. Những chuyện này... Tôi không biết.”
“Tôi hiểu. Cám ơn ông dù chỉ vì ông muốn làm việc này. Không ai...”
“Được rồi, tôi sẽ xem xét mọi chuyện,” ông nói, cắt lời nàng. Ông không muốn nàng cảm ơn ông quá nhiều. “Tôi không biết bên cảnh sát Los Angeles sẽ giúp tôi theo kiểu gì, nhưng tôi làm được gì thì sẽ làm. Ít nhất là tôi nợ em cô ngần đó. Phải cố thử xem.”
Nàng im lặng, và ông cho nàng biết ông cần thêm ít thông tin về em gái nàng cũng như tên của các thám tử bên cảnh sát Los Angeles phụ trách vụ này. Họ trò chuyện trong khoảng mười phút, và khi ông đã ghi toàn bộ thông tin mình cần vào một cuốn sổ nhỏ, một chút im lặng lúng túng diễn ra từ đầu này đến đầu kia đường dây điện thoại.
“Được rồi,” cuối cùng ông nói. “Chắc vậy đủ rồi. Tôi sẽ gọi cho cô nếu có câu hỏi nào khác hoặc nảy ra điều gì khác.”
“Cám ơn ông lần nữa.”
“Có gì đó bảo tôi rằng tôi phải cám ơn cô mới đúng. Tôi rất vui nếu như tôi làm được việc này. Tôi chỉ mong là có ích phần nào thôi.”
“Ồ, sẽ có ích chứ. Ông đã được trái tim của nó. Nó sẽ dẫn dắt ông.”
“Phải,” ông ngập ngừng nói, không thực sự hiểu ý nàng muốn nói gì hoặc tại sao ông lại tán đồng. “Khi được tôi sẽ gọi cho cô.”
Ông gác máy và nhìn chăm chăm vào cái điện thoại suốt mấy giây mà ngẫm nghĩ về câu nói cuối cùng của nàng. Rồi một lần nữa ông giở bài báo có ảnh chụp mình. Ông săm soi cặp mắt một hồi lâu.
Cuối cùng, ông gấp bài báo lại giấu dưới một số giấy tờ trên bàn. Ông tìm cô gái đeo niềng răng và sau một chốc liền gật gật đầu. Rồi ông tắt đèn.