PHẦN I: ĐÔNG
«Hồ Bằng phấn khởi tiếp lời Mạnh Xuyên Thanh, anh nói quan hệ giữa người với người ở Trung Quốc giống như chơi mạt chược, quá nhiều pha người nhìn người, người trông người, vợ chồng với nhau cũng không ngoại lệ. Mạnh Xuyên Thanh phá lên cười, hỏi Hồ Bằng: “Có phải anh bị vợ quản quá chặt?”. Hồ Bằng bảo không phải, mà là đáng thương cho một số người suốt ngày bị vợ nhìn ngó, những người này không còn được tự do, nên đi giày vò người khác, vậy là có quan bất nhân.”
Trong cơ quan, mọi người ít nhìn nhau bằng con mắt xung khắc, mâu thuẫn, nhưng không ai ngờ có nhiều người phản đối ông Mâu, Chánh văn phòng như vậy.
Là cấp dưới của ông Mâu, Hồ Bằng cũng không còn nói mập mờ như trước, anh thẳng thắn cảnh cáo ông sẽ gặp rắc rối với cấp trên: đừng làm mất lòng họ, họ đều là bạn mạt chược với nhau. Ông chỉ một mình, họ cả bọn.
Công tác thì không nghiêm túc, chơi mạt chược lại rất khí thế. Ông Mâu lòng không phục, miệng cũng muốn nói vài câu, nhưng cố nhịn, chỉ lắc đầu.
Cán bộ như ông Mâu chỉ dựa vào thực lực để leo lên, có thế mạnh tự điều trị vết thương, tự nâng cao năng lực. Đã được một bài học, ông cất cái máy kiểm tra thẻ ra vào để ở phòng thường trực, không đuổi đám đang vui vẻ chơi mạt chược trong phòng lưu trữ, đám người rỗi việc bình luận chuyện bài bạc, cũng không dám lén nói xấu họ đi muộn về sớm, bỏ bê công việc.
Không những vậy, ông còn đón ý những người chơi mạt chược, cố gắng để họ biết thật ra ông cũng thích mạt chược, chẳng qua cách thích không giống nhau mà thôi.
Nhưng trước cấp dưới Hồ Bằng, ông Mâu vẫn làm ra vẻ cứng rắn, quyết không thỏa hiệp. “Tôi đâu vì trượt có mỗi một lần bình bầu dân chủ mà phải từ bỏ nguyên tắc, nhập hội với họ. Tôi chỉ ngồi bàn về đạo lý, bàn về mạt chược mà không đánh mạt chược”.
Bình thường ông Mâu chỉ đọc những sách linh tinh, có hiểu biết về mạt chược. Ông ra sức cổ vũ cho văn hoá mạt chược, để mọi người hiểu mạt chược là tập đại thành của nhiều trò chơi thời cổ đại, có đôi có cặp, là sản phẩm kết hợp giữa xúc xắc, bài ngà Tuyên Hòa và bài giấy mã điêu, là văn hóa truyền thống, không phải là thứ rác rưởi, cặn bã. Sự thay đổi biểu hiện từ nhận thức tư tưởng đến hành động này của ông khiến ông trở nên thân cận với một số người, họ đều nói ông Mâu đã thay đổi. Có người còn tỏ ra nịnh bợ và tán dương ông, bảo hiểu biết về mạt chược của ông thật uyên thâm, có thể về Đài truyền hình trung ương để mở diễn đàn mạt chược, chắc chắn sẽ có rất nhiều người xem. Nên nhớ, ở Trung Quốc có biết bao nhiêu người chơi mạt chược.
Cậu Cư trong đám lái xe được ông Mâu để tâm chỉ bảo, đã kiếm được tiền trên bàn mạt chược một cách dễ dàng.
Tối hôm ấy cậu Cư thua đến đồng tiền cuối cùng, trong lúc nôn nóng đã văng tục, hỏi những người cùng chơi ai đã phát minh ra mạt chược?
Không ai biết. Cư lên giọng khinh miệt: “Là do Trần Ngư Môn, người Dũng Thượng, thời Hàm Phong, nhà Thanh, phát minh”.
Tiếp theo, cậu ta như tiêm nhiễm tiên khí của Trần Ngư Môn, bắt được quân bài đẹp, rất đắc ý, nói: “Dũng Thượng ở đâu, có ai biết không?” - Không ai biết. Cậu đẩy quân bài ù ra giữa bàn: “Dũng Thượng là Ninh Ba bây giờ. Đánh mạt chược mà không biết tổ tông mạt chược, thật kém tài”.
Người ngồi quanh bàn cùng chơi ai cũng tức. Cậu ta ù không lớn, thế mà lúc tính sổ mặt ai cũng tái xanh tái xám.
Từ đấy về sau Cư chơi bài hễ nhắc đến Trần Ngư Môn lại ù mấy ván lớn, lần nào thử cũng đúng như vậy. Trong hội chơi có người học cậu ta nhưng không linh nghiệm. Ông Mâu chỉ nói một câu làm mọi người nhận ra: “Mỗi người một khác, không ai giống ai”.
Câu nói rất có lý. Tô Sách của phòng tài vụ nói, mỗi lần cô ta bắt bài đều lẩm bẩm: “Mã điêu”, vậy là bắt được bài đẹp. Ông Mâu cười thầm: “Mã điêu, mã điêu là bài mã điêu, hình thù của nó dài dài. Đấy là “thái bổ” của cô”.
Mọi người cười ồ, vậy là đặt cho Tô Sách biệt hiệu “thái bổ”, cô ta không hiểu ra sao, nhờ ông Mâu giải thích “thái bổ” là gì?
Ông Mâu trả lời không rõ ràng: “Thái bổ là lấy dài bù ngắn, gia đình hài hòa”.
Lâu dần, mọi người không còn hứng thú với những điển cố mạt chược mà ông Mâu cứ nói đi nói lại, là bởi ông nói lý thuyết, một khi nói sang thực tế thì coi như không ổn. Mọi người không muốn biết những điều thường thức về mạt chược mà ông Mâu nói ra, ăn trứng không cần biết trứng của con gà nào, đánh mạt chược làm thế nào để ù mới là quan trọng. Lại có người chế giễu ông Mâu không biết đánh mạt chược, không phải cùng hội, chỉ khoe khoang, khoác lác mình hiểu biết hơn người.
Mọi người lại nghĩ đến Hồ Bằng, một người không đánh mạt chược nhưng tinh thông mạt chược. Lâu lắm anh ta không đến phòng lưu trữ tổng hợp. Nói một cách chính xác, từ ngày ông Mâu quản lý phòng lưu trữ Hồ Bằng không đến đấy nữa.
Mọi người rất thích nói chuyện mạt chược với Hồ Bằng, có người nói anh ta là “vua mạt chược”. Tại sao lại bảo Hồ Bằng là “vua mạt chược”? Anh ta đánh được nhiều tiền không? Không. Hồ Bằng tinh thông mạt chược đến độ mê mẩn, ngẩn ngơ.
Chỉ cần có người thuật lại ván bài cho Hồ Bằng nghe, anh nghe đến vòng hai là biết ngay từng nước đi của mỗi người, biết ai nắm trong tay quân nào mà không chịu ra, đang cần quân nào, định thắng thế nào. Lúc đầu mọi người cho rằng anh nói mò, về sau đúng là phải phục.
Cái hôm đám cưới Tô Sách, sau cuộc vui cỗ bàn, mọi người kéo nhau đi hát hoặc chơi mạt chược.
Những người đi hát nhanh chóng kết thành bè, vui vẻ kéo nhau đi; nhưng người đánh mạt chược vẫn đứng lố nhố ở cửa khách sạn. Đầu tiên những người chơi bài xếp thành hai bàn, sau đấy tìm địa điểm, tìm một nơi rộng rãi để có thể ồn ào một chút. Chị Hứa phòng nhân sự đề nghị đến nhà chị, không có nơi nào tốt hơn ở đấy, chồng chị là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp, ở một căn biệt thự có lối đi riêng biệt.
Hai bàn mạt chược được xếp đặt trong phòng khách tầng một và tầng hai nhà chị Hứa. Rất nhiều người, có người không kịp ngồi vào bàn, thừa ra. Hồ Bằng và Đổng, hai người này tỏ ra không mặn mà. Hồ Bằng bảo anh không đánh mạt chược bao giờ, Đổng cũng bảo không giỏi, thua một hào chóp mũi cũng đổ mồ hôi. Cả bọn đâu có khách khí, khiêm nhường với hai người, lập tức họ vào cuộc. Hồ Bằng và Đổng xem họ đánh được hai ván rồi đi sang phòng khách kế bên xem ti vi.
Đổng nhìn Hồ Bằng, hình như cũng đang không muốn xem phim truyền hình nhạt nhẽo, nhưng anh ta lại tỏ vẻ xem rất chăm chú. Hồ Bằng uể oải ngả người ra tựa sofa, thỉnh thoảng lại giải thích với Đổng về cuộc chiến mạt chược ngoài kia. Hồ Bằng giải thích làm ảnh hưởng Đổng đang xem ti vi, anh ta hơi bực mình, đứng dậy ra ngoài xem có đúng như Hồ Bằng nói hay không, nếu không đúng sẽ bảo anh ta im miệng.
Đổng đi vòng quanh bàn mạt chược, đúng như lời Hồ Bằng, ông Lý, Giám đốc sở đang thắng, trước mặt ông ta giấy bạc một trăm chồng cao. Quay lại, Đổng nói: “Bằng, tai cậu thính quá đấy, ngoài kia ai được ai thua cậu đều biết”. Hồ Bằng nói: “Đấy là tớ nghe bài, giống như người mù đánh cờ”. Đổng không tin, cho rằng Hồ Bằng uống quá chén nên ba hoa vậy thôi.
Truyền hình xem cũng bằng thừa, dù sao thì cũng không còn gì vui, Đổng rủ Hồ Bằng ra ngoài kia xem họ chơi mạt chược, để xem anh ta có thể nói mò nữa không. Hồ Bằng nói: “Tớ sẽ bảo trước với cậu ai thắng, hoặc ai xuất xung, nói không đúng coi như tớ thua, họ kết thúc ván bài mà tớ chưa nói cũng coi như thua”. Đổng nói, được, ra giá cược đi nào, mỗi ván năm chục đồng nhé. Hồ Bằng lắc đầu, xưa nay tớ không chơi cược tiền, ai thua phải uống một cốc vại nước. Đổng nhìn bình nước khoáng để ở góc tường, còn già nửa bình, dù sao thì không uống một mình, anh ta vỗ ngực: “Chúng ta cược, dù sao thì uống nước tớ không sợ cậu, chưa biết ai thắng ai”.
Vừa nói xong, Đổng nghe ngoài kia báo ù, anh ta ra thăm dò, kết quả là anh ta phải uống liên tục và phải chạy vào nhà vệ sinh. Những người đánh bài thấy anh ta cứ chạy đi chạy lại thật kì lạ: tay Đổng này bình thường vốn là con người đứng đắn, trong chiếu rượu cũng không uống nhiều, tại sao hôm nay lại lạ thường như vậy?
Chẳng mấy chốc, Đổng không uống nổi nữa, nếu còn tiếp tục đánh cuộc với Hồ Bằng thì bụng vỡ ra mất. Anh ra bàn mạt chược tố khổ: “Tôi thua thê thảm, uống hết nửa bình nước khoáng”. Những người chơi bài muốn biết anh đánh cuộc gì, nghe anh ta nói đánh cuộc ai được thua trên chiếu bạc, không ai có thể hình dung nổi. Có người vừa ù, bảo Đổng gọi Hồ Bằng ra, hỏi anh ta xem ai ù. Hồ Bằng nói ngay: “Ra tam tố, song hưởng, xuất lưỡng gia xung”.
Ai cũng thấy kì lạ, hai người cùng ù? Người ù nhìn những người cùng chơi, nghĩ bụng chắc chắn Hồ Bằng sai rồi. Một lúc sau có người cười: “Đúng vậy, tôi cũng ù, tam tố độc điêu”.
Hồ Bằng nói: “Tôi không nói khoác, không ai đẩy được tàu hỏa. Tôi ngồi trong kia nghe mọi người đánh bài, biết các người ở đây đánh quân nào. Không tin, tôi nói lại cho mọi người nghe”. Hồ Bằng nói lại ai đã đánh quân nào, anh còn nói với mọi người quân bài ấy cầm trên tay bao lâu, buộc phải đánh là bởi phải nghe bài, nghe vạn tự bài thanh nhất sắc.
“Trời đất ơi! Giỏi như vậy mà sao không thấy anh đánh?”. Có người hỏi Hồ Bằng.
Hồ Bằng nói: “Biết giết người không có nghĩa là sát thủ”. Người thua trong bàn mạt chược mượn cớ đứng dậy, nhường chỗ cho Hồ Bằng, nhưng anh nhất quyết không chơi.
Từ đấy tài năng của Hồ Bằng được mọi người lan truyền như điều thần bí kì diệu. Hồ Bằng không bằng lòng người khác tôn anh lên cao, anh giải thích vì uống rượu nhiều nên nói vu vơ vậy thôi. Anh còn dùng một sự thật để chứng minh, ấy là chưa bao giờ ngồi vào bàn mạt chược, cũng chưa bao giờ được của ai lấy một xu. Mọi người suy nghĩ, đúng vậy, chưa bao giờ thấy anh đánh bạc.
Từ đấy về sau không ai mời Hồ Bằng - một con người giỏi thuật chơi mạt chược cùng chơi mạt chược, đánh với anh ta liệu có kết quả gì không? Tuy chưa bao giờ thấy anh ta được của ai lấy một đồng, nhưng thủ đoạn thì cao cường, ai cũng phải nể sợ. Đánh mạt chược thông thường tìm những người kém một chút, ít mưu mẹo, liệu có ai tìm sói để chơi, như vậy coi như đem tiền đi cho.
Nhưng nhiều người đến tìm Hồ Bằng để thuật lại ván bài, nói cho anh ta nghe ván bài của mình đã đánh, thua hoặc được cũng muốn tìm đến anh để nghe phân tích lý lẽ, cái gọi là thua bài không thua lý, nghe cho biết.
Dạo này Hồ Bằng không đi làm, nhưng tai họa vẫn trút lên đầu anh.
Ông Thai, Giám đốc sở, gọi ông Mâu lên văn phòng. Ông Mâu vừa bước vào, thì nhìn thấy mặt Giám đốc đỏ tận mang tai. Ông Mâu nghĩ: chắc Giám đốc bị lãnh đạo cạo. Bình thường ông Thai không uống rượu, chỉ uống những lúc không thể từ chối, hễ nâng ly lên là uống cạn. Ông Mâu có cái nhìn sắc sảo, biết Giám đốc cần giải rượu, ông vội pha cho Giám đốc li trà Phổ Nhĩ mà ông thích. Rót nước trà đầu tiên ra, bưng li trà đặc đến trước mặt Giám đốc.
Ông Giám đốc khép cửa, hỏi ông Mâu gần đây Hồ Bằng làm gì, biểu hiện thế nào.
Ông Mâu hơi giật mình, nghĩ Giám đốc có chuyện gì với Hồ Bằng, có thể sắp đề bạt anh ta chăng, đấy là điều mà ông Mâu không muốn. Ông ấp úng trả lời: “Vẫn được, cậu ấy vẫn vậy, không thể bảo là tốt, cũng không thể nói là xấu”.
“Cũng được? Anh thật quan liêu. Anh không biết cậu ấy đang có chuyện nổi tiếng, rất nổi tiếng à? Cậu ấy đang chữa bệnh tình dục cho người ta, cái bệnh mà bệnh viện cũng bó tay. Có người nói tôi, cái anh Giám đốc Sở Đất đai - Tài nguyên đã đào tạo được một nhân tài, nên làm Giám đốc Sở Y tế mới đúng, khiến tôi ê cả mặt”.
Ông Mâu nói: “Không nghe nói. Cậu Bằng dám bỏ việc để đi làm cái chuyện ấy cơ à? Tôi sợ không đúng”. Ông mong không đúng, nếu đúng như thế, là người lãnh đạo như ông đứng trước Giám đốc cũng khó ăn nói.
“Đấy là làm ngoài giờ, chưa có kết quả. Không làm việc trong cơ quan, suốt ngày bỏ đi chơi, liệu không dính đến chuyện linh tinh được không?”. Ông Giám đốc nói rồi đưa ngón tay chỉ vào ông Mâu, hỏi giờ này Hồ Bằng đang ở đâu, có đến làm việc hay không? Ông Mâu nói, cậu ấy có đến, vừa rồi bảo cậu ấy đi mua văn phòng phẩm, có thể gần về rồi.
Ông Mâu xứng đáng là Chánh văn phòng, nói năng bao giờ cũng để đất lùi, ông không biết lúc này Hồ Bằng có ở cơ quan hay không.
Từ phòng Giám đốc về, quả nhiên không thấy Hồ Bằng. Hôm ấy Hồ Bằng ở ngoài có thể không làm chuyện vớ vẩn gì, một lúc sau anh ta về đến văn phòng. Ông Mâu nặng mặt với anh ta, nhưng anh ta vẫn tươi cười, vội đưa mời ông điếu thuốc lá ngon. Ông Mâu lạnh lùng: “Cậu đang bận gì ở đâu?”.
Hồ Bằng lấy làm lạ, vì xưa nay ông Mâu có hỏi những chuyện ấy đâu. Anh ta trả lời rất có ý, bảo buổi trưa ông Thương, Chánh văn phòng Ủy ban thành phố mời đi ăn cơm, ăn cùng mấy vị bí thư, chủ tịch ở xã lên, ăn xong còn chuyện trò, vì phải đi làm nên anh về trước.
Ông Mâu biết Thương là bạn học của Hồ Bằng vẫn hay tụ tập ăn nhậu, gặp những chuyện như vậy ông Mâu không đành nói gì, không nên làm mất lòng cánh trẻ, núi không chuyển động đã có nước chảy, biết đâu một ngày nào đó trong số họ có người được điều về làm lãnh đạo ở Sở quản lý đất đai tài nguyên này, làm Giám đốc không chừng.
Ông Mâu bảo Hồ Bằng phải có chí tiến thủ, phải học tập những bạn học có triển vọng, đừng có suốt ngày rong chơi.
Nói chung, ông Mâu không cần phê bình, trong văn phòng Hồ Bằng hay biểu diễn các trò kể chuyện, bình thư, ông là người nghe hoặc là làm ngơ. Anh kể cho ông nghe những chuyện li kì ngoài xã hội. Trong điện thoại của ông Mâu có nhiều mẩu chuyện vui là do anh gửi đến. Trong những trường hợp như hôm nay Hồ Bằng vội lảng sang chuyện khác, nếu cứ để như vậy sẽ làm ông ta khó chịu.
Hôm nay sẽ nói chuyện gì?
Anh ta lấy từ trong túi ra một gói trà nhỏ, đưa cho ông Mâu: “Anh pha trà, thưởng thức xem thế nào, đây là trà Phổ Nhĩ đưa tận Pakistan về, thứ trà tuyệt đỉnh”.
Ông Mâu thuộc lớp người sống ngay thật, xem ra chỉ thích uống trà ngon, nhất là trà Phổ Nhĩ. Ông Thai, Giám đốc thích uống trà Phổ Nhĩ là bị ảnh hưởng của ông Mâu, mà truy tận gốc chính là ảnh hưởng của Hồ Bằng. Hồ Bằng bảo, trà Phổ Nhĩ là thủy tổ của trà ngon, có hương có vị, người sành trà đều dùng trà Phổ Nhĩ.
Ông Mâu chớp chớp mắt, hỏi Hồ Bằng, trà Phổ Nhĩ tại sao lại ở Pakistan? Hồ Bằng nói dối có sách, anh ta bảo trà này cất giữ lâu rồi. Đã có lần anh ta nói chuyện này với ông, ông cho là thật. Anh ta bảo, trà này có thể từ con đường tơ lụa ngày xưa đưa trở lại. Nghe nói đây là thứ quí hiếm, hương vị uống trà cũng khác nhau. Ông thưởng thức trà không nói gì, mà cũng không nghĩ đến chuyện phê bình Hồ Bằng.
Hồ Bằng là con người thế này: sau giờ làm việc anh ta theo học một lớp đại học đêm, lấy được tấm bằng cơ bản ngành luật, làm thư kí ở văn phòng Giám đốc. Cái chức thư kí của anh không thuộc cán bộ trung cấp của sở, mà chỉ là nhân viên văn phòng hàng đầu mang danh trung cấp, đề bạt cũng không đến lượt, xem ra trong thời gian trước mắt vẫn chưa có dấu hiệu gì. Tình trạng này của Hồ Bằng là do ông Mâu, ông là người nắm chặt quyền lực trong tay, ông thà rằng ăn khổ, vất vả nhưng không để Hồ Bằng trong tay mình lên làm việc. Cái chức thư kí của Hồ Bằng không phải là thư kí viết lách, trước khi ông Mâu lên Chánh văn phòng, ông là thư kí viết lách, soạn thảo văn bản, được hưởng đãi ngộ cán bộ trung cấp, sau khi ông lên Chánh văn phòng, công việc đó không được bố trí nữa mà do ông kiêm nhiệm. Vậy, chức của Hồ Bằng là chức thư kí hành chính làm những chuyện linh tinh sự vụ, nhưng được cấp trên là ông Mâu bao biện tất cả, cho nên anh ta cũng chẳng có việc gì làm, suốt ngày nhàn tản.
Ông Mâu uống trà ngon mặt mày rạng rỡ hẳn lên, nhưng vẫn chưa quên chuyện Hồ Bằng khám và chữa bệnh đường tình dục cho người khác. Hồ Bằng không thừa nhận chuyện ấy, anh nói: “Em không phải là bác sĩ, cũng không phải là kẻ giang hồ lừa đảo, liệu có thể khám bệnh cho ai? Nhưng có chuyện giúp bạn đến bệnh viện mua những thứ thuốc mà người khác không mua được”.
Ông Mâu nghĩ cũng phải, ông chỉ dặn Hồ Bằng không nên lơ là công việc cơ quan, từ nay về sau cần phải đi làm nghiêm chỉnh, trong cơ quan có người phản ảnh chuyện của anh lên tận Giám đốc, bản thân ông không thể chịu đựng nổi. Hồ Bằng gật đầu vâng dạ lia lịa.
Ông Mâu biết Hồ Bằng đồng ý như vậy cũng chỉ được vài ba hôm, nên ông cũng không nói gì thêm. Một lúc sau, ông đưa trà đến phòng Giám đốc, nói theo cách của Hồ Bằng… “Dâng quà Ba Tư”.
Hồ Bằng không nói thật với ông Mâu, đúng là anh chữa bệnh tình dục cho người khác, việc này bị bè bạn phát hiện.
Hồ Bằng suốt ngày lặn lội ngoài xã hội, kết giao bạn bè tốt xấu lẫn lộn. Ca Vân Tài là vợ anh rất căm bọn người này, bảo đấy là bọn chó má. Hồ Bằng không cho là như vậy, anh bảo cần có bạn mà bạn thì không phân biệt thứ hạng sang hèn. Anh suốt ngày cứ quấn lấy bọn này, cảm thấy đấy là niềm vui trong cuộc sống, những lúc phải trực ở phòng làm việc quả là lúc đau khổ nhất.
Bọn người này thường tụ tập ở Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh tế - mâu dịch Thiên Địa Nhân. Giám đốc là Sư Hữu Ngư. Công ty này giống như một câu lạc bộ, từ sáng đến tối lấy chơi bời làm chính, họ nói với bên ngoài rằng làm ăn rất khá. Tưởng như bọn họ có một mô thức kinh doanh rất có ý nghĩa, mặc sức chơi, kiếm tiền rất nhẹ nhàng.
Khách thường xuyên đến đây có Trịnh Đại Trung một kẻ nhàn tản trong xã hội; Trình Văn Hòa, Trưởng phòng tín dụng ngân hàng và cả Mạnh Xuyên Thanh, Phó tổng biên tập một tờ báo. Ngày nào họ cũng đến đây gặp mặt, sáng không đến nhất định tối phải đến.
Ở ngân hàng, Trình Văn Hòa có thực quyền. Những người tìm đến làm việc với anh ta đều phải nhờ Sư Hữu Ngư dắt mối. Trình Văn Hòa và Sư Hữu Ngư như hình với bóng.
Qua Hữu Ngư, nhờ Văn Hòa giúp đỡ thể nào cũng được, nhưng phải chơi với anh ta vài ba ván mạt chược, nếu không, anh ta không có tâm trí nào nghe khách trình bày sự việc. Ngồi quanh bàn mạt chược Văn Hòa rất nghiêm túc nghe, trừ lúc anh ta thắng mới làm mất thì giờ của khách, anh ta sẽ lên tiếng: “Xin lỗi, tôi ù, làm gián đoạn câu chuyện của anh”.
Người muốn nhờ Hữu Ngư giúp đỡ chỉ có thể để anh ta thắng mạt chược mới vui vẻ, được anh ta đưa đến gặp Văn Hòa. Theo cách nói của Hữu Ngư, bài bạc là nhân phẩm. “Bạn của Hữu Ngư là bạn của Văn Hòa”. Văn Hòa xác nhận câu nói ấy.
“Nhật báo Tứ Phương” của Mạnh Xuyên Thanh là báo của Đảng bộ, là miệng lưỡi của chính quyền địa phương, trên dưới đều có quan hệ, có khó khăn cuối cùng phải tìm đến anh ta. Chơi bài với Xuyên Thanh rất an toàn, có lần đang chơi thì cảnh sát ập đến. Trưởng đồn cảnh sát thấy Xuyên Thanh, lập tức lui quân, xua tay để họ tiếp tục, cho nên trong bọn họ Xuyên Thanh có biệt hiệu “Mạnh Tiếp tục”.
Ở cơ quan Hồ Bằng không đánh mạt chược, nhưng ngoài xã hội, ở cái nơi suốt ngày anh ta được đón tiếp này cũng không đánh. Trong chuyện chơi bài anh là người cao không tới, thấp không màng, những đám chơi nhỏ cảm thấy không ý nghĩa, những đám chơi lớn sợ không dám chơi. Hai năm trước anh ta chơi mạt chược thua thê thảm, nợ đìa, giận một nỗi không chặt được tay mình. Bài học xương máu cho anh biết, chơi bài ngoài nghệ thuật ra còn phải có thủ thuật, thủ thuật không tài thì kiểu gì cũng không thắng nổi.
Lại nói đến Hữu Ngư, Văn Hòa cùng chơi mạt chược với người khác, Hồ Bằng không đủ tư cách tham gia. Hữu Ngư gọi những cuộc chơi có mục đích ấy và những kẻ chơi kia là đồ lợn, gặp những hôm như thế anh đều gọi đấy là “giết lợn”. Ở những cuộc chơi ấy Hồ Bằng là người chầu rìa, bị họ gọi là nghiêng ngó.
Những người trong chiếu bạc thế đang lên cứ hào phóng đưa mời thuốc lá người chầu rìa hoặc nghiêng ngó. Hút thuốc người khác mời cũng không đành lòng, Hồ Bằng tiếp trà, có lúc còn chạy đi mua thuốc hoặc mua thức ăn đêm cho người chơi. Anh sắm vai này đã lâu, dần dần biến thành nhân viên phục vụ của các bàn mạt chược. Làm cái việc này có tổn hại đến thân phận không? Có đôi chút. Nhưng hoạt động sau đấy lại vô cùng vui vẻ, người được tiền sẽ “mổ lợn”, uống rượu hát hò hoặc đi tắm hơi. Xuyên Thanh không tắm hơi với bọn họ, xem ra anh là con người biết quí trọng bản thân.
Đại Trung là người vạch đường chỉ lối cho Hồ Bằng, anh ta ba mươi lăm tuổi, làm thư kí nhưng không được thêm thắt gì, cũng không phải là cán bộ trung cấp của sở, một con người như vậy cũng khó khăn trên con đường làm quan. Chi bằng lợi dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên trong tay để kiếm tiền. Có tiền là có lẽ phải.
Hồ Bằng làm việc trong cơ quan nhà nước hơn chục năm, mọi ngõ ngách đều thông tường, chỉ cần giữ được chút thể diện mà vẫn kiếm được tiền. Một số đơn vị đến ngày lễ tết phân phát chút phúc lợi, Hồ Bằng tìm lãnh đạo các đơn vị ấy, với lý do nhiệm vụ của đơn vị bạn, không có cách nào anh phải giúp đỡ bạn bè. Bàn bạc xong xuôi, Đại Trung giúp anh ta chuẩn bị nguồn hàng, Hữu Ngư mượn danh nghĩa cơ quan cấp giấy tờ thuế má. Họ một mực nói giúp Hồ Bằng thoát nghèo làm giàu, Hồ Bằng lắm mưu, biết rõ nguồn cội, hàng không rẻ, thuế không thấp. Ba người liên doanh để một mình anh kiếm tiền, đấy là vấn đề mấu chốt, anh cũng vui vẻ nhận việc. Với lại, không phải chỉ một người kiếm tiền, phát tài mọi người cùng hưởng.
Ngày nào Đại Trung cũng đến công ty của Hữu Ngư để báo cáo, anh ta vừa rút khỏi vị trí Giám đốc của một siêu thị, người nhàn rỗi cũng có chỗ để đi, xúm vào chỗ vui vẻ đâu đó không phải là việc khó của người nhàn rỗi, hơn nữa còn có địa điểm khác để gặp những người đến tìm anh ta. Công ty của Hữu Ngư có phòng họp, có sofa, có nước trà, văn phòng có điện thoại, máy tính, có cả máy điều hòa không khí. Điều kiện khá tốt. Nếu muốn có bộ mặt sáng sủa phải thuê văn phòng như thế này, tiền thuê mỗi năm chừng bốn, năm chục nghìn. Dùng tiền người khác để làm việc của mình, đấy là tôn chỉ của Đại Trung.
Hữu Ngư là nhà doanh nghiệp nông dân, đi theo con đường “lấy nông thôn bao vây thành thị”, thời gian làm ăn buôn bán ở thành phố không lâu, có những sự việc không hiểu, anh phải thỉnh giáo người khác, nếu có người ở bên cạnh thì tiện. Đối với anh ta, Đại Trung hầu như không phải mất tiền thuê, mà cũng không phải là người bình thường, là cố vấn mưu lược đường lối. Có lần, Hữu Ngư suýt nữa thì gắn thêm chức phó tổng, cố vấn lên danh thiếp của Đại Trung. Ở Công ty Hữu Ngư còn có vài người chơi bời. Hồ Bằng là khách thường xuyên, cần anh phục vụ hậu cần. Trong vai trò ấy, được hay thua anh ta đều có phần. Đại Trung thường lấy Hồ Bằng ra nói, trên bàn mạt chược chỉ có người “nhìn bóng sau” mới là người được vĩnh viễn, các người cứ thử đánh suốt năm xem ăn được bao nhiêu ván?
Hồ Bằng sợ câu nói ấy của Đại Trung là nhằm vào mình, chẳng khác nào Đại Trung điểm trúng huyệt Hồ Bằng, cho nên Đại Trung bảo Hồ Bằng làm việc gì Hồ Bằng cũng làm theo. Chuyện Hồ Bằng chữa trị bệnh đường tình dục xảy ra ở Công ty của Hữu Ngư.
Hôm ấy Hồ Bằng đến công ty của Hữu Ngư muộn một chút, mãi tận hơn hai giờ chiều, Đại Trung tìm, ông Mâu bảo anh ta đi đâu rồi. Hồ Bằng hỏi Đại Trung phải chăng tối hôm qua được tiền, muốn mời đi vui vẻ.
Đại Trung giáo huấn Hồ Bằng: “Đừng nghĩ chỉ tiêu tiền của người khác, mà phải tiêu tiền của mình kiếm được”. Anh ta bảo có một việc hái ra tiền. Hồ Bằng nghe nói đến tiền lập tức sôi nổi hẳn lên, hỏi việc gì. Hữu Ngư ngồi bên cạnh cười tít cả mắt, nói: “Cậu không được nói cho ai biết, sẽ cho cậu tiền công và tiền bảo mật. Cậu đến bệnh viện tìm một người quen hoặc một người bạn để giúp giải quyết một việc không khó lắm. Có một ông bạn đũng quần có sâu, tức là rận mu, sẽ thưởng hai nghìn đồng cho ai tìm được thuốc chữa. Cậu tìm người quen nghĩ cách, thấy đấy, đúng là đại sự chứ gì?”.
Hồ Bằng thấy đấy không phải là việc to lớn, mà cũng không phải việc khó. Anh ta vỗ ngực, nhận ngay. Hình như Hữu Ngư vẫn chưa yên tâm, hỏi anh có chắc không, nếu không sẽ tìm người khác, tìm cách khác. Hồ Bằng bảo đi làm ngay, mọi người hãy đợi đấy!
Hồ Bằng có một bạn học làm bác sĩ khoa ngoại ở bệnh viện Nhân Dân thành phố, cũng khá nổi tiếng, mọi người đặt cho anh bác sĩ này cái tên “Tay dao”. Hồ Bằng tìm anh này, anh này nghe nói tỏ ra vui mừng, cười Hồ Bằng không cẩn thận, làm thế nào để dính cái của nợ ấy vào người. Hồ Bằng cuống lên, kéo anh bác sĩ vào nhà vệ sinh để kiểm chứng chuyện ấy không liên quan đến mình. “Tay dao” nói: “Thôi, thôi, bây giờ nhiều người bị cái phiền toái này lắm, coi như trúng thưởng. Khỏi bệnh không cần phong bao phong bì của cậu, cứ khao tớ một chầu rượu là được”.
“Tay dao” dẫn Hồ Bằng đến khoa tiết niệu, vừa đến cửa, anh ta sực nhớ không đúng, phải đến khoa da liễu. “Tay dao” gọi bác sĩ điều trị ra ngoài, nói với bác sĩ nội dung yêu cầu của Hồ Bằng, rằng có anh bạn của Hồ Bằng bị bệnh ấy, muốn tìm cách chữa. Hồ Bằng tiếp thu bài học vừa rồi, nói đi nói lại với bác sĩ về bệnh tình và ra sức thanh minh, người bị là lãnh đạo chứ không phải mình. Bác sĩ không hỏi những chuyện ấy, với lại do “Tay dao” đưa đến, rất khách khí, kê đơn đưa cho Hồ Bằng, bảo ra phòng dược lĩnh một lọ thuốc mỡ, về bảo người bệnh cạo sạch lông rồi bôi thuốc này lên.
Hồ Bằng từ bệnh viện về Công ty của Hữu Ngư, nói lại tình hình mà anh ta ở bệnh viện cho Hữu Ngư và Đại Trung nghe, lấy lọ thuốc ra đồng thời nhắc lại một lần nữa lời dặn của bác sĩ.
Đại Trung lắc đầu, nói: “Dùng cách này thì khỏi phải thưởng hai nghìn đồng. Cạo sạch lông, coi như phá hủy môi trường sinh thái. Mất đi cái rõ ràng nhất trên cơ thể, vợ trông thấy biết nói thế nào? Ấy là chỉ sợ phương pháp thông thường, muốn chữa khỏi bệnh mà không mất một sợi lông mới là cách chữa đặc hiệu”. Hữu Ngư cũng bảo không được: “Đang là mùa đông, nếu là mùa hè có thể cạo sạch lông, bảo để cho mát, hoặc nói ấy là hâm mộ mấy tay cạo trọc đầu hay cắt tóc kiểu đầu bằng, lúc này thì không thể tìm được lý do khiến người khác tin”.
Hồ Bằng cứ ngỡ lấy được thuốc tiền lập tức vào tay, nghe hai người kia nói thế mới biết thiên nga vẫn bay trên trời, vậy mà tưởng đấy là đĩa thức ăn. Anh ta cúi đầu tiu nghỉu đi tìm cách khác. Anh chạy đến mấy bệnh viện trong thành phố, đến cả những địa chỉ quảng cáo dán trên cột điện để hỏi, có rất nhiều loại thuốc nhưng biện pháp thì chỉ có một: cắt sạch cỏ.
Hồ Bằng chán nản, thấy không còn cách nào khác. Gặp lại Hữu Ngư và Đại Trung vào lúc họ đang đánh mạt chược, tham chiến có Văn Hòa, cùng với họ có ông Lâm, ông chủ kinh doanh vật liệu xây dựng. Đại Trung nhìn Hồ Bằng: “Hiệu suất làm việc không cao à? Tìm cách khác, không giải quyết nổi thì đừng về đây”.
Hồ Bằng nói: “Để tôi nghĩ, nhái nhảy ba nhảy cũng phải nghỉ ba hơi cơ mà. Tôi xem các anh chơi một vài ván bài”.
Văn Hòa đưa cho Hồ Bằng một điếu thuốc Trung Hoa. Văn Hòa đánh bài mà tâm thần bất định, tay cứ luôn để xuống đũng quần gãi gãi. Đại Trung cười Văn Hòa muốn thắng nhưng cứ làm động tác sờ sờ. Văn Hòa cau mày, Đại Trung không nói gì nữa. Hút hết điếu thuốc thứ hai của Văn Hòa đưa, Hồ Bằng định đi.
Anh không biết phải đi đâu, chân bị chuột rút, anh định không nhận khoản tiền thưởng kia nữa. Hồ Bằng đoán có thể Văn Hòa bị rận mu nên mới múa tay trong bị. Bình thường, Văn Hòa hay tỏ vẻ trước mặt anh, thích sai bảo việc này việc nọ nhưng lại ít biểu thị. Ngân hàng của Văn Hòa thế nào? Hồ Bằng lẩm bẩm: Tôi không đến vay tiền của anh, không bám đít anh, có điều anh là bạn của Hữu Ngư nên tôi không muốn đắc tội với anh.
Hồ Bằng nghĩ, rận mu đúng là loài sinh vật có hại, chui vào đũng quần Văn Hòa lại còn bắt mình chạy đôn chạy đáo. Nghĩ đến sinh vật có hại lại nhớ có lần truyền hình phát một bài hát quảng cáo, Hồ Bằng phấn khởi hát: “Tôi là con trùng có hại, tôi là con trùng có hại, Lai Phúc Linh chính nghĩa…”.
Bỗng Hồ Bằng nghĩ ra một kế, anh gọi điện nói với Hữu Ngư, đã mua được một phương thuốc bí truyền, người ta đòi giá hai nghìn năm trăm đồng. Hữu Ngư trả lời, không cần biết bao nhiêu tiền, chỉ cần giải quyết được vấn đề.
Hồ Bằng vào siêu thị mua một lọ thuốc diệt côn trùng hiệu Rada, miệng lẩm nhẩm đọc: “Điều trị một lúc ngựa chết thành ngựa sống, rất hiệu nghiệm”. Anh lại đến cửa hàng ngũ kim mua một chiếc bình phun sơn, phun chai thuốc sát trùng thành màu vàng, thay hình đổi dạng, mất tất cả hai mươi tám đồng.
Buổi tối Hữu Ngư gọi điện cho Hồ Bằng, “Rận chết hết, có điều có mùi dầu ma-dút, tắm nửa ngày vẫn không hết mùi”. Hồ Bằng cười thầm, bảo anh ta bôi rượu trắng vào đấy, rồi dùng xà phòng cọ sạch. Hữu Ngư còn hỏi, đấy là phương thuốc gì, tại sao hiệu nghiệm đến vậy?
Hồ Bằng nói: “Đừng hỏi nhiều, mua được lọ thuốc ấy tôi mất đứt hai nghìn rưởi. Dùng thừa đừng vứt đi, nhập khẩu chính hãng đấy”. Hữu Ngư cười nói, vậy là cậu có đường làm ăn, phải tuyên truyền rộng rãi cho mọi người biết.
Hồ Bằng có phần không yên tâm, sợ điều trị hiệu quả không đạt, anh không biết thuốc diệt trùng này có tận giết được rận mu hay không. Nếu Văn Hòa cho rằng đã khỏi, về ngủ với vợ không chút kiêng kị, truyền rận sang cho vợ thì thế nào? Nếu như vậy Văn Hòa và Hữu Ngư sẽ oán mình lắm.
Vợ Văn Hòa tên là Dương Oánh Oánh, cánh Hữu Ngư gọi là chị Hai Oánh. Hồ Bằng đã có lần gặp chị Hai, rất ấn tượng, người chị đãy đà, có đôi mắt đẹp, phong thái trang nhã. Vợ Hồ Bằng là Vân Tài cũng quen biết chị Hai, đã từng chơi mạt chược với nhau. Nói đến vợ chồng vinh hoa phú quí, chị thường đưa vợ chồng Văn Hòa ra làm ví dụ, tỏ ra vô cùng hâm mộ: “Người ta cũng là đàn bà, cũng làm vợ, tại sao tốt số đến thế, có phúc phận đến thế? Người ta cũng là đàn ông, cũng làm chồng, tại sao ân cần chiều chuộng vợ đến thế?”
Những lời lẽ sắc nhọn như dao Hồ Bằng nghe không còn cảm giác, những lúc rỗi rãi Vân Tài lại lầu bầu khiến anh không để đâu cho hết khổ. Anh cảm thấy mình là người có văn hóa, không biết nói: “Chồng người ta tốt cô đi với người ta”. Những người đàn ông yếu thế thường nói với vợ như vậy. Hoặc cùng lắm cũng chỉ một câu: “Cô lúc nào cũng chỉ biết mạt chược”.
Nhắc đến mạt chược, Vân Tài không nói gì, đấy là chỗ yếu của chị, chị rất thích chơi mạt chược.
Hồ Bằng thường nằm mơ, trong mơ anh thấy Vân Tài mím miệng rồi không mở ra nổi, sợ cuồng lên. Anh cảm thấy nếu thật như vậy thì hay tuyệt, cho dù Vân Tài mọc thêm đôi mắt đẹp giống mắt chị Hai. Mắt đẹp không nhìn người đàn ông nào khác, nhìn chồng chắc chắn chồng được hưởng. Hồ Bằng có ấn tượng sâu sắc đối với chị Hai, chị là người phụ nữ mà Hồ Bằng muốn nhìn và nghĩ vẩn vơ. Văn Hòa bị bệnh, anh chữa liều, chỉ sợ chữa không triệt để, nếu vậy thì phiền toái. Cháy thành vạ lây, anh không muốn chị Hai vì mình mà thành người mang bệnh.
Hôm ấy, đã mười một giờ đêm, Vân Tài chơi xong mạt chược về nhà, đứng ở cửa lớn tiếng chào mấy người bạn cùng chơi. Chị mở cửa buồng thì thấy Hồ Bằng nằm trên giường xem ti vi, chị rất vui, vẫy vẫy cái ví tiền trong tay: “Hôm nay đại thắng! Một gấp ba”. Hồ Bằng không dễ tin lời vợ, bảo vợ mở ví tiền cho anh xem. Vân Tài ngồi phịch xuống giường, tấm thân không nặng không nhẹ nhún nhẩy trên cái đệm lò xo, mở ví tiền, quả nhiên bên trong có mấy tờ bạc lớn.
Hồ Bằng “hừm” một tiếng tỏ ra không đáng, nói mấy đồng bạc này Vân Tài có ghi tên lên đấy thì cũng không phải của chị ta, biết đâu vài hôm nữa thua lớn hơn. Anh bảo vợ, lúc nào thua cũng nên nói cho anh biết.
Có lúc Vân Tài thua đau, về nhà mặt nặng mày nhẹ bảo không thua cũng không được, người bị hại lại là mẹ và thằng Hâm con anh, trong lịch sử đã có lúc mười ngày liền ăn bí xanh và rau. Hồ Bằng suốt ngày mài đũng quần ở đâu đó, mẹ anh không lo chuyện gia đình, mọi thứ mắm muối củi lửa đều do Vân Tài phụ trách. Lần ấy mẹ anh không chịu nổi, đến ngày thứ mười bà bảo với con trai: “Tôi ăn rau không sao, nhưng cháu tôi không biết nói, là đứa câm, mặt xanh nanh vàng ra đấy”. Ngay trước mặt mẹ, Hồ Bằng cho vợ một cái tát, qui định cho chị từ nay về sau ngày nào đi chợ cũng phải ghi sổ. Vân Tài ghi sâu mối thù mẹ chồng, sau đấy hai người đòi li dị. Chị nói với mọi người, quan hệ tình cảm giữa chị và Hồ Bằng bị rạn nứt là bởi mẹ chồng, chị còn nói trên đời này đâu có bà mẹ chồng như vậy, phá hoại quan hệ con trai, nàng dâu.
Hồ Bằng kể với vợ chuyện Văn Hòa bị cái bệnh kia, Vân Tài nghe rồi nói: “Tốt, cái bệnh bẩn thỉu ấy truyền cho cái con Oánh kia, tốt lắm!”. Thấy vợ múa tay trong bị Hồ Bằng không muốn nói tiếp, chỉ muốn cảnh cáo chị không nên nói cho ai biết chuyện này. Chị đã ngủ, có tiếng ngáy khe khẽ.
Mỗi lần chơi mạt chược về Vân Tài đều rất mệt, Hồ Bằng muốn làm chuyện chăn gối cứ phải cưỡng ép. Anh mạnh tay, chị có lúc chống cự. Chống cự cũng phải làm, những lúc Hồ Bằng nổi xung, anh nói: “Tôi trấn áp cô cái đồ phản cách mạng!”.
Cưỡng bức đạt được mục đích rồi, Vân Tài hỏi anh: “Anh cảm thấy như vậy có ý nghĩa gì không?”. Hồ Bằng không trả lời, chỉ gục đầu ngủ.