P - Chương
Đã lâu, từ khi chú Thuận đến Tổng nha, Luân và Dung không nhận được chỉ thị của cấp trên. Những bản tin, bài bình luận của cả hai Đài Tiếng nói Việt Nam và Giải phóng không đủ giúp hai người hình dung đầy đủ chiến lược và sách lược mới của cách mạng trong điều kiện Mỹ can thiệp sẵn và trực tiếp vào Nam Việt chỉ còn tính theo đơn vị tháng. Ngoài ra, đôi việc riêng cần xin ý kiến lãnh đạo vì nó vượt quá trách nhiệm hai người, tỉ như... “đề nghị” của John Hing - họ hiểu là của bộ phận chỉ huy cao nhất của ngành tình báo Mỹ.
Một buổi sáng đầu tháng bảy, điện thoại thuộc hộ công cộng nhà Luận bị tạp âm, Dung toan gọi Bưu điện, thì một người thợ lù lù đến cổng với đủ đồ nghề. Quân cảnh báo và Dung cho vào. Lúc đó Luân sửa soạn đi làm.
Người thợ sửa điện thoại, khi trật chiếc nón bảo hộ lao động ra, Luân và Dung mừng rỡ: Sa.
- Em mang chỉ thị của A., nhưng chỉ thị miệng, em nói lại... Để cho tiện, anh cứ đi làm... em nói với chị...
Luân nhìn quanh, không có ai, vụt ôm ghì Sa, hai người rơm rớm nước mắt. Dung cũng không kiềm nổi xúc động.
Luân đi rồi, Sa vừa tháo máy vừa nói:
- Chị nghe cho kĩ... Ở ngoài đã biết vụ cháu Lý bị bắt cóc, biết cả điều kiện của John Hing. Các chú khen anh chị đối phó giỏi. Nhưng, thế nào anh chị cũng sẽ gặp hắn...
- Đây là nước cờ mới, quan trọng. Tốt nhất là chị gặp, còn anh thì không. Hắn cần một trong hai người thôi. Mà ta cũng chỉ cần một người đứng ra cam kết là đủ...
- Cam kết? – Dung ngắt lời Sa.
- Em không thể nói rõ hơn, bởi em chỉ học thuộc lòng chỉ thị... Chị nghe tiếp: Hắn đòi hỏi gì cũng suy tính mà trả lời, sao cho có lợi, kể cả nhận nhiệm vụ tình báo của chúng, nhưng không được hạ thấp động cơ, tức là không thể vì tiền mà vì quan điểm, như từ trước tới nay anh chị đã tỏ rõ. Chắc chắn hắn yên tâm hơn với chị mà vẫn còn e ngại anh. Đây là một bẫy rập nguy hiểm, anh chị nên hết sức tỉnh táo. Chúng có một số tài liệu về anh và sẽ khai thác, đó là những những nhận xét của Ngô Đình Nhu, Mai Hữu Xuân, Nguyễn Văn Y mà chúng lấy được và của chính cơ quan tình báo Mỹ. Ngay việc anh quan hệ tốt với một số nhà báo Mỹ có xu hướng độc lập như Robert Shaplen, Helen Fanfani cũng làm cho chúng lo ngại. Anh Luân bận tâm trước sự can thiệp sâu của Mỹ vào Việt Nam, đó là bận tâm chính đáng. Lãnh đạo cũng bận tâm như vậy. Song, không thể gạt bỏ sự can thiệp sâu của Mỹ, chỉ có thể làm nó diễn ra chậm, khó khăn, nhất là trên một cái nền càng bấp bênh càng tốt. Anh Luân cố gắng quan hệ kín đáo với một số tướng tá có thực quyền đồng thời tự giới thiệu như một nhà chính trị cởi mở, thông minh, biết đưa chủ nghĩa quốc gia đến thắng lợi bằng lối riêng thỏa mãn được mọi xu hướng. Đại Việt sẽ hoạt động mạnh song họ vấp nhiều trở ngại vì quá khứ riêng không lành mạnh, thiếu lực lượng bên dưới, không được các nhóm sĩ quan thích. Trước bọn Mỹ và các phe nhóm, thái độ chính trị của anh và chị không nhất thiết giống nhau. Chị nên lưu ý Mỹ vì khả năng chuyên môn, một cảnh sát chuyên nghiệp... Khi có biến động lớn, lãnh đạo sẽ trực tiếp gặp anh chị. Đó, tất cả những cái lãnh đạo dặn, em đảm bảo không bỏ sót điều nào...
Dung chăm chú nghe. Sa nói đều, tay không ngừng thao tác các mối dây của chiếc máy nói.
- Sau vụ bắt cóc, cháu Lý khỏe không hả chị?
- Cháu bị ốm mất mấy hôm, nay đã bình thường... Anh chị mong thần kinh cháu không bị tổn thương.
- Tụi nó hay làm trò khốn nạn!
- Làm sao các đồng chí biết rõ mọi chi tiết vừa rồi của chúng tôi?
Sa hấp hay mắt:
- Em đoán: ở đâu cũng có người của ta...
Cậu quay thử máy về tổng đài. Máy hoạt động bình thường.
- Em phải đi. Chưa biết lúc nào lại đến. Anh chị không cần gởi báo cáo, không cần hộp thơ, điện đài... Thời kì mới, phương pháp làm việc mới. Ngay anh Quyến cũng được chỉ thị không liên lạc với anh chị...
Dung thở dài, Sa ái ngại:
- Chị yên tâm... Và cậu nhắc câu vừa nói: Ở đâu cũng có người của ta.
Sa thu xếp đồ nghề vào túi.
- Bà chú ý đừng để dây bị ẩm... - Cậu ta nói lớn.
Dung trao cho Sa một xấp tiền, cậu nhận:
- Cám ơn bà!
- Đây cũng là bẫy rập nguy hiểm! – Luân lập lại lời dặn dò của lãnh đạo mà suy nghĩ mông lung.
- Em đoán: Tình báo Mỹ khi cần, hé ra cho các thế lực khác biết anh hay em, nhất là anh, quan hệ với họ để mượn tay các thế lực khác thanh toán ta. Quả là một bẫy rập nguy hiểm!
Luân rít dài hơi thuốc. Suy luận của Dung đúng quá.
- Em sẽ gặp John Hing...
Luân gật đầu. Muốn hay không, canh bạc đến hồi đòi tay chơi dấn sâu vào cơn sát phạt, dù phiêu lưu thế nào.
... John Hing tiếp Thùy Dung trong một biệt thự đường Công Lý.
Gian phòng khách thoáng, trưng bày theo lối mới: Salon nệm mousse, tủ rượu và kệ sách nhập từ Pháp. Tất nhiên, Dung biết chắc máy ghi hình và ghi âm đặt rất kín đáo đâu đó, John Hing cần những bằng chứng... Và Thùy Dung, trong chiếc xắc tay, máy ghi âm cực nhỏ cũng sẽ chạy khi cô chạm đến nó.
- Bà có thể dùng một chút rượu không?
- Cám ơn, tôi không dùng được rượu.
- Vậy, bà dùng nước ngọt?
- Cám ơn, ta nên đi vào câu chuyện. Tôi đến không để uống.
John Hing cười:
- Nếu vậy, chúng ta bắt đầu, và là người biết chủ động...
- Các ông bắt cóc con tôi và ra giá cho chúng tôi. Tôi thích sòng phẳng. Con tôi về nhà an toàn. Tôi đến để nghe điều kiện của các ông...
- Đúng, chúng tôi đã bắt cóc con bà... Thế, tại sao bà không dùng sức mạnh của bộ máy cảnh sát để giải thoát mà lại nhận đến gặp chúng tôi, nhất là con bà đã tự do?
- Nhà tôi đã hứa. Nhà tôi nói với ông: Hãy dẹp trò ngu xuẩn và hãy cư xử với nhau như người lớn...
John Hing cười ra vẻ sảng khoái.
- Chỉ vì một lời hứa?
Rồi y lẩm bẩm:
- Trò ngu xuẩn? Chớ vội kết luận...
- Tất nhiên, đó là trò ngu xuẩn và phần tôi, tôi muốn biết các ông định đẩy trò chơi tới đâu?
- Không phải trò chơi! – John Hing làm mặt ngiêm – Chúng ta thảo luận công việc đàng hoàng...
- Tôi đang nghe ông...
John Hing ngắm Dung. Trong một thoáng, y đã tiếc không chấp nhận mưu mẹo của Ly Kai – mưu mẹo hạ cấp thật, song trước mắt y là một thiếu phụ đẹp, quá đẹp...
- Bà đẹp, tôi phải nói điều đó...
Dung mỉm cười:
- Tôi tin là ông mời tôi đến không để nó những câu vô ích!
John trở lại tư thế vốn có của y...
- Một lời khen bình thường, không có gì quá đáng sẽ mở đầu cuộc trao đổi nghiêm chỉnh... Bà có quan hệ với Việt Cộng?
John Hing chờ một thay đổi nhỏ trên nét mặt của Thùy Dung; y thất vọng.
- Tôi muốn hiểu ông hỏi câu đó theo nghĩa nào?
- Ví dụ, bà liên lạc và nhận chỉ thị của họ...
- Tại sao tôi phải nhận chỉ thị của Việt Cộng? Ông John Hing, ông đã mở đầu cuộc trao đổi theo lối đánh bạc mà giới chuyên nghiệp gọi là “thấu cáy.” Tôi mong ông giữ lời hứa: ta nói chuyện nghiêm chỉnh.
- Bà do Cộng sản Bắc Việt phái vào... Tất nhiên, bà giữ liên lạc với họ...
Dung bật dậy, cầm xắc tay:
- Ta coi như chấm dứt ở đây. Tôi lầm vì ngỡ ông hiểu biết ít nhiều về tôi, về chúng tôi... Hóa ra...
John Hing bối rối:
- Xin lỗi bà... Mời bà ngồi xuống... Bà xem những lời vừa rồi của tôi chỉ là đùa...
- Đùa, chúng ta đùa? Ông John Hing, ông bất lịch sự lắm. Địa bàn hoạt động của ông gần khắp các lục địa. Thế mà... - Dung dằn mạnh từng tiếng.
- Bà hãy ngồi xuống... Thú thật tôi đánh giá bà sai...
Dung ngồi xuống, nhưng cho thấy cô sẵn sàng bước ra khỏi nhà ngay tức khắc nếu John Hing không đi vào cốt lõi buổi gặp mặt.
- Vẫn câu hỏi đó, tôi đặt mục tiêu khác: bà có người trong hàng ngũ Việt Cộng không?
- Một câu hỏi còn mang đôi ý nghĩa. – Dung cười lạt – Tất nhiên, tôi phải nắm phương tiện làm việc. Ông quên tôi là nhân viên giữ trách nhiệm không thấp ở Tổng Nha cảnh sát quốc gia?
- Bà có bằng lòng chia sẻ với tôi hai điều: một là bà giúp tôi kinh nghiệm tổ chức xây dựng mạng lưới trong Việt Cộng; hai là bà sao cho tôi những tin tức từ nguồn của bà...
Dung làm ra vẻ suy nghĩ.
- Tôi không bao giờ keo kiệt... - John Hing hiểu phút do dự của Dung theo hướng khác.
- Đó lại thêm một bằng chứng ông chưa phải là người lớn... Tôi không bao giờ bán các tin mật cho ông...
- Tôi không thiếu tin mật đâu! – John Hing lại cười – Tôi chỉ cần tin mật của bà.
- Ông nên nói chính xác: ông cần tin tức do tôi cung cấp, còn độ mật chỉ là cái cớ...
- Thưa bà, bà quá thông minh... Nhưng, tại sao bà từ chối hợp tác với chúng tôi?
- Có lẽ bây giờ ông mới nói một câu thật. Tôi biết ông là ai... Và, tôi sẽ quyết định hợp tác hay không với các ông, với cơ quan của ông, khi chúng ta sòng phẳng về điều kiện...
- Thế thì, chẳng hạn Việt Cộng có thể mua vũ khí của chúng tôi không?
Dung hơi chới với. Cô chưa dự kiến John Hing đặt vấn đề kiểu đó.
- Tôi nghĩ là Việt Cộng có nguồn vũ khí riêng... - Cô hoãn binh, để nắm rõ ý đồ của đối phương.
- Tôi biết... Francisci là một nguồn...
- Francisci chỉ cung cấp cho các toán Fulro không thể đảm bảo ột đạo quân...
- Tôi biết Trung Cộng chuyên chở vũ khí của Nga Xô qua cảng Sihanoukville...
- Mọi người đều biết...
- Nhưng, chúng tôi có thể cung cấp nhiều hơn về số lượng, nơi giao hàng cũng tiện...
- Chẳng hôm nay ông biến tôi thành lái súng?
- Bà Thùy Dung, bà quên rằng cuối cùng rồi ai quyết định vận mệnh của Nam Việt...
- Tôi chưa thể hứa... Tuy nhiên, tôi sẽ dọ qua người của tôi...
- Tốt!
- Thế là chúng ta đã bàn xong?
- Tạm thời... Bà nên nhớ những gì bà trao đổi với tôi hôm nay đã được lập biên bản.
- Biên bản bằng máy ghi âm và thu hình... Tôi hiểu!
- Cái cần hiểu hơn cà là chúng ta thỏa thuận và chỉ chúng ta biết các điều thỏa thuận đó... Tôi chờ kết quả của bà. Tôi đảm bảo: chừng nào bà không vi phạm sự thỏa thuận thì không ai đụng đến bà... đến gia đình bà...
- Quyền lực của các ông ghê gớm đến thế? – Dung hỏi mỉa mai.
- Tôi nghĩ là bà hỏi một câu mà chính bà đã biết rõ. Ngay Tổng thống Kennedy, bà hiểu chứ, vẫn phải phục tùng, theo kiểu của ông ấy, ở Dallas.
Dung vận dụng tài đóng kịch: cô tỏ ra phần nào nao núng qua cái nhìn rụt rè người tiễn cô ra cửa.
- Bà hấp dẫn hơn bà Saroyan!
John Hing chìa tay nhưng Dung không bắt, cô lên xe chẳng đáp lại cái vẫy chào của John Hing. Cô mở công tắc, toan ấn ga thì John Hing đã thò đầu vào xe. Dung nghĩ liền phải đánh vỡ mặt tên này...
- Bà đừng nóng. – John Hing đoán được ý nghĩ của Dung. - Tôi quên không nhắn ông: Đại tá nên hành động theo lời khuyên của bà thôi!
- Và, ông sẽ cung cấp cho tôi lời khuyên đó! - Dung cho xe nổ.
- Bà cực kì thông minh... Đúng vậy. Chúng tôi cần đại tá!
John Hing vừa kịp rút đầu ra khỏi xe, chiếc xe của Dung vọt ra khỏi cổng...
Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara tuyên bố công khai trước báo chí là Mỹ rất có thể mở rộng “một kiểu chiến tranh thích hợp” ra Bắc Việt. Trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo ngày -- sau chuyến thị sát Nam Việt trở về, Mac Namara giải thích rằng “nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn ở Nam Việt là do sự thâm nhập của Bắc Việt.” Một nhà báo vặn lại: tình trạng bất ổn ở Nam Việt bắt đầu từ vụ Phật giáo dẫn đến cái chết của Ngô Đình Diệm, rồi cuộc chỉnh lí của Nguyễn Khánh, cách đánh giá nguyên nhân tình hình Nam Việt của Bộ trưởng thiếu thuyết phục. Mac Namara nổi cáu: Các nhà báo Mỹ có thiên hướng nghi ngờ Chính phủ, nếu Bắc Việt không thâm nhập thì sao trong một thời gian ngắn quân Việt Cộng lên đến hàng vạn; không ngăn ngừa trước nguy cơ này thì không bao giờ Nam Việt ổn định... Một nhà báo khác bác bỏ lập trường của Bộ trưởng: sẽ càng thêm nhiều Việt Cộng hơn nếu Mỹ dính líu sâu vào Nam Việt là nơi mà tinh thần quốc gia phát triển mạnh; bài toán đặt ở khía cạnh khác – khía cạnh Nam Việt có một Chính phủ được lòng dân. Đến đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần như điên tiết: tôi rất lạ là Bắc Việt Cộng sản thâm nhập cả vào hàng ngũ kí giả trên nước Mỹ! Người ta cười ồ, bộ trưởng đỏ mặt có thể vì câu nói hớ của mình cũng có thể vì quang cảnh họp báo không mấy thuận lợi đối với bước ngoặt của chính sách Mỹ ở Nam Việt làm ông ta có nhiệm vụ sửa soạn dư luận. Một nhà báo khác đặt câu hỏi: Mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt nghĩa là như thế nào? Mac Namara lảng tránh: Tôi sẽ thông báo khi tình hình cho phép; mọi cái do Tổng thống quyết định. Một nhà báo khác nữa hỏi: Theo Hiến pháp, những hành động như tuyên chiến với một quốc gia, Tổng thống phải trình cho Quốc hội, hiện nay, Quốc hội đang nghỉ hè, liệu Tổng thống Johnson dám tự mình quyết định không? Mac Namara trả lời: Tôi không phải là Tổng thống nên không thể nói gì hơn...