Ván Bài Lật Ngửa

chương 03

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

P - Chương

Dung ngồi vào bàn làm việc. Trước mặt cô một chồng hồ sơ cần xem xét, liên quan đến các kiến nghị bổ nhậm nhân viên cảnh sát và công an từ cấp quận trở lên. Sau đảo chính, theo như những người dưới quyền Dung cho biết, hồ sơ tăng đột ngột - gấp hai, ba mươi lần do sự xáo trộn cả hệ thống cảnh sát; số bị sa thải quá đông. Nếu không có sự khuyến cáo của Đại sứ quán Mỹ và phái đoàn cố vấn cảnh sát Mỹ, con số còn lớn hơn nhiều. Người Mỹ bảo: trừ ai bị dân chúng căm ghét đến mức mà nếu có mặt sẽ gây phẫn nộ, thậm chí biểu tình chống đối và sẽ bị Việt Cộng lợi dụng, những người đơn thuần thừa hành lệnh của cấp trên thì nên thận trọng, tốt nhất cứ giữ lại vì họ giàu kinh nghiệm, riêng số nhân viên không thuyên chuyển để cho công việc giữ được liên tục.

Phòng làm việc của Dung tách khỏi phòng Tổng Giám đốc, đặt trong ngôi nhà hai tầng quét vôi vàng nhạt nằm giữa chu vi rộng lớn của Tổng nha. Giám đốc Nha, một đại tá lớn tuổi, nguyên chủ sự của ngành cảnh sát thời Pháp, ít nói và đúng là một công chức mẫn cán. Nhưng, trọn tuần nay ông đang phải vào bệnh viện Grall, nghe đâu sẽ phải chịu một ca mổ thận. Tất cả giấy tờ đè lên đầu Dung, phó giám đốc.

Bên ngoài, vào buổi sáng thường lặng gió. Tán cây điệp che rợp nửa bên ngôi nhà và Dung, vào mùa điệp rộ, có thể qua cửa sổ với tay lấy một cành hoa cắm vào bình đặt trên bàn. Nhưng tháng này đã hết mùa điệp. Cô thiếu úy làm nhiệm vụ thư kí – cô làm việc ở tầng dưới - mỗi sáng đều cắm hoa cho Dung. Hoa hồng, hoa huệ... trong vườn ngay thềm Nha công vụ.

Dung vuốt nhẹ mấy cành hoa. Chồng hồ sơ vẫn chưa mở ra. Cô không thích công việc này dù nó giúp cô nắm khá kĩ các nhân viên cảnh sát công an từ tương đối quan trọng đến quan trọng khắp Nam Việt. Dung nghĩ cách khai thác khả năng Nha công vụ có lợi nhất. Chỉ nắm danh sách và phân loại nhân viên cảnh sát công an – cô vừa làm khi nhận nhiệm vụ mới – thì quả là phí.

Miên man với suy tính kế hoạch sắp tới, Dung chợt xuýt xoa, một gai hồng đâm vào tay cô. Thế đấy! Dung cười mỉm, ngay chơi hoa cũng có thể đổ máu...

Chuông điện thoại reo, Dung nhấc máy.

- Trình thiếu tá, ngoài cổng có một xe thuộc Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô do một đại úy cảnh sát hướng dẫn, đưa một đại tá làm việc với Nha...

Cô thư kí báo cáo.

- Tôi không hẹn!... – Dung trả lời.

- Thưa thiếu tá, hôm qua họ xin gặp đại tá giám đốc. Em trả lời: Đại tá đi vắng, họ bảo gặp thiếu tá. Em đã ghi vào giấy đính trong hồ sơ...

Dung chưa mở cặp hồ sơ.

- Thôi được. Nhưng đại tá tên gì?

- Xin thiếu tá chờ em một phút, em hỏi đội cảnh vệ.

“Đại tá ở biệt khu thủ đô gặp mình làm gì?” – Dung nghĩ.

- Alô, trình thiếu tá. Đại tá bảo chỉ xưng tên khi gặp thiếu tá.

Dung cau mày. Chuyện chi? Có dính đến Trung tướng Mai Hữu Xuân, đô trưởng không? Giấu tên để làm gì?

- Trình thiếu tá, Nha cảnh sát Đô thành giới thiệu đại tá sang... Xin cho biết thiếu tá sẽ tiếp ở đâu...?

- Mời vào phòng khách...

- Vâng!

Dung toan gác máy, cô thư kí nói thêm:

- Thưa, người của Nha cảnh sát có được vào không ạ?

- Ông ta là ai?

- Xin thiếu tá chờ một phút nữa...

Dung ngó ra ngoài. Tàn cây điệp xanh rờn và cô xem đồng hồ: giờ này anh ấy đang đọc báo, còn bé Lý vào mẫu giáo, hẳn đang bi bô với bạn. Dung gửi Lý vào một trường mẫu giáo đường Phan Đình Phùng, do các bà sơ dạy, dành cho con cái những hạng giàu và viên chức, sĩ quan cao cấp. Luân băn khoăn và Dung cũng băn khoăn nhưng phải đợi Lý lớn một chút nữa mới đưa đến trường khác, vả lại, bây giờ như vậy cũng có lợi – Luân là tín đồ đạo Thiên Chúa, bằng một chi tiết nhỏ sẽ giảm bớt bao nhiêu nghi kị.

- Alô! Trình thiếu tá, người của Nha cảnh sát Đô thành là Đại úy Lê Ngân...

Dung kịp nuốt tiếng reo:

- Mời đại úy vào cùng với đại tá... Và, tôi sẽ tiếp khách ngay phòng làm việc của tôi...!

- Vâng!

Chiếc Peugeout màu xám tro đỗ trước cửa sân. Dung nhìn rõ Quyến và một người - gầy gầy, râu mép, đeo kính đen và ngậm pipe. Chưa biết là ai, tuy dáng đi hình như rất quen...

Cô thiếu úy hướng dẫn khách. Dung nghe bước chân của họ. Ối chà, gặp Lê Ngân, hay lắm... Chắc chưa tiện nói điều gì nhưng có thể hẹn. Cậu ta đi học ở Philippines về từ bao giờ? Đã thăng cấp đại úy rồi...

Tiếng gõ cửa, Dung nói vọng ra:

- Mời vào!

Lê Ngân, đẫy đà hẳn, chập gót chân chào:

- Tôi, Đại úy Lê Ngân ở Nha cảnh sát Đô thành có mặt...

Dung chào đáp lễ, mắt của cô và mắt của Lê Ngân hơi nhấp nháy

- Xin giới thiệu, – Lê Ngân quay sang viên đại tá – Đây là Thiếu tá Hoàng Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Nha công vụ thuộc Tổng Nha cảnh sát quốc gia... – Viên đại tá khẽ gật đầu.

- Còn đây, đại tá ở Bộ tư lệnh biệt khu!

Dung chập gót chân chào cấp trên. Viên đại tá khẽ cười, chìa tay. Dung bắt tay đại tá và bỗng muốn lảo đảo. Đại tá siết tay cô hơi mạnh như nhắc cô phải làm chủ tình cảm. Thật ra, Dung cảm thấy tay đại tá cũng hơi rung.

- Mời đại tá và đại úy ngồi!

- Em mang cái gì uống... – Dung bảo cô thiếu úy, cố gắng hết mức giữ giọng bình thản.

Cô thiếu úy mang trà và cả bia hộp.

- Tôi bàn một số công việc riêng với thiếu tá... Đại úy có thể ra ngoài một lúc - Đại tá bảo Quyến.

Quyến uống xong lon bia đứng lên. Cô thiếu úy cứ liếc cậu tá liên hồi.

- Thiếu úy đưa tôi ra ngoài... Nếu có cà phê thì rất hoan nghênh.

Quyến dịu dàng ngó cô thiếu úy, một cô gái khá xinh, mắt tròn và đen nhánh, môi trái tim. Cô gái bỗng lúng túng...

-Mời, mời... có, có... – cô lắp bắp.

Dung nói đùa:

- Đại úy trẻ quá, nếu chưa lập gia đình hoặc chưa có người yêu, tôi giới thiệu cô Hằng cho!

Cô thiếu úy mặt đỏ bừng, chạy ra khỏi phòng.

Quyến chào Dung và đại tá, lững thững bước theo. Hành lang vắng ngắt, cô thiếu úy biến mất. Anh đang ngơ ngác thì Hằng - Thiếu úy Dương Thị Bích Hằng - từ tầng dưới mang cà phê lên. Cô còn phải tạt vào phòng làm việc soi gương, sửa lại mái tóc và tất nhiên, tô lại một tí son...

- Chúng ta ngồi đây... Được không? - Quyến chỉ vào góc hành lang, có đặt hai chiếc ghế tựa và chiếc bàn con, ngay giữa cầu thang, chỗ phân chia phòng giám đốc và phó giám đốc Nha; phòng giám đốc cửa đóng kín.

Hằng bày phin cà phê, phích nước, hộp đường. Hai người ngồi và Quyến bắt đầu gợi chuyện

... Dung khóa trái cửa và toan lao vào lòng đại tá. Đại tá đưa tay ra hiệu và Dung hiểu. Cô lắc đầu: không có máy nghe lén. Đại tá ngó qua cửa sổ. Tàn điệp che kín, người bên dưới hoặc các ngôi nhà chung quanh không tài nào nhìn thấy - khả năng quan sát hoặc chụp hình trộm đều không thể có.

Bấy giờ đại tá mới mở vòng tay. Dung sà vào lòng đại tá, nước mắt ròng ròng:

- Chú! Trời ơi, chú... con không ngờ...

Đại tá gỡ kính đen, mắt ông cũng ươn ướt. Ông ngồi yên một lúc, xoa nhẹ tóc Dung. Thế là trọn chín năm, ông - Đại tá Hoàng Đình Thuận, Cục trưởng Cục phản gián thuộc Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mới gặp lại đứa cháu ruột và cũng là đứa học trò do ông dìu dắt vào ngành an ninh từ khi Dung còn là học sinh trung học.

Một phút, hai phút...

- Thôi, con nhé! Con đi lau mặt... Chúng ta không có nhiều thì giờ lắm.

Ông Thuận âu yếm khẽ bảo Dung.

- Bố con đã về hưu. Khỏe. Mỗi ngày tập thể dục đều. Nhớ con lắm xong yên tâm nhờ bác sĩ Soạn thỉnh thoảng gửi tin qua Nam Vang, có khi qua Paris. Bố con biết con đã lập gia đình và sinh cháu Lý. Bố chỉ biết chồng con là một kĩ sư, còn các thứ khác đều không biết rõ. Tất nhiên, bố con hiểu ngầm vợ chồng con đang làm việc cho đất nước. Đó là điều mà anh ấy tìm được chút an ủi lúc tuổi già. Nhà vẫn chỗ cũ nhưng vì nhà rộng nên bố chỉ ở hai phòng trên gác - đặc biệt vẫn giữ phòng con nguyên vẹn...

Ông Thuận thông báo vắn tắt tình hình cha Dung, khi Dung đã lau sạch nước mắt.

Ông ngắm cháu, một thoáng tự hào lóe lên mắt. Nó đã trưởng thành, thậm chí, rất giỏi giang.

Dung cũng ngắm chú, tóc chú bạc gần trắng. Gương mặt thì như xưa nhưng da hơi đen, nhất là bộ râu – Dung nhớ chú không nhiều râu. Rồi, Dung hiểu ngay, chú hóa trang... Dung ngó lên trần nhà. Những lời của chú gợi cho Dung nỗi xót xa người cha tội nghiệp đang sống một mình và hẳn mỗi ngày ngồi hàng giờ trong phòng ngày xưa của Dung, nhìn sách vở, đồ vật của Dung để lại...

- Công việc của vợ chồng con, chú trực tiếp theo dõi, lại thường đọc báo cáo của anh Sáu Đăng, A. quan tâm các con... – Ông Thuận kéo Dung trở về thực tại.

- Chú hơi tiếc là không gặp được “Kị sĩ.” ... Nhất là không gặp cháu Lý

Dung lấy trong ví mấy tấm ảnh, trao cho chú.

- “Kị sĩ” thì chú không lạ. Báo chí đăng hình của anh ta khá nhiều... còn Lý... – Ông đeo kính trắng để ngắm cho rõ - Giống ông ngoại quá!

Ông Thuận trả lại xấp ảnh cho Dung:

- Chú muốn giữ ảnh của cháu Lý gửi cho bố con, song không được...

- Chú lập gia đình chưa?

Ông Thuận cười héo hắt:

- Từng tuổi này lập gia đình làm chi hả con?

Dung không dám đi sâu hơn vào tâm tình của chú. Chú của Dung là hạng người chỉ yêu một lần và khi dở dang thì sống với hình ảnh cũ đến trọn đời. Dung càng không hỏi chú có đến nhà bác sĩ Soạn không...

- Chú dặn con: Đừng nói gì với cô chú Soạn về chú!

Ông Thuận như đoán ra, đã ngăn Dung. “Trước đây, chú vào Nam, ở nhà bác sĩ Soạn, nhưng có lẽ lần này chú nhận công tác tuyệt mật nên không thể đến thăm người bạn thân.”

Dung lại ngắm bộ quân phục và quân hàm của ông Thuận. Cô sung sướng thật sự. Mạng lưới của ta bủa vây khá vững. Một đại tá quân khu thủ đô lại là chú Thuận!

- Chú chỉ đóng vai đại tá, Đại tá Lê Văn Hưng hôm nay thôi... Có một Đại tá Lê Văn Hưng thật song hiện nay ông ta vắng mặt, ông về quê vợ ở miền Trung. Chú cung cấp vài chi tiết để khi cần đối phó con biết liệu đường. Lê Văn Hưng là người của CIA, chú được tin giám đốc Nha công vụ nằm bệnh viện nên mới hẹn đến đây. Giám đốc quen đại tá Hưng, quen nhưng không thân.

Ông Thuận dừng một giây, chợt cười:

- Đóng vai đại tá lúc này rất tiện. Nhiều đại tá đến nỗi không còn ai nhớ mặt, nhớ tên...

- Ta bắt đầu con nhé! Con nhớ nghe cho kĩ... – Ông Thuận nghiêm mặt và Dung hiểu đã đến lúc vào việc chung.

- Cùng vào với chú có chị ruột của thiếu tướng Lâm. Thiếu tướng Lâm không phải là cơ sở cách mạng nhưng gia đình lại tham gia cách mạng, cha và chị tập kết... Nghĩa là “Kị sĩ” có thể tác động thiếu tướng Lâm, miễn khéo léo, không được lộ thân phận.

- Còn tướng Đức? – Dung hỏi chen.

- Ông ta bất mãn... Khai thác khía cạnh đó thì được... Nhưng ông ta uống rượu nhiều, thần kinh không ổn định, nên thận trọng.

- Các ông Tôn, Trí?

- Phức tạp. Họ thuộc nhiều phe nhóm, có người chịu ảnh hưởng của Đảng Đại Việt, có người do CIA nắm... Tuy nhiên cứ lợi dụng mâu thuẫn. Chú biết “Kị sĩ” sốt ruột.

- Anh ấy dự kiến kế hoạch “dứt điểm!”

- Chú biết... và do đó, chú phải gặp con. Chú không thể gặp “Kị sĩ.” Trách nhiệm và nguyên tắc bí mật không cho phép. Tình hình hiện nay thuận lợi cho cách mạng, song thuận lợi ở mức gây rối làm cho kẻ thù suy yếu chứ chưa có khả năng “dứt điểm” nhất là “dứt điểm” bằng lực lượng quân sự do “Kị sĩ” nắm hoặc ảnh hưởng, kể cả lực lượng của tướng Đức ở vùng IV. “Dứt điểm” trước hết phải hiệp đồng cho được lực lượng khởi nghĩa của binh sĩ với phong trào quần chúng thật mạnh, đồng thời cả hai phải hiệp đồng với quân Giải phóng. Con thấy đấy, lực lượng binh lính khởi nghĩa còn mỏng, chủ yếu mới có một số đơn vị bộ binh. Quân binh chủng khác còn trong tay bọn xấu, như pháo, thiết giáp, không quân, thủy quân, quân tổng trù bị như dù, thủy quân lục chiến... Cố vấn Mỹ lại nắm các đơn vị khá chặt. Ở vùng III và biệt khu thủ đô, gần như ta chưa có gì đáng kể. Về phong trào chính trị, mới chuyển hóa bước đầu, thế lực phản động còn khống chế Phật giáo và trường học, tay chân của Trần Quốc Bửu vẫn sử dụng công đoàn theo mục đích của chúng. Chủ lực của cách mạng miền Nam – chú muốn nói quân Giải phóng và quần chúng nông thôn do ta kiểm soát - đang xây dựng từng bước, phải nói là “quốc sách Ấp chiến lược” gây khó khăn lớn cho ta, nay nhân thời cơ Sài Gòn hỗn loạn, ta bắt đầu phá nhưng không thể một ngày, một buổi là xong. Quân Giải phóng chưa tập trung phổ biến đến mức trung đoàn, trang bị còn yếu, thiếu nhiều binh chủng hỗ trợ nên chưa thể có cú đấm quyết định. “Kị sĩ” và kể cả “Mimosa” nữa, – Ông Thuận cười độ lượng - Cần hiểu tất cả những cái đó. Trung ương Cục chỉ đạo các nơi “chớp thời cơ” cụ thể là phá Ấp chiến lược. Không thể đặt yêu cầu cao hơn. Một cuộc nổi dậy đơn thuần quân sự, nhất là của vài đơn vị bộ binh, khó “dứt điểm” vì quân Giải phóng không thể phối hợp với quy mô lớn, nhân dân thành thị chưa sẵn sàng đứng lên. Các con cần nhớ: việc bỏ Diệm gây một mức ảo tưởng trong quần chúng - Mỹ đã thành công về phương diện đó. Chúng “xả xú páp an toàn” đánh lạc hướng quần chúng. Chỉ mới mươi ngày thôi, nhiều người vẫn còn cho đảo chính là cách mạng. Tất nhiên, bộ mặt thật của Mỹ và tay sai sẽ sớm bộc lộ, ngay với những người ít nhiều ý thức dân tộc trong các tướng lĩnh... Nhưng phải có thời gian, “Kị sĩ” cần nắm vững phương châm lâu dài... Chừng nào Mỹ chưa chịu thua thì chừng ấy ta chưa thể dứt điểm. Mỹ vẫn cho rằng chúng có nhiều chủ bài, kể cả đưa một khối lượng thực binh nào đó tham chiến...

Dung tập trung trí óc để ghi nhớ lời của chú Thuận. Tiếng gõ cửa gián đoạn câu chuyện, thiếu úy Bích Hằng vào phòng, trình cho Dung một mảnh giấy đánh máy. Cô chào và ra, hơi vội vã.

“Quyến đã ‘tiến bộ’ trong lần giao thiệp đầu tiên này!” – Dung nghĩ thầm, cô có vẻ vui nữa. Bích Hằng trước làm ở văn phòng tổng Nha, trực tiếp với Dung khi còn đeo hàm thượng sĩ. Hằng cũng là dân di cư, cũng học luật, tính tình điềm đạm. Hồi Trần Vĩnh Đắt còn làm Tổng Giám đốc, nhiều lần hắn gạ Hằng làm vợ bé, Hằng chẳng những cự tuyệt mà còn mắng gã. Có lần Đắt toan làm hỗn, Hằng thẳng tay tát gã và xin nghỉ việc. Chính Dung đã khuyên Hằng tiếp tục ở Tổng nha. Cô rất nghiêm, thế mà vừa gặp Quyến đã xao xuyến. Quyến lấy được Hằng cũng hay nhưng không biết cậu ta đã có vợ con chưa?

Mảnh giấy của phòng hóa nghiệm – hai chai sâm banh chứa chất độc xyanua, không chết người ngay vì lượng nhẹ nhưng uống vào sẽ chết vài ngày sau do dạ dày và gan bị hủy hoại.

Dung báo cáo sự việc và kết quả xét nghiệm cho chú Thuận. Chú ngồi khá lâu, trán xếp nhiều nếp nhăn.

- Đây là một âm mưu của một cánh nào đó, có thể là bọn ganh tị với “Kị sĩ” trong các tướng lãnh, có thể của một cánh CIA. Nó xác nhận dự đoán của A.: Mỹ vẫn còn cân nhắc vai trò của “Kị sĩ.” Theo chú, đây không phải là “đèn xanh” của CIA, càng không phải của Ngũ Giác Đài và cánh tình báo quân sự.

- Con sẽ cố làm rõ bằng con đường nào két sâm banh đến nhà con...

- Chú không phản đối. Song, không phải con mà Jones Stepp đang làm việc đó. Nhất định Saroyan đã thuật cho Jones nghe và tướng Harkins nổi cáu. Với Harkins, việc giết anh em Diệm là quá lắm rồi... Con cứ làm nhưng đừng ầm ĩ. Thậm chí đừng cho bất kì ai biết sự việc. Cứ tỏ ra bàng quan. Tại sao các con lại không thể chưa đụng đến những chai sâm banh ấy? Cứ để cho kẻ thù hi vọng...

Dung gật đầu đồng tình.

- A. chỉ thị cho “Kị sĩ” chú ý các thế lực thân Pháp.

- Thưa chú, Tướng Mai Hữu Xuân thù nhà con.

Ông Thuận đưa tay ngăn Dung:

- Mai Hữu Xuân là người của Phòng Nhì. Ông ta thi hành công việc theo quán tính. Nhưng không bao lâu nữa tình thế sẽ thay đổi, ông rất có thể trở nên đồng minh của “Kị sĩ” - tiếc rằng, lúc ấy ông không còn quyền lực... Chính sách của Pháp thay đổi lớn. Chú biết con vẫn đặt ông Xuân trong tầm cảnh giới, song đã đến lúc ông ta hết còn nguy hiểm với “Kị sĩ” dù ông ta là Trung tướng Đô trưởng Sài Gòn.

Dung lại gật đầu đồng tình.

- Tướng Harkins sắp rời chức vụ. Tướng Westmoreland thay. Nghĩa là Mỹ dứt khoát tăng thực binh ở Nam Việt. Và Cabot Lodge sau khi thực hiện nhiệm vụ triệt hạ Diệm sẽ nhường chỗ cho tướng Taylor.

- Nhà con quen Taylor...

- Chú biết, Taylor có quan điểm gần giống với “Kị sĩ,” thậm chí, muốn “Kị sĩ” giữ cương vị cao để chứng minh học thuyết của ông ta...

- Về tướng Big Minh?

Ông Thuận nhún vai:

- Một con người đang âm ỉ trong lòng nhiều mối tranh chấp. Ông ta không phải xấu theo nghĩa đơn thuần cá nhân. Ông ta chống Cộng nhưng không cuồng tín và tự thấy không có lí do xác đáng, một tín đồ đạo Phật, nhiều họ hàng tham gia cách mạng, kể cả em ruột...

- Người em ruột, thiếu tá Nhựt, con có nghe, đã về Nam chưa?

Mặt ông Thuận bỗng khắc khổ hẳn:

- Tại sao con tò mò như vậy?

Và ông vụt cười nhẹ:

- Chính chú chưa thành thục lắm trong nghề, thái độ cáu ghắt của chú gần như một lời xác nhận... Từ nay, con cứ lo việc của con!

Dung thè lưỡi và im thin thít

- Chú nói tiếp: Ông Big Minh được nhiều người quý mến, do cá tính. Người Mỹ không ưa ông, sở dĩ chọn ông đứng đầu cuộc đảo chính là vì cần danh nghĩa của ông hơn là cần sự năng nổ. Ông sống kiểu một “Mạnh Thường Quân” khổ nỗi, thời Chiến quốc cách chúng ta hơn ba nghìn năm. Ông lại cả tin, tốt bụng, những thứ cần ột người cha, người anh trong gia đình mà đôi khi không cần, nếu không nói là nguy hiểm ột lãnh tụ. Mỹ thừa biết ông ta không thích Mỹ.

- Có lần tướng Taylor nhận xét với nhà con rằng ông ta quan tâm đến quần vợt hơn mọi thứ! – Dung bây giờ mới dám nói xen.

- Và phong lan nữa...

Tiếng gõ cửa, thiếu úy Hằng báo cáo:

- Tổng Giám đốc vừa thông báo: sắp có cuộc biểu tình của giới Thiên Chúa giáo di cư...

- Tổng giám đốc chỉ thị thêm điều chi không?

- Thưa, chỉ nhắc các Nha chú ý!

- Được... Có gì em cho chị biết nhé!

Hằng, như lần trước, lộ hẳn vẻ mừng rỡ khi Dung không hỏi han thêm chi tiết.

- Em tiếp đại úy Ngân thật chu đáo nghe!

Hằng “vâng” và đôi má chợt ửng đỏ. Cô đi ra, nhẹ nhàng khép cửa.

- Tướng Big Minh không phải là nhà chính trị. - Ông Thuận tiếp – Mà Mỹ cần một nhà chính trị... Cuộc chọn lựa đang tiến hành, danh sách có cả “Kị sĩ.” Sớm muộn rồi ông Minh cũng rời chiếc ghế tượng trưng.

- Xin phép chú nói rõ hơn: Ai thay tướng Minh?

Ông Thuận cười nụ:

- Chú không phải thầy bói! Nhưng, con lưu ý tướng Khánh. Tướng Khánh cũng chỉ có thể là trái độn...

- Đỗ Mậu thế nào?

- Mỹ không dùng Đại Việt đến mức cao đâu. – Ông Thuận lắc đầu – Theo ý riêng của chú, hoặc “Kị sĩ” hoặc tướng Thiệu...

- Thiệu cũng dính dáng với Đại Việt!

- Mỹ thừa biết Thiệu Đại Việt mấy phần trăm... Mỹ cần một con bài ổn định các xung khắc hiện nay. Con bài đó na ná như Diệm: Thiên Chúa giáo hơi hám Cần lao. Mỹ xúi Phật giáo đồng thời muốn kìm hãm Phật giáo. Con nên lưu ý điều này: Mỹ chia làm năm ba phe. Cánh Ngũ Giác Đài khác cánh Bộ Ngoại giao và sau cùng, chính phố Wall quyết định tất cả. Ở đây có một đại diện quyền lực của phố Wall – gã Dương Tái Hưng hoặc John Hing.

- Nhà con thường nhắc gã này...

- “Kị sĩ” phải tỏ ra là một nhà quân sự giỏi, một nhà chính trị sắc sảo... Chú hoan nghênh thái độ “trung thành với lí tưởng Cần lao” của “Kị sĩ” thân Mỹ trong chừng mực đó...

Dung thuật lại lời của Saroyan và cách đối xử của Luân

- Thế là tốt... Chú tin “Kị sĩ” biết lúc nào cứng, lúc nào mềm.

- Nhà con đang suy nghĩ về một phương án dự hội nghị quân sự sắp tới...

- Hay lắm!

- Nhưng nhà con nằng nặc đòi Mỹ phải nhận sai lầm trong cái chết của Diệm – Nhu...

- Càng tốt... “Kị sĩ” nên can thiệp về trường hợp Ngô Đình Cẩn. Can thiệp công khai. Vụ “Vòng hoa trước mộ” là một nước cờ cao...

- Nhà con thực sự xúc động về cái chết của ông Diệm, ông Nhu...

- Đúng, kết hợp tự nhiên được giữa lí trí và tình cảm là bản lĩnh. Nhưng, không phải Mỹ ngu xuẩn đâu. Khá nhiều dấu hỏi được đánh trên các hành động rải rác của “Kị sĩ.” Làm sao không có kẻ cộng các sự việc rời rạc ấy để tìm cái ẩn giấu bên trong của “Kị sĩ?”

Dung chợt rùng mình. Ông Thuận không làm giảm bớt nỗi lo âu của Dung

- Đây là một ván bài, như người ta thường nói, mọi con bài đều lật ngửa... Không thể đảm bảo mọi điều an toàn tuyệt đối. Cuộc đấu trí rất khắc nghiệt. Chú không sao dự kiến hết mọi sự. Con ở bên cạnh “Kị sĩ,” số phận hai người đã là một, con phải đủ tỉnh táo. Chú sợ nhất là “Kị sĩ” nôn nóng!

- Anh ấy lo quân Mỹ đổ bộ lên Nam Việt...

- Một nỗi lo cao cả. Rất đáng lo. Song hấp tấp hành động không làm cho nguy cơ ấy giảm... Chú khâm phục tầm nhìn và tấm lòng của “kị sĩ.” A. chỉ thị: hễ thấy tình hình xấu thì “Kị sĩ” và “Mimosa” phải vào khu an toàn ngay. Cấp trên dự kiến sẽ bố trí một tổ bảo vệ, thư kí và cả người lái xe cho “Kị sĩ.” Sẽ có danh sách, họ đăng kí vào dân vệ hay bảo an. “Kị sĩ” tìm cách điều động họ...

- Cám ơn chú.

Dung chợt nhớ việc của cô. Liếc về chồng hồ sơ nhân sự, Dung báo cáo:

- Tuyệt, chú sẽ bàn với anh Sáu Đăng. Với quyền hạn của con, con có thể bổ nhiệm một số người tốt...

Ông Thuận hài lòng

- Thế là những gì cần nói chú đã nói hết. Cuộc chiến đấu còn lâu dài... À! Lần này bất đắc dĩ chú phải nhờ Lê Ngân, từ nay con và “Kị sĩ” tuyệt đối không được liên hệ với chú ấy. Chú ấy có việc riêng...

- Liên lạc giữa tụi con và anh Sáu Đăng thường trục trặc...

- Chú Sa vẫn lo công việc ấy.

- Cháu xin hỏi một chuyện, chú đừng giận. Vũ Huy Lục thế nào rồi?

Ông Thuận cười:

- Yên tâm!

Và ông đứng lên, Dung lại lao vào lòng ông. Chú cháu đứng yên mấy phút...

Interphone bỗng cất tiếng:

- Cuộc biểu tình của giới Thiên Chúa giáo di cư xảy ra có xung đột... Thông báo của văn phòng.

- Loạn xạ! – Chú Thuận bảo Dung.

- Con nhớ bố...! – Dung nghẹn ngào.

- Chú sẽ tìm cách nói khéo... Bây giờ chú phải đi.

Hai người ra khỏi phòng, thấy Thiếu úy Bích Hằng đang xem một họa báo với Đại úy Lê Ngân – hai mái đầu gần như kề nhau...

- Con có thể nói lại tất cả cho “Kị sĩ.” ... Nhưng, đừng cho biết là chú có mặt ở đây.

Dung gật đầu, vẻ miễn cưỡng.

- Chú rất buồn, song không thể...

Ông Thuận không nói tiếp.

Quyến và Bích Hằng bẽn lẽn đứng lên

- Thế nào, đại úy và cô Bích Hằng “tìm hiểu” đến đâu rồi? – Dung đùa.

- Đâu mà nhanh dữ vậy, thưa thiếu tá! – Bích Hằng giả bộ nghiêm, lại bắt chước giọng Nam Bộ.

- Có thể về phần cô. Còn phần đại úy, e bị tiếng sét...

Quyến lúng túng.

Dung và Quyến bắt tay từ giã. Họ không nói thêm lời nào.

Truyện Chữ Hay