Ván Bài Lật Ngửa

chương 04 phần 2

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Bản tuyên cáo của tòa Bạch Ốc dự định có thể bớt một nghìn cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam từ nay tới cuối năm.

Các điểm chính trong bản tuyên cáo:

Washington (AFP)

Như tin đã loan, sau một phiên họp bất thường của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, lâu năm mươi phút, hôm thứ Tư, dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Hoa Kỳ, Nhà Trắng đã công bố một bản tuyên cáo về toàn thể chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Bản tuyên cáo này được ông Pierre Salinger, Tham vụ báo chí Nhà Trắng, trao cho các kí giả.

Bản tuyên cáo đã căn cứ vào bản phúc trình rất dài của Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara và Tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ vừa đệ trình một bản lên Tổng thống Kennedy và một bản lên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Bản tuyên cáo của Nhà Trắng xác nhận rằng bản phúc trình ấy gồm có một số tin tức và lời khuyến cáo mật, sẽ được đem ra nghiên cứu kĩ càng.

Những lời xác nhận căn bản trong phúc trình ấy đã được toàn thể các nhân vật trong Hội đồng An ninh Quốc gia chấp thuận và Tổng thống Hoa Kỳ đã chấp thuận bản tuyên cáo sau đây về chính sách của Hoa Kỳ, căn cứ trên những lời khuyến cáo của ông Mac Namara, tướng Taylor và ông Henrry Cabot Lodge:

. Nền an ninh của Việt Nam là một yếu tố quan trọng đối với Mỹ và những quốc gia tự do khác. Chúng ta cương quyết duy trì chính sách của ta là hợp sức với nhân dân và Chính phủ Việt Nam để bảo vệ xứ này chống Cộng sản và sớm diệt trừ phản loạn do bên ngoài khuyến khích và ủng hộ. Chính sách của chúng ta ở Việt Nam nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện công cuộc đó một cách hữu hiệu.

. Chương trình quân sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và theo nguyên tắc, chương trình ấy vấn có giá trị, tuy rằng chúng ta luôn luôn cương quyết tìm cách cải thiện cho hoàn hảo.

. Phần lớn viện trợ của Hoa Kỳ dành cho nỗ lực quân sự đó sẽ đem ra sử dụng cho đến khi nào dẹp tan được phiến loạn mới thôi, hay là đến khi nào lực lượng an ninh quốc gia Việt Nam có thể tự mình đảm trách được nhiệm vụ ấy.

Về phần ông Mac Namara và tướng Taylor thì cho rằng phần lớn nỗ lực quân sự của Mỹ sẽ được hoàn tất từ nay cho đến cuối năm . Tuy nhiên, sau thời hạn đó có thể còn giữ lại một số hạn chế huấn luyện viên quân sự Mỹ.

Ông Mac Namara và tướng Taylor đã tuyên bố trong bản báo cáo rằng, từ nay đến cuối năm, chương trình huấn luyện của Mỹ giúp cho Việt Nam, sẽ tiến triển tốt.

. Tình hình chính trị ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng.

. Chính sách của Mỹ ở Việt Nam – cũng như các nơi khác trên thế giới – vẫn luôn luôn nhằm mục đích hỗ trợ những cố gắng của nhân dân xứ này để ngăn ngừa xâm lăng do đó mở đường tiến tới một xã hội hòa bình và tự do.

THÔNG CÁO CỦA PHỦ TỔNG THỐNG

Theo nguyện vọng riêng của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã chấp nhận đơn từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông và quyết định cử ông Trương Công Cừu, Bộ trưởng đặc nhiệm xã hội văn hóa kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tổng thống cũng chấp nhận cho Giáo sư Vũ Văn Mẫu được xuất ngoại để hành hương ở Ấn Độ.

TIN VỀ BỔ NHIỆM

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vừa kí sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Tổng thanh tra bảo an và dân vệ làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Đại tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tiếp Luân tại cơ quan của tướng Paul Harkins và lần này, không cần nghi trang bằng một trận đấu quần vợt. Xe Luân dừng tận thềm văn phòng của P. Harkins và Jones đích thân mở cửa xe mời Luân. Cái bắt tay rất chặt của viên tướng tình báo được máy ảnh, máy quay phim ghi nhận.

Fanfani vẹt các nhà báo, đứng sát Luân:

- Chúc mừng đại tá!

Luân chưa kịp chào đáp lễ, Fanfani đã mở máy ghi âm, hỏi:

- Đại tá cho nửa phút... Tự đại tá xin gặp đại tướng hay đại tướng mời đại tá?

- Điều đó có ý nghĩa gì? – Luân mỉm cười.

- Đại tướng đã ra kia, xin đại tá trả lời, chúng ta có quá ít thời giờ...

- Tôi vẫn thấy không cần thiết phải trả lời câu hỏi của cô. Nó vô nghĩa.

- Đại tá không chú ý cơ quan USIS, các nhà báo nước ngoài, hãng truyền hình CBS... chầu chực đại tá như một người hùng sao? Câu hỏi rất có ý nghĩa, thưa đại tá...

Luân nhún vai. Và anh đã phải tiến lên khỏi các bậc thềm, đón bàn tay đang chìa ra rất ân cần của Taylor. Fanfani bực dọc tắt máy ghi âm và giương chiếc máy ảnh. Hình như, trong dự kiến Taylor sẽ ôm Luân giống đôi bạn thân lâu ngày gặp nhau nhưng có lẽ vì Luân giữ đúng quân phong, nghiêm người chào ông ta mà cái màn “ôm hôn thắm thiết” không diễn ra – nếu diễn ra, sẽ khá sượng. Hai cánh tay Taylor dang rộng rồi khép lại. Ông cũng phải chào lại như một cấp trên. Đúng là Jones Stepp cố tình làm rùm beng cuộc gặp gỡ này, mà danh xưng sẽ gây hứng thú cho các nhà báo. Luân thăm xã giao: Đại tướng Taylor mời Luân trao đổi công vụ... Gì thì gì, một đại tá Nam Việt tùng sự trong Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống, chẳng giữ chức quyền to tát, lại được một đại tướng Mỹ, nhà quân sự được xem là số một của phương Tây hiện nay, đón như thượng khách, một thiếu tướng Mỹ mở cửa xe và hướng dẫn, hai lính thủy quân lục chiến Mỹ bồng súng chào... Dứt khoát được báo chí khai thác đến mức giật gân nhất. Trong khi đó, không hề có một nhà báo Sài Gòn nào có mặt, trừ tờ Viễn Đông nhật báo xuất bản bằng tiếng Pháp.

- Tôi chờ mãi, hôm nay mới gặp đại tá! – Taylor choàng vai Luân vào phòng khách, sau khi hai người phải đứng một lúc để các nhà báo lấy bức ảnh “chính.”

Các nhà báo chưa buông tha Taylor và Luân. Họ ùa vào phòng khách và chỉ chịu rút lui khi lấy được bức ảnh Taylor và Luân chạm li mừng cuộc “tái ngộ.”

- Đại tá khó chịu các nhà báo? – Taylor hỏi.

- Tôi vốn ít xuất hiện trên báo, trên phim...

- Đôi khi vẫn phải chịu cái mà mình ít thích, thậm chí ghét nữa, - Taylor nói – Tôi không khác đại tá về điều đó!

- Lúc đầu, Bộ trưởng Mac Namara muốn gặp đại tá, dĩ nhiên tại đại sứ quán Mỹ, song vào giờ chót, ông ấy bận gặp Tổng thống Diệm nên nhờ tôi xin lỗi đại tá và tôi được ủy quyền thay mặt Bộ trưởng... - Giọng Taylor trở nên trịnh trọng.

Jones Stepp đứng lên:

- Tôi xin phép tướng quân và đại tá. Một công việc khẩn đang đợi tôi...

Luân hiểu Jones Stepp muốn tránh mặt để Taylor và Luân dễ nói chuyện riêng.

- Ta hãy trao đổi như hai quân nhân... - Taylor nói, khi Jones khuất sau cửa phòng – Dù sao thiếu tướng vẫn là một nhà chính trị.

Taylor cười mỉm: CIA là một ngành chính trị!

- “Tam giác Vàng” chắc gợi cho đại tá ít nhiều não nề... đúng không? – Taylor ngó Luân, thăm dò.

Quan hệ giữa hai người đúng ra còn mang ý nghĩa thầy trò. Taylor từng giảng nhiều giờ học viện tham mưu cao cấp mà Luân theo học. Lúc ấy, tuy Taylor nhìn Luân không hoàn toàn như mọi học viên khác – những ý kiến phản bác hoặc bổ sung của Luân về chiến thuật quân sự trên các chiến trường vùng nhiệt đới đối đầu với các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc và được lãnh đạo, chỉ huy tốt thường khiến Taylor trầm ngâm khá lâu trước khi giải đáp – song Luân mới dừng lại mức gây ấn tượng đối với Taylor. Lần sang Sài Gòn gần đây nhất, Taylor thay đổi cách cư xử với Luân – hẳn cơ quan tình báo Mỹ yêu cầu Taylor lưu ý Luân trong ván cờ mà CIA bắt đầu sắp xếp các quân, không còn nằm trong dự kiến xa xôi nữa.

- “Tam giác Vàng?” Thưa tướng quân, nếu tôi là Interpol! – Luân trả lời, hơi cau mày.

- Tôi hiểu... Bẩn thỉu! Ta hãy xem như không có cái tam giác đó... Chẳng thể nào để cái mùi nha phiến, dù đã tinh chế, chen vào công việc của chúng ta. Nước Mỹ không dính đến sự cố gọi là nha phiến cách nay hơn trăm năm mà người Anh dùng chiêu bài đó tiến công Trung Quốc...

- Vâng! Nếu cần bàn thì lại là khía cạnh quân sự của cuộc viễn chinh ấy... - Luân gật đầu, nói thêm một câu hơi mơ hồ.

Taylor ngó Luân đăm đăm.

- Người Anh thành lập đội “Viễn chinh phương Đông” với bốn mươi mốt tàu chiến và mười lăm nghìn quân... - Luân nói thêm.

- Và, viên chỉ huy Trung Quốc, tôi quên tên...

- Khâm sai đại thần Lâm Tắc Từ... - Luân giúp cho Taylor một chút sử liệu.

- Gọi theo âm Anh thì Lin... Phải, viên quan to từ Bắc Kinh xuống đã thua dễ dàng quân thật nhỏ bé trước một Trung Hoa mênh mông... Hình như quân Anh chỉ bắn phá vài lần.

- Tướng quân nhớ rất chính xác. Sau vài lần bắn phá, Trung Quốc nhượng Hongkong cho Anh... Chuyện của thế kỉ trước thường đơn giản như vậy!

Taylor bỗng cười to:

- Cám ơn đại tá giúp tôi trở lại thế kỉ chúng ta đang sống. Người Mỹ đã có trên hai mươi nghìn tại Nam Việt...

- Sau khi người Pháp đã có trên hai trăm nghìn...

- Thật chính xác! Cách đo lường mỗi thời gian một khác. Dầu vậy, chúng tôi – Bộ trưởng Mac Namara, một người am hiểu sâu rộng các vấn đề quân sự và tôi – nghĩ rằng có thể giới hạn con số cố vấn và thực binh Mỹ như hiện nay mà vẫn tìm được chiến thắng. Đại tá có tin điều đó không?

- Tôi vừa đọc phần công bố công khai phúc trình của Ngài Bộ trưởng và tướng quân, tôi cũng nghe tuyên cáo của Tổng thống Kennedy. Chắc không ai không thở phào khi biết đến năm , quân nhân Mỹ giã từ miền đất nóng bức ẩm ướt này và càng phấn khởi hơn với những quân nhân nào trong số một nghìn được dự lễ Noel năm nay trên đất Mỹ... Về mặt đó, tôi xin chia vui với tướng quân.

Câu nói văn hoa lại kèm nụ cười của Luân kéo Taylor – đang tựa lưng trên ghế - bật dậy:

- Đại tá nghĩ khác chúng tôi?

- Phải nói thế nào đây, thưa tướng quân? Một phúc trình công bố công khai với những chứa đựng thật sau các từ ngữ có thể vẫn tách biệt nhau, thậm chí, chẳng liên quan gì với nhau... Không! Có liên quan. Cái nọ che cái kia... Sau cùng, một điều mà Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cố ý – cố ý một cách lộ liễu – nhét vào giữa tuyên cáo ấy: “Tình hình chính trị ở Nam Việt vẫn còn nghiêm trọng” lại chính là cốt tủy của bản tuyên cáo dài dòng... Năm người Mỹ về nước, Noel năm nay, một nghìn quân nhân Mỹ đoàn tụ với gia đình... Tất cả tùy thuộc ở chỗ tình hình chính trị kia. Nó vẫn còn nghiêm trọng. Và, nếu cái gì mà phái đoàn của Ngài Bộ trưởng và tướng quân không thể chủ động, cái đó nằm trong điều thứ tư... Logic sẽ như thế này: Chiến thắng chắc chắn đến, có quyền tính từng tháng, nếu xóa được điểm thứ tư kia... Điểm thứ tư trong tuyên cáo trùng hợp với Fourth Point của Tổng thống Truman...

Taylor lại cười lớn:

- Tôi chỉ đính chính một chi tiết. Điểm của tuyên cáo lần này chẳng giống gì điểm của Tống thống Truman. Vấn đề Nam Việt chưa đến mức cần cả một chính sách tầm cỡ thế giới hậu thuẫn. Còn các nhận định của đại tá, tôi đồng ý. Thâm chí, tôi kinh ngạc: Phải thú thật với đại tá rằng tôi chưa hiểu đúng tầm vóc của đại tá!... Ta uống nhé!

Hai li rượu mùi cụng nhau.

- Tướng quân là một nhà chiến lược quân sự lớn thế giới. Nhưng tôi, xin phép nói thẳng, cái trở ngại nói trong điều không lớn đến thế...

Taylor cướp lời Luân:

- Ở đây, như nhiều chuyên gia nhấn mạnh và nếu tôi không lầm, đại tá cũng đồng quan điểm với các chuyên gia ấy, là cuộc chiến tranh chính trị. Một Chính phủ phải được lòng dân...

- Liệu rằng sẽ có một Chính phủ được lòng dân hơn không? Với ông Diệm, hai mươi nghìn người Mỹ đến Nam Việt... Sau ông Diệm, con số đó e quá thấp! – Luân cũng cướp lời Taylor.

- Chà! Chúng ta đều không phải là những nhà tiên tri. Nhưng dù sao, cuộc chiến đấu không thể xúc tiến bình thường nếu những người cầm súng theo đạo Phật thích xả thân ột vị Tổng thống dùng cả xe tăng ủi sập chùa, bắn vào đồng đạo của họ...

Luân thấy không nên tranh luận thêm với Taylor. Số phận Ngô Đình Diệm đã được Washington phán quyết. Đó là điều chủ yếu nhất mà Luân cần biết.

- Chúng ta đi hơi xa mục đích cuộc gặp gỡ. – Luân cười thân ái – Không phải hai quân nhân nói chuyện với nhau về nghề nghiệp mà về chính trị.

Taylor đưa tay lên trời:

- Biết làm thế nào được? Tôi là Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân kiêm cố vấn của Tổng thống Mỹ, còn đại tá – Taylor mỉm cười – cũng đảm đương nhiệm vụ sau na ná như tôi... Chúng ta bị ràng buộc và không thể tự mình phá vỡ sự ràng buộc đó. Thành tâm, tôi rất mong quân đội Mỹ càng ít dính líu vào Nam Việt càng tốt. Kế hoạch mang tên tôi, giáo sư Staley và Vũ Quốc Thúc chính là để tránh một thảm họa Triều Tiên thứ hai. Bởi vậy, tôi ái mộ đại tá, người không thích tiếng súng át mọi âm thanh đáng yêu khác.

Luân rời Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ.

“Taylor muốn tốn ít máu người Việt nhất để đạt kết quả lớn nhất...” Luân trầm ngâm cho đến khi xe qua cổng vào nhà anh, về cái mà anh từng gọi là “học thuyết Taylor.” “Nhưng liệu Taylor bảo vệ nổi học thuyết của ông ta không?”

TUYÊN BỐ CỦA PHÁI ĐOÀN MAC NAMARA

Thay mặt đại tướng Taylor và những nhân viên khác trong phái đoàn chúng tôi, tôi xin cảm tạ tất cả quý vị đã sốt sắng giúp đỡ chúng tôi trong lúc chúng tôi lưu lại ở Việt Nam Cộng hòa.

Trong tuần lễ qua, đại tướng Taylor và tôi cùng các nhân viên trong phái đoàn đã đi thăm khắp nơi ở Việt Nam. Chúng tôi đã chuyện trò với hàng trăm người. Chúng tôi đã đến thăm cả bốn vùng chiến thuật. Chúng tôi đã tiếp xúc với dân chúng ở mọi tầng lớp. Chúng tôi đã hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và những viên chức trong Chính phủ.

Chúng tôi đã đàm luận với các nhân viên quân sự Việt và Mỹ, ở mọi cấp bậc, từng người cũng như từng nhóm. Chúng tôi đã viếng thăm các cơ sở huấn luyện và đặt chân đến những bộ chỉ huy hành quân ở trận tuyến. Chúng tôi đã thu hoạch được rất nhiều kết quả tốt đẹp trong một tuần lễ.

Tối hôm nay, chúng tôi rời Việt Nam để trở về Washington và sẽ đệ trình lên Tổng thống Kennedy bản phúc trình của chúng tôi, bổ sung bản phúc trình mà dư luận đã được thông báo. Trong hoàn cảnh tế nhị của chúng ta, chúng tôi nghĩ là không nên nói những gì tạo ra nghi vấn về thái độ của nước Mỹ quyết đứng bên cạnh Việt Nam Cộng hòa và dân chúng của nước này.

Bỗng nhiên Tòa đại sứ Mỹ được tăng thêm lực lượng bảo vệ khác thường. Một hàng rào chiếm đến nửa đường Hàm Nghi, nhiều tốp quân cảnh Mỹ đứng đằng sau các bao cát, tiểu liên cực nhanh như sẵn sàng nhả đạn. Trên tầng cao các nhà đối diện, cảnh sát dã chiến Nam Việt cũng ở trong tư thế tương tự. Tin đồn về một sự phẫn nộ của dân chúng có thể dẫn đến một cuộc tấn công đập phá sứ quán, ám sát nhân viên ngoại giao Mỹ, kể cả Đại sứ Cabot Lodge đã đặt tòa nhà đại sứ vào tình trạng báo động. Hình như chính đại sứ quán nhận được nhiều cú điện thoại hăm dọa.

Nhu bực bội. Anh ta đích thân nói chuyện với Cabot Lodge, đảm bảo rằng sẽ không thể nào xảy ra bất cứ điều gì gây tổn hại cho đoàn ngoại giao Mỹ nhưng Tòa đại sứ vẫn thi hành biện pháp mà họ cho là “đề phòng.”

- Người Mỹ muốn tạo ra không khí bất ổn ở ngay thủ đô chúng ta. Họ rất cần một cái cớ!

Nhu nói với Luân.

- Jones Stepp có trao đổi gì với anh không? – Nhu hỏi, đôi mắt sau thăm thẳm.

Luân lắc đầu.

- Tôi biết sắp thêm một vài vụ tự thiêu nữa làm quà cho phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc... chẳng lẽ chúng ta khoanh tay?

Nhu gieo những bước nặng nề trên hành lang. Anh ta tự nêu câu hỏi và không trả lời.

- Tổng nha cảnh sát mà để ột Phật tử tự thiêu, tôi tống cổ Tổng giám đốc vào khám!

Luân lặng lẽ sóng đôi với Nhu. Đến bây giờ, Luân biết nhiều bí ẩn hơn Nhu, qua Saroyan. Và ngay cả Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia không phải đã báo cáo với Nhu mọi tin tức mà Tổng nha nắm. Về mặt này, Dung biết cũng nhiều hơn Phủ Tổng thống.

Quả có nhiều cú điện thoại hăm dọa đại sứ quán, quả tình báo Mỹ bắt được một kế hoạch ám sát, đập phá nhằm vào nhân viên và sứ quán Mỹ. Song, tất cả là tác phẩm của chính CIA, dưới hình thức thông báo mật của tướng Trần Văn Đôn – thông báo miệng, tất nhiên. Điện thoại được ghi âm và chuyển sang Phủ Tổng thống coi như bằng chứng. Người gọi điện thoại nếu không phải thủ hạ của Đỗ Mậu thì của Mai Hữu Xuân.

Washington xếp các bằng chứng ấy vào một hồ sơ đặc biệt và Tổng thống Mỹ đọc chúng không phải hằng ngày mà hằng giờ.

Cái mà Kennedy sốt ruột chờ đợi là nhận xét của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc – chỉ cần phái đoàn thừa nhận Chính phủ Nam Việt đang theo đuổi chính sách trấn áp những người theo đạo Phật thì lập tức Tổng thống Mỹ bắn tín hiệu xanh cho Cabot Lodge. Dẫu sao, Kennedy cũng không thích bị dư luận kết án thọc quá sâu vào nội tình một nước đồng minh...

- Tại sao Việt Cộng dạo này tấn công thưa thớt? – Nhu lại hỏi Luân, đột ngột.

Luân không trả lời vì anh biết Nhu bày tỏ một nguyện vọng hơn là đặt một câu hỏi. Giữa lúc này, Mặt trận Giải phóng đánh mạnh sẽ hậu thuẫn cho lập luận của Nhu: giới Phật giáo gây rối nên bị Việt Cộng khai thác.

Cái gì là mâu thuẫn đan chéo đều bộc lộ trong thời điểm hiện nay. Tấn bi hài kịch, thắt nút từ lâu, cần bật tung ột kết thúc đúng đòi hỏi của sân khấu – không thể hạ màn thiếu cao trào...

Hai người bước tới lui ở hành lang đến nửa giờ. Nếu thỉnh thoảng Nhu không nói, người ngoài dễ nghĩ rằng đôi bạn đang tản bộ cho tiêu cơm. Chỉ mới hai ngày thôi, Nhu từ trạng thái thoải mái – khi tiếp Luân sau chuyến Luân đi “Tam giác Vàng” – đổi sang cau có. Nhu cố che đậy song Luân thấy rõ anh ta lo lắng

Truyện Chữ Hay