Tuyết Lạc Trần Duyên

chương 50: trên thế gian này không có gì gọi là chân tướng cả

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Từ thành phố D đến quân khu cũng mất sáu tiếng đồng hồ chạy xe cả đi lẫn về. Do trời mưa to nên có một đoạn đường rất khó đi, vì lí do an toàn nên tôi và Nghê Lạc Trần quyết định dời sang sáng ngày hôm sau mới đến đón bé Nựu Nựu, con gái Dư Na.

Sáng sớm tinh mơ hai chúng tôi đều đã dậy rồi. Ngồi vào xe thì mặt trời cũng chỉ mới bắt đầu nhô lên.

Khi ánh mặt trời bắt đầu chiếu sáng thì dường như chúng tôi tận mắt chứng kiến những tia nắng nhẹ nhàng tách ra từ những tầng mây màu chì, mang thứ ánh sáng chói chang chiếu lên mặt đường ẩm ướt, đến những hàng cây sừng sững hai bên đường cũng ánh lên thứ ánh sáng màu vàng đẹp mắt...

Tôi mở cửa sổ xe, để cho gió sớm lùa vào. Không khí trong xe trở nên thoáng đãng, trong lành hơn.

Tôi quay đầu lại nhìn, một bên là nụ cười ấm áp của anh, một bên là bầu trời quang đãng sau mưa ngoài cửa sổ. Tôi có cảm giác mình có thể biến ngay thành một chú chim nhỏ bay lên không trung...

Đột nhiên anh cười tôi, rồi nói tôi hưng phấn giống như một học sinh tiểu học vậy. Tôi chẳng khách khí gì nói lại, chẳng phải anh yêu một cô nữ sinh tiểu học đó sao? Anh nói không phải, anh yêu tất cả những gì thuộc về con người tôi, yêu đến khi tôi tám mươi tuổi mặt đầy nếp nhăn vẫn tiếp tục yêu... Tôi nũng nịu nói mình không muốn già, nhưng anh nói rồi ai cũng phải già, nếu già đi trong sự cô đơn thì đó mới là sự việc đáng thương, còn hai người bên nhau thì lại chính là hạnh phúc, là lãng mạn...

Tôi quay đầu nhìn ra ngoài cửa xe, chợt hài lòng phát hiện, anh quả là rất biết cách nói chuyện.

Thực ra bất kì người phụ nữ nào cũng đều sợ tuổi tác. Nhưng khi tôi sống với anh, tôi nghĩ mình đúng là không sợ già.

Xe của chúng tôi đến trước cửa nhà Dư Na rất nhanh.

Khi còn ở trong quân đội, chức vụ của Dư Na cao hơn Giang Triều, sau khi chuyển ngành cô ấy lại đảm nhận một chức vụ không nhỏ trong Hội liên hiệp phụ nữ, vì thế đơn vị đã phân cho cô ấy một căn hộ ba phòng ngủ một phòng khách. Đương nhiên là sự đãi ngộ này không thể so sánh với trong quân đội được. Tôi nghĩ việc "chạy trốn hôn nhân" của Giang Triều cũng có thể do một chút áp lực khi người phụ nữ mạnh mẽ hơn nam giới.

Nhìn thấy con gái sáu tuổi Nựu Nựu của Dư Na tôi đã hết sức ngạc nhiên. Cô bé dường như nhỏ những đứa trẻ cùng tuổi khác rất nhiều, cơ thể vô cùng gầy yếu. Tôi nghĩ có lẽ là do mẹ thường xuyên làm công việc ở ngoài, còn bố thì lại thiếu trách nhiệm nên con bé không có được sự quan tâm chăm sóc tốt của người lớn.

Nựu Nựu là một cô bé rất sợ người lạ, nhìn thấy chúng tôi đi vào bé vội nấp đằng sau mẹ. Điệu bộ sợ sệt của con bé dễ làm cho ta nảy sinh cảm giác thương xót mà muốn ôm nó vào lòng để vỗ về, chiều chuộng. May mắn là Nghê Lạc Trần có nụ cười làm điên đảo chúng sinh, từ khi sinh ra đã được phụ nữ yêu thích, bất luận là già hay trẻ. Vì thế không quá tốn thời gian anh đã có thể chơi được với Nựu Nựu và làm cho con bé tin tưởng. Tuy vẫn hơi xấu hổ nhưng con bé đã không còn từ chối chúng tôi nữa.

Tôi ngồi nói chuyện với Dư Na, cùng phân tích một số nơi mà Giang Triều có thế sẽ tìm đến, sau đó tôi và Nghê Lạc Trần vội vã cáo từ và mang Nựu Nựu đi cùng.

Do đi cũng khá vội vã, hơn nữa Dư Na lại là một bà mẹ hơi vô tâm nên đã quên gửi quần áo của Nựu Nựu cho chúng tôi. Nghê Lạc Trần bèn đưa tôi và Nựu Nựu đi siêu thị. Từ tầng một cho đến tầng thượng, anh cứ bế Nựu Nựu trên tay và luôn miệng hỏi cháu thích gì và muốn mua gì, điệu bộ y như một ông bố mẫu mực. Ba người chúng tôi giống như một gia đình thực thụ, nó làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc, nhưng cũng có chút ngượng ngùng. Trong lòng tôi cũng vấn vương chờ đợi vào một ngày nào đó, cả nhà ba người chúng tôi cũng đi siêu thị và mua quà cho con như thế này...

Sau khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi mua được cho Nựu Nựu rất nhiều quần áo, đồ chơi và đồ ăn vặt. Nhìn điệu bộ của Nghê Lạc Trần, tôi có cảm giác anh ấy muốn bê cả cái siêu thị về nhà. Mãi cho đến khi cả ba chúng tôi tay xách nách mang thì anh mới không thể không đặt Nựu Nựu xuống đất, để cho cô bé tự đi.

Khi chúng tôi về đến xe thì đội nhiên Nựu Nựu ngẩng đầu và ngây thơ hỏi tôi: "Cô ơi, chẳng phải ngày mùng Một tháng Sáu đã qua rồi sao, tại sao chú lại mua cho cháu nhiều quà thế này ạ?"

Tôi ngớ người không biết nên trả lời như thế nào bèn nhìn sang Nghê Lạc Trần cầu cứu.

Nghê Lạc Trần vuốt ve đầu của Nựu Nựu rồi cười nói: "Tại sao lại chỉ có ngày mùng Một tháng Sáu thì Nựu Nựu mới được nhận quà nhỉ?"

"Bởi vì chỉ có ngày mùng Một tháng Sáu mới là Tết thiếu nhi, khi đó bố mẹ cháu mới có thể đi cùng cháu và mua quà cho cháu ạ."

"..."

Cánh tay Nghê Lạc Trần để trên đầu Nựu Nựu đột nhiên cứng đờ lại. Tôi bèn giải thích với anh rằng, con cái của bộ đội đa phần đều lớn lên như vậy. Bởi vì bố mẹ của chúng không có thời gian, cũng bởi vì cuộc sống quân ngũ tiết kiệm quen rồi, chỉ mỗi khi Tết mới mua quà cho con trẻ, còn bình thường rất hiếm. Nhưng bất luận tôi giải thích thế nào thì anh vẫn không quay người lại với tôi mà chỉ chăm chú lái xe. Anh cũng không hề nói một câu nào nữa.

"Cô ơi, có phải chú giận cháu không ạ?"

"Không phải đâu..." Tôi cọ cọ mặt mình vào tóc của Nựu Nựu, nhẹ nhàng nói với con bé: "Nựu Nựu ngoan như thế này thì làm sao chú lại có thể giận được? Chỉ là chú thương Nựu Nựu thôi..."

Thực ra tôi biết Nghê Lạc Trần từ năm bảy tuổi đã bị ám ảnh bởi việc mình bị chính bố đẻ bỏ rơi. Nghê Thiên Vũ tự sát ngay trước mắt anh, ông nội ép buộc mẹ con anh phải xa nhau. Nỗi đau này đã tồn tại trong lòng anh từ rất lâu rồi, nó ảnh hưởng đến anh ấy hơn hai mươi năm trời đằng đẵng...

Sau khi về đến thành phố D, Nghê Lạc Trần có một số việc cần phải làm nên đã đưa tôi và Nựu Nưu đến phòng thiết kế của mình. Nhưng đến phòng tranh ở tầng hai, anh cứ ôm riết lấy Nựu Nựu trong tay, dạy cô bé vẽ tranh, chơi trò chơi điện tử, điệu bộ hai chú cháu rất vui vẻ. Đúng lúc anh và Nựu Nựu đang chăm chú xem một bộ phim hoạt hình thì Từ Dĩnh đến lần thứ hai để nhắc anh có một cuộc họp quan trọng. Anh tỏ vẻ không vui tẹo nào, phẩy phẩy tay một cách khó chịu, dường như anh không có ý chuẩn bị cho cuộc họp. Tôi đành kéo Từ Dĩnh sang một phòng khác rồi hỏi han cô ấy về bệnh tình của Nghê Lạc Trần.

Từ Dĩnh thấy tôi đã biết được sự việc rồi nên không có ý giấu tôi nữa. Cô nói Nghê Lạc Trần mắc bệnh trầm cảm từ năm bảy tuổi, trong đó yếu tố di truyền chiếm đến %. Nhưng lần anh cắt cổ tay tự sát là lần phát bệnh nghiêm trọng nhất, mặc dù tính mạng đã được bảo toàn nhưng một thời gian dài sau đó anh vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh về mặt tâm lí. Cho đến khi có một lần anh nói với Từ Dĩnh rằng "giao Lạc Tuyết cho ai anh cũng không yên tâm" thì anh mới bắt đầu tích cực phối hợp điều trị với bác sĩ. Bây giờ bệnh tình của anh ổn định rất nhiều rồi, chỉ có điều thỉnh thoảng bị mất ngủ hoặc không có cảm giác thèm ăn...

Từ Dĩnh còn nói, những người bị bệnh trầm cảm đều rất nhạy cảm với đời sống riêng tư, đặc biệt là người đàn ông kiêu ngạo như Nghê Lạc Trần. Nếu như anh cảm thấy mình bị mất mặt trước người mình yêu thì hậu quả như thế nào cũng khó mà lường trước được...

Tuy trong lòng tôi có đôi chút nặng nề nhưng tôi biết rõ có một số việc mà mình nhất định phải đối mặt. Thực ra chỉ cần hai người thực sự yêu thương nhau thì vấn đề khó khăn đến mấy cũng sẽ tìm được cách giải quyết. Nghê Lạc Trần chỉ cần sự dũng cảm. Mà sự dũng cảm này lại cần có sự tồn tại của một tình yêu đủ lớn. Mặc dù tôi và anh đều yêu khi đối phương đang ở trạng thái tâm lí không tốt. Sự từng trải và tuổi tác khiến chúng tôi đã có thể đón nhận hạnh phúc hoặc cả điều bất hạnh không đáng có, vì thế chúng tôi đều không sợ hãi trước bất kì vất váp nào.

Khi quay trở lại phòng tranh thì tôi nghe thấy Nghê Lạc Trần đang dỗ dành Nựu Nựu gọi anh là bố. Nguyên nhân là do Nựu Nựu nói bố con bé không yêu nó và mẹ, chỉ yêu dì thôi, vì thế cháu mới gọi là "bố xấu xa". Còn chú Giang Triều vừa hiền hòa nhưng lại vừa nghiêm khắc nên cháu gọi là "bố thủ trưởng". Nghê Lạc Trần bất chợt hỏi bé, "Thế cháu gọi chú là gì?" Nựu Nựu vui vẻ nói: "Chú đối xử với cháu tốt nhất, lại vẽ tranh đẹp nhất, vì thế cháu gọi chú là 'bố tuyệt vời'." Nựu Nựu nó xong liền chớp chớp mắt, giọng nói vừa ngoan ngoãn khiến co Nghê Lạc Trần hết sức yêu quý.

"'Bố tuyệt vời' ơi, Nựu Nựu muốn đi ăn KFC."

Nựu Nựu quả là đứa trẻ thông minh, thấy người lớn yêu quý và chiều chuộng thì nói mình muốn gì. Nghê Lạc Trần đồng ý ngay lập tức. Tôi vội vàng thương lượng với Nựu Nựu, nói sẽ gọi điện thoại bảo cửa hàng KFC mang đồ ăn đến có được không. Bởi vì Nghê Lạc Trần là nhân vật của công chúng, đi ăn ở những chỗ như vậy, ít nhiều cũng không tiện. Nhưng anh lại nói không hề gì cả, trẻ con không chỉ thích ăn đồ mới đi đến đó mà còn thích không khí ở đó nữa. Tôi nhìn anh và Nựu Nựu một cách bất lực rồi đành dở hơi giống hai chú cháu họ...

Đến cửa hàng KFC, người đông quá sức tưởng tượng của tôi. Bởi vì ở trong đó có rất nhiều bạn nhỏ cùng lứa tuổi nên mắt Nựu Nựu sáng rực lên. Tôi thừa nhận mình không phải là người kiên nhẫn, nhưng lúc này tôi càng lo lắng việc liệu Nghê Lạc Trần có thể thích nghi với môi trường như thế này không. Anh cười bảo tôi và Nựu Nựu ngồi xuống ghế đợi, còn mình tiến vào hàng dài dằng dặc kia đợi đến lượt gọi món.

Sau khi tìm được chỗ ngồi thì Nựu Nựu hỏi tôi. "Cô ơi, tại sao 'bố tuyệt vời' lại không hỏi mình thích ăn gì ạ?"

"Cháu yên tâm, chắc chắn chú sẽ mua về món mà cháu thích ăn nhất." Tôi cười xoa đầu Nựu Nựu, sau đó quay sang nhìn anh đang đứng trong hàng người dài dằng dặc, chờ đợi một cách nhẫn nại...

Ánh mặt trời buổi chiều chiếu thẳng vào trong gian phòng, và hắt đúng và bên mặt anh. Anh đứng ở đó một cách yên tĩnh, nét mặt không vội vàng cũng không lo lắng, chỉ là sự chờ đợi bình thản, vô cùng đẹp đẽ, trầm tĩnh và không hề có chút đề phòng nào... Tôi thậm chí còn không dám tin rằng đây là một người đàn ông đã từng bị chứng bệnh trầm cảm giày vò.

Đúng hai tiếng đồng hồ từ khi xếp hàng đến khi ăn xong.

Bên ngoài ánh mặt trời đã chuyển về phía tây và bị che khuất bởi một đám mây màu đỏ nhạt.

"'Bố tuyệt vời' ơi, Nựu Nựu ăn no rồi ạ."

"Vậy sao? Thế thì chúng ta đi về nhà thôi."

Nghê Lạc Trần cười cười rồi lấy giấy ăn lau tương cà chua còn vương trên miệng Nựu Nựu, sau đó lau ngón tay của mình rồi quay đầu hỏi tôi, "Cô của Nựu Nựu đã ăn no chưa vậy?"

"Bây giờ anh mới nghĩ đến em à?"

Tôi lặng lẽ nhìn anh một cái rồi chọc tay vào túi áo khoác của anh véo eo anh qua làn áo sơ mi mỏng. Anh chợt cười vang một cách đắc ý rồi nói: "Thực tế đã chứng minh, người thích ăn dấm[] chính là em."

[] "Ăn dấm" còn có nghĩa bóng là "ghen".

"..."

"Cô ơi, ở đây không mua được giấm đâu ạ, để 'bố tuyệt vời' đi vào siêu thị mua cho cô có được không ạ?"

Tôi dở khóc dở cười không biết nên làm thế nào, chỉ có thể nhìn Nghê Lạc Trần uy hiếp: "Mau đi lấy xe đi, đừng có làm hư Nựu Nựu."

"Anh đang dạy cho con bé làm thế nào mới có thể là một cô gái tốt không thích 'ăn dấm'."

"..."

Nghê Lạc Trần cười trêu tức tôi rồi đi lấy xe.

Khi tôi và Nựu Nựu đứng trước của hàng KFC đợi anh thì đột nhiên một đám phóng viên không rõ từ đâu chạy ào tới. Khi tôi định kéo Nựu Nựu vào lòng thì có một phóng viên nắm lấy tay con bé:

"Cháu bé, chú vừa xong là gì của cháu vậy?"

"Không phải chú ấy là Nghê Lạc Trần, nhà thiết kế nổi tiếng hay sao? Tại sao cháu lại gọi chú ấy là bố?"

"Xin hỏi, cô là cô Lạc Tuyết? Chồng cô đã từng cắt cổ tay tự sát vì diễn viên điện ảnh Tiêu Địch, đó có phải là sự thật không?"

"Cô Lạc Tuyết à, là vợ một người thiết kế thời trang nổi tiếng, cô cho rằng việc mình tha thứ cho người chồng lăng nhăng liệu có phải là một lựa chọn thông minh không vậy?"

"Cô Lạc Tuyết, cháu bé này có phải là con riêng của Nghê Lạc Trần với minh tinh Tiêu Địch không?"

"Xin lỗi, chồng tôi không phải là người như các anh vừa nói. Tôi tin tưởng anh ấy."

Trước tình thế xảy ra một cách đường đột như vậy, tôi không biết mình lấy dũng khí ở đâu ra để đứng ra bảo vệ danh tiếng của Nghê Lạc Trần và cuộc hôn nhân của chúng tôi như vậy. Nhưng mối quan hệ của Tiêu Địch và Nghê Lạc Trần rốt cuộc như thế nào thì tôi lại không biết. Tôi chỉ có thể biện hộ bằng lòng tin của mình đối với anh. Lời nói yếu ớt của tôi dường như chẳng có sức thuyết phục chút nào.

Xem ra những tin lá cải ở trên đời này quả là nhiều, còn sự thực thì lại vô cùng mơ hồ và khó xác định.

"Xin mọi người tránh ra, có việc gì mời các vị ngày mai đến công ty Snowlet để hỏi người phát ngôn của tôi. Nếu như các vị làm khó dễ cho vợ tôi, tôi sẽ kiện các vị đấy..."

Nghê Lạc Trần quả là người lạnh lùng cao ngạo, anh chưa bao giờ phối hợp với phóng viên. Nhưng một người luôn nhỏ nhẹ, trầm tĩnh như anh lần đầu tiên nổi giận trước mặt người khác. Cộng thêm việc Nựu Nựu quá sợ hãi đã lao vào lòng Nghê Lạc Trần, khóc và gọi anh là 'bố', tôi nghe thấy xung quanh có tiếng xì xào...

"Quả nhiên là con riêng... một đứa con gái riêng..."

"Không ngờ Nghê Lạc Trần lại có đứa con riêng lớn như vậy..."

"Nghe nói thời gian anh ấy đi học bên Pháp, anh ấy đã ở với Tiêu Địch mà. Nhưng đứa con gái riêng này lớn lên lại chẳng giống bố hay giống mẹ chút nào..."

Thoát khỏi đám người xì xào đó, cuối cùng tôi và Nựu Nựu cũng vào được trong xe dưới sự bảo vệ của Nghê Lạc Trần. Khi đó tôi mới phát hiện ra đám người vây quanh chúng tôi không chỉ có cánh nhà báo mà còn có rất nhiều người hiếu kì nữa...

Đột nhiên có một phóng viên vẫn không chịu bỏ cuộc, chạy đuổi theo chúng tôi, "Thưa anh Nghê, theo tiết lộ của một bệnh viện, anh đã từng cắt cổ tay tự sát và đã phải nằm viện để điều trị, xin hỏi đây có phải là sự thực không ạ?"

"Nghe nói khi đó, người luôn ở bên cạnh anh là cô Tiêu Địch và trợ lí riêng của anh là cô Từ Dĩnh, xin hỏi vợ anh không biết việc đó hay là khi đó cô ấy không thể tha thứ cho mối quan hệ ngoài hôn nhân của anh?"

Nghê Lạc Trần đột nhiên quay người lại nắm lấy cửa xe, anh nhìn một lượt các phóng viên đang đứng ở đó rồi lạnh lùng nói: "Các anh muốn viết thế nào cũng được, tôi không có ý kiến gì. Nhưng chỉ xin các bạn phóng viên có lương tâm hãy tha cho vợ tôi và đứa nhỏ này, xin đừng quấy rầy họ nữa."

Lời nói của anh hết sức nhẹ nhàng, nhưng tôi vẫn nhìn thấy được sự phẫn nộ ở anh, bởi vì cơ thể anh cứ run lên. Tôi chỉ không hiểu tại sao anh không giải thích với phóng viên mối quan hệ của mình với Tiêu Địch? Liệu có phải anh không cần giải thích bởi anh tự thấy mình vô cùng trong sạch, không cần quan tâm đến sự hiểu nhầm và nhiếc móc của người đời. Nhưng anh đâu có biết được, anh như vậy cũng làm cho tôi đau lòng và bất lực...

Truyện Chữ Hay