Dịch: Mộ Quân
Tôi kéo cái chân què quay lại đại sảnh, lúc này cu Sáu đã cùng bọn côn đồ quấn cục với nhau.
Điều khiến tôi bất ngờ là tuy vóc dáng cu Sáu thấp bé, tròn quay như khúc bánh tét thế kia nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn.
Nó lách qua lách lại giữa một rừng mã tấu mà chả có lấy một vết thương nào.
Tôi há hốc mồm nhìn một màn trước mắt. Cỡ phút sau, toàn bộ đám người đều bị nó đánh cho nằm bò.
“Mày đỉnh thật đấy cu Sáu”
Cu Sáu thấy tôi quay lại thì nó hoảng hồn, lật đật dìu tôi chạy ra cửa.
Vừa đi nó vừa khẩn trương quay đầu nhìn phía sau.
“Cu Sáu, mày có bản lĩnh như vậy sao lại đi làm tài xế?”
Cu Sáu lại bày ra nụ cười bẽn lẽn thương hiệu bánh tét:
“Tía tui là huấn luyện viên võ thuật nên hồi nhỏ có học một ít phòng thân. Nhưng mà tui hông thích xíu nào.”
Tôi thầm nghĩ: cu Sáu vừa có tài lại thiện lương chân chất, mỗi tội mập lùn nghèo ra thì đúng là nó không có khuyết điểm gì khác.
Lên taxi cùng cu Sáu xong tôi không có ý định về kí túc xá ngay mà bảo bác tài chở chúng tôi đi số đường Hoài Viễn.
Hôm qua sau khi thấy ngôi miếu trong động dưới đất kia tôi liền hôn mê ngất đi, tôi thực sự lo lắng không biết tình trạng lão Lưu thế nào rồi.
Lão Lưu ở lầu . Muốn đến nhà lão thì tất nhiên phải đi ngang qua nhà Lưu Vân Ba ở lầu .
Lúc cu Sáu dìu tôi đi qua lầu , tim tôi cứ treo lơ lửng ngang cổ họng. Hồi đó người tôi tin ông ta là thế. Còn giờ nhắc tới ông ta là tôi thấy ghê tởm muốn nôn rồi.
Phù! Tới lầu rồi! Lão Lưu đang ở nhà, quá hạnh phúc!
Nhưng xem bộ dạng lão có phần hốc hác tiều tụy hơn hôm qua, gương mặt trắng bạch không còn tí huyết sắc, trông chả khác gì người chết.
Lão Lưu thấy tôi, tỏ vẻ yên tâm, gật đầu.
“Mi coi bộ cũng gân nhỉ!”
Tôi vội hỏi:
“Lão Lưu, hôm qua cửa miếu vừa mở tôi đã ngất mất rồi, có cái gì đi ra từ trong miếu không?”
“Khụ khụ”. Lão Lưu ho hai tiếng rồi nói:
“Có thể có cái gì chứ! Là người thôi, còn là người quen của mi đấy!”
“Người quen?”
Tôi nghi hoặc, lật qua lật lại danh sách người quen biết trong đầu hi vọng tìm ra cái tên nào đó ấn tượng.
Tôi thở dài, phạm vi hơi bị rộng nha, nghĩ mãi cũng đoán không ra. Tôi liền nói như súng liên thanh.
“Lão Lưu ông đừng thừa nước đục thả câu. Rốt cuộc là ai hả? Như nào lại có thể chui ra từ trong ngôi miếu đó hả?”
“Là con rùa Lưu ở lầu ba.”
“Lưu Vân Ba”. Khóe miệng tôi giật giật.
Lão Lưu gật gật:
“Con rùa này thế mà lại chạy đến Hổ Yêu Sơn trước chúng ta một bước. Đúng là ngoài ý muốn mà.”
Tôi hớ một tiếng rồi tiếp tục hỏi:
“Đồng hồ quỷ ở công ty bọn tôi là ông ta gửi tới. Ổng còn muốn tìm quyển sách đó làm gì nhỉ?”
Lão Lưu chống gậy đứng lên, nhả từng chữ:
“Quyển sách này gọi là " Âm dương trạch đàm". Nó không giống mấy thứ sách dạy coi phong thuỷ, đây là sách chỉ coi âm dương trong nhà. ”
Lão Lưu nói xong thấy hai đứa tôi mặt mũi nghệt ra, lão mới giải thích tiếp:
“Coi phong thuỷ là coi vị trí, thông qua thay đổi bài trí trong nhà, hoàn cảnh xung quanh để xua đuổi tai hoạ mang đến may mắn. Đó là thứ sơ đẳng nhất. Coi âm dương lợi hại hơn nhiều. Nó có thể xem được mi có đang sống chung với quỷ không.”
“Sống chung với quỷ?”
Tôi và cu Sáu đồng loạt kêu lên đầy kinh ngạc.
Lão Lưu thấy bọn tôi phản ứng mạnh vậy liền dội cho gáo nước lạnh.
“Có cái gì mà phải kinh ngạc. Mi tưởng căn phòng ngày ngày mi ở chỉ có mỗi mình mi chắc? Nói không chừng có cả tá cô hồn dã quỷ đang lượn khắp phòng khách hoặc đang ở đầy trong nhà xí nhà mi đó.”
Tôi nghe lão nói mà nổi gai ốc đầy mình.
“Lão Lưu, ông nói càng lúc càng ảo diệu quá đấy. Ông lợi hại như thế này, không phải ông vốn đã có khả năng thấy quỷ rồi sao?”
Lão Lưu lắc đầu bảo:
“Không thấy được. Trừ phi tên quỷ đó chịu cho mi thấy.”
“Thế đám người chết mặc áo liệm hôm qua chúng ta thấy trong động quỷ có phải là quỷ không?”
Lão Lưu hừ một phát, khẽ nói:
“Quỷ đâu ra. Đó là Tương Tây đuổi xác. Mi chưa xem phim à?”
※Dịch giả chú thích: Nguyên văn là Tương Tây cản thi, đây là một tập tục ở Tương Tây, rộ lên từ thời nhà Thanh. Các bạn có thể đọc chi tiết hơn về tập tục này trên internet. Dịch giả sẽ đưa một hình dung mà có lẽ các bạn đã khá quen thuộc, “Cương Thi”, hẳn là các bạn nghe qua rồi? Đám thắt bím, mặc quan phục Thanh triều hoặc áo liệm, đội nón chóp như nón lá, dán bùa vàng lủng lẳng trước trán, cứng đơ, nhảy tưng tưng, thích bật dậy đột ngột từ quan tài! Đấy chính là “xác” mà người Tương Tây tạo ra để “đuổi”. Trong phim thì sẽ hơi cường điệu lên một chút nhưng về cơ bản thì khá giống.
Vừa nói đến đây, cửa nhà lão Lưu tự dưng sập đánh “Rầm” lại.
Tôi còn đang chìm trong thế giới ma quỷ, âm thanh này bỗng dưng phát ra khiến tôi hết hồn tí thì tè luôn ra quần.
“Là gió hả?”
Cu Sáu nói xong đứng dậy tính đẩy cửa ra lại.
Lưu Khánh Chúc thấy thế gằn giọng:
“Đừng động vào, không phải gió!”
Cu Sáu đứng ngay cửa không dám cục cựa. Tôi thì khẩn trương mà ngó lom lom nó.
Sau mấy giây bên ngoài lại có tiếng gõ cửa.
“Cộc cộc cộc...cộc cộc cộc”
“Ông Lưu ơi ông có nhà không ạ?”
Tôi thở phào một hơi.
Cu Sáu nghe giọng trẻ con cũng toét miệng nở nụ cười ngô ngố.
“Chời ơi, hai người coi hai người căng thẳng đến cỡ nào kìa.” Nói xong nó đưa tay kéo cửa ra.
Một cô bé khoảng - tuổi đang đứng ngoài cửa, trên tay cầm một phong thư.
“Anh trai, cái này là thư của ông Lưu ạ.”
Cu Sáu cười cười xoa đầu cô bé, vươn tay cầm phong thư.
Lưu Khánh Chúc thấy cu Sáu muốn nhận bức thư, con mắt lão trợn trừng lên.
“Đừng...”
Lời còn chưa dứt, bức thư đã vào tay.
“Choang” một tiếng thật lớn. Toàn bộ cửa sổ trong nhà đều đồng loạt vỡ nát.
Tôi và lão Lưu bị chấn bay qua một bên, lăn lông lốc trên sàn.
Cu Sáu ôm ngực ngã gục xuống, tay phải vẫn nắm chặt bức thư.
Tôi hoảng hốt bò lại bên cạnh cu Sáu, hỏi gấp:
“Cu Sáu, mày sao rồi? Đừng làm anh sợ!”
Cu Sáu lộ vẻ đau đớn nhìn cánh tay phải nói:
“Gãy rồi.”
Tôi chửi trong bụng: “Mẹ kiếp thứ quỷ gì không biết”, rồi vươn tay tính giật phong thư trên tay cu Sáu ra đem vứt.
Lão Lưu vội quát lên từng câu rời rạc có chút kì lạ, cứ bốn chữ một bốn chữ một:
“Yêu đồng gửi thư. Nhận thư gãy xương. Ném thư nhặt xác.”
※Dịch giả chú thích: yêu đồng là yêu quái nhi đồng, yêu quái con!
Tôi nghe mà giật bắn lên, cánh tay đang duỗi ra cũng thu về lại.
Quát xong, Lưu Khánh Chúc tới ngồi chồm hổm bên cạnh cu Sáu, cắn rách đầu ngón tay, vẽ lên mặt trên phong thư mấy vòng tròn kì quái bằng máu.
Vừa vẽ vừa niệm cái gì đó.
“Con rùa già, dám chơi thủ đoạn với ta sao!”
Tôi hoá đá.
“Lão Lưu ông đang nói Lưu Vân Ba ở lầu đấy hả?”
Lưu Khánh Chúc không đáp lời, rút phong thư ra khỏi tay cu Sáu, nở nụ cười kinh dị, xé nó hai ba cái tạo thành hình thù như một con người đang giang tay chân vậy, sau đó tiện tay ném ra ngoài cửa sổ.
Không tới một phút sau, dưới lầu vang lên âm thanh cửa sổ vỡ vụn.
Lưu Khánh Chúc đứng cạnh cửa sổ, gật đầu ra chiều rất vừa lòng.
“Con rùa Lưu, cho mi nếm thử chiêu "người giấy đập cửa sổ”
Nhưng lão chưa sướng được bao lâu thì một tràng “uỳnh uỳnh” truyền lên từ dưới lầu.
Tôi trợn to mắt thấy một người giấy dần dần ló đầu lên từ cầu thang, mà trên tay nó lại đang cầm một tảng đá cực kì khổng lồ.
Trời ơi cái mẹ gì thế này??!!
Nó đi đến trước cửa rồi “RẦM” một cái, quăng luôn tảng đá vào nhà.
Nhà lão Lưu vốn bé tí, tảng đá này lăn vào trong, húc tan nát hết đồ vật trong phòng, từ bàn cho đến ghế, gạch vỡ, vụn gỗ tán loạn khắp nơi, không khác gì chiến trường.
Lão Lưu rên hự một tiếng, quệt mồ hôi, thò tay ra tóm người giấy đang đứng trước cửa, lôi vào.
Tôi lại thấy lão xé người giấy ra mấy mảnh tạo thành hình một con gì giống chó, vừa xé vừa niệm gì gì đó. Làm xong xuôi, lão thả nó xuống đất.
Tờ giấy vừa chạm đất liền “gâu gâu”, chạy quanh mấy vòng rồi phóng ra khỏi cửa.
Tôi hoá đá lần nữa. Lão Lưu lợi hại! Tôi biết! Nhưng tôi không biết lão lợi hại tới cỡ này!
Một tờ giấy qua tay lão lại biến thành một thứ không những sủa được mà còn chạy được.
Tôi hít vào một hơi, ba chân bốn cẳng đỡ cu Sáu qua một bên rồi nói với lão Lưu:
“Lão Lưu, hai người chơi nhau thế nào là chuyện của hai người. Để bọn tôi đi trước đã!”
Lão Lưu đang đánh đến đỏ cả mắt, lão chống gậy hung hăng mắng chửi một tràng:
“Con rùa Lưu kia không phải đối thủ của ta. Hai đứa mi đi đi, ta sẽ từ từ cho lão ta biết tay.”
Tôi dìu cu Sáu, hai thằng hốt hốt hoảng hoảng chạy xuống lầu.
Xuống đến lầu ba, thấy cửa nhà Lưu Vân Ba đã nát bung bét, tôi không kìm lòng được, dòm vô trong một cái.
Quần áo trên người lão rách bươm, lão ta đang ngồi xổm cúi đầu xé xé tờ giấy trong tay.
Tôi gọi taxi đưa cu Sáu đến bệnh viện. Trên đường đi, trong đầu tôi vẫn còn chưa dứt ra được khỏi trận chiến giữa hai lão Lưu.
Hoá ra trên đời này thực sự có chuyện thần tiên!
Đợi cu Sáu băng bó xong, hai chúng tôi, một thằng gãy chân một thằng gãy tay, quấn băng dày cộp, chầm chậm dìu nhau trên đường. Muốn bao nhiêu nổi bật thì có bấy nhiêu!
Về đến công ty, lão Ngô thấy thảm trạng hai thằng chúng tôi, nhíu mày hỏi:
“Hai cậu mới từ chiến trường về hả?”
Tôi trợn trắng mắt:
“Lão Ngô ông yên tâm đi, không ảnh hưởng đến việc chạy xe đâu.”
Lão Ngô nhướn mày.
“Không ảnh hưởng? Quấn một đống băng thế kia thì lái vào mắt hả? Cậu dám lái nhưng ai dám ngồi hả?”
“Tôi không sao, chỉ gãy một chút, lúc nào cũng có thể tháo băng. Không tin thì ông nhìn đi.”
Nói xong, tôi đè sự đau đớn lại mà giơ chân lên, đong đưa qua lại.
Lão Ngô thấy tôi cử động có vẻ trơn tru, cười lạnh rồi đi mất.
Tôi thở dài, chân chưa khỏi, nhưng biết làm sao, mạng chỉ có một, phải giữ cho tốt! Vả lại, tôi với cu Sáu mà không lái được, khéo lão Ngô lại tìm người khác, tôi không thể để vũng bùn này có thêm người thứ ba được.
Nằm trong kí túc xá không có gì làm, tôi lôi quyển sách cổ chôm từ lão Ngô ra lật lật mấy trang xem chơi.
Lão Lưu bảo quyển sách này gọi là "âm dương trạch đàm", nghe tên khá kêu.
Tờ nào trong quyển sách này cũng ghi rậm rạp chằng chịt kí tự kì lạ, không có hình vẽ minh hoạ cũng chẳng có bất cứ chú giải nào. Nhìn qua chẳng khác nào một đám mật mã.
Thành thực mà nói, nếu chỉ là một quyển sách dạy xem phong thuỷ thì lão Ngô chẳng việc gì phải khẩn trương bảo tôi đốt cho bằng được!
Tôi mang nghi hoặc lật qua lật lại quyển sách, nhìn mớ kí tự loằng ngoằng một lúc thì điện thoại reo.
Bạch Phàm!
Bạch Phàm đi công tác đã một tuần rồi. Cô gửi tin nhắn báo tôi giờ chiều mai đến sân bay đón.
Một tuần qua xảy ra bao nhiêu là việc, tâm lí rồi thần kinh luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Giờ coi như tạm kết thúc một giai đoạn đi, phải thả lỏng một phen mới được.
Đúng giờ chiều hôm sau, tôi đợi ở sân bay, Bạch Phàm mặc váy dài xuất hiện ở cổng ra, ôm tôi một cái thật chặt.
Nói cũng lạ, quen chưa lâu, lại cách ra cả một tuần, nhưng hai chúng tôi không những không cảm thấy xa lạ mà ngược lại còn có chút xích lại gần nhau hơn.
Bạch Phàm trông thật vui vẻ, vừa thấy tôi đã hỏi thăm hết cái này đến cái khác. Cảm giác được người khác quan tâm thế này chưa bao giờ tôi trải qua.
Cô chuẩn bị tối nay sẽ bắt xe tôi về nhà ba mẹ ở thôn Đường Oa Tử, nên muốn để nhờ hành lí trong kí túc xá của tôi.
Nếu tôi ở một mình chắc chẳng dám dẫn nữ thần về phòng kí túc xá không khác cái chuồng heo là mấy của tôi. Có điều từ hồi cu Sáu dọn đến, vệ sinh dọn dẹp gì đó, nó đều thầu hết. Kết quả là căn phòng sáng bóng, sạch sẽ ngang với cả phòng khách sạn.
Bạch Phàm nhìn thấy liền khen tôi không dứt miệng, nào là cần mẫn nào là chăm chỉ đủ các kiểu.
Tôi mặc dù có chút chột dạ nhưng vẫn sung sướng gật gật đầu công nhận, hưởng thụ nữ thần khen thưởng.
Bạch Phàm ngồi trên giường tôi, thấy quyển sách trên bàn, tò mò hỏi:
“Đây là sách gì thế, trông cũ quá nhỉ!”
Nói xong cô cầm lên.
Tôi trả lời qua quýt rằng đó là sách giáo khoa hồi ông nội đi học để lại.
Bạch Phạm nghiêm mặt lại, bảo:
“Sách giáo khoa? Sao anh phải nói dối vậy? Tên sách viết rành rành ra đây, sách giáo khoa đâu ra!”
Nghe Bạch Phàm nói mà tôi hết hồn, bốn chữ kì quái "âm dương trạch đàm" trên bìa sách này người bình thường lí ra phải đọc không hiểu mới đúng. Nếu lão Lưu không nói tôi cũng không biết tên quyển sách này.
“Anh cũng chỉ là nghe nói thôi mà. Em đọc được mấy chữ này hả?”
Bạch Phàm cúi đầu vuốt ve bìa sách, khẽ cười nói:
“Đọc được chứ, chỉ là mấy chữ đơn giản thôi mà.”
Tôi tò mò hỏi:
“Thế em nói coi, quyển sách này tên gì?”
Bạch Phàm nhấn nhá từng chữ:
“Bí kĩ trộm mộng”