Tùy Đường Diễn Nghĩa

chương 99: xét tội phản, vua nhớ ơn tôi, định tha, vẹn duyên lành, người hẹn với hoa, cùng rụng

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Từ rằng:

. Bề tôi phản nghịch, tội không tha

Thánh chúa cầm cân, luật chẳng tà

Phép nước dẫu nghiêm, ơn cũng nặng

Tử sinh đôi ngã: ái, nhân, hòa.

. Rung rinh mai nọ trắng hoa

Thâm cung lạnh lẽo sao mà muốn rơi

Phải rằng hoa lại rủ người

Hồn thơm bay tới đền đài xưa chăng?

Theo điệu "Ức thiếu niên"

Cổ nhân nói: "Cầu trung thần tất ư hiếu tử chi môn", muốn có kẻ bề tôi trung phải tìm ở cửa nhà người con hiếu, ý nói rằng đã là con hiếu thì có thể làm tôi trung. Than ôi! Thờ cha mẹ không gì lớn bằng biết giữ thân mình, từ sợi tóc, cho đến móng tay, không dám để thương tổn. Thờ vua thì lại lấy điều tận tâm, quên cả thân mình làm đầu. Hai trách nhiệm này tưởng như khác nhau, nhưng thực ra là một. Đã là bất hiếu, thì lẽ đương nhiên cũng bất trung, mà đã tận trung, thì đấy chính là hiếu vậy. Ngày xưa, có những người không làm được tôi trung. Phận làm con gặp phải người cha như thế, chính là sự trừng phạt bởi tội lỗi kiếp trước. Huống chi lại được làm con của bề tôi danh tiếng, đời đời mang ơn xã tắc, mà đến khi gặp nạn nước, không nghĩ đến việc chết theo nước lại đem thân hàng giặc, vứt bỏ cả danh tiếng của gia tộc, làm nhục cả giang sơn, thì rõ ràng là kẻ phản nghịch của quốc gia, đồng thời là đứa con bất hiếu của gia tộc. Bất trung là bất hiếu vậy. Tội quả đáng chém đầu, dẫu đấng thiên tử nghĩ đến công quả của phụ thân, mà tha ạng sống, thì tiếng nhơ để đến vô cùng, dẫu sống đó nhưng khác gì chết. Lại chẳng được bằng kẻ phi tần, đã một lần bị đày ra lãnh cung, mà chẳng hề phụ ơn mưa móc của thánh thượng, trong lúc hoạn nạn, sợ thân mang nhục, thề lấy cái chết để giữ gìn lòng trung với đấng chí tôn. May được thần tiên cứu đỡ, trong cái chết lại tìm ra đường sống, để rồi ơn phúc lâu dài, hưởng tròn mệnh trời, đời sau ngợi ca như một tấm gương tốt.

Lại nói chuyện thượng hoàng đang trò chuyện cùng Mai Phi, thì có nội thị vào tâu:

- Muôn tâu thượng hoàng, chúa thượng dâng biểu chương trình thượng hoàng!

Minh Hoàng xem, chính là việc xét xử những quan viên theo giặc. Túc Tông lúc mới về Trường An, triều đình tâu soi đưa bọn này ra chịu chỉnh pháp, thì Đông bình chương sự Lý Hiện tâu rằng:

- Trước đây khi lũ nghịch tặc vào Trường An, thượng hoàng vội vã xuất bôn. Trăm quan không biết xa giá về đâu, nên mạnh ai nấy tìm lấy đường sống. Nhiều kẻ chạy không kịp, nên đành thất thân với tụi giặc, như thế thì so với những viên tướng võ, quan văn có trọng trách giữ thành, giữ đất mà can tâm hàng giặc thì quả là khác, nay cùng xếp vào một loại mà bắt tội chết cả, không phải việc làm của bậc nhân trí vậy. Hơn nữa đất Hà Bắc chưa bình xong, những người bị giam hãm ở đấy còn nhiều, nếu mà giết tất cả người bị hãm trong tay giặc, thì chính là lại cho những kẻ này quyết lòng theo giặc thôi!

Túc Tông nghe theo, liền đem những người này xét từng người mà khoan giảm khác nhau. Nhân bên pháp ty nhiều lần tâu trình đem ra trị tội, để làm sáng tỏ phép nước, thượng hoàng cũng cho rằng, đối với lũ giặc này, không thể coi thường mà khoan giảm tội lỗi. Túc Tông bèn đem chia tất cả lũ này ra làm sáu hạng để xử xét. Pháp ty xét thấy lũ Đạt Hề Tuân, gồm một trăm hai mươi tám đứa đều đáng chém đầu, gia quyến phải làm nô lệ trong các nhà quan. Lũ Trần Hy Liệt gồm bảy đứa, ban lệnh cho tự tận, còn lại thì hoặc lưu đày biếm trích hoặc phạt trượng, tùy từng tội trạng mà xử rõ ràng. Túc Tông chuẩn theo, nhưng trong số chịu tội chém, ý muốn tha cho hai người con của Yên Quốc Công và Trương Duyệt, là Hình bộ thượng thư Trương Quân và Thái thượng khanh phô mã đô úy Trương Tự.

Vì sao Túc Tông lại muốn ân xá cho hai người này? Cũng bởi vì khi Huyền Tông còn đương làm thái tử, Thái Bình Công chúa rất ghen tức, sớm tối theo dõi mọi chuyện xấu tốt ở Đông cung phủ để ton hót với Duệ Tôn: Bọn tay chân thân cận bên cạnh Duệ Tôn, đều về hùa với công chúa, ngầm làm tai mắt. Lúc ấy Túc Tông còn chưa ra đời, mẹ là Dương phi, vốn là hàng cung nga đẹp mắt của phủ Đông Cung mà thôi, ngẫu nhiên được ăn nằm với Long Cơ Thái tử mang thai. Cung nga họ Dương thấy thế mừng lắm, thưa với Long Cơ. Lúc này Long Cơ đang bị Duệ Tôn nghi ngờ, địa vị thái tử do đó bấp bênh, bèn tính toán: "Việc này mà Thái Bình Công chúa nghe được, lại đem ra làm đầu mối cho sự xấu xa, là ta ở Đông cung rất nhiều tỳ thiếp được chiều chuộng, xiểm nịnh ngay trước mặt phụ hoàng, chi bằng lấy thuốc thôi thai. Chỉ tiếc rằng không rõ là trai hay gái!". Tính đi tính lại, chẳng biết bàn bạc với ai. Trương Duyệt đương làm thái tử thị giảng, nên luôn được ra vào Đông cung phủ, liền đem chuyện này ra hỏi. Trương Duyệt bèn khuyên:

- Dòng dõi rồng thiêng, nào phải có thể dễ dàng vứt bỏ cho được!

Thái tử bèn đáp:

- Ta tuổi còn ít, đường con cái nối dõi nhất định chẳng thiếu, việc gì lo lắng vì một cái thai của lũ cung nga này, để rồi phải đối phó với lời ra tiếng vào, nhưng không thể cho tay chân ở đây biết được Xin tiên sinh hãy lo liệu hộ thì may mắn lắm!

Trương Duyệt đành vâng lời, về nhà nghĩ ngợi: "Cung nữ mang thai, nếu sinh con trai, chẳng thiên tử cũng vương tôn, nay mà coi thường bỏ đi; thì đáng tiếc bao nhiêu, biết đâu mai kia lại hối hận. Nhưng nếu như không nghe lời Đông cung, thì lời đồn xấu xa không thể tránh khỏi, ý Đông cung đã quyết như thế, khó mà cưỡng lại. Nay Đông cung đã ủy cho ta tìm thuốc, ta hãy tuân theo mệnh trời mà làm vậy. Cứ cắt lấy hai thang thuốc, một thang an thai, một thang thôi thai, đưa trình Đông cung tâu rằng đều là thuốc thôi thai, đợi đã dùng một thang rồi, nếu đúng là thang an thai, thì quả là mệnh trời chưa nỡ tuyệt, lúc ấy ta sẽ dùng lời lẽ mà khuyên Đông cung giữ thai lại vậy"

Đến ngày hôm sau, giấu kín hai thang thuốc trong ống tay áo, vào phủ trình:

- Đây đều là thuốc thôi thai rất hiệu nghiệm, xin hãy cứ cho uống một gói xem sao đã!

Thái tử rất mừng, đêm ấy đuổi hết tay chân, đặt lò thuốc ngay ở trong phòng ngủ, tiện tay lấy một gói thuốc, sắc rất cẩn thận, bưng đưa cho Dương Thị, nói rõ đầu đuôi, lấy lời ôn tồn khuyên nhủ. Dương Thị vốn không đang, nhưng không dám trái mệnh thái tử, đành vừa khóc vừa uống kỳ hết. Thái tử thấy uống xong, yên tâm thế nào thai cũng ra, chẳng ngờ bụng dạ Dương Thị vẫn chẳng động đậy, mà lại còn yên ổn là đường khác, ngủ thẳng một mạch cho đến sáng, bởi được uống thuốc an thai vậy?

Thái tử lấy làm kỳ lạ, ngày hôm ấy phải vào nội cung hầu yến với Duệ Tôn nên chưa kịp gặp Trương Duyệt, mãi đến tối mới được quay về Đông cung phủ, lại đuổi hết tả hữu, đặt lò, nấu nốt gói thuốc còn lại. Nấu sắp được, bỗng thấy trong người mỏi mệt, lim dim ngủ gật, tâm thần mơ mơ màng màng, trên mái điện cô một luồng ánh sáng đỏ rực lấp lánh, trong khoảng sáng rực rỡ đó, hiện lên một vị thần, hình dáng quả là:

Mắt đỏ râu dài

Mày tầm mắt phượng

Mình cao khoảng hơn trượng, mặc áo gấm thêu màu xanh.

Lưng rộng chừng mười vi, thắt đai tơ nạm ngọc trắng

Thần uy lẫm lẫm

Tướng mạo hùng hào

Ngờ rằng Đại Hán Thọ Đình Hầu

Đúng thật Tam giới Phục Ma Đế.

Vị thần lượn quanh trên hỏa lò một vòng, rồi không thấy đâu nữa. Thái tử kinh hoàng, đứng dậy xem xét, thì thấy siêu thuốc lăn quay, than lửa trong lò đã tắt ngấm cả, lấy làm kinh hãi vô cùng.

Ngày hôm sau, Trương Duyệt vào phủ, thái tử kể lại chuyện đun hai lần thuốc thế nào, rồi lại lệnh cho tìm thuốc khác. Trương Duyệt bái lạy chúc mừng, rồi thưa rõ ràng:

- Đây chính là thần thánh phụ hộ bậc con rồng cháu thánh vậy. Vốn trước thần đã nói dòng giống thánh đế không thể xem thường, nhưng chỉ sợ phạm uy của điện hạ, nên mới thử xem mệnh trời đoán định ra sao. Hai gói thuốc hôm nọ thần dâng lên một gói là thuốc an thai, tức là gói uống đêm hôm trước. ý thần là để mặc điện hạ chọn lấy một gói, ở bên trong đã có số trời định sẵn, ngược lại chuyện thôi thai lại thành an thai. Lần thứ hai định cho uống gói thôi thai, thì lại có thần linh xuất hiện cứu đỡ. Ý trời như thế đã rõ. Dẫu điện hạ có lo chuyện dèm pha đi nữa, thì vẫn còn có mệnh trời. Kẻ đang còn trong bụng kia, rõ ràng không phải bậc tầm thường. Còn phải giữ gìn chu đáo vậy?

Thái tử nghe theo, bỏ ý định phá thai, nên lại nói riêng với Dương Thị phải giữ gìn cẩn thận. Dương Thị thường thèm ăn của chua, thái tử không sai bọn tay chân, nói riêng với Trương Duyệt. Trương Duyệt mỗi lần vào Đông cung phủ giảng sách, thường giấu mơ chua, dưa chua để dâng lên. Lại mừng là thai rất khỏe mạnh.

Chẳng bao lâu Duệ Tôn cho Thái tử Long Cơ lên ngôi, tức Đường Huyền Tông. Đến năm sau Thái Bình Công chúa vì mưu thoán nghịch mà phải chết, trong cung trở nên yên ổn. Túc Tông ra đời, ngay từ nhỏ đã tỏ ra tuấn tú khác thường, trước mắt các quan đại thần, Trương Duyệt khéo léo rất giống Đường Thái Tông Lý Thế Dân, vì vậy Thái thượng hoàng Duệ Tôn rất vừa ý, phong ngay làm Trung Vương. Đến khi thái tử Anh bị phế, liền được Huyền Tông lập làm Thái tử.

Chính là:

Xây nền đắp gốc tự trong thai

Gìn giữ vuông tròn ấy thật tài

Vóc dáng thật như ông nội lắm

Đông cung ngôi báu hẳn lên ngay

Trương Duyệt vì vậy trong những năm Khai Nguyên, rất được nể vì. Đến khi Túc Tông lên ngôi, Dương Thị đã chết, được phong là Nguyên Hiền Hoàng hậu, Dương Thị thường ngày vẫn đem chuyện mang thai lạ lùng của mình kể cho Túc Tông nghe, Túc Tông do đó rất đội ơn Trương Duyệt. Hai người con của họ Trương: Trương Quân, Trương Tự, từ nhỏ là bạn thân cùng vui chơi, ăn uống với Túc Tông, chẳng khác gì anh em ruột. Trương Duyệt chết rồi, hai người đều làm quan cao, Trương Tự được kén làm phò mã, ân sủng tưởng chẳng ai hơn. Không ngờ vì theo Lộc Sơn mà phải tội chém. Túc Tông bởi không quên ơn cũ, cũng muốn tha tội, nhưng vì đã có ý của thượng hoàng rằng lũ quan viên theo giặc, không thể coi thường mà tha tội, nay nếu đặc xá cho hai người này, nhất định không dám không tâu lên Minh Hoàng, may ra Minh Hoàng nghĩ đến chuyện xưa mà bằng lòng chăng? Không ngờ thượng hoàng xem xong biểu tâu, liền ngự phê ngay rằng: .

"Trương Quân, Trương Tự đội ơn sâu của quốc gia, nhưng tán tận lương tâm mà theo giặc, quả thật phản thần của triều đinh, đúng là con ngỗ nghịch của Trương Duyệt, tội không thể tha được. Ta nay đã già rồi, chẳng muốn thay đổi công việc của triều đình làm gì, nhưng việc giết kẻ phản nghịch, trừng trị kẽ tội lỗi là lẽ trọng của phép nước, chỉ có thể tuân theo, không thể lấy tình riêng mà làm sàng bậy, phải chiếu theo nghị luận rõ ràng của pháp ty mà làm vậy thôi!

Vì sao thượng hoàng lại không bằng lòng tha cho hai người này. Cũng có nguồn cơn cả. Nguyên là xa giá lên đường đi Thục, khi tới Hàm Dương, Huyền Tông quay lại hỏi Cao Lực Sĩ:

- Trẫm ra đi chuyến này, trăm quan phần lớn đều chưa biết ngay, nên số đi theo còn rất ít. Khanh hãy đoán ai là người sẽ theo trước tiên nào?

Lực Sĩ thưa:

- Những bậc lâu nay, chẳng bao giờ ăn ở hai lòng, nhất định đều sẽ đi theo. Chỉ có Thị lang Phòng Quán người người vẫn đồn. sẵn tài làm tể tướng, nhưng vẫn chưa được triều đình cất nhấc, nhất là được An Lộc Sơn tiến cử nữa, nay sợ sẽ không theo. Còn thượng thư Trương Quân, phò mã Trương Tự, chịu ơn dày của hoàng gia, lại hàng quốc thích, tất sẽ đến với bệ hạ đầu tiên vậy.

Huyền Tông mỉm cười, lắc đầu:

- Chuyện này thì không chắc chắn đâu!

Xa giá đến Tấn An, Phòng Quán theo đến lạy chào trước xe, Huyền Tông cúi xuống hỏi:

- Khanh có thấy Trương Quân, Trương Tự ở đâu không?

Phòng Quán thưa:

- Thần đã hẹn cùng lên đường. Nhưng họ do dự chẳng quyết, thần xét ý tứ có vẻ khác thường.

Huyền Tông quay lại nói với Lực Sĩ:

- Trẫm vốn biết hai người này là hạng hèn hạ, tham lam lại bất nghĩa mà lại.

Lực Sĩ thưa:

- Lũ này chịu ơn dày nặng đến thế mà còn ăn ở hai lòng, thì quả là khó mà liệu tính được lòng người vậy!

Từ đó thượng hoàng thường nguyền rủa hai người này không tiếc lời nên giờ không chịu ân xá cho. Túc Tông được chỉ, lòng vẫn không yên, thân tới Hưng Khánh cung, yết kiến thượng hoàng, tâu rằng:

- Thần đâu dám vì tình riêng mà làm bại hoại phép nước. Nhưng thần nghĩ rằng trước đây nếu không có Trương Duyệt, thì làm gì có thần ngày nay. Vì vậy không thể không uyển chuyển ít nhiều để khoan ân cho lũ con cái, cúi xin phụ hoàng hãy đặt ra ngoài phép nước, mà thương cho ít nhiều.

Thượng hoàng vẫn không bằng lòng. Mai Phi đứng bên cạnh đỡ lời:

- Nhà họ Trương cả hai con đều phải hứng chịu phép nước, quả là Yên Quốc Công mai này không người tế lễ, thật cũng ái ngại quá chừng. Huống chi Trương Tự lại là phò mã, hoặc có thể vin vào việc thân thích mà khoan giảm cho ít nhiều chăng .

Túc Tông hai ba lần năn nỉ, thượng hoàng mới phán:

- Ta nể mặt kim thượng, mà khoan ân cho Trương Tự, còn Trương Quân, ta còn nghe y dẫn bọn phản nghịch lùng sục khắp cung cấm, phá đổ bao cung điện của ta, quyết không thể sống.

Túc Tông không dám nói gì nữa, tạ ơn lui ra. Thượng hoàng ngay hôm ấy liền ban chiếu:

"Trương Quân, Trương Tự đáng tội chém là đúng. Nay theo ý của kim thượng thì Trung Quân đem chịu chính pháp, còn Trương Tự tha à đày ra miền Lĩnh Nam.

Tên Đạt Hề Tuân, khi giặc An Lộc Sơn hiến ngựa, có dâng mật biểu can gián, nên nay chỉ chém một mình y, còn toàn gia quyến thì cho khỏi tội vào làm nô lệ trong nhà quan.

Các việc khác như lời nghị xét mà làm."

Chiếu ban xuống, pháp ty cứ thế thi hành, Trương Quân cùng lũ Đạt Hề Tuân đều phải đem ra chịu chém ở chợ.

Chính là:

Ngày xưa Diều Sùng chết

Sai bảo được Trương Duyệt

Ngày nay Trương Duyệt chết

Không cứu được Trương Quân.

Hồi trước, khi Trương Duyệt khởi công làm phủ đệ của mình, có một nhà sư giỏi thuật phong thủy, tên gọi là Pháp Hoàng, đến xem quy mô của phủ đệ, nói rằng:

- Miếng đất này rất tốt, phú quý nối đời này sang đời khác không hết. Nhưng nhất định không lấy đất ở góc tây bắc kia, dù ít cũng không dược?

Trương Duyệt lúc ấy cũng không để ý lắm đến lời dặn dò này, chẳng hề nhắc nhở người nhà. Mấy năm sau. Pháp Hoàng quay lại, kinh ngạc nói:

- Cớ sao khí tượng ở đây giờ sa sút khác thường, tất là có kẻ đã đào đất ở góc tây bắc rồi đây mà!

Vội vàng ra xem, quả nhiên bọn người làm đào đất ở đây để đổ nền, khoét thành ba bốn hố rất lớn, hố nào cũng sâu đến mấy thước cả. Trương Duyệt vội sai người khiêng đất lấp lại như cũ, Pháp Hoàng phán:

- Đắp lại như thế có ích gì! Đất mượn làm gì có khí sắc như cũ được!

Vì thế thở than mãi không thôi, nhưng Pháp Hoàng chỉ nói riêng với người khác rằng:

- Trương đại nhân phú quý chỉ hưởng đến đời mình là hết, hai mươi năm sau, bọn con cái khó mà giữ được cho toàn mạng, chứ đừng nói gì giàu sang.

Đến nay, những lời này quả nhiên là đúng. Đời sau có người làm thơ cãi rằng:

Tai vạ chẳng vì đất đắp nền

Đừng tin nhảm nhí, nói quàng xiên

Làm ăn chính trực, tâm trong sáng

Lòng người yên thì thổ trạch yên.

° ° °

Nhàn rỗi, nói miên man, lại quay lại chuyện Đường Minh Hoàng ở cung Hưng Khánh, công việc triều đình đều không nhìn đến nữa, duy chỉ có việc gì thật lớn, như kéo quân đi đánh dẹp, thi hành những hình phạt lớn, phong thưởng cao, Túc Tông đều có dâng biểu tâu trình. Lúc này, Túc Tông đã lập em gái Trương Lương làm hoàng hậu.

Trương Hoàng hậu quả là không chút hiền lành, từ thuở theo Túc Tông trong quân doanh, thường vẫn kín đáo cờ bạc vui chơi với Túc Tông ngay trong trướng, tiếng ầm ĩ ra cả bên ngoài nghe rất rõ, mới mật sai khắc những con cờ, con xúc xắc bằng gỗ để không nghe rõ tiếng kêu. Tính tình Trương Hoàng hậu vừa giảo hoạt vừa thông tuệ nên rất vừa lòng Túc Tông, đến khi được lập thành hoàng hậu, vì vậy dễ áp chế nhà vua, lại nương dựa vào hoạn quan Lý Phụ Quốc. Phụ Quốc tiến dẫn theo một loạt bọn cùng cánh như Ngư Triều Ân, Thời An...

Cũng bởi loạn An - Sử chưa diệt hết, nên lệnh cho Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật cùng chín viên tiết độ sứ mãi kéo binh tiễu trừ kỳ hết. Lại thấy bọn hoạn quan Ngư Triều Ân làm Quang quân dung sứ giám sát tất cả quân đội, quân sĩ không phục. Đến lúc ra trận, lại không may gặp trận gió lớn nổi mù trời tối đất, tất cả các toán quân đều thua chạy toán loạn. Quách Tử Nghi đem quân Sóc Phương, chặt cầu Hà Dương để giữ lấy Đông Kinh. Túc Tông nghe theo lời Ngư Triều Ân, triệu Quách Tử Nghi về triều, sai Lý Quang Bật thay.

Lúc Quách Tử Nghi lên đường về kinh sư, trăm họ khóc lóc lăn ra đường giữ lại, Tử Nghi phải cưỡi ngựa không, bỏ cả xe mà về Trường An. Thượng hoàng nghe tin, sai người nói miệng với Túc Tông:

- Hai tướng Lý, Quách đều có công lớn, nhưng công của họ Quách còn lớn hơn cả công họ Lý, phục hưng nhà Đường vừa qua, đều là công lao của họ Quách. Thất bại vừa rồi chỉ bởi không được tự quyết đoán mọi sự, chứ thực ra chẳng có tội gì.

Túc Tông vâng mệnh, nên khi ban lệnh phong thưởng, thì Lý Quang Bật được phong làm Thái úy Trung thư lệnh, Quách Tử Nghi được phong Phần Dương Vương. Phú quý mà Tử Nghi được hưởng này, chẳng ai là người dám ghen tỵ. Ngay cả khi còn nắm quyền hành rất lớn, cai quản cả quân đội triều đình, giữa lúc có chiến trận ở ngoài hành doanh, mỗi lần có chiếu thư, biểu chương đều nói, đều làm rất minh bạch, thẳng thắn, vì vậy chẳng ai có thể hiềm khích, chê bai. Con trai Quách là Quách Ái, đời Đường Đại Tông, được lấy công chúa Thăng Bình, mỗi lần vợ chồng cãi nhau, Quách Ái chửi công chúa:

- Mày cậy cha mày làm thiên tử phải không? Cha ta coi ngôi thiên tử không đáng, nên chẳng thèm làm đấy thôi!

Thăng Bình Công chúa bèn đem những lời này mách lại Đại Tông, Tữ Nghi bèn nhốt Quách Ái lại, chờ chịu tội. Đại Tông biết chuyện, nhưng lệnh dẹp đi không hỏi đến, vẫn sợ Tử Nghi trong lòng thấp thỏm không yên, bèn ban lời phủ dụ rằng:

- Chẳng đui chẳng điếc, thì làm sao thế nào mà thông gia với nhau cho được. Những lời của bọn nhi nữ, thiếu niên ở trong buồng ngủ, chẳng hơi đâu mà nghĩ ngợi cả!

Mấy đời đối xử ơn nghĩa đến thế. Tử Nghi những năm cuối, xin về nghỉ ở phủ riêng, lấy chuyện thanh sắc làm vui, các tướng dưới trướng ngày xưa, ra vào ăn ngủ tùy thích, Tử Nghi đều đối xử rất thoải mái, như lúc còn gian lao. Tử Nghi có tới bảy con trai, tám con rể, tất cả đều làm quan hiển hách. Trong nhà, của quý chất như núi, hưởng thọ tới tám mươi lăm tuổi, mãi tới năm thứ hai hiệu Kiến Trung, đời Đường Đức Tông mới khuất núi, được triều đình đứng ra làm lễ tống táng, ban tên thụy, thật đúng là "Phúc thọ song toàn, sinh vinh tử ai!"

Sách "Đường sử , nói rất đúng, rất hay rằng: "Ròng rã ba mươi năm trời, thiên hạ an hay nguy, đều lệ thuộc vào sự cống hiến của Quách Tử Nghi. Công nghiệp vậy quả là bao trùm cả thiên hạ, mà thiên tử không chút nghi ngờ. Ngôi bậc như vậy là đứng trên cả trăm quan từ lớn đến nhỏ, mà người người không chút ghét ghen. Hưởng thụ cùng cực xa hoa mà không hề có một lời chê trách. Một công thần cả bốn chữ: Phú, Quí, Thọ, Khang đều đủ như thế, quả là từ xưa đến nay, chưa có ai hơn?"

Nhưng đó là chuyện sau này, để khỏi phải nói lại mà thôi. Hãy tiếp chuyện Đường Minh Hoàng ở Hưng Khánh cung thường nghĩ tới công lao của Quách Tử Nghi, nhân đó phán rằng:

- Tử Nghi thuở ban đầu mà không gặp Lý Bạch, tính mạng cũng chẳng giữ nổi, nói gì đến chuyện kiến công lập nghiệp. Thế mới biết Lý Bạch có con mắt thấy rõ bậc anh hùng, chứ đâu phải chỉ là kẻ thư sinh, chỉ biết mỗi chuyện văn tự thôi đâu.

Lúc này chính là lúc Lý Bạch vì dính dáng với Vĩnh Vương Lý Lân mà phải đi đày mãi Dạ Lang. Thượng hoàng liền xuống đặc chỉ ân xá cho trở về rồi giục triều đình ban quan tước cho ngay, thì nghe tin đã qua đời rồi. Thượng hoàng than thở mãi không thôi.

Mai Phi thường nghe thượng hoàng ngợi ca tài năng của Lý Bạch, nhớ chuyện trước kia, nói riêng với Cao Lực Sĩ rằng:

- Ta trước kia đã từng mong đem nghìn vàng để mua một bài phú, bắt chước như bài "Trương Môn phủ" của Tư Mã Tương Như, người nói rằng thiên hạ hiện nay chẳng có ai có tài như vậy, từ chối không chịu thuê cho ta. Thế Lý Bạch này thì sao? Chẳng nhẽ không bằng Tương Như?

Lực Sĩ thưa:

- Lúc bấy giờ Lý Bạch chưa vào Trường An, thì kẻ hèn này tìm đâu cho ra được. Vả lại Dương Quý Phi đang được thượng hoàng rất sũng ái, chẳng thế nào lấy chữ nghĩa văn chương mà giằng cho ra được. Nếu làm được việc ấy, thì bài "Lâu Đông Phú" của nương nương, há chẳng phải tuyệt diệu, nhưng rồi cũng có làm nên chuyện gì đâu?

Mai Phi gật đầu:

- Người nói cũng có lý vậy!

Nội thị vào tâu, Giang Nam thứ sử dâng hoa mai đã về đến kinh sư. Nguyên là từ khi Mai Phi được quay lại hầu hạ thượng hoàng, thì bốn phương lại theo lệ cũ tiến hoa mai. Nhưng Mai Phi có hoa mai của tiên cho, thì những thứ mai của trần gian đều trở thành bình thường. Cành tiên mai này, quả là nở suốt cả bốn mùa, hương càng ngày càng ngát thơm, sắc càng ngày càng trong trắng. Mai Phi lúc nào cũng để ngay cạnh thưởng ngoạn.

Bỗng một hôm sớm dậy, thấy mùi hoa chỉ còn thoang thoảng, sắc hoa cũng có vẻ tiều tụy, cầm lên khẽ rung nhè nhẹ, thấy từng cánh, từng cánh bay lượn, rơi xuống nền điện, Mai Phi kinh hãi kêu:

- Tiên sư đã dặn rằng: Ta cùng với hoa là một mệnh, cùng sống chết với nhau. Nay hoa đã tàn rồi, mệnh ta cũng đã rõ!

Từ đó trong lòng thảng thốt không yên, chẳng mấy chốc thành bệnh, nằm dài trên giường không dậy dược nữa. Thái y viện bắt mạch xem bệnh, cắt thuốc dâng lên. Mai Phi không chịu uống, mà rằng:

- Mệnh số sắp hết, há thuốc hay có thể vãn hồi được sao!

Thượng hoàng thân ngự thăm, ngồi trên giường, vuốt ve khắp người, cầm tay mà an ủi:

- Khanh bỗng nhiên mắc bệnh, có gầy thêm ít nhiều, chỉ cần chịu khó uống thuốc là lại lành bệnh mà thôi!

Mai Phi khóc mà thưa:

- Thần thiếp từ ngày lui về cung Thượng Dương, tự coi mình là kẻ bỏ đi rồi, sau đó gặp bao hoạn nạn, những tưởng tính mệnh chẳng còn. Không ngờ vẫn còn được sống để hầu hạ đấng chí tôn, thật đã là vạn phần may mắn. Nay phúc duyên đã hết, tiên sư đã nói: cùng hết mệnh với hoa mai. Thế thì rõ ràng đã đến kỳ rồi. Sau khi thiếp chết, cành mai kia có giữ lại nhân gian, cũng chẳng trồng được. Đem mà chôn theo, sợ không kính cẩn, tốt hơn cả hãy đem ra trước Phật đường mà đốt.

Thượng hoàng vẫn phán:

- Khanh nói những chuyện ấy làm gì vội!

Mai Phi lại thưa:

- Người ta ai mà chẳng chết, đến nay thiếp qua đời, có thể gọi là toàn mệnh rồi vậy. Thật quả còn hơn nhiều người lắm. Huống chi thiếp mất nhưng tinh thần chẳng hề hủ nát, lại nhận vào miền tiên cảnh, nhất định chẳng thể khổ sở. Chỉ hận rằng, ơn thánh đế dồi dào, dẫu có nghĩ tới báo đáp cũng chẳng xong, thật không lúc nào khuây!

Thượng hoàng tiếp:

- Khanh trong sạch thông tuệ đến thế, đúng là bậc thần tiên rồi. Nhưng do đâu mà khanh biết rằng mai sau khanh sẽ được về tiên cảnh?

Mai Phi đáp:

- Đêm hôm trước thiếp nằm mơ, lại gặp tiên cô Vi Thị, ngay trong mây trời, tay đỡ một con chim anh vũ trắng, tay kia chỉ vào chim mà nói với thiếp rằng: "Con chim này nhân túc duyên thiện quả mà được từ trong cung vua về Phật. Nay lại được từ nước Phật mà về miền tiên cảnh. Tại sao mà người lại không được như chim sao. Quý Phi hai kiếp vừa qua thác sinh vào cung vua, phải luôn nhớ vào nguồn gốc của mình, đừng luyến tiếc gì nữa cõi trần, cung Nhụy Châu vốn là quê quán của Quý Phi, sao không sớm về?". Cứ như những lời này, thì may ra không đến nỗi rơi xuống hố xấu xa vậy!

Thượng hoàng rơi nước mắt:

- Khanh bỏ cả trẫm về tiên cảnh như thế, thì những năm cuối đời này, trẫm còn sống với ai?

Mai Phi cúi lạy trên gối:

- Nguyện thượng hoàng "thánh thọ vô cương", xin đừng vì chuyện ra đi của thần thiếp mà làm đau lòng!

Nói xong ngồi ngay dậy, giơ hai tay vái lên không trung, mà kính cẩn:

- Tiên cô tới rồi! Thiếp xin đi đây?

Rồi nhắm mắt qua đời.

Chính là:

Dẫu xưa thác dưới gốc mai

Mã Ngôi nỗi ấy thương ai vật vờ

Mừng nay người rụng theo hoa

Nhụy Châu cung, gặp Phật bà, Tiên Cô.

Thượng hoàng không ngờ Mai Phi ốm thế mà đã qua đời, ôm mặt khóc lớn. Cao Lực Sĩ ra công khuyên giải. Thượng hoàng phán:

- Mai Phi cùng với trẫm, chẳng khác nào duyên nợ mấy kiếp với nhau rồi, nay bỏ trẫm mà đi như thế này, không đau xót làm sao được!

Liền lệnh cho lấy lễ Quý Phi mà khâm liệm, mai táng cho Giang Thái Tần. Lại sai trồng rất nhiều hoa mai xung quanh mộ, ban cho cỗ tế, tự làm một văn tế, đại lược như sau:

Dung nhan nàng chừ, như hoa xinh tươi

Đức độ nàng chừ, như ngọc sáng ngời

Ta không quên nàng, gửi tình riêng vào vật báu

Nàng chẳng phụ ta, trao mạng đẹp vào cõi không

Như ngọc trong lóng lánh

Như đá cứng trung trinh

Nàng bỏ ta mà đi chừ, như cánh mai phơi phới

Ta một mình ở lại chừ, như hồn bướm vật vờ.

Thượng hoàng nhớ lời dặn dò của Mai Phi, liền sai đem cành tiên mai, lấy đỉnh hóa trước Phật đường. Nói ra thì thật kỳ quái khó tin, cành mai vừa đưa vào lò, mùi hương bỗng tỏa ngát, hàng vạn đốm lửa nhấp nháy, bay thẳng lên không trung, chẳng khác gì đốt một đống lửa lớn. Những đốm lửa lấp lánh đó, đều mang hình hoa mai, bay cao rồi biến mất vào chín từng mây.

Chính là:

Giống tiên không ở lại trần

Hoa mai lại trở về sân Diêu Trì.

Sau này, có người nhân chuyện cành mai khô này bỏ vào thiêu trong lò, biến thành hàng vạn đóa hoa mai bằng lửa, có làm một bài văn để làm vui, lời lẽ rất trau chuốt, xin phụ chép ra đây luôn:

Trời lạnh, bình đồng, nụ nở chưa

Cành nam chầm chậm, gió xuân chờ

Hoa lê lối ấy, đừng vào mộng

Một tấm lòng, thành một nắm tro

Nhớ hoa xưa:

Ẩn kín trong lò hóa của Phật tổ

Hiện rõ trước linh vị của Tiên Mai

Vốn quê ở núi La Phù,

Về trồng ở miền Dứu Lĩnh

Hình khô như que củi, gồ ghề này núi kia đầm

Da mượt hơn mỡ đông, óng ánh ấy sương hay tuyết

Giữa đông giá rét, đứng trong tranh tam hữu hiên ngang

Xuân mới ôn hòa, chiếm đầu nhóm bách hoa chững chạc

Lều tranh gác ngọc, không chút bận lòng

Điều vạc nêm canh, còn khi kết quả

Ai ngờ đạo trưởng chậm bước, vội lìa gốc bẻ mà cất bước.

Cũng do mưa gió dập vùi, nên đành trở lại nước Hoa Tư

Xương lò than gọi hoài không tỉnh

Hòn cắt giấy hú mãi chẳng về

Màn mỏng đêm dài, lẩn quẩn tìm hương trong giấc mộng

Rèm che trăng sáng, đu đưa giỡn bóng trên đầu cành

Dạ đá lòng gang, Tống Quảng Bình tĩnh kia khó dứt

Tô xanh bôi đỏ, Hoa Quang Lão gắng vẽ chẳng nên

Buồn sao tơi tả một cành xuân

Mừng gặp Nát Bàn ba kiếp lửa

Hỡi người quân tử quý hoa khắp cõi thấp cao

Tìm kiêm hồn thơm nay ở nơi nao!

Ôi! Thôi thôi! Ví không thơ thẩn mà theo gió đông

Hẳn đã dập dờn trên dòng trăng lạnh.

Lại kể, Túc Tông nghe tin Mai Phi đã mất, hoàng thượng rất buồn rầu, liền tự thân đến an ủi, kính cẩn làm lễ tế trước linh vị Mai Phi. Các phi tần, cung nga đều mang lễ tới viếng. Chỉ có Trương Hoàng hậu, thác bệnh không chịu đến. Thượng hoàng bực bội, không bằng lòng, nói với Cao Lực Sĩ:

- Hoàng hậu ngạo ngược đến thế thì thôi!

Lực Sĩ khẽ tâu:

- Nội giám Lý Phụ Quốc cùng về hùa với hoàng hậu, phàm những việc tai quái của hoàng hậu, đều là do Phụ Quốc dẫn dắt cả thôi.

Thượng hoàng ngạc nhiên:

- Trẫm từ lâu đã nghe thằng hèn hạ này chuyên quyền tai quái lắm. Đợi lúc nào đức kim thượng lại đây, trẫm phải nói cho rõ mới được.

Lực Sĩ thưa:

- Hoàng hậu áp chế đức vua đã lâu, Phụ Quốc lại nắm quyền bính trong tay, thế lực như vậy chẳng thể lung lay đâu, đến đức vua chẳng làm gì được. Thượng hoàng có nói cũng vô ích, chi bằng hãy gác ngoài tai đừng bàn luận gì lại hơn.

Thượng hoàng trầm ngâm không đáp.

Chính là:

Vợ ngược, đứa ớ ác

Chả thuốc nào chữa được

Dù khéo nói bao nhiêu

Chỉ càng thêm ác ngược.

Không biết sự thể sẽ ra sao, xem thêm hồi nữa sẽ rõ. --------------------------------

Pháp luật phong kiến quy định "Bất nghi", là tám trường hợp phạm tội mà được khoan giảm: Nghị thân, nghị cố, nghị hiền, nghị năng, nghị công, nghị quý, nghị cần, nghị tân (Hán Việt tân tự điển). Đây chính là vận dụng "uyển chuyển" trường hợp nghị thân! Hưởng phúc, sống lâu, cả hai đểu vẹn toàn, sống thì vinh hiển, chết thì được thương xót, cúng tế. Diêu Trì: Ao bằng ngọc. Chỗ ở của bà tiên Tây Vương Mẫu. Theo Trương Công Phủ: muốn thưởng thức hoa mai cho trang trọng, phải có đủ hai mươi sáu điều kiện: phải có bình bằng đồng mà cắm, phải có mưa phùn lạnh, phải có trăng sáng, phải có người đẹp, trời phải có mây mỏng nhẹ che... Thơ Vương Kiến, "Lê hoa mộng" có câu: "Lạc, hạc, mạc mạc lộ bất phân; Mộng trung hoãn tác, lê hoa vân" (Mịt mù, mơ màng, đường không rõ ràng; Trong giấc mộng, bảo rằng là mây của hoa lê) Sách "Long thành lục": Đời Khai Hoàng nhà Tùy, Triệu Sử Hùng đi chơi núi La Phù, đến một quán rượu, có người con gái ra vời, lại thêm một tiểu đồng múa hát. Sử Hùng say ngủ mãi, sáng mai tỉnh dậy thì thấy mình ngủ dưới một gốc mai. Sách Quyện du lục: Một phụ nữ trồng nhiều cây hoa mai ở Dứu Lĩnh, cùng chồng quay về thăm, mai đã thành rừng, do đó núi này cũng có tên là Mai Lĩnh. Các nhà thơ xưa thường tả mai gầy như dáng người phụ nữ: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần", truyện Kiều. Cổ thi: "Nhân gian na hữu thử cù tiên" (Trên trần sao lại có cô tiên xù xì thế), chỉ Vỏ Cây mai xù xì, nham nhở. Truyền thống vẽ tranh Trung Quốc: ba cây chịu được lạnh mùa đông: mai, tùng, trúc. Cổ thi: "Thả hướng bách hoa đầu thượng khai" (Hãy cứ đi trước trăm loài hoa mà nở hoa trước đã). "Kinh Thư", thiên "Duyệt mệnh", vua Cao Tông nhà An, nói với tể tướng Phó Duyệt. Về việc nấu canh, nêm canh thì nhà ngươi sẽ là muối, là mơ. Sách "Quần phương phả". Hoa Quan Trưởng lão vẽ mai. Hoàng Lỗ Trực xem bức tranh rồi khen: "Như buổi sáng đầu xuân, trời vẫn còn rét, mà đi men theo bờ rào cạnh dòng suối nhỏ dưới chân núi Cô vậy thay". Thần thoại Trung Quốc kể: Bà Hoa Tư dẫm lên một vết chân người rất to, có mang mười hai năm, đẻ ra ông Phục Hy. Hoa Tư cũng là tên nước cổ đại dân chúng sống rất yên hàn, hòa mục. Ý hai vế này thực ra không rõ lắm. Xin dẫn nguyên văn như sau: "Bất liệu đạo nhân kiên vãn, trục ly hữu sắc chi căn; Phù hà băng thị tương lăng, để phản Hoa Tư chi quốc". Sách "cổ kim hợp bích": Tống Quảng Bình làm tể tướng, dáng dấp cứng cỏi. Mọi người cho ông là dạ đá gan sắt, chẳng có tình cảm gì. Nhưng khi đọc bài "Phú hoa mai" của ông thì lời văn đẹp đẽ, mới lạ, không giống với vẻ người. Xem chú thích trước, nhưng ý lại nói, dẫu có tài như Hoa Quan Trường lão cũng khó mà vẽ được cái thần của hoa mai. Nguyên văn: "Xà bì tam muội hỏa". Xà bì, tiếng Phạn, theo kinh Phật, nghĩa là đốt cháy. Lâm Bô, người đất Tiền Đường; tự Quán Phúc, ưa thanh đạm, không màng danh lợi, ẩn tại Cô Sơn, hai mươi năm liền không bước chân tới thị thành, thơ hay, chữ tốt, vẽ đẹp, không lấy vợ, trồng nhiều mai, nuôi hạc. Người đời nói về Lâm Bô: "Mai là vợ, hạc là con" . Nay ở Tây Hồ còn mộ, trên mộ trồng mai, cạnh là mộ của hạc. (Điển cố văn học)

Truyện Chữ Hay