Tùy Đường Diễn Nghĩa

chương 75: thỏa tình si, chồng vợ đội ơn, vì việc nghĩa, anh em phải chết.

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Từ rằng:

Có ý nên duyên

Há cứ phải chỉ hồng xoắn xuýt?

Kìa xem như Hồng Phất tài cao

Dược Sư tình tha thiết

Tư Mã Lâm cùng ngón đàn mê mệt

Văn Quân tình nồng

Mới tương phùng

Mà đã biết anh hùng

Mừng khôn xiết

Có một giống

Duyên trời kết

Có một giống

Dấu bèo gặp

Than tình thơm chưa dứt

Hồn ngây chưa tuyệt.

Bất Vi nhà Tần đem chém đầu,

Ngưu Kim Đông Tấn cũng bị giết

Những chuyện này

Sử sách phân minh

Nói sao hết!

Theo điệu "Mãn giang hồng"

° ° °

Nay không nói chuyện Đường Trung Tôn được về kinh nhưng còn ở Đông cung, thái hậu vẫn cai quản triều chính như cũ, tuổi ngày càng cao, nhưng lửa dâm ngày càng mạnh. Mỗi lần Trương Xương Tông vào làm Phụng thời lệnh, mỗi lần yến tiệc, hội họp, kéo cả nhà họ Vũ, anh em họ Trương vào ăn uống, đùa cợt, lại tuyển thêm nhiều thiếu niên tuấn tú, để làm Phụng thời nội cung phụng, toàn những bọn bảnh bao, gian trá, ngày đêm hành lạc. Tể tướng Ngụy Nguyên Trung tâu rằng:

- Thần tạm giữ ngôi Tể tướng, mà vẫn để bọn tiểu nhân ngay cạnh thánh chúa, thì chính là tội của thần vậy.

Nguyên Trung vốn tính ngay thẳng, không sợ quyền thế, vì vậy bọn họ Vũ, họ Trương vừa sợ vừa oán, thái hậu cũng không thích.

Xương Tông đã từng thưa với thái hậu, rằng: "Thái hậu đã già mà còn dâm loạn đến thế, chi bằng giúp cho Thái tử để tính kế lâu dài. Đông cung mà lên ngôi thì nhất định bọn tiểu nhân đều không còn đất đứng nữa".

Thái hậu nghe được, vô cùng giận dữ, muốn trị tội Nguyên Trung. Xương Tông lại sợ việc không yên ổn, liền lẻn tới tìm Phượng các xá nhân Trương Duyệt, lấy rất nhiều vàng bạc hối lộ, hứa sẽ lo cho chức quan cao, chỉ cần Trương Duyệt làm chứng cho việc làm, lời nói của Nguyên Trung. Trương Duyệt nghĩ ngợi rồi từ chối. Xương Tông biến sắc mặt, chẳng cần giữ gìn gì, nói sẽ tìm người khác, lại là kẻ ngay gần tể tướng, nhưng có nhiều điều không tiện, nên nếu không tìm ra, sẽ quay lại thương lượng với Trương Duyệt. Chuyện chưa rõ ràng thì đã mỗi người mỗi nơi.

Sáng hôm sau, thái hậu lâm triều, trăm quan đã ra về cả, chỉ giữ Nguyên Trung cùng Xương Tông ở lại. Thái hậu hỏi: Xương Tông, khanh nhiều lần nghe Nguyên Trung bàn tán thế nào, với những ai?

Xương Tông thưa:

- Nguyên Trung đi lại rất thân với các xá nhân Trương Duyệt, những chuyện này đều bàn với Trương Duyệt. Xin bệ hạ cứ hỏi Trương Duyệt thì biết thần nói sai hay đúng.

Thái hậu liền sai nội giám đi triệu Trương Duyệt. Lúc này các đại thần đều ở quẩn quanh trong triều để nghe ngóng, chưa ai về, nghe tin thái hậu gọi Trương Duyệt biết ngay là chuyện Nguyên Trung. Trương Duyệt vào. Lại bộ thượng thư Tống Cảnh khuyên:

- Trương Tiên sinh, danh nghĩa là điều thật đáng sợ, chuyện quỷ thần là chuyện khôn lường, việc đi đứng là việc phải thận trọng, đừng vì muốn yên thân mà cẩu thả, đắc tội với muôn đời. Nếu có chuyện gì nguy hiểm, bọn Cảnh này xin ghé chung vai, đồng sinh tử. Tên tuổi nghìn đời sau, chỉ vào lúc này thôi đây.

Tả thị lang bộ Lại Lưu Tri Ký cũng nói:

- Trương Tiên sinh chẳng thèm làm bẩn sử sách, liên lụy đến con cháu đâu.

Trương Duyệt gật gật đầu, rồi vào nội điện. Thái hậu hỏi, Trương Duyệt yên lặng không đáp. Xương Tông đứng bên cạnh giục mãi. Trương Duyệt bèn thưa:

- Thần thực không nghe Nguyên Trung nói những lời này bao giờ, mà chẳng qua Xương Tông cứ bức thần phải đứng ra làm chứng thôi vậy.

Thái hậu giận dữ:

- Trương Duyệt này đúng là phường tiểu nhân phản phúc, phải trị tội mới xong.

Rồi quay vào nội cung.

Mấy ngày sau, thái hậu lại triệu Trương Duyệt vào hỏi, Trương Duyệt vẫn thưa như cũ. Thái hậu giận dữ, biếm Nguyên Trung đi Cao Yếu, Trương Duyệt đi Lĩnh Biểu. Xương Tông dựa thế thái hậu, bức Trương Duyệt lên đường ngay.

° ° °

Lại nói chuyện Trương Duyệt có người thiếp yêu họ Ninh, tên là Hoài Đường, tự Tỉnh Hoa, lúc sinh mẹ nằm mộng thấy có người ột đóa hoa hải đường, nhân đấy có thai. Mọi người nói đùa: "Hoa hải đường ngủ chưa đẫy giấc cao?". Bà mẹ đáp: "Đã là danh hoa thì nên thức chứ không nên ngủ!". Vì vậy mới đặt tự là Tỉnh Hoa, đến lúc về với Trương Duyệt thì tuổi đã mười bảy, nhan sắc diễm kiều, văn tài mẫn tiệp, bao nhiêu công việc cơ mật, Trương Duyệt đều giao cho.

Hôm ấy có một chàng trai, tuổi cũng suýt soát, họ Giả, tên Toàn Hủ, thân phụ là Giả Khác vốn là Thượng Thư bộ Lễ. Toàn Hủ cũng vừa kịp tuổi đội mũ, lên kinh đi thi, đến ra mắt Trương Duyệt. Nhân thấy Toàn Hủ tuổi thiếu niên có tài, giữ lại làm ký thất, phàm thư từ qua lại, đều do Toàn Hủ trông coi. Vì tin yêu nên cho Toàn Hủ ở ngay trong dinh. Bỗng một chiều mùa hạ, gió thu thổi sớm đưa hương, Toàn Hủ men theo ngọc đình thong thả dạo chơi, bỗng gặp ngay Hoài Đường ở lối rẽ. Toàn Hủ hoàn toàn coi như không có chuyện gì, bước tới, hai tay chắp cung kính, từ tốn mà thưa:

- Tiểu sinh là Giả Toàn Hủ ở Tô Châu; vô tình đi dạo, không kịp tránh. Xin tiểu thư tha tội!

Hoài Đường cũng không trả lời, chỉ đáp lễ, rồi đứng nhìn theo Toàn Hủ bước đi, trong lòng ngẫm nghĩ "Trương đại nhân nhà này nói tới tài văn chương của họ Giả, lại gia thế quý phái, hiển hách, không ngờ phong thái lại tao nhã dường ấy. Cứ trong cử chỉ mà xem, nhất định không phải người chịu lưu lạc. Ta nay thân phận thế này, có đầy đủ chăng nữa, nhưng cũng chẳng danh giá gì!" . Sau đó không một lần gặp lại, nào hiểu gì hơn, hỏi han ai bây giờ? Đành giữ kín trong lòng mà thôi.

Hôm ấy, Toàn Hủ ra ngoài phố nghe được chuyện Trương Duyệt trở về, ngồi một mình trong thư phòng, trăng sáng như ban ngày, nghe bên ngoài hành lang có tiếng ho khẽ. Toàn Hủ mở cửa ra nhìn, thấy một cô gái đang đi tới. Toàn Hủ kinh ngạc hỏi, cô gái đáp:

- Thiếp là Bích Liên, người hầu của Hoài Đường tiểu thư. Hôm trước tiểu thư có lần gặp, lòng thổn thức không yên. Nay cũng bởi Trương chủ nhân sắp lên đường, tiểu thư muốn được gặp Giả công tử một lần, nên sai thiếp đến đây thưa chuyện trước xem sao.

Nói chưa xong, đã thấy Hoài Đường lặng lẽ đi tới, hương thầm phảng phất. Toàn Hủ bước tới lạy chào:

- Duyên may ở ngọc đình ngày trước, được tiểu thư không theo thói thường tình, những mong tin nhạn vãng lai. Nay được tiểu thư giáng lâm, thật khác gì trời ban duyên kỳ ngộ. Nếu bằng tiểu thư không bỏ, xin được cùng kết nghĩa trăm năm vậy!

Hoài Đường từ tốn đáp:

- Thiếp đã ở trong phủ này hai ba năm, thấy khách quý, giàu sang cũng lắm, nhưng không có ai như công tử. Nếu công tử không coi thiếp là phường hoa tàn, lá héo, cũng xin được nâng khăn sửa áo suốt đời. Nay nhân lúc công việc bộn bề, sao chẳng theo gương Lý Vệ Công với Trương Xuất Trần, hãy đi cho xa, không biết công tử có dám làm chăng?

Toàn Hủ đáp:

- May được tiểu thư thương đến. Toàn Hủ có điều gì mà chẳng dám làm. Chỉ sợ không hiểu ý tứ Trương chủ nhân sẽ thế nào?

Hoài Đường đáp:

- Việc này là việc chung thân đại sự của chúng ta, làm sao mà để ý cho khắp được, cứ đành theo mình thôi.

Bích Liên mang hũ rượu, thức nhắm tới, cả hai ngồi vào bàn. Toàn Hủ cất tiếng:

- Tiểu thư tự Tỉnh Hoa, nhưng chỉ sợ đêm nay lại ngủ say thì biết làm sao?

Hoài Đường cười đáp:

- Cùng với công tử đêm nay không ngủ, chỉ vì sợ phí mất cả một khắc nghìn vàng vậy đó .

Mọi người cùng cười. Bích Liên thưa:

- "Bờ vách có tai", kế sách bây giờ, thì ba mươi sáu chước, chạy trốn là hay hơn cả.

Liền vội vàng thu nhập đang đêm cùng trốn đi.

Chính là:

Vợ chồng tiền định do trời

Ai đa tình tức là người có duyên.

Chưa gì đã có người đi báo ngay cho Trương Duyệt biết, Trương Duyệt cho đi khắp nơi tìm bắt về. Trương Duyệt định giam cho đến chết. Toàn Hủ lên tiếng thưa:

- Thấy nhan sắc mà không giữ mình, cũng là chuyện thường tình của người đời. Làm trai dẫu có chết vì chuyện này cũng có gì đáng tiếc. Nhưng đại nhân danh cao, đức cả, dẫu hiện giờ có tạm bị kiếm trách đi nữa, chẳng bao lâu lại sẽ được tôn vinh hơn trước. Biết đâu sau này lại có dịp phải dùng đến hạng người như tiểu sinh này chăng, chẳng chóng thì chầy thế nào cũng vậy thôi, vậy thì lẽ nào chỉ vì mất một người con gái mà đến nỗi xử bậc trượng phu vào chỗ chết, trộm nghĩ đó là việc đại nhân không dám làm vậy. Hãy xem gương xưa Sở Trang Vương không trị kẻ bị dứt giải mũ ; Viên Áng không truy tìm thư sinh rủ người thiếp đi trốn ; Dương Tố không đuổi theo Lý Tĩnh, về sau được báo ơn. Nay đại nhân định vì một người con gái mà giết kẻ sĩ sao?

Trương Duyệt nghe những lời nói lạ lùng này, bèn đổi giận làm vui:

- Công tử nói có lý lắm. Nay xin đem Tỉnh Hoa này tặng công tử lại sai cả gia nhân sắp đủ tiền bạc, vật dùng cùng xe ngựa cho công tử vậy!

Toàn Hủ không từ chối, rồi đem theo Hoài Đường mà ra khỏi cửa. Thái hậu nghe chuyện này, cho Trương Duyệt là người biết thuận theo nhân tình, nên không tra hỏi chuyện cũ nữa, lại làm chức cũ, giao thêm ngôi sư phó cho con thứ ba của Duệ Tôn là Lý Long Cơ. Long Cơ chính là Đường Huyền Tông của thời trung hưng sau này, nhưng lúc này cũng bị thái hậu tiết chế, chưa gặp thời vậy. Kẻ được thái hậu yêu vì lúc này, ngoài con cháu họ Vũ ra, chỉ còn Thái Bình công chúa cùng An Lạc công chúa mà thôi. An Lạc vốn là con của trung Tôn, đã gã cho cháu của thái hậu là Vũ Sùng Huấn, bởi thái hậu yêu quý dòng dõi họ Vũ, nên cũng yêu lây cả An Lạc mà thôi. An Lạc ỷ thế nhà chồng, ra sức nịnh hót thái hậu, mặc sức kiêu sa dâm dật, ngang ngược tai quái chẳng kém gì Thái Bình công chúa cả.

Hôm ấy, cả hai công chúa đều ngồi nhàn trong cung, bỗng thấy trên bức tường treo bức tranh "Người đẹp đấu lá", một bức tranh rất đẹp. Có bài tư "Tây Giang nguyệt" tả rất đúng rằng:

Xuân ve tươi tốt cỏ xuân

Buồng xuân, xuân hứng nồng nàn xuân

Sai con hầu vào vườn tìm kiếm

Đủ các trại lá hiếm cỏ hay

Cỏ kia, cỏ ấy, cỏ này

So đo cùng loại khác bày ra sao

Cả cười hoan hỷ thế nào

Cỏ nghi nam dục đẻ nhiều con trai.

Thái Bình công chúa xem bức tranh, nói với An Lạc công chúa:

- Người đẹp đấu lá, chính là hợp với cảnh phòng khuê mùa xuân. Giữ mới tháng hai, cây cỏ chưa thật tươi tốt, đợi đến cuối xuân, hoa lá đủ đầy, ta cùng công chúa mở hội đấu lá, liệu có nên chăng?

An Lạc công chúa bằng lòng. Ngay tuần đầu của tháng ba, đang lúc sai cung nga vào ngự uyển hái đủ loài kỳ mộc dị thảo, thì thấy Thượng Quan Uyển Nhi vào chơi, nghe kể chuyện, bèn khuyên rằng:

- Công chúa nếu sai người tìm các loại lá, loại cỏ, chỉ sợ rằng phía bên kia cũng đều tìm được, thế thì làm sao mà thắng nổi. Phải làm thế nào mà có được thứ bên kia tìm không ra thì mới chắc thắng cho được.

Công chúa hỏi:

- Khanh bảo tìm cái gì mà bên kia không có được bây giờ?

Uyển Nhi đáp:

- Thứ này nói là cỏ mà lại không phải cỏ, chỉ là cùng loại với cỏ mà thôi!

Công chúa giục:

- Khanh nói là cái gì đi ngay xem nào?

Uyển Nhi đáp:

- Cỏ chính là lông của đất. Người ta cũng có năm thứ lông, chẳng khác gì cỏ của đất vậy. Trong số năm loại lông đó, râu là quý hơn cả. Thần nghe nói chùa Nam Hải Hằng Chi, tượng Phật Duy ma cật có bộ râu, chính là râu của danh sĩ Tạ Linh Vận đời Tấn , đó mới thật là vật mà ở thế gian có một không hai. Có được thứ này, thì làm gì mà không thắng.

An Lạc công chúa cả mừng. Nguyên là Tạ Linh Vận nổi tiếng một thời, được phong tước Lạc Quận Công, sinh thời, có bộ râu rất đẹp ai ai cũng ngợi khen, tự mình cũng rất trân trọng, về sau mắc tội lúc sắp chết, không nỡ chôn cả bộ râu, liền tự cắt ra giao lại cho người nhà, gặp lúc chùa Nam Hải Hằng Chi đang tô tượng Duy ma cật, liền dặn lại cúng bộ râu cho chùa để làm râu Duy ma cật. Vì vậy về sau, chùa này trở thành một thắng tích. Duy ma cật vốn đồng thời với đức Phật Thích ca mâu ni, giao du thân thiết với Văn Thù Bồ tát, việc qua lại chuyện trò này, đều có ghi rõ trong các kinh Phật. Ngay cả Tạng Kinh cũng hãy còn ghi những lời đàm luận của Duy ma cật, lại cũng là một vị cư sĩ của Tây phương chưa từng xuất gia nên chẳng cạo râu tóc, vì vậy khi làm tượng, cần phải dùng đến râu là thế.

Ngày dài chuyện vãn, An Lạc công chúa thấy Uyển Nhi nói thế, liền ngầm sai nội thị Lâm Mậu, phi ngựa ngay đến chùa Nam Hải Hằng Chi, cắt lấy một nửa bộ râu của Duy ma cật để sẵn, chờ ngày đấu lá. Sau khi Lâm Mậu ra đi, công chúa lại nghĩ "Nếu ta chỉ lấy một nửa, chẳng may Thái Bình công chúa biết được, sai người lấy nốt phần còn lại, ai ra mà ngăn cho được. Chi bằng còn một nửa cắt nốt, một là để thế nào cũng thắng trong kỳ đấu lá sắp tới, hai là có toàn cả bộ râu, cũng lưu làm một vật hiếm, có phải hơn không?". Liền sai tiếp nội thị Dương Xuân Cảnh, phi ngựa cả ngày lẫn đêm, đến giữa đường, gặp Lâm Mậu đem nửa râu về kinh. Xuân Cảnh vẫn đi tiếp cắt nốt nửa râu còn lại.

Thái Bình công chúa cũng đã kiếm sẵn đủ thứ kỳ mộc dị thảo, chất đầy cả một phần hiên Trường Xuân cung để mong thắng giải. Uyển Nhi được mời làm giám cuộc. An Lạc công chúa vui mừng, khi thấy Lâm Mậu đã đem được râu về, tin chắc thế nào phần thắng cũng về mình, vô cùng hoan hỷ, nhưng vẫn chưa nói vội. Trước tiên vẫn đem những thứ đã tìm kiếm lâu nay ra đấu, nhưng mình nhiều, người cũng không ít, ta có cái này, bên kia cũng chẳng không, nên vẫn chưa ai thắng ai. An Lạc công chúa cười nói:

- Cỏ của đất chẳng bằng cỏ của người, cháu có loại cỏ này của cổ nhân lưu lại, mới đúng là trên đời không có hai vậy.

Thái Bình công chúa hỏi cái gì. An Lạc thưa:

- Chính là bộ râu của Tạ Linh Vận, người đời Tấn!

Thái Bình hỏi:

- Ta nghe Tạ Linh Vận lúc chết, nguyện hiến râu để làm tượng Duy ma cật ở chùa Nam Hải Hằng Chi, làm sao công chúa lại có được?

An Lạc cười đáp:

- Linh Vận bỏ ra, thì cháu nhặt lấy, hiện nay đang ở đây vậy.

Liền gọi mau đem ra. Lâm Mậu đưa ra một túi gấm rồi lấy túm râu từ bên trong, đặt lên án. Quả là những sợi râu rất đẹp, chẳng khác gì vừa mới cắt ở người sống ra vậy, từng sợi, từng sợi vẫn óng ánh, mượt mà. Mọi người đang chăm chú xem, thì bỗng một cơn gió vừa mát vừa thơm từ đâu lại, cuốn tất cả những sợi râu lên không rồi mất hút. Lâm Mậu chẳng hiểu cao thấp ra sao, vội chạy đuổi theo cơn gió, nhảy lên túm được mấy sợi, không ngờ ngã xuống thềm đá cao, gãy ngay một cánh tay trái, nằm bệt dưới sân, không dậy được, bọn nội thị vội vàng đỡ dậy khiêng ra khỏi cung. Thái Bình công chúa nói:

- Râu trên cằm của Phật, vốn không nên đụng đến, bây giờ bị báo ứng đến thế, tất bởi đức Phật giận dữ rồi!

Thượng Quan Uyển Nhi thấy thế, liền nghĩ "Chuyện này, tất cả đều tại ta cả thôi!". Cho nên trong lòng lo lắng không yên, nhưng cũng không dám nói với ai. Còn An Lạc công chúa vốn tính hiếu thắng, vẫn còn cố giành:

- Dù thế nào cũng phải nói cho ra nhẽ, cuộc đấu lá này coi như cháu thắng rồi!

Thái Bình công chúa cười:

- Chưa nói tới việc râu chứ không phải là cỏ là lá, nà ngay cả râu bây giờ cũng còn đâu. Tốt hơn hết là đừng nói chuyện ai được ai thua nữa!

Vào tiệc yến ẩm một hồi, thế rồi mỗi người mỗi ngã.

An Lạc công chúa tuy không được, nhưng cũng chẳng thua, chỉ tiếc số râu bị gió cuốn mất, may ra còn một nửa, tính chuyện giữ lại để làm của lạ chăng.

Mấy ngày sau, Dương Xuân Cảnh đem nốt nửa râu còn lại về trình. Vốn là trên đường, Xuân Cảnh bị ngã ngựa, gãy mất tay phải, vì vậy mà về muộn. Công chúa thấy lấy được rồi rất mừng, cầm trong tay ngắm nghía một hồi, bỗng lại một trận gió như lần trước, cuốn rung lên không tất cả số râu còn lại. Gió thơm cuốn đi rồi, một trận gió dữ khác tiếp ngay khiến cây hoa đang nở rộ trước sân, rụng tàn kỳ hết, chỉ còn mỗi một bông hoa. Ai nấy đều vô cùng kinh hãi:

Có bài từ làm chứng sau đây:

Râu Linh Vận

Mặt Duy ma

Mặt người, mặt quỷ hay một Phật

Để râu này mà nhổ bật râu ria

Ác nghiệt chưa, chuyện chơi đùa

Râu đem về bỗng gió lùa bay xa

Không để lũ tà dâm được thấy

Đứa cắt râu tội gãy cánh tay

Liệu hồn sám hối đi ngay...

An Lạc công chúa hoảng sợ, vội chắp hai tay nhìn lên trời cầu nguyện. Thái Bình công chúa cùng Uyển Nhi nghe chuyện, không hết kinh ngạc. Cả ba bèn góp lại khoảng một nghìn lạng vàng, cấp cho chùa Nam Hải Hằng Chi, sửa sang lầu các, điện đài, đắp lại tượng Phật. Chuyện không nói nữa.

° ° °

Hãy nói chuyện các đại thần trong triều, từ sau khi Địch Nhân Kiệt chết, chỉ còn Tống Cảnh là người chính trực hơn cả, nên từ bọn gian nịnh cho đến thái hậu đều sợ hãi, kính nể, chẳng khác gì ngày xưa đối với Địch Nhân Kiệt vậy.

Lúc Địch Nhân Kiệt còn sống, gặp khi hải quốc tiến cống một áo cừu gọi là "Tập thúy cừu", vốn là do những sợi lông mềm nhất của chim tập thúy mà đan thành, vừa nhẹ vừa đẹp, thật là một vật báu có một không hai vậy. Trương Xương Tông thích lắm, tìm đủ mọi cách chiều chuộng, âu yếm để xin bằng được, thái hậu bèn cho. Xương Tông tạ ơn, mặc ngay trước điện, thái hậu ngắm một hồi rồi cười nói:

- Khanh mặc áo này, trông lại càng thêm duyên dáng!

Xương Tông dương dương đắc ý, gặp lúc Địch Nhân Kiệt vào cung, sau khi tâu trình công việc xong xuôi. Nhân muốn gây sự thân mật giữa Nhân Kiệt với Xương Tông, lại thấy trên án sẵn bày bàn cờ, thái hậu bèn lệnh cho hai người đấu cờ. Cả hai vâng mệnh, ngồi vào ghế. Thái hậu phán:

- Ai cao cờ hơn thì dùng quân trắng. Xương Tông có lẽ cao hơn chăng?

Nhân Kiệt đứng dậy thưa:

- Thần tin vào lòng trong trắng của mình, dẫu có nhận xuống bùn cũng không thể đen được. Chơi cờ tuy là việc nhỏ, nhưng cũng là thể hiện chí hướng, thần xin được chọn quân trắng.

Thái hậu phán:

- Thôi thì tùy ý khanh, nhưng đã thi đấu, thì cũng cần có giải thưởng, nay nên trao giải gì bây giờ?

Nhân Kiệt thưa:

- Nếu thần thắng, xin cho được cởi lấy áo cừu Xương Tông đang mặc vậy!

Thái hậu hỏi:

- Thế nếu khanh thua thì khanh mất cái gì?

Nhân Kiệt thưa:

- Thần cũng xin cởi áo bào tím đang mặc đây nếu thua.

Thái hậu cười:

- Áo "Tập thúy cừu" giá hơn nghìn vàng, áo bào của khanh so thế nào được?

Nhân Kiệt thưa:

- Áo bào này của thần là để vào chầu, thưa trình công việc quốc gia, còn áo cừu của Xương Tông, chẳng qua là vì được sủng ái mà có. Lấy áo bào này mà đổi cừu kia, chính thần thua thiệt nhiều mới đúng.

Thái hậu nghe ra, cười mà không nói. Xương Tông trong lòng hậm hực, thua liền mấy ván. Nhân Kiệt liền cởi ngay lấy áo cừu, khoác lên người, tạ ơn ra khỏi cung, đến cửa Quang Phạm, liền cởi ngay ra, giao cho gia nhân mặc mà về. Thái hậu cũng biết cả, nhưng không hỏi đến. Sau chuyện này, trăm quan càng kính sợ Nhân Kiệt. Trong triều những kẻ chính trực như Trương Giản Chi, Hằng Ngạn Phạm, Kính Huy, Viên Như Kỷ, Thôi Nguyên Vĩ... đều do Nhân Kiệt tiến cử, cùng với Tống Cảnh một lòng trung thành, thề quyết diệt trừ bằng được lũ nghịch thần.

Một hôm bọn năm người Giản Chi, cùng với Trung Tôn đi săn, vào một nơi vắng vẻ trong núi, năm người xuống ngựa thưa:

- Chúng thần từ lâu đã muốn thưa chuyện cùng thánh thượng, nhưng tai mắt xung quanh nên không dám hở môi. Nay sự thế đã kíp lắm rồi, không thể trù trừ nữa. Chúng thần thấy bệ hạ về tuổi tác lẫn đức hạnh đều đủ đầy. Thái Hậu thì ngày càng tin lời anh em họ Trương, cố vị không chán. Gần đây lại nghe anh em họ Trương xúi giục, đang định nhường ngôi báu cho Lục Lang, nếu quả như vậy, thì bệ hạ thật không còn đất đứng. Chúng thần thấy tình thế bức bách, xin thưa để bệ hạ rõ còn liệu trù mưu kế.

Trung Tôn cả sợ mà rằng:

- Làm thế nào bây giờ?

Giản Chi thưa:

- Phải trừng trị ngay bọn loạn thần họ Trương, họ Vũ thì bệ hạ mới trở về ngôi được.

Trung Tôn nói:

- Thái hậu còn ngồi đó, làm thế nào mà diệt trừ cho dược?

Giản Chi thưa:

- Thần đã tính toán từ lâu, chẳng cần đến bệ hạ phải lo, nhưng chỉ sợ kinh động đến tình cảm bệ hạ, nên trước tiên muốn tâu để bệ hạ rõ đã.

Trung Tôn nói:

- Anh em họ Trương thì thật đáng giết, nhưng anh em họ Vũ với ta cũng là họ hàng cả, xin các khanh hãy nể mặt Thái hậu mà tha mạng cho chăng?

Giản Chi thưa:

- Khi binh sĩ kéo vào cung khuyết, không gặp thì thôi, nếu gặp, chỉ sợ đao kiếm vô tình, khó mà giữ ý được.

Trung Tôn nói:

- Ta mà về được ngôi báu, thay lại nhà Chu bằng nhà Đường, xin phong các khanh tước vương cả.

Bọn Giản Chi tạ ơn, rồi tiếp tục giả săn bắn một hồi nữa mới quay về.

Trung Tông đến Đông cung, gặp ngay lúc Vũ Tam Tư biết được ngày hôm đó Trung Tôn đi săn, nên lại tìm đến Vi Hoàng hậu, thấy tả hữu báo Vương phụ đã về. Tam Tư kinh sợ run lẩy bẩy, Vi Hoàng hậu nói:

- Không việc gì phải sợ hãi đến thế, ta cùng khanh hãy ra phía ngoài thư phòng kia đánh song lục . Vương phụ lão vào, nhất định sẽ không hỏi khanh một câu nào đâu. Mọi chuyện cứ mặc ta.

Tam Tư chẳng còn cách nào khác, chỉ còn biết theo Vi Hoàng hậu mà làm. Trung Tôn vào thấy vậy, cười hỏi:

- Hai khanh hơn ta nhiều, ngồi đánh song lục thật ung dung.

Tam Tư vội đứng dậy chào, Trung Tôn hỏi tiếp:

- Các khanh đánh được thì lấy gì làm phần thưởng?

Vi Hoàng hậu thưa:

- Ai thua thì mất một viên ngọc.

Trung Tôn ngồi xuống bên cạnh tiếp:

- Hãy để ta xem thử, ai thắng ai thua nào?

Hai ván đầu, mỗi bên được một ván, thua một ván, ván thứ ba Tam Tư thua. Trung Tôn nói:

- Hoàng hậu đã nói, ai thua thì mất một viên ngọc, nay hãy đem ngọc ra đi.

Tam Tư thưa:

- Ngọc của thần xấu xí, không đáng để bệ hạ xem, xin hôm khác sẽ lại đánh với hoàng hậu. Hôm nay sắp tối rồi, thần phải xin cáo tạ bệ hạ.

Trung Tôn phán:

- Đêm nay hãy ở đây dự yến đã, ngày mai về cũng không sao.

Tam Tư cùng Trung Tôn vào thư phòng, đã thấy đèn nến huy hoàng, yến tiệc bày sẵn, cả hai ngồi xuống, Tam Tư lên tiếng thưa.

- Hôm nay may mắn được vương thượng ban ơn thế này, thần thật không rõ nguồn cơn.

Trung Tôn đáp:

- Thì hãy cứ nhân dịp này ngồi chờ xem bên ngoài có chuyện gì chăng?

Lại tiếp:

- Hay là chúng ta cùng gieo trạng nguyên để xem may rủi ra sao?

Tam Tư thưa:

- Gieo trạng nguyên cũng vui, nhưng chỉ có hai người thì không hay lắm. .

Trung Tôn đáp:

- Ta với khanh vốn họ hàng hãy mời hoàng hậu cùng Thượng Quan Chiêu nghi ra, cả bốn người chơi thì tha hồ vui vẻ.

Tam Tư thấy nói thế, mặt mày hớn hở thưa:

- Thế thì hay lắm!

Lát sau đã thấy Vi Hoàng hậu cùng Thượng Quan Chiêu nghi tuy chẳng son phấn nhưng đầy vẻ thướt tha bước ra, cả bốn người ngồi, lần lượt gieo xúc xắc. Đến lượt Trung Tôn gieo xong, cá ba người đều vỗ tay reo lớn:

- Hay quá! Trạng nguyên về tay bệ hạ rồi! Hay quá!

Trung Tôn đáp:

- Nếu thế thì hay quá! Toàn mặt lục cả thì mấy ai theo kịp.

Tam Tư thưa:

- Chẳng cần phải thế, cũng đã tuyệt diệu rồi. Nhất định mọi chuyện sẽ như ý, mau lấy chén lớn ra đây để chúc mừng điện hạ.

Trung Tôn uống một hơi cạn sạch. Thượng Quan Chiêu nghi gieo được bốn mặt tứ, vui vẻ nói:

- Tốt lắm? Bảng nhãn phần thiếp rồi!

Vi Hoàng hậu cất tiếng:

- Chẳng biết bảng nhãn hay thám hoa, cũng nên uống một chén. Đợi ta gieo được cả sáu mặt tứ sẽ biết tay nhau.

Hai người gieo tiếp. Trung Tôn thầm nghĩ: "Bây giờ đã đầu canh một rồi, sao vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả. Nếu họ làm không xong, thì hãy cho Tam Tư về, sai người ra nghe ngóng xem sao?". Rồi bảo Uyển Nhi:

- Khanh hãy hầu hai người chơi, xem Thám Hoa về tay ai. Ta ra ngoài này một chốc sẽ quay lại.

Tam Tư thấy Trung Tôn đi khỏi, kéo ghế lại gần Vi Hoàng hậu, ngoài mặt là gieo xúc xắc, nhưng thực ra là để vua ve tay chân Hoàng hậu. Chiêu nghi Uyển Nhỉ thấy thế cười nói:

- Nương nương, thiếp xin đi tìm điện hạ đã!

Vi hoàng hậu đang chỉ mong có thế để cùng hú hý với Tam Tư.

Lát sau, đã thấy Uyển Nhi quay lại rối rít:

- Nương nương, nguy to rồi!

Hai người nghe tiếng, vội quay ngay lại bàn ngồi, cất tiếng hỏi:

- Có chuyện gì sao?

Lại thấy Trung Tôn, từ cửa chính đi vào, lớn tiếng gọi:

- Vũ đại nhân, hãy theo Uyển Nhi ra nhà sau ngồi một lát đã.

Tam Tư hỏi:

- Vừa rồi có chuyện gì mà bên ngoài huyên náo cả thế?

Trung Tôn đem việc bọn Giản Chi năm người muốn giết họ Trương, họ Vũ, mình đã khuyên không nên giết họ Vũ như thế nào, kể lại cho Tam Tư nghe. Nghe xong, Tam Tư vội quỳ sụp xuống đất van nài:

- Xin bệ hạ hãy cứu mạng thần!

Rồi run lật bật. Vi Hoàng hậu cất tiếng:

- Chúa thượng giữ khanh lại đây, vốn là có chủ ý, việc gì mà phải sợ hãi đến thế.

Các cung nga vào quỳ thưa:

- Bách quan đã tới ngoài kia, mời diện hạ ra.

Trung Tôn vội sai Uyển Nhi dẫn Tam Tư đi, rồi quay ra. Bọn Trương Giản Chi dẫn quân sĩ vào cung gặp ngay lúc hai anh em họ Trương đang ngủ say với Thái Hậu, không kịp chạy trốn, bị quân sĩ ỗi đứa một đao, chia làm bốn đoạn. Thái Hậu cả kinh. Bọn Giản Chi liền mời Thái Hậu sang cung Thượng Dương, thu lại ngọc tỷ đến tìm Trung Tôn thưa:

- Thái Hậu đã được đưa sang Thượng Dương, ngọc tỷ hiện đã ở đây trăm quan đều đã tới chờ ở bên điện, xin bệ hạ hãy mau mau lên ngôi báu.

Trung Tôn lên điện, bọn Giản Chi dâng ngọc tỷ cùng đưa trình thủ cấp anh em họ Trương, sau đó các quan làm lễ chúc mừng, tuyên cáo phục hồi quốc hiệu Đường, lập họ Vi làm hoàng hậu như cũ, phong phụ thân Vi Nguyên Trinh làm Thượng Lạc Vương, mẫu thân Dương Thị làm Vinh Quốc phu nhân, bọn Giản Chi năm người đều được phong tước vương.

Giản Chi thưa:

- Một nhà Vũ Tam Tư, cũng cần giết cả đi như anh em họ Trương, đã nghe bệ hạ dặn dò, nên cũng đã tha. Nhưng vẫn được ở ngôi vương, chúng thần quả không dám sánh ngang vậy.

Trung Tôn nghe vậy, bất đắc dĩ phải giáng Tam Tư làm tư không. Trăm quan tạ ơn ra khỏi cung. Trương sử Lạc Châu Tiết Quý Sướng nói với bọn Giản Chi:

- Hai anh em họ Trương tuy đã trừ, nhưng sản nghiệp bổng lộc vẫn còn. Nhổ cỏ không trừ tận gốc, rồi lại mọc cái khác mất.

Bọn Giản Chi đáp:

- Việc lớn đã xong. Bọn chúng như miếng thịt thừa, chẳng làm gì nên chuyện.

Quý Sướng than:

- Tam Tư chưa chết, bọn ta không biết sẽ chết lúc nào?

Trung Tôn cải niên hiệu Thần Long, tôn hiệu thái hậu Vũ Tắc Thiên là Đại Thánh hoàng đế, phong em Lý Đan làm Tương Vương, đại xá thiên hạ, trăm họ đều vui mừng.

Thái hậu từ ngày bị bọn Giản Chi đưa sang cung Thượng Dương, nghĩ lại những ngày qua, thấy chẳng khác gì mộng dài, lúc nào cũng khóc than nên bệnh tình kéo đến, ngày càng trầm trọng. Tam Tư cũng chẳng phải là do thương yêu gì, vào cung thăm hỏi, thấy thái hậu nằm dài, nhan sắc võ vàng, thân hình gầy khô, không ngớt lời thở than:

- Thần cũng nhiều việc phải lo, nên không thể thường xuyên vào hầu hạ, không ngờ thánh thể gầy yếu như vậy!

Rồi đưa tay vuốt ve thái hậu. Thái hậu cất tiếng:

- Cháu của ta ơi! Lâu ngày cháu không vào, không ngờ bệnh của ta đã vào đến cao hoang, chẳng qua một sớm một chiều phải đi hẳn thôi. Chẳng biết họ Vũ ta có còn giữ nổi chăng?

Tam Tư thưa:

- Bệ hạ chẳng nên lo lắng, thánh thượng đã hứa sẽ chu toàn cho họ Vũ. Thánh thể nếu được tĩnh dưỡng, nhất định sẽ khỏe mạnh ngay.

Tam Tư lại mách chuyện bọn Giản Chi hung hãn tàn ác ra sao, nên không thể thường xuyên vào thăm nom thái hậu, vừa kể vừa khóc. Thái hậu thở dài mà than:

- Cháu ơi? Gần đây ta nghe cháu tư thông với Vi Hoàng hậu, cả hai rất hoan hỷ. Cháu hãy nói với hoàng hậu, bảo hoàng hậu lập kế, trừ được năm kẻ gian này, thì ta mới yên lòng mà nằm gối cao ngủ kỹ được.

Tam Tư gật đầu. Thái hậu lại tiếp:

- Cháu hãy mời thánh thượng vào đây, ta có chuyện muốn nói.

Tam Tư quay ra tâu, Trung Tôn vào cung Thượng Dương, thái hậu dặn dò một hồi. Sau đó hai ngày, thái hậu qua đời, Trung Tôn hạ chiếu tuyên cáo thiên hạ, làm tang lễ chu đáo.

Chuyện không nói nữa.

° ° °

Hãy nói chuyện Tam Tư, có binh bộ thượng thư Tôn Sở Khách, Ngự sử Trung thừa Chu Lợi Dung, Thị ngư sử Nhiễm Tổ Ung, Thái bộc Lý Tuấn Quang, Lộc thừa Tống Chi Tốn, Giám sát ngự sử Đào Thiện Chi làm tay chân, tai mắt, vốn được gọi là "Ngũ cẩu", năm con chó, cùng với Vi Hoàng hậu, Uyển Nhi, ngày đêm nói xấu bọn Giản Chi. Tam Tư ngầm sai người viết bảng nói những điều xấu xa của Vi Hoàng hậu, treo ở cầu Thiên Tân, xin hoàng thượng phế truất trị tội. Cao Tôn biết ra, vô cùng giận dữ, lệnh cho Giám sát ngự sử Đào Thiện Chi tra hỏi đến cùng.

Thiện Chi thưa chính bọn năm người Kinh Huy sai làm chuyện này, ngoài là muốn phế hoàng hậu, nhưng thực ra bên trong còn mưu phản nghịch, xin được tru di cả họ nhà bọn Giản Chi, để rửa sạch mối căm giận của hoàng hậu. Trung Tôn lệnh cho phát tư kết tội, bắt bọn Giản Chi, cả năm người vừa được phong vương đày đi các châu xa. Tam Tư lại sai tay chân phục sẵn ở dọc đường giết chết. Tam Tư từ đó thả cửa, quyền hành nghiêng thiên hạ, không ai là không sợ, Trung Tôn cũng chẳng để ý, mọi việc đều hỏi Tam Tư, thường nói với Tam Tư:

- Ta cũng muốn được như cô của khanh, tự mình lên ngôi báu, mới thỏa lòng này.

Không biết sự thể đến thế nào, hãy xem hồi sau phân giải.--------------------------------

Xem hồi thứ mười sáu, tập . Tư Mã Tương Như, gảy khúc "Phụng cầu hoàng". Trác Văn Quân nghe cảm động, bỏ nhà trốn theo, cùng nhau chung thủy. (Tầm nguyên từ điển) Xem hồi thứ bảy mươi hai. Nhà Tây Tấn vốn họ Tư Mã, vì vậy dân gian mới nói "Dĩ ngưu dịch mã", lấy trâu thay ngựa. Tòa tầu nhỏ, dựng giữa vườn để hóng mát, nghỉ ngơi gặp bạn bè, ít người. Tức Lý Tĩnh, về sau được phong Vệ Quốc Công. Tỉnh Hoa: đóa hoa thức, không ngủ. Toàn Hủ: hoàn toàn trống rỗng, hủ không, mất mát... "Đông Chu liệt quốc" Sở Trang Vương đãi yến đêm gió mạnh, đèn nến đã tắt cả. Một viên quan nhân vậy, ghẹo người thiếp yêu của vua, người thiếp mách Trang Vương và trình giải mũ mình giật được của viên quan đó. Trang Vương không thắp đèn vội, bắt tất cả các quan đều phải dứt giải mũ đã. Về sau viên quan đó liều chết cứu Trang Vương xong, rồi thú tội. "Từ Hải": Viên Áng làm lang trung thời Hán Văn Đế, đến thời Cảnh Đế, làm thái thường, thông minh, chính trực. "Bản thảo cương mục". Cỏ nghi nam, tên chính là huyên thảo, phụ nữ ăn nhiều hoa của cây này thường hay sinh con trai. Tạ Linh Vận ( - ), người thời Nam Bắc Triều, quê ở Dương Hạ (nay thuộc Hồ Nam), giỏi vẽ, viết chữ, là người mở đầu cho loại thơ sơn thủy nổi tiếng ở Trung Quốc. Lúc đầu làm thái thú Vĩnh Gia, chỉ dạo chơi non nước, bị cách chức, về ở ẩn ở Đông Sơn, thuộc Cối Kê... (Từ điển tác gia...) Không thấy nói điệu gì. Song lục: Một hình thức đánh cờ, cũng có nguồn gốc từ ấn Độ, đánh hai người, có bàn gồm sáu cửa, nên gọi là "Song lục", chia thành nhiều ô, mỗi bên hai mươi quân, ai vào trước cửa là thắng (Từ Hải) Gieo trạng nguyên: một lối chơi hai người trở lên, bằng cách lần lượt gieo cùng một lần sáu con xúc xắc, rồi tùy theo đó mà nhận những thẻ cao thấp khác nhau, cao nhất là trạng nguyên, đến bảng nhãn. thám hoa... Khi đã hết thẻ, tính điểm ở số thẻ mỗi người lấy được, ai nhiều thì thắng. Ở Việt Nam ta, trước cách mạng vẫn thấy cỏn trò chơi này, gọi là đánh tam hường. (Chú theo Lê Nguyên Trạm)

Truyện Chữ Hay