Tùy Đường Diễn Nghĩa

chương 48: nhờ diệu kế, một bạn về đường, hủy dung nhan, bốn nàng bền chí.

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Từ rằng:

Khéo thay đất, lạ thay trời

Tri âm lại trả nghĩa người tri âm

Những như ân nổi oán chìm

Trong mây nghe sấm, đen rầm xa xăm

Hận ly biệt, âm thầm nhiều ít

Trống chín châu hò hét dập dìu

Cô trung níu lấy Tùy triều

Sợi chỉ mảnh, đứt sớm chiều, hoa rơi!

Trùng hưng may lại tốt tươi...

Theo điệu "Vũ trung hoa"

Từ xưa biết người thì sẽ có người biết mình, đã là bậc tri âm tất gặp người tri âm, đã là khách chung tình sẽ có khách chung tình báo đáp. Cả đời Tùy Dượng Đế chỉ mỗi chăm chú là phụ nữ, tất cả chỉ vì phụ nữ mà hành động, đem cả giang sơn gấm vóc vứt phí vứt hoài, cũng bởi thế nên có được những phụ nữ đột xuất vì cảm ân đó mà quên thân mình để báo bậc tri kỷ, báo quốc gia, xả thân thủ tiết, hủy hoại dung nhan báo đáp kẻ chung tình, danh thơm lưu sử sách.

° ° °

Lại nói chuyện Tư Mã Đức Kham sau khi đã sai thắt cổ Dượng Đế liền sai người đi báo cho Vũ Văn Hóa Cập. Hóa Cập lệnh cho Bùi Kiền Thông, dẫn lính tráng kéo đi giết chóc một loạt tôn thất, thân vương: Thục Vương Dương Tư, Tề Vương Dương Giản, Yên Vương Dương Đạm, không kể già trẻ, lớn bé, đều giết tuốt. Duy chỉ có Tần Vương Dương Hạo, vốn chơi thân với Trí Cập nên được Trí Cập cứu cho, thì may sống sót. Tiêu Hậu ở trong cung, lấy ván giường tủ đóng quan tài, rồi chôn cất cho Chu Quý Nhi, cùng Viên Bảo Nhi ở Lưu Châu đường thuộc Tây Viện.

Chính là:

Một gương châu gấm riêng còn mất

Ba thước mồ ma đắp thấp cao?

Hóa Cập giết xong các thân vương, tự mình đem theo giáp binh vào nội cung, định giết nốt hoàng hậu, các phi tần, để tuyệt tận gốc rễ. Đang trên đường vào chính cung, thấy một người đàn bà cùng với rất nhiều cung nữ theo sau khóc lóc, Hóa Cập lên tiếng quát:

- Ngươi là ai? Mà lại vào đây khóc lóc?

Người đàn bà này vội vàng quỳ xuống thưa:

- Thiếp chính là hoàng hậu họ Tiêu, xin tướng quân tha mạng!

Hóa Cập thấy Tiêu Hậu mặt hoa da phấn, dáng điệu thanh cao, trong lòng mười phần xứng ý, nên không đang tâm hạ sát, bèn nói:

- Chúa thượng vô đạo, ngược đãi trăm họ, kẻ có công không được thưởng, cho nên mọi người giết đi, nhưng chẳng can hệ gì đến ngươi, không việc gì phải sợ hãi. Ta tuy là hạng vũ tướng, nhưng cũng bởi vì dân mà trừ hại, thực không có lòng nào khác. Nếu không có lòng tỵ hiềm, xin cùng hưởng phú quý.

Rồi đưa tay đỡ Tiêu Hậu dậy. Tiêu Hậu thấy Hóa Cập nói năng nhẹ nhàng, nên cố lấy giọng thỏ thẻ, vừa sụt sùi:

- Chúa thượng vô đạo, lẽ nên chịu tội chết. Còn sự sống chết của thiếp xin hoàn toàn nhờ cậy ở tướng quân cả?

Hóa Cập đáp:

- Ngươi hãy cứ yên lòng. Chuyện này chủ trương là ở ta cả, không sợ mất giàu sang đâu!

Tiêu Hậu thưa:

- Tướng quân đã nói thế, sao không lập con cháu nối ngôi để tỏ rõ việc làm đại nghĩa?

Hóa Cập đáp:

- Ta cũng nghĩ như vậy!

Rồi ban lệnh: theo ý chỉ của hoàng hậu, lập Tấn Vương Dương Hạo làm vua, rồi tự mình lập làm Đại thừa tướng, cầm đầu trăm quan phong em trai là Vũ Văn Trí Cập làm Tả bộc xạ, phong em trai khác mẹ là Vũ Văn Sĩ Cập làm Hữu bộc xạ, phong con trưởng là Vũ Văn Thừa Cơ, con thứ là Vũ Văn Thừa Chỉ cùng làm tướng, coi giữ binh quyền, còn ngoài ra thì bọn tâm phúc đều được thưởng công, được trọng dụng. Nhưng bọn quan lại lâu nay có oán cừu với Vũ Văn Hóa Cập như Nội sử thị là Ngô Thế Cơ, Ngự sử đại phu Bùi Ôn, bí thư giám Viên Khắc, Tả phiên vệ tướng quân Lai Hoạch Nhi, Hữu phiên vệ tướng quân Vũ Văn Hiệp, Thiên ngưu Vũ Văn Xương, Lương Công Bùi Cử, kể cả gia quyến con cháu đều đem ra chém tất. Cấp sự lang Hứa Thiện Tâm chưa kịp đến triều dường để chúc mừng, Hóa Cập cho người tới tận nhà gọi đến, lúc được tha về, Thiện Tâm ra thẳng không tạ ơn, Hóa Cập nổi giận giết ngay. Mẹ Thiện Tâm là Phạm Thị, tuổi đã chín mươi hai, lúc làm tang không hề khóc, có người hỏi tại sao. Phạm Thị đáp:

- Nó chết vì nạn nước, ta có đứa con như thế, thì việc gì mà phải khóc?

Rồi nằm liệt, không chịu ăn mà chết.

Hóa Cập nhân tướng sĩ đều muốn về tây, liền đưa hoàng hậu cùng vua mới trở về Trường An, đem theo tất cả những mỹ nhân để hưởng lạc, bắt hết cả thuyền bè, theo đường thủy từ Bành Thành mà đi đến Hiển Phúc cung. Bọn Tư Mã Đức Kham cùng Triệu Hằng Khu, ghét Hóa Cập dâm loạn với bọn cung phi, không nghĩ gì đến tướng sĩ, mới dẫn hậu quân ập bắt Hóa Cập, không ngờ không giữ được kín, lại bị Hóa Cập giết chết. Đi đến Hoạt Đài, Hóa Cập giao cho Vương Quỹ trông coi mọi việc, còn mình thì thẳng đến Lê Dương, đánh vào Thương Thành.

° ° °

Lại nói chuyện vợ chồng Vương Nghĩa, dẫn Triệu Vương cùng các phu nhân, đi cách Vu Thành khoảng hai ba chục dặm, nhờ một nhà dân nghỉ lại qua đêm, thì nghe phía sau tiếng pháo nổ, tiếng hò hét vang trời, tin tức người đi lại đều nói trong thành có biến lớn. Vương Nghĩa vẫn để Triệu Vương đóng giả gái như cũ, còn sấp xếp để Đình Đình, Tử Yên, cùng Dã Nhi đều cải dạng nam trang. Năm phu nhân Sa, Địch, Tần, Lý cùng với con a hoàn vẫn mặc áo quần phụ nữ cũ. Tử Yên nói:

- Ta tối qua xem thiên văn, biết rằng chúa thượng đã bị giết hại rồi, chúng ta tuy thoát khỏi lồng vây, nhưng không biết đi đâu bây giờ cho yên?

Vương Nghĩa đáp:

- Chẳng nơi nào có thể đi được cả, trừ một nơi.

Mọi người vội hỏi:

- Nơi nào thế?

Vương Nghĩa đáp:

- Thái bộc Dương Nghĩa Thần, năm trước lo chúa thượng nghe lời bọn nịnh thần, thu hết binh quyền, vì vậy Dương Thái bộc trở về quê Thái bộc biết rõ số nhà Tùy đã hết, thay tên đổi họ, ẩn cư ở vùng đầm hồ Lôi Hạ thuộc Bộc Châu. Người này trí dũng kiêm toàn, trung quân ái chúa. Chúng ta nên đến quê thái bộc, thấy ấu chúa đây, thái bộc tất sẽ có phương cách.

Tử Yên vui mừng nói:

- Thái bộc chính là cậu của ta, ta vẫn hàng ngày hay nói chuyện cùng Sa phu nhân, tìm về đấy thì yên ổn rồi, chỉ sợ không biết ý của các phu nhân ra sao?

Bàn bạc xong, mọi người thuê thuyền đi Bộc Châu.

Lại nói Nghĩa Thần, từ năm Đại Nghiệp thứ bảy bị dèm pha nên phải nạp lại ấn kiếm, phòng xa lỡ tai họa đến thân, nên thay tên đổi họ, vào ở Lôi Hạ, hàng ngày làm bạn với ông ngư ông tiều.

Hôm ấy, nghe tin ở Giang Đô, Hóa Cập giết vua loạn cung, Nghĩa Thần buồn rầu than:

- Hóa Cập là loại thất phu ngu dốt, nên mới dám ngông cuồng như thế. Khá tiếc cho người em Sĩ Cập, vốn đi lại với ta khá thân thiết, mai kia có chuyện thiên hạ cùng hợp sức đánh dẹp bọn này, ta nỡ nào ngồi yên, nhìn dòng họ Vũ Văn phải cái nạn tuyệt hậu. Phải mau mau tìm cách khiến cho Sĩ Cập có thể giữ được thân mình, tránh khỏi họa này.

Liền sai người nhà là Dương Phương, đem theo một cái bình, Nghĩa Thần tự tay lấy giấy bút niêm phong thật kín miệng, theo đường tắt đến Lê Dương, đưa cho Sĩ Cập. Sĩ Cập thấy Dương Phương, vui mừng nói:

- Ta đang ngày đêm trông ngóng tin tức, không rõ hiện thái bộc đang ở đâu, thì nhà ngươi đến!

Liền dẫn vào thư phòng, cho tả hữu ra ngoài cả, rồi hỏi:

- Thái bộc hiện đang ở đâu? Gần đây làm những gì?

Dương Phương đáp:

- Thái bộc tiểu nhân từ ngày bị điều tiếng đến nay, thay tên đổi họ, về vùng Lôi Hạ, vui với chuyện kiếm củi, câu cá.

Sĩ Cập hỏi:

- Có thư của thái bộc không?

Dương Phương thưa:

- Thư thì thái bộc không đưa gì cả, chỉ có tự tay niêm phong vật này để làm tin mà thôi!

Sĩ Cập vội mở ra xem, thì thấy bên trong chỉ có hai quả táo cùng một miếng đường hình con rùa, Sĩ Cập nhìn hồi lâu, vẫn chẳng hiểu ý nghĩa ra sao, liền gọi tả hữu dẫn Dương Phương ra hậu dinh cơm rượu, rồi lại trầm ngâm nghĩ ngợi. Bỗng bình phong vén lên, một mỹ nhân xuất hiện, đó là người em gái rất thân thiết của Sĩ Cập tên gọi Thục Cơ, tuổi vừa mười bảy, vẫn còn chưa chịu tính gia thất, tuy chẳng phải bậc khuynh quốc khuynh thành, nhưng cũng thông minh, sáng sủa. Thấy Sĩ Cập trầm ngâm không nói, liền hỏi:

- Xin hỏi anh, cái này ai đưa đến, mà anh nghĩ ngợi, băn khoăn quá thế?

Sĩ Cập đáp:

- Cái này là một người bạn cũ, thái bộc nhà Tùy Dương Nghĩa Thần gửi đến. Thái bộc rất tinh thông binh pháp, biết rõ thiên văn, nhân bị tước cả binh quyền, bỏ quan đi ở ẩn. Nay sai người gửi đến cho ta một cái bình, niêm phong cẩn thận, ở bên trong chỉ hai thứ. Thật đúng là một câu đố khó giải.

Thục Cơ xem xét một hồi, rồi nói:

- Cũng chẳng có gì là hiểm hóc đâu. Chẳng qua khuyên anh nên mau mau theo về nhà Đường, thì may thoát khỏi họa thí nghịch vậy.

Sĩ Cập cả mừng:

- Em gái ta thật thông minh tài trí, nhưng ta cũng không tiện viết thư trả lời, mà cũng cần lấy một vật gì đó gửi cho thái bộc, để thái bộc hiểu được ý định của ta mới được.

Thục Cơ đáp:

- Nhưng không biết chủ ý của anh đã thật quyết chưa, nếu đã quyết thì có gì khó trả lời.

Sĩ Cập đáp:

- Hóa Cập làm những việc này, ta đứng xem cũng biết sẽ thất bại, đến lúc bị đánh lại, sẽ không thể nào chống đỡ kịp nữa rồi!

Thục Cơ liền nói:

- Thế là ý anh đã quyết, em sẽ sang bên này, tìm mấy thứ nhỏ, gửi cho thái bộc là xong.

Thục Cơ đi một lúc, quay lại, thấy tay cầm một cái hộp sơn đen, Sĩ Cập mở ra xem, thì thấy một con ngỗng làm bằng giấy cho trẻ con chơi, cổ con ngỗng lại đeo một cái thìa nhỏ tí, trên thìa lại có dính một lá bùa tính số mệnh nho nhỏ, tất cả đều được xếp gọn ghẽ. Sĩ Cập ngạc nhiên hỏi:

- Như thế nghĩa là gì?

Thúc Cơ ghé tai Sĩ Cập nói nhỏ mấy câu. Sĩ Cập khen hay, rồi đóng hộp lại, cũng niêm phong cẩn thận, rồi đưa ngay cho Dương Phương cầm về.

Ngày hôm sau Sĩ Cập vào gặp Hóa Cập, nói:

- Tần Vương Lý Thế Dân hội họp binh mã các nơi để chinh phạt, thần ý muốn dẫn một vài gia đinh, giả làm dân chạy loạn, lên trước xem xét hư thực ra sao, vài ngày xin quay về thưa kỹ.

Hóa Cập bằng lòng, Sĩ Cập liền gọi vợ con, cùng với Thúc Cơ giả dạng nam trang, thu thập tế nhuyễn, rời khỏi Lê Dương, đến thẳng Trường An. Lúc này Cung Đế đã nhường ngôi cho Lý Uyên, vua Đường Lý Uyên lên ngôi, cải hiệu Vũ Đức, Sĩ Cập đem em dâng cho vua Đường làm chiêu nghi. Vua Đường phong cho Sĩ Cập làm thượng nghi cai quản công việc tam ty quân sự.

Lại nói Dương Phương, cầm cái hộp sơn đen của Sĩ Cập về Bối Châu gặp chủ tâu trình, Nghĩa Thần mở ra xem, thấy thế vui mừng nói:

- Thế là bạn ta có nơi chốn yên ổn rồi!

Dương Phương hỏi:

- Thưa thái bộc, như thế nghĩa là làm sao?

Nghĩa Thần đáp:

- Sĩ Cập chẳng nói gì cả, xin nhắn: Tôi xin kính cẩn vâng mệnh mà thôi!

Nhân đó hỏi Dương Phương:

- Người ở Lê Dương, thấy được những chuyện gì? Dòng dõi tiên đế có ai thoát nạn không, các quan trong triều, ai là người giữ được tiết nghĩa?

Dương Phương thưa:

- Tiêu Hoàng hậu thì đã thất tiết, các bậc phu nhân, phi tần cũng chạy trốn được ít nhiều, chỉ có Chu Quý Nhi, Viên Bảo Nhi mắng giặc mà chết. Hoa phu nhân ở viện Thúy Hoa, Tạ phu nhân ở viện Ảnh Văn, Khương phu nhân ở viện Nhân Trí, đều tự thắt cổ chết. Hóa Cập thấy Lương phu nhân ở viện Cảnh Minh dung mạo thần tiên ý muốn giữ ình, nhưng phu nhân không chịu, chửi mắng thậm tệ, Hóa Cập tìm mọi cách dụ dỗ, phu nhân vẫn không theo, cuối cùng cũng bị giết. Viên Quý nhân nhà ta không hiểu đi đường nào, tiểu nhân hỏi kỹ mà vẫn không ai biết. Tôn thất, hoàng thân bị giết mất cả, chỉ có Tần Vương Hạo, thân thiết với Trí Cập, nên phải miễn cưỡng tôn lên làm vua, không ngờ gần đây đã bị Hóa Cập cho uống rượu độc giết chết. Nghe nói còn con nhỏ Triệu Vương Cảo trốn được, đang cho người lùng khắp nơi để bắt.

Nghĩa Thần nghe xong, đập bàn, rơi nước mắt:

- Nghịch tặc dám ngang ngược tàn ác đến thế, bá quan văn võ phần lớn lại là phường hám vị sợ chết, nhưng các vị đại thần ở các phiên trấn há không còn ai trung nghĩa nghĩ tới chuyện trừ diệt lũ nghịch tặc này hay sao?

Khóc than một hồi, đêm ấy trong lòng buồn bực thắp một cây nến lớn, ngồi trong thư phòng, cúi đầu xem sách, lúc lúc lại than thở.

Mãi tới canh hai thấy trong người mệt mỏi, lên giường nằm nhưng vẫn không ngủ được, ngoài cửa trăng sáng như ban ngày. Trong lúc trằn trọc chẳng yên, liền ngồi dậy ra sân, bước đi vẫn còn nghiêng ngửa, thì thấy một người đội mũ, áo bào đỏ, hoảng hốt tiến lại. Nghĩa Thần nhìn kỹ, nhưng trong lúc tâm thần bất định, ánh trăng lại chiếu từ phía sau, nên đành cất tiếng hỏi:

- Hứa Công đến đây sao?

Người này đáp:

- Thật vừa may gặp tướng công ở ngoài này, xin tướng công mau ra tiếp ngự giá.

Lúc này Nghĩa Thần quên cả chuyện Dượng Đế đã chết, vội bước ra phía cổng, thì thấy Dượng Đế đội khăn the mỏng, áo long cổn thêu rồng lúc ẩn lúc hiện, cổ lại quấn một dải lụa trắng, theo sau là hai cung nữ mà trên mặt đầy máu me, đỡ Dượng Đế. Nghĩa Thần hoảng hốt quỳ lạy, chỉ thấy Dượng Đế lấy hai tay bưng mặt, rồi nghe một cung nữ lên tiếng:

- Lão tướng quân, bệ hạ dặn lão tướng quân thế này, mẹ con Triệu Vương tới, phiền lão tướng quân giữ gìn cho. Chỉ có mỗi việc đó thôi, xin lão tướng quân hãy bình thân.

Nghĩa Thần đang định hỏi Triệu Vương ở đâu, ngẩng đầu lên nhìn, thì chẳng thấy nữa, trấn tỉnh lại, thì trăng đã lặn về Tây, tiếng gà xao xác báo sáng, phương đông đã thấy sáng mờ mờ. Nghĩa Thần trong lòng nghi hoặc, lấy làm lạ kỳ, ngồi dậy xuống giường, gọi tiểu đồng mở rộng cửa lớn, rồi dạo khắp trong sân ngoài ngõ, trông bên đông, ngó phía tây, vẫn chẳng thấy sự gì lạ. Bỗng thấy dưới suối có tiếng lao xao, rồi một chiếc thuyền ghé vào bờ. Nghĩa Thần cùng tiểu đồng núp sau gốc cây nhìn xuống, thấy một người chống thuyền, lên bờ buộc thuyền lại. Từ trên thuyền, một người đi xuống, đứng lại trên bờ cao, nhìn ngó xung quanh. Lúc này trời vẫn chưa sáng hẳn, người trong nhà vẫn chưa dậy. Nghĩa Thần không chờ được nữa, bước ra hỏi người này:

- Ngài ở đâu đến đây, định tìm nhà ai bây giờ?

Người này vội chắp tay vái chào rồi đáp:

- Chúng tôi là người Giang Đô chạy nạn đến đây!

Vừa nói vừa nhìn kỹ Nghĩa Thần từ đầu đến chân. Nghĩa Thần cũng nhìn lại một lần nữa:

- Ngài có phải họ Vương chăng?

Người này lại liếc nhìn, rồi nâng hai tay Nghĩa Thần, khẽ hỏi:

- Lão tiên sinh có phải họ Dương chăng?

Nghĩa Thần thấy nói thế, cũng nắm lấy tay người này vội hỏi:

- Ngài có phải là Tuần hà Vương đại phu chăng?

Người này đáp:

- Tiểu nhân chính là viễn thần Vương Nghĩa!

Nghĩa Thần nghe thấy thế liền kéo tay vào trong cổng. Vương Nghĩa vội ghé tai Nghĩa Thần nói nhỏ:

- Xin hãy khoan đã! Hiện còn Triệu Vương cùng các phu nhân dưới thuyền kia?

Nghĩa Thần thấy nói thế, vội giục:

- Trời sắp sáng rồi! Mau mời Triệu Vương vào nhà ngay cho!

Nghĩa Thần gọi tiểu đồng, mở rộng cửa chính, rồi vào nhà mặc đủ áo mũ cân dai, đứng chầu ngay bên cửa, để đón mọi người. Vương Nghĩa cũng đứng ngay bên giới thiệu từng người.

Viên Tử Yên, lúc này đang đóng giả đàn ông, bước tới cổng, thấy Nghĩa Thần, vội vàng thưa:

- Cậu ơi! Cháu gái cậu về đây!

Nói rồi, không ngăn được nước mắt, bái lạy đi vào, Nghĩa Thần giơ hai tay kéo lại nhìn cho rõ:

- Thì ra là con nhà họ Viên đây! Ta mấy hôm trước cũng có sai người đi hỏi thăm tin tức, nhưng chẳng ai biết, nay thì về đây rồi. Tốt lắm? Hãy khoan chào lễ vội, cứ vào trong nhà đi đã, giúp Triệu Vương cùng các phu nhân thay hành trang ngay đi.

Nghĩa Thần lấy La phu nhân, họ La mất sớm, mới lấy Vương phu nhân hiện nay, sinh chỉ một người con, mới năm tuổi tròn, tên là Hình Nhi, lúc này Vương phu nhân cũng ra tiếp đón mọi người. Nghĩa Thần cùng Vương Nghĩa ngồi trong thảo đường, Vương Nghĩa đem những chuyện vào cung, ra thành thế nào, kể lại một lượt. Sau đó Triệu Vương bước ra, tuy mới chín tuổi, nhưng hiểu biết hơn người, rồi cả Sa phu nhân, cùng các phu nhân khác cũng lần lượt kéo ra.

Nghĩa Thần thấy Triệu Vương đã thay quần áo, rõ ràng mặt vuông chữ điền, hai tai lớn, mắt sáng mi thanh, nghiễm nhiên một vị Thái tử cành vàng lá ngọc, bất giác trong lòng cũng thấy kính phục, gọi ngay tiểu đồng trải thảm, kê ghế dựa, rồi làm lễ vua tôi. Triệu Vương kéo tay Sa phu nhân mà rằng:

- Mẫu thân? Lúc này là lúc nào, mà lão tướng quân còn định làm lễ thế này? Nếu cứ lấy chuyện lễ tiết ra mà đãi như vậy, thì mẹ con ta thật không dám đến đây!

Rồi nhất định không chịu ngồi lên ghế dựa mới kê, Tử Yên nói:

- Thưa cậu! Triệu Vương ít tuổi, chẳng cần phải thế, xin cậu làm lễ vái chào bình thường là được rồi!

Nghĩa Thần đáp:

- Nếu đã như thế, cũng không dám cưỡng ép, xin mời ngồi lên đệm đây, để lão thần vái chào vậy?

Triệu Vương nói:

- Xin cứ lạy chào mẫu thân trước, sau đó mới đến ta chứ!

Sa phu nhân đáp:

- Nếu bàn đến chuyện lễ nghĩa chính thống, thì trước tiên là Triệu Vương!

Triệu Vương nói:

- Mẫu thân, lúc này đang trong thảo đường như thế này, nói gì đến chính thống. Huống chi nếu ta không được tiên đế ký thác ẫu thân che chở cho, thì cũng đã cùng Thục Vương Tư, Tề Vương Giản đều thành hồn oan dưới dạ đài cả rồi!

Nghĩa Thần thấy Triệu Vương nói năng đâu ra đó, nặng nghĩa đầy tình, lấy làm kinh ngạc. Tử Yên cùng Dã Nhi liền đỡ Sa phu nhân lên, rồi kéo Triệu Vương ngồi ngay bên vai phu nhân, Nghĩa Thần liền làm lễ vái lạy. Sa phu nhân rơi nước mắt mà rằng:

- Nhà Tùy giờ chỉ còn mỗi một chút này, xin được lão tiên sinh giữ gìn cho. Trời đất có linh thiêng, cũng phải cảm ơn đó!

Nghĩa Thần đáp:

- Lão thần này đâu dám không hết lòng trung nghĩa?

Rồi lạy bốn lạy, tiếp đó lạy chào các phu nhân cùng Dã Nhi. Đình Đình vội lui lại phía sau. Tử Yên cũng không dám nhận lễ. Nghĩa Thần nói với Vương Nghĩa:

- Viên Quý nhân là cháu gái của ta, đứng ở hàng phu nhân như vậy thì có gì là không phải đâu. Huống chi Triệu Vương mà không có Vương đại phu cùng mọi người đây, thì làm sao chúng ta có dịp quân thần hội họp ở đây. Trước mắt, công việc còn nhiều chuyện, phải làm

Vương đại phu còn phải khó nhọc nhiều. Xin để ta lòng thành vái một vái vậy!

Tử Yên vội kéo Đình Đình đến bên cạnh Vương Nghĩa, cùng làm lễ. Sau đó Tử Yên bước ra lạy Nghĩa Thần bốn lạy. Nghĩa Thần sai người nhà bày ra bốn bàn tiệc rượu, rồi lên tiếng:

- Đáng ra cũng muốn xin mời các phu nhân vào trong để khoản đãi, nhưng ở đây chỉ là cảnh rừng núi dân dã, cơm rau rượu quê, nào phải sang trọng gì. Phương chi cũng còn có chuyện muốn nói, nên xin hãy ngồi tạm ở thảo đường này cả, để mọi người được nâng chén cùng nhau.

Sa phu nhân cùng Triệu Vương ngồi một bàn, các phu nhân Tần, Địch, Hạ, Lý, cùng Dã Nhi, Đình Đình với Tử Yên ngồi hai bàn, Vương Nghĩa cùng Nghĩa Thần ngồi một bàn. Rượu được ba tuần, Vương Nghĩa nói với Nghĩa Thần:

- Lão tướng quân tuổi đã cao, mà vẫn còn thích dậy sớm, để may mắn tiểu nhân gặp được, khỏi phải hỏi thăm lôi thôi!

Nghĩa Thần đáp:

- Cũng chẳng phải ta thường dậy sớm đâu, mà chính tiên đế dã tới trước để báo tin, cho nên vội trở dậy ra cửa chờ đón vậy thôi!

Triệu Vương vội hỏi:

- Tiên đế báo tin ra sao?

Nghĩa Thần đem chuyện tối qua kể lại tỉ mĩ, các phu nhân khóc sướt mướt. Nghĩa Thần nói với Triệu Vương:

- Lão thần từ ngày bị đuổi về, làm một ông già thôn quê, chẳng hề ngó nhìn đến việc ngoài cửa, không ngờ tiên đế linh hiển, chẳng khác được giao phó công việc trước điện rồng. Thừa ơn Triệu Vương cùng các phu nhân giáng lâm nơi lều cỏ này, không phải lão thần này dám phụ tiên đế cùng Triệu Vương, nhưng ở nơi lều cỏ nhà tranh này, tường thấp mái dột, không phải là nơi cho rồng phượng ẩn náu, lỡ có chuyện gì sai sót, làm thế nào mà cứu chữa, mà chỉ có thể trú chân ba bốn ngày. Lâu hơn nữa thì sợ sinh biến vậy.

Sa phu nhân cất lời:

- Thế thì bây giờ nên chọn nơi nào?

Nghĩa Thần đáp:

- Chỗ ở thì cũng không phải là hiếm. Cha con Lý Huyền Thúy, đều là bậc đại thần nhà Tùy, nay nắm trong tay hai ba mươi vạn binh mã, đóng giữ Kim Dung thành; Đông bộ Việt Vương, Tả bộc xạ Vương Thế Sung, cũng có mấy vạn binh mã, đóng giữ Lạc Thương. Lý Uyên ở Tây Kinh, đã lập hoàng tôn đại vương Hưu làm vua, hưng binh thảo phạt, lúc này đang còn giả mượn danh nghĩa, lúc đã thành công, nhất định sẽ bỏ danh đó đi để tự lập, còn nếu bại thì cùng nhau chịu diệt vong, không thể tính chuyện suốt đời cho được. Vì vậy mà lão thần này vẫn trù trừ không dám quyết, chỉ có hai nơi này là có thể tin được: một là tổng quản U Châu, người này họ La tên Nghệ, tuổi tuy đã cao, nhưng vẫn dạ trung thành, vẫn còn kiên dũng, tiên đế giao cho La Nghệ trấn giữ U Châu, thủ hạ rất nhiều tay tài giỏi, bốn phương trộm cướp không dám đụng đến bờ cõi U Châu. Nếu nay Triệu Vương cùng phu nhân đến, thế nào cũng được tiếp đón chu đáo, săn sóc như một nhà, nhưng còn ngại nỗi lũ Đậu Kiến Đức, thanh thế cũng rất lớn, thường hay qua lại xung quanh, cho nên đường đi cũng có phần nguy hiểm. Tốt hơn cả có lẽ là nơi thứ hai này, chỗ Nghĩa Thành công chúa, tuy ở nước ngoài xa xôi, thuộc đất của Khả hãn, vẫn còn giữ được thói tục thuần phác trung hậu, không thể nào so sánh được với dân Trung Quốc chúng ta, tâm địa hiểm độc. Lão thần lại rõ công chúa thuộc dòng tôn thất đã suy tàn, chỉ còn mỗi dòng này là có thế lực hơn cả, nhưng lại không người nối dõi, trước đây trong dịp công chúa ở xa về chầu tiên đế, tiên đế đã đối đãi rất thân thiết, huống chi đều là bậc vua, bậc hoàng hậu của một nước láng giềng, trong tay cai quản mọi sự. Nếu Triệu Vương bằng lòng đi, công chúa nhất định sẽ lấy lễ mà tiếp đón thật lòng, có thể là nơi yên ổn lâu dài. Chỉ có chỗ này mới thật chắc chắn, còn ngoài ra, lão thần thật không dám nói tới.

- Triệu Vương cùng mọi người gật đầu ưng thuận. Sa phu nhân nói:

- Những lời vàng đá của lão tướng, đủ thấy dạ trung kiên, nhưng núi dài sông rộng, không biết đi bằng cách nào?

Nghĩa Thần đáp:

- Nếu ý của Triệu Vương đã định, lão thần này sẽ có cách chắc chắn. Nhưng chỉ nên đễ Triệu Vương, Sa phu nhân, cùng Vương đại phu. Ngoài ra nghe nói Tiết Mỹ nhân thạo nghề cung kiếm, cũng nên đi theo, còn bốn vị phu nhân đây và cháu gái lão thần đi thì có nhiều điều không tiện.

Bốn vị phu nhân, nghe đến đây, đều rơi nước mắt mà rằng:

- Chị em chúng tôi năm người thề cùng sinh tử, xin nhờ lão tướng quân nghĩ cách chu toàn cho.

Nghĩa Thần đáp:

- Xin đừng ngại, lão thần này hỏi thật bốn vị phu nhân đây, có thật cảm ơn sâu nặng của tiên đế, quyết lòng thủ tiết, hay là chẳng qua chỉ đợi thời, rồi tìm cách để sống nốt quãng đời còn lại?

Tần phu nhân đáp:

- Lão tướng quân nói ra điều ấy sao? Xin đừng nhận nhầm bốn chị em chúng tôi với hạng phụ nữ tầm thường. Cũng xin được hỏi lại lão tướng quân, lão tướng quân có định lại ra cửa theo lũ nghịch chăng? Nếu lão tướng quân còn tiếc rẻ không muốn bày cho chúng tôi kế hay chước lạ, chị em chúng tôi đến bờ sông, theo Tam Lư dại phu , thì cũng chẳng có gì khó.

Nghĩa Thần nói:

- Không phải lão thần tiếc một kế sách nhỏ, lúc này một khắc một quý, nhưng rồi ra tháng rộng ngày dài, liệu có qua được không?

Địch phu nhân lên tiếng:

- Lão tướng quân lấy địa vị của một bậc trung thần nghĩa sĩ, một kẻ trượng phu mà nhìn nhận phụ nữ chỉ là kẻ dập dờn theo sóng nước, chẳng việc gì phải tính kế lâu dài. Nhưng gần đây lão tướng quân đã được nghe chuyện Chu Quý Nhi, Viên Bảo Nhi cùng Lương phu nhân mắng lũ nghịch tặc, nêu gương tiết nghĩa, thay nhau tuẫn nạn khiến cho quân thần triều Tùy đủ thẹn với mình. Phương chi, chị em chúng tôi sống trong cảnh phồn hoa, chịu ơn dày của chúa thượng, mà lão tướng quân vẫn còn ngờ chị em chúng tôi có lòng khác. Nếu không nói rõ được chí mình, thì làm sao mà mọi người tin được?

Địch phu nhân rút ngay một lưỡi đoản đao giắt ở giải quần, rạch lên khắp má phải má trái khuôn mặt đẹp như hoa của mình. Tần, Hạ, Lý, ba phu nhân thấy Địch phu nhân làm thế, người nào cũng đều rút ra mỗi đoạn đao. Sa phu nhân, Đình Đình, Dã Nhi, Tử Yên đều hoảng hồn, vội vàng túm tay ngăn lại, nhưng trên gương mặt người nào cũng đã có mấy vết rạch cả, máu chảy loang khắp mặt. Nghĩa Thần vội đứng dậy bái lạy mà rằng:

- Thật là lão thần lỡ lời bất kính, cũng thật là không uổng tiên đế suốt một đời chung tình, nhưng cũng xin các vị phu nhân hãy tự thương lấy thân mình nữa!

Triệu Vương đứng dậy khỏi ghế, kéo Nghĩa Thần dậy. Nghĩa Thần nói với bốn vị phu nhân:

- Cách đây khoảng hai ba dặm, có thôn Đoạn Nhai, cả thôn chỉ khoảng mười nhà, tất cả đều thật thà, hiền lành, có một cái am nhỏ là am Nữ Trinh. Một lão ni cô coi sóc ở đó, vốn là mẫu thân Cao Khai Đạo người Thương Châu, chồng chết từ lúc còn ít tuổi, ở vậy thờ chồng. Ni cô hiểu biết hơn người, sáng suốt, thấy ra con mình đi làm giặc, chẳng thể nên công chuyện gì, nên cố tình rời về đây, tìm đến am này làm chỗ gửi thân suốt đời, là nơi khó thấy được vết ngựa xe qua lại. Nếu các phu nhân bằng lòng vào đây tu đạo, thì chắc chắn là có thể yên ổn suốt đời. Còn như những thứ chi dụng hàng ngày, lão thần xin cung đốn đầy đủ không thiếu một ngày, các phu nhân không cần phải lo lắng gì cả!

Bốn phu nhân đều nói:

- Thế thì thật tốt quá rồi! Đủ để sống nốt quãng đời thừa này, nhưng liệu đến ngày nào có thể đi được?

Vương Nghĩa thưa:

- Cần phải xem ngày nào tốt, sai người đến nói trước với lão ni rồi hãy đi sau.

Hạ phu nhân đáp:

- Sự đời đến như thế này, còn gì phải chọn ngày, xin lão tướng quân sai người đi bàn trước với lão ni ngay cho là hơn cả!

Nghĩa Thần sai tiểu đồng lấy lịch thư lại xem ngày, vừa may ngày mai lại là ngày tốt. Tất cả ăn uống xong, các phu nhân cùng Triệu Vương vào bên trong, Nghĩa Thần sai tiểu đồng dắt ra hai con la, dặn người nhà đóng cửa cẩn thận, tiểu đồng theo hầu rồi cùng Vương Nghĩa đến am Nữ Trinh ở thôn Đoạn Nhai, để bàn bạc với lão ni. Lão ni vốn nghe tiếng Nghĩa Thần là bậc trung thần nghĩa sĩ, lại vốn là người trụ trì, liền ưng thuận ngay, cả hai lên đường về.

Vương Nghĩa nói lại cho các phu nhân biết, am Nữ Trinh phòng ốc sạch sẽ, quang cảnh u nhàn thế nào. Các phu nhân nghe ra, cũng lấy làm vui mừng. Tử Yên nói với Nghĩa Thần:

- Thưa cậu? Cháu cũng muốn được xuất gia cùng các phu nhân, vào am sống nốt quãng đời còn lại vậy.

Nghĩa Thần đáp:

- Cháu cứ ở lại đây đã. Ta hãy còn có chuyện muốn nói.

Tử Yên lặng lẽ lui vào. Qua một đêm, canh năm hôm sau, Nghĩa Thần mới mời bốn phu nhân xuống thuyền, Sa phu nhân cùng Triệu Vương, Dã Nhi, Đình Đình đều nói:

- Giờ thì mỗi người mỗi nơi, chẳng biết rồi còn có ngày gặp nhau nữa không. May mà trời còn thương, còn có dịp trở về trung nguyên, cũng nên biết chỗ ở của nhau để mà tìm nhau, nên phải được tiễn đưa lần này!

Nghĩa Thần thấy tình cảnh như vậy, cũng không nỡ cản ngăn, đành để mọi người đưa tiễn, rồi dẫn theo Tử Yên, vợ chồng Vương Nghĩa xuống thuyền. Đến am, lão ni ra đón, cùng với hai ni cô giúp việc một người là Trinh Đình, một người là Trinh Tĩnh tuổi đều mới mười bốn, mười lăm. Lão ni cùng các phu nhân làm lễ chào hỏi họ tên, rồi sai hai ni cô cùng đưa mọi người đi lễ các điện, Nghĩa Thần đưa ra hai mươi lạng bạc gửi lão ni. Lão ni nói:

- Cháu gái lão tướng quân chưa phải lúc tu hành đâu, sau này hãy còn nhiều gặp gỡ lạ lùng dấy!

Nghĩa Thần đáp:

- Đúng thế, ta cũng không bảo Tử Yên ở am đây đâu, đưa tiễn các phu nhân đến đây rồi lại sẽ quay về đã.

Lão ni giữ mọi người lại dùng cơm chay. Mãi chiều, Sa phu nhân, Dã Nhi, Đình Đình cùng bốn vị phu nhân khóc lóc thảm thiết chia tay, bọn Sa phu nhân cùng Triệu Vương xuống thuyền quay về nhà Nghĩa Thần. Nghĩa Thần sau đó sai Dương Phương nghe ngóng tin tức, chờ dược thuyền lớn đến, liền đưa Triệu Vương, Sa phu nhân, Dã Nhi cùng vợ chồng Vương Nghĩa lên thuyền đến tận chỗ Nghĩa Thành công chúa:

Chính là:

Ở đời lắm nỗi khổ đau

Sinh ly, tử biệt, khổ nào khổ hơn?--------------------------------

Con rùa làm bằng đường, là "quy đường" nhưng "quy" là rùa, tại đồng âm với "quy" là về, theo, hàng. Nên hiểu ra là "theo về nhà Đường". Quả táo là "tảo", hai quả táo là "tảo tảo", gần âm với "tốc tốc" là mau mau. Vì vậy Thục Cơ giải là: "Mau mau theo về với nhà Đường đi!" Con ngỗng là "nga" gần âm với "ngã" là tối, cái thìa là "cẩn" đồng âm với "cẩn" là kính cẩn, lá bùa tính toán số mệnh gọi là "toán mệnh" đọc chệch là "tuân mệnh". Vậy là "ngã cẩn tuân mệnh". Tam Lư đại phu: chức quan của Khuất Nguyên, quan nước Sở, bi bọn gian lận nói xấu. vua Sở đuổi đi không dùng, bèn nhảy xuống sông Mịch La tự tử (Điển cố văn học)

Truyện Chữ Hay