Tùy Đường Diễn Nghĩa

chương 14: múa giản trước ba quân, nức tiếng tần quỳnh, tặng vàng hơn trăm lạng, đền ơn liễu thị.

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Thơ rằng:

Ngọc trong đá, vàng trong bùn đục

Can Tương vùi dưới Phong Thành ngục

Gặp thì mài dũa thợ lành nghề

Chọc trời ánh kiếm chói như đuốc

Trượng phu tung tích xưa nay rõ

Vụt mây, vụt bùn, vụt chuột, hổ

Vua hán xây đàn, ba quân kinh

Hoài âm hay là Giang, Quân đó?

Khốn cùng không ép chớ nên hiền

Hùng dũng đao thuơng, há chịu hèn

Vật báu nhắn ai còn cất túi

Đợi ngày xỏng xảnh tiếng vàng chen.

Lời người xưa chẳng sai, vận xấu đến thì vàng mười cũng mất giá, số may còn thì sắt rĩ cũng phát ánh sáng lóng lánh. Thúc Bảo lúc ở sơn Đông làm bấy nhiêu việc, đến Lộ Châu gặp bao chuyện sóng gió, cũng chỉ vì thời vận chưa đến. Một buổi sớm, gặp được La Nghệ đang là là mặt đất bỗng vụt tận trời cao, lộ rõ tất cả bản lãnh cả đời của mình. La Nghệ cũng vì muốn cất nhắc Thúc Bảo, nên mới có cuộc đại thao diễn ba quân.

La Nghệ ngồi trên trướng đài, mười vạn hùng binh, đội ngũ chật đất, chia thành từng ô vuông vắn. Phía dưới trướng đài, các tướng cao thấp dàn hàng túc trực, toàn thân nai nịt gọn gàng, sắc kiếm sáng ngời, mũi thương nhọn sắc sắp hàng hai phía tả hữu. Thúc Bảo đứng phía bên tả nhìn suốt lượt xa gần bốn phía, lòng thầm nghĩ: "Ta lâu nay giống như ếch ngồi đáy giếng, không biết đến trời cao đất rộng, chỉ biết mỗi đất Sơn Đông là lớn. Hãy cứ nhìn ông chú ngoài năm mươi của ta, râu tóc đều còn xanh đen, mà đã khoác nhung phục đệ nhất phẩm, nắm quyền sinh sát hàng vạn người, một lời hô, trăm lời dạ. Đại trượng phu trên đời, phải như thế mới xứng!".

Nào có biết đâu, lần thao diễn võ nghệ này, La Nghệ chỉ để ý thấy Thúc Bảo, chẳng hề bận tâm một sự gì khác. Thấy Thúc Bảo như có vẻ tính toán, lo lắng điều gì, La Nghệ liền dõng dạc gọi:

- Tần Quỳnh!

Thúc Bảo quỳ xuống thưa lớn:

- Có!

La Nghệ hỏi:

- Người sử dụng vũ khí gì thạo hơn cả?

Thúc Bảo vội thưa:

- Dạ, múa song giản?

La Nghệ hôm qua trong bàn tiệc ở nhà riêng cũng đã từng hỏi rồi, nhưng sao hôm nay còn hỏi lại. Chỉ vì biết đôi giản của Thúc Bảo, vẫn còn đang nằm ở kho của phủ Lộ Châu, chưa có thể lấy về kịp, La Nghệ bèn truyền gia tướng:

- Đem đôi giản bằng bạc của ta ra đây.

Đôi giản này của La Nghệ đúng là rèn bằng bạc, có cán mạ vàng, cả hai nặng hơn sáu mươi cân. So với đôi giản của Thúc Bảo vừa ngắn hơn, vừa nhẹ hơn, nhưng vì đã sử dụng quen đôi giản nặng của mình, nay cầm đến đôi giản này của La Nghệ, Thúc Bảo lại càng có điều kiện trổ tài hơn. Hai viên gia tướng xách đôi giản bạc ra, Thúc Bảo quỳ dưới đài, hai tay giơ lên kính cẩn đỡ đôi giản, rồi nhẹ nhàng đứng dậy, vung tít đôi giản, chẳng khác gì hai con rồng bạc, che kín thân mình, lại giống như hai con mãng xà dát ngọc lấp lánh quanh lưng. La Nghệ ngồi trên dài cao giọng khen một mình:

- Múa giỏi lắm!

Cũng chẳng phải dưới trướng La Nghệ không có người biết múa giản, mà chỉ có riêng Thúc Bảo biết múa thôi đâu, chẳng qua La Nghệ muốn chư tướng lên tiếng ca ngợi, khâm phục tài múa giản của Thúc Bảo. Chư tướng cũng đón biết ý của La Tướng quân, nên cả hai hàng tướng sĩ đều nhất loạt trầm trồ:

- Giỏi lắm! Hay lắm!

La Thành công tử, vì ở tận ngoài viên môn của giáo trường, nên phải trèo đứng lên vai của bốn vị cựu lão, mới thấy rõ Thúc Bảo múa giản thế nào. Đến những khi Thúc Bảo múa thật nhanh, thân người cũng bị đường giản che kín hết, chỉ thấy ánh bạc loang loáng, La Thành cũng xuýt xoa thán phục, nhưng không dám la ầm ĩ, chỉ khẽ lẩm nhẩm:

- Đúng là giỏi thật!

Thúc Bảo múa xong, lại quay về trước trướng đài chờ lệnh, La Nghệ hỏi tiếp:

- Tần Quỳnh còn biết sử dụng vũ khí gì nữa?

Thúc Bảo đáp:

- Dạ, thương cũng biết ít nhiều.

La Nghệ sai mang thương đến, hai viên gia tướng lại cầm thương đưa cho Thúc Bảo, họ đã chọn cây thương gỗ tốt nhất trên giá, cái này cũng nặng tới một trăm hai mươi cân, hai đầu đều bịt sắt quấn gân trâu, đã lên nước bóng loáng như sơn đen. Thúc Bảo đỡ lấy, người cúi xuống, đè lên cây thương, tay phải đánh mạnh, thương gãy làm hai đoạn, những quận gân trâu quấn lằng nhằng không đứt. Thúc Bảo quỳ xuống thưa:

- Tiểu tướng phải dùng hỗn thiết thương mới được!

La Nghệ gật đầu khen:

- Đúng là con nhà võ tướng?

Truyền cho gia tướng:

Hãy lấy cây thương của ta trên giá, đem xuống cho Tần Quỳnh.

Hai viên tướng y lệnh lại vác cây thương xuống. Cây này cũng nặng một trăm hai mươi cân, dài một trượng tám thước. Thúc Bảo đỡ lấy xoay toàn thân, kéo thương vào lòng. Thấy dáng vẻ chưa thật thuần thục, La Nghệ gật gật đầu, khẽ nói:

- Thương pháp chưa được bằng múa giản, còn cần phải chỉ bảo thêm nữa.

Lời nhận xét của La Nghệ cũng thể hiện ở soái phủ U Châu, việc rèn luyện về thương pháp rất được chú ý. Không như Thúc Bảo, không hề được truyền thụ về cách sử dụng thương pháp cho đến nơi đến chốn, làm công sai ở Tế Châu, chẳng qua học được ít miếng của bạn bè, trong cảnh tự do tự tại, mang phong cách lục lâm giang hồ mà thôi, cho nên không thể qua được mắt tài nghệ của La Tướng quân. Nhưng vì vừa nghe La Nghệ ngợi ca tài múa giản, lại thấy Thúc Bảo không hề lúng túng, không hề phải lấy sức, vẫn múa nhẹ nhàng cây thương nặng một trăm hai mươi cân, nên tướng sĩ cho đến lính tráng đều đủ kinh ngạc, mà cũng khó nhìn rõ tài nghệ đến đâu, cuối cùng cũng được khắp giáo trường tán thưởng.

Thúc Bảo biểu diễn thương xong, La Nghệ truyền lệnh tam quân thao diễn. Một tiếng pháo nổ đinh tai, chỉ thấy:

Trận xếp tám phương

Cờ tung năm sắc

Cọp rồng đua cánh

Tàn quạt rợp trời

Mây đen ngang dọc

Cờ đen chỉ phương Bắc hùng quân

Ráng đỏ thẳng xông

Cờ đỏ chỉ phương nam dũng sĩ

Tuyết phủ đầy đồng khắp nội, hiệu báo canh tân

Xuân về núi thẳm hang sâu, màu nêu giáo ất

Xấu tốt chẳng giống đá Giang Lăng

Mạnh yếu vẫn nòi quân U, Lý.

Thao diễn xong, viên quan xướng lệnh trong quân hô lớn:

- Chư tướng, tam quân thao diễn đã xong, thừa lệnh tổng quản tướng quân, đến phần tỷ thí cung tên!

La Nghệ gọi Thúc Bảo hỏi:

- Nhà ngươi có thạo cung tên không?

La Nghệ hỏi thế cũng là có ý, nếu Thúc Bảo biết bắn thì thi, nếu không thì thôi, chẳng hề bị mang tiếng xấu xa gì nữa. Nhưng Thúc Bảo lúc này, đang hồi đắc ý, tự thấy mình giản rồi thương đều giỏi giang, nên cũng buột miệng thưa:

- Dạ, có!

Có ngờ đâu trong số hơn nghìn viên tướng dưới trướng La Nghệ, cũng có tới hơn ba trăm viên thần tiễn. Từ ba trăm đó, lại chỉ chọn ra sáu mươi viên giỏi nhất trong việc vừa trên ngựa vừa bắn cung, đều là những kẻ bách phát bách trúng. Với đích bắn là cán thương dài nạm bạc, thì những viên tướng này xem là trò đùa con trẻ. La Nghệ hiểu rõ điều này, lại biết rõ sức lực của Thúc Bảo, nên lệnh cho gia tướng lấy cho Thúc Bảo chiếc cung của mình vẫn dùng, vừa dài vừa cứng, và chín mũi tên. Quân chính ty lập tức ghi tiếp tên Thúc Bảo vào cuối sổ dự thi, rồi bước lại trướng đài, quỳ thưa.

- Trình tổng quản tướng quân, xin tướng quân chỉ định đích bắn!

La Nghệ cũng vì có Thúc Bảo trong bọn thi tài, nên phán ngay:

- Lấy cán thương như mọi lần vậy.

Những cán thương làm đích bắn ở giáo trường lại càng dễ trúng, đều được làm bằng gỗ mềm, mỗi cán dài chín thước đứng cách một trăm tám mươi bộ , cứ mỗi lần tên bắn trúng vào cán thương, thì cờ hiệu màu xanh lại phất nhất loạt để thay tướng khác bắn, theo đúng thứ tự xướng danh của quân chính ty. Những viên tướng này, đều phải rèn luyện một ngày, đến viên kỳ bài quan mới được nhận chức Sử Đại Nại nữa là đã có tới năm mươi bảy tướng dự thi bắn, mà chưa từng có một mũi tên nào chệch khỏi cán thương, rơi ra ngoài. Thúc Bảo đứng xếp hàng phía sau, thấy quang cảnh như vậy, trong lòng thầm hối hận: "Đáng ra ta cũng không nên khoác lác quá. Vừa rồi khi La tướng quân hỏi: "Có thạo cung tên không", chỉ cần ta đáp: "Không thạo!", thế là xong, tướng quân cũng chẳng ngạc nhiên làm gì. Sao ta lại dại dột trả lời rằng có. Giờ biết làm sao đây!".

La Nghệ vốn là người rất cẩn thận, tinh tế, bày ra chuyện thi bắn cung này cũng chính chỉ để Thúc Bảo trổ tài, nay thấy tinh thần Thúc Bảo có vẻ hoảng hốt, ngờ là việc cung tên Thúc Bảo cũng chưa được luyện tập nhiều, liền gọi Thúc Bảo đến, hỏi:

- Ngươi có thấy các tướng dưới trướng ta, bắn có giỏi không?

La Nghệ hỏi thế vẫn là có ý tốt, chỉ cần Thúc Bảo khiêm nhường, La Nghệ có thể ra ngay lệnh miễn thi bắn cho. Thúc Bảo vẫn không hiểu ra thiện ý câu hỏi đó, với vẻ cuồng vọng của bậc thiếu niên, không chút từ tốn, đáp:

- Chư tướng đều bắn vào đích đứng yên, chưa đủ lấy làm lạ!

La Nghệ hỏi:

- Ngươi bắn còn tài hơn nhiều sao?

Thúc Bảo thưa:

- Tiểu tướng có thể bắn được chim đang bay trên trời cao.

Chả cần đến người nhiều tuổi, sáng suốt như La Nghệ mới hiểu ra là Thúc Bảo không bắn thạo một cái đích như thế, cũng muốn xem Thúc Bảo sẽ bắn chim bay như thế nào? Ra lệnh cho chư tướng tạm ngừng việc thi bắn cán thương, xem Thúc Bảo bắn chim trên trời cao. Quân chính ty lập tức gấp sổ sách lại, chư tướng buông cung, bỏ tên vào túi. Thúc Bảo thì giương cung chờ sẵn, đứng ngay bên thềm đài hình bán nguyệt. Giữa thanh thiên bạch nhật, bầu trời trong suốt, không một bóng chim bay. Chỉ bởi cả muôn vạn tinh binh, cờ dong trống gióng để thao diễn, thì chim nào còn dám bay tới. La Nghệ bèn ra lệnh:

- Lệnh cho quan coi tiền lương, đem ra mấy miếng thịt bò tươi, treo trên ngay đỉnh cột cờ.

Thế là thịt bò treo lên, thỉnh thoảng những giọt máu tươi lại nhỏ giọt, lúc bấy giờ ở vách núi gần đó thấy một vài cánh chim ưng đói mồi mới mon men tìm đến. Thói thường, người trong cuộc thì mê, người bên ngoài lại sáng suốt, La Thành ngoài viên môn, lúc này thầm nghĩ: "Anh Thúc Bảo giờ định giở trò xấu chơi đây. Bắn bầy chim sẻ, quạ đen còn dễ, chứ chim ưng thì sao mà hạ nổi. Con hươu không bị quáng bởi mắt người, con cá không bị lòa vì nước trong, trời xanh, thảo nguyên xanh không làm lạc mắt chim ưng được. Trong mắt chim ưng, có đôi đồng tử nhỏ bằng hạt đậu, chim đang bay trên lưng chừng trời, dưới bãi cỏ bên sườn núi, chỉ thấy một hạt đậu lăn đi lăn lại, nó cũng còn nhìn thấy. Anh ấy nói có thể hạ được chim ưng đang bay, chỉ là khoác lác một chút cho sang. Nhược bằng không bắn được, phụ thân sẽ không trọng dụng anh ấy nữa, thì thật đáng thương ột anh hùng vừa lỡ vận, từ nghìn dặm tới đây. Ta phải giúp anh ấy một tay mới xong!"

Nghĩ rồi mở áo khoác, lôi chiếc cung hoa tiêu của mình ra, lắp tên vào, giương lên chờ sẵn, lại cố ý lấy áo khoác che bớt. Hàng vạn quan quân đều đang chú mục chờ Thúc Bảo bắn chim ưng, chẳng ai biết chuyện La Thành đang giương cung ngoài cửa đông này: Chỉ có bốn cựu lão ở ngay dưới chân La Thành, cũng chẳng biết thì thôi. Hai người đứng bên phải lúc nào cũng luôn miệng chuyện trò, chẳng để ý gì đến xung quanh, hai người bên trái vì bị ánh mặt trời chiếu vào mắt, phải lấy tay che để nhìn rõ Thúc Bảo bắn ưng, La Thành lại giương cung rất nhẹ nhàng, không một tiếng động nhỏ, nên cả bốn người đều không hay biết gì. La Thành cũng tính thật kỹ lưỡng lúc nào thì nên bắn tên đi. Nếu Thúc Bảo chưa bắn, La Thành bắn thì có ích gì, nên La Thành vẫn giương cung chực sẵn mà thôi. Đáng lo ngại thay cho Thúc Bảo lúc này, đã thấy chim xuất hiện gần mấy miếng thịt bò tươi, cung đã giương sẵn, mọi người reo hò thúc giục, chim vẫn bay đi bay lại, Thúc Bảo không còn biết thế nào, chỉ còn cách giơ ngược cung, bắn một phát. Dây cung khẽ động, chim ưng đã biết có tên đến gần, liền xoay thân hình một vòng kín, vỗ mạnh đôi cánh vừa dày những lông, vừa cứng như sắt, chụp lấy mũi tên của Thúc Bảo mà thân hình chẳng hề một xây xát nhỏ nào. Thúc Bảo thấy thế, trong lòng vô cùng hoang mang, nhưng rồi lại thấy, con chim ưng đó vật vã đôi cánh, liệng bên này, chao bên kia, không còn giữ được thăng bằng nữa, từ từ rơi xuống đất trước mặt ba quân tướng sĩ. Cả thao trường lại một lần nữa náo động, ai nấy hò reo ầm ĩ như phát cuồng.

Kẻ đứng xem hò reo một tiếng

Người trong cuộc phấn khởi trăm lần.

Tất nhiên, ngay cả đến Thúc Bảo cũng không rõ vì sao con ưng đó lại rơi xuống. La Thành thì lại giấu cung hoa tiêu của mình vào ngay trong áo khoác như cũ, rồi cùng bốn cựu lão lên ngựa, trở về soái phủ trước. Quân lính nhặt con ưng dâng lên cho La Tướng quân, La Nghệ vì vẫn thiên vị Thúc Bảo ngay từ đầu, nên tự thân xuống ngay trướng đài, gài cho Thúc Bảo một bông hoa đỏ vào áo. Thế rồi trống gióng, cờ mở, rước về soái phủ, truyền lệnh tất cả chư tướng, không kể có tham dự tỷ thí hay không, đều được thưởng nhất loạt, ba quân cũng vậy, đều được ban rượu thịt để tưởng lệ sự khó nhọc. La Nghệ về hậu đường, La Thành thì đã về nhà riêng từ trước, riêng chuyện bắn tên giúp Thúc Bảo, cũng không dám nói với mẫu thân, chỉ sợ lộ chuyện, Thúc Bảo sẽ mất thể diện chăng.

Sau đó, La Nghệ về yến tiệc tại nhà riêng, nói chuyện với Tần phu nhân:

- Tần Quỳnh múa giản giỏi lắm, cung tên cũng thật lạ lùng ít có. Chỉ có thương pháp là chưa được rèn luyện chu đáo thôi.

Rồi quay ra nói với Thúc Bảo:

- Trong soái phủ cũng có sân tập luyện, cháu phải cùng em học thêm thương pháp.

Thúc Bảo thưa:

- Xin tạ ơn những lời chỉ giáo của chú!

Từ đó hai anh em, ngày ngày ra sân tập ngựa, luyện thương. La Nghệ những hôm nghỉ việc cũng ra bày vẽ thêm cho những đường thương gia truyền của họ La.

Quang âm thấm thoắt, đã gần một năm trôi qua, Thúc Bảo vốn là người con có hiếu, chỉ tính từ ngày đi công sai ở Lộ Châu, hẹn trên dưới một tháng sẽ về, chẳng ai ngờ được chuyện rẽ muôn đường, bao nhiêu rắc rối xảy ra, đến nay vẫn chưa được về Sơn Đông chăm sóc mẹ già. Cũng không thể nói vì ở soái phủ đông người vui cảnh mà quên cả quê nhà, quên cả mẹ già. Mà thật ra lòng thương nhớ người thân, không lúc nào là không có, nhưng vì Thúc Bảo hiểu ra rằng: Nếu ta đến U Châu này để thăm họ hàng, ở đã lâu ngày, lấy cớ mẫu thân trông ngóng, cáo từ thật dễ dàng. Nhưng hiện nay, ta vẫn là người đi đày, may mà gặp chú cô che chở, nếu xin về, không biết La Tướng quân sẽ trả lời thế nào? Có bằng lòng cho ta về không. Nếu như La Tướng quân lại đáp: "Hiện giờ ta đương làm quan ở đây, ngươi về cũng có thể được, nếu ta không làm quan ở đây, ngươi có về được không?". Lúc bấy giờ, về cũng không xong, mà ở cũng dơ dáng nốt.

Những điều này không phải bây giờ Thúc Bảo mới nghĩ tới, mà ngay những ngày đầu nhận được cô chú, Thúc Bảo đã nghĩ ra. Giờ chỉ có cách, nhờ La Thành, chờ dịp nào đấy nói hộ với cô, rồi cô sẽ lo lắng ình trở về là tốt hơn cả. Nhưng tính khí La Thành vẫn còn trẻ con, đã thích ai thì suốt ngày không rời người ấy một bước. Từ ngày gặp Thúc Bảo, anh em hợp tình, lại rất phục cử chỉ, bản lĩnh anh hùng của Thúc Bảo, đời nào lại bằng lòng cho Thúc Bảo về Tế Châu, để rồi lỡ phụ mẫu có đánh mắng, còn có người xin cho. Cho nên dù có thuyết phục La Thành bao nhiêu, thì có khi La Thành ngoài miệng cũng sẽ tỏ vẻ bằng lòng: "Hôm qua, đã nói với mẫu thân. Phụ thân một vài ngày nữa sẽ cho anh về Tế Châu thôi!". Thành ra vẫn chẳng dám ngỏ lời, ngày tháng càng dài, càng dài mãi mà vẫn chưa được trở về.

Mãi cho tới tháng tám, năm thứ ba, đời Nhân Thọ, một hôm La Nghệ ngồi trong thư phòng hỏi về việc học hành của hai anh em, lúc này La Thành còn chưa kịp chải dầu. La Nghệ ngước mắt nhìn lên tường có đề bốn câu thơ, La Nghệ nhận ra nét Thúc Bảo. Thì ra Thúc Bảo vì quá tha thiết về quê, một lần uống mấy chén rượu vào, bỗng hứng lên đề mấy câu thơ trên tường này, La Nghệ nhận ra tình cảm Thúc Bảo, trong lòng không vui. Mấy câu như thế này:

Một ngày xa cách một ngày đau

Lẻ bạn chim rừng ủ rũ sầu

Đất khách dẫu vui cho đến mấy

Lòng quê hôm sớm vẫn nao nao.

La Nghệ không chờ chuyện trò với hai anh em nữa, ra phía phòng sau. Phu nhân ra đón, hỏi:

- Tướng quân vừa vào thư phòng để xem việc học hành của hai anh em, sao đã thấy vào đây?

La Nghệ phàn nàn:

- Chúng nó không chịu rèn luyện, thì dù có bắt chúng rèn luyện cũng chẳng xong.

Phu nhân hỏi tiếp:

- Sao tướng quân lại nói thế?

La Nghệ đáp:

- Phu nhân, từ ngày cháu tới U Châu, ta xem nó chẳng khác gì La Thành, không hề có sự phân biệt. Ta cũng muốn giữ ở đây ít lâu, để nó lập nên công trạng gì đó, rồi sẽ tâu với triều đình, phong cho quan chức, để rồi mặc áo gấm trở về quê hương. Không ngờ nó chẳng biết đến lòng tốt của ta, mà lại có vẻ oán giận. Vừa rồi vào thư phòng, thấy trên vách có đề bốn câu thơ, đều nói tới lòng nhớ nhà, nhớ quê. Thế thì ta còn giữ ở đây cũng vô ích.

Phu nhân nghe thế, nhỏ nước mắt mà thưa:

- Tiên huynh sớm từ giã cõi thế, chị dâu ở góa một mình ở quê người, đất khách, chỉ có mỗi một mình nó, ra đi đã gần một năm nay, nhìn bốn bên chẳng có người máu mủ, bây giờ được tướng quân nâng đỡ cháu nó mà kiếm được một chút địa vị, mặc áo gấm về làng cũng là điều tốt. Nhưng chi bằng cho nó về chăm sóc mẫu thân thì hơn.

La Nghệ hỏi lại:

- Ý phu nhân cũng muốn cho nó về quê sao?

Phu nhân đáp:

- Chị dâu tuổi cao, ngày ngày lo lắng trông chờ. Chẳng có gì phải bàn nhiều.

La Nghệ kết luận:

- Bất tất phải sụt sùi làm gì. Giờ chỉ sắp xếp cho nó về quê vậy thôi?

Rồi cho dọn tiệc tiễn hành, sai bên ngoài lấy một con ngựa tốt, một bộ yên cương đi đường xa đem vào soái phủ. La Nghệ về phòng mình, sai tiểu đồng đến thư phòng, dặn Thúc Bảo:

- Nói với Thúc Bảo, ghi rõ những thứ còn nằm ở kho của phủ Lộ Châu, đem sang đây, để ta viết thư.

Lúc này Sái Kiến Đức vẫn còn trị nhậm ở Lộ Châu, cho nên cũng rất tiện cho Thúc Bảo quay lại cầm thư của La Nghệ, để lấy những tư trang, vũ khí, ngựa cưỡi của mình.

Tiểu đồng sang thư phòng, nói với Thúc Bảo:

- Tiểu chủ, ý của La đại nhân có vẻ bằng lòng cho tiểu chủ về Sơn Đông. Truyền tiểu chủ ghi lại tất cả các thứ còn ở kho phủ Lộ Châu, để La đại nhân viết thư.

Thúc Bảo nghe xong lòng vui vô hạn, vội lấy giấy bút, kê khai rõ ràng, tiểu đồng mang trình cho La Nghệ. La Nghệ viết hai lá thư: một gửi cho Sái Thứ sử ở Lộ Châu để lấy đồ đạc, một lá thư tiến cử Thúc Bảo với Sơn Đông đạo hành đài Lai Tổng quản. Tiệc rượu bày xong, La Nghệ báo tiểu đồng:

- Mời Thúc Bảo cùng phu nhân ra uống rượu tiễn hành.

Phu nhân chỉ tiệc rượu, nói với Thúc Bảo:

- Đây là tiệc rượu chú cho bày để thay cô tiễn cháu về với mẫu thân.

Thúc Bảo lạy sát đất. La Nghệ kéo dậy mà rằng:

- Không phải ta không có ý giữ cháu, để mong lâu dài có được ít công trạng nào đó, kiếm chút quan chức thì về cũng vẻ vang hơn, để mai kia cháu còn kế tục được công nghiệp của tiền nhân. Nhưng ta không nghĩ tới chuyện mẫu thân cháu ngóng trông, không như ý ta. Cô cháu lại khuyên: "Thân mẫu tuổi cao sức yếu". Nay ta để cháu trở về, đây là hai phong thư, một gửi cho Sái Kiến Đức ở Lộ Châu để cháu lấy đồ đạc, một gửi cho Sơn Đông đạo hành đài kiêm Thanh Châu Tổng quản họ Lai, tên Hoạch Nhi. Ta là hàng cha chú của họ Lai, nay đang tiến cử cháu làm kỳ bài quan dưới trướng họ Lai. Mai kia lập được công trạng, thì đường tiến thân của cháu sẽ càng rộng mở.

Thúc Bảo cúi đầu tạ ơn cô chú, lại vái lạy La Nghệ bốn lạy, rồi tất cả ngồi vào tiệc rượu. Yên cương, hành lý đã chuẩn bị chu đáo. Thúc Bảo ra qua soái phủ, anh em Uất Trì đã biết trước, cũng đặt rượu tiễn hành, Thúc Bảo vì nghĩa nặng không thể từ, nên cũng gượng uống mấy chén, rồi lên đường qua Trác Châu. Ở đây, Trương Công Cẩn còn tỏ ý giữ Thúc Bảo lại chơi vài ngày, nhưng vì Thúc Bảo nóng lòng về quê, nên cương quyết ra đi. Công Cẩn lại viết thư, nhờ gửi Đơn Hùng Tín. Hai bên chia tay.

Thúc Bảo lòng muốn hóa thành mũi tên, ngựa không dừng vó, ba ngày sau, đã về tới Lộ Châu, Hà Đông rồi. Vào thành, lại tìm đến trước cổng phủ đường, đến quán trọ Vương Tiểu Nhị. Tiểu Nhị vừa thoáng thấy bóng Thúc Bảo, vội chạy trốn ra phía sau, gọi Liễu Thị:

- Mình ơi, nguy lắm rồi!

Liễu Thị vội hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Tiểu Nhị đáp:

- Cái ông quý khách họ Tần hồi trước thiếu tiền cơm sau vì can tội phải đi đày ở U Châu, chưa đầy một năm, nay đã trở thành một ông quan trở về rồi. Đầu đội khăn the đen, vừa mới cưỡi ngựa qua cổng phủ. Nhất định ông ta sẽ tới trả nợ cũ, làm thế nào bây giờ?

Liễu Thị giảng giải:

- Người xưa đã nói: "Khách đi lưu chút nghĩa, mai mốt còn thấy nhau. Nhưng lúc ấy, tôi đã khuyên can, mình chẳng nên đen bạc, khắc nghiệt quá, mình chẳng nghe, nay còn mặt mũi nào mà trông thấy Tần quý khách nữa, mình hãy lánh mặt là hơn!

Tiểu Nhị đáp:

- Trốn cũng không xong!

Liễu Thị hỏi:

- Sao lại trốn cũng không xong?

Tiểu Nhị đáp:

- Mình là nhà hàng. Nếu ông ta đến, gọi ra gặp mặt, thử hỏi trốn đi đâu bây giờ?

Liễu Thị hỏi:

- Thế thì làm thế nào?

Tiểu Nhị đáp:

- Nếu ông ấy hỏi, nói tôi chết rồi là xong. Người chết không ai kể oán, hỏi tội nữa. Đến lúc ông ta đi rồi, tôi hãy ra vậy.

Lập tức Tiểu Nhị chuẩn bị mọi thứ, dặn vợ nên nói năng, khóc lóc như thế nào, cuống cuồng cả lên. Liễu Thị vốn hiền lành, đành phải nghe theo, khóc lóc sụt sùi ở nhà trong. Thúc Bảo đến trước cửa quán, Liễu Thị ra chào:

- Tần quý khách mới về!

Thúc Bảo đáp:

- Chào chị! Ta tìm đến để tạ ơn chị về chuyện trước đây.

Rồi bảo đầy tớ trông ngựa, hành lý, đợi Thúc Bảo vào phủ đường gặp Sái Thái thú, đưa thư của La Nghệ.

Lúc này, Sái Thái thú đang ngồi trên công đường, lính canh cổng vào trình có quan sai của La Tổng quản đem thư tới. Thái thú sai mời vào. Thúc Bảo cũng vốn là người cẩn thận, gặp lúc đắc ý, lại thấy càng cần có ý tứ, nhũn nhặn từ cửa đi vào, Thái thú ngồi trên ghế cao, nhận ra Thúc Bảo, liền xuống thềm, thân hành mời lên ghế ngồi. Thúc Bảo bước lên thềm bán nguyệt bái chào. Thái thú hỏi chuyện về La Tổng quản, sau đó nhắc lại chuyện ở rừng Tạo Giác, Thái thú cũng đã có châm chước như thế nào, để Thúc Bảo chỉ phải đày đi xung quân. Thúc Bảo thưa:

- Nhờ Thái thú che chở, Tần Quỳnh này xin ghi nhớ ơn sâu.

Thái thú tiếp:

- Đồng Hoàn cùng Bội Chi ở U Châu về, nói chuyện La Tổng quản là họ hàng thân thiết, ta cũng mừng thay. Thành ra từ chuyện rủi hóa may, cũng vì vậy mới nhận được người nhà ruột thịt.

Thúc Bảo thưa:

- Trình Thái thú, hiện có thư của La Tướng quân gửi ngài!

Thái thú cầm thư, mở ra, thì đúng là nét chữ của La Tổng quản, không lại án ngồi, thái thú đứng đọc ngay trước mặt Thúc Bảo, đọc xong, nói với Thúc Bảo:

- Tần tráng sĩ, La tướng quân trong thư này không nói chuyện gì khác, chỉ nói tráng sĩ tới đây để lấy những thứ năm xưa ở Lộ Châu. Thúc Bảo thưa:

- Dạ!

Thái thú gọi viên coi kho, lấy sổ sách của năm thứ hai đời Nhân Thọ, đối chiếu xem tang vật còn lại những gì, giữa sổ sách với vật hiện còn trong kho hay mất mát nhiều. Thực chỉ còn: năm mươi lạng bạc vụn đựng trong một cái túi vải; ngựa hoàng phiêu thì đã đem bán, được ba mươi lạng, đã nạp lại kho. Lụa ngũ sắc mười tấm, khăn lớn một cái, hiện cũng còn đủ; yên cương khảm bạc một bộ cũng chưa mất, một đôi giản đồng cũng vẫn đấy. Thái thú lệnh cho đem ra trước công đường, giao lại cho Thúc Bảo. Một mình Thúc Bảo thì làm sao khuân hết được bấy nhiêu thứ lỉnh kỉnh, cũng may Đồng Hoàn, Kim Giáp trông thấy, giúp đem đi cho. Sái Thái thú lại còn bảo viên coi kho:

- Lấy trong sổ công phí một trăm lạng bạc, gói ghém cẩn thận, tặng Tần tráng sĩ làm lộ phí.

Chính là:

Gặp thời dễ kiếm vàng muôn lạng

Lỡ vận khôn mua rượu nửa bầu.

Thúc Bảo lạy chào Sái Thái thú, cầm một trăm lạng bạc, cùng Đồng Hoàn, Bội Chi mang theo tất cả đồ đạc đến quán Vương Tiểu Nhị. Thúc Bảo cùng Bội Chi, Đồng Hoàn chào hỏi nhau xong, thấy Liễu Thị vừa khóc lăn lóc vừa thưa:

- Chồng thiếp làm nhiều điều không phải với Tần quý khách, thật đắc tội vô cùng. Từ lúc Tần quý khách vướng vào chuyện rắc rối, nha lại mấy lần đến hạch sách, cũng mất ít lạng bạc, lòng lo nghĩ không yên, nên nhiễm bệnh qua đời.

Thúc Bảo đáp:

- Chuyện năm ngoái cũng chẳng phải lỗi lầm gì ở Vương Tiểu Nhị đâu. Ta thì túi rỗng không, Tiểu Nhị thấy thế, thói đời ấm lạnh là chuyện thường, xưa nay đều thế, nhưng cũng may còn được chị chăm sóc cái kim, sợi chỉ, đến nay vẫn không dám quên. Nay chồng chị lại đã mất, chị ở góa nuôi con nhỏ, ta cũng từng nói với chị, chị có thể sánh với Phiếu Mẫu ở Hoài âm, nay hãy xin biếu chị một trăm lạng vàng , để làm kế lâu dài.

Liễu Thị bái tạ. Thúc Bảo giữ Đổng Hoàn, Bội Chi lại quán Tiểu Nhị, còn mình thì lên ngựa, ra cửa Nam, tìm mẹ con Cao Khảo Đạo. Không ngờ mẹ con Cao Khảo Đạo, nửa năm trước đã chuyển đi nơi khác.

Giàu dễ trả nghĩa trả ơn

Nghèo kia mới khó thiệt hơn giúp đời

Cứ xem Hàn Tín mà coi

Nghìn vàng đâu xứng với người cho cơm.

Thúc Bảo về quán, gói buộc đồ đạc lên sau yên ngựa, con ngựa đã thấy khó mang nổi bấy nhiêu thứ. Bội Chi bàn:

- Hãy chịu khó dắt ngựa tới Nhị Hiền trang, hai chúng tôi sẽ cùng đi với đại huynh, mượn một con ngựa của Đơn viên ngoại nữa mà về quê vậy.

Mọi người chào Liễu Thị, ra cửa Tây đi về Nhị Hiền trang. Không rõ sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ biết.

Truyện Chữ Hay