Thơ rằng:
Cùng khốn biết lòng trời
Lòng trời chăm chút người
Dùi mài mong ngọc sáng
Tôi luyện đặng vàng mười
Xương cứng gian nan gánh
Mưu sâu sóng gió cười
Bỗng dưng gặp thất ý
Vạt áo lệ tuôn rơi.
Người bấy giờ gặp chuyện không vừa lòng, lập tức oán trời trách đất, mà không nghĩ được rằng, trời đất dẫu có làm được gì cũng bởi người mà ra cả vậy. Người dù gặp vận cùng, cũng đừng buông lời oán than vội, trời chẳng bỏ ai đâu.
Vương Bá Đương, Lý Huyền Thúy, từ biệt Thúc Bảo, vội ra khỏi cửa tây, đến Nhị Hiền trang thì trời đã tối mịt, cửa đã đóng chặt. Nghe tiếng chó sủa rộn rã, Hùng Tín sai người ra cửa, xem ai dám đến náo động trước trang trại. Khi đã nhận rõ khách chẳng ai lạ, Hùng Tín liền cùng Bá Đương, Huyền Thúy bắt tay vào nhà. Sai cởi yên, dắt ngựa vào chuồng cho ăn uống cẩn thận, sắp chỗ nghỉ ngơi cho người nhà đi theo, rồi mới cùng Bá Đương, Huyền Thúy vái chào, mời vào ghế ngồi, sai người nhà pha trà, bày rượu ra.
Khi đã yên vị, Bá Đương lên tiếng:
- Nghe nói huynh trưởng vừa mới mua được một con ngựa tốt lắm phải không?
Hùng Tín đáp:
- Hôm nay chỉ mất có ba mươi lạng bạc mà mua được thiên lý long câu.
Bá Đương tiếp:
- Ngựa thì tiểu đệ biết, rõ là ngựa tốt rồi. Nhưng chuyện người bán con ngựa đó mới là chuyện cần nói.
Hùng Tín hỏi:
- Ngựa này là ngựa ăn trộm sao?
Bá Đương đáp:
- Chẳng phải ngựa ăn trộm đâu. Nhưng huynh trượng có biết người bán ngựa là ai không?
Hùng Tín chắc chắn:
- Người họ Vương ở Sơn Đông. Ta vì đang mừng được ngựa nên cũng không hỏi kỹ. Hai hiền đệ cũng biết chuyện sao, hay có quen người bán ngựa họ Vương chăng?
Bá Đương đáp:
- Chúng đệ cũng không biết người họ Vương nào. Nói quanh co chẳng bằng nói thẳng vậy. Người bán ngựa chính là Tần Thúc Bảo. Vừa rồi may gặp ở quán ăn cửa tây, Tần đại huynh nói cho nghe hậu tình của nhị ca.
Hùng Tín ngạc nhiên phàn nàn:
- Thảo nào thấy khách như có điều gì muốn nói, rồi lại thôi. Thì ra là Thúc Bảo, bây giờ Tần đại huynh đang ở đâu?
Bá Đương đáp:
- Hiện đang ở quán trọ của Vương Tiểu Nhị ở trước cổng phủ đường chẳng bao lâu nữa sẽ về Tế Châu.
Hùng Tín nói:
- Thôi đêm nay chẳng ngủ ngáy gì nữa nhé. Mượn chén rượu ngồi chờ sáng, rồi sẽ đi tìm Tần đại huynh.
Bá Đương, Huyền Thúy bằng lòng:
- Xin theo nhị ca ngay!
Ba người ngồi uống đến tận canh năm.
Uống tràn quên sớm tối
Thức ngủ dạ anh hùng.
Ngựa thắng yên cương đã xếp đặt đâu đấy, Hùng Tín lại sai dắt thêm một con ngựa, cũng đóng sẵn yên cương theo để Thúc Bảo cưỡi, rồi cả ba lên ngựa vào cửa tây, tìm đến quán trọ Vương Tiểu Nhị, thì Thúc Bảo đã đi khỏi. Tiểu Nhị sợ bạn bè đuổi theo tìm, Thúc Bảo sẽ nói hết những cái xấu của mình, nên không nói Thúc Bảo đi bộ, mà lại nói chắc chắn rằng:
- Tần quý khách phải về gấp, vì có ngựa của phủ Tế Châu đến đón về có việc cần.
Nếu có đi ngựa nữa thì chỉ cần Hùng Tín ruổi theo bằng thiên lý long câu cũng sẽ đuổi kịp, nhưng đột nhiên từ Nhị Hiền trang, có người nhà đến tìm Hùng Tín đưa tin dữ: Anh ruột của Hùng Tín, Hùng Trung, vừa ra khỏi Trường An, bị Đường Công Lý Uyên bắn nhầm chết ở giữa đường, thủ hạ mang linh cửu vừa đến trang trại, Hùng Tín vội vàng trở về lo việc tang ma, không còn tâm địa đâu mà nghĩ đến chuyện đuổi theo Thúc Bảo. Bá Đương, Huyền Thúy vì thấy Hùng Tín có chuyện chẳng lành, nên cũng không muốn bàn đến Thúc Bảo nữa. Việc gác lại, ai đi đường ấy.
° ° °
Lại nói Thúc Bảo ra đi đêm hôm ấy, mãi đến sáng rõ, mà cũng chỉ được năm dặm. Phúc không tới hai lần, họa không đến một lượt. Thúc Bảo đã đi thì trăm dặm cũng là chuyện thường, nhưng ngựa đã bán rồi, lâu nay bị Vương Tiểu Nhị hắt hủi, vai khoác hành lý, tay xách giản, thì dù có đi giữa ban ngày cũng còn mệt huống chi lại đi giữa đêm khuya, càng đi càng mỏi và bị lạc vào giữa vùng núi nhấp nhô, cứ thế mà lần mãi mới ra được đường cái quan thì đã sáng rõ. Quay lại nhìn, tường thành Lộ Châu vẫn ở phía sau, chỉ cách khoảng năm dặm.
Nghèo khó giàu sang số sẵn bày
Tính theo năm tháng đoán giờ ngày
Ôm chí lớn, anh đừng khoe chí
Mong tài cao, chí nhớ cậy tài.
Thúc Bảo lúc này chính lúc gian nan. Hôm qua, trong cửa hàng uống rượu lạnh, ăn thịt trâu nguội, lại gặp Bá Đương, Huyền Thúy, về quán Tiểu Nhị phải sắm sửa lên đường au, suốt đêm lần mò trong núi, tiết cuối thu sương giá xuống nhiều, nội thương ẩm thực, ngoại cảm hàn khí. Sáng ra, ngày mùng hai tháng mười, thì người đã thấy ngấy sốt, mặt mũi đỏ bừng, trong người như có lửa đốt, đầu váng mắt hoa, chân bước không nổi, nhưng may vốn có sức, nên vẫn cố lê được năm dặm nữa.
Lúc này cách thành mười dặm, là vùng Thập Lý điếm, có khoảng hai ba trăm nóc nhà, ở ngay đầu đường là một tòa miếu lớn, chính là miếu Đông Nhạc. Thúc Bảo thấy miếu cao rộng hiên ngang, nên ghé vào định nghỉ một chốc cho đỡ mệt lại sẽ đi tiếp. Qua cửa tam quan, vào đến thềm tiền dường, trông lên còn cao như núi, trèo lên đến nơi, giơ tay định vái lạy thần linh, chở che cho tai qua bệnh khỏi thì hai chân đã đứng không vững, ngã lăn ra, bất tỉnh nhân sự, đầu va chạm vào cái bệ cứng kê lò hương ở dưới nền, nghe một tiếng vừa mạnh vừa khô, chẳng khác gì Cung Công va đầu vào núi Bất Chu , chùy Bác Lăng đánh vào xe Tần Thủy Hoàng , cũng chỉ đến thế mà thôi. Hai thanh giản nặng, đập xuống nền gạch, một sau một trước, làm vỡ đến bảy tám viên gạch. Ông từ giữ cửa miếu thấy vậy, chạy lại đỡ Thúc Bảo lên, nhưng không tài nào đỡ nổi, liền chạy ngay vào Tùng Hạc hiên thưa với đạo sĩ trụ trì.
Đạo sĩ trụ trì suốt ngày không lúc nào nhàn rỗi. Đạo sĩ họ Ngụy, tên Trưng, người Khúc Thành thuộc Ngụy Châu, từ nhỏ đã mồ côi nghèo khổ, nhưng chẳng chịu học nghề gì để sinh sống, chỉ thích một việc là đọc sách. Chẳng sách nào là không qua mắt Ngụy Trưng, đừng nói đến tam phần ngũ điển, mà tam giáo cửu lưu, bách gia chư tử thiên văn địa lý, cả Tôn Tử, Ngô Khởi binh pháp đều tinh thông. Lại thông thạo cả thơ từ, ca phú, các tạp kỹ khác. Ngụy Trưng vốn từ lâu nuôi chí lớn, nên tìm cách kết giao với các hào kiệt bốn phương. Đương giữa triều Tùy, chỉ chú trọng.đến dòng dõi, không ai nhìn ngó gì đến kẻ thân cô thế cô lại nghèo đói. Từ khanh tướng điều khiển triều đình, đến những viên thủ lệnh đều rặt phường võ quan, vì triều đình chỉ chú trọng sức mạnh, chẳng nhìn ngó gì đến văn chương, nên Ngụy Trưng ình sinh ra không gặp thời, bỏ đi ẩn cư ở Hoa Sơn, khoác áo đạo sĩ. Về sau gặp một đạo hữu, họ Từ, tên Hồng Khách, rất tâm đầu ý hợp. Có lần Hồng Khách bàn với Ngụy Trưng:
- Nhà Tùy làm nhiều điều càn rỡ, liên tiếp đánh dẹp, nay lại nhất thống được thiên hạ, nhưng thực ra đó cũng vì trời dẹp yên bốn cõi đón vị chân quân lâu dài. Đệ xem thiên văn, thì thấy chân chúa đã sinh, loạn lớn đến nơi, huynh có quý tướng, có cốt cách công khanh, chẳng dính dáng gì đến phận thần tiên, hãy tự lo ình một ít vốn liếng mà phò vua giúp nước, gặp thời sẽ theo mà làm nên nghiệp lớn. Sớm tối hãy đọc, hãy bàn cho đủ thiên văn địa lý, mưu lược nơi màn trướng, kế sách nơi biên ải.
Lại ít lâu sau, Từ đạo sĩ bảo Ngụy Trưng:
- Đêm qua xem thiên văn, đệ thấy vương khí sáng ở phận Sâm, phận Tĩnh, ứng với việc xuất hiện của đấng chân quân. Sao Cơ lại đi vào Triệu, Ngụy phân đã ứng với điềm kẻ phò tá vương vị cũng ra đời. Nhưng xem kỹ thì vương khí chưa thật sáng tỏ, nên bậc chân quân có lẽ chưa đến lúc đắc chí, sao Cơ thì mờ tối, xem ra kẻ phò tá cũng đang lúc khốn khổ. Chi bằng đệ với huynh hãy chia nhau đi tìm gặp kết giao với các hào kiệt chưa gặp thời. Ngày sau chúng ta sẽ gặp nhau.
Từ đạo sĩ về phía Thái Nguyên, Ngụy Trưng về phủ Lộ Châu, Sơn Tây. Thấy Đơn Hùng Tín anh hùng hiếu khách, có tướng mạo của bậc khai quốc công thần, vì vậy, Ngụy Trưng vào tu ở miếu Đông Nhạc này, để tiện việc kết giao, từ đó nghĩ đến chuyện cứu khốn phò nguy cho các bậc anh hùng. Sáng hôm sau, Ngụy Trưng ngồi ở Tùng Hạc hiên của miếu Đông Nhạc đọc "Hoàng Đình kinh".
Chính là:
Không muốn bay cánh hạc
Có ý xòe vuốt ưng.
Ông từ chạy vào thưa:
- Thưa đạo trưởng, có một người say rượu, ngã lăn quay trước điện. Lưng đeo vũ khí, đập vỡ cả mấy viên gạch, lay thế nào cũng không chuyển, xin vào thưa với đạo trưỡng.
Ngụy Trưng nghĩ thầm: "Đêm qua xem thiên văn, thấy Sao Cơ đi vào đất này, ứng với người này chăng, ta hãy ra xem sao!". Liền rời khỏi Tùng Hạc hiên ra phía điện ngoài, thấy Thúc Bảo vẫn còn nằm mê mệt, hành lý vẫn vứt một bên, chưa ai kịp thu dọn, một tay bị người chận lên, một tay áo rách mướp, hở cả da thịt, đưa lên che lấy mặt. Ông từ kể thêm:
- Lúc nãy hai chân còn gác lên cả bậc cửa, mới vừa co lại.
Ngụy Trưng kéo tay Thúc Bảo nhìn thấy mặt đỏ bừng, có lẽ sốt nặng, trông dễ nhầm với kẻ say rượu, hai mắt vẫn trừng trừng không động đậy, không nói được. Ngụy Trưng gật gật đầu mà rằng:
- Anh ta bị sốt nặng. Không phải say rượu đâu!
Thúc Bảo trong người vẫn tỉnh táo, nhưng cổ họng như có gì tắc nghẹn. Một lát sau, mới hơi tỉnh, Thúc Bảo lấy tay phải viết lên nền hai chữ: "Ốm nặng". Gạch nền nhà tuy sạch, nhưng vẫn có một lớp bụi mờ, nên chữ Thúc Bảo viết, đọc cũng dễ dàng. Ngụy Trưng nói:
- Anh bạn không phải say rượu mà. Chính là bị sốt nặng thôi!
Thúc Bảo khẽ gật dầu. Ngụy Trưng liền an ủi:
- Không có gì đáng lo đâu anh bạn ạ!
Rồi sai ông từ:
- Vào phòng trong lấy cho ta chiếc chiếu tĩnh tọa ra đây.
Ông từ mang chiếc chiếu nhỏ hình tròn, đặt ngay cạnh Thúc Bảo, Ngụy Trưng nửa ngồi nửa quỳ cầm tay Thúc Bảo đặt lên đấu gối mình, xem mạch. Nhận ra thiếu dương kinh bị tổn thương, nội thương ẩm thực, ngoài cảm phong hàn, chỉ là sự tổn hại bên ngoài, hoàn toàn không có gì trầm trọng.
Nhưng ở đại điện là nơi đón gió, không thể để người bệnh nằm được, phía hậu đường cũng không có phòng nào trống, nên Ngụy Trưng sai dìu Thúc Bảo vào một gian liền với gian để củi, ngay cạnh phía trái đại điện. Tuy không được sạch sẽ lắm nhưng lại kín gió, giải một ít cỏ khô, đặt chiếc chiếu tròn lên. Hai chiếc giản quá nặng, không ai mang được, đành để lại trên điện. Ngụy Trưng mở khăn gói của Thúc Bảo ra thì thấy hai tấm lụa, một chiếc áo màu tím, một công văn trả về Tế Châu, khoảng hơn mười lạng bạc, bèn nói với Thúc Bảo:
- Những thứ lặt vặt này, sợ trong lúc ốm đau, anh không trông nom được, bần đạo sẽ giữ trong phòng, bao giờ lành bệnh, trả anh có được không? Còn đôi giản, bần đạo sai người lấy dây buộc kỹ lại một chỗ, ngay góc đại điện, chẳng ai đụng đến làm gì, cũng có thể nhờ nó mà xua bớt tà khí âm phong đấy!
Thúc Bảo nghe xong, cúi xuống đất lạy. Ngụy Trưng đem hành lý Thúc Bảo về phòng mình, rồi quay ra Tùng Hạc hiên, bốc một thang thuốc trị cảm mạo phong hàn, sắc lên cho Thúc Bảo uống, lát sau mồ hôi vã ra đầy người. Đến ngày hôm sau thì đã nhẹ hơn, nói năng cũng đỡ khó khăn hơn. Ngụy Trưng vẫn tiếp tục cho Thúc Bảo uống thuốc, lại thường đến bên chiếu nói chuyện, dần dần cho ăn cháo nóng. Bệnh ngày càng lui.
Chẳng bao lâu, đã mười bốn ngày trôi qua, hôm đó nhằm ngày mười lăm tháng mười, là lễ "Tam nguyên thọ điển", được làm ngay trong miếu Đông Nhạc. Canh năm vừa điểm, cửa lớn của miếu đã mở rộng, trống lớn trên đại điện đánh ầm ĩ. Tuy Ngụy Trưng tận tình chăm sóc, Thúc Bảo vẫn còn mệt mỏi, không thể nào chịu nổi với cảnh huyên náo xung quanh, luôn vò tai bứt tóc phàn nàn.
Nằm trong vỏ trứng ai ngờ phượng
Lẫn đám kình nghê dễ biết rồng.
Đại phàm tăng hay đạo đều thế, thường có một nhà giàu, có thế lực ở trong vùng che chở, đứng ra làm hộ pháp cho, lấy rượu thịt chận họng những tay vô lại trong vùng để chúng khỏi phá phách, chỉ có thế nhà sư, đạo sĩ mới có thể yên ổn hành pháp. Ngụy Trưng tuy khoác áo vàng của đạo sĩ, nhưng mang khí cốt của bậc hào kiệt, sao thèm đi lại với bọn vô lại, cầu cạnh bọn trọc phú cho được. Bọn này lâu nay vẫn thù ghét Ngụy Trưng, nay lại càng lên tiếng chê bai, phao tin Ngụy Trưng chứa chấp bọn người vô lương không rõ tung tích, làm ô uế cả điện thánh. Thúc Bảo cũng có nghe, lòng càng hậm hực, tức tối, thấy mình quả không chốn nương thân yên ổn, thì may sao vừa gặp lúc Đơn Hùng Tín tới miếu.
Hùng Tín dẫn đầy tớ tới miếu Đông Nhạc để làm lễ đưa linh cho anh trai Hùng Trung. Ai nấy trong miếu đều ra đón Hùng Tín ở cửa tam quan:
- Đơn viên ngoại đến đúng lúc lắm!
Hùng Tín hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Mọi người thưa:
- Miếu Đông Nhạc ta là nơi cầu phúc của toàn hạt Lộ Châu này, Ngụy đạo trưởng quên cả thiên chức của mình, đem miếu làm nơi chứa chấp bọn vô lại, không biết gốc tích ở đâu đến, làm nhơ nhớp cả đất thánh. Đơn viên ngoại phải bàn bạc cho ra nhẽ với đạo trưởng mới được!
Hùng Tín vốn là người từng trải, hiểu mọi lý lẽ, chẳng nhận phúc đầu, chẳng ban họa trước, liền chậm rãi cười:
- Xin đạo hữu cứ bình tĩnh, ta sẽ nói chuyện với đạo trưởng, mọi chuyện sẽ đâu có đó.
Nói xong, bước lên đại điện, sai đầy tớ mời Ngụy Trưng, còn mình thì dạo bốn tường nhìn quang cảnh đại điện. Bỗng thấy phía sau giá treo chuông, trong góc tối có ánh sáng lấp loáng, Hùng Tín bước lại gần nhìn cẩn thận, thì ra là một đôi giản, có dây lớn buộc vào một góc tường, Hùng Tín nhìn thật kỹ, có vẽ nghĩ ngợi, hỏi mọi người:
- Vũ khí này ở đâu ra thế?
Cả bọn nhất tề nhao nhao:
- Chính cái nhà anh đau ốm, bệnh hoạn ấy mang tới đây, thưa viên ngoại!
Hùng Tín định hỏi thêm, thì thấy Ngụy Trưng mặt mày rạng rỡ, thong thả bước ra, vái chào Hùng Tín, Hùng Tín bèn hỏi:
- Ngụy đạo trưởng, đạo hữu ở đây đều nói, Đông Nhạc miếu này là nơi cầu lộc phúc của vùng Lộ Châu, cần phải giữ cho thanh khiết, để mọi người còn chiêm bái. Nay đạo trường chứa chấp kẻ nào trong miếu, đến nỗi ô uế cả thánh thất, đạo hữu đều tỏ vẻ không bằng lòng, vì vậy xin hỏi đạo trưởng, không rõ là loại người nào vậy?
Ngụy Trưng thong thả đáp:
- Bần đạo là kẻ xuất gia, đâu dám làm việc gì càn rỡ, chỉ vì người này ốm nặng ngã lăn bất tỉnh trước điện, bần đạo phải mạnh thuốc lắm, bệnh tình mới thuyên giảm. Vả lại người này cũng không giống kẻ tầm thường, cho nên không nỡ đuổi đi. Ai thấy mà chẳng động lòng trắc ẩn, xin viên ngoại lượng thứ cho, nhờ viên ngoại cũng nói rõ để các thí chủ khác hiểu rõ.
Hùng Tín vội hỏi:
- Đôi giản ở góc đại điện, là vũ khí của người đó sao? Anh ta bản quán chốn nào.
Ngụy Trưng đáp:
- Người Tế Châu, Sơn Đông.
Hùng Tín vốn nghĩ tới Thúc Bảo ngay từ đầu, nay nghe đến "Sơn Đông, Tế Châu", bỗng giật mình, hỏi không ra lời:
- Họ gì?
Ngụy Trưng đáp:
- Hai ngày đầu, bệnh nặng không nói được. Xem công văn của phủ Tế Châu thì thấy ghi tên Tần Quỳnh, gần đây đã lanh lợi, trong khi trò chuyện thì xưng tên là Thúc Bảo, vốn dòng dõi công thần nhà Bắc Tề.
Hùng Tín hỏi rối rít:
- Thế nay đang ở đâu?
Ngụy Trưng đưa tay chỉ nói:
- Ở gian nhỏ lai thêm ở đầu hồi nhà chứa củi kia kìa!
Hùng Tín kéo tay Ngụy Trưng, đạp cửa ra ngoài hiên, gọi đầy tớ:
- Mau đỡ Tần đại huynh lên điện tương kiến?
Ba bốn người chạy đi ngay, nhưng chẳng thấy Thúc Bảo đâu cả. Hùng Tín băn khoăn:
- Hay vì biết ta đến, Tần dại huynh bỏ đi rồi cũng nên.
Ông từ thưa:
- Vừa thấy Tần quý khách ra phía sau đi giải, có lẽ còn đang ở phía hậu đường chăng?
Hùng Tín nghe nói thế, liền kéo Ngụy Trưng ra phía hậu đường.
Thì ra Thúc Bảo được Ngụy Trưng thuốc thang chăm sóc nửa tháng trời, bệnh tình cũng đã đỡ nhiều, tinh thần cũng đã thư thái, sáng nay thấy trời ấm ấp, ngoài đại điện ồn ào đông đúc, nên gượng dậy ra phía hậu đường, tìm hiên nhà vắng vẻ ngồi, tránh con mắt nhìn thù ghét của mọi người trong miếu. Thấy một đầu bếp, lấy vạt áo gói mấy ống gạo, tay kia cầm mấy bó rau đi ra, Thúc Bảo liền hỏi:
- Bác đi đâu vậy?
Người đầu bếp đáp:
- Không dính dáng gì đến anh cả. Tôi có mẹ già đã nhiều tuổi. Vừa mới đến đây coi kho, kiếm ít ống gạo đem về nấu cháo cho đỡ xót lòng người già mà!
Thấy thế, Thúc Bảo chạnh nghĩ: "Đến kẻ tiểu nhân còn nghĩ đến cha mẹ. Ta cũng có mẹ già như ai, chẳng lo tròn chữ hiếu, để mặc mẹ già ở quê nhà, ngày đêm tựa cửa trông chờ". Nghĩ tới đó, bất giác rơi nước mắt. Lại thấy trên án thư bên hè, có một cây bút lông đã cùn, bèn cầm lấy. Tuy lâu nay làm công sai ở phủ đường, nhưng vẫn chưa quên chữ nghĩa, Thúc Bảo đề lên tường mấy câu thơ sau:
Rằng giận bấy phương trời lận đận
Mắt đăm đăm mây trắng dõi trông
Dưới khe cá lượn thong dong
Hồ ly nào rõ được lòng bằng côn
Níu trẻ tạo bồn chồn định hỏi
Hỏi cớ sao nghẽn lối về quê
Thân bảy thước sợ tri mi
Gươm ba thước, những chờ khi vẫy vùng
Lưu sử sách danh lừng sông núi
Vỗ ngực ca sớm tối không nguôi
Rằng không để thẹn kiếp người...
Thúc Bảo vừa viết xong, quay lại thấy một toán người rầm rộ tiến lại, nhìn kỹ, thấy cả Đơn Hùng Tín trong đó, giật mình, chẳng biết ẩn vào đâu, chỉ biết cúi đầu, dựa vào lan can, nghe Ngụy Trưng nói đấy vẻ mừng rỡ:
- Thì ra ở đây!
Đơn Hùng Tín bước lên, giang hai tay, ôm lấy Thúc Bảo, gần như quỳ xuống nói:
- Hiền huynh đến Lộ Châu, gặp phải cảnh này. Hùng Tín thật không đáng mặt chủ nhà, thật hổ thẹn với hào kiệt trong thiên hạ.
Thúc Bảo cũng không nén nổi xúc động, vội quỳ xuống, lạy sát đất thưa:
- Xin huynh trưởng đứng dậy, chỉ sợ cái thân hình ô uế này làm bẩn lây cả quý thể huynh trưởng.
Hùng Tín rơi nước mắt đáp:
- Hùng Tín này nếu gánh được hoạn nạn cho hiền huynh, cũng chẳng dám tiếc thân, nói gì đến ô uế!
Chính là:
Hương lan thơm nức cửa
Đừng hỏi vết bùn mây.
Rồi quay lại nói với Nguy Trưng:
- Đạo trưởng, xin đạo trường hãy tạm đình lễ đưa linh cho tiên huynh, đợi vài ngày nữa. Tần hiền huynh đang đau yếu, Hùng Tín nay không còn lòng dạ nào mà dâng hương khấn nguyện nữa. Xin đạo trưởng cho thu dọn đèn hương. Hùng Tín này cùng Tần hiền huynh về Nhị Hiền trang. Đợi đến khi hiền huynh khỏe mạnh hẵn, sẽ cùng đến miếu tạ ơn, chẳng phải là "nhất cử lưỡng tiện" sao?
Bèn lệnh cho đầy tớ:
- Tần hiền huynh còn chưa cưỡi được ngựa, hãy kiếm một cái kiệu tốt đến đây!
Lúc này ở bên ngoài, nghe nói là bạn của Đơn viên ngoại, các thí chủ, đạo hữu không ai dám nói năng chi, lặng lẽ giải tán. Ngụy Trưng về Tùng Hạc hiên, lấy hành lý của Thúc Bảo, hai tấm lụa Lộ Châu, cái áo tím, công văn và mười lạng bạc, giao cho Hùng Tín. Hùng Tín trông thấy, thầm nghĩ: "Số bạc này chính là số bạc bán ngựa còn lại đây!". Thúc Bảo chắp tay cảm tạ, từ biệt Ngụy Trưng cùng Hùng Tín về Nhị Hiền trang. Từ đấy Ngụy Trưng, Tần Thúc Bảo, Đơn Hùng Tín trở thành tri kỷ.
Về đến thư phòng, Hùng Tín sai tẩm rửa, thay quần áo, dọn giường, trải đệm dày, lại cùng nằm chung giường với Thúc Bảo, để tiện cùng nhau bày tỏ tấm lòng. Bệnh tình Thúc Bảo ngày càng đỡ dần, ngày nào Hùng Tín cũng chăm sóc thuốc thang, ăn uống tẩm bổ cho Thúc Bảo rất chu đáo, thỉnh thoảng lại mời cả Ngụy Trưng đến cùng nhau bàn luận, chẳng khác gì anh em một nhà.
Phải đâu lưu luyến tha phương
Bởi chăng bệnh nặng, vấn vương như nhà.
Chỉ có thân mẫu Thúc Bảo ở Sơn Đông, nhớ con không biết để đâu cho hết, sớm tối trông chờ mỏi mắt, chẳng biết sống chết ra sao. Thôi thì tế lễ bói toán, càng chẳng thấy tăm hơi, đến nỗi lâm bệnh nặng, chỉ nằm liệt giương, không đi lại được nữa. Chính là:
Lòng theo ngàn dậm xa xa
Bệnh theo một mối, sầu da diết sầu.
Cũng may có mấy nhà lâu nay vẫn đi lại thân thiết với Thúc Bảo, biết rõ Thúc Bảo chưa về, mẹ già bị ốm nặng, nên cùng nhau kéo đến, kẻ biếu cái này, người cho cái khác, cùng nhau thăm hỏi.
Tần mẫu lên tiếng:
- Con cháu, thông gia đều đến thăm nom già này, thật chẳng mấy khi, xin mời vào trong này.
Đến ngồi ngay bên giường có bốn người, ngoài cửa Tây mở cửa hàng là Giả Nhuận Phủ, cùng làm việc công sai với Thúc Bảo ở phủ đường Tế Châu cũng ba người: Đường Vạn Nhân, Liên Minh, cả Phàn Kiến Uy cũng có mặt. Tần mẫu gượng ngồi dậy trên giường, vợ Thúc Bảo, Trương Thị đứng hầu phía sau, lấy chăn khoác lên người Tần mẫu. Thấy đầy đủ bạn bè Thúc Bảo, Tần mẫu bất giác rơi nước mắt:
- Các cháu của già, đã không bỏ già này, lại còn tới thăm nom, đủ thấy nghĩa nặng tình sâu. Nhưng chẳng biết Tần Quỳnh của già lưu lạc ở dâu, một đi không về, khiến lòng già này thật như đứt từng khúc vậy.
Bọn Giả Nhuận Phủ thưa:
- Tần đại huynh đi mãi không về, thật là kỳ quái. Bá mẫu hãy yên lòng, đừng nên lo nghĩ nhiều quá, chẳng sớm thì muộn, thể nào Thúc Bảo đại huynh cũng sẽ trở về thôi!
Tần mẫu oán trách Kiến Uy:
- Tần Quỳnh tháng sáu ra làm việc với cháu, cùng nhau lên đường một lần, cháu thì tháng chín đã về, nay đã giữa mùa đông rồi. Tần Quỳnh của già vẫn chẳng tin tức gì cả. Thật chuyện không phải lòng người không lo được!
Nàng dâu nghe mẹ chồng nói thế, không dám khóc to, nhưng cũng thổn thức. Ai nấy đều lên tiếng trách móc Kiến Uy:
- Phàn Kiến Uy, hiền đệ không thể trốn được lỗi mình trong chuyện này rồi. Người đời vẫn thường nói "Cùng đường đừng bỏ bạn". Rủ nhau ra khỏi cửa một lần, dù Tần đại huynh trên đường có gặp trở ngại gì khác đi nữa, thì cũng phải có mặt ở nhà rồi chứ sao nay vẫn chẳng thấy đâu. Bá mẫu lại sinh được mỗi Tần đại huynh, vắng nhà lâu ngày, nhìn quanh chẳng người thân thích, ruột rà, làm sao mà bá mẫu chịu được!
Kiến Uy lên tiếng thanh minh:
- Có chư huynh ở đây, bá mẫu trách mắng, tiểu đệ không dám phân giải gì. Chư huynh là bậc hào kiệt trên đời, lại không biết ở nhà nghìn ngày đều tốt đẹp, ra cửa một lúc gặp nạn hay sao. Tháng sáu là từ Sơn Đông đi Trường An lĩnh được giấy tờ ở Bộ binh về, thì đã hai tháng trôi qua rồi, đến mãi mười lăm tháng tám, lại mới cầm công văn lên đường, Tần đại huynh đến Lâm Đồng Sơn, gặp lúc Đường Công bị cướp, đang hồi gay go, Tần đại huynh nổi máu bất bình, cứu được Đường Công, ra đến ngoài cửa quan, thì chia hành lý, Tần đại huynh đi Lộ Châu, tiểu đệ đi Trạch Châu. Chẳng ngờ tất cả bạc tiền đều ở hành lý của tiểu đệ, mãi đến khi chia tay nhau rồi mới biết ra, số tiền đó trên đường, tiểu đệ cũng tiêu hết rồi còn đâu. Nay chẳng thấy Tần đại huynh trở về, tiểu đệ xin bù đủ số tiền ấy vậy thôi!
Nói xong liền đưa ột gói bạc, đặt lên giường.
Tần mẫu nói:
- Ta có bốn lạng bạc, đưa Tần Quỳnh bảo mua lụa Lộ Châu, có lẽ ở trong hành lý của Quỳnh chẳng?
Kiến Uy tiếp:
- Tiểu đệ tới Trạch Châu, Mã tứ sử cũng phải đi Thái Nguyên mừng Lý đại nhân, lại thêm hai gã phạm nhân đi theo; củi rau, gạo, muối mắm đều đắt như vàng, đến khỉ lĩnh được công văn trở về, thì chẳng còn một lạng bạc nào nữa. Còn như số bạc của bá mẫu, cháu không được biết.
Tần mẫu lại hỏi:
- Những chuyện ấy đều là chuyện của cháu, còn sau đó cháu có nghe được tin tức gì của Tần Quỳnh nữa không?
Kiến Uy đáp:
- Nếu tính ngày đi, đường ngắn dài, Lý đại nhân tới Thái Nguyên, thì Tần đại huynh cũng về tới Lộ Châu rồi. Lúc này có lẽ Sái thái thú chưa đi Thái Nguyên thì công văn có thể nạp được rồi. Đệ biết Tần đại huynh đã lĩnh được công văn trở về, mà lại còn ở lại Lộ Châu làm gì. Tiểu đệ nếu còn tiền đi đường, cũng cố đi vòng đường Lộ Châu tìm Tần đại huynh, nhưng vì tiền nong chẳng còn, phải vội về, nào biết được Tần đại huynh còn chưa trở về.
Mọi người kết luận:
- Đối với hiền đệ thì chuyện ấy là không có gì lạ. Nhưng bây giờ thì hiền đệ không thể từ chối khổ sở, gian nan tới Lộ Châu tìm Tần đại huynh, thì mới là thỏa đáng.
Kiến Uy đáp:
- Bá mẫu bất tất phiền não, xin viết ột lá thư, cháu xin đến Lộ Châu, tìm kỳ được Thúc Bảo cho bá mẫu mới quay về.
Tần mẫu sai hầu gái đem bút mực, giấy tờ viết thư cho Thúc Bảo, xong xuôi đưa cho Kiến Uy, lại không quên trả lại gói bạc cho Kiến Uy, còn dặn thêm:
- Bạc này cháu cứ cầm lấy làm lộ phí, tìm được Tần Quỳnh về đây cho già là tốt rồi!
Kiến Uy thưa:
- Cháu xin nhanh chóng lên đường, tìm được đại huynh sẽ về ngay, quả không dám đụng đến số tiền này của Tần đại huynh.
Tần mẫu bảo:
- Cháu cứ cầm, lấy cái đi đường cho rộng rãi.
Mọi người đều khuyên:
- Giờ chỉ cần mau mau tìm được Tần đại huynh về, hiền đệ cứ cầm tất cả đi, chi bằng nghe lời bá mẫu là tốt hơn cả.
Kiến Uy nói:
- Vậy cháu xin cáo biệt bá mẫu, lên đường đi tìm Tần đại huynh.
Tần mẫu đáp:
- Thôi thì cháu chịu khó vì bạn bè, vì bà già này vậy!
Bạc tiền đem đến giúp đều được đặt cạnh giường Tần mẫu, mọi người mới ai về nhà nấy. Kiến Uy cũng về nhà, xếp đặt quần áo khăn gói, rời khỏi Tế Châu, qua đường Hà Giang đi Lộ Châu tìm Thúc Bảo.
Không biết có tìm gặp được Thúc Bảo không, xem hồi sau sẽ rõ.