Tục Thái A Kiếm

chương 19: xác đầy sa mạc

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Sau hai tiếng rú, người ta thấy hai bóng người từ trên sườn núi phi thân xuống, khi tới nơi người ta mới hay hai người là hai thiếu niên anh tuấn, thân người vạm vỡ.

Người thiếu niên đứng bên phải có khuôn mặt giống hệt Huân Tổ, đôi ngươi tia ra hai luồng hào quang chói lọi, luôn luôn cười khỉnh, y ngắm Lạc Dương một hồi rồi tiến tới trước mặt Huân Tổ vái chào và nói:

- Thưa cha con đã về tới, thừa lệnh sư tôn về phò trợ cha thành tựu đại nghiệp.

Nói xong, y đưa mắt nhìn tả hữu và nói tiếp:

- Nghe nói cha đang truy nã một gã phản đồ, chẳng hay đã bắt được tên ấy chưa? Huân Tổ gượng cười đáp:

- Thiệu nhi, nơi đây trò chuyện không tiện, hãy trở về sơn trại trước.

Thiếu niên đó lại chào Cẩm Quan và hỏi:

- Đổng thúc thúc vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Cẩm Quan mỉm cười đáp:

- Thúc thúc vẫn được như thường.

Thiếu niên thấy sắc mặt của cha với Cẩm Quan khác lạ, đã đoán được việc gì xảy ra, liền quay lại giận dữ nhìn Lạc Dương và lớn bước tiến tới.

Huân Tổ thấy vậy vội gọi:

- Thiệu nhi chớ có vô lễ, đây chỉ là sự hiểu lầm.

Y bị thất bại liên tiếp mấy phen, không muốn gây thêm cường địch, nên mới có thái độ này.

Thiếu niên ngẩn người ra giây lát, rồi ngừng bước quay mình lại đáp:

- Con xin tuân lệnh.

Huân Tổ chắp tay chào Lạc Dương và tiếp:

- Lão hiểu lầm nên mới trót xúc phạm, mong các hạ lượng thứ cho, chúng ta sẽ có ngày tái kiến.

Lạc Dương cũng chắp tay đáp lễ và trả lời:

- Tại hạ không dám.

Huân Tổ dẫn ba người đi luôn tiếp theo đó lại có tiếng còi nổi lên, những thuộc hạ của Tam Nguyên Bang quây quần quanh đó đều rút lui hết.

Lạc Dương vẫn đứng nguyên một chỗ, hồi lâu mới đi vào trong nhà.

Tố Lan tươi cười như hoa nở, nhìn chằm chặp vào mặt chàng, trông nàng lúc này khác nào tuyệt thế giai nhân.

Lạc Dương thấy nét cười của nàng hơi khác, chàng hỏi rằng:

- Lan tỷ cười gì thế? Tố Lan vừa cười vừa đáp:

- Vừa rồi, tỷ lên lầu, nghe Phụng Nhi nói hiền đệ thừa dịp táy máy y thị phải không? Lạc Dương nghe nói mặt đỏ bừng vội cãi lại:

- Chị Lan, oan uổng cho đệ quá, đây là tỷ bắt đệ làm đấy chứ, việc này...!việc này đệ nào dám tự tiện mà giờ lại phải chịu hàm oan.

Nói tới đó, chàng lại nghĩ đến việc vừa qua, khi mình cởi quần áo cho Phụng Nhi, vì chịu nhịn không nổi nên lửc dục bốc lên, hai má đỏ bừng, chẳng lẽ đã bị Phụng Nhi trông thấy chăng.

Chàng càng nghĩ chuyện đó càng thấy hổ thẹn.

Tố Lan nửa đùa nửa giỡn Lạc Dương, nửa có dụng ý riêng.

Lúc này nàng thấy Lạc Dương hổ thẹn như vậy, không nỡ làm chàng xấu hổ thêm, liền nói sang chuyện khác và tạm thời không nhắc đến chuyện này.

Rồi nàng nghiêm nét mặt lại hỏi:

- Sao Khương Huân Tổ lại có người con trai thứ như vậy mà trước kia không nghe ai nói? Lạc Dương đáp:

- Những yên hùng trên giang hồ bao giờ cũng xảo trá.

Chúng hành sự thường khó hiểu, nhưng con người phản phúc như y thì làm sao làm được Bang chủ của một bang chứ? Tố Lan khẽ cười một tiếng, bên trong có bao hàm khinh thị, nàng suy nghĩ giây lát rồi hỏi tiếp:

- Hiền đệ có trông thấy võ công của con trai thứ của y và thiếu niên kia không? Lạc Dương ngẩn người ra giây lát rồi lắc đầu đáp:

- Điều này đệ không chú ý tới, chẳng lẽ Lan tỷ đã nhận ra kỹ rồi hay sao? Tố Lan vuốt tóc rồi tủm tỉm cười trả lời:

- Võ công của y có chín thành hỏa hầu và đã được đặc truyền của phái Nga Mi.

Con trai trưởng của Huân Tổ là Huân Nghiệp đã bị tỷ hạ sát, con thứ của y đến đây kiếm tỷ để trả thù, sau này tỷ sẽ còn gặp nhiều trận nguy hiểm.

Lạc Dương nghe nói hai thiếu niên đó ở phái Nga Mi, chàng biết Kim Đỉnh Thượng Nhân vẫn còn hậm hực về mối thù bị ân sư mình đả bại năm xưa.

Ngờ đâu y lại đảo ngược luật lệ giang hồ, gây tai họa cho võ lâm như vậy.

Nghĩ tới đó chàng thở dài một tiếng và không chịu nói rõ lai lịch của mình cho nàng hay, chàng chỉ đáp:

- Võ công của Lan tỷ thâm hậu như vậy, sợ gì hai thiếu niên ấy.

Tố Lan đưa mắt lườm chàng một cái và nói tiếp:

- Hiền đệ đừng tâng bốc tỷ nữa, mới cách nhau có bấy nhiêu thôi mà võ công của hiền đệ còn hơn của tỷ rồi.

Đột nhiên có một mũi tên nhỏ ngoài cửa sổ bắn vào cắm trúng cột bàn kêu đánh cộp một tiếng, cán tên có ghim một tờ giấy nhỏ.

Hai người giật mình hoảng hốt, Lạc Dương vội rút mũi tên giở tờ giấy ra xem mới hay lá thư của Bách Thành.

Trong thư báo cho Lạc Dương hay Khương Huân Tổ vẫn còn hồ nghi nên để lại cao thủ canh gác dưới chân núi.

Trong thư còn dặn hai người ở trên này đợi, đừng đi đâu, chờ y lập kế dụ những tay cao thủ của Khương Huân Tổ đi nới khác rồi báo tin cho chàng hay, lúc ấy chàng hãy cùng Tố Lan thoát đi.

Trong thư lại còn nói Huân Tổ vẫn tin tưởng Tố Lan đã bắt cóc La Thái ba người và Phụng Nhi nên y đang nghĩ kế mượn dao người để ngầm hại nàng.

Tố Lan đọc xong lá thư, trợn ngược đôi mày lên nói:

- Thế nào tỷ cũng ra tay kiềm chế y trước để y biết thủ đoạn của bổn cô nương đây lợi hại như thế nào.

Nói xong, mặt nàng lạnh như tiền và sát khí đằng đằng.

Lạc Dương thấy vậy khuyên nàng:

- Lan tỷ hà tất phải chấp nhất với những tiểu nhân giang hồ như vậy, chúng làm việc bất nghĩa bao nhiêu thì chóng chết bấy nhiêu.

Tỷ cứ xem tương lai của chúng không bao giờ tốt đẹp đâu.

Tố Lan vẫn chưa nguôi cơn giận, lên tiếng hỏi:

- Chả lẽ cứ để chúng đầu độc võ lâm mãi như vậy sao? Không phải tỷ không biết chuyện làm ác sẽ bị báo ứng như thế nào, nhưng trước khi chúng bị báo ứng đã có bao nhiêu người bị chết oan.

Hiền đệ chưa biết rõ nên có thể tha thứ cho chúng được, nếu biết rồi chẳng lẽ lại làm ngơ nhìn chúng giết những kẻ vô tội hay sao.

Lạc Dương thấy nàng nói vậy, lẳng lặng làm thinh.

Cả gia đình của Trương Phúc ẩn núp ở dưới đất chưa ra, Tố Lan liền lên lầu thăm Phụng Nhi.

Lạc Dương cảm thấy hổ thẹn không dám lên lầu, chàng đứng ngoài cửa nghĩ lại chuyện ban trưa mà tần ngần.

Buổi tối ở thị trấn Hạ Khẩu có một cảnh tượng khác lạ với những nơi khác, nhà nào nhà nấy đèn đuốc sáng choang, trên sông khói phủ mịt mờ.

Phong cảnh nơi đây vào buổi chiều hôm không khác gì một bức tranh sơn thủy.

Lạc Dương đi lại trên bãi đất bằng trên sườn núi.

Trước cảnh vật đẹp đẽ như vậy mà tâm hồn chàng không được yên tĩnh để thưởng thức.

Đột nhiên chàng thấy một bóng người lướt trên sườn núi nhanh như gió, chàng giật mình kinh hãi khi thấy người đó chân chưa chạm xuống đất đã lên tiếng khẽ gọi:

- Lạc thiếu hiệp! Người đó vừa gọi xong đã nhanh nhẹn lẻn vào trong một cái nhà gần đấy.

Lạc Dương đã nhận ra tiếng gọi của Bách Thành, chàng vội lướt vào, quả nhiên thấy Bách Thành đứng ở trong sảnh tay cầm một bọc quần áo, nói:

- Trần mỗ đã lập một kế lấy mận thay đào và dụ bang chúng của Tam Nguyên và Hắc Kỳ qua bên kia sông rồi.

Lúc này chính là lúc rời khỏi núi rất thuận tiện, không biết Hà cô nương đã đi được chưa, bảo cô ta cải trang để khỏi bị lộ tông tích.

Nói xong, y đưa cái bọc áo cho Lạc Dương, Lạc Dương đỡ lấy bọc áo rồi nói:

- Quấy nhiễu Trần đại hiệp như vậy, tại hạ không yên lòng chút nào.

Bách Thành vừa cười vừa giục Lạc Dương đi báo tin cho Tố Lan, Lạc Dương lên lầu thấy Tố Lan và Phụng Nhi cùng ngồi đối diện chuyện trò với nhau.

Hai người thỉnh thoảng lại cười khúc khích mặt đỏ bừng, không biết họ nói chuyện gì.

Phụng Nhi vừa trông thấy Lạc Dương, hổ thẹn cúi ngay đầu xuống.

Tố Lan lườm Lạc Dương nói:

- Phụng nhi đã khỏi già nửa, nàng bảo không biết cảm ơn hiền đệ thế nào cho phải.

Lạc Dương cười gượng đáp:

- Người cứu Phụng Nhi thoát hiểm ở dưới lầu, sai tôi lên đây bảo các người mau mau rời khỏi núi Sài Sơn này ngay.

Trong bọc quần áo này có một bộ quần áo đàn ông, Phụng Nhi hãy cải trang ngay, tiểu đệ chờ ở dưới lầu.

Nói xong, chàng lấy một viên thuốc đưa cho Tố Lan bảo nàng trao cho Phụng Nhi uống.

Tố Lan vừa cười vừa đáp:

- Hiền đệ không biết đưa thẳng cho Phụng Nhi sao mà lại phải nhờ tôi chuyển giao thế này! Lạc Dương biết Tố Lan định trêu mình, vội nhét viên thuốc đó vào tay nàng rồi xuống lầu luôn, tai vẫn còn văng vẳng nghe tiếng cười của hai nàng.

Bách Thành thấy Lạc Dương liền nói:

- Vừa rồi Trần mỗ đã tặng cho Trương Phúc một trăm lạng bạc và bảo y dọn nhà đi nơi khác một tháng.

Nói xong, Bách Thành ngừng giây lát rồi thở dài một tiếng nói tiếp:

- Khương Thiệu Hổ con trai thứ của Huân Tổ là môn đệ của phái Nga Mi, được sư thúc của Kim Đỉnh thượng nhân truyền thụ võ công.

Xem như vậy không ngờ tai kiếp của võ lâm ngày nay lại gây nên bởi chuyện thị phi ngày xưa.

Lạc Dương đáp:

- Năm đó là do Kim Đỉnh thượng nhân của phái Nga Mi quá hẹp lượng mà nên, chứ không phải do gia sư ỷ mạnh mà nên đâu.

Hiện giờ gia sư đang đi thuyền ra biển, tại hạ muốn giải mối tai họa này một cách êm đẹp để bù vào những lỗi lầm quá khứ của gia sư.

Nhưng với sức lực của tại hạ thì vô kế khả thi, Trần đại hiệp có cách gì chỉ giáo cho tại hạ không? Bách Thành ngẫm nghĩ giây lát khảng khái đáp:

- Lúc này chính là lúc dùng chém giết chế ngự chém giết, nhưng cần phải suy tính lại hết và cần phải cẩn thận mới thi hành.

Thiếu hiệp đã suy nghĩ cao xa như thế thì Trần mỗ thế nào cũng giúp cho thiếu hiệp hoàn thành việc đó.

Lạc Dương cả mừng định nói tiếp thì Tố Lan với Phụng Nhi đã xuống lầu.

Phụng Nhi cải nam trang trông rất anh tuấn, nàng thấy Bách Thành vội vái chào và nói:

- Tiểu nữ được đại hiệp cứu cho mới khỏi bị nhục nhã, xin đại hiệp nhận một lạy của tiểu nữ.

Bách Thành khiêm tốn đáp:

- Lão phu với Lạc thiếu hiệp là bạn vong niên, việc của y cũng là việc của lão phu, Hà cô nương chớ bận tâm như vậy.

Tiếp đó y đưa mắt nhìn Lạc Dương nói:

- Chúng ta đi thôi.

Lạc Dương lại hỏi:

- Bây giờ đi đâu? Bách Thành đang định trả lời, Tố Lan đã đỡ lời ngay:

- Đi thị trấn Hạ Khẩu, chẳng hay Hồ lão sư nghĩ sao? Bách Thành ngẩn người ra nhưng y vốn là người rất thông minh, biết Tố Lan đi thị trấn Hạ Khẩu nhằm mục đích gì nên y vội trả lời:

- Lão xin tuân lệnh, nhưng ở thị trấn Hạ Khẩu có rất nhiều bộ hạ của Tam Nguyên Bang rình rập.

Hễ không cẩn thận một chút là lộ hình tích ngay, như thế có khác gì đâm đầu vào lưới.

Tố Lan nói tiếp:

- Tôi đã có nơi trú ẩn.

Hôm nay được Hồ lão sư giúp đỡ mới thoát hiểm, tôi cảm ơn lão sư vô cùng.

Xin lão sư nể mặt Dương đệ mà giúp cho tới cùng, chúng tôi rất hân hạnh.

Lạc Dương thấy Tố Lan cứ tin Bách Thành họ Hồ hoài, trong lòng mừng thầm.

Bách Thành nghiêm nghị đáp:

- Điều này cô nương không nói, tôi cũng phải giúp tới cùng.

Bốn người ra khỏi nhà đó, cứ tìm nơi có bụi cây để đi và cùng tiến thẳng về phía Hạ Khẩu.

Trong thị trấn Hạ Khẩu đèn thắp sáng như ban ngày, người đi lại đông đúc.

Lúc ấy đang là mùa hè, khí trời nóng nực, dân cư chịu không nổi sự oi bức nên đều ra ngoài hóng gió hoặc nhậu nhẹt.

Bốn bóng đen lướt nhanh như gió ở trên nóc nhà tiến thẳng đến một tòa nhà lớn.

Họ vừa tới nơi, bỗng thấy trong nhà có bảy tám bóng người phi thân lên trên mái, người cầm đao giơ lên quát lớn:

- Ai đó? Tố Lan:

- Hắc Tam đấy à, ai bảo các ngươi lộ hình tích như thế? Người nọ cả kinh, mặt biến sắc vội thu đao lại, khom lưng vái chào và đáp:

- Tiểu nhân không biết cô nương giá lâm nên mới thất lễ như vậy.

Quan lão gia đã tới từ hồi sáng, hiện đang lo ngại cho cô nương.

Tố Lan mừng rỡ đáp:

- À, không ngờ cha nuôi tôi lại nhanh chóng lành mạnh đến thế.

Nàng vừa nói vừa phi thân vào trong trước, Phụng Nhi, Lạc Dương, Bách Thành lần lượt theo sau.

Lúc ấy, ở trong phòng có một ông già cao lớn bước ra, theo sau là Phùng Xuân, Mai Nhi.

Ông già to lớn, lớn tiếng cả cười và nói:

- Lan nhi, chắc con không ngờ ta lại đến nhanh như vậy phải không? Y vừa dứt câu, trông thấy Phụng Nhi, kinh ngạc hỏi:

- Phụng Nhi cũng do con cứu được ra đó sao? Phụng Nhi liền quỳ xuống vái chào và nói:

- Tỳ nữ được Hồ đại hiệp và Lạc công tử ra tay cứu giúp mới được tái kiến lão gia.

Ông già to lớn chăm chú nhìn Bách Thành, Tố Lan vội đón lời:

- Lũ giặc bị hỏa thiêu ở bờ sông, chúng con bình yên trở về đây cũng là nhờ mưu kế của Hồ đại hiệp.

Hồ đại hiệp đây là bạn vong niên của Dương đệ.

Ông già cao lớn tỏ vẻ ngưỡng mộ, nắm lấy hai tay Bách Thành nói:

- Lão Quan lúc thoát hiểm, tuy thương thế chưa lành mạnh nhưng lão cũng hay tin rồi, nay được Hồ lão sư ban cho mưu kế, lão mới được sống sót, ơn đức này thật cao như núi rộng như bể, chỉ hận vô duyên không được sớm gặp lão sư thôi.

Bây giờ mong lão sư cho biết lai lịch, để lão khỏi phải thất kính.

Bách Thành mỉm cười đáp:

- Sự thật đệ không phải họ Hồ, tên thật là Trần Bách Thành, chỉ vì Khương Huân Tổ với đệ đã gặp mặt nhau một lần nên đệ mới đổi họ để y khỏi nhớ đến chuyện cũ.

Bàng Cách kêu ồ một tiếng rồi hỏi tiếp:

- Thế ra Trần lão sư là đệ tử Dã Nhân Sơn Chủ Trần Trí Hồ đấy, cái tên Trí Hồ như sấm đánh ngang tai, quả thật danh bất hư truyền, chẳng hay Dã Nhân sơn chủ bây giờ ở đâu? Bách Thành lắc đầu đáp:

- Thái sơn chủ vô cớ mất tích, chính vì việc này đệ phải xuống núi điều tra, cho đến giờ vẫn chưa biết ông ta sống chết ra sao.

Bàng Cách lại nói tiếp:

- Người lành sẽ có trời phù hộ, Trần lão sư chớ lo âu.

Nói tới đó, ông ta quay lại, vừa cười vừa nói với Lạc Dương:

- Cách biệt ở núi Ngọc Chung vài tháng trời, không ngờ võ công của hiền điệt lại tiến bộ nhanh đến thế.

Mà cả y thuật cũng giỏi, thật là đáng kính đáng mừng.

Chắc hiền điệt cũng gặp duyên kỳ ngộ, chẳng hay có thể cho lão biết được không? Lạc Dương khó nghĩ vô cùng, không biết mình có nên trả lời hay không.

Tố Lan thấy vậy đỡ lời:

- Dượng khỏi phải truy hỏi Dương đệ làm chi.

Lan nhi với Dương đệ đã nặng lời thề rồi, không ai được hỏi chuyện của ai.

Bàng Cách nghe nói ngạc nhiên vừa cười đáp:

- Trẻ con thật! Rồi ông ta mời Bách Thành vào nhà.

Lát sau trong nhà đã bày ba mâm rượu, mọi người ngồi vào vui vẻ ăn nhậu.

Trong lúc chuyện trò có đàm luận đến đại thế của võ lâm hiện thời.

Bách Thành nghị luận rất xác đáng khiến Bàng Cách rất kính phục, chỉ muốn lôi kéo Bách Thành vào đảng phái của mình.

Ăn được nửa chừng thì Bách Thành đứng dậy cáo từ nói:

- Đệ còn bốn người bạn tri giao đợi ở bờ sông, chẳng hay lão tiền bối có cho phép tại hạ cáo từ trong giây lát để đi đến bờ sông dẫn bốn người đó đến đây không? Bàng Cách cả cười nói:

- Được lắm, lão ở đây cung kính đợi chờ, mong Trần lão sư sớm trở về cho.

Lạc Dương đột nhiên đứng dậy nói:

- Tiểu điệt còn có một việc làm chưa xong muốn đi cùng đại hiệp, trong giây lát xin trở về ngay.

Tố Lan ngạc nhiên hỏi:

- Dương đệ đi làm trò gì thế? Lạc Dương vừa cười vừa đáp:

- Lan tỷ đã quên lời thề ước của chúng ta rồi sao? Tố Lan bĩu môi nín thinh, Bách Thành với Lạc Dương cáo từ mọi người, song song đi ra ngoài.

Trong khi đi đường, Bách Thành hỏi:

- Có phải thiếu hiệp lo ngại bọn La Thái ba người kia chưa chết, thế nào cũng tiết lộ phải không? Lạc Dương gật đầu đáp:

- Xin thú thật cùng lão tiền bối, chính tại hạ đã lấy được Quảng Thành nhị báu, nhưng không diệt trừ bọn La Thái ba người thế nào sau này cũng gặp họa lớn.

Bách Thành hỏi:

- Quảng Thành nhị báu hiện giờ ở đâu? Lạc Dương đáp:

- Tại hạ đã nhờ người đem ra ngoài quan ngoại cho gia sư rồi.

- Nếu vậy không nên để bọn La Thái sống, nhưng làm sao phải tiêu diệt cái xác của bọn chúng mới khỏi hậu họa.

Hai người đi tới bờ sông liền đi xuống miền hạ du.

Một lát sau, hai người đi sâu vào trong rừng, những bụi trúc mọc ngổn ngang rất khó đi, hai người phải nhảy nhót như bay mới đi sâu vào được giữa rừng.

Đột nhiên có một bóng đen bước ra trầm giọng quát:

- Ai đó? Bách Thành đáp:

- Chú em họ Quan đấy phải không? Người đó chính là Quan Đức Luân thấy Bách Thành liền đáp:

- Chúng tôi để lại mấy chữ rồi từ biệt, Khương Huân Tổ đã nghi ngờ chúng ta, nên thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy những tay cao thủ của Tam Nguyên Bang xuất hiện ở đây canh chừng.

Bách Thành cười nhạt và hỏi tiếp:

- Thế Huân Tổ chưa qua sông ư? Đức Luân đáp:

- Đồng Cẩm Quan đã đem theo bộ hạ quá giang còn Huân Tổ thì ở lại ngồi tọa trấn ở Hạ Khẩu, nếu huynh không bày những nghi trận thì tiểu đệ bốn người đã bị chúng diệt rồi.

Bách Thành ngẫm nghĩ giây lát rồi tiếp:

- Bây giờ không nên chậm trễ nữa, mau giết chết bọn La Thái đi, rồi mau rời khỏi nơi đây mới được.

Nói xong, y đưa mắt nhìn Lạc Dương và nói tiếp:

- Thiếu hiệp, mau theo trần mỗ, trong rừng lúc này tối om, tuy thiếu hiệp biết rõ cách ra vào cửa Cửu Âm Trận Thức, nhưng nhất thời cũng không sao trông thấy rõ được.

Đức Luân với Bách Thành hai người quay mình lướt về bên phải, Lạc Dương đang định đi thì đột nhiên nghe thấy tiếng động, biết là có người xâm nhập gần đây, liền nghĩ ra một kế liền quay người về phía tiếng động đó.

Chàng bỗng thấy một hình bóng dong dỏng cao, đi nhanh như điện chớp tiến tới, chàng liền quát bảo:

- Đứng yên.

Hình như người đó ngẩn người ra và đứng lại, hai mắt tia ra hai luồng ánh sáng, cười giọng âm thầm và hỏi lại:

- Ngươi là ai, sao dám ngăn trở lối đi của lão phu như thế? Người đó vừa hỏi, vừa đưa mắt ngắm nhìn Lạc Dương.

Lúc ấy, Lạc Dương đã nhận ra người đó là Lại Đăng Khôi chàng liền mừng thầm và nghĩ: "Mình tìm mãi không thấy y, ngờ đâu lại gặp y ở nơi đây một cách dễ dàng như vậy." Nghĩ đoạn, chàng liền trả lời:

- Ngươi muốn chết phải không? Rồi chàng giơ năm ngón tay chộp lấy cổ Lại Đăng Khôi nhưng đối phương đã chuẩn bị trước nên y vừa thấy Lạc Dương ra tay đã rút ngay cây roi ra liền.

Tuy vậy, đầu roi của y vẫn bị tay của Lạc Dương túm chặt và đồng thời đối phương còn giơ hai ngón tay trái điểm vào Phúc kết huyệt của y nữa.

Lại Đăng Khôi rất khôn ngoan, y biết đã gặp tay cao thủ nên nhân lúc Lạc Dương nắm roi lôi một cái, y buông tay ra và rú lên một cái thật dài.

Lạc Dương không ngờ đối phương lại khôn ngoan như thế, hơi ngẩn người ra một chút thì đã không thấy thân hình của đối phương đâu hết.

Chàng vội quát lớn:

- Mi chạy đâu? Nói xong, chàng phi thân đuổi theo liền.

Trong rừng trúc chỉ thấy thân hình của Đăng Khôi né sang trái, tránh sang phải, dù Lạc Dương đuổi rất nhanh nhưng bị những cây trúc mọc chằng chịt cản trở nên không sao đuổi kịp.

Đăng Khôi vừa chạy vừa kêu rú hoài.

Y muốn dụ các tay cao thủ của Tam Nguyên Bang đón đánh Lạc Dương.

Đột nhiên phía đằng xa có tiếng rú khác vọng lên và hình như có nhiều người phi thân tới.

Lạc Dương không muốn đối địch với phỉ đồ của Tam Nguyên Bang, chỉ muốn bắt được Đăng Khôi mà thôi.

Chàng muốn bắt Đăng Khôi để tra hỏi tên đại thù của mình hiện giờ ở đâu nên chàng tung mình nhảy lên trên cao, lẹ làng túm lấy ngọn cây trúc rồi đứng yên trên đó để tìm kiếm.

Rồi chàng mượn sức co tán của cậy trúc mà chạy ra ngoài xa mười trượng vịn vào cây trúc khác.

Chàng thấy mười mấy người chạy lại trước mặt Lại Đăng Khôi vừa cười vừa lên tiếng hỏi:

- Lại huynh có phải đã phát hiện tung tích của Bách Thành đấy không? Đăng Khôi vừa hoàn hồn xong vội đáp:

- Lại mỗ vừa gặp một người võ công rất trác tuyệt nhưng không biết bây giờ y đi đâu, mỗ đã trông thấy rõ y không phải là một trong năm người của Bách Thành.

Người nọ nghe nói cười nhạt đáp:

- Bất cứ người đó là ai chúng ta cũng đành giết oan chứ không sao tha được, tất cả anh em mau chia đường đi lùng bắt.

Mười mấy người đó liền chia ra bốn phương tám hướng để tìm kiếm.

Lại Đăng Khôi thì tiến thẳng về phía nam.

Lạc Dương nhắm theo hướng đó, tung mình nhảy xuống nhanh như điện chớp nên thân hình của Lại Đăng Khôi chưa tới mặt đất thì đã thấy trên đỉnh đầu có một luồng gió mạnh lấn át tới.

Y giật mình kinh hãi đang định nhảy sang trái tránh né thì đã thấy đầu bị túm chặt và đau nhức khôn tả, thì ra y đã bị Lạc Dương túm chặt và lôi lên trên cao, y vội rú luôn mồm để cầu cứu.

Ngờ đâu Lạc Dương đã nhanh tay điểm luôn vào huyệt câm cho nên y vẫn há mồm chưa kịp kêu thì đã bị điểm trúng huyệt.

Lạc Dương kéo Đăng Khôi ôm dưới nách rồi chạy thẳng về phía trước.

Trên cánh đồng hoang bốn bề không có bóng người, dưới ánh trăng lờ mờ người ta chỉ thấy Lạc Dương kẹp Lại Đăng Khôi đứng yên ở cánh đồng đó, đưa mắt nhìn bốn chung quanh rồi mới đặt kẻ địch xuống, đưa tay ra điểm mấy yếu huyệt khác, đồng thời giải huyệt câm cho đối phương, xong đâu đấy chàng mới cười nhạt nói:

- Lại Đăng Khôi ở Vạn Trúc trấn, mi may mắn tẩu thoát được, nhưng lưới trời lồng lộng nên lần này mi lại bị thiếu gia bắt giữ.

Lại Đăng Khôi thấy mặt Lạc Dương lầm lì và như mặt kẻ chết trôi, y lại càng kinh hoảng đến mất cả hồn vía nên người y cứ run lẩy bẩy không biết nói năng gì, nghĩ ra đối phương là ai rồi, liền giật mình kinh hãi lên tiếng hỏi:

- Bạn là thiếu niên tìm kiếm Vạn Đằng Long phải không? Lạc Dương gật đầu đáp:

- Phải, nếu ngươi chịu nói cho ta biết hiện giờ Vạn Đằng Long ở đâu thì ta sẽ tha chết cho ngươi liền.

Lại Đăng Khôi thở dài một tiếng rồi đáp:

- Bốn năm trước lão chỉ biết y lên núi quy y Tam Thanh giáo thôi, còn sau này y có còn ở đấy hay không thì lão không biết, nhưng chắc vẫn còn trên núi Võ Đang, chưa đi đâu.

Lạc Dương lại hỏi tiếp:

- Lời nói của ngươi có thực không?

- Vạn Đằng Long không có ơn huệ gì với tại hạ, hà tất phải giấu giếm cho y làm chi.

Tại hạ cộng sự với y là người rất có hùng tâm chứ không phải là kẻ chịu lép vế người khác, cho nên tại hạ dám chắc y quy y trên núi Võ Đang như vậy thế nào cũng có dụng tâm gì.

Lạc Dương nghe nói ngẩn người ra rồi hỏi lại:

- Theo lời nói của ngươi thì y đã giết sư phản đạo và định làm bá chủ võ lâm phải không?

- Theo sự ước đoán của Lại mỗ thì y có ý muốn như thế lắm, nhưng chưa chừng y chán ngán sự đời mà định tâm quy y huyền môn để sám hối tội lỗi cũng nên.

Lạc Dương cười nhạt một tiếng rồi nói:

- Cho y đọc vạn cuốn kinh mỗi ngày cũng không thể nào giải được mối thâm thù huyết hải của thiếu gia này.

Đăng Khôi lẳng lặng không nói năng gì cả, Lạc Dương lại tiếp:

- Người đang là giáo đồ của Tuyết Liên giáo, tại sao lại đầu hàng sang Tam Nguyên Bang như vậy? Đăng Khôi bị Lạc Dương điểm trúng mấy nơi yếu huyệt, chỉ thấy toàn thân kinh mạch huyệt đạo đều có hàng vạn con kiến chui rúc ngứa ngáy khó chịu vô cùng, nên y yêu cầu Lạc Dương giải huyệt cho và xin thú thực hết mọi lẽ cho chàng hay.

Y nói Khương Huân Tổ của Tam Nguyên Bang đã kết minh liên hiệp với Vệ Phi Long Giáo chủ của Tuyết Liên Giáo, định gây phong ba trên giang hồ, y thừa lệnh đi trước, rồi Vệ Phi Long dẫn tất cả các tay cao thủ đi sau.

Lạc Dương nghe xong liền nghĩ đến hình bóng của Vệ Ánh Hà, vội lên tiếng hỏi:

- Vệ Phi Long có một cô con gái cưng là Vệ Ánh Hà, cô ta có đi cùng người cha không? Đăng Khôi nghe nói sực nghĩ đến Ánh Hà trở về đến tổng đàn ngày nào cũng u uất không nguôi, tính tình thay đổi hẳn, làm cho Vệ Phi Long lo âu khôn tả.

Bây giờ y mới biết Ánh Hà vì mất người yêu mà nên, y liền đáp:

- Cha con nàng ta lúc nào cũng đi gần nhau cho nên tôi chắc phen này thế nào nàng cũng theo Phi Long tới đây.

Y nói chưa dứt lời thì Lạc Dương đã ra tay điểm luôn vào yếu huyệt ở cổ họng của y một cái, thế là tên gian tặc đã bị đứt tâm mạch mà tắt thở chết tốt.

Sở dĩ Lạc Dương vội ra tay giết Đăng Khôi như vậy là vì Lạc Dương thoáng thấy ở phía đằng xa cánh đồng hoang có bảy tám cái bóng đen nhanh như điện chớp phi tới.

Giết xong Đăng Khôi chàng liền giở khinh công tuyệt mức đi luôn.

Bảy tám cái bóng đen kia hình như đã phát giác hình bóng của Lạc Dương rồi, nên chúng cũng rú lên mấy tiếng thật dài và đuổi theo Lạc Dương ngay.

Lạc Dương chạy thẳng đến thị trấn Hạ Khẩu, lẻn vào trong một cái hẻm tối om ẩn núp, nhưng chàng lại sợ bảy tám cái bóng đen kia đến vây bắt nên chàng quanh co bảy tám lần rồi lại ra khỏi Hạ Khẩu để đi Võ Đang ngay.

Mấy năm nay không lúc nào là Lạc Dương không nhớ đến mối thù của cha mẹ, cũng vì Vạn Đằng Long mà chàng phải cơ khổ lênh đênh một mình ở trên giang hồ, nên đêm nào cũng vậy hễ nằm lên giường ngủ là chàng lại nghĩ đến chuyện năm xưa và không giờ phút nào là chàng không oán hận Vạn Đằng Long.

Vì thế vừa hay tin kẻ thù ở núi Võ Đang là chàng chỉ muốn mọc ngay hai cánh bay tới nơi đó tìm kiếm y luôn.

Chàng vội đi đến nỗi quên cả báo tin cho Tố Lan hay.

Trong căn nhà lớn ở thị trấn Hạ Khẩu, Tố Lan và các người đợi chờ Lạc Dương và Bách Thành trở về, nhưng chờ mãi mà không thấy hình bóng của hai người đâu cả.

Tố Lan nóng lòng sốt ruột vô cùng, gần chàng ngày nào Tố Lan càng yêu thương chàng thêm, nàng chỉ sợ như là ở núi Ngọc Chung, Lạc Dương không báo tin cho nàng hay đã bỏ đi.

Nàng rất ân hận là đã không đi cùng với chàng.

Trời đã sáng tỏ, bỗng có một tráng hán chạy thẳng vào nội đường thưa rằng:

- Trần đại hiệp năm người đã về tới.

Tố Lan vội hỏi:

- Còn Lạc thiếu hiệp đã về chưa? Tráng hán nọ ngập ngừng đáp:

- Tiểu nhân không thấy Lạc Dương thiếu hiệp.

Tố Lan tỏ vẻ rầu rĩ, hai mắt đỏ ngầu.

Quan Bàng Cách rất cưng yêu Tố Lan, lão biết tình nàng xưa nay rất kiêu ngạo, dù thanh niên anh tuấn đến đâu cũng không được nàng để ý tới, nhưng từ khi gặp Lạc Dương tới giờ, tánh nết nàng thay đổi hẳn.

Ở núi Ngọc Chung, Lạc Dương tự nhiên bỏ đi đã khiến nàng hơi tí là giết chóc, cũng vì vậy nàng đã kết thù kết oán với nhiều người.

Lần này Bàng Cách cũng sợ nàng theo vết xe trước, đang định lên tiếng khuyên nhủ thì đã thấy Bách Thành rảo bước đi vào, lão vội nín tiếng ngay.

Tố Lan vội lên tiếng hỏi Bách Thành:

- Dương đệ của tôi đâu, sao không thấy về cùng với Trần lão sư như thế? Bách Thành thấy sắc mặt Tố Lan đau khổ lấy làm ngạc nhiên vô cùng, y liền đem những chuyện mình đã gặp ở trong rừng như thế nào kể cho Tố Lan nghe.

Y nói:

- Trần mỗ năm người suýt chút nữa bị các tay cao thủ của Tam Nguyên Bang phát giác, nếu ra tay đấu với chúng thì không sao tránh được sự giết chóc.

Tôi chắc Lạc thiếu hiệp đã đi dụ địch để cho chúng lạc lối, như vậy không chóng thì chày thiếu hiệp cũng về, chắc không thể nào xảy ra tai nạn đâu.

Tố Lan nghe Bách Thành nói xong, vẫn chưa nguôi cơn giận liền nói:

- Trần đại hiệp nói mấy người bọn đại hiệp đã có Cửu Cung Trận Thức bảo vệ sao lại vội vàng đào tẩu ra khỏi nơi đó chóng như thế? Nhỡ Lạc thiếu hiệp có mệnh hệ nào...

Bàng Cách sợ Tố Lan trở mặt, thốt ra những lời kém lịch sự nên lão vội lớn tiếng quát bảo:

- Lan nhi, đừng có nói bậy, việc này không thể trách cứ Trần lão sư được.

Bách Thành là người từng trải nên y rất thông cảm tính nóng nảy của Tố Lan, vì vậy y không tức giận chút nào chỉ mỉm cười đáp:

- Việc này quả thật lỗi ở Trần mỗ, Lan cô nương trách cứ như thế rất phải.

Nhưng Trần mỗ dám chắc Lạc thiếu hiệp không gặp nguy hiểm, lúc này chưa về có lẽ đã gặp vài người bạn vui chuyện hoặc là...

Tố Lan càng lo âu thêm vội hỏi tiếp:

- Hoặc giả cái gì? Bách Thành mỉm cười đáp:

- Trần mỗ với Lạc thiếu hiệp là bạn vong niên, tính tình Lạc thiếu hiệp thế nào Trần mỗ đều biết.

Lúc nào chàng cũng nhớ đến huyết hải thâm cừu, chưa biết chừng chàng đã biết được tung tích của kẻ thù.

Lạc cô nương khỏi phải lo âu như vậy, Trần mỗ cam đoan sẽ trao trả Lạc thiếu hiệp lại cho cô nương.

Lúc ấy Phùng Xuân chạy vào chào hỏi năm người rồi vội nói với Bàng Cách rằng:

- Ở giữa Hán Giang, các bạn võ lâm kéo đến rất đông, vừa rồi lại có thêm giáo chủ của Tuyết Liên Giáo là Vệ Phi Long cùng con gái là Vệ Ánh Hà và hơn hai mươi cao thủ đã tới.

Chúng kẽ kết minh với Tam Nguyên Bang và Hắc Kì Hội để cùng mưu đồ xưng bá võ lâm.

Nói xong, y cười nhạt một tiếng và nói tiếp:

- Như vậy, thế nào cũng sắp có một tấn tuồng cho chúng ta coi.

Bàng Cách ngẫm nghĩ giây lát, không nói năng gì hết, Tố Lan bỗng lên tiếng hỏi:

- Trần lão sư là người đa mưu túc trí, thế nào cũng biết cách bố trí của của Tam Nguyên Bang và Hắc Kỳ Hội ở thị trấn Hạ Khẩu, chẳng hay lão sư có thể cho biết qua loa về sự việc không? Bách Thành đáp:

- Theo sự nhận biết của mỗ thì Tam Nguyên Bang có lập hai trạm canh ngầm ở thị trấn Hạ Khẩu, một ở trong một căn nhà của thường dân tại kế bên Hoàng Hạc Lâu, một ở trong miếu Lã Tổ.

Ngoài ra, trạm canh ngầm của Hắc Kỳ hội thì lập ở sau ngôi mộ của Siêu Vinh thái tử.

Tố Lan lại lên tiếng nói tiếp:

- Cảm ơn Trần đại hiệp đã chỉ điểm cho như vậy.

Nói xong, nàng cùng Mai Nhi các người đi luôn.

Chiều tối hôm đó, mặt trời vừa lặn, trên lầu Hoàng Hạc có năm người mặc áo xanh tựa vào lan can, tay chỉ trỏ xuống bên dưới hết phong cảnh này đến phong cảnh nọ.

Năm người đó mặt trầm mắt lạnh, giả vờ ngắm nhìn phong cảnh nhưng thực ra chờ mặt trời lặn hẳn liền xuống lầu đi thẳng đến miếu Lã Tổ.

Năm người vừa tới chỗ cách cửa miếu chừng năm bước thì đã có người khẽ hỏi:

- Lan cô nương, năm người chúng ta công nhiên vào trong miếu gây hấn với họ hay sao? Năm người này chính là Tố Lan với bọn Mai Nhi, vì mãi không thấy Lạc Dương về, bao nhiêu uất hận nàng đổ vào Tam Nguyên Bang và Hắc Kỳ Hội.

Vì vậy, nàng và bốn tỳ nữ giả dạng nam trang để đi kiếm Lạc Dương, đồng thời đối phó Tam nguyên Bang và Hắc Kỳ Hội luôn.

Đến miếu Lã Tổ, Tố Lan khẽ đáp lời hỏi của người nọ:

- Bốn người các ngươi đi quét sạch các chòi canh ngầm ở bên ngoài, hễ gặp phỉ đồ cứ ra tay chém giết, còn cô nương một mình vào trong miếu, nếu thấy ám hiệu của ta, các người theo kế hoạch thi hành ngay.

Bốn tì nữ vâng lời đi luôn, chỉ thoáng chốc đã mất dạng liền.

Tố Lan ăn mặc nho phục màu xanh, khoanh tay sau lưng, thủng thẳng đi vào trong miếu.

Nàng thấy cái sân trồng hoa ở trước điện bị cỏ hoang che lấp, chỉ còn lại bốn cây chuối đang phấp phới trước gió.

Nàng lắc đầu thở dài một tiếng và nói:

- Đáng tiếc thật, thắng cảnh thế này mà không có người trông nom quét dọn để đến nỗi hoang vu như vậy.

Nói xong, nàng lại lắc lư cái đầu, trông giống hệt một nho sinh.

Nhưng sự thật nàng đã thấy rõ bọn địch ẩn núp tứ phía.

Nàng khẽ kêu hừ một tiếng, xếch ngược đôi lông mày lên, mắt lộ sát khí nhưng lại làm như không có chuyện gì xảy ra, vừa đi vừa ngâm nga tiến thẳng vào trong điện, hễ thấy bài thơ hay câu đối nào là nàng lên tiếng đọc và ngâm nga ngay.

Tiếng ngâm của nàng vừa du dương vừa rõ ràng từng chữ một.

Nàng bỗng chỉ tay vào đôi câu đối treo ở trên cột trụ và khen ngợi rằng:

- Câu đối này vừa cân chỉnh vừa hay, thật không kém gì đôi câu đối mà ta đã được đọc trên Hoàng Hạc Lâu.

Đang lúc ấy, trong điện bỗng có tiếng niệm Phật vọng ra.

Tiếp theo đó có một lão đạo sĩ, tay cầm phất trần thủng thẳng bước ra, đi tới trước mặt Tố Lan, giơ một tay lên trước ngực vái chào và hỏi:

- Khuya thế này, thí chủ còn có nhã hứng tới đây du ngoạn như vậy, thật là hiếm có.

Đáng lẽ bần đạo phải tiếp đãi thí chủ mới phải nhưng vì tối hôm nay bần đạo phải làm chay siêu độ cho người nên tối kỵ người lạ lui tới.

Nếu thí chủ không trách cứ thì xin mời thí chủ ngày mai quay lại du ngoạn tiếp.

Tố Lan tỏ vẻ không vui đáp:

- Như vậy thật là chán quá.

Thôi được, ngày mai tiểu sinh lại tới du ngoạn tiếp vậy.

Nghe gia phụ nói miếu Lã Tổ này đã thất tu lâu năm, để cho nơi thắng cảnh trở nên nơi hoang vu như thế này thật là đáng tiếc.

Vì vậy tiểu sinh mới tới nơi xem qua, định quyên tiền bạc ra trùng tu, không hiểu miếu này sửa sang lại phải tốn kém bao nhiêu? Đạo nhân nọ ngạc nhiên hỏi:

- Lệnh tôn đại nhân là ai, để bần đạo đi bái kiến.

- Gia nghiêm là Quan Tuế Quân, mới đến nhậm chức.

Đạo nhân giật mình kinh hãi vội hỏi tiếp:

- Sao công tử không mang theo người hầu?

- Có, hiện giờ chúng đang ở trên bờ sông, cạnh lầu Hoàng Hạc, tiểu sinh hiềm chúng đi theo làm vướng chân nên mới bảo chúng ở lại bờ sông chờ đợi.

Nói xong nàng quay người đi ra luôn đạo sĩ vội đuổi theo nói:

- Để bần đạo tiễn công tử.

Vừa ra đến cửa miếu thì Tố Lan bỗng quay người lại giơ tay ra chộp lấy cổ tay đạo sĩ ấy và hỏi:

- Vừa rồi mỗ ở ngoài miếu xem xét, nhận thấy bên ngoài phải trồng một ít cây cối cho ngôi miếu được thêm vẻ trang nghiêm, lại đây để mỗ chỉ điểm cho nơi nào phải trồng cây gì.

Nói xong, nàng kéo tay đạo sĩ đi luôn.

Đạo sĩ đó thấy tay của nàng rất mềm mại liền nghĩ thầm: "Con quan có khác, tay gì mà mềm mại như đàn bà vậy." Y vừa nghĩ vừa theo Tố Lan đi luôn.

Tố Lan chỉ trỏ khắp nơi, đạo sĩ vâng vâng dạ dạ luôn mồm nhưng thật ra y sợ quan trên nên miễn cưỡng vâng lời như vậy thôi.

Hai người đi được mấy chục trượng thì đạo sĩ thấy năm ngón tay của Tố Lan bóp chặt lấy năm ngón tay của mình và cảm thấy mình mẩy tay chân tê tái.

Lúc này y mới biết gặp phải sát tinh nên y hoảng sợ đến mất cả hồn vía, định lên tiếng kêu la thì Tố Lan đã ra tay điểm vào huyệt câm làm cho y không sao kêu lên được nửa tiếng.

Y thấy hai mắt của Tố Lan lộ vẻ sát khí và tay phải của nàng thò vào trong túi móc một thanh tiểu kiếm xanh biếc dài chừng ba tấc ra, dí mũi kiếm vào yết hầu của y và khẽ quát bảo:

- Ngươi tụ họp phỉ đồ ở trong điện, có phải định mưu mô đi ăn cướp và giết chóc không, nói mau! Nói xong, nàng giải huyệt câm cho đạo sĩ và tay trái nhấn thêm năm thành kình lực, đạo sĩ bị đau đớn toát mồ hôi lạnh ra, ấp úng nói:

- Lúc canh ba...!Tam Nguyên Bang bang chủ tới đây...!bàn tán...!anh em của giang hán mười tám trại...!ngoài chín trại đều ở trong điện chờ đợi.

Tố Lan nghe tới đó đã lẹ tay đâm luôn thanh kiếm vào cổ tên đạo nhân, đối phương chưa kêu được nửa tiếng đã ngã lăn ra chết rồi.

Và chỉ trong thoáng cái xác của đạo sĩ đó đã thu nhỏ lại rồi hóa thành một đống nước vàng tanh hôi, trông không còn thấy thân hình của y đâu nữa.

Tố Lan liền thâu kiếm vào bao, nhảy tới cạnh vách tường, móc túi lấy mười mấy viên đạn ra, ném từng viên đạn vào trong miếu.

Tiếp theo đó nàng đi vòng ra ngoài miếu vừa đi vừa nghe tiếng người té xuống đất ở trong miếu vọng ra.

Nàng liền mỉm cười rồi ném một viên lên trên không.

Trên trời bỗng có một sao bạc có những tia sáng lóa ra và sa xuống nhanh như điện chớp, chỉ thoáng cái đã tắt ngóm liền.

Bốn cái bóng đen ở tứ phía chạy lại gặp Tố Lan, rồi Mai Nhi lên tiếng hỏi:

- Cô nương, đã đến lúc ra tay chưa? Các chòi canh ngầm ở ngoài miếu đã bị chúng em diệt trừ rồi.

Tố Lan liền đáp:

- Được rồi, chúng ta đi thôi Năm cái bóng người liền tung mình nhảy lên trên ngọn cây rồi truyền sang mái hiên ở trên lầu, nằm phục xuống đấy.

Tố Lan liền đu người xuống ngó nhìn vào bên trong.

Lúc ấy đang là mùa hè nóng nực, các cửa sổ đều mở toang, trong lầu có mấy chục phỉ đồ của Tam Nguyên Bang đang ngồi nhậu nhẹt nhưng thức ăn và rượu bày la liệt mà không ai dám động đũa cứ ngồi yên như phỗng đá vậy.

Bỗng có một đại hán thô lỗ vạm vỡ lên tiếng hỏi:

- Canh ba sắp tới, chắc Bang chủ gần đến, sao Ngộ Quang đạo trưởng đi lâu như thế mà không quay trở lên? Tố Lan lẹ làng tuột xuống bên dưới không có một chút tiếng động.

Nàng rón rén leo tới cạnh cửa sổ, móc túi lấy một con hạc bằng đồng ra, đưa mỏ hạc vào phía cửa sổ cúi đầu xuống ngậm đuôi con hạc khẽ thổi mấy hơi, mỏ hạc liền có mấy luồng khói vô hình vô sắc bay vào trong lầu.

Giây phút sau, đột nhiên có người hắt hơi và nói:

- Cái gì...

Y chưa nói được nửa lời thì đã lăn xuống ván lầu, tiếp theo đó mấy chục phỉ đồ đều lần lượt té lăn xuống hết.

Tố Lan thấy vậy cười khì, vỗ tay ra hiệu, bốn tỳ nữ ở trên mái hiên đều leo cả xuống.

Mai Nhi ngó vào trong lầu thấy tình hình như vậy khẽ cười và nói:

- Cô nương cũng sử dụng những ám khí ngư môn như vậy sao? Tố Lan cười nhạt đáp:

- Đối phó với bọn người này, việc gì phải chia hạ ngư môn với thượng ngư môn cho mất công.

Năm thiếu nữ liền vào cả trong lầu và cùng rút kiếm nhỏ có chất độc ra đâm vào những tên phỉ đồ nằm ngổn ngang ở trên mặt sàn.

Chỉ trong thoáng chốc, mấy chục tên phỉ đồ đã mất tích hết.

Trên mặt sàn lầu chỉ còn lại mấy chục đống nước tanh hôi mà thôi.

Tố Lan liền vứt một lá cờ tam giác nhỏ bằng lụa đen trên có thêu một con bạch phượng xuống sàn lầu rồi quát bảo:

- Đi thôi! Năm thiếu nữ nhanh như điện chớp xuyên ra ngoài lầu rồi tung mình lên trên cao, vượt qua bờ tường, ra khỏi ngôi miếu Lã Tổ...

Hách Tố Lan các người đi được một lúc, Khương Huân Tổ cùng hai người của Tam Nguyên Bang cũng vừa về tới miếu này.

Ba người vừa bước chân vào trong miếu đã thấy tình hình khác lạ, trong bụi cỏ hoang đầy những xác chết.

Huân Tổ tức giận vô cùng, liền quát lớn:

- Nguy tai, chúng ta lên lầu xem sao.

Ba người vừa lên tới trên lầu, Huân Tổ đã thét lớn như tiếng sấm động:

- Tiện tỳ ác độc thật, lão phu thề không đội trời chung với nó.

Y vừa mắng chửi vừa giậm chân lên ván lầu kêu ầm ầm.

Một người khác bỗng hỏi:

- Khương bang chủ, có chắc là Hách Tố Lan hạ độc thủ không? Khương Huân Tổ giận dữ đáp:

- Không phải nó thì còn ai nữa.

Một lát sau, Huân Tổ lại thở dài một tiếng và nói:

- Trong rừng trúc ở bên bờ sông, chúng ta đã phát hiện quần áo và di vật của La Thái ba người và không thấy xác của họ đâu hết.

Tình hình đó chẳng khác gì ở trên lầu này vậy.

Chắc hai báu vật Quảng Thành đã lọt vào tay tiện tỳ rồi.

Ngày nào còn không diệt trừ được con tiện tỳ ấy Khương mỗ còn ăn ngủ không ngon.

Ngày hôm sau, khi sương mù tan rã, mặt trời mọc lên cao ở Hán Giang, người ta đồn ầm lên là ở cạnh lầu chuông báo động trong miếu Lã Tổ và trước mộ Siêu Vinh thái tử có rất nhiều thủ hạ của Tam Nguyên Bang và Hắc Kỳ Hội bị giết nhưng không còn lại một cái xác nào hết, chỉ thấy những quần áo và nước vàng tanh hôi mà thôi.

Tin tức đó đồn đi rất nhanh, hai ba ngày sau đã truyền đi khắp đại giang nam bắc, ai ai cũng hay biết..

Truyện Chữ Hay