Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
An_dịch_và_viết
Diên_Hi_Công_Lược
ĐÊM THỨ BA MƯƠI: LỆNH Ý HOÀNG QUÝ PHI NGỤY GIAI THỊ - HOA TRONG GƯƠNG, TRĂNG DƯỚI NƯỚC.
Lệnh phi Ngụy Giai thị là Hoàng quý phi của hoàng đế Càn Long và là mẹ ruột của hoàng đế Gia Khánh - tức Ái Tân Giác La Ngung Diễm, sau khi qua đời được truy phong làm hoàng hậu Hiếu Nghi Thuần Ngụy Giai thị. Bà là phi tần rất được Càn Long sủng ái, đồng thời cũng là vị phi tử sinh hạ nhiều hoàng tử và hoàng nữ nhất cho Càn Long, song có bao giờ bạn thắc mắc rằng, nếu Càn Long yêu thương nhất là Ngụy Giai thị, bà lại sinh ra Thái tử, vậy tại sao lúc Càn Long còn sống không phong cho bà làm Hoàng hậu mà lại dừng ở mức Hoàng quý phi, dù rằng Hoàng quý phi chỉ dưới Hoàng hậu một bậc?
Ngụy thị xuất thân từ tầng lớp bao y cấp thấp. Chúng ta khái quát một chút về hai chữ "bao y" này, thực ra vào thời Thanh, có một tầng lớp chuyên hầu hạ hoàng thất do phủ Nội Vụ trực tiếp quản lý, nhà họ Ngụy của bà thuộc tầng lớp bao y Chính Hoàng Kỳ. Vốn bà chỉ được gọi là Ngụy thị song do bởi sau khi lên ngôi, Gia Khánh xót mẹ nên đã đưa dòng họ bà vào Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, do thế nên Ngụy thị mới được gọi là Ngụy Giai thị. Năm Ung Chính thứ năm (), Ung Chính đích thân chỉ hôn cho Càn Long và Phú Sát thị, đây cũng là năm Ngụy Giai thị ra đời. Năm Càn Long thứ mười (), Càn Long sắc phong Ngụy Giai thị làm Ngụy quý nhân và cùng năm đó tấn phong lên làm Lệnh tần. Năm Càn Long thứ mười ba () thì từ Lệnh tần được tấn phong thành Lệnh phi.
Bà sinh hạ bốn trai hai gái, năm Càn Long thứ hai mươi mốt, bà sinh hạ hoàng nữ thứ bảy tức công chúa Cố Luân Hòa Tĩnh, năm thứ hai mươi hai thì sinh hạ hoàng tử thứ mười bốn Vĩnh Lộ, năm thứ hai mươi ba thì sinh hạ hoàng nữ thứ chín tức công chúa Hòa Thạc Hòa Khác, năm thứ hai mươi lăm thì sinh hạ hoàng tử thứ mười lăm Vĩnh Diễm tức hoàng đế Gia Khánh sau này, năm thứ hai mươi bảy sinh hạ hoàng tử thứ mười sáu và năm ba mươi mốt thì sinh hạ hoàng tử thứ mười bảy Vĩnh Lân. Thế là trong vòng mười năm, bà sinh liên tiếp sáu người con. Có rất nhiều người lấy điều này ra để chứng minh rằng Càn Long yêu nhất là bà, thậm chí là tri kỷ. Song thực ra, chữ tình đối với Càn Long rất hời hợt chứ đừng nói đến "chân ái", thiết nghĩ chỉ dùng mỗi "sủng ái" thôi sẽ miễn cưỡng hợp hơn. Còn tại sao mình lại dùng hai chữ "miễn cưỡng" thì các bạn đọc tiếp sẽ mường tượng được đại khái, và tất nhiên, đây là quan điểm của mình dựa theo những gì được đọc về chính sử.
Giờ Sửu mùng Sáu tháng Mười năm Càn Long thứ hai mươi lăm, tức ba giờ sáng ngày tháng năm , hoàng tử thứ mười lăm ra đời. Thế nhưng lúc này đây Càn Long đế vẫn còn đang đi săn! Đến tận mùng Chín ngài vẫn còn... "bận" săn! Đối với sự ra đời của đứa trẻ này, ngài chỉ giản đơn hỏi thăm mấy câu, sau đó phất tay ý bảo cho lui, vài hôm sau mới ban tên là Vĩnh Diễm. Các bạn có thể thử tưởng tượng một người phụ nữ mang nặng đẻ đau song cha của đứa bé lại không sốt sắng thiết tha, đó là cảm giác gì? Nếu nói đó là biểu hiện của tình yêu thì tình yêu này của Càn Long cũng quá ư... đặc biệt. Phụ nữ sinh con chẳng khác nào đi dạo một vòng quỷ môn quan, thân là người cha ít ra cũng nên tỏ ra quan tâm một chút, như thế này khác nào "trẫm muốn đi săn, không rảnh, đợi trẫm rảnh rồi trẫm sẽ đặt tên sau".
Sống thì đã vậy, còn chết thì như nào? Thuận Trị truy phong con trai của Đổng Ngạc phi là Thân vương, Ung Chính tổ chức tang nghi cho Hoàng bát tử theo cấp bậc Thân vương, Càn Long cũng truy phong con trai Vĩnh Liễn do hoàng hậu Phú Sát thị sinh hạ làm Thái tử, song hoàng tử thứ mười bốn Vĩnh Lộ và hoàng tử thứ mười sáu do Lệnh phi sinh ra cũng chết yểu nhưng tang sự của cả hai hoàng tử đều khá tùy ý, cũng không truy phong bất kỳ phong hào hay tước vị nào. Chưa kể, lúc Lệnh phi hạ sinh hoàng tử Vĩnh Lân, Khiếu Đình Tạp Lục đã ghi chép lại rằng "thuần hoàng đế thâm ác chi", ý chỉ Càn Long không phải chỉ ghét vừa mà là rất ghét!
Lại so sánh một chút sự ra đời của hai hoàng tử do Hoàng hậu Phú Sát thị hạ sinh. Mỗi năm cứ đến tết Nguyên Tiêu là Càn Long lại đến vườn Viên Minh đón Tết, song năm ấy (tức năm Càn Long thứ mười), khi nghe tin Phú Sát hoàng hậu mang thai hoàng tử Vĩnh Tông, ngài đã hủy bỏ ngay kế hoạch đón Tết để ở lại Tử Cấm Thành bầu bạn với mẹ con bà, sau này khi Hoàng tử qua đời, dù chưa đầy một tuổi song vẫn ban thụy hiệu và truy phong thành Thành Triết thân vương. Còn khi hoàng tử Vĩnh Liễn qua đời, không những được tổ chức tang lễ theo thân phận Hoàng thái tử và dược ban thụy hiệu đàng hoàng, mà còn được Càn Long đặc biệt ban chỉ kị húy chữ Liễn trong tên của hoàng tử. Đó là chưa kể đến việc Càn Long từ lâu đã có ý muốn lập Vĩnh Tông làm thái tử từ lúc mới sinh, đồng thời thường xuyên cầu phúc cho Hoàng hậu sớm khỏi bệnh và sinh hạ đích tử.
Nhưng thế vẫn chưa là gì, vào ngày đông chí năm Càn Long thứ ba mươi tám, lúc đến Thiên Đàn tế bái, những lời mà Càn Long nói cũng khiến kẻ khác phải thương tâm thay cho Vĩnh Diễm, ngài nói rằng nếu Vĩnh Diễm có thể làm một Hoàng đế tốt thì hãy phù hộ cho hắn, còn nếu không thì hãy để hắn đoản mệnh chết đi! Vận mệnh quốc gia là quan trọng, ngôi vị hoàng đế quan trọng, nhưng nếu tới mức thế thì...
Sau Kế hoàng hậu, Càn Long không lập thêm hậu nữa, chỉ phong bà làm Lệnh Hoàng quý phi và giao cho trọng trách quản lý hậu cung. Vào thời Thanh, những cung quyến (nôm na là các phi tần, hoàng tử, hoàng nữ,...) trước khi chết đều được đưa từ Đại Nội đến Cát An Sở, các phi tần và hoàng tử được sủng ái thì không được xếp vào nhóm này. Đổng Ngạc phi qua đời tại cung Thừa Càn, hoàng hậu Hiếu Ý cũng ở cung Thừa Càn, hoàng tử Vĩnh Liễn thì tại cung Vĩnh Thọ. Còn Lệnh phi khi chết thì lại ở Cát An Sở. Nguyên cả tang ma của Hoàng quý phi đều do hoàng tử Vĩnh Diễm đứng ra cử hành là chính, còn Càn Long thì nghỉ thiết triều năm ngày, Hoàng quý phi hưởng dương tuổi. Năm Càn Long thứ sáu mươi, hoàng tử Vĩnh Diễm trở thành thái tử, rốt cuộc Lệnh phi mới được truy phong làm Hiếu Nghi hoàng hậu. Tuy nhiên, dù đã trở thành hoàng hậu nhưng thần bài của bà vẫn không được đặt ở Thái miếu mà chỉ được để ở điện Phụng Tiên, mãi đến khi vua Càn Long qua đời, Gia Khánh mới đưa được thần bài của bà tới Thái miếu.
Lệnh Ý hoàng quý phi là người thứ năm và cũng là người cuối cùng được hợp táng cùng Càn Long, quan tài của bà được đặt bên phải quan tài của Càn Long. Vua Càn Long còn ra lệnh tăng lượng văn vật bồi táng thêm mười tám món so với đãi ngộ thông thường cho cấp bậc Hoàng quý phi, tổng cộng tới bảy mươi sáu món, chỉ kém Hoàng hậu một món. Thế nhân thường cảm thán rằng đây quả là ân sủng, song nếu nhìn ở một góc độ khác thì việc này cũng rất đỗi bình thường bởi dù sao thì khi còn sống bà cũng là Hoàng quý phi, có công quản lý hậu cung, lại có công sinh hạ trữ quân, được những ưu ái này cũng là xứng đáng.
Những gì được kể ở trên chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời bà. Thân là phụ nữ ở chế độ phong kiến, đặc biệt là phi tử hoàng gia, mọi vinh sủng đều phụ thuộc vào thái độ của hoàng đế. Vẫn câu nói cũ, câu nói này mình cũng đã đề cập biết bao lần trong series này: đúng sai ấm lạnh chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Là yêu thật, yêu giả, thương thật hay thương giả đều là lớp sương mờ, hậu nhân chúng ta chỉ có thể đứng từ xa ngoái đầu nhìn lại. Song riêng cá nhân mình thì cảm thấy thương thay cho một trang quốc sắc thiên hương.