Trở Lại Tìm Nhau (One Day, Perhaps)

Chương 20: Jimmy

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Người không còn là bạn ngươi thì chưa từng là bạn ngươi.

ARISTOTE 1

Mười lăm năm trước

Tôi tên là Jimmy Cavaletti, tôi 23 tuổi.

Tháng Mười năm 1992 này, tôi đi trên vỉa hè Quảng trường Thời đại, giữa những tiếng kêu, tiếng nhạc và mùi bánh kẹp xúc xích. Bên cạnh tôi là Marisa, vợ chưa cưới của Ethan, cậu bạn thân nhất của tôi, cậu đang đi sau chúng tôi vài mét. Tối nay là sinh nhật cậu ấy. Marisa muốn dành cho cậu ấy điều bất ngờ. Cô đến tìm chúng tôi khi hết giờ làm việc và chúng tôi đi từ Boston lên đây trên chiếc xe Mustang xập xệ của chúng tôi đã được cải tiến theo sở thích.

Trước đó, lúc chiều, tôi đã đặt bàn ở Roastbees để chắc chắn có chỗ mà nhâm nhi món ăn cả bọn đều thích: bánh hamburger kẹp dứa và thịt mỡ muối giòn tan.

Tôi quay lại phía cậu bạn:

- Này! Ethan! Nhanh chân lên chứ!

Cậu ấy ra hiệu bảo tôi đừng lo. Người đông nghìn nghịt, chúng tôi bị ép như ép giò, khó mà chui ra được. Trên vỉa hè đầy người làm trò, cứ như gánh xiếc di động vậy: nhà ảo thuật làm biến mất mấy con thỏ, người lùn trưng một con trăn sống dài tới mét rưỡi, cô gái múa thoát y thì trưng bày thứ khác. Ông già bán bánh kẹp xúc xích vừa bật chiếc đài đang phát một bài hát nổi tiếng của Elvis: Now or Never.

Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ.

Tôi chẳng biết mua quà gì cho cậu ấy. Nếu là sinh nhật tôi thì tôi thích được tặng album mới nhất của nhóm nhạc rock Red Hot Chili Peper, nhưng tôi không nghĩ Ethan thực sự sẽ thích thứ đó. Ngược lại, tôi biết có thứ sẽ làm cậu ấy thích: phiếu đặt mua Thời báo New York. Tôi đã hỏi giá rồi, nhưng đắt quá. Vậy là cuối cùng tôi chọn mua một cuốn sách về các tổng thống Hoa Kỳ trong các hiệu sách.

Phải nói là Ethan lúc nào cũng đọc. Ngoài công trường, lũ bạn giễu cậu ấy là "nhà trí thức", nhưng họ rất hài lòng khi cậu ấy thương lượng được với đốc công cho chúng tôi nghỉ giữa giờ và nhiều tiền thưởng hơn. Tôi thấy cậu ấy rất khôn ngoan. Cậu ấy thấy được những điều mà người khác không thấy. cậu ấy đọc nhiều vì cậu ấy khôn ngoan và cậu ấy khôn ngoan vì đọc nhiều. Điều khiến tôi thích nhất là cậu ấy sử dụng những gì đọc được trong sách một cách cụ thể. Ví dụ như để thắng bài poker chẳng hạn. Các cuốn sách về poker đầy những công thức toán khó hiểu. Tôi tin là rất nhiều người mua những cuốn sách đó, nhưng chẳng mấy người đọc được và càng ít người thực sự hiểu chúng. Ethan thì hiểu hết và điều đó khiến chúng tôi kiếm được khá nhiều tiền khi chúng tôi đánh bài cùng nhau, vào tối thứ Bảy, ở gian sau của vài nhà hàng. Nhờ vậy mà chúng tôi mua được chiếc Mustang và mua được vé để cứ hai tuần một lần đi xem đội bóng chày Red Sox chơi.

Thường ngày nghỉ cuối tuần, cậu ấy theo tôi ra sân vận động. Bọn tôi đi uống bia với lũ bạn thân, ăn pizza, rồi lang thang một lúc ở chợ Quincy. Tôi biết cậu ấy thích ngồi đọc sách trong thư viện thành phố cả buổi chiều hơn, nhưng cậu ấy vẫn đi cùng tôi cho tôi vui. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi cũng giả vờ muốn ra thư viện để cho cậu ấy vuil. Cậu ấy biết là tôi giả vờ, và tôi biết rằng cậu ấy biết là tôi biết. Dù nghe có vẻ hơi phức tạp, nhưng xét cho cùng lại rất đơn giản, vì đó là tình bạn.

Marisa và Ethan đẹp đôi lắm. Marisa từng là "quả bom tấn" ở trường trung học của chúng tôi ngày xưa. Trước đây, cô ấy đi lại với Steve Marino, ngôi sao của đội bóng. Rồi năm cuối cấp, Ethan đi chơi được với cô ấy. Mặc dù cậu ấy thấp hơn, không đẹp trai bằng và cũng không vạm vỡ bằng Steve. Nhưng, như cậu ấy nói hôm đã bảo tôi: "Đó là bằng chứng cho thấy đôi khi trí thông minh đánh bại sức mạnh". Marisa là một cô gái rất ngộ. Cô ấy cũng thông minh, nhưng không giống kiểu của Ethan. Đó là trí thông minh thực dụng, tài tháo vát trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi cô ấy tỏ ra rất khắc nghiệt và trơ trẽn, nhưng cô ấy rất tài xoay xở. Có hôm, tôi tình cờ nghe được cô ấy nói chuyện với bạn gái, cô ấy bảo quan hệ với Ethan là "đánh cược cho tương lai". Ngay lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả.

Ngày dần tàn. Đến chỗ đèn giao thông phố 50, tôi cùng Marisa dừng lại chờ một dòng xe chạy qua. Chúng tôi cùng quay lại xem Ethan đâu. Rồi chúng tôi đứng đó chờ suốt nhiều phút liền, giữa những ánh đèn nê ông, những bảng hiệu sáng đèn, những cảnh tắc nghẽn giao thông và tiếng còi xe cảnh sát.

Chúng tôi cứ đứng đó cho đến khi nhận ra điều hiển nhiên: Ethan đã biến mất.

o O o

Manhattan

Tháng Mười năm 1992

6 giờ sáng

Tôi đã tìm cậu ấy suốt đêm: ở quán ăn, trong các cửa hàng và quán bar chúng tôi thường đến. Tôi gọi về nhà bố mẹ tôi hỏi em cậu ấy có để lại lời nhắn gì không. Thậm chí tôi còn đến đồn cảnh sát, nhưng họ có nhiều việc khác để lo hơn là tìm Ethan. Marisa ở lại cạnh chiếc Mustang. Nếu Ethan chỉ bị lạc thì cuối cùng cậu ấy sẽ đến bãi nơi chúng tôi đỗ xe. Chúng tôi đợi cho đến khi mặt trời lên. Cuối cùng, chúng tôi rời New York vào lúc sáng sớm, khi ánh bình minh hồng nhạt ló rạng trên Manhattan.

Trên xe, trên đường về, thái độ của Marisa rất lạ. Trong khi tôi lo đến xé lòng thì cô ấy lại tỏ ra nhẫn nhịn hơn là đau khổ. Cô ấy có vẻ chấp nhận việc chồng chưa cưới mất tích như là định mệnh. Về phần tôi, tôi hình dung ra những tình huống tồi tệ nhất: tai nạn, tấn công, bắt cóc...

- Anh phải hiểu điều này, cuối cùng cô ấy nói với tôi.

- Cái gì cơ?

- Người bạn thân nhất của anh có lẽ không phải là người như anh nghĩ đâu.

- Em nói thế nghĩa là sao?

- Anh không hiểu là anh ấy bỏ trốn rồi à? Anh không hiểu là anh ấy không thể sống như thế này được nữa à? Anh không hiểu là anh ấy chẳng muốn đi lại với anh và em nữa à?

- Em nói lung tung gì thế hả?

- Mình sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy nữa đâu, Jimmy ạ. Em thề đấy.

- Làm sao em có thể thề về người em sắp lấy làm chồng hả?

Cô ấy định trả lời tôi, song bỗng dưng lớp vỏ bề ngoài của cô vỡ ra. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô khóc. Một lúc sau, cô ấy rút khăn mùi soa trong túi ra, hít mạnh rồi thú nhận với tôi:

- Em đã thấy cảnh này nhiều lần trong ác mộng rồi. Em vẫn biết là có ngày Ethan sẽ ra đi. Em chỉ hy vọng điều đó diễn ra muộn hơn thôi....

- Chúng tôi chẳng nói với nhau lời nào trong suốt chuyến đi. Chỉ trước khi vền đến Boston, tôi mới hỏi cô ấy:

- Này, thực ra điều bất ngờ em định dành cho cậu ấy là gì vậy?

- Cái gì cơ?

- Em định thông báo với cậu ấy điều gì vào lúc tráng miệng?

Cô ấy quay đầu đi. Tia nắng vàng cam làm mặt cô bừng lên như bức tranh khắc. Cô ấy im lặng một lúc rồi mới trả lời:

- Em định bảo là em có mang.

o O o

Tháng Mười một năm 1992 - Tháng Tư năm 1993

Trong những tuần lễ sau đó, tôi còn trở lại New York nhiều lần. Tôi tự mình tìm cậu ấy hỏi tất cả những người có thể đã gặp Ethan - nhân viên nhà ga, hỏi tất cả những người có thể đã gặp Ethan - nhân viên nhà ga, tài xế xe buýt, cảnh sát - đảo qua tất cả các bệnh viện, đồn cảnh sát, nhà xác, những ngôi nhà vắng chủ nơi người vô gia cưc hiếm giữ, các trạm xuawng.

Tôi không chịu tin điều Marisa nói. Ethan không đời nào đi mà không nói cho tôi biết, không để lại cho tôi lời nhắn nào, không báo tin gì cho tôi. Sáu năm trước, khi bố mẹ cậu ấy mất - hai người mất cách nhau chỉ có vài tháng - cậu ấy đã đến ở nhà tôi và tôi coi cậu ấy cũng như anh em trong nhà.

Đương nhiên, nhiều khi tôi cũng tự nhủ là cậu ấy đang bỏ phí thời gian với chúng tôi, thật tiếc là cậu ấy phải bỏ học và không vào đại học được. Tuy nhiên, do ích kỷ nên tôi rất hài lòng vì nhờ thế mà được gặp cậu ấy hàng ngày. Đúng là cậu ấy rất kín tiếng. Đôi khi suốt nửa giờ liền, cậu ấy để đầu óc vẩn vơ tận đâu đâu ấy, mắt thì nhìn mông lung. Những lúc ấy cậu ấy đang ở đâu nhỉ? Cùng ai?

Vài tuần sau, tôi mở thư từ ngân hàng gửi về nhà cho cậu ấy và ngạc nhiên nhận ra cậu ấy có khá nhiều tiền trong tài khoản: gần 30 000 đôla. Chắc là tiền thắng các ván poker cậu ấy chơi một mình. Tôi xem bảng sao kê các khoản chi tiêu của cậu ấy: có những khoản mua bán ở Philadelphia, ở Washington, rồi sau đó là ở Chicago. Tiếc là tài khoản đã bị đóng ít ngày sau Noel.

Cuối cùng, mùa xuân năm 1993, tôi tìm thấy đấu vết cậu ấy, nhờ điều tra ở trường trung học của chúng tôi ngày xưa. Trường đại học ở Seattle đã đề nghị chuyển hồ sơ của cậu ấy để đăng ký nhập học.

Không nói gì với bố mẹ tôi và Marisa, tôi rút tiền trong sổ tiết kiệm dành để mua nhà rồi mua vé máy bay đi Seattle. Tôi đến trường đại học đó, hòa mình vào đám sinh viên. Thời ấy, mốt ăn mặc bụi như những ca sĩ nhạc rock đang rất thịnh hành và chẳng cần phải chải chuốt bảnh chọe để ra vẻ ta đây.

Tôi thấy cậu ấy trong vườn trường, đanh tranh luận với các sinh viên khác trên bãi cỏ xanh rờn. Tôi nghĩ cậu ấy nhìn thấy tôi từ xa vì cậu ấy ngay lập tức đi về phía tôi, trước khi tôi kịp đi đến chỗ nhóm cậu ấy đang ngồi.

- Cậu làm cái quái gì ở đây hả Jimmy?

Cậu ấy không còn là Ethan tôi từng biết nữa. Cậu ấy gầy đi, tóc cắt ngắn và mặc áo vét, áo sơ mi và quần âu chứ không phải quần jean.

- Cậu có chuyện gì vậy?

- Cậu không hiểu được đâu, cậu ấy lắc đầu trả lời.

- Nhưng ít ra cậu cũng phải giải thích cho tớ chứ!

- Cậu muốn tớ giải thích cái gì chứ, mẹ khỉ! Ở đó tớ thấy ngạt thở! Ngạt thở vì phải u mê đần độn trên công trường với những kẻ cả đời chẳng bao giờ đọc sách, những kẻ chẳng quan tâm đến điều gì, chẳng có chút văn hóa nào. Tớ luôn muốn chết vì không thấy tương lai, không có dự định, không còn mơ ước gì nữa!

- Thực ra thì cậu...

- Tỉnh dậy đi Jimmy, hãy làm cho đời cậu có ý nghĩa. Đừng có tốt quá với mọi người. Hãy nghĩ đến bản thân cậu trước khi nghĩ đến người khác.

Cậu ấy chẳng hề hỏi thăm tin tức của Marisa và bố mẹ tôi. Cậu ấy đã hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với chúng tôi và với tất cả những gì từng là cuộc sống của cậu ấy.

Trước khi quay gót, cậu ấy còn hỏi tôi:

- Cậu thử nói cho tớ nghe một lý do chính đáng để quay lại xem nào.

Tôi mở miệng và định trả lời cậu ấy: Marisa có mang. Cậu sẽ có một cô con gái, tuần sau con bé sẽ chào đời. Có lẽ cậu ấy sẽ quay lại thật, mà cũng có thể là không.

Cuối cùng tôi quyết định làm điều cậu ấy đã khuyên tôi: tôi nghĩ đến bản thân trước khi nghĩ đến cậu ấy.

Rồi tôi nghĩ đến Marisa, người tôi vẫn thầm yêu trộm nhớ.

Tôi chẳng nói gì và bỏ đi.

Trên chuyến máy bay đưa tôi về Boston, tôi bắt đầu nghĩ đến những cái tên đặt cho con bé.

Những cái tên cho con gái tôi.

Chú thích

1. Aristote (384-322 trước Công nguyên), triết gia Hy Lạp.

Truyện Chữ Hay