Biên tập: Ney
Triệu công tử đi công tác. Gã bảo trưa ngày mai gã mới về, tôi đã tin.
Dẫu sao sáng nay gã cũng mới khởi hành. Trợ lý của gã nay đã là giám đốc cũng xác nhận là có vụ công tác này thật.
Vì vậy, tôi không biết tại sao sẩm tối hôm nay gã lại chạy từ một thành phố khác về.
Hay là gã đập bể chuyện đàm phán làm ăn rồi? Nhưng chuyện còn đáng sợ hơn đập bể chuyện làm ăn, là gã đập bể đầu người ta chỉ vì lý do ta không thể nào đoán trước.
Gã từng đập thầy dạy piano của tôi rồi, lúc ấy tôi đã sợ một ngày nào đó gã sẽ đập tôi, biết đâu được đấy.
Đừng, ⅛ con mèo của tôi.
Dĩ nhiên, còn một chuyện khác quan trọng hơn ⅛ con mèo, đó là lúc gã mở cửa thì tôi đang đứng ở huyền quan đánh giày.
Khoảnh khắc mắt chúng tôi chạm nhau cũng hơi lúng túng, mà chủ yếu là tôi lúng túng. Nói ra thật xấu hổ, tôi có một số thói quen xấu, ví dụ như tôi không thích làm việc nhà nên toàn lấy đủ các loại lý do để thoái thác, nhờ Triệu công tử làm. Có lẽ là tôi bảo tôi dị ứng với xi đánh giày, cũng giống như gã nói với tôi trưa mai gã mới về vậy, và cũng giống như tôi đã quên nói với gã là sáng mai tôi phải đến chỗ Kim Tiên Nhi thăm con Hamm luôn.
Giữa tôi và Triệu công tử là ngập tràn lời nói dối.
Gã lạnh lùng hỏi: “Em đang làm gì đấy?”
Tôi đáp: “Giày đổ, em dựng lại.”
Gã lạnh lùng hỏi tiếp: “Thế sao tay em lại cầm xi đánh giày?”
Tôi đáp: “Xi giày cũng rơi, anh biết là em làm việc nhà đoảng mà.”
Gã bảo: “Thế thì đừng làm.”
Nói đoạn, gã cởi áo khoác ra đưa tôi đi treo.
Tôi treo xong áo khoác cho gã, quay lại phòng khách thấy gã đứng ở huyền quan đánh giày.
Gần đây gã có gì đó là lạ. Vì trước kia gã chỉ có nhân lúc tôi ngủ mới làm việc nhà, lúc tôi tỉnh thì gã toàn mắng tôi vô dụng.
Tôi hỏi: “Sao anh về sớm thế? Không phải anh bảo mai mới về à?”
Triệu công tử cau mày: “Nhà ông ông muốn về lúc nào chả được!”
Cục tức của gã lớn quá.
Tôi nói: “Em quan tâm anh thôi.”
Triệu công tử liếc nhìn tôi, cụp mắt tiếp tục đánh giày, chà qua chà lại rốt cuộc không giả vờ được nữa, vứt phịch xi giày, mắng tôi: “Mẹ sư em không lên phố tìm người đánh giày được à?! Ông có keo kẹt với em lắm hả?! Kể ra còn tưởng là ông không nuôi nổi người! Ông không biết sĩ diện hay sao?! Nửa đêm canh ba đánh giày ngày mai định giấu ông đi gặp ai hả?!”
Gã hỏi hơi nhiều, xem ra vừa rồi im lặng chỉ là để nghĩ xem hỏi cái nào trước mà thôi.
Gã mắng tôi: “Một trăm đồng đại dương hôm qua ông cho em đâu?”
Tôi bình tĩnh trả lời gã: “Em không đánh giày, em dị ứng xi giày mà, em chẳng qua chỉ dựng cái giày một chút thôi.”
Gã giơ một chiếc giày lên mắng tôi: “Giày của ông em cũng đánh đây! Giày ông mới mua được một tháng bị em đánh đến như mua hai năm! Mẹ sư đến cái giày cũng không biết đánh, có em để làm gì không biết! Không biết đánh thì đừng đánh, ra đường mà tìm người đánh!”
Tôi nói: “Mai em định đi thăm Hamm.”
Gã đập giày: “Đi thì đừng có mà về nữa!”
Theo logic, tôi nghi ngờ gã đã gây họa gì đó ở ngoài, nên giờ mới vừa ăn cướp còn vừa la làng.
Tôi nói: “Tiền hôm qua anh cho em đã đóng tiền thuê nhà, tiền điện nước, còn đặt cọc đôi giày anh muốn mua kia nữa.”
Là đôi giày rất xấu xí nọ.
Tôi sẽ không bỏ tiền mua cho gã đâu, nhưng một trăm đồng đại dương đó là tiền của gã, vậy thì cứ xài thả ga là được. Tựu chung không phải tiêu tiền của tôi, vì tôi sẽ không bỏ tiền mua cho gã đôi giày xấu xí như thế đâu, tôi hết sức kiên định, còn lạnh lùng, vả lại còn vô tình nữa cơ.
Triệu công tử lạnh lùng nhìn tôi một hồi, có lẽ nể tình tôi mua giày da cho gã, lửa giận nhỏ đi nhiều, gã răn dạy tôi: “Đúng rồi đấy, đáng mua thì mua, cũng có phải ông không đủ tiền cho tiêu đâu.”
Mua mua mua, mua mua mua, cứ mua như gã thì có ngày bị tôi đem đi bán mất.
Gã quẳng xi giày xuống, đứng dậy đi rửa tay thật cẩn thận xong, gọi tôi: “Lấy kem tay cho anh.”
Khó tưởng tượng được nếu không có tôi, Triệu tứ gia và dì Mười Ba đi đâu để tìm một cô bảo mẫu phục vụ / tính tình hiền hòa như tôi cho gã nữa.
Tôi nặn kem tay mà Triệu công tử lấy từ chỗ dì Mười Ba về xoa cho gã, gã còn chưa thỏa mãn, trách tôi: “Qua quýt cho xong việc à!”
Tôi không còn cách nào khác đành phải xoa tỉ mỉ cho gã.
Xoa rồi xoa, gã nói: “Anh chưa ăn cơm.”
Nhưng tôi quan tâm chuyện khác hơn: “Chuyện làm ăn sao rồi?”
Gã lạnh lùng nói: “Em muốn bỏ đói anh đến chết phải không, có chết ông cũng phải kéo em chết cùng.”
Gã gây sự đúng là vô lý hết sức.
Tôi nhớ lại nghệ thuật nói chuyện Kim Tiên Nhi đã dạy tôi, bèn đổi sang hỏi: “Sao anh về sớm lại còn chưa lo ăn tối nữa?”
Vẻ mặt Triệu công tử hơi nguôi, mắng tôi chiếu lệ: “Đều tại em lắm sẹo, suýt chút là anh quên mất chính sự, đi xem cái hộp kia đi.”
Tôi đi xem cái hộp gã để trên bàn, là một hộp bánh kem, lành lạnh, có ít hơi nước.
Gã đi sang mở hộp ra, bảo: “Chuyện làm ăn bên kia chẳng qua là cho có, chứ bàn xong từ lâu rồi, ký hợp đồng chỉ mất năm phút, mất công anh đi một chuyến. Ông chủ Tiền mời một vị đầu bếp từ nước ngoài đến, chuyên làm bánh kem lạnh. Bảo em đi cùng thì mẹ sư em không chịu xin nghỉ, sáng sớm mai đầu bếp kia phải đuổi chuyến bay về nhà rồi, không biết bao giờ mới lại đến nữa. Mẹ, em chỉ có thích ba cái đồ ngòn ngọt thời thượng này, dở hơi, ăn nhanh lên không tan.”
Tôi nghĩ nhất định Triệu công tử có một âm mưu vô cùng to lớn, tôi phải dùng vũ lực cạy miệng mới được.
Đầu tiên tôi tấn công miệng trước, sau thì tóm chặt điểm mấu chốt, sau đó bị gã mắng: “Mẹ sư em ăn bánh ngọt trước đi đã, không ăn là tan!”
Lúc như thế này tôi chỉ muốn dùng vũ lực cạy miệng thôi! Ăn cái cóc khô gì!
Từ nay chúng ta có định nghĩa mới về Hôn: “Đầu tiên tôi tấn công miệng trước, sau thì tóm chặt điểm mấu chốt” =)))).
Nhưng tôi không đánh lại được Triệu Long, chỉ có thể chịu nhục đi ăn bánh ngọt trước.
Bánh ngọt ngon thật. Tôi ăn mà mát rượi cả người, hỏi gã: “Anh có từng nghĩ xoa bánh ngọt lên…”
Gã lạnh lùng nói: “Mẹ nó em muốn giết ông thì dứt khoát vào.”
Gã đúng là chẳng biết cảm kích gì cả.
Tôi đề nghị: “Vậy hay là mình dùng sữa chua….”
Gã lạnh lùng nói: “Ăn nhanh lên chút cho xong, sắp tan rồi.”
Năm mươi năm tiếp theo, có lẽ tôi sẽ phải sống cuộc sống chiếc giếng cổ không một gợn sóng, dung nhan tiều tụy. Bởi vì tôi không có tình yêu, tôi chỉ có mỗi “khúc gỗ”.
Tôi nói: “Em không ăn nổi nữa.”
Gã mắng tôi: “Bình thường em ăn nhiều thế cơ mà!”
Tôi đề nghị gã ăn chung, gã ăn mấy miếng đã chê lạnh, không chịu ăn thêm nữa. Tôi và gã quả là khó có chung sở thích, nên tôi đành phải nói với gã là tôi giấu sô-cô-la ở đâu. Tôi chẳng muốn nợ ân tình của gã, tôi muốn thanh toán ân oán rõ ràng.
Nhưng mà gã lại mắng tôi: “Mẹ nó ai muốn ăn sô-cô-la của em! Ăn bánh đi, chảy thật đến nơi rồi đây này!”
Gã dữ dằn như vậy, tôi sợ gã đập tôi, không còn cách nào khác đành phải cố gắng ăn. Song gã này thất thường liên tục, lúc tôi ăn được một nửa rồi gã lại mắng tôi: “Không đau bụng à? Ăn rồi mắc bệnh gì lại ông phải lo!”
Gã đáng ghét dã man!!!
Gã nói: “Không ăn được nữa thì đừng ăn! Ông sắp chết đói đến nơi rồi, em muốn bỏ đói ông đúng không?! Đi nấu cơm nhanh!”
Tôi nói: “Triệu Long em buồn ngủ.”
Triệu công tử mắng tôi: “Vừa ăn xong đã ngủ, em là heo à?”
Khó mà tưởng tượng được tại sao lại có người thích gã. Ví dụ như cháu gái Tổng thống, ví dụ như con gái bạn chơi bài của dì Mười Ba, ví dụ như mấy người kia kỉa kìa kia. Mấy người đó thật sự nên nhận rõ bộ mặt thật của Triệu công tử, rồi từ đây cách gã cho xa nữa xa nữa ra.
Tôi ôm đầy một bụng phẫn nộ và bánh kem đi nấu cơm cho tên Triệu công tử đã cục súc lại còn đáng ghét.
Cơm nước xong, gã còn phải nghe radio, còn phải tắm, còn phải nói chuyện điện thoại với người ta, nửa đêm canh ba mới chịu ngủ.
Tôi sắp ngủ thật xừ rồi.
Dĩ nhiên là tôi không ngủ thật, tôi còn phải thăm dò xem gã có gây họa động trời gì không, hay là có mưu đồ gì. Để nếu thật sự như thế, thì tôi còn tính đường lo thân mình cẩn thận từ sớm chứ.
Tôi lại “dùng vũ lực tra khảo” Triệu công tử, Triệu công tử chỉ nói: “Mẹ nó, em ngậm miệng lại.”
“Mẹ nó, lúc thế này đừng có nói vớ vẩn nhiều như vậy.”
“Khâu Nhất Tâm em dở hơi à.”
“Mẹ nó hôm nay sinh nhật em mà em không nhớ à?!”
Tôi nói: “Em mai mới sinh nhật.”
Triệu công tử: “…”
Tôi nói: “Vậy mai không sinh nhật nữa.”
Triệu công tử thẹn quá hóa giận mắng tôi: “Ông không tổ chức cho em nổi hai cái sinh nhật chắc?”
Tôi đáp: “Lúc thế này cũng đừng nói nhiều như thế.”