Kể từ khi Bùi Thầm biết nhận thức thì anh đã nhớ rằng mình luôn sống với mẹ.
Bà là một người nhạy cảm, đa nghi, nóng nảy và thần kinh bất ổn, thường xuyên biến thành người phụ nữ cuồng loạn la hét chỉ vì chút chuyện vặt vãnh.
Người phụ nữ không có bạn bè, tất cả người thân cũng đoạn tuyệt không qua lại với bà, ngày qua ngày chỉ sống dựa vào chút tiền trợ cấp cộng đồng ít ỏi.
Người phụ nữ cũng định ra ngoài tìm việc, nhưng bà rất hay mất kiểm soát khi làm việc, không tạt nước trà nóng lên người thực khách thì cũng lấy trộm ví tiền và trang sức của khách, khi bị phát hiện thì lại tự nắm tóc mình rồi điên cuồng la hét kêu gào.
Chẳng có ông chủ nào lại chịu nổi loại nhân viên như vậy cả, nên người phụ nữ thường xuyên bị sa thải và đuổi về nhà.
Về đến nhà, bà lại thấy đứa con trai trầm lặng, trắng trẻo, gầy gò đang ngẩng mặt dùng ánh mắt nói với bà rằng nó đang đói.
Người phụ nữ lập tức đau lòng ôm chầm lấy đứa con trai bé bỏng rồi không ngừng hôn lên mặt con, sau đó đi mua hai cái bánh bao rồi giục con mau ăn cho đỡ đói.
Đứa trẻ đang đói thấy thế liền ăn ngấu ăn nghiến như hổ đói, nuốt đến phát nghẹn cũng mặc kệ, người phụ nữ thì nhìn gương mặt đứa con bé bỏng với ánh mắt hiền từ đầy âu yếm, sau đó đưa tay vuốt ve nhẹ nhàng mái tóc mềm mại của con, khung cảnh ấy giống như bất kỳ người mẹ bình thường nào trên thế giới này.
Nhưng sự bình tĩnh này của bà cũng không duy trì được bao lâu, vào một khoảnh khắc nào đó, người phụ nữ đột nhiên thay đổi sắc mặt khi nhìn gương mặt bé bỏng này.
Giống như thể đột nhiên bà trông thấy một con quái vật cực kỳ đáng sợ.
Thế là khi đứa trẻ phát giác ra động tác của người phụ nữ bỗng khựng lại, nó ngẩng đầu lên nhìn bà trong khi miệng vẫn đầy thức ăn, đột nhiên bà vung tay thật mạnh ném cái bánh đi.
Chiếc bánh mới ăn được một nửa rơi trên mặt đất, dính đầy bụi bẩn.
Bà túm chặt đôi vai gầy gò của đứa trẻ rồi lắc mạnh, cứ thế véo nó, đánh nó, điên cuồng gào thét nguyền rủa con, như thể ngay một giây sau sẽ bóp chết đứa trẻ.
Đứa trẻ bị cảnh tượng này dọa đến đờ đẫn cả người, bánh bao trong miệng còn chưa kịp nuốt xuống đã rơi ra ngoài, nó há miệng định khóc thì bị người phụ nữ ra sức bịt chặt mũi miệng.
Bà ghét tiếng khóc này, bà không muốn nghe thấy bất kỳ âm thanh nào do nó phát ra, bà ghét đứa con này.
Cuối cùng, cũng may là hàng xóm nghe thấy động tĩnh nên chạy sang cứu đứa trẻ đã tím tái mặt mũi dưới tay người phụ nữ.
......................
Chuyện như thế này đã xảy ra vô số lần như một vòng tuần hoàn không có điểm dừng trong quá trình trưởng thành của Bùi Thầm.
Nhưng sau này anh đã học được cách nấu ăn từ sớm, đi nhặt ít phế liệu đổi lấy tiền mua thức ăn, sau đó nấu cho mình một bát và cũng nấu cho bà một bát.
Dần dà, khi thấy người phụ nữ đột nhiên nổi điên trên bàn ăn, ra sức đập mạnh cái bát lên đầu anh rồi bịt hai tai la hét điên cuồng, anh không còn rơi lệ nữa, cũng càng không khóc ra tiếng mà chỉ dùng một tay che cái trán đang chảy máu rồi lặng lẽ ngồi xuống nhặt những mảnh vỡ bằng tay còn lại với vẻ mặt lãnh đạm.
Những ngày tháng như vậy kéo dài đến khoảng năm anh tám tuổi.
Số lần người phụ nữ phát điên càng ngày càng nhiều, lúc bình thường thì dựa vào tường, ánh mắt đờ đẫn nhìn ra bên ngoài cửa sổ, miệng thì không ngừng lẩm bẩm những nội dung mà chỉ có một mình bà hiểu.
Sau đó vào một buổi sáng khi Bùi Thầm tỉnh giấc, anh không nghe thấy tiếng của người phụ nữ nữa.
Trong nhà vệ sinh, người phụ nữ ngồi trên vũng máu, người dựa vào tường, vết cắt trên tay trái sâu đến nỗi lộ cả da thịt ghê rợn ra ngoài. Trên mặt bà là sắc mặt tái nhợt trắng xanh của xác chết, khoé môi khẽ nhếch lên, biểu cảm thậm chí còn vô cùng dịu dàng, nhất định là bà đã nhìn thấy khung cảnh đẹp đẽ nhất trong giây phút cuối đời.
Bùi Thầm đứng ở cửa, cứ thế lặng lẽ nhìn người phụ nữ nằm gục trên vũng máu, sau đó bình tĩnh quay người sang gõ cửa nhà hàng xóm để mượn điện thoại báo cảnh sát.
Cảnh sát đến nơi, phán đoán người phụ nữ đã tự sát.
Chủ nhà chạy đến chỉ thẳng tay vào mặt anh, mắng chửi anh là đồ xúi quẩy.
Anh lặng lẽ thu dọn chỗ hành lý không nhiều nhặn gì của mình rồi đến sống ở cô nhi viện.
Ở cô nhi viện có điều tốt và cũng có điều không tốt.
Ở đây sẽ không có người phụ nữ nổi điên kêu gào một cách bất chợt nữa, một ngày ba bữa no ấm, chỉ có điều mỗi ngày anh sẽ phải chứng kiến những đứa trẻ khác cứ được nhận nuôi hết đứa này đến đứa khác nhưng lại chẳng có ai đến đưa anh đi.
Anh nghe thấy tiếng thì thầm của những người đến nhận nuôi nói với nhân viên của cô nhi viện.
“Lớn tuổi quá rồi.”
“Chứng kiến mẹ mình tự sát như vậy không biết tính cách có vấn đề không nữa.”
“Trông có vẻ khó thuần.”()
() Từ gốc: 养不熟: Thường đi kèm với cụm “sói mắt trắng” để chỉ những người mà mình đối tốt đến đâu cũng không biết ơn, thậm chí là phản bội.
Người nhân viên ban đầu còn định giới thiệu với những người kia là “hiểu chuyện”, “khoẻ mạnh”, “thành tích rất tốt”, “ngoan ngoãn không gây chuyện”, nhưng sau đó thì cũng dằn lòng xuống và dồn hết tâm ý sang những đứa trẻ khác.
Đến năm thứ tư anh sống ở cô nhi viện, một người đàn ông trung niên trông có vẻ hiền hậu ấm áp xuất hiện chỉ đích danh muốn tìm Bùi Thầm.
Anh không biết tại sao đột nhiên lại có người đến tìm mình.
Người đàn ông đưa anh đi bệnh viện làm kiểm tra sức khỏe, lấy máu, sau đó trở về được mấy ngày thì nhân viên cô nhi viện vui vẻ nói với anh: “Cháu được nhận nuôi rồi.”
Bùi Thầm rất phấn khích.
Anh lần đầu đi máy bay, cũng là lần đầu tiên được nhìn thấy những dãy núi nhỏ xíu và những đám mây nối đuôi nhau bay lơ lửng qua ô cửa sổ máy bay. Sau khi xuống máy bay, người đàn ông đến cô nhi viện lần trước đã lái xe đến đón, anh cũng rất hiếm khi được đi ô tô riêng nên đã bị say xe do không gian trong xe quá kín, khi dạ dày anh cuộn trào và khó chịu đến nỗi sắp không chịu nổi thì xe dừng lại.
Xe dừng trước cổng một căn biệt thự lộng lẫy, xa hoa mà trước đây anh chỉ từng thấy trên TV.
Người lái xe dẫn anh vào, trong căn biệt thự anh nhìn thấy một đôi vợ chồng.
Đôi vợ chồng trông có vẻ rất sang trọng và danh giá, xung quanh người đàn ông như tỏa ra hào quang, còn người phụ nữ thì có khí chất cao quý, bà mặc một chiếc váy dệt kim dáng dài phối với một đôi hoa tai ngọc trai, chỉ nhìn một lần thôi đã khiến anh cảm nhận được họ thuộc tầng lớp nào.
Người đàn ông và người phụ nữ đánh giá anh một lượt.
Khi người đàn ông nhìn lên mặt anh thì sững sờ, trong đôi đồng tử hiện lên vẻ không thể tin được.
Dưới ánh mắt đánh giá vẻ bề ngoài của hai người họ, anh chỉ biết cúi thấp đầu.
Anh biết mình trông rất giống mẹ.
Mặc dù bà hay cáu gắt, nhạy cảm, đa nghi và thường xuyên la hét điên cuồng, nhưng cho đến tận lúc tự sát, bà vẫn là một người phụ nữ xinh đẹp.
Ánh mắt của người đàn ông dính chặt lên người anh đến quên cả di chuyển sang chỗ khác, cho đến lúc người phụ nữ đứng bên cạnh ông ấy tỏ vẻ không vui, người đàn ông mới chịu thu tầm mắt lại và cười làm hòa với người phụ nữ, đến khi ông ấy nhìn anh một lần nữa, sự ngạc nhiên trong ánh mắt đã được thay thế bằng sự đề phòng soi xét.
Bùi Thầm lại ngẩng đầu, anh nhìn thấy sự chán ghét lẫn khinh thường không hề che đậy trong ánh mắt xét nét của người phụ nữ đang quan sát mình.
Người đàn ông trung niên dẫn anh vào lúc nãy bước tới nói với anh rằng sau này phải gọi họ là “chú” và “dì”, là hai người họ đã nhận nuôi cháu.
Anh mấp máy khoé môi gọi một tiếng “chú dì”, người phụ nữ không đáp lại, còn người đàn ông thì hơi gật đầu.
Phòng của anh được sắp xếp tại một căn gác xép, anh đặt đồ đạc của mình xuống.
Đây là lần đầu tiên anh có phòng riêng.
Anh không hiểu tại sao đôi vợ chồng ấy lại nhận nuôi mình, bởi vì anh đã mười hai tuổi rồi, là đứa trẻ bị cô nhi viện xếp vào loại khó thuần và không tống đi được. Anh cũng không hiểu tại sao khi người đàn ông kia lần đầu tiên nhìn thấy anh lại lộ ra vẻ mặt như vậy.
Sau đó, mới sáng sớm ngày hôm sau anh đã bị đôi vợ chồng kia đưa đến bệnh viện.
Có rất nhiều bác sĩ đã chờ sẵn để làm kiểm tra sức khoẻ cho anh lần nữa.
Vẫn là lấy máu.
Khi ở bệnh viện anh đã nhìn ra nguyên nhân mình được họ nhận nuôi.
Có một đứa bé khoảng tám, chín tuổi, đầu trọc, đang ngồi trên giường chơi xếp gỗ.
Người phụ nữ tỏ ra ghét bỏ và khinh thường anh hôm qua, bây giờ lại tựa vào vai người chồng lau nước mắt.
Đứa bé trai đó mắc bệnh máu trắng.
Mấy ngày sau đã có kết quả kiểm tra độ tương thích của bệnh viện, kết quả giống hệt với lần lấy máu ở cô nhi viện lần trước, độ tương thích phù hợp để cấy ghép tủy.
Nhưng người hiến tặng bị suy dinh dưỡng, cân nặng không đạt tiêu chuẩn nên cần phải tăng cân trước đã.
Hai vợ chồng nghe thấy tin độ tương thích phù hợp thì cực kỳ kích động, thái độ của họ đối với anh cũng trở nên tốt hơn.
Người đàn ông dặn chuyên gia dinh dưỡng phải quan tâm để ý đến chuyện ăn uống của anh, thỉnh thoảng còn cười cười với anh nữa. Còn người phụ nữ thì tuy rằng vẫn bày ra ánh mắt chán ghét, nhưng sự xung đột không còn rõ ràng như trước nữa, hơn nữa bà ta còn thường xuyên theo dõi cân nặng của anh.
Anh được ăn rất nhiều món mà trước đây chưa từng được ăn, dường như đây là lần đầu tiên anh có phòng riêng, có một “mái nhà” và được sống một cuộc sống bình thường. Cũng không phải anh không biết mình phải đánh đổi bằng thứ gì mới có được chúng, nhưng anh rất bằng lòng.
Anh ép bản thân mình phải nén cơn buồn nôn xuống để ăn những thứ đầy dầu mỡ và chất béo, cân nặng của anh tăng dần qua từng lần kiểm tra sức khoẻ, thái độ của đôi vợ chồng đó đối với anh cũng ngày càng tốt lên, thậm chí thỉnh thoảng còn đưa anh ra ngoài chơi.
Có những lúc anh sẽ quên mất, thậm chí là cố gắng trốn tránh lý do tại sao đôi vợ chồng kia đối tốt với mình, anh đắm chìm vào sự tốt đẹp này, anh muốn lưu giữ nó.
Đợi đến khi anh đạt đủ cân nặng phù hợp để hiến tủy, đôi vợ chồng ngay lập tức thu xếp thủ tục cấy ghép tủy.
Anh cuộn tròn người trên chiếc giường bệnh hệt như một con tôm nhỏ, cảm nhận từng chiếc kim dài ngoẵng đâm xuyên vào tuỷ, lúc ấy dường như đau muốn ngất đi.
Sau khi phẫu thuật, đôi vợ chồng kia luôn túc trực bên giường bệnh của con trai, chẳng có lấy một người nào ngó ngàng đến anh cả.
Nhưng anh vẫn mỉm cười, anh rất vui vì cho rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà đôi vợ chồng kia giao cho mình, hy vọng họ sẽ khen ngợi anh dù chỉ một chút.
Đáng tiếc chẳng ai ngờ được, cho đến tận lúc sắp xuất viện, bệnh tình của đứa bé được ghép tủy đột ngột chuyển biến xấu, bác sĩ nói cần tiếp tục hoá trị, khả năng cao là cần phải cấy ghép lần hai.
Anh là nguồn hiến tặng có độ tương thích phù hợp duy nhất.
Lần bệnh chuyển biến xấu này đã tiêu hao gần hai năm hoá trị và cấy ghép.
Hai năm, anh phải hiến tủy tổng cộng ba lần.
Vào lần hiến tủy cuối cùng, các bác sĩ làm kiểm tra sức khoẻ cho anh đã nói với đôi vợ chồng kia rằng bất luận là về tình trạng sức khỏe hay là về độ tuổi thì bắt đầu từ lần hiến thứ hai đã không còn thích hợp để hiến tủy nữa rồi.
Chỉ là đôi vợ chồng bị mài mòn sức lực đến mức sớm đã không còn kiên nhẫn hay tâm trạng để trông coi cân nặng của anh nữa, nụ cười cũng như sự hoà nhã trên gương mặt đã biến mất không thấy tăm hơi, thay vào đó là gây áp lực cho bác sĩ theo kiểu ra mệnh lệnh, bắt bác sĩ phải thực hiện hiến tiếp, không cần biết phải trả cái giá đắt đến đâu cũng phải cứu con trai họ về.
Vậy là anh đã phải hiến đến lần thứ ba.
Nhưng đáng tiếc lần hiến tủy này vẫn không thể cứu con trai họ về, phẫu thuật chưa được bao lâu, bệnh tình của đứa bé trở nặng rồi qua đời.
Đối diện với đôi vợ chồng phải trải qua nỗi đau mất con và giây phút người phụ nữ khóc lóc thảm thiết xông về phía anh tay đấm chân đá, anh ngã bò ra đất rồi tự hận chính mình, tự hận tuỷ của bản thân không thể cứu được đứa con của đôi vợ chồng ấy.
Đôi vợ chồng không hề đuổi anh đi, họ vẫn là “bố mẹ nuôi” của anh như cũ, còn anh thì vẫn sống ở căn gác xép kia.
Nhưng một người đã mất đi giá trị lợi dụng như anh thì càng giống đầy tớ hơn chứ không phải con nuôi.
Người phụ nữ sau khi mất đi con trai ruột thì bắt đầu trở nên điên điên khùng khùng hay cằn nhằn, bà ta thay đổi cách thức để dày vò anh, vào mùa đông thì hắt chậu nước lạnh lên giường anh, mùa hè thì đẩy anh từ cầu thang xuống.
Anh không hiểu tại sao bởi vì anh chẳng làm sai chuyện gì cả, anh đã hiến tủy đến tận ba lần, khi những cây kim đâm vào tủy hết lần này đến lần khác, thậm chí khiến anh cảm thấy chẳng thà chết đi cho xong, sau khi hiến xong, anh yếu đến nỗi không thể xuống giường trong một thời gian dài.
Anh cứ nghĩ có lẽ người phụ nữ chỉ là muốn trút hết nỗi đau mất con lên trên người anh mà thôi, vì vậy nên anh vẫn cố gắng cắn răng chịu đựng, thậm chí là còn cảm thấy biết ơn, vì dù sao cũng là hai người họ đã đưa anh ra khỏi cô nhi viện.
Cho đến khi có một lần người đàn ông lên tiếng khuyên nhủ vợ mình một câu khi thấy bà ta hành hạ anh, đây là lần đầu tiên người phụ nữ bị người chồng luôn thuận theo mình lên tiếng phản đối, hai người nhanh chóng cãi nhau ầm ĩ cả lên.
Từ miệng người phụ nữ láng máng bật ra mấy câu đại loại kiểu “Đừng có quên là ai đã nâng ông lên vị trí này”, “Đồ con hoang”, “Vẫn nhớ mãi không quên có phải không”.
Khí thế của người đàn ông dần xẹp xuống, cuối cùng phải cúi đầu xin lỗi.
Anh trốn ở góc tường nghe nội dung cuộc cãi vã của hai người rồi đưa mắt nhìn người đàn ông.
Lúc này anh mới phát hiện đúng là mình trông rất giống mẹ, nhưng có vài nét lại giống với người đàn ông trước mặt.
Vài ngày trước khi mẹ tự sát, bà luôn ngẩn người nhìn lên bầu trời, hình như trong miệng còn lặp đi lặp lại tên của một người đàn ông.
Hơn nữa tủy của anh lại tương thích với đứa con trai của họ.
Vào khoảnh khắc này cuối cùng cũng khiến anh bừng tỉnh, anh đưa mắt nhìn người đàn ông đang cúi đầu trước vợ mình.
Không phải người đàn ông không biết đến sự tồn tại của anh, sở dĩ ông ta đến cô nhi viện tìm anh sau nhiều năm như vậy, có lẽ là vì khi ông ta cần tuỷ để cứu sống đứa con danh chính ngôn thuận kia thì mới nhớ ra trên đời này còn có một đứa con hoang là anh.
Chỉ cần có thể cứu sống đứa con trai kia, ông ta không tiếc rút tuỷ của anh, rút bao nhiêu lần cũng được, thậm chí là rút đến chết cũng chẳng sao.
Sỡ dĩ người đàn ông vẫn miễn cưỡng giữ anh ở đây đến tận lúc này, có lẽ là vì muốn dùng cách này để tha thứ cho bản thân.
Anh chỉ là công cụ để người đàn ông tha thứ cho chính bản thân mà thôi.
Sau đó anh nằm mơ cả đêm.
Mơ thấy dáng vẻ lúc mẹ tự sát ngã ra vũng máu kia, mơ thấy cả trận cãi vã kia nữa.
Anh tỉnh lại từ cơn ác mộng. Kể từ đó về sau, anh dần trở nên thô bạo, cả ngày tụ tập với đám côn đồ xã hội, trốn học, hút thuốc, đánh nhau, uống rượu không gì không làm, dường như anh đang cố ý chọc tức ai kia. Mỗi lần xảy ra chuyện, giáo viên sẽ gọi người giám hộ đến, dần dà ánh mắt người đàn ông nhìn anh cũng tràn ngập sự ghét bỏ như vợ ông ta.
Cuối cùng, sau mấy lần làm thụ tinh ống nghiệm, người phụ nữ cuối cùng cũng mang thai lần nữa.
Lần này, không có ai cần tuỷ của anh nữa. Và anh- một người đến cả ưu thế là huyết mạch cuối cùng cũng chẳng còn nữa, bị người đàn ông có vẻ đã nhẫn nhịn rất lâu kia đuổi đi hệt như một đống rác thấp kém, không vẻ vang và hết giá trị lợi dụng.
Thật ra anh không hề thích đánh nhau hay trốn học, cũng chẳng thích tụ tập với đám côn đồ một chút nào.
Đến một môi trường mới sẽ không còn ai nhận ra anh nữa.
Anh bắt đầu chán ghét, chống cự lại tất cả những người, những thứ chủ động đối tốt với mình.
Trong mắt anh, thế giới này chỉ tồn tại sự phản bội và lợi dụng.
Anh cố gắng thể hiện là mình bình thường, sẽ tiếp nhận câu hỏi hay lời hỏi thăm khách sáo của một số người, nhưng khi có ai cố gắng tiếp cận đến gần hơn một bước, anh sẽ chui vào lớp vỏ phòng bị của mình, ngăn cách khỏi mọi thứ.
Duy chỉ có một ngoại lệ, là một người hết lần này đến lần khác đến gần anh mặc cho sứt đầu mẻ trán, sau đó vừa mỉm cười vừa dùng hành động để nói với anh rằng trên thế giới này có thể đối tốt với một người mà không cần điều kiện, cũng không cần báo đáp lại.
Chỉ đơn giản là vì cô thích anh mà thôi.
Không liên quan đến tủy, cũng không liên quan đến huyết thống.
Anh được thích một cách vô điều kiện.
Dường như anh đã tìm thấy ánh sáng đời mình.
...
Trên đường ra khỏi thành phố, đáy mắt Bùi Thầm đỏ sọng, bàn tay đang nắm vô lăng hơi run rẩy.
Tốc độ của chiếc xe nhanh đến kinh người.
Anh lái xe đuổi đến hướng mà Cao Dũng nói.
Nhiều năm qua, anh đã trải qua sự chờ đợi dài đằng đẵng đầy hèn nhát, cuối cùng anh cũng lấy hết can đảm để đi tìm hình bóng ấy.
Anh đã tìm thấy cô, nhưng cô không còn thích anh nữa.
Thế giới của cô không còn cần anh nữa rồi.
Anh lựa chọn rời đi trong yên lặng.
Anh cứ nghĩ đó chính là kết cục đã định sẵn, mãi đến sau này, khi thế giới của cô vẫn lẻ bóng một mình, vẫn yên tĩnh mà bình đạm, anh một lần nữa dùng hết sức lực để tiếp cận và theo đuổi bước chân cô.
Lần này, anh cuối cùng cũng tìm lại được những gì đã đánh mất như ý nguyện.
Cho đến hôm nay.
Bùi Thầm lái xe trong đêm tối, anh không muốn nghĩ, cũng không dám nghĩ.
Anh không muốn đánh mất cô lần nữa, vì cô là tất cả sự cứu vớt và mộng tưởng của anh.
- -------------------