Tôi là Ê-ri

chương 12

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Món tiền đầu tiên – vất vả khôn cùng

Sau khi chịu đựng bao nỗi vất vả từ Hồng Kông trở về Thái Lan, tôi rất vui mừng với số tiền đã kiếm được. Đây là số tiền lớn nhất mà tôi từng kiếm ra và tôi suy nghĩ tiếp theo sẽ nên làm gì với số tiền này. Tôi có nên đầu tư bán hàng không và sẽ bán cái gì? Nhưng nếu có tiêu hết tiền thì chắc chắn tôi cũng sẽ không quay trở lại làm việc ở Hồng Kông một lần nào nữa bởi đó đúng là địa ngục trần gian. Tôi vui mừng quay về gặp bố mẹ và nói với bố rằng tôi có một khoản tiền kha khá muốn đưa cho bố mẹ và để dành tiền mua sữa cho con. Số tiền tám mươi nghìn bạt có thể không nhiều đối với những người có tiền nhưng đối với một đứa mới mười chín tuổi như tôi lúc đó thì quả là cả một gia tài.

Khi quay về Thái Lan, tôi có gọi điện cho ông chủ thông báo tôi đã trở lại Thái và xin được nhận lại phần tiền của tôi. Ông chủ rất tốt và trung thực. Ông luôn nói: “Nếu làm việc mà bị cảnh sát bắt thì không cần lo lắng cứ trở về Thái luôn rồi ta sẽ đưa lại tiền không thiếu một bạt, không phải lo, ta sẽ không lấy tiền của cô đâu”. Và sự thực đúng là như vậy, ông chủ sai người đem tiền đến cho tôi. Ông trả tôi đầy đủ, không bớt dù chỉ là một bạt thật. Ông còn nói, nếu còn muốn trở lại đó làm việc cũng được, ông sẽ giảm giá “con-théc” cho. Tôi trả lời với ông rằng chắc chắn tôi sẽ không đi nữa, nhưng thực sự tôi cũng không chắc lắm. Nếu không còn đường nào khác, rất có thể tôi sẽ quay trở lại. Tôi thấy nhiều cô gái Thái đi làm việc ở Hồng Kông, chẳng có ai chỉ đi duy nhất một lần. Họ luôn nói sẽ không làm nữa, không đi nữa, sợ đến chết nhưng chưa hết một tháng tôi đã thấy họ quay lại đó rồi.

Từ khi ở Hồng Kông về, cách ăn mặc của tôi cũng thay đổi chóng mặt. Tôi trở nên mạnh dạn hẳn, thấy chẳng có gì phải xấu hổ với người khác về việc ăn mặc hở hang của mình cả. Sau khi nhận được tiền từ ông chủ cộng với số tiền mang về, điều đầu tiên tôi muốn làm là: Đi mua vàng, vì từ lúc sinh ra đến giờ tôi chưa từng được đeo vàng như người ta bao giờ, cùng lắm cũng chỉ được đeo một chiếc vòng bạc một chỉ, thế cũng được coi là to tát lắm rồi. Tôi còn nhớ hôm đó ở Bang Rak trời mưa rất to, nước ngập đến đầu gối. Tôi ngồi xe lam đến khu vực khách sạn Shangri La, mặc quần bò rất bụi, phải xắn lên đến đầu gối vì ngập nước. Chân thì đi dép lê. Tôi lấy túi nilon chụp lên đầu cho khỏi ướt vì mưa rất to rồi đi thẳng vào tiệm vàng. Tôi nhìn mặt chủ tiệm và cũng đoán được họ không những không muốn tiếp đón tôi mà ngược lại còn có vẻ đề phòng tôi nữa. Hoặc có thể họ nghĩ rằng chắc tôi chỉ vào trú mưa.

Khi đã vào trong cửa hàng, tôi bảo họ cho xem một chiếc dây chuyền đeo cổ khoảng bốn chỉ, hồi đó có giá khoảng năm nghìn bạt. Khi tôi xin họ cho xem dây chuyền, chủ tiệm vàng cũng đưa chiếc dây ra nhưng cố tình để mỗi người cầm một đầu sợi dây chuyền, nghĩa là ông ta không chịu thả dây chuyền ra. Tôi cũng chỉ dùng tay sờ sờ, vuốt vuốt xem hoa văn sợi dây mà thôi. Tôi nói:

“Ok, sợi này đẹp đấy!”.

Rồi tôi lại xin được xem một sợi dây chuyền đeo tay khác, cũng nặng khoảng bốn chỉ. Chủ quán vẫn làm như cũ, tôi cầm một đầu, ông ta cầm một đầu. Tôi biết ông ta không hề tin tôi, khiến tôi không muốn mua. Nhưng bởi tôi là người không thích bị ai khác coi thường nên quyết định mua ngay lập tức. Khi tôi lôi một bọc tiền từ trong túi quần ra rồi đếm, đưa ra khoảng hơn mười nghìn bạt thì chủ quán liền thay đổi hẳn thái độ. Ông ta tỏ ra niềm nở tiếp đón tôi nhiều hơn và giới thiệu tôi mua thêm nhẫn và tôi cũng mua theo lời giới thiệu của ông ta.

Tôi để ý thấy xã hội của chúng ta thiếu sự công bằng, hay coi thường, khinh bỉ người khác cho dù ở bất cứ đâu. Tôi đeo vàng trở về nhà, bố mẹ thấy thế liền hỏi:

“Con lấy vàng giả ở đâu ra đeo thế? Cẩn thận không bị cướp giật, rồi có khi còn bị chúng đánh đấy”.

Tôi nói với bố mẹ:

“Đây là vàng thật, không phải đồ giả. Nỉnh đi làm có tiền nên mới mua vàng”.

Các anh chị của tôi giật mình kinh ngạc khi thấy tôi có rất nhiều vàng không biết từ đâu mang ra đeo. Tất cả bọn họ ban đầu đều nghĩ tôi đeo vàng giả vì trong gia đình của chúng tôi chưa từng có ai mua nhiều vàng như thế về đeo. Tôi đưa cho bố mẹ một khoản tiền để chi tiêu. Bố rất ngạc nhiên và hỏi tôi:

“Con đi Hồng Kông có một tháng, tại sao lại có nhiều tiền mang về thế?”.

Tôi nói:

“Có người thuê con mang hàng sang Hồng Kông bán và lúc về cũng thuê mang hàng về Thái. Không phải là hàng cấm, bố không phải lo”.

Tôi biết bố không tin tôi. Bố có lẽ đã biết tôi đi làm gì vì bố từng làm việc ở nước ngoài. Bố không ngốc đến mức tin vào những lời nói dối của tôi. Nhưng có lẽ bố không muốn tra khảo tôi nhiều. Có lẽ bố hiểu tôi. Nhưng liệu có ai hiểu được rằng, để có được số tiền này tôi đã trả qua bao đau đớn, khổ sở đến nhường nào. Nhiều lúc gặp phải khách khó tính, bệnh hoạn, thú tính tôi cũng phải chịu đựng. Thậm chí, tôi còn gặp trường hợp khách của tôi bị bọn người khác đuổi đánh, chém khiến máu chảy ròng ròng và chạy trốn vào phòng tôi. Lúc đó anh ta đã bị đâm, tay vẫn đang giữ dao và ngồi xuống rút dao ra ngay trước mắt tôi. Tôi chỉ biết há miệng kinh hãi và ngồi yên không dám kêu lên vì người đó chắc chắn không muốn nghe tôi kêu gào lúc này. Vì nếu tôi kêu lên, rất có thể anh ta sẽ bị bọn đuổi bắt phát hiện và giết chết. Anh ra rút dao ra khỏi mạng sườn, máu chảy thành dòng. Nhưng mọi người có biết không, anh ta vẫn còn có thể “mây mưa” với tôi như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ có tôi run lên bần bật mà vẫn phải cố gắng làm cho xong việc. Tôi còn nhớ, người khách đó quăng cho tôi số tiền nhiều hơn giá thông thường và nói rằng anh ta sẽ đi tìm bác sỹ ngay, thậm chí còn hẹn sẽ đến tìm tôi lần nữa.

Nhưng từ đó trở đi tôi chưa từng gặp lại anh ta. Anh ta trông vẫn còn rất trẻ, ra dáng một thanh niên khỏe mạnh. Ở Hồng Kông còn có nhiều chuyện khác mà tôi được trải nghiệm và qua đó học hỏi được rất nhiều điều. Làm công việc này, thời gian nghỉ ngơi của tôi rất ít, mỗi ngày chỉ được ngủ năm, sáu tiếng, ngoài thời gian đó ra đều phải làm việc. Chắc cũng không cần phải nói tôi phải tiếp bao nhiêu khách mới kiếm được số tiền này. Nhiều người giỏi hơn tôi, kiếm được cả trăm nghìn bạt, so với họ có thể nói là tôi kiếm được vô cùng ít.

Nhưng tôi may mắn khi bố mẹ không phải là người chỉ biết đến tiền. Bố tôi trái lại còn chẳng muốn động đến số tiền này, còn mẹ tôi cũng chưa từng đòi hỏi điều gì. Điều này khác hẳn bố mẹ của nhiều người khác, thấy con có nhiều tiền mang về thì chỉ biết lấy để tiêu. Nhiều ông bố bà mẹ khác biết con mình đi bán dâm cũng mặc kệ, chẳng hề quan tâm, làm gì cũng được miễn là có tiền mang về cho họ.

Bố mẹ tôi là người tốt. Tất cả điều gì đã xảy ra với tôi, tôi cho rằng đó đều là lỗi của tôi. Bố mẹ không khuyến khách hay đồng tình với những việc tôi làm và tôi tin rằng, nếu bố mẹ biết tôi đã làm công việc gì thì chắc chắn cả hai sẽ rất đau đớn.

Ngay đêm đầu tiên từ Hồng Kông trở về, tôi bắt đầu ăn mặc kiểu mát mẻ, thoải mái theo sở thích của mình nhưng vẫn cố tránh không để cho bố mẹ và các anh chị nhìn thấy. Đêm hôm đó tôi đi chơi cùng lũ bạn ở Patpong. Tôi đến đó chơi theo phong cách của một người có tiền, không giống những lần đi chơi trước đó đều không xu dính túi, đến tiền ăn còn chẳng có. Tôi đeo vàng khoe lũ bạn và đưa chúng đi chiêu đãi một bữa thoải mái. Bọn chúng vô cùng ngạc nhiên, không hiểu sao tôi lại có nhiều tiền thế, không giống bình thường chút nào. Cái thời đó, sáu, bảy nghìn bạt được coi là một số tiền rất lớn đối với một cố gái mới mười tám, mười chín tuổi như tôi cũng như những đứa khác trong nhóm. Đêm đó, tôi mặc quần soóc bò, áo ba lỗ lửng chỉ đến nửa người, trông gần giống áo quây, nhìn qua có thể coi là rất hở hang. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại dám mặc như vậy. Nói đơn giản, tôi mặc chẳng khác gì một gái bán hoa chuyên nghiệp. Mặc bộ này khiến tôi trở thành tâm điểm cho mọi ánh mắt của tất cả bọn đàn ông đang đi trên đường, đến cả lũ bạn trong nhóm đua xe cũng không thể không nhìn vào. Trong lúc đang đi bộ ở khu Patpong, một người đàn ông mà sau này tôi mới biết là hướng dẫn viên hành nghề chui tại phố Patpong, đến hỏi tôi như thể người đó đã từng thấy tôi bán băng nhạc và thuốc lá trước đó. Anh ta có lẽ do thấy tôi đã thay đổi hoàn toàn nên đến lân la hỏi han. Anh ta gợi ý rủ tôi đi làm việc ở Nhật và dò hỏi xem tôi có quan tâm đến điều đó không.

Lúc ấy, do tôi vẫn còn nhỏ tuổi, ý nghĩ vẫn còn trẻ con nên tôi trả lời anh ta một cách đầy khoe khoang rằng tôi mới từ Hồng Kông trở về sáng nay, chưa muốn đi đâu cả. Nhưng thật ra, trong lòng tôi rất muốn đi. Tôi tự hỏi: “Ôi, thật à, mình sẽ được đi Nhật thật sao? Khi nào sẽ được đi?”. Trong lòng cũng sợ rằng người đó sẽ đổi ý vì tôi lỡ trả lời vênh váo rằng tôi cũng đã từng đi nước ngoài rồi. Nhưng cũng chỉ là Hồng Kông mà thôi, rất chi là gần, ai cũng từng đi cả rồi. Nhưng anh ta nói rằng:

“Không sao đâu em. Nếu vậy thì em cứ chơi cho hết tiền đi đã. Khi nào hết tiền, muốn đi Nhật thì cứ đến tìm anh. Đêm nào anh cũng đến đây, hỏi ai cũng biết anh cả. Anh tên là Tùn”.

Tôi trả lời “Ok” rồi cùng lũ bạn đi chơi một mạch hai ngày hai đêm liền mà không về nhà. Tôi mải mê theo chúng đi ngủ ở hết nhà đứa này đến nhà đứa khác, tiêu tiền như chưa bao giờ được tiêu và thực tế thì cũng chưa tưng có tiền để tiêu thật.

Hồi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cứ tiêu hết đi, tiền kiếm dễ, tiêu hết rồi sẽ tìm cách kiếm lại vì lúc đó tôi cũng đã biết đến thế giới bên ngoài nhiều hơn một chút. Tôi nghĩ, cùng lắm là sẽ quay lại Hồng Kông làm việc tiếp. Những cô gái kiếm tiền như chúng tôi thường nghĩ như vậy, không màng đến giá trị của đồng tiền vì kiếm được quá dễ dàng, không cần đến kiến thức, không phải dùng trí não, chỉ dựa vào sự dũng cảm mà thôi. Nhưng thế nào thì tôi cũng luôn nghĩ rằng dù tôi có bán thân nhưng vẫn còn hơn là tôi bán thuốc phiện giống như nhiều thanh niên khác vì nó chỉ gây hại cho sức khỏe của mình và của người khác mà thôi. Tôi có bán thân thì cũng chỉ là thân thể của tôi, chẳng ảnh hưởng gì đến ai.

Truyện Chữ Hay