Trương Đồng cười nhẹ nhàng:
- Năm đó nhị ca cầu hôn Từ gia, thân gia bá phụ bá mẫu rất băn khoăn, không muốn đồng ý. Chàng đoán xem tại sao? Khi đó thái phu nhân còn ở trong phủ, thân gia bá phụ bá mẫu lo lắng nhị tẩu được cưng chiều từ nhỏ, không đối phó được cả đám thân tộc.
Chung Hoành nhướn nhướn chân mày. Là vì chuyện này? Nhị ca Ngụy quốc công trẻ tuổi anh tuấn, là rể cưng vừa ý trong mắt bao người, bao nhiêu người minh tranh ám đoạt. Cha Từ mẹ Từ lại vì suy nghĩ này mà cự hôn, thực sự là yêu thương nữ nhi quá mức.
Trương Đồng nói tới công lao to lớn của A Trì thì rất tán thưởng:
- Kết quả thì sao, nhị tẩu không cần tốn nhiều sức, sạch sẽ gọn gàng mời thái phu nhân ra khỏi Ngụy quốc công phủ. Nhị tẩu không những được thanh tịnh mà còn được thanh danh tốt.
Lập tôn tử thừa tự cho tiền Ngụy quốc công, chắp tay dâng tặng chức Chỉ huy thiêm sự thực quyền, tộc nhân ai không khen tẩu ấy rộng rãi hào phóng, kính trọng người già, giúp đỡ người cô quả? Thái phu nhân Lâm thị muốn nói xấu tẩu ấy cũng không có người tin.
- Nhị tẩu nói tẩu ấy rất biết gây lộn. Ta so với nhị tẩu còn mạnh hơn một điểm, ta không chỉ biết gây lộn mà còn biết đánh nhau!
Trương Đồng có vẻ đắc ý:
- Ai muốn ức hiếp ta, nháo thì nháo, nháo không được thì đánh!
Chung Hoành cười nhẹ:
- Trương Đồng, nàng nửa phần cũng không chịu thiệt.
Trương Đồng cười nói:
- Đương nhiên. Cho dù thủy triều gầm thét với ta, ta cũng sẽ đá nó trở về!
Nàng nói xong, thấy Chung Hoành có vẻ nghi hoặc thì mỉm cười bổ sung một câu:
- Mẹ ta nói.
Chung Hoành khóe miệng co quắp. Hắn nhớ tới lời Du Nhiên hôm đó, thực sự cảm thấy quá độc ác. Có câu “Thà hủy đi mười ngôi miếu cũng không phá một cuộc hôn nhân”, người là trưởng bối sao có thể tính toán việc đón khuê nữ về nhà, còn để cho người ta sống hay không.
Chung Hoành chỉ dám nghĩ trong bụng chứ ngoài miệng nào dám nói xấu nhạc mẫu, bèn nhẹ nhàng thể hiện lòng trung thành:
- Có ta ở đây. Ta là nam nhân, nam nhân nên che chắn phía trước vợ con, vì vợ con mà chắn gió che mưa. Trương Đồng, nàng không cần gây lộn cũng không cần đánh nhau, ta sẽ bảo vệ nàng.
Trương Đồng chớp chớp mắt, gật đầu:
- Được thôi. Vậy, toàn dựa vào chàng đấy.
Lúc có người để dựa thì dựa cho đã, không lỗ.
Chung Hoành lâng lâng, Trương Đồng toàn dựa vào ta! Hắn không tự chủ ưỡn ngực, vừa kiêu ngạo, vừa tự hào.
Tin tức hai nhà Trương, Chung kết thân dần truyền ra, ngay cả Hoàng đế cũng biết. Lúc gặp Đặng Du, Hoàng đế cố ý hỏi:
- Biểu muội phu kia của ngươi thế nào?
Đặng Du rất nghiêm túc nói:
- Bệ hạ, là biểu tỷ phu của thần. Trương gia đại tiểu thư lớn tuổi hơn vợ thần.
Thanh minh xong, Đặng Du mới nói với Hoàng đế:
- Đẹp, cực kỳ đẹp. Thần thấy mà còn mê, rung động lòng người.
Hoàng đế tim đập thình thịch:
- Trên đời lại có mỹ nam tử như vậy.
Hoàng đế vẫn nhớ ba điều kiện Trương Tịnh nói, bèn ngoắc bảo Đặng Du đến bên cạnh:
- Biểu tỷ phu kia của ngươi, thật sự là đồng nam?
Con cháu gia đình huân quý có thể giữ thân trong sạch vốn không nhiều.
Đặng Du ăn ngay nói thật:
- Cái này thần không biết, cũng không thể không biết xấu hổ mở miệng hỏi. Nhưng huynh ấy đã bắt đầu theo sư công học võ, võ công của sư công lúc nhập môn hình như phải là thân đồng tử mới có thể luyện.
Hoàng đế vuốt vuốt chòm râu nhỏ xinh xắn:
- Biểu tỷ phu của ngươi có từng hứa sẽ không hai lòng không?
Đặng Du sắc mặt cứng đờ:
- Biểu thúc nói, huynh ấy nếu dám sinh hai lòng thì ………
Tay hắn từ từ để lên cổ mình, làm động tác “giết”.
Hoàng đế thấy hắn sợ hãi thì hảo tâm an ủi:
- Ngươi không phải con rể ông ấy, không cần vậy đâu.
Đặng Du đưa tay lau mồ hôi lạnh trên đầu:
- Dạ, thần không sợ. Vợ thần là Trình gia cô nương, biểu thúc sẽ không xen vào.
Lau mồ hôi xong, Đặng Du vui vẻ nói:
- Đại biểu ca không phải mới có một tiểu tử mập mạp sao, biểu thúc ngoài mặt tuy không thể hiện gì nhưng trong lòng rất vui mừng. Ông ấy không đáng sợ, không đáng sợ chút nào.
Giờ Hợi ngày hai mươi ba tháng chín, Trương Kình vinh dự trở thành phụ thân, tiểu hài tử nặng sáu cân sáu lạng, trông rất giống với phụ thân. Hài tử vừa ra đời lập tức trở thành vật cưng của Bình Bắc hầu phủ, từ già đến trẻ đều vây quanh nó. Trương Tịnh làm tổ phụ thấy hài tử cũng nhu hòa từ ái, nhìn thân thiết đến mức Đặng Du cũng không sợ.
Nhìn xem tiền đồ của ngươi này! Hoàng đế liếc Đặng Du, cười rạng rỡ.
Hoàng đế tán gẫu với Đặng Du thêm mấy câu xem như thả lỏng tinh thần, sau đó tiếp tục phê tấu chương. Đặng Du cáo từ rời điện, lúc đi tới cửa điện thì nghe Hoàng đế ném một bản tấu chương xuống đất, cả giận nói:
- Tấu chương này là cái gì đây? Nội các đại thần đều hồ đồ rồi hả?
Đặng Du không ngốc, Hoàng đế đang nổi giận, hắn sao lại đi hứng miểng? Hắn nhấc bước nhanh chóng chuồn ra ngoài. Ra đến cửa điện, hắn sải bước đi nhanh, tuyệt không quay đầu lại.
Hôm đó Từ tam gia cả người mặc thường phục, chờ Đặng Du sau khi xuất cung, hẹn hắn đến tửu lâu ngồi một lát. Đặng Du mắt thấy bốn bề vắng lặng thì ghé tai nói thầm chuyện ngày hôm nay, nói xong còn an ủi:
- Dù sao lệnh tôn là thứ phụ, bệ hạ nếu trách tội xuống sẽ tự có thủ phụ gánh vác.
Từ tam gia rất cảm kích, chắp tay đa tạ, Đặng Du tức giận:
- Người một nhà mà nói cứ như người ngoài thế! Ngài là thúc phụ của nhị biểu ca, không phải cũng là thúc phụ của ta sao?
Từ tam gia vỗ vỗ vai hắn:
- A Du, vậy thúc phụ không khách sáo với cậu!
Đặng Du liền đổi giận thành vui.
Từ tam gia cùng Đặng Du uống rượu, sau khi chia tay thì vội vàng lên xe về đường Chính Dương Môn, kể rõ một năm một mười với Từ thứ phụ. Từ thứ phụ mỉm cười:
- Như thế rất tốt.
Âu Dương thị chết bệnh, Nghiêm Khánh sẽ có đại tang. Tuy không nhất định phải về nguyên quán nhưng chí ít cũng không thể ra vào Văn Uyên Các như trước. Như vậy, Nghiêm thủ phụ mất đi cánh tay, ngay cả tấu chương viết cũng không hợp tâm ý Hoàng đế.
Nghiêm tặc, đây chính là khởi đầu cho việc ngươi thất sủng. Từ thứ phụ trong lòng vui sướng hiển nhiên không cần phải nói.
Từ thứ phụ nhẹ giọng khen ngợi Từ tam gia vài câu, Từ tam gia vái dài:
- Con thẹn không dám nhận.
Từ thứ phụ mỉm cười nói:
- Có gì mà không dám nhận? Theo vi phụ thấy, con rất có năng lực. Việc vặt trong nhà cho đến xã giao trong triều, con đều có thể chu toàn thỏa đáng.
Từ tam gia khiêm tốn mấy câu, rồi vâng dạ rời đi.
Sau khi Từ tam gia đi, thư phòng của Từ thứ phụ lục tục kéo đến không ít triều thần mặc thường phục. Cửa thư phòng được đóng kín, tôi tớ bị cấm không được bén mảng đến nên bọn họ nói những gì, mưu toan những gì, không cách nào biết được.
Từ thứ phụ bận rộn nhiều việc, nhưng nếu Từ Sâm trở lại, ông sẽ buông công vụ trong tay xuống, cùng uống rượu tán gẫu với trưởng tử, thư giãn thật lâu. Từ thứ phụ quở trách nói:
- Sâm nhi càng lúc càng lười. Thời gian về phủ làm bạn với vi phụ càng ngày càng ít.
Từ Sâm chột dạ cười:
- Nhi tử về đúng là ít hơn, sau này nhất định sửa, nhất định sửa. Phụ thân cũng biết Lễ bộ rất bận bịu, xong công việc về đến nhà thì A Thuật A Dật lại ầm ĩ muốn đi thăm tỷ tỷ.
Từ thứ phụ thư thái cười:
- Con bé Tố Hoa này vô cùng tốt, không chịu thua kém.
Không chỉ làm quốc công phu nhân, được cha mẹ chồng và trượng phu yêu thích mà còn mới qua cửa chưa được một năm liền mang thai. Có cô nương như vậy, nhà mẹ đẻ cũng vẻ vang.
Nhắc tới ái nữ, Từ Sâm liền nói nhiều:
- Cha không biết nó đâu, sắp làm mẹ người ta rồi mà cứ như trẻ nít vậy. Con nếu không thường xuyên đi thăm hỏi, dặn dò nó thì quả thật không yên lòng.
Từ thứ phụ cười lắc đầu:
- Quá mức nhi nữ tình trường.
Mình cũng là người có nữ nhi, năm đó nữ nhi xuất giá, mang thai, mình chẳng qua cũng chỉ hỏi han sơ sơ một câu mà thôi, chưa từng nóng ruột nóng gan như vậy.
Nói cười vui vẻ hồi lâu, Từ Sâm đứng dậy cáo từ. Trước khi ra cửa, Từ thứ phụ gọi ông lại:
- Bình Bắc hầu phủ sắp tổ chức đầy tháng?
Từ Sâm gật đầu:
- Dạ, ngày hai mươi ba tháng này, tổ chức đầy hai tháng.
Từ thứ phụ cười nói:
- Trưởng tử trưởng tôn không phải chuyện nhỏ, hẳn là ăn mừng lớn lắm đây.
Đến ngày hai mươi ba tháng mười một, trước cổng Bình Bắc hầu phủ ngựa xe như nước, khách tới phần lớn đều mặc quan phục phẩm cấp cao, dáng vẻ hiên ngang. Trong phủ giăng đèn kết hoa, tiếng người huyên náo, đàn sáo không dứt bên tai, trong sảnh thượng viện đều là hí kịch và tiệc rượu.
Các nữ quyến vẫn còn nhã nhặn nhưng nam khách có nhiều quân nhân, võ sĩ, lúc uống rượu cao hứng thì rối rít kêu gào:
- Trương đại soái, đại tôn tử của ngài mau mau ôm ra đây, để chúng ta nhìn cho đã mắt!
Trương Tịnh khẽ mỉm cười, quả nhiên sai người:
- Đem bé Đại ra đây.
Không lâu sau, bà vú ôm đứa trẻ, được bọn nha đầu vây quanh bước ra. Đứa trẻ đã đủ hai tháng, đôi mắt to linh động đen nhánh nhìn mọi người, không hề sợ hãi.
Tức thì có vài người chảy nước miếng, đưa tay muốn ôm, Trương Tịnh nào chịu, chỉ cho nhìn không cho sờ. Trương Kình bảo vệ chặt chẽ:
- Được rồi, nhìn xong rồi, ôm bé Đại vào đi.
Nhiều người như vậy, đừng dọa sợ nhi tử của ta.
Dõi mắt trông theo hướng bé Đại đi xa, họ vỗ bàn than thở:
- Chưa nhìn đủ, chưa nhìn đủ!
Đặng Du cũng có mặt, cười hỏi Trương Kình:
- Tên có rồi à? Còn nhũ danh thì sao?
Trương Kình mỉm cười:
- Dù sao bây giờ cũng chỉ có mình nó, trước cứ gọi là bé Đại, còn nhũ danh và tên để cẩn thận nghĩ sau.
Tên của bé Đại, rất khó khăn. Tổ phụ Trương Tịnh, bởi vì ra đời ở Tịnh Châu, cho nên tên là một chữ “Tịnh”. Phụ thân Trương Kình, bởi vì ra đời ở kinh thành, lại khỏe mạnh cường tráng, cho nên tên là một chữ “Kình” (Kình -勍 - nghĩa là mạnh). Đến bé Đại, ắt không thể dựa theo quy luật này mà đặt tên nữa.
Ý kiến của sư công:
- Bé Đại ra đời ở Bình Bắc hầu phủ, gọi ngắn gọn là Trương Bình Sinh.
Lời kia của sư công vừa thốt ra, người khen ngợi phụ họa theo cũng không ít, chẳng hạn như Trương Mại, chẳng hạn như A Trì, chẳng hạn như Đồng Đồng.
Ý kiến của ông ngoại:
- Bé Đại là trưởng tử trưởng tôn, cần phải chín chắn ổn trọng. Thế hệ này ở Ngụy quốc công phủ lấy chữ ‘Doãn’ làm tên lót (Doãn -允- nghĩa là công bằng, thỏa đáng), còn bé Đại thì tên chỉ một chữ ‘Doãn’.
Các huynh đệ của nó sẽ là Doãn Văn, Doãn Võ, Doãn Tín, vân vân; còn bé Đại tên chỉ một chữ Doãn, vô cùng oai phong.
Trương Tịnh bởi vì sau này mới nhận tổ quy tông, cho nên tên của gia đình ông không theo thứ bậc trong tộc mà đặt theo tâm ý chính mình.
Trương Bình Sinh? Vẫn là thôi đi, sư công võ công cao nhưng đặt tên thì không được.
Trương Doãn? Hình như tốt hơn chút chút nhưng chưa đủ vang dội.
Trương Tịnh suy nghĩ về ý kiến đặt tên của sư công và ông ngoại đều cảm thấy không hài lòng.
Trình độ đặt tên của Du Nhiên ông cũng không tin được, dứt khoát tìm quyển “Chú giải từ”, lật từng trang từng trang xem xét. Du Nhiên mỉm cười:
- Tên của bé Đại không vội. Đợi tổ phụ nó từ từ lật hết quyển “Chú giải từ” rồi lại nói.
Tên của tiểu hài tử thông thường đều do tổ phụ đặt. Trương Tịnh lần đầu tiên làm tổ phụ, nội tâm đương nhiên rất kích động, cân nhắc hết lần này đến lần khác tên của hài tử mà vẫn chưa quyết định. Bé Đại không còn cách nào khác đành phải chờ thôi.
Trương Đồng rất hăng hái nói:
- Tối qua không biết sao con mơ thấy đi mua một con lừa nhỏ, rất đáng yêu! Nếu không, nhũ danh của bé Đại gọi là ‘Mãi Lư’ (mua lừa), có được không?
Sư công vỗ tay:
- Thú vị thú vị!
Ông ngoại phun trà, bà ngoại hé môi cười, Trương Tịnh vẫy tay:
- Đồng Đồng, đến bên cạnh phụ thân.
Con bé không có ánh mắt, mau tới bên cạnh phụ thân, tránh cho đại ca đại tẩu đánh con.