Người của Anh Hùng Hội ai nấy ngơ ngẩn đứng nhìn cảnh tượng trước mắt, tàn khốc một cách hoa lệ, trên đời này có lẽ chỉ có Tử thần – Huyết Tử làm được mà thôi. Mấy trăm nhân mạng kể cả tên thủ lĩnh, ai cũng nhận một nhát kiếm duy nhất và chết. Điều này thật chấn động! Chấn động cả võ lâm, chấn động cả thiên hạ trong suốt một thời gian dài sau đó.
Biệt Sơn trại đã bị diệt hơn một tháng rồi nhưng mọi người vẫn túm tụm bàn tán sôi nổi như sự việc chỉ vừa mới xảy ra.
Tuy nhiên càng nói sự việc lại càng sai lệch so với sự thật. Kẻ nói: “Huyết Tử đã hạ sạch Biệt Sơn trại chỉ trong một cái chớp mắt…”, kẻ nói “Huyết Tử đơn thân cưỡi hắc mã xông thẳng Biệt Sơn trại, đâm thế này, chém thế kia, chỉ trong chớp mắt hạ sạch bọn ngông cuồng không biết trời cao đất dày Biệt Sơn trại…”, còn có “Sau khi hạ sạch Biệt Sơn, Huyết Tử đã tuyên bố thế này: từ nay về sau bất kì một ai dám hoành hành bá đạo hay làm chướng mắt cô thì cô sẽ không ngần ngại quét sạch một cách nhanh gọn như đối với bọn Biệt Sơn…”
Bọn họ thích dùng “một cái chớp mắt” để hình dung sự diệt vong của Biệt Sơn trại. Nó không thật nhưng rất kích thích người nghe. Huyết Tử quả thật chính tay thanh trừng toàn bộ Biệt Sơn trại nhưng cô không hề tuyên bố điều gì cả, tất cả chỉ do bọn người kể chuyện thêm thắt này nọ.
Tuy vậy lời nói đó cũng không phải không có ích, bằng chứng là sau sự diệt vong của Biệt Sơn trại những băng cướp khét tiếng khác ngay lập tức thu gọn địa bàn, một số khác giải tán mất tăm. Những tên tiểu tặc cũng trốn biệt đi đâu không ai rõ. Chỉ biết rằng sau vụ Biệt Sơn những người dân vùng đất Bắc này bắt đầu sống được cuộc sống bình yên nhất trong suốt mười mấy năm qua. Bách tính ai ai cũng đều cảm kích Huyết Tử đã ra oai trấn áp bọn Biệt Sơn mang lại cuộc sống bình yên cho họ, không ai biết bản thân Huyết Tử kể từ ngày hôm ấy không còn được yên ổn ngao du như trước nữa.
Trở lại khoảnh khắc Huyết Tử hạ được Độc nhãn đại vương kia. Cô đã làm một việc rất không nên làm vì nó mang lại cho cô khá nhiều phiền phức về sau, đó chính là đến trước gã họ Tôn và hỏi.
- Cảm giác của các hạ hiện giờ như thế nào?
Huyết Tử không cười nhưng ánh mắt hơi lộ nét cười. Tuy cô đã thu kiếm nhưng toàn thân vẫn toát ra nét âm trầm lạnh lẽo, người đứng gần không rét mà run. Gã họ Tôn gượng cười đáp:
- Thứ lỗi tại hạ có mắt mà không thấy Thái sơn. Bây giờ ta biết cô nương không nói đùa.
Ngay tiếp sau đó gã mời Huyết Tử đến bản doanh của Anh Hùng Hội một chuyến. Gã nói mọi người muốn tạ ơn cô đã thay huynh đệ trong hội trả thù cho cố Tổng đà chủ. Huyết Tử hiện tại cũng chưa xác định sẽ đi đâu, tung tích những người mình muốn tìm vẫn chưa tìm được nên dự định nhờ vào mối quan hệ rộng rãi của Anh Hùng Hội để tìm người nên cô nhận lời đi cùng bọn họ.
Đến phân đà của vùng Biệt Sơn, Anh hùng hội mở tiệc rượu mời Huyết Tử để cảm tạ việc cô thay họ trả thù. Bọn họ chuốc rượu cho cô một lúc chắc mẫm cô đã say rồi thì một vài người đến trước mặt cô xin cô “chỉ giáo cao chiêu”, nói là chỉ giáo cho thanh lịch thực chất chính là khiêu chiến. Rượu vào khiến Huyết Tử khá cao hứng nên cô đồng ý ngay. Sợ làm tổn hại mọi người nên cô dùng kiếm gỗ làm vũ khí.
Cuộc so chiêu bắt đầu, ban đầu cô cũng chỉ cho rằng mọi người cao hứng nên muốn cùng cô tỷ võ làm quen nhưng một lúc sau cô nhận ra họ muốn khử mình. Chuốc rượu xong liền khiêu chiến rồi xa luân đấu, kẻ nào cũng ra chiêu hiểm độc nếu bất cẩn sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Huyết Tử bất chợt nhận thấy con người quả là loại sinh vật kì lạ nhất thế gian, việc khó trước mắt đang cần có người làm thì chẳng có ai dám xung phong, có chăng cũng chỉ là miễn cưỡng. Nhưng một khi đã có người thay họ làm thì những con người ấy lại xem kẻ hào hiệp kia là một cái gai trong mắt.
Huyết Tử trong lúc vô công rỗi nghề tiện tay hạ một băn cướp vậy mà ngay lập tức cô bị xem như là kẻ thù nguy hiểm nhất của vùng đất Quyển Bắc này, bọn họ muốn lập tức trừ khử cô. Giữa chốn giang hồ hiểm ác này, Huyết Tử cảm thấy mình quả là một người còn quá ngây thơ, cũng may thân thủ của bản thân không tệ lẫn một thân thể khác người nên cô vẫn còn sống đến bây giờ, nếu không chắc đã xuống hoàng tuyền gặp Diêm Vương lâu rồi.
Tuy nhiên, Anh Hùng Hội không biết đối với Huyết Tử mà nói một ít rượu đâu thể làm cô say đến mức tối mắt không thể đối phó hiểm chiêu. Với thanh kiếm gỗ tầm thường trong tay, Huyết Tử đã “chỉ giáo” cho không ít người được “rơi răng đầy đất” hoặc "bầm mình tím mẩy".
Những ai “được chỉ giáo” đều cảm thấy uất ức nhưng biết rõ mình không phải là đối thủ của đối phương nên không manh động gì thêm. Một vài người ngỏ ý kết giao với cô, nói nào là “không đánh không quen biết”, “cô trả thù cho cố Tổng Đà chủ thì đã xem như có quan hệ ân tình với Anh Hùng Hội – chỉ cần cô cần gì họ sẽ lập tức đáp ứng”...
Huyết Tử đáp ứng kết giao với Anh Hùng Hội chỉ vì mong nhờ vào quan hệ rộng rãi của bọn họ để tìm người nhưng kết quả chỉ làm cô thất vọng. Cô nhờ người trong hội tìm giúp cô tung tích Hạnh Văn Tuấn Kiệt, thậm chí vẽ bức họa chân dung anh cho họ xem nhưng bọn người trong hội ai cũng khẳng định với cô rằng trong giang hồ khắp Nam Bắc hiện tại không có ai mang cái tên đó và có gương mặt đó. Anh có võ công lại không là người trong giang hồ vậy anh có thể là ai đây?
Có người nói với cô có thể Kiệt chỉ là cái tên giả, đa phần những người đi lại trên giang hồ không ai dùng tên thật, hoặc chỉ có mỗi danh hiệu. Nếu người làm việc bất chính càng không bao giờ nói tên thật, để kẻ thù có muốn truy tung cũng không thể. Càng nghe nói Huyết Tử càng thấy mình rơi vào một màng sương mù dày đặc.
Cô lại hỏi về Hồ Nam và Chấn An tiêu cục. Một vài người cho cô biết cái tên tiêu cục đó từng tồn tại, nó ở Quyển Nam nhưng đã biến mất cách nay mười mấy năm rồi, nói là biến mất thực chất là gở biển hiệu quẳng đi. Không ai biết thời đó Tổng tiêu đầu có phải tên là Hồ Nam hay không, muốn biết đích xác phải đến tận nơi, thông tin mới rõ ràng hơn. Ở đất Bắc đã không còn gì để lưu luyến, Huyết Tử quyết định rời khỏi để trở về phương Nam.
Trên đường về Nam Huyết Tử có ghé qua con suối cũ trên Tiên Sơn, cô ngồi soi bóng mình xuống dòng nước biếc, suýt chút nữa thì không nhận ra bản thân mình. Những tháng ngày qua phiêu bạt khắp nơi, nắng gió đã thật sự làm nhan sắc cô thay đổi, chưa bao giờ cô thấy mình bình dị hơn như thế, làn da nâu sạm, thân thể toát ra nét phong trần từng trải. Bây giờ cô chắc rằng dù mình có đứng trước Linh Lung Lầu cũng không ai nhận ra cô là kỹ nữ Phụng Nga sắc nước một thời.
Chỉ sau vài hôm dong ngựa thẳng về phương Nam, Huyết Tử đã đặt chân đến tả ngạn dòng Bảo Định Giang. Bảo Định Giang là dòng sông lớn nhất Đại Quyển quốc, chính nó đã ngăn chia Đại Quyển thành Quyển Bắc và Quyển Nam, dòng sông ấy quanh năm sóng vẫn cứ xô bờ tạo khúc nhạc rì rầm muôn thuở.
Đứng bên bờ Bảo Định Giang, Huyết Tử cứ thế tần ngần, những ký ức tưởng đã vùi chôn chợt ùa về như thác lũ. Tất cả chỉ như mới xảy ra một hai hôm trước, Minh Tâm chết, cô tự tay thiêu xác của ông rồi mang tro rắc xuống dòng sông rộng lớn này,… mới đó mà đã hơn ba năm. Ba năm cô gái ngây thơ hồn nhiên trong sáng đã phải một mình lăn lộn giữa cuộc đời, nếm trải những trò đời đen bạc… Mãi nghĩ suy nước mắt ứa ra từ lúc nào cũng không hay biết, đến lúc nghe môi mình mặn mặn Huyết Tử mới chợt giật mình nhận ra mình đang khóc! Chính giây phút cô rơi lệ sau bao năm nuốt ngược chúng vào tim, Huyết Tử đã trở lại là chính mình, là Tống Lệ Quyên chân chất ngây thơ, đa sầu đa cảm.
Gió đông lạnh buốt vô tình thổi mạnh làm mái tóc suôn mượt của Lệ Quyên cứ tung bay. Quyên xuống ngựa dắt cương con hắc mã, rồi một người một ngựa cứ chầm chậm rảo bước dọc bờ sông. Đi được quãng xa, cô gặp được một bến thuyền, bến thuyền này đông sang rồi cũng thưa khách hẳn. Quyên gọi một chiếc thuyền để sang sông, thật lạ trên bến sông này ngày hôm nay chỉ mỗi mình cô là khách.
Phu thuyền thấy có khách sang sông liền hăm hở mời khách xuống thuyền. Khách xuống rồi người phu thuyền chống cây sào dài cho thuyền tách bến, cánh buồm cũng được căng lên. Đang mùa gió Bấc, gió thổi theo hướng chính là từ Bắc xuống Nam nên thuyền trôi về nam với tốc độ khá nhanh. Trong phút chốc bờ phía bắc chỉ còn là một vệt mờ ở xa xa.
Đông sang, mùa đông này tuy không lạnh bằng những năm trước nhưng trên dòng Bảo Định Giang này vẫn có tuyết rơi, gió lại thổi mạnh làm buốt da người. Tuyết cứ lả tả rơi, gió rít lên những âm thanh vù vù bên tai làm người nghe giá lạnh cả tâm hồn. Lần qua sông này cũng như những lần trước, Lệ Quyên luôn đứng mãi ở mũi thuyền, phóng tầm nhìn ra xa và thả hồn theo mây gió. Một tiếng gọi nhỏ từ phía sau chỉ đủ mỗi mình cô nghe thấy:
- Lệ Quyên cô nương.
Lệ Quyên kinh ngạc quay lại. Đứng sau cô là một người thanh niên cao to vạm vỡ, làn da chàng trai sạm đen vì mưa nắng, trên môi anh chàng treo một nụ cười đôn hậu. Chàng ta chính là người ban nãy ân cần mời Quyên lên thuyền lúc ở bến sông. Quyên hơi ngạc nhiên:
- Sao anh biết tên tôi?
- Cô nương và nghĩa phụ cô trước đây rất thường xuyên qua lại trên con sông này. Lần đầu tôi gặp cô nương cô còn rất bé và tôi cũng còn bé. Có lần tôi và cô cùng đùa nghịch làm đổ rượu của lão bá…
- Vũ Chân, anh là Vũ Chân… ?
- Phải.
- Anh khác trước quá.
- Cô nương cũng thay đổi rất nhiều, nhưng dù cho cô nương có thay đổi thành như thế nào tôi vẫn nhận ra…
- Cám ơn anh!
- Sao cô nương lại cám ơn tôi?
- Không… không có gì…
- À, lần này về Nam, sao lão bá không đi cùng cô nương vậy?
- Nghĩa phụ tôi ấy à? Ông ấy sẽ không bao giờ về nữa, đã đi xa rồi. Người đang là dòng Bảo Định Giang mênh mông hùng vĩ… là gió là mây…
Vũ Chân hơi ngây người. Lệ Quyên buồn giọng nói.
- Ông ấy đã qua đời rồi, ba năm về trước.
- Tôi thật không ngờ, ông ấy phúc hậu vậy mà lại... Còn bây giờ, cô nương sống như thế nào?
- Trước kia thế nào thì giờ như thế ấy, chẳng có gì thay đổi cả.
- Tôi nghe lão bá nói cô nương thất lạc phụ mẫu từ khi lên năm tuổi, bây giờ cô nương đã tìm gặp họ hay chưa?
Một câu hỏi! Dẫu biết đó là sự quan tâm của người bạn thời thơ ấu dành cho mình, nhưng Lệ Quyên vẫn nghe con tim mình se thắt. Cô im lặng một lúc mới nhè nhẹ lắc đầu chứ không trả lời anh. Vũ Chân khẽ thở dài, có lẽ anh cảm thông cho tâm sự của Lệ Quyên.
- Lệ Quyên cô nương, bên ngoài này gió to, tuyết nhiều lạnh lẽo, ta hãy vào trong nói chuyện.
Quyên bước theo Vũ Chân vào bên trong mui thuyền. Trước một người quen cũ Lệ Quyên không có gì để phải ngần ngại, e dè nên vừa vào trong cô đã hỏi:
- Trong thuyền mình có rượu không anh?
- Có chứ! Cô nương muốn uống?
- Phiền anh mang cho tôi.
- Được.
Vũ Chân quay đi lúc sau trở lại mang theo hai vò rượu, anh đưa cho Quyên một vò. Quyên đỡ lấy, nhẹ mỉm cười:
- Cảm ơn! Anh cùng uống với tôi nhé.
- Theo ý cô nương vậy.
- Lâu rồi không gặp, anh đã có vợ con gì chưa?
Vũ Chân chỉ lắc đầu, cả hai rót rượu ra chén rồi cùng uống.
Qua gần hai ngày thì thuyền cập bến. Chia tay Vũ Chân, Lệ Quyên lên bờ, xuôi thẳng phương Nam, nơi đầu tiên cô quyết định đến chính là Nam Sơn Trấn.
Đi được hai ngày, Lệ Quyên mới chợt nhận ra mọi người đâu đâu cũng xôn xao, nhốn nháo, có vẻ như là vì mình. Cô chưa bao giờ gặp những con người này nhưng họ lại nhận ra cô, những lời bàn tán về cô cứ rộn lên ở khắp nơi. Nhưng phải nói rằng họ bàn tán về Huyết Tử thì đúng hơn, vì với bộ y phục của cô lẫn con ngựa màu lông đen huyền là đặc điểm dễ nhận dạng nhất của Huyết Tử.
Không lâu sau đó có vài người đến tìm cô thách đấu với nhiều lý do khác nhau như: ngưỡng mộ, so tài,... Lệ Quyên bắt đầu thấy phiền phức. Dù sao cô cũng là nhi nữ thường tình, thứ cô thật sự cần là một người thân, một người yêu thương và sẵn sàng che chở. Chứ không phải là những con người cứ gặp nhau đã lao vào đánh nhau rồi sau đó giảng hòa gọi nhau là bằng hữu, miệng thì cứ luôn luôn tụng niệm một câu: “không đánh không quen biết…”.
Lúc này, trong lòng Lệ Quyên chỉ còn mỗi một suy nghĩ phải tìm được mẹ và cha, sau đó tìm “anh” để hỏi cho rõ vì sao anh chuộc thân cho cô rồi lại bỏ rơi cô, ngày ra đi cũng không nói một lời từ biệt. Nếu anh cũng như cô vướng vào hành trình đào mệnh, cô tin rằng mình có thể giúp anh giải quyết. Chỉ khi anh không còn gì vướng bận thì cả hai mới có thể chung sống với nhau hạnh phúc, yên bình. Mơ ước của cô gái trẻ chỉ giản đơn như vậy, nhưng cô có thực hiện được nó hay không đó lại là một chuyện khác.
Không muốn rước thêm nhiều phiền phức về mình nữa, Lệ Quyên quyết định xóa bỏ hình ảnh Huyết Tử trong mắt mọi người. Tháo cương con hắc mã, cô thả cho nó tự do. Sau đó cô mua cho mình vài bộ y phục chủ yếu là màu xanh nhạt và trắng, con ngựa mới cũng màu trắng, tuy chỉ đổi thay một chút nhưng dường như đã không còn một ai có thể nhận ra. Có lẽ những con người ở vùng đất phía nam này chưa ai từng gặp mặt cô, giờ chỉ cần tránh mặt một vài người đã nhận ra cô hôm trước là sẽ được yên thân. Lệ Quyên cũng nhủ thầm là không thị phi nữa, ngày ngày cô rong ngựa thẳng hướng Nam Sơn Trấn.
Một ngày cuối xuân, ở Quyển Nam đã bắt đầu có những cơn mưa hè chợt đến chợt đi, như nhắc nhở mọi người hạ sắp sang rồi. Lệ Quyên đang thúc ngựa chầm chậm bước trên con đường lớn, một cơn mưa vụt qua làm y phục cô ươn ướt. Cô vẫn không dừng ngựa, cô đang cảm thấy khoan khoái trước cảm giác mát mẻ pha chút lành lạnh khi có cơn gió nhẹ lùa qua. Lệ Quyên bất ngờ chép miệng ngân nga một khúc ca quen thuộc mà cô đã học được khi mình còn ở Linh Lung Lầu.
Chợt có tiếng kêu vang vọng:
- Cứu mạng! Cứu người, có ai không làm ơn cứu người với!