Phong và An quay lại, thấy bà nội đã đứng trước cổng tự bao giờ không hay. Bà vận trên mình chiếc áo khoác nâu nâu, đã sờn chỉ và nhuốm màu thời gian. Tuổi tác khiến cho cái lưng bà hơi còng xuống và đôi chân thì không thể đứng vững được nếu như thiếu chiếc gậy gỗ kia.
Với kinh nghiệm mười mấy năm sống chung một nhà với bà, Hoài Phong nhận ra ngay sự khó chịu và không mấy thiện cảm trong câu nói của bà. Trái lại, Bảo An suy nghĩ đơn giản, cho rằng bà có ý mời thật, liền cười toe, cúi rạp người xuống lễ phép cảm ơn:
“Bà cho cháu vào nhà ạ? Cháu cảm ơn bà ạ! Ăn xong cháu xung phong rửa bát.”
Bà lão trạc bảy mươi tuổi, mái tóc đã bạc một màu sương gió, nghe vậy thì không mấy hài lòng. Khẽ chau mày và hừ một tiếng nho nhỏ, bà tập tễnh quay bước vào trong. Bảo An vẫn ngây thơ tin lời bà, hí hửng dắt xe đi theo sau lưng bà. Còn lại ngoài cổng, Hoài Phong khổ sở vò tung mái tóc, chân trái vô cớ đạp mấy phát vào cổng, miệng không ngừng oán than:
Play
Unmute
Progress: %
Remaining Time -:
Fullscreen
“An ơi là An… mày giết tao rồi!”
Bố Hoài Phong đi làm, thành thử trong nhà bấy giờ chỉ có bà nội, mẹ cậu và cô em gái tên là Hoài An vừa mới tan ca học ở trường.
Mắt cười, răng khểnh, má lúm, tất cả những thứ ấy đã tạo nên nét duyên dáng và xinh xắn trên gương mặt Hoài An. Cả hai anh em họ Lê đều có một điểm chung, đó là cực kỳ kiệm lời. Hoài Phong kiệm lời theo kiểu lầm lì, khó gần. Còn em gái cậu lại ít nói do bản tính hiền lành, nhút nhát, e thẹn và hay ngại. Khác với anh trai, Hoài An nhận được rất nhiều tình yêu thương từ phía bà nội, và người cha dường như cũng không quá thờ ơ, lạnh nhạt với em.
Mâm cơm đạm bạc, chỉ có một đĩa cá kho và bát cà muối, được đặt ngay ngắn trên chiếc chiếu nhựa dải giữa gian bếp nhỏ. Mọi người không ngồi vào bàn ăn giống như Bảo An vẫn thường hay làm ở nhà. Điều này khiến An hào hứng lắm, con bé ngồi sà xuống và reo lên đầy phấn khích:
“A… có quả cà muối này!”
Lúc mới gặp, Hoài An đã ngầm đoán người bạn này của anh trai là con nhà khá giả rồi. Em không nghĩ Bảo An lại có hứng thú với cái món bình dân này, bèn e dè hỏi lại:
“Chị thích lắm ạ?”
Bảo An gật đầu lia lìa, hai mắt híp tịt lại biểu lộ rõ vẻ vui sướng. Cà muối vốn là món khoái khẩu của Bảo An. Nhớ có lần về quê, được người bà con đãi món này, ngay từ lần đầu chạm đũa Bảo An đã mê tít rồi. Sau đợt ấy, Bảo An đòi mẹ mua mãi thôi nhưng bà Thục lại không muốn con gái ăn quá nhiều cái thức ấy. Bà cho rằng món đó không bổ béo gì, ăn vào lại dễ nổi mụn nữa. Vì thế, lâu lắm rồi hôm nay Bảo An mới gặp lại “người bạn” này, thử hỏi làm sao mà không mừng cho được?
Được trời phú cho cái tính hoạt ngôn, nên dù họng có đau cách mấy Bảo An vẫn nói liền mồm, liếng thoắng hệt một chú khướu. Hoài An có vẻ khoái nghe mấy câu chuyện mà chị An kể lắm, cười khúc khích suốt. Trong tất cả những người bạn của Phong, có lẽ Bảo An là để lại được ấn tượng tốt với mẹ cậu nhất. Không giống những cô bạn lúc trước Hoài Phong hay đàn đúm cùng, Bảo An chẳng hề động chút phấn son nào cả, cũng không tỏa ra hương thơm nồng nặc của những chai lọ nước hoa. Con bé mặc đồng phục nhìn có vẻ lành lành, dù hơi nhiều lời những lại rất đỗi vô tư, ăn nói có trước có sau, đúng kiểu con nhà gia giáo. Phong có những người bạn như thế này, thật khiến cho mẹ cậu yên tâm quá!
Mẹ và em gái cậu vui vẻ, cười nói góp chuyện với Bảo An là thế, cậu với bà nội lại lẳng lặng dùng bữa, chẳng hé răng nửa lời. Hoài Phong không nói, vì tâm trí cậu đang rối bời lắm đây. Nhìn xem, Bảo An cứ thoải mái, tự nhiên như vậy trong khi bà nội lại chẳng mấy vui vẻ, Hoài Phong liệu có cười được không?! Bà chắc hẳn sẽ nổi giận cho xem, và mỗi lần như vậy người gánh chịu cơn thịnh nộ của bà luôn luôn là hai mẹ con cậu.
“Miếng này không có xương, An ăn đi cháu.”
Bảo An đang cắm cúi bấm điện thoại, nghe bà nhắc tên mình bèn ngẩng phắt đầu lên, dùng hai tay đưa bát ra trước mặt, tí tởn nhận phần ngon mà bà phần cho.
“Cháu xin ạ.”
Một phút im lặng bao trùm khắp căn phòng nhỏ. Con bé nghệt mặt chưng hửng khi nhận ra “An” mà bà nhắc tới là “Hoài An” chứ không phải “Bảo An”. Ôi, thật là ngại quá, ngại quá đi! Để chữa “quê” cho An, mẹ Hoài Phong bèn gắp một miếng khác đặt vào bát con bé và dịu dọng nói:
“Khúc này cũng ngon này, ăn nhiều vào nhé!”
Cô em cùng tên ngồi đối diện thì chun mũi, cười khì khì với Bảo An đang đỏ mặt phừng phừng. Bà nội lại nói một câu không mấy liên quan, chẳng rõ bà là vì quan tâm nên nhắc nhở hay do bực tức mà trách móc nữa.
“Đang ăn mà cứ chúi mặt vào cái điện thoại, dễ đau dạ dày lắm đấy.”
Bảo An dạ dạ vâng vâng, tiếp thu lời chỉ giáo của bà, rồi gạt điện thoại sang một bên, tập trung ăn uống, tuyệt nhiên không nói thêm câu nào cho tới cuối bữa.
Người khổ tâm nhất lúc này có lẽ là Hoài Phong. Cậu đau khổ gục mặt xuống cánh tay đang chống lên đùi, hết chẹp miệng bất lực lại thở dài não nề. Cứ tình hình này, kiểu gì cậu và mẹ cũng phải nghe bà nội nói móc đến hơn một tuần là ít. Hoài Phong thực sự muốn xách cổ và đá phăng Bảo An ra khỏi nhà ngay lập tức.
Lương Bảo An… mày đúng là cục nợ rắc rối nhất đời tao!
Cơm nước no nê, Bảo An giữ đúng lời hứa ban nãy, xắn tay áo sẵn sàng dọn dẹp. “Nói lời phải giữ lấy lời”, cái đức tính ấy đã được ông ngoại Bảo An ngày ngày bồi đắp vào đầu con bé, ngay từ những ngày nó còn nhỏ xíu. Mẹ Hoài Phong muốn ngăn cũng chẳng được, đành để cho “song An” dắt díu nhau, bưng mâm ra giếng sau nhà rửa bát. Ở nhà, Bảo An thường rửa chén đĩa bẩn trong bồn vì vậy vừa nhìn thấy cái giếng, con bé lấy làm thú vị lắm. An hết lôi điện thoại ra chụp choẹt vài kiểu, lại nhòm hẳn đầu xuống giếng kêu lên mấy tiếng vô nghĩa:
“A a a… i i i… ê ê ê…”
Âm thanh vọng lên từ đáy giếng khiến Bảo An càng được đà “cãi nhau” với nó hăng say hơn. Trận chiến giữa An và cái giếng đã bám đầy rêu xanh đang đi vào hồi quyết liệt, bỗng bị câu nói phũ phàng của ai kia làm cho ngưng hẳn:
“Khéo lại lộn cổ xuống đấy thì khổ, không ai rảnh mà nhảy xuống vớt mày lên đâu.”
Bảo An giật bắn mình, cau có nhìn thẳng mặt cậu con trai đang đủng đỉnh tay đút túi quần, đứng tựa lưng vào góc tường. Tìm được đối thủ mới để đấu khẩu, An tha cho cái giếng chỉ biết nhại lại lời người khác kia. Đôi môi nhỏ cong lên chưa kịp thốt ra lời đáp trả đã bị Hoài Phong chặn họng, vẫn bằng giọng điệu đều đều quen thuộc:
“Mày nhận rửa bát mà cuối cùng lại để em tao gù lưng làm một mình thế kia hả?”
Bấy giờ Bảo An mới sực tỉnh, nhìn xuống thấy Hoài An đang miệt mài làm cả phần của mình, dù vậy em vẫn cười tươi và xua tay ra điều “Không sao đâu. Chị không cần áy náy.”
Bảo An vốn là con người có trách nhiệm, chỉ là đôi khi hơi bị ham vui tí tẹo thôi. Mặc kệ Hoài An có cản thế nào, con bé cũng ngồi xuống và thực hiện nốt nhiệm vụ của mình. Nhìn “song An” vừa hăng say lao động vừa nói chuyện tíu tít, chắc là hợp cạ lắm, Hoài Phong bất giác khẽ mỉm cười, trong lòng bỗng thấy khoan khoái, vui sướng lạ. Hoàn thành xong công việc của một cô gái đảm đang, Bảo An được mẹ Phong thưởng cho một đĩa đầy những múi bưởi tươi ngon.
“Bảo An ăn thử xem bưởi nhà trồng có ngon không cháu!”
“Nhà tự trông hả cô? Cháu thấy trong vườn rõ là nhiều cây, mà ngoài cây chuối ra cháu chẳng biết cây nào vào cây nào, hê hê.”
Bảo An thoải mải bỏ vào mồm mấy mũi bưởi đã được tách vỏ sẵn, đoạn thật thà thú nhận cái sự dốt của mình. Hoài An bình thường rụt rè và ít nói vô cùng, nhất là với những người mới gặp lần đầu, không hiểu sao với người chị này lại khác, em có cảm giác thân quen lắm. Hoài An mạnh dạn đề nghị
“Chốc nữa em mang võng ra ngoài vườn mắc cho chị An ngồi nhé. Rồi em chỉ cho chị các loại cây luôn.”
Tất nhiên là “chị An” đồng ý rồi, chẳng đợi thêm nữa con bé kéo phắt Hoài An dậy, tha thiết được ngồi võng ngay tức khắc.
Mọi khi, chiếc võng vải chỉ được sử dụng vào những ngày hè nắng nhẹ, hiu hiu gió thôi. Còn vào tháng đông, tiết trời gió rét thế này, chiếc võng được “nghỉ phép”, nằm tĩnh dưỡng trong tủ đồ. Nhưng hôm nay nhà có khách quý nên dù đang trong kỳ phép, chiếc võng cũng bị lôi ra lao động khổ sai. Hoài An buộc võng lên hai cây xoài trong vườn, kéo chị An lên ngồi và bắt đầu “bổ túc kiến thức về cây trồng” cho chị nghe. Đang ngồi đung đưa trên võng, luyên thuyên cho Bảo An nghe về mấy cái cây trong vườn, Hoài An chợt nhớ tới bài tập tiếng Anh chiều nay phải nộp, em xin lỗi Bảo An rồi luống cuống trở về phòng để học.
“Bảo An là học sinh lớp chuyên Anh của trường Khắc Ân đấy. Chỗ nào khó quá, thử ra hỏi chị ấy xem.”
Bảo An rất là “thiêng” nha, vừa nhắc tên là thấy lù lù xuất hiện rồi. Chẳng là ngồi ngoài kia gió quá, lại có một mình nên An chán, định vào nhà chào bà rồi đi về cơ. Nào ngờ lại nghe được lời đề nghị kia, con bé liền hào hứng giúp đỡ luôn. Tiếng Anh lớp sáu đối với Bảo An không khó, nhưng An lại chẳng có khiếu gõ đầu trẻ chút nào, khả năng diễn đạt truyền thụ kiến thức cho người khác cũng kém, thành thử nói mãi mà Hoài An vẫn chưa hiểu gì cả, cái đầu còn ù ù thêm nữa chứ. Còn hơn ba mươi phút nữa là tới giờ đi học rồi, Hoài An buộc phải lười một hôm vậy, dồn hết chỗ bài tập cho chị gái kia làm hộ. Xong hết tất cả, Bảo An còn nhiệt tình lấy xe đưa em tới trường, sẵn tiện về nhà luôn, hôm nay la cà thế đủ rồi.
“Chưa sạc đầy, chị rút ra như thế hại xe lắm.”
“Kệ đi, chị toàn làm thế mà, có sao đâu.”
Bảo An khoát tay, rồi một mực đẩy cô em nhút nhát ngồi lên yên sau. Như để em gái không phải quá bận tâm, Hoài Phong đứng bên cạnh còn bồi thêm một câu thế này:
“Khỏi lo thừa, chị ấy là chúa phá của mà.”
Người già thường ít ngủ, bà nội Hoài Phong chỉ ngả lưng một chút, nghe tiếng ồn ào ngoài sân, bà bèn thức dậy ra ngoài. Đứng phía sau, nghe thằng cháu trai chê bai cô bạn, bà liền phản bác lại giúp Bảo An.
“Mày cũng hơn gì người ta.”
Bị bà bóc mẽ tật xấu, Hoài Phong ngại quá nhưng lại chẳng làm được gì, quay ra lườm Bảo An một cái. Vô lý thật!
Thấy bà đã dậy, Bảo An mừng quá, vậy là có thể tạm biệt được bà trước lúc ra về rồi. Con bé chào bà và mẹ Hoài Phong một tiếng rõ to rồi nhanh chóng đưa Hoài An đến lớp. Hôm nay là một ngày quá đỗi tuyệt vời với cô tiểu thư họ Lương!
Buổi tối, Bảo An đưa mấy tấm hình đã chụp tại nhà Hoài Phong lúc sáng lên Facebook với dòng tiêu đề “Ra mắt!” Chúng bạn vào bàn tán rôm rả lắm. Cái Phương “chim lợn” tính hay buôn chuyện, nay vớ được “miếng mồi ngon” liền hí hứng bình luận.
“Tẩm ngẩm tầm ngầm mà… Ngày mai cả trường sẽ biết chuyện này.”
Cậu Đức lớp trưởng thì ngây thơ hỏi.
“Thật hả bà? Định bỏ học tảo hôn à?”
Bà Thục cực kỳ phản đối việc con gái tới nhà bạn ăn trực, đặc biệt bạn lại là con trai thì tuyệt đối cấm. Đưa những tấm hình này lên Facebook, An đã phải ngăn chặn cơ số những người có thể mách lẻo với mẹ, không cho họ xem. Anh chị em họ, hàng xóm láng giềng và cả những “con buôn” ở cửa hàng nữa đều bị hạn chế. Chỉ có Linh với Kỳ là vinh dự được chiêm ngưỡng những bức ảnh này thôi. An là tin tưởng hai bạn trẻ lắm đấy, nào ngờ cả hai lại lợi dụng lòng tin ấy mà đe dọa con bé. Chúng cùng vào xem ảnh và để lại một lời bình với nội dung tương tự nhau.
“Nếu không muốn để cô Thục biết chuyện tày đình này thì trưa mai, quán Gỗ, một bữa thịnh soạn. Đồng ý chứ?”
Lúc trưa đang dùng bữa tại nhà Hoài Phong, nhận được tin nhắn hỏi han của mẹ, Bảo An đã phải nói dối là ăn cơm ngoài quán rồi. Bây giờ để mẹ biết được, chắc là nó sẽ bị mẹ cấm cung dài dài mất. Thôi thì mất chút kinh phí để bịt miệng đôi kia cũng được, tiện thể khoe khoang tí luôn. Suy đi tính lại, An thấy mình cũng không bị thiệt thòi gì mấy.
Dù An không nhắc gì tới Phong và cậu cũng chẳng bình luận câu nào cả. Nhưng nhìn những tấm ảnh ấy, Lệ Băng đủ hiểu là An đã tới nhà cậu. Băng hay cùng cô chủ nhiệm tới nhà Phong để phản ánh và trao đổi với gia đình về tình hình của cậu ở trường, cô lạ gì nhà cậu đâu. Chiếc võng vải màu xanh bộ đội, giếng nước bám đầy rêu nhìn có vẻ cổ kính, cái cổng với giàn hoa giấy thơ mộng mấy thứ ấy đã trở nên quá quen thuộc với cô lớp trưởng này rồi. Lệ Băng không bình luận gì hết, cô chỉ lặng lẽ bấm nút “Like” rồi lấy ra từ ngăn kéo bàn học một chiếc máy ghi âm và bắt đầu tâm sự với nó. Đây là thói quen đã lâu của Băng – giãi bày mọi chuyện cả vui lẫn buồn với cái máy đó.