Tình Chị Duyên Em

chương 11

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Tôi với cậu Bảo ngồi ở ao nói chuyện rất lâu, đến khi có gia nô gọi cậu Bảo liền về trước. Tôi chưa muốn về, còn muốn ngồi đây ngẫm nghĩ, đến khi trời tối hẳn không còn thấy mặt người tôi mới lững thững đứng dậy. Dưới chân tôi cỏ cây ươn ướt hơi sương, thi thoảng lại có vài con nhái nhảy độp một phát chạm vào da thịt. Khi tôi đi được một nửa, bất chợt thấy hai bóng đen đứng một góc. Trời tối lắm, tôi không nhận ra ai đột nhiên có tiếng cái Yến cất lên:

– Dì, con xin dì. Dung là bạn của con, con không thể hại nó được.

Hoá ra là bà hai cùng cái Yến sao? Tôi không nghe rõ bà hai đáp gì, chỉ thấy tiếng cái Yến khóc nức nở:

– Bọn con cũng chỉ là những đứa trẻ thôi mà dì, nếu con biết trong hộp gỗ đó có hình nộm con sẽ không bao giờ mang vào buồng của cái Dung. Cả chuyện hai cây kim trên cổ áo bà cả, tại sao dì lại không cho con đi giải thích để cái Dung bị đánh oan nhừ từ như vậy. Con xin dì đấy, dì với bà Bích có tranh đấu thế nào cũng đừng lôi bọn con vào nữa. Con biết bà cả ác độc, hại bà Bích sẩy thai nhiều lần, hại cả dì nhưng con với cái Dung, cả em Chi, em Thành cùng cậu Bảo đều là những đứa trẻ vô tội. Bọn con chỉ mong dì và mọi người sống hoà thuận với nhau thôi. Con chưa từng có một người bạn nào trước khi gặp cái Dung, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn ở nhà, con thực sự không muốn tình bạn của con và Dung bị rạn nứt bởi sự tranh đấu của người lớn. Dì là dì ruột của con, con không thể bỏ dì, nhưng Dung cũng là bạn con… con không muốn mất đi một chút nào.

Tôi nghe xong, bất chợt sững người, đột nhiên có ánh đuốc lập loè rồi có tiếng gọi của gia nô:

– Mợ Dung ơi, ông gọi mợ về xơi cơm.

Tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà, không để ý tới cái Yến với bà hai được nữa. Lúc này cơm cũng được bày ra sập, ông Lý nhìn tôi rồi nói:

– Dung, con ngồi xuống đi.

Tôi lén nhìn bà cả, bình thường mỗi lần ông Lý nói bà phải xéo xắt tôi đôi ba câu mới chịu. Nhưng hôm nay bà không nói gì, gọi con Mít đến đưa cho cái đùi gà. Tôi thấy vậy liền ngồi xuống, con Mít nhận xong cái đùi gà cười hớn hở nói:

– Con đội ơn bà.

Phải công nhận bà cả đối xử với con Mít và vú Bảy chẳng khác gì con cháu trong nhà bảo sao nó thương bà đến vậy. Hôm qua không ai tin bà, mỗi nó với vú Bảy tin, nó còn ngồi giữa sân nhà khóc lóc đòi ông Lý thả bà ra. Khi tôi vừa cầm bát cơm lên cậu Bảo liền vội gắp chiếc đùi gà còn lại đặt lên bát tôi. Tôi nhìn cậu, bình thường mỗi lần trên dinh gϊếŧ gà hai cái đùi ngon nhất được dành cho cậu và con Mít, không thì cũng là cậu và ông Lý thế mà hôm nay cậu gắp cho tôi. Cậu cũng thật gan quá rồi, tôi hơi sợ hãi vội đặt cái đùi gà sang bát cậu. Cậu lại gắp lại cho tôi, bà cả thấy vậy thì mỉa mai:

– Gớm nữa, đẩy qua đẩy lại, con Dung ăn thì ăn luôn đi, ngứa hết cả mắt.

Uầy! Bà cả cho tôi ăn đùi gà? Tôi không dám tin nổi dù cái giọng có hơi khó chịu nhưng bà giục tôi ăn kia đấy. Trước có lần ông Lý gắp cho tôi bị bà mắng xơi xơi, bà bảo thứ như tôi chỉ ăn cơm độn với ít muối chứ ăn lắm làm gì cho béo mập rồi không được tích sự gì. Tôi cúi xuống vui vẻ đáp:

– Dạ, con đội ơn bu.

Bà không thèm đáp, gắp miếng thịt khác cho cậu Bảo còn ông Lý bà để mặc thái độ tỏ rõ sự không quan tâm. Ăn xong tôi bê bát ra giếng cho cái Mít rồi về buồng nằm, thấy bà cả bớt cay nghiệt mà lòng tôi cũng vui hơn đôi chút. Thế nhưng tôi nghĩ đến cuộc nói chuyện của cái Yến và bà hai ban nãy lại thấy nặng trĩu. Hoá ra, cái Yến cũng giống tôi, cũng là công cụ để cho người lớn đấu đá nhau. Đến hiện tại, tôi vẫn chưa thể khẳng định được mớ tơ vò giữa ba người phụ nữ lớn trong nhà rốt cuộc ra sao. Cái Yến nói bà cả hại bà hai, bà ba. Lần trước tôi cũng nghe bà ba nói việc sẩy thai của bà có liên quan đến bà cả, rốt cuộc ai đúng ai sai tôi cũng không rõ. Chỉ có điều, linh cảm cũng như trực giác của tôi lúc này lại sợ hãi hai người đàn bà nhìn có vẻ hiền lành nhưng lại một bồ mưu kế định dồn bả cả vào đường cùng kia hơn. Tôi cứ nằm nghĩ mãi rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay.

Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy bà cả đã lên phố huyện cùng ông Lý, cậu Bảo cậu Thành thì ra đồng tôm. Tôi ăn sáng xong định lượn lờ ra ao thì thấy cái Yến dứng trước dinh bà hai, hai mắt nó đỏ hoe cả lên. Nó nhìn thấy tôi không nói không rằng cúi gằm mặt rồi quảy hai cái thúng đi về phía ao. Khi nó quay đi, tôi chợt thấy trên cổ, trên tay và cả chân phần nào lộ ra đều có những vết hằn rớm máu như thể bị roi mây quất. Tự dưng không hiểu sao trong lòng tôi thấy bất an, hôm trước tôi cũng hơi hơi ghét nó vì nghĩ nó là người gài kim hại tôi. Nhưng cuộc nói chuyện tối qua giữa nó và bà hai thái độ sáng lại tôi lại thấy thương thương. Tôi không nghĩ ngợi được gì nữa, chạy theo nó rồi hỏi:

– Yến, cô sao thế? Cô khóc à?

– Tôi… tôi không sao?

– Không sao mà mắt đỏ hoe lên thế kia.

Vừa kéo tôi vừa vén váy nó lên, bất chợt toàn thân sững lại. Cả hai cái đùi đỏ tía, hằn lên những vết đánh không che nổi. Nó liền hất tay tôi ra đáp lại:

– Cô đừng làm thế, người ta thấy hết da thịt tôi bây giờ.

– Cô bị ai đánh?

– Tôi…

– Nói đi chứ, là bà hai đánh cô đúng không?

Tôi hỏi xong thì thấy mình hơi ngốc, nó là cháu bà hai, ai dám được phép đánh nó trừ bà ta kia chứ? Thế nhưng nó không đáp chỉ khẽ sụt sịt. Tôi thở dài vẫn lẽo đẽo theo sau. Đi được một lúc nó mới cất lời:

– Tôi xin lỗi.

– Xin lỗi chuyện gì?

– Không có gì, chỉ muốn xin lỗi thôi.

Nói rồi nó vội chạy nhanh ra ao vớt mấy đám bèo đang nổi. Vết thương kia còn đi vớt bèo, sao nó lại ngốc như vậy cơ chứ? Dù rằng tôi biết rõ bộ mặt thật của bà hai không tốt đẹp gì, nhưng hà cớ gì đến cháu bà ta bà ta cũng ra tay như vậy. Cái vỏ bọc lương thiện kia, giờ trong mắt tôi đã hoàn toàn không còn một chút nào. Đợi cái Yến vớt bèo xong, lúc đi qua gốc đa tôi liền nói:

– Yến, tôi với cô vẫn là bạn bè. Chúng ta sẽ không vì bất cứ ai, vì bất cứ chuyện gì của người khác mà phải trốn tránh nhau cả. Được chứ?

Cái Yến nhìn tôi, bật khóc nức nở chạy về. Tôi là con dâu bà cả, nó là cháu gái bà hai, có những chuyện tế nhị không thể nói ra, có những khoáng cách không thể lấp đầy, nhưng bản thân tôi cũng không muốn mất đi tình bạn này. Huống hồ nhìn nó bị đánh thành ra thế kia, tôi thật không nỡ oán trách. Chuyện hình nộm hay cây kim đều là do nó không biết kia mà. Tôi thở dài gánh hai gánh bèo về đặt trước dinh cho nó rồi lên buồng.

Đến tối bà cả về, vừa nhìn thấy tôi bà đã nói:

– Này, con kia. Mai mày về nhà mày hai ba ngày đi cho khuất mắt tao.

Tôi nghe xong kinh ngạc rồi nhảy cẫng lên hỏi lại:

– Bu, ý bu là bu cho con về nhà thầy bu con ạ?

Thế nhưng bà không thèm đáp mà đi thẳng vào buồng cậu Bảo, tôi cũng rón rén đi theo nhưng chỉ nép ngoài cửa nghe ba nói:

– Mai mày đưa con Dung về nhà nó, tính ra cũng ba tháng rồi nó không về. Ngày kia bu bảo thầy sang đón sau.

Tôi nghe xong, lòng dạ cũng muốn nhảy cẫng lên. Bà cả cho tôi về nhà, còn gì vui hơn. Tôi cũng nhớ thầy bu, nhớ chị Hạnh với thằng Tý quá đi mất. Cũng sắp Tết đến nơi rồi, nhớ cái độ tôi về đây là đầu đông, nhanh thật, qua Tết tôi mười lăm tuổi rồi sang Tết nữa đủ mười sáu, tôi với cậu Bảo sẽ phải thành thân. Tối hôm ấy vú Bảy đưa cho tôi hai bộ quần áo hoa rồi nói:

– Bà dặn đây là quần áo hoa cho mợ để mợ mặc về. Cón túi này là ít trà cho ông đồ Đạt, túi này là vải gấm cho bà Hoa với cô Hạnh, còn ít sách này cho là cu Tý.

Tôi nhìn mấy xách quà, tự dưng xúc động cay cả mũi liền chạy sang buồng bà cả gõ cửa. Vừa nhìn thấy tôi bà đã nói:

– Mày sang đây làm gì?

– Dạ, con sang để cảm ơn bu.

– Cảm ơn cái gì?

– Dạ thì là quà bu gửi cho bên nhà con đấy ạ.

Bà nghe tôi nói bĩu môi đáp:

– Mày đừng nghĩ tao hết ghét mày. Chẳng qua dù sao mày cũng được ông Lý lấy về làm dâu, tao không thể để mày về đấy rồi dân làng lại nói ra nói vào rằng là làm dâu nhà giàu mà keo kiệt, bủn xỉn. Mang tiếng cả tao ra

Bu con nhà này toàn cho người khác ăn dưa bở. Nhưng tôi vẫn cười hì hì đáp:

– Dạ, bu không cần giải thích nhiều với con vậy đâu. Con vẫn đội ơn bu mà.

Bà nghe tôi nói vậy liền đóng sập cửa mạnh rồi đuổi tôi đi. Tôi về buồng nằm vui mãi không thôi. Đến sáng hôm sau, tôi với cậu Bảo được thằng Thìn, thằng Tỵ hộ tống về đến tận nhà. Thầy bu tôi biết hai đứa về nên đã ra cổng đón từ sớm, nom thầy tôi sắc mặt hồng hào lắm. Cậu Bảo nhìn thấy thầy thì quỳ hẳn xuống hành lễ. Thầy tôi đỡ cậu dậy có nói không cần làm thế nhưng cậu bảo thầy trước là thầy đồ dạy cậu, giờ lại là thầy của vợ cậu, cậu không hành lễ không phải phép. Bu tôi thì cười tít cả mắt, bình thường ở nhà cậu Bảo toàn hành hạ tôi, khinh bỉ tôi ấy thế mà về đây cậu như con người khác. Nghe bu tôi nói thầy tôi sức khoẻ ổn hơn rồi, vụ lúa vừa rồi có tiền nên mời được thầy lang trên Kinh thành xuống cắt thuốc cho. Bu còn còn nói dành được khoản tiền, qua Tết sẽ cho thằng Tý đi học ở huyện. Tôi nghe xong mà mừng khôn xiết, chỉ có điều vẫn cứ thắc mắc sao vụ lúa năm nay lại dư dả như vậy mà không dám hỏi nhiều.

Chị Hạnh từ lúc tôi đến vẫn lúi húi dưới bếp nấu cơm, tôi để mặc cậu Bảo trên nhà nói chuyện chạy xuống phụ chị. Hai chị em gái lâu ngày gặp thành ra có nhiều điều để kể. Chị bảo qua năm bên nhà cậu Phúc cũng đến dạm ngõ rồi rước chị về. Thế là cuối cùng chị Hạnh cũng được gả cho người chị thương. Chị có hỏi tôi sống bên nhà ông Lý có tốt không. Thực lòng, tôi chẳng thấy tốt chút nào, mới được ba tháng ăn không biết bao nhiêu trận đòn, còn chưa kể vẫn đang mông lung trong vòng xoáy đấu đá ở nhà ông Lý. Thế nhưng tôi không nói gì, chỉ ừ ừ gật gật cho chị đỡ lo. Khi chị Hạnh bê mâm cơm lên nhà, đột nhiên tôi thấy cậu Bảo hơi sững lại. Ánh mắt cậu nhìn chị, vừa như lạ lẫm, vừa như quen thuộc. Lúc này tôi đột nhiên cũng sực nhớ ra, lần đầu cậu hết đả kích tôi chẳng phải khi cậu biết tôi là con gái thầy đồ Đạt hay sao? Lần bu cậu đánh, tôi có nghe bà nói, mối tình bọ xít của cậu với con thầy đồ Đạt… tôi chưa từng gặp cậu… vậy người gặp cậu hồi nhỏ chính là chị Hạnh sao? Cậu còn nhầm tưởng chị Hạnh là tôi nên mới tôi thích ăn xôi giò. Không hiểu sao tự dưng tim tôi khẽ nhói lên như thể có kim châm ở đó, tôi cũng đâu phải ngốc nghếch gì mà không đoán được mọi chuyện, chỉ là cảm thấy có chút mất mát. Nhưng rồi tôi mau chóng quên đi khi thầy bu hỏi han chuyện. Về nhà thích thật, bình yên ấm áp hơn hẳn, chẳng cần giàu sang gấm hoa chỉ cần giản đơn thế này cũng đủ khiến tôi thấy hạnh phúc vô bờ. Đêm ấy cả nhà tôi ngồi giữa sân vừa ăn lạc luộc, vừa uống trà ngắm trăng. Ánh trăng trên trời tròn vành vạnh chiếu xuống đất, tiếng cười nói rộn ràng cũng khiến muộn phiền trong tôi như tan biến đi hết.

Đến chiều muộn hôm sau bà cả mới cho người đến rước tôi với cậu Bảo về. Vừa ra đến cổng tôi cũng sụt sịt nước mắt ngắn nước mắt dài. Bu tôi cười cười nhưng cũng đỏ cả sống mũi. Khi đi khỏi làng cậu Bảo liền quay sang tôi an ủi mấy câu. Thế nhưng tôi không đáp, về đến nhà thì nằm vật ra giường. Ước gì mà tôi chưa đi lấy chồng, được ở mãi với thầy bu, với thằng Tý thì tốt biết mấy. Từ lúc nhìn ánh mắt cậu Bảo dành cho chị Hạnh, tâm trạng tôi cũng tệ thêm vài phần. Đêm đến tôi không ngủ được liền mở cửa buồng đi ra ngoài đứng dưới sân thơ thẩn nhìn ánh trăng. Trăng đêm nay khuyết hơn đêm qua, mờ mờ đục đục, đột nhiên tôi thấy dưới hiên của dinh bà hai cái Yến đang ngồi bó gối một góc. Hình như nó lại khóc, hai vai nó run lên bần bật, tôi liền tiến lại gần, nhưng khi bước gần đến tôi bỗng khựng lại. Trước mặt tôi không phải cái Yến… mà là thằng bé ba tuổi quen thuộc. Tôi sợ hãi, hai chân run lẩy bẩy, nó ngồi ở ngay chính giữa cửa lớn dinh bà hai nhìn tôi chằm chằm. Tôi nuốt nước bọt, định quay đi nó liền nói lớn:

– Chị Dung!

Hai tiếng chị Dung được nó gọi vang vọng như từ cõi âm đi lên. Tôi thở mạnh, tim cũng như ngừng đập mà vẫn cố đáp lại:

– Ừ ừ… sao em lại ở đây.

Nó nhìn tôi hai tròng mắt đen hoắm, ánh trăng lờ mờ khiến tôi không thể nhìn rõ được gương mặt ấy. Tôi nuốt nước bọt, một thứ cảm giác bất an khẽ dấy lên. Đột nhiên đứa chồm người lên nắm chặt tay tôi, bàn tay nó khi chạm thịt tôi làm tôi như chết sững, lạnh toát đến ghê rợn. Nó không nói không rằng, kéo đi ra phía sau nhà. Tôi không muốn đi, nhưng không phản kháng nổi. Dù cho chân tôi cố bấu xuống nền đất nhưng vẫn bị kéo lê trên nền cát đen một cách dễ dàng. Tôi cố rút tay ra, mà không rút nổi liền gào lên:

– Buông tay chị ra, buông tay chị ra.

Nó vẫn không buông, bỗng dưng tôi chợt nhận tôi và nó đi cùng nhau, vậy mà dưới ánh trăng chỉ thấy bóng tôi đổ dài. Đứa bé này không có bóng? Tôi run sợ cắn chặt môi, chẳng lẽ nó là ma? Mới nghĩ đến đây sống lưng tôi đã lạnh buốt, càng cố rút tay càng bị nó bóp chặt. Đến khi định thần lại đã thấy mình đang đứng ở dưới gốc đa. Tôi quay sang nhìn thì đứa bé cũng biến mất, chỉ thấy dưới ao bong bóng đang nổi lên phập phồng. Gai ốc trên người tôi dựng hết lên, có rất nhiều tiếng khóc cất ở dưới ao cứ vang vọng hoà cùng tiếng gió rít, mặt nước một màu máu đỏ tanh lòm bị ánh trăng chiếu rọi kinh hãi đến tột cùng. Tôi xoay người cố chạy, nhưng bàn chân đã bị ai đó giữ lại. Đến khi nhìn xuống thì như muốn ngất đi, ngay dưới chân tôi hai bên là hai hình hai bào thai còn đỏ hỏn nhớt nhát máu me. Tôi gào lên, gào đến vô vọng nhưng không một ai cứu lấy tôi. Dưới ao, tiếng khóc ai oán mỗi lúc một lớn, đứa bé ba tuổi bỗng bám tay lên rìa ao nghẹn giọng nói:

– Chị Dung ơi, cứu chúng em đi, chỉ có chị mới cứu được chúng em thôi. Cứu chúng em đi, cứu chúng em đi chị Dung.

Tôi không thể thốt nổi lên lời, cứ ú ớ không thôi. Người tôi lúc này cũng như trên mây trên gió, sự sợ hãi đến tột cùng khiến tôi không còn bất cứ cảm giác gì nữa rồi bất chợt ngã vật ra. Đến khi tỉnh lại, mở mắt ra liền thấy tiếng gió rít qua tai, nhìn xung quanh đột nhiên toàn thân như bất động bởi không còn là mơ nữa, mà quả thực tôi đang nằm ngay rìa ao. Bên dưới mặt nước bị gió thổi cuộn lên từng đợt sóng, tiếng lá cây xào xạc, tiếng ếch nhái vang lên từng đợt…

Truyện Chữ Hay