Tiêu Phòng Ký

chương 13: tiền duyên (8)

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Năm tháng trôi nhanh như gió thoảng, thời gian một đi chẳng trở lại. Thoáng chốc, một năm nữa lại qua đi, mùa đông rét mướt lại đến.

Vừa đến lập đông, tiết trời lạnh hơn nhiều, nhưng vẫn chưa có tuyết. Đế đô đặt tại thành Kim Lăng, mùa đông Giang Nam vẫn còn mưa phùn, trong mưa có xen lẫn tuyết, không lạnh khô như phía Bắc, mà cái rét ẩm ướt phương Nam lại càng khó chịu hơn bội phần.

Một năm qua đi, triều đình sóng gió chẳng ngừng. Lý Phù Tô lại rất nhàn nhã, ngày ngày ở trong Tầm Mộng cư, hết vẽ tranh gảy đàn lại đọc sách viết chữ, dường như quên mất hôm nay là hôm nào, đêm nay là đêm chi.

Chiều hôm ấy, trời đổ cơn mưa phùn nhỏ, rỉ rả tí tách bên mái hiên. Bầu trời xám xịt u ám, tường đỏ ngói xanh cũng chìm trong một màu ảm đạm.

Lý Phù Tô bày bàn cờ vây ra, ngồi bên cửa sổ tự mình chơi cờ. Trên bàn cờ vuông vức chỉ rộng chừng vài gang tay, hai bên trắng đen dàn ra thế trận, tìm mọi cách công thành chiếm đất, nuốt chửng lãnh thổ của đối phương. Bàn cờ nhỏ bé bỗng hóa thành chiến trường, còn chàng lại là kẻ điều binh khiển tướng, toan tính thiên hạ.

Nhấc quân cờ trắng bằng bạch ngọc lên tay, đang trầm ngâm suy nghĩ nước cờ, Lý Phù Tô chợt nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc, bèn ngẩng đầu lên nhìn. Ánh vào mắt chàng đầu tiên là nụ cười rạng ngời như nắng ấm mùa xuân xua tan cái giá rét ngoài trời của nàng.

Vệ Trường Lạc tươi cười bước vào, bưng trên tay một cái bát bằng sứ Cảnh Thái Lam. Nàng đặt bát sứ lên bàn, đưa tay mở nắp ra. Từ trong bát, một làn khói trắng nghi ngút bốc lên, mang theo mùi thơm sực nức.

Vệ Trường Lạc cười nói:

"Mấy hôm nay chàng gầy quá, thiếp vừa xuống bếp nấu cho chàng một bát canh gà bồi bổ cho lại sức."

Lý Phù Tô liếc nhìn mấy đầu ngón tay đỏ ửng lên vì rét của nàng, thoáng nhíu mày lại, rồi đưa tay kéo nàng vào lòng. Chàng đặt bàn tay nhỏ bé của nàng vào lòng bàn tay mình, liên tục chà xát, ủ chút hơi ấm. Cúi xuống hôn lên những ngón tay ngà ngọc đã thô ráp đi ít nhiều, chàng đau lòng thở dài:

"Trước khi Kiều Kiều gả cho ta, mười đầu ngón tay quanh năm không thấm nước. Cũng tại vi phu vô dụng, cả năm nay quả là khổ cho nàng rồi."

Tuy rằng bàn tay chàng lạnh lẽo, vốn chẳng giúp nàng ấm thêm là bao, nhưng Vệ Trường Lạc lại thấy lòng ấm áp vô cùng. Nàng tựa đầu vào vai chàng, thủ thỉ:

"Vì chàng thì có khổ mấy Kiều Kiều cũng thấy hạnh phúc."

Nói đoạn, nàng ngẩng đầu lên, giục:

"Trời này canh mau nguội, chàng mau ăn đi, nguội rồi sẽ không ngon, uổng phí công sức của thiếp hầm suốt mấy canh giờ đó."

Lý Phù Tô liếc nhìn bát canh trên bàn, cười khổ nói:

"Kiều Kiều quên là vi phu chay trường từ nhỏ hay sao?"

Vệ Trường Lạc phụng phịu bảo:

"Thiếp biết chứ. Nhưng mà sức khỏe chàng không tốt, mấy hôm nay gầy đi nhiều quá, hiện giờ thức ăn chay trong cung cũng không như trước, thiếp sợ chàng sinh bệnh..."

Dừng một lúc, nàng hừ một tiếng, nói:

"Đành rằng năm đó vị đại sư kia từng nói nếu chàng giữ được thập giới của Phật môn thì có thể tích nhiều phước đức, thọ mệnh kéo dài. Nhưng mà ngày nào chàng cũng phá sắc giới mà chẳng sợ sệt gì, sao bây giờ ăn một miếng thịt cũng lo sợ?"

Lý Phù Tô bật cười, đặt nàng ngồi lên đùi mình, cúi đầu cắn nhẹ một cái lên vành tai nàng, thì thầm nói:

"Nếu vi phu không phá sắc giới, dù ta có sống thọ hơn, Kiều Kiều cũng khác gì ở góa cả đời đâu."

Vệ Trường Lạc vội vàng lấy tay che miệng chàng lại, nói:

"Chàng chớ nói lời không may..."

Lý Phù Tô thấy nàng sợ xanh cả mặt, cũng không nhắc lại chữ đó nữa, chỉ thở dài, xoa đầu nàng, bảo:

"Thôi, cực chẳng đã Kiều Kiều là tiểu oan gia của ta, vi phu chỉ đành gác sắc giới sang một bên. Còn những thứ khác, vẫn cứ giữ thì hơn."

Vệ Trường Lạc thất vọng trong lòng, nhìn bát canh trên bàn, tiu nghỉu nói:

"Uổng công người ta hầm mấy canh giờ, cuối cùng lại bỏ đi..."

Lý Phù Tô mỉm cười, bảo:

"Tại sao lại bỏ đi? Kiều Kiều phí nhiều công sức như vậy, vi phu sao nỡ dùng một mình. Hay là như vầy, vi phu uống nước canh, Kiều Kiều ăn thịt gà, có được không?"

Vệ Trường Lạc sáng rực mắt lên, gật đầu đáp:

"Được, được, chàng mau uống đi kẻo nguội. Để thiếp đi lấy thêm muỗng..."

Lý Phù Tô kéo tay nàng giữ lại, tủm tỉm nói:

"Chẳng phải có ở đây rồi sao, lấy thêm làm chi? Phu thê bao lâu rồi, còn cần câu nệ làm gì."

Vệ Trường Lạc thoáng đỏ mặt lên, đấm nhẹ vào lồng ngực chàng một cái, rồi mới ngồi xuống. Cứ thế, hai phu thê người một muỗng, ta một muỗng, chậm rãi thưởng thức canh gà.

Ăn xong, Vệ Trường Lạc đưa mắt nhìn ra ngoài bầu trời u ám, bỗng chợt cất tiếng nói:

"Sáng này thiếp nghe tin từ bên ngoài truyền đến, nói rằng... nói rằng vị ở trong cung Càn Thanh đã trở bệnh nặng, tình hình không lạc quan lắm..."

Lý Phù Tô đang cầm quyển Nam Hoa kinh đọc, nghe vậy, cũng chỉ hơi khựng lại một chút, rồi lại tiếp tục lật giở trang sách, chỉ điềm nhiên "ừ" một tiếng.

Vệ Trường Lạc liếc nhìn chàng, chần chừ một lúc, lại nói tiếp:

"Thiếp thấy có lẽ cô trượng chỉ là nhất thời tức giận, cũng chưa hẳn là bỏ mặc chàng. Một năm nay, tuy ngài hạ chỉ phế chàng, nhưng vẫn giữ chàng lại trong cung, chỉ giam lỏng ở Đông cung..."

Nàng vừa nói tới đây, đã bị Lý Phù Tô nhắc nhở:

"Kiều Kiều nên gọi là Văn Hoa cung thì hơn, cẩn thận tai vách mạch rừng, người nói vô ý, người nghe hữu tâm."

Vệ Trường Lạc gật đầu, sửa miệng lại, nói:

"Bệ hạ chỉ giam lỏng chàng trong Văn Hoa cung này, chứ chưa phong vương cắt đất lệnh cho chàng đến đất phong, trong khi nhị điện hạ và tam điện hạ đều vẫn còn ở đất phong, chưa có lệnh của bệ hạ thì không được hồi triều. Thiếp nghĩ, so ra thì bệ hạ vẫn là yêu thương chàng. Đợi ngài nguôi giận, có thế sẽ..."

Lý Phù Tô khẽ cười, nói:

"Kiều Kiều, chúng ta chỉ là thần tử, không nên tự tiện suy đoán thánh ý."

Vệ Trường Lạc thấy chàng bình tĩnh như vậy, dường như mình đã lo lắng không đâu, bèn cúi đầu, lẩm bẩm:

"Thiếp chỉ sợ chàng buồn..."

Lý Phù Tô ôm nàng vào lòng, dịu dàng vuốt tóc nàng, từ tốn nói:

"Kiều Kiều đừng lo nghĩ gì cả. Bây giờ chúng ta không thể làm gì khác ngoài bình tĩnh chờ đợi."

Vệ Trường Lạc ngước nhìn chàng, kinh ngạc hỏi:

"Chờ đợi? Chờ đợi cái gì?"

Lý Phù Tô chỉ vào ván cờ vây đang dang dở trên bàn, cười hỏi:

"Kiều Kiều nhìn ván cờ này, đoán xem quân trắng hay quân đen sẽ thắng?"

Vệ Trường Lạc không giỏi chơi cờ, nhưng vừa nhìn cũng đã thấy ngay kết quả, đáp:

"Tất nhiên là quân đen thắng, quân trắng thua. Quân đen đang thắng thế, quân trắng đã bị quân đen vây trong góc chết, sao mà có cơ hội trở mình?"

Lý Phù Tô mỉm cười, đưa tay cầm một quân cờ lên, đi thêm vài nước nữa. Vệ Trường Lạc nhìn lại bàn cờ, bỗng thấy quân trắng đã tìm được đường sống, dần dần thâu tóm quân đen.

Nàng sững sờ, liếc mắt nhìn phu quân, chỉ thấy chàng vẫn tủm tỉm cười như gió xuân, chẳng nhìn ra được cảm xúc gì.

Nàng chợt nhận ra, mình chưa từng nhìn thấu được lòng chàng.

Lý Phù Tô ôm nàng trong lòng, kề sát vào cổ nàng, khẽ ngửi một chút, tán thưởng:

"Kiều Kiều của ta thơm quá."

Vệ Trường Lạc nghe vậy, nhanh chóng quên đi những khúc mắc ban nãy, vội vàng cầm chiếc túi hương bên eo lên, tự hào khoe:

"Không phải chàng nói thích mùi hương này sao? Mỗi ngày thiếp đều đeo theo bên mình."

Lý Phù Tô gật đầu, hôn lên má nàng một cái, xem như khen thưởng, nói:

"Kiều Kiều ngoan lắm."

....

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, thoáng chốc đã tới tháng chạp cuối năm. Gần đến tiết Nguyên Đán, hậu cung chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy đón năm mới, tiền triều lại dậy sóng.

Sau khi Đông cung thái tử bị phế, nhị hoàng tử Việt Vương trấn giữ Lưỡng Quảng và tam hoàng tử Tần Vương trấn giữ Tây Bắc đều ngấm ngầm cạnh tranh nhau, lăm le ngôi trữ quân. Chẳng may cuối năm Thành Vũ ba mươi, vùng Lưỡng Quảng có nạn dịch, loạn quân nổi lên, nhị hoàng tử sợ mất lòng phụ hoàng, chậm trễ không báo, cuối cùng để mất hai tòa thành vào tay quân phiến loạn.

Thành Vũ đế nằm trên giường bệnh, hay tin dữ này, thánh nhan đại nổ, giáng nhị hoàng tử xuống tước hầu, lại lệnh cho Tần Vương điều quân từ Tây Bắc xuống phía Nam dẹp loạn.

Có lẽ vì quá hao tâm tổn sức, tháng chạp năm đó, Thành Vũ đế trở bệnh nặng.

Ngày mùng hai tháng giêng năm Thành Vũ thứ ba mươi mốt, đế vương băng hà, thành Kim Lăng chìm trong màu tang tóc, Tử Cấm Thành vang tiếng khóc than.

Truyện Chữ Hay