Tiệm Đồ Cổ Á Xá

quyển 1 chương 5-1: kiếm việt vương (2)

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Type: Dandelion

.

“Chào mừng ghé thăm”. Gã chủ tiệm ngẩng đầu lên, khi thấy người bước vào tiệm, bàn tay đang lau chiếc gối gốm liền dừng lại.

Người bước vào là một người đàn ông trung niên tuổi chừng bốn mươi, gương mặt với các đường nét rõ ràng, trên sống mũi cao là cặp kính gọng vàng. Tuổi tác để lại trên trán ông mấy nếp nhăn nhưng vẫn không làm giảm bớt khí chất nho nhã của ông. Tay ông vịn vào một chiếc batoong, có vẻ như chân ông đi lại hơi khó khăn.

“Giám đốc, đã lâu không gặp”. Mặc dù có chút ngạc nhiên nhưng khuôn mặt gã chủ tiệm vẫn giữ nụ cười quen thuộc.

Người vừa tới là giám đốc viện bảo tàng thành phố vừa mới nhậm chức, gã chủ tiệm từng đọc không ít tin về ông trên báo chí.

Qua ánh đèn mờ ảo trong tiệm, giám đốc sứng sờ nhìn gương mặt gã chủ, một hồi lâu sau, mới thốt lên như không dám tin vào mắt mình: “Hơn hai mươi năm không gặp, sao cậu không thay đổi chút gì…”.

Nụ cười trên gương mặt gã chủ trở nên sâu hơn.

Ông giám đốc năm nay bốn mươi lăm tuổi, tốt nghiệp khoa lịch sử của một trường đại học danh tiếng. Làm việc hơn mười năm trong viện bảo tàng của vùng náy, đầu năm nay cuối cùng cúng tiếp nhận vị trí giám đốc, trở thành giám đốc mới của viện bảo tàng.

Thực ra khi còn nhỏ ông giám đốc không có chút hứng thú nào với những thứ cổ vật lạnh lẽo này, nhưng một năm nọ khi ông mười mấy tuổi, ông gặp một người vô cùng đặc biệt, sau khi xảy ra một chuyện lớn làm thay đổi cuộc đời, ông liền trở nên đam mê cổ vật.

Nhưng ông không ngờ sau bao nhiêu năm giờ trùng phùng, tướng mạo người ấy không hề thay đổi chút nào, vẫn trẻ trung như hơn hai mươi năm trước.

Có điều, chuyện này là không thể.

Sự bất ngờ ban đầu của ông giám đốc chí lướt qua rồi biến mất, ông tự cười nhạo mình: “Chắc là tôi nhận nhầm người rồi, tôi có người bạn đã lâu lắm không gặp, hơn hai mươi năm trước ông ầy nhìn rất giống cậu”.

Gã chủ tiệm trẻ tuổi vẫn giữ nụ cười máy móc, gã phát hiện ra ông giám đốc này không để ý tới cậu “đã lâu không gặp” anh vừa nói, nên coi như mình chưa hề nói câu ấy, gã thuận theo ý ông giám đốc, tiếp lời: “Người ông nói chắc là bố tôi”.

Đôi mắt giám đốc sáng lên: “Vậy lệnh tôn đang ở đâu?”

“Bố tôi đang đi du lịch nước ngoài, gần đây chắc đi Ai Cập, trong thời gian ngắn thì chưa về được”. Gã chủ tiệm trẻ tuổi mỉm cười đáp, thái độ thành thật và thẳng thắn khiến người khác không thể nghi ngờ.

“Ồ, vậy thì tiếc quá”. Ông giám đốc tiếc nuối đẩy gọng kính trên sống mũi: “Tiệm đồ cổ này mới mở phải không. Trước đây tôi chưa từng nghe nói”.

Là giám đốc viện bảo tàng, đương nhiên ông nắm rõ các tiệm đồ cổ lớn bé trong thành phố này như lòng bàn tay. Mặc dù hiện nay trong tiệm đồ cổ rất ít khi xuất hiện đồ cổ có giá trị thực sự, nhưng không có gì là tuyệt đối. Tối nay ông tới thăm nhà bạn, lúc đi qua con phố này thì phát hiện ra tiệm đồ cổ có cái tên kỳ lạ này.

Á Xá.

Cổ vật không thể nói chuyện, chúng mang trong mình những câu chuyện trăm nghìn năm, chẳng ai lắng nghe…giống như câu nói cửa miệng của người ấy.

“Mở được một thời gian rồi”. Gã chủ tiệm cười đáp, gã mở tiệm này ít nhất đã hai, ba năm,nhưng do tên tiệm lạ lùng, nhiều người không nhận ra đây là tiệm đồ cổ. Người đẩy cửa bước vào vô cùng ít ỏi, nói gì tới khách quen hay lui tới.

Có điều gã mở tiệm đồ cổ này ở đây cũng không phải để kiếm tiền, người có duyên với đồ cổ sớm muộn sẽ xuất hiện.

Chỉ là không ngờ tối nay giám đốc lại đẩy cửa A Xá bước vào, điều này khiến gã chủ tiệm chau mày.

Ông giám đốc ngẩng đầu nhìn ngắm xung quanh, cảm thấy bất mãn với ánh sáng yếu ớt ở đây, ông bắt đầu dùng giọng dạy dỗ của tiền bối với hậu bối: “Tiệm đồ cổ sao lại mở đến tối thế này? Cậu không biết thế nào là ‘không nhìn màu dưới ánh đèn’ à?”.

“Không nhìn màu dưới ánh đèn’ là quy tắc trong nghề bán đồ cổ. Ý nói sau khi trời tối tiệm đồ cổ nên đóng cửa, do ánh sáng không tự nhiên dễ vàng thau lẫn lộn, mua vào hoặc bán đồ giả ra ngoài.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân ông đẩy cửa bước vào tiệm đồ cổ này không chút do dự, hơn nữa khi thấy chủ tiệm trẻ tuổi thế này ông càng chau mày hơn.

Xét cho cùng ông cảm thấy những thứ như đồ cổ nếu không có nhiều năm tích lũy kinh nghiệm thì khó mà nắm bắt hết được. Chàng thanh niên trẻ tuổi trước mặt cũng chỉ ngoài hai mươi, khiến người ta có cảm giác không đáng tin cậy.

Có điều, năm xưa khi ông gặp người ấy, cũng tầm tuổi này…

Nhìn khuôn mặt quen thuộc dưới ánh đèn, ông giám đốc sững người, rồi lắc đầu. Ông nói với bản thân: Người ấy rất khác, khác tất cả mọi người.

Gã chủ tiệm vẫn mỉm cười lặng lẽ, tiệm đồ cổ của gã vồn không bán hàng, đóng hay mở hoàn toàn do ý thích của gã. Chỉ là trước nay gã không ở lại một chỗ nhiều năm lúc này thấy người đã nhiều năm không gặp bỗng dưng xuất hiện trước mặt mình, dung nhan già đi, chỉ có thể nhìn thấy chút bóng dáng năm xưa, lại dùng khẩu khí xa lạ nói chuyện với gã, đấy quả là trải nghiệm mới mẻ đối với gã.

Giám đốc nhìn mọi đồ vật trong tiệm với ánh mắt soi mói, đương nhiên thấy ngay chiếc gối sứ gã đang lau chùi trên quầy.

“Đây là… gối sứ xanh của Việt Dao?”. Đôi mắt giám đốc bừng sáng, cúi người cẩn thận cầm nó lên.

Cốt gốm màu xám, chắc chắn, mịn màng. Men là men xanh, trong suốt trơn bóng, như ngọc như băng. Bên trên có hoa văn gân lá, tay sờ vào mát rượi, dựa trên kinh nghiệm ông phán đoán, niên đại của chiếc gối sứ này ít nhất cũng vào khoảng giữa Ngũ đại Thập quốc và đời Đường, còn nhìn từ góc độ màu sắc, thậm chí có thể là “bí sắc sứ” trong truyền thuyết.

Về “bí sắc sứ”, người đời trước đây nhắc tới nó đều dựa trên văn kiện thời Tống, nói vào đời Ngũ đại Thập quốc, loại sứ này được nung riêng cho cung đình nước Ngô Việt ở Hàng Châu, thần dân không được sử dụng. Còn về màu men, cũng giống như tên gọi của nó, bí ẩn chứ không phô trương, người đời sau chỉ biết đến vẻ đẹp khác thường của nó qua thơ văn mà thôi. Cho đến những năm tám mươi của thế kỉ XX, một lô bát đĩa “bí sắc sứ” khai quật được ở bảo tháp chùa Phù Phong Pháp Môn, Thiểm Tây mới khiến người đời biết được bí sắc sứ thật sự là như thế nào.

Mà lúc này trong tay ông chính là sứ xanh Việt Dao cực phẩm.

Ông giám đốc thấy cổ họng khô khốc. Ông không cảm thấy có gì lạ lùng khi cổ vật thuộc cấp quốc gia xuất hiện trong tiệm đồ cổ này. Với sự hiểu biết của ông về người đó, dù tiệm đồ cổ này có nhiều thứ quý giá hơn nữa cũng không có gì lạ.

Bởi đây là tiệm của người đó.

Gã chủ tiệm hứng thú nhìn sắc mặt ông giám đốc thay đổi liên tục, gã ngồi xuống, lấy nước sôi đun trên bếp lò, pha hai cốc trà Long Tỉnh, im lặng đặt lên trước mặt mình và ông giám đốc.

Lúc này ông giám đốc đã bình tĩnh lại, mặt nặng trịch đặt cái gối xuống. Ông cầm cốc trà lên, hít hà mùi thơm đượm của trà, khó khăn lắm mới rời mắt khỏi chiếc gối sứ được thì lại phát hiện chiếc cốc trong tay mình chính là cốc Đấu Thái Linh Đang. Suýt chút nữa ông liền bất chấp tất cả lật cái cốc lên xem lạc khoản. Nhưng nước trà quá nóng, ông đành rón rén giơ cao cốc, ngẩng đầu lên nhìn.

Quả nhiên! Là sứ Đấu Thái niên hiệu Thành Hóa.

Thành Hóa: Niên hiệu vua Hiến Tông nhà Minh, Trung Quốc (-)

Trời ơi! Có phải ông đang nằm mơ không? Nếu không sao có thể uống trà bằng chiếc cốc chỉ được nằm trong tủ kính viện bảo tàng cho người ta nhìn ngắm thế này?

Mặt ông giám đốc đỏ phừng, ông miễn cưỡng cầm chặt chiếc cốc để lại trên quầy. Có chút nước trà vương ra, nhưng ông không thấy bỏng tay, thậm chí không dám nhìn bốn phía, chỉ cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ.

“Chỉ là chiếc cốc thôi”. Gã chủ tiệm cầm cốc trà trước mặt mình lên, đặt bên miệng thổi chút vụn trà đi, thong thả nhấp một ngụm.

“Không! Nó không chỉ là một chiếc cốc”. Ông giám đốc đột nhiên nổi giận, chau mày trợn mắt: “Tiểu tử! Cậu hiểu cái gì chứ? Trong giây phút thành hình, cái cốc này đã lắng đọng cuộc sống và tinh thần thời đại đó! Trên mình nó còn tiếp nối phong hoa và sinh mệnh của một thời đại! Nó có sinh mệnh đó!”.

Tính cách của ông giám đốc trước nay luôn ôn hòa. Đương nhiên trong mấy năm nay gần đây thôi, khi còn trẻ ông cũng rất nóng nảy. Sau khi chuyên sâu nghiên cứu cổ vật, tính cách nóng nảy này mới dần dần lắng xuống. Chỉ là tối nay khi bước vào tiệm đồ cổ này chưa đầy mười phút, đột nhiên ông không thể nào kiềm chế được tính tình của mình. Giống như một thùng thuốc nổ chỉ cần một chút tàn lửa là khiến ông bùng cháy.

“Đúng thế, bọn chúng đều có sinh mệnh”. Gã chủ tiệm không để ý chuyện mình bị mắng mỏ, thực ra gã khá nhớ nhung tính cách nóng nảy của ông giám đốc, năm xưa cũng không ít lần thấy ông mắng mỏ thế này: “Tốt lắm, ông có thể lĩnh hội được điều này, tốt lắm”.

Ông giám đốc sững người, ở tầm tuổi này rất ít người dám dùng khẩu khí dạy dỗ này nói chuyện với ông. Vì thế bất thình lình nghe thấy khiến ông không thể nào tin nổi vào tai mình. Đặc biệt là những lời ấy được thốt ra từ miệng tên tiểu tử trẻ tuổi này.

Gã chủ tiệm thong thả uống hết trà trong cốc, lấy chậu úp lên trên bếp than, dập tắt lửa trong bếp: “Xin lỗi, nếu muốn xem cổ vật thì để hôm khác. Hôm nay tôi phải đóng cửa rồi”.

Ông giám đốc không để tâm tới mấy lời tiễn khách của gã chủ, ông nghiêm túc nói: “Tiểu tử, những thứ cổ vật trong cửa tiệm của cậu không đáng bị để ở nơi tăm tối bụi phủ thế này”.

Gã chủ tiệm nhướn mày, không nói gì cả. Gã đứng dậy lau chiếc gối sứ xanh trên quầy rồi cẩn thận đặt vào trong hộp gấm.

“Chúng nên được đặt trong viện bảo tàng để người đời nhìn ngắm! Để mọi người biết văn minh của tổ tiên chúng ta rực rỡ thế nào!”. Ông giám đốc ra sức thuyết phục: “Cậu nên quyên tặng chúng cho quốc gia, đó mới là nơi chốn cuối cùng của của những cổ vật này”.

Gã chủ tiệm mỉm cười, vẫn không nói gì, ôm hộp gấm quay người đi vào phòng trong.

Ông giám đốc chau mày giọng điệu nặng nề hơn: “Nếu cậu không chịu quyên tặng, vậy theo giá thị trường, tôi đi xin tiền từ quỹ văn vật của quốc gia và tỉnh, hoặc là tôi dùng chút tích góp của mình…”, giọng ông giám đốc bỗng nhiên thấp dần, bởi lúc này ông mới chú ý đến các loại đồ cổ được bày trên giá trong tiệm này. Mới nhìn như vậy, môt người mắt không tinh lắm như ông đã thấy đĩa sứ trắng xanh đời Tống và đĩa Sái Hồng (hình như) thời Tuyên Đức nhà Minh.

Đột nhiên ông giám đốc cảm thấy tim mình không tốt, không dám xem thêm nữa, sợ sẽ bị shock, nhưng ánh mắt vẫn không kìm nén được mà nhìn xung quanh.

Dưới ánh lửa mờ tối của đèn cung Trường Tín, ngay cả hít thở cũng nhẹ nhàng hơn, ông sợ mình hít thở mạnh sẽ thổi vỡ những cổ vật dễ vỡ ở đây.

Lúc này gã chủ tiệm đã cất xong chiếc gối sứ, lặng lẽ bước ra từ phía sau bức bình phong: “Xin lỗi, tôi không có hứng, mời giám đốc về cho”.

Ông giám đốc liền nổi giận đùng đùng! Cái tên trẻ tuổi này rốt cuộc có biết rất nhiều cổ vật ở đây được tính là văn vật cấp quốc gia không! Văn vật cấm mua bán lưu thông, ông chỉ cần giám định một chút, báo lên trên là có thể bắt gã ta vì tội buôn bán văn vật! Ông giám đốc mở miệng nhưng không nói lời nào, giận dữ nuốt những lời định nói lại.

“Tôi sẽ còn quay lại”. Ông giám đốc gõ mạnh chiếc batoong xuống đất, tập tễnh đẩy cửa bước ra.

Gã chủ tiệm đứng trong bóng tối, nhìn theo bước chân lúc thấp lúc cao của ông giám đốc qua khe hở cửa sổ, hồi lâu không rời mắt.

Truyện Chữ Hay