Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

chương 87: làm ăn tấn tới

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

“Pop-up shop” ở Đông Thị thật sự có tác dụng, mấy ngày sau đó không ngừng có người cố ý tìm tới quán rượu Thẩm Ký ở phường Sùng Hiền và phường Thân Nhân để ăn lẩu.

Có người đợt rồi đã ăn ở Đông Thị, nếm được mùi vị rồi bây giờ lại muốn ăn nữa: “Thịt dê của các ngươi sao lại tươi ngon thế? Đầu bếp trong nhà không làm ra được mùi vị thế này.”

“Nước canh của bọn ta ngon lắm… Khuyên ngài chớ phí công làm gì, cứ tới quán bọn ta, muốn gọi nước dùng loại nào thì gọi loại đó, muốn nhúng thứ gì thì gọi thứ đó, trong quán còn có rượu mới mở vò, có các loại đồ nhắm như thịt mã não, viên phỉ thúy, hơn nữa… còn có Trương nhị lang ăn viên đàn hồi cho ngài xem cơ mà.” Quản sự của quán rượu là một người biết ăn nói.

Nghe được câu cuối cùng, thực khách bật cười.

“Thêm cho ngài một đĩa tôm tươi được không?” Quản sự nhìn bàn của thực khách, chu đáo cười hỏi.

Cũng có người nghe tiếng mà đến: “Nghe nói hôm lập đông ở Đông Thị có “lễ hội lẩu”, bán thịt nhúng lẩu ngon lắm, là chỗ các ngươi phải không?”

“Đúng là chỗ bọn ta, mời lang quân vào trong này. Lang quân thử canh sữa của bọn ta chứ? Chính là món được bày bán ở Đông Thị.” Ở bên ngoài không tiện, lúc đó bày sạp chỉ chuẩn bị mấy loại nước dùng chủ yếu nhất, trong đó loại được yêu thích nhất là canh sữa.

“Thử nó đi! Nghe nói canh này rất tươi ngon.”

“Lang quân nói quá đúng! Canh này ấy à, đừng nói là thịt dê tươi, viên cá non của bọn ta, cho dù có nắm một ít bánh bột bỏ vào thì cũng rất ngon. Ngài thử ngửi mùi thơm trong quán bọn ta xem.”

Còn có người ủ rũ vì hôm đó ở Đông Thị đã gặp được nhưng lại không có thời gian ăn, thậm chí là không chờ được chỗ.

“Rốt cuộc thì hôm nay ta cũng ăn được rồi!” Dáng vẻ như cuối cùng cũng đã thỏa ước nguyện.

Với những khách thế này, quản sự đều sẽ biếu một đĩa bánh hoa “có thể khiến cả thám hoa lang phải dừng chân xuống ngựa” để bù đắp nỗi tiếc nuối của khách.

Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt đi kiểm tra quán, khá hài lòng với tình hình thế này.

“Đáng tiếc mỗi năm chỉ có một lần lập đông…” Thiệu Kiệt thật là lòng tham không đáy.

Thẩm Thiều Quang an ủi hắn: “Không sao, chờ tới mùa xuân, các loại rau xuân được bán ngoài chợ thì chúng ta sẽ đi bán bánh xuân; lập hạ thì chúng ta đi bán các loại lãnh đào; tới lập thu thì lại có thể tổ chức lễ hội nướng thịt, lễ hội cua, chỉ cần lang quân có thể tìm được chỗ bày hàng ở Đông Thị Tây Thị thì một năm bốn năm lần ta vẫn có thể tìm tên cho nó được.”

Thiệu Kiệt lại khá coi trọng “lần đầu tiên” này: “Dù rằng sau này chúng ta còn có thể tới Đông Thị Tây Thị bày hàng, thậm chí còn long trọng hơn cả lần này, nhưng dù sao đây cũng là lần đầu tiên, ý nghĩa khác biệt. Cô nương biết vẽ, thử vẽ lại cảnh lễ hội lẩu ở Đông Thị hôm đó xem.”

Thẩm Thiều Quang nhìn thấu ý nghĩ của hắn: “Có phải tốt nhất là nên vẽ thêm mấy bức, mỗi quán treo một cái không?”

“Như thế thì thật tốt quá!” Thiệu Kiệt vỗ tay: “Tốt nhất là vẽ tranh cuộn, đề mục cũng phải khí thế một chút, có ý “thái bình thịnh thế” là hay nhất.”

Thẩm Thiều Quang nhìn đại cổ đông của mình với vẻ như cười như không.

Thiệu Kiệt khựng lại một chút, cười ha ha: “Hơi tốn công sức nhỉ? Thật ra vẽ hai bức… một bức cũng được rồi, vẽ nhiều sẽ không đáng giá nữa. Bức tranh này nhất định phải thuê cửa hàng đóng khung tốt nhất ở Đông Thị đóng khung lại, đóng xong rồi sẽ thay phiên nhau treo ở các quán.”

Thẩm Thiều Quang cũng coi như đã hiểu, Thiệu lang quân mà ở thời hiện đại thì chắc chắn sẽ khoác lớp áo công ích lên các hoạt động thương mại, cho người ta chụp ảnh, quay video, viết bài, đăng Weibo, đăng báo, quảng cáo trên TV, à, đúng rồi, còn phải mua hot search nữa, tên gian thương này thật là…

Thẩm Thiều Quang lại rất có phong thái của người chơi lớn: “Được rồi, để ta suy xét xem.” Nói xong thì tự mình cười trước.

Thiệu Kiệt cũng cười.

Sau đó hai người tiến hành “cuộc họp cổ đông thường nhật” – khoác lác và ảo tưởng về tương lai.

“Quán thứ ba và thứ tư chuẩn bị khai trương rồi, ta thấy tình hình thế này thì tới mùa hè sang năm chắc chúng ta cũng đã mở được sáu, bảy quán rồi đấy nhỉ?” Thiệu Kiệt nói.

Thẩm Thiều Quang cảm thấy hắn lạc quan quá mức, nhưng cũng không đánh vỡ niềm tin của hắn.

“Thành Trường An một trăm lẻ tám phường, trừ mấy phường chỉ toàn người nghèo ở rìa phía nam, trừ những phường mà quý nhân chiếm mất nửa phường, trừ những phường mà chùa miếu quá nhiều, dù sao cũng phải còn một nửa số đó chứ? Hơn năm mươi phường này, cứ bốn năm phường chúng ta lại mở một quán… Cô nương à, thế chẳng phải sang năm là chúng ta đã phủ kín thành Trường An sao?”

Thẩm Thiều Quang: “… Sau đó chúng ta sẽ đưa quán rượu tới Đông Đô, Bắc Đô, Biện Châu, Bồ Châu, thậm chí là cả Giang Nam nữa?” Phần sau là cả hai người cùng nhau nói, sau đó thì cùng nhau cười ha ha.

Rõ ràng biết là không dễ làm, nhưng nói cho sướng cái miệng cũng tốt.

Vu Tam ra hậu viện lấy thịt, thấy hai tên ngốc đang ngồi dưới chân tường cười ha ha thì thật đúng là chẳng biết phải nói sao.

Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt phơi nắng đã đời, tay lồng trong tay áo tiếp tục mở “hội nghị cấp cao” của mình.

“Rồi thời gian tới chúng ta cũng phải chọn một người đi kiểm tra giám sát các quán, tính sổ sách, huấn luyện người mới, nhập hàng, nếu không thì cho dù chúng ta có ba đầu sáu tay cũng không lo liệu nổi.”

Thẩm Thiều Quang gật đầu: “Rất phải. Cũng giống như triều đình ấy, có tam tỉnh trung thư, môn hạ, thượng thư, rồi có lục bộ cửu tự ngũ giám, mỗi bộ mỗi ty phân công khác nhau, cùng nhau hợp tác, như vậy mới có thể lo liệu được chu toàn.”

Tam tỉnh lục bộ là một hình thức quan chế của Trung Quốc cổ đại bắt đầu từ thời Tây Hán. Tam tỉnh gồm trung thư, môn hạ, thượng thư; lục bộ thuộc thượng thư tỉnh, gồm sáu bộ là bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công; mỗi bộ lại chia làm bốn ty, tổng cộng ty.

Cửu tự ngũ giám là cơ quan chức năng độc lập cấp trung ương, tương đương với thượng thư lục bộ, phụ trách những công việc hành chính tách biệt với lục bộ. Cửu tự gồm Thái Phủ tự (phụ trách vàng bạc gấm vóc, xây dựng nhà cửa), Tư Nông tự (phụ trách bổng lộc của quan lại, giá cả lương thực), Tông Chính tự (quản lý sự vụ trong hoàng tộc), Thái Thường tự (phụ trách trông coi lễ nghi thờ cúng của hoàng thất), Quang Lộc tự (phụ trách đồ lễ trong các lễ tế và yến tiệc cung đình), Hồng Lư tự (phụ trách các loại lễ tết triều hội), Vệ Úy tự (phụ trách nghi lễ lều bạt), Thái Bộc tự (phụ trách ngựa xe), Đại Lý tự (phụ trách thẩm tra xử lý án kiện). Ngũ giám gồm Quốc Tử giám, Quân Khí giám, Thiếu Phủ giám, Tướng Tác giám, Đô Thủy giám.

Thiệu gia là gia tộc buôn bán lớn, có phương pháp quản lý đã được thời gian khảo nghiệm, mặc dù là hình thức gia tộc nhưng vẫn có thể tham khảo; Thẩm Thiều Quang đến từ thời hiện đại, cũng coi như là một bên chân đứng trong giới ẩm thực, cũng không xa lạ gì với hoạt động buôn bán của công ty ẩm thực, huống hồ hai người đã mở được hai chi nhánh, hiện tại vẫn buôn bán không tệ, hai người bàn bạc về bộ khung của “chuỗi cửa hàng ẩm thực Thẩm thị”.

Đi vào phòng khách, Thẩm Thiều Quang dứt khoát vẽ sơ đồ cấu trúc ra.

Nhìn sơ đồ cấu trúc ngay ngắn vừa vẽ xong, nghĩ tới mấy người trong quán hiện giờ, Thẩm Thiều Quang nuốt nước miếng: “Thiệu lang quân này, ta cảm thấy đến lúc chúng ta lấp đầy cái sơ đồ này thì có lẽ lệnh lang đã có thể đi mua nước tương được rồi nhỉ?”

Nghĩ tới tân nương chẳng biết còn ở nơi nào của mình, nhìn nhìn sơ đồ này, Thiệu Kiệt hơi khó xử: “Cũng chưa chắc đâu…”

Thẩm Thiều Quang cười ha ha. Đường phải đi từng bước một, cơm phải ăn từng chút một, sơ đồ cấu trúc khổng lồ này tạm thời cứ để đó, chờ đưa vào hoạt động rồi, bố trí tài vụ, nhân lực xong đã rồi nói sau.

Thiệu Kiệt lại ngắm nghía phòng khách nhỏ của Thẩm Thiều Quang, nhìn khoảng sân có mái hiên bên ngoài – thêm người, rồi còn phải chứa gạo chứa rau, chỗ này không đủ nữa: “Ta nói thật, ngươi nên mua một tòa nhà đi thôi. Chủ nhân của chục quán rượu như ngươi mà lại ở nơi đơn sơ thế này thì không phù hợp với thân phận…” Sau này thành thân với Lâm thiếu doãn, xuất giá từ một căn nhà thế này cũng không thích hợp.

Thẩm Thiều Quang: “… Sao lại là chục quán?”

“Nếu sang năm mà thuận lợi thì chẳng phải là chục quán hay sao?” Thiệu Kiệt nói năng hùng hồn.

Thẩm Thiều Quang: “…”

“Ngươi nói xem chẳng phải cả chục quán này đều là của Thẩm cô nương ngươi sao? Ta thì có đại trạch rồi…”

Thẩm Thiều Quang bị cái logic này của hắn kéo lệch, thế mà lại cảm thấy… hình như cũng đúng.

Thẩm Thiều Quang hèn mọn nói với hắn: “Này, Thiệu lang quân, thực ra ta nhìn trúng một tòa nhà…”

Thiệu Kiệt nổi lên hứng thú: “Thử nói nghe xem, thử nói nghe xem! Ta cả ngày đi xem mặt tiền cửa hàng, quen mặt người trong giới bất động sản, để ta xem giúp ngươi. Mua nhà chưa nói cái khác, chớ có mua phải hung trạch mới ổn.”

Thẩm Thiều Quang: “… Chính là hung trạch.”

Thiệu Kiệt: “!!!”

Thẩm Thiều Quang hào hứng nói: “Chính là tòa hung trạch đầu phố trong phường bọn ta đấy, tứ hợp viện, chủ nhân đầu tiên là một thương nhân phía nam. Tòa nhà này được tu sửa chưa lâu, cũng chỉ chừng mười năm trở lại đây, nhìn từ bên ngoài khá gọn gàng, có nét sông nước Giang Nam, nghe nói bên trong cũng có ao trồng hoa, có đủ hành lang đình đài, cũng ra hình ra dáng lắm, người thương nhân kia…”

Thẩm Thiều Quang khụ một tiếng, cuối cùng cũng không nói toạc ra: “Người này hơi háo sắc, chết ở phường Bình Khang, chuyển cho vị chủ nhân kế tiếp, lúc đi buôn ở U Châu thì gặp cướp, đều không phải ở trong tòa nhà này, cho nên tòa nhà này tính ra cũng không thể coi là hung trạch.”

“Thế còn chưa phải là hung?”

Thẩm Thiều Quang nhỏ giọng nói: “Thế mà đã tính là hung? Thế cung Đại Minh, cung Thái Cực, cung Hưng Khánh đã có bao nhiêu người chết rồi? Có hung không?”

Thiệu Kiệt: “…”

Thẩm Thiều Quang lôi đạo lý của Bạch Cư Dị ra: “Nhà Chu nhà Tần đều đóng đô ở Hào, Hàm, một đằng thì hưng thịnh tám trăm năm, một đằng lại chỉ có hai đời rồi kết thúc, rồi nhìn nhà Tùy trước chúng ta xem… Cho nên ấy à, “Nhà không xúi, xúi bởi người mà ra” thôi!”

Trích “Hung trạch” của Bạch Cư Dị: Chu, Tần đều đóng Hào, Hàm; nào cung, nào điện nơi làm khác không? Nhà Chu tám trăm năm ròng, nhà Tần đến Vọng Di cung hết đời! Có nhà, có nước ai ơi! Nhà không xúi, xúi bởi người mà ra. (Bản dịch của Hoàng Tạo) Hào, Hàm chỉ núi Hào và Hàm Cốc, là nơi đóng đô của nhà Chu và nhà Tần.

Thiệu Kiệt ngẫm lại, hình như cũng đúng, có nơi nào còn hung hơn hoàng cung sao? Không phải thánh thượng vẫn ở đấy sao? Hắn vốn cũng không phải kiểu người tuân theo quy củ, nếu không đã chẳng ăn ý với Thẩm Thiều Quang như vậy, thế là lập tức bỏ qua nỗi lo đối với cái “hung”, hỏi lại: “Thế sao lại không mua? Còn ở mãi chỗ này làm cái gì?”

Thẩm Thiều Quang lại tỏ vẻ thản nhiên: “Thật ra ở chỗ này, mấy gian nhà tranh, một khoảng sân nhỏ, trước thềm đào lý, bên tường hành hẹ, còn có gà mẹ với đàn gà con… cũng rất tốt.”

Thiệu Kiệt: “Xì…”

Thực ra nếu như không phải chi nhánh phát triển quá nhanh thì Thẩm Thiều Quang cũng đã dành dụm được gần đủ rồi, nhưng bây giờ tiêu dùng cá nhân chỉ có thể nhượng bộ cho đầu tư kinh doanh.

Thẩm Thiều Quang cảm thấy, chờ sang năm các chi nhánh ổn định rồi thì sẽ không cần mua gà nữa mà chỉ cần chờ gà đẻ trứng, chắc hẳn sẽ nhanh chóng góp đủ một đĩa “trứng tráng” thôi.

Để chóng hoàn thành giấc mộng nhà lớn, Thẩm Thiều Quang tăng cường huấn luyện cho quán mới, chỉ chờ quán mới sửa sang xong bày biện đủ đồ đạc thì sẽ khai trương ngay. Đồng thời Thẩm Thiều Quang còn thuyên chuyển Hứa tứ lang, Trương nhị lang và A Đậu, hợp thành một gánh hát chuyên môn đi biểu diễn luân phiên ở các quán.

Chỉ có hai tiết mục kia thôi thì đương nhiên là không được. Thẩm Thiều Quang nghĩ, cái vai tham ăn này của hắn thì không cần đổi, cũng có thể dựa vào nhân vật này để diễn thành một “tuyển tập”. Tiếc là không tìm được nhân tài biên kịch chuyên nghiệp, nàng chỉ có thể tự phụ trách, ngẫm nghĩ một chút về những chuyện cười thường ngày trong quán, vắt hết óc ra – giống như bộ “Tiếu lâm quảng ký” đầy hoàng tiếu thoại.

“Tiếu lâm quảng ký” là tập hợp các truyện cười ở Trung Quốc thời cổ đại. Phần lớn tài liệu của “Tiếu lâm quảng ký” là truyện cười thời nhà Thanh, chủ yếu là những câu chuyện cười cô đọng súc tích, nhưng cũng có một số lượng lớn hoàng văn.

Trong đầu Thẩm Thiều Quang đầy hoàng văn, nhưng cũng chỉ dám ủ trong bụng, không dám lấy ra nói, nếu có muốn nói thì cũng chỉ nói trong phòng riêng – ví dụ như để trêu ghẹo Lâm thiếu doãn?

Thẩm Thiều Quang tưởng tượng ra dáng vẻ Lâm thiếu doãn bị nàng chọc ghẹo cho mặt đỏ tới tận mang tai, muốn bực lại không bực được, muốn cười lại không cười được, trong lòng cảm thấy rất ngứa ngáy.

Đáng tiếc lập đông cách năm mới không xa. Các sứ đoàn của phiên bang đã lần lượt tiến về thành Trường An, các châu phủ cũng đưa đồ cống tới, mùa đông lại lắm lễ tết, chẳng bao lâu nữa là tới thời gian đại tế đông chí, việc thu thuế thóc gạo và thuế buôn bán cũng phải hoàn thành trong vòng mấy tháng này… Kinh Triệu không chỉ cần phải phụ trách thuế khóa lao dịch, giải quyết kiện tụng, khuyến học khuyến nông, tiến cử người tài như các châu phủ bình thường mà còn phải phối hợp với các bộ các ty của triều đình xử lý các công việc đặc thù trong kinh, cho nên lễ tết thế này, Lâm thiếu doãn vốn đã bận lại càng bận hơn. Thẩm Thiều Quang cũng bận, thời gian hai người có thể yên ổn nói chuyện với nhau cũng ít, hành động chọc ghẹo của Thẩm Thiều Quang cũng chỉ có thể dừng lại ở trong tưởng tượng mà thôi.

Trên khoảng trống giữa sảnh, Trương nhị lang đang cầm “chim cút chiên” gặm ngon lành, vừa gặm vừa nói: “Đậu lang quân, sao ngươi không ăn đi?”

A Đậu nói nhỏ: “Bốn con chim cút, ngươi ăn ba con, con còn lại ngươi cũng ăn luôn đi, kẻo chúng nó lại bị lạc đôi thì đáng thương lắm.”

Thẩm Thiều Quang cười toét miệng, cảm thấy vẻ mặt đó của A Đậu trông khá giống công chúa Vu Tam.

Cải biên từ chuyện ăn chim sẻ vàng trong “Tiếu lâm quảng ký”: Hai người cùng uống rượu, trong đĩa có bốn con sẻ vàng, một người tham ăn ăn mất ba con, lại hỏi người kia “Cớ sao huynh không ăn?” Người kia đáp: “Thôi vào bụng huynh luôn đi, kẻo bọn chúng lại lạc đôi.” [tác giả]

Truyện Chữ Hay