Đến lúc này, lão đại phu mới đẩy cửa phòng Tô Tiệp bước ra ngoài. Mặt lão có vẻ rất mệt mỏi, trên trán lấm tấm đầy mồ hôi.
Trang Dực ngồi im quan sát thần sắc lão đại phu. Trong khi đó Tư Đồ Đảm, Đường Lân và lão Đà Tử vội bước đến vây lấy lão ta, hỏi han về tinh hình thương thế cuả Tô Tiệp.
Lão đại phu buông một tiếng thở dài nhẹ nhõm, mỉm cười:
- Các vị cứ yên tâm. Thương thế cuả vị cô nương kia tuy không phải nhẹ, nhưng dù sao vẫn còn có thể cưú được. Những vết thương bên ngoài của cô ấy vốn không mấy nghiêm trọng, nhưng ngặt một nỗi vì để cho máu chảy nhiều quá. Điều phiền phức nhất là cô ấy bị gẫy hai cái xương sườn bên trái. Hơn nữa sau khi gẫy lại không nghỉ ngơi ngay. Nếu như lão phu không có chút ít kinh nghiệm, e rằng hậu quả sẽ không sao lường được. Nhưng cũng không chắc là với y học hiện giờ, mai mốt chẳng biết vị cô nương kia khi đi đưng có bị ẹo người không thì chưa biết. Chậc ! Một vị cô nương thế kia mà bị tật thì khổ lắm !
Tư Đồ Đảm vội nói:
- Đại phu, theo như lời người nói, thì thương thế tiểu thư của bọn ta không sao phải không ?
Lão đại phu hơi nhíu mày:
- Thật ra thì đúng như vậy. Nhưng vì cô nương kia mất máu quá nhiều nên trong khỏng thời gian ngắn khó có thể phục hồi được nguyên khí. Hiện giờ bệnh nhân cần phải được yên tĩnh nghỉ ngơi. Trước khi hoàn toàn bình phục hẳn, không nên để cho bệnh nhân hoạt động mạnh hoặc bị kích động. Các vị cứ y theo toa cuả lão phu mà bốc thuốc. Độ khoảng sau hai tháng, bệnh nhân sẽ có thể xuống giường đi lại được. Đến tháng thứ ba thì hoàn toàn bình phục. Chứ trên đời này không có thứ thuốc gì làm cho người bị thương nặng như thế bình phục ngay. Chỉ mấy chuyện hoang đường, tầm bậy mới có mà thôi, mong các vị hiểu cho.
Tư Đồ Đảm lại hỏi:
- Thế thì mỗi ngày đại phu đều đến xem bệnh chứ ?
Lão đại phu gật đầu đáp:
- Tháng đầu, mỗi ngày lão phu cần phải đến chẩn trị một lần. Sang tháng thứ hai, có thể năm ba hôm mới đến một lần. Còn về sau này lão nạp đến hay không, đều không cần thiết.
Đường Lân lê tiếng hỏi:
- Thưa đại phụ.. thế còn vị bằng hữu gãy tay cuả ta thì sao ?
Lão đại phu mỉm cười nói:
- Toa thuốc lão phu chuẩn bị viết có thể dùng chung cho cả hai, và mỗi lần đến đây lão phu cũng sẽ xem mạch cho vị huynh đài kia chung luôn.
Nói đoạn, lão đại phu ngồi xuống cái bàn trước mặt nói:
- Xin nhờ vị nào bước vào bên trong lấy thùng thuốc cuả lão phu ra đây giùm. Ngoài ra nhờ các vị mang giấy bút đến đây, để lão nạp khai toa thuốc.
Tư Đồ Đảm và Đường Lân lập tức làm theo lời yêu cầu cuả lão đại phu. Còn lão Đà Tử đang đứng móc trong người ra một cuốn ngân phiếu, chuẩn bị ký tên, trao cho lão đại phu.
Lão đại phu chợt đưa mắt nhìn Trang Dực đang ngồi im lặng trong góc phòng hòi:
- Không biết ở đây vị nào là Trang tổng đề đốc ?
Trang Dực liền lên tiếng:
- Chính là tại hạ !
Lão đại phu đưa tay chỉ về phiá phòng Tô Tiệp:
- Vừa rồi vị cô nương kia có nhờ lão phu, chuyển lời mời Trang tổng đề đốc vào bên trong, có chuyện cần bàn.
Trang Dực do dự một hồi, mới cất tiếng:
- Như vậy có tiện không ?
Lão đại phu mỉm cười:
- Tuy thương thế cuả cô nương kia không phải nhẹ, nhưng nếu nói mấy câu thì không việc gì cả.
Trang Dực đáp:
- Nếu như vậy, đợi một lát tại hạ sẽ vào trong ấy.
Một lát sau, Tư Đồ Đảm và Đường Lân đã mang đến đầy đủ những thứ mà lão đại phu đã yêu cầu. Lão lập tức cầm bút lên kê đơn thuốc.
Tư Đồ Đảm bước đến trước mặt Trang Dực, tỏ vẻ thẩn thiết nói:
- Tổng đề đốc, hiện giờ chắc là ngài đã đói lắm rồi ? Đợi sau khi tiễn lão đại phu ra về, tại hạ sẽ mua chút đồ ăn tối về cho ngài dùng.
Trang Dực cung tay nghiêng người đáp:
- Không cần đâu, Tư Đồ huynh. Đợi sau khi gặp Tô cô nương xong, tại hạ phải trở về khách điếm ngay. Nếu căn cứ theo dự định thì bọn tại hạ đã lên đường từ sớm rồi...
Tư Đồ Đảm ngạc nhiên hỏi:
- Ngài định lên đường với thời tiết như vầy sao ?
Trang Dực gượng cười:
- Đây là trách nhiệm, tại hạ đâu có quyền lựa chọn...
Tư Đồ Đảm tiếp:
- Thường ngày nhìn thấy người cuả nha môn, ai nấy cũng oai phong lẫm liệt. Đâu ngờ rằng họ cũng phải chịu cực khổ như vậy. Với thân phận cuả tổng đề đốc mà nói, chuyện này quả thật không thể nào ngờ tới. Cho nên nhìn người không thể nào nhìn dáng cách phiá bên ngoài được...
Như sực nhớ ra điều gì, Tư Đồ Đảm liền đổi giọng nói:
- Phải rồi, hồi nãy tiểu thư có căn dặn mới tổng đề đốc vào bên trong...
Trang Dực vội đáp:
- Nếu vậy tại hạ xin phép được vào trong.
Nói đoạn, Trang Dực đi đền đẩy cưa? bước vào nơi Tô Tiệp đang nằm. Bên trong là một gian phòng nhỏ được bày biện rất đơn giản. Chỉ có một cái giường, một cái tủ và một cái bàn cùng một cái ghế.
Tô Tiệp đang nằm trên giường, sắc mặt xanh lè như tàu lá. Khi nhìn thấy Trang Dực bước vào, Tô Tiệp cố gắng hơi chồm dậy và nói với vẻ đầy thiện ý:
- Tổng đề đốc, ta không cử động được. Nên không thể bước xuống giường đón tiếp ngài. Vậy xin ngài rộng lòng thứ lỗi cho !
Trang Dực vội xua tay:
- Không cần, không cần. Cô nương cứ việc nằm xuống đi. Đại phu đã có nói trong vòng hai tháng, cô nương không được bước xuống khỏi giường.
Tô Tiệp thở nhẹ một tiếng:
- Xin mời tổng đề đốc ngồi xuống...
Trang Dực ngồi xuống cái ghế duy nhất ở trong phòng, đặt đối diện với giường Tô Tiệp.
Vì khoảng cách giữa chỗ chàng ngồi đến giường Tô Tiệp rất gần, nên càng nhìn rõ diện mạo cuả nàng lúc này. Ôi, hồng nhan thảm thiết ! Không son tô, phấn đánh... Bèo nhèo héo úa, rũ rượi như cánh hoa tàn lại ở trong cơn gió mạnh, trông thật là... không dám nói !
Diện mạo Tô Tiệp chỉ sau một ngày, gần như đã thay đổi thành một người khác. Sắc mặt hồng hào cuả nàng hiện giờ trở nên xanh mét. Đôi môi, đôi bờ tím rịm.
Tô Tiệp đột nhiên cười, tiếp:
- Bây giờ diện mạo của ta xấu lắm phải không ?
Trang Dực gượng cười:
- Không, có thấy xấu ở chỗ nào đâu ! Chỉ có điều là không có đẹp lắm. À, có hơi tiều tụy chút chút. Nhưng mà, hơi đâu nàng lo cho mệt, phàm những ai bị thương, tinh thần vóc dáng đều như vậy cả. Chả có người nào thân mang thương tích lại vui vẻ, cười đùa. Hoa. may không ỉu xìu, nhăn nhó là hay lắm rồi...
Tô Tiệp nói:
- Vừa rồi, ta nhờ đại phu chuyển lởi giùm, nhưng lúc ấy ta sợ ngài đã đi rồi
Trang Dực đáp:
- Thật ra ta cũng đã định đi từ lâu, nhưng vì chưa biết rõ thương thế cuả cô nương ra sao, nên ta không yên tâm ra đi
Tô Tiệp nhanh nhẹn chớp lấy y như khi ra chiêu lúc chưa bị thương, hỏi liền:
- Tại sao ?
Trang Dực có vẻ hơi do dự, một lát sau mới lên tiếng:
- Ta nghĩ giữa con người với nhau, cũng nên phải quan tâm lẫn nhau...
Tô Tiệp cắn chặt hai môi lại, một hồi lâu mới lên tiếng tiếp:
- Giữa con người với nhau, ngoài tình cảm riêng tư ra, họ ít bao giờ quan tâm lẫn nhau. Tổng đề đốc, xin đa tạ sự hảo ý cuả ngài.
Trang Dực mỉm cười:
- Không cần phải khách sáo.
Ngoài miệng nói như vậy, nhưng trong lòng Trang Dực lại nghĩ: " thiệt là lanh lẹ, gặp cái là gài. Làm ta cũng cảm động quá, không biết sẽ ra sao về sau..."
Tô Tiệp chợt nhìn thẳng vào mắt Trang Dực:
- Có một việc ta muốn hỏi tổng đề đốc !
Trang Dực thản nhiên:
- Xin cứ nói
Tô Tiệp thấp giọng:
- Trong lúc ta bị bọn người Phạm Oai, Mạc Tài Anh, Khúc Đại Qúy vây đánh, đang rơi vào tình thế nguy khốn, thì đột nhiên có người ném đá ra tay cứu giúp. Tổng đề đốc, xin hỏi đó có phải là ngài hay không ?
Trang Dực đâu có ngờ rằng Tô Tiệp lại hỏi đến việc này. Trong lúc chàng đang do dự có nên thừa nhận hay không thì Tô Tiệp đã vội trả lời thay cho chàng luôn:
- Ta dám xác định người cứu ta lúc ấy chính là ngài.
Trang Dực xoa xoa tay nói:
- Tại sao cô nương lại dám xác định như vậy ?
Giọng nói Tô Tiệp chợt trở nên dịu dàng hơn hầu như là nhão nhẹt, thỏ thẻ:
- Bởi vì ngoại trừ ngài ra, không có còn người thứ hai nào có khả năng này. Tổng đề đốc, con người chỉ có một cái mạng, nhưng ngài lại liên tục cứu ta đến hai lần...
Trang Dực vội vàng:
- Đây chỉ là một sự trùng hợp mà thôi.
Hai mắt Tô Tiệp đã đỏ, trời bắt đầu mưa. Nàng nghẹn ngào, tức tưởi:
- Tổng đề đốc, cả đời ta trong giang hồ, chưa từng chịu ân bất cứ một ai. Thật hông ngờ lần này... đến hai lần lận... Tổng đề đốc, ngài đã sanh ra ta lần thứ hai...
Khóc quá xá, bối rối trong lòng, Trang Dực vội đỡ lời:
- Tô Tiệp, cô nương không cần phải quá lời như vậy ! Làm cho ta phải muôn phần áy náy, tim ta tưởng chừng như muốn rời bỏ lồng ngực...
Tô Tiệp hít sâu vào một hơi, trong lòng vẫn chưa hết xúc động. Một nỗi bồi hồi từ đâu xâm chiếm cả tâm hồn nàng, hơi thở cứ như làn khói nhạt vươn lên từ mái tranh những buổi chiều tà, lãng vãng không gian rồi hụt hẫng đâu mất tiêu, cố gắng đưa tay lau giòng lệ, thút thít:
- Tổng đề đốc, ta phải báo đáp ngài như thế nào đây ?
Trang Dực vội lắc đầu, tuy trong lòng chỉ muốn gật:
- Ta giúp cô nương, hoàn toàn không có ý muốn được đền đáp, để sau đi nhé !
Im lặng một hồi, Tô Tiệp chợt hỏi và chợt ấp úng ngang:
- Khi nào ta có thể gặp... lại nhau... gặp lại ngài ?
Trang Dực miễn cưỡng đáp:
- Những kẻ ăn cơm triều đình, thường thì thân bất do kỷ, đâu thể cá nhân muốn làm gì thì làm. Nhưng theo như ta nghĩ, chúng ta nếu có duyên thì nhất định sẽ còn gặp lại.
Được lời như mở tấm lòng, mát rượi. Những cơn đau nhức vụt bay. Tô Tiệp mỉm cười đáp:
- Nghe câu nói này cuả ngài, ít ra ngài không đến nỗi chán ghét khi gặp lại ta. Tổng đề đốc, như vậy ta rất yên tâm. Bởi vì ta nhất định sẽ có cách tìm ra tông tích cuả ngài. Khi nào cần thiết, chúng ta nhất định sẽ gặp lại nhau mà !
Trang Dực tim đập càng dữ hơn, trong lòng tự nhiên có một cảm giác lạ lùng không thể nào diễn tả được. Chàng lập tức định thần lại, cố ý thản nhiên... run run đáp:
- Tô Tiệp, cô nương hãy lo mà tịnh dưỡng. Giang hồ hiểm ác, từ nay về sau hãy nhớ phải hết sức cẩn thận.
Tô Tiệp bỗng xìu xuống:
- Tổng đề đốc, ngài sắp lên đường ?
- Nhiệm vụ trên người không thể nào không lên đường được.
Sắc mặt Tô Tiệp trông càng thê thảm hơn, giọng đầy vẻ buồn phiền:
- Thế thì ngài hãy mang Hà Hận đi khỏi nơi đây luôn vậy !
Trang Dực có vẻ hơi sửng sốt:
- Không phải cô nương muốn chính tay giết chết hắn để rửa hận ? Tại sao đột nhiên bây giờ lại thay đổi ý định ?
Tô Tiệp nghiêm giọng:
- Ta một mực vẫn không thay đổi ý định cuả mình. Nhưng ta biết, nếu làm vậy sẽ gây thêm nhiều phiền phức cho ngài. Như vậy thì kỳ quá... tạ.. ta không muốn ngài bị phiền phức !
Trang Dực liền cung tay lên:
- Hảo ý cuả cô nương, ta xin nhận lãnh.
Tô Tiệp lại tiếp:
- Trên đường đi, xin ngài cố hết sức để ý đến tên họ Hà kia. Con người này vô cùng xảo quyệt và thâm hiểm. Chỉ cần có cơ hội, thế nào hắn cũng tìm cách bỏ trốn.
Trang Dực vội đáp:
- Ta biết rõ việc này. Ta sẽ không bao giờ để cho hắn có cơ hội nào đâu.
Tô Tiệp nhìn chàng chằm chằm, như muốn nhét chàng vào đôi mắt cuả mình, hai mắt lại đỏ hoe, gượng cười:
- Tổng đề đốc, ngài hãy giữ gìn !
Trang Dực đẩy ghế đứng dậy:
- Cô nương cũng vậy... Tô Tiệp !
Tô Tiệp nhắm hai mắt lại, không nói gì thêm nữa. Nàng chỉ cảm thấy mũi mình cay xè, đồng thời hai hàng lệ cứ tuôn như nước lũ về mà đê đã vỡ.
Trang Dực quay người bước ra cửa.
Trước khi ra khỏi cửa, chàng không nhịn được, quay lại nhìn Tô Tiệp một lần nữa và hình như, chàng nghe loáng thoáng lời thì thầm than van của Tô Tiệp: "trời ơi là trời..."
Trong cơn gió tuyết, hai người kỵ sĩ cưỡi hai con tuấn mã, áp giải ba tên phạm nhân. Cả ba tên này đều bị cột chung một sợi dây vào giữa thắt lưng và đầu kia do Tiền Nhuệ giữ.
Tiền Nhuệ hiểu được trách nhiệm cuả mình không nhẹ nhàng chút nào, nên trên đường đó hết sức cẩn trọng.
Tuyết tuy không dầy lắm, nhưng gió bấc thổi vô cùng mạnh. Nên vừa lên đường chẳng được bao lâu, người ngựa đã trắng xoá.
Tiền Nhuệ đưa tay vuốt mặt, rồi cất giọng hỏi:
- Lão tổng, đêm nay chúng ta đi đến bao giờ mới ngừng lại nghỉ ?
Trang Dực đưa tay áo lên che nửa mặt, lớn tiếng đáp:
- Đến khi trời sáng, chúng ta sẽ dừng lại nghỉ.
Tiền Nhuệ nói có vẻ ái ngại:
- Lão tổng, thời tiết như vầy e rằng khó chống chọi được.
Trang Dực đáp:
- Tiền Nhuệ, chúng ta phải cố gắng vượt qua, cho dù thời tiết có xấu hơn nữa.
Tiền Nhuệ vẫn lầm bầm:
- Nhưng nếu lỡ giữa bọn phạm nhân có tên bị lạnh chết thì sao ?
Trang Dực không nhịn cười được phá lên cười lớn:
- Tiền Nhuệ, lòng ngươi đã trở nên từ bi từ lúc nào vậy ? Sự sống chết cuả phạm nhân là do ta phụ trách, ngươi không cần phải bận tâm làm gì. Tốt nhất là ngươi nên tự mình lo chống lại cái lạnh đi.
Tiền Nhuệ không nói gì thêm. Đưa tay giật mạnh sợi dây, kéo mạnh ba tên phạm nhân về phía trước. Rõ ràng Tiền Nhuệ đang trút sự bực bội lên trên người bọn chúng.
Bọn họ đi liên tực suốt đêm cho đến khi trời hừng sáng.
Lúc này Tiền Nhuệ cảm thấy mặt mình dường như đã hoàn toàn mất đi cảm giác, bất chợt gã đưa mắt lên nhìn trời, vui mừng nói:
- Lão tổng, trời đã sáng...
Trang Dực ưỡn người ra phiá trước và bảo:
- Tiền Nhuệ, giờ này người ngựa cũng đã mệt. Tạm thời tìm chỗ nghỉ ngơi thôi !
Tiền Nhuệ dáo dác nhìn tứ phía rồi gượng cười:
- Ở đây bốn bề hoang vắng, không biết tìm đâu ra chỗ nghỉ chân đây ?
Trang Dực nói:
- Chúng ta vừa đi vừa tìm chỗ để nghỉ, không việc gì phải gấp.
Tiền Nhuệ thấp giọng hỏi:
- Không phải thuộc hạ gấp. Nhưng vì thời tiết quá lạnh, trong bụng lại đói, hai mắt đã hoa cả lên. Nếu như không dừng lại nghỉ, e rằng thuộc hạ không sao còn chịu nổi nữa.
Trang Dực chưa kịp đáp thì Ngãi Thanh Hoà đã quay đầu lại nói lớn:
- Hai vị có thấy gì không ? Ở phía bên trái kia có một căn nhà. Còn có khói bay lên nữa đấy.
Tiền Nhuệ vội đưa mắt nhìn về hướng Ngãi Thanh Hoà vừa nói. Quả nhiên ở phiá xa xa kia có một ngọn khói đen bay lên. Chung quanh đây cảnh vật thật hoang vắng, chỉ có vỏn vẹn căn nhà kia đứng cô đơn giữa trời. Điều này quả thật là kỳ lạ.
Ngãi Thanh Hoà phấn khởi nói tiếp:
- Chính là bên ấy ! Chúng ta đến đó nghỉ chân là thích hợp nhất.
Không đợi cho hắn nói dứt câu, Tiền Nhuệ vội nạt lớn:
- Ngươi mừng cái gì chứ ? Bọn ta muốn nghỉ chân ở đâu có cần hỏi ý kiến ngươi không ? Tốt nhất là ngươi hãy câm miệng lại đi !
Ngãi Thanh Hoà vẫn cố nói:
- Ta chỉ muốn giúp hai vị mà thôi. Như thế cũng sai hay sao ?
Hà Tiểu Lại Tử cũng lên tiếng nói theo:
- Trước mắt đừng nghĩ thân phận mọi người là gì. Hiện tại chúng ta đều là người cùng thuyền. Nếu như không có chỗ nghỉ ngơi, tất cả đều bị lạnh mà chết đi, lúc ấy còn có phân biệt cao thấp nữa hay không ?
Tiền Nhuệ trừng mắt nhìn Hà Tiểu Lại Tử, giọng châm biếm:
- Hà Hận, ngươi không biết tự hổ thẹn hay sao ? Ai là người cùng thuyền với ngươi chứ ? Bọn ta là người ở dương giới, còn các ngươi ở âm ty. Hai bên cách xa nhau quá đi chứ !
Hà Tiểu Lại Tử giương giọng lên:
- Họ Tiền kia, ngươi đừng vội nói sớm như vậy. Hiện tai ta vẫn còn sống, còn iệc sau này ai dám bảo đảm chứ ?
Tiền Nhuệ nổi giận rút ngọn roi da ra. Nhưng Trang Dực đã ngăn lại:
- Mặc hắn, chúng ta đến căn nhà kia nghỉ chân đi !
Tiền Nhuệ đành nén cơn giận dữ xuống, nhưng lại giật mạnh tay hơn, lôi ba tên phạm nhân tiến về phiá căn nhà.
Căn nhà đứng một mình giữa khu đất hoang vu. Phiá trước không có rừng cây, phiá sau không có núi cao. Chung quanh có vài tảng đá có hình thù kỳ dị. Nếu không có tuyết phủ, e rằng cảnh vật nơi đây càng tiêu điều hơn.
Trang Dực hơi nhíu mày lại:
- Căn nhà này hình như không giống có người ở...
Trang Dực chưa nói hết câu, Tiền Nhuệ đã vội lên tiếng:
- Có người ở, có người ở. Lão tổng, ngài không thấy trên nóc nhà có khói bay lên hay sao ? Nếu như bên trong không có người thì khói kia từ đâu có ?
Trang Dực đưa tay ra và bảo:
- Đưa sợi dây cho ta. Ngươi đi vào xem trong nhà có người hay không ?
Tiền Nhuệ liền trao sợi dây cho Trang Dực, rồi nhẩy xuống ngựa bước tới gõ cửa. Chỉ một lát sau, cánh cửa đã hé mở. Một cái đầu trọc lóc ló ra quan sát. Tiền Nhuệ rất ngạc nhiên, hoá ra đấy là một lão nhân.
Tiền Nhuệ liền cung tay lên và khách sáo nói:
- Lão trượng, bọn ta là người cuả nha môn, đang trên đường áp giải ba tên trọng phạm đến Tịnh Danh phủ. Bọn ta đã đi cả đêm, nên hiện giờ muốn nghỉ chân lại ở đây, đến khi trời tối sẽ tiếp tục lên đường. Hy vọng rằng lão trượng chấp thuận.
Lão nhân do dự nhìn đám người ngựa phiá sau lưng Tiền Nhuệ, vẻ ái ngại không biết phải trả lời như thế nào.
Tiền Nhuệ có vẻ hơi nôn nóng nói:
- Lão trượng không cần phải sợ hãi. Ba tên trọng phạm kia đều bị trói chặt, không thể nào thoát ra được. Hơn nữa những thiết bổ đầu như bọn ta đều có võ công, đủ để khống chế bọn chúng. Bọn ta chỉ lưu lại đây đến khi trời tối sẽ lập tức đi ngay, nhất định sẽ không gây phiền phực cho ngươi...
Lão nhân vẫn giữ vẻ do dự và đáp:
- Việc này... việc này lão không tự quyết định được. Mà phải hỏi phu nhân của ta có đồng ý hay không đã...
Tiền Nhuệ nóng lên:
- Lão trượng, ta đã dùng lời lẽ hết sức khách sáo để mượn nơi đây cuả lão. Thật ra, lão không cho mượn cũng không được. Bởi vì bọn ta có công văn cuả nha môn và lệnh bài đầu hổ quan sai. nếu lão không đồng ý sẽ mang tội danh cản trở quan sai thi hành công vụ. Đến khi ấy lão đừng có nói là tại sao khô?
Lão nhân trong khi còn chưa biết quyết định như thế nào, bỗng nhiên bên trong có tiếng truyền ra:
- Lão đang nói chuyện với ai vậy, mà không chịu đóng cưa? lại ? Định để gió bão làm lạnh chết hay sao ?
Lão nhân liền quay đầu lại, vẫy tay nói:
- Bà mau ra đây một lát. Có mấy vị quan sai muốn mượn nhà chúng ta nghỉ chân một ngày.
Khi người bên trong bước ra đến cửa. Tiền Nhuệ không khỏi giật bắn người. Thì ra ra đấy lại là một lão bà khoảng lục tuần. Bà ta có thân hình cao to như một hộ pháp, lưng thô vai rộng, mắt hổ mũi sư tử.
Đặc biệt giọng nói cuả bà ta cũng oang oang như chuông đồng:
- Ông lão, ông nói vị này chính là quan sai ?
Lão nhân hơi nghiêng đầu, chậm rãi:
- Vị quan sai này nói rằng, nếu như chúng ta không cho họ nghỉ lại, thì phạm tội cản trở người đang thi hành công vụ gì đó...
Lão bà quay sang trừng mắt nhìn Tiền Nhuệ hỏi:
- Ngươi chính là quan sai ?
Tiền Nhuệ không muốn mất nhiều thời gian giải thích, liền lấy lệnh bài đầu hổ từ trong người ra.
Đây là một miếng kim loại to độ bàn tay, ở giữa có khắc nổi hình đầu hổ. Phiá dưói đầu hổ có khắc tên và chức vị cuả chủ nhân nó.
Tiền Nhuệ đưa cái lệnh bài đến trước mặt lão bà:
- Hãy xem cho rõ, vật này có phải là giả mạo hay không ?
Lão bà liền lùi ra sau một bước, miệng cười hì hì:
- Quả nhiên là người cuả nha môn. Các ngài muốn mượn nơi đây để nghỉ chân, chúng tôi thân phận là tiểu dân đâu có dám nói không. Nhưng mà các ngài cũng không ở miễn phí chứ ?
Tiền Nhuệ thấy câu chuyện cừ dằng co, bực bội:
- Ngươi yên tâm đi, chúng ta sẽ không để cho ngươi thiệt thòi đâu. Nưa? ngày ngươi muốn bao nhiêu.
Lão bà hơi do dự:
- Bao nhiêu à ?
Tiền Nhuệ liền tiếp:
- Năm lạng bạc cho nửa ngày, ngươi không phản đối ?
Lão bà toét miệng cười:
- Không phản đối, không phản đối... Quan gia, ngoài này khí trời lạnh lẽo, ngài hãy gọi bằng hữu cuả ngài vào trong nhà đi.
Tiền Nhuệ quay đầu lại ra dấu.
Thế rồi Trang Dực xuống ngựa, dẫn ba tên phạm nhân tiến về phiá cửa.
Lão bà nhường lối cho khách bước vào bên trong. Sau đó quay say căn dặn lão nhân:
- Còn không mau đi dắt mấy con ngựa ra phiá sau ? Nhớ cho chúng ăn uống cẩn thận
Dứt lời, bà lão vội sập cửa lại. Sau đó bà ta lấy lò lửa ra đặt ở giữa phòng, rồi quay sang Tiển Nhuệ mỉm cười bảo:
- Các vị cứ tự nhiên ngồi nghỉ. Để ta ra phiá sau làm chút thức ăn cho quý vị dùng
Tiền Nhuệ lạnh lụng nói:
- Nhưng nhớ phải mau một chút
Bà ta liền bước vội ra phiá sau.
Trang Dực nồi xuống một cái ghế cạnh lò sưởi. Còn ba tên phạm nhân ngồi dưới đất, cách lò lửa không bao xa. Bởi vậy bọn chúng cũng được hưởng cái ấm phát ra từ lò lửa.
Căn nhà này gồm có hai phòng. Bên ngoài dùng làm phòng khách, phiá trong là phòng ngủ. Sau cùng mới là nhà nấu ăn, nhưng không biết nó rộng bao lớn.
Trang Dực đảo mắt nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi chậm rãi nói:
- Không biết hai vợ chồng lão nhân này làm nghề gì ?
Tiền Nhuệ liền đáp:
- Cần gì phải quan tâm đến chuyện này ? Hiện giờ chúng ta chỉ biết ăn no rồi dưỡng tinh thần để tiếp tục lên đường. Biết đâu cả đời này chúng ta sẽ không bao giờ còn ghé lại nơi đây.
Trang Dực nói:
- Một cặp vợ chồng già sống ở một nơi hoang vắng lạnh lẽo như vậy, quả thật có hơi kỳ quái. Hơn nữa, gần đây không thấy có trồng trọt và buôn bán gì cả. Thế thì tại sao họ có thể sống được ?
Tiền Nhuệ cười:
- Lão tổng, bọn họ làm sao sống được, chuyện ấy không liên quan gì đến chúng ta. Có lẽ vì làm tổng đề đốc lâu năm, nên gặp chuyện gì người cũng nghi.
Trang Dực im lặng không nói gì.
Lúc ấy lão bà kia cũng đang từ nhà trong đi ra, trên tay cầm một cái khay. Trên khay có bát đuã, năm cái chung uống trà và một bình trà đang nghi ngút khói. Mùi trà thơm lan toa? khắp gian phòng, khiến cho mọi người bụng đói cồn cào.
Lão bà rót trà vào đầy năm cái chung, đoạn quay sang Tiền Nhuệ mỉm cười nói:
- Quan gia, nơi đây hẻo lánh không có gì tiếp đãi. Thảo dân chỉ nấu cho các vị một nồi cháo lớn cùng ăn với món cải mặn mà thôi.
Cả đêm không được ăn uống nên lúc này bụng Tiền Nhuệ đã đói dữ dội.
Vừa nghe lão bà nói vậy, hắn không nhịn được liền lên tiếng:
- Vậy tại sao còn không mang ra ? Bọn ta đều đã đói lắm rồi.
Lão bà "dạ" một tiếng rồi trở vào trong. Một lúc sau bà ta bưng một nồi cháo và một đĩa cải mặn ra.